Trở Lại Cố Đô

Chương 43




Thuyền chiến cuối cùng cũng cập cảng Nam Đô.

Do thuyền chiến của ông hoàng Uy Hóa quá lớn, chỉ có thể neo ở chỗ nước sâu ngoài khơi. Mấy người bọn họ muốn đến cảng phải đổi sang thuyền nhỏ để vào bờ.

Lúc di chuyển sang xuồng tam bản nhỏ An Nhiên leo xuống từ cửa sổ ở tầng thấp nhất trên boong, cũng coi như được săn sóc, không phải leo thang dây hơn hai mét như lần trước. Vốn Ngân Hà còn nhận lệnh theo hầu hạ cô, nhưng An Nhiên không muốn. Thứ nhất cô không muốn chia rẽ gia đình lão Trịnh, thứ hai là cô còn phải đi tìm ba mẹ An, thứ ba là cô còn không thể lo cho bản thân nói gì đến lo cho người khác.

Ông hoàng Uy Hóa đứng ở mũi thuyền, mặc áo sa kép màu đen có thêu hình kì lân, sáng nay An Nhiên đã chải tóc giúp chàng, búi cao như kiểu cô đã chải cho chàng ở hiện đại. Vì khoảng cách quá xa nên An Nhiên không thấy rõ gương mặt của chàng, chỉ thấy vạt áo nhẹ bay theo hướng gió.

An Nhiên nhẹ nở nụ cười vẫy tay chào họ rồi quay lưng, chiếc xuồng nhỏ có một thuyền phu và một phó quản đội, họ đã nhận lệnh phải đưa cô vào bờ an toàn.

Ngân Hà ôm cánh tay cha Trịnh đứng gần mạn thuyền ở tầng ba, vùi đầu vào tay cha khóc thút thít. Cô bé không hiểu, đêm qua không phải ông hoàng và An tiểu thư còn tình nồng ý mật cả đêm sao, sao tự dưng nói đi là đi không có chút lưu luyến gì. Không như cha mẹ của cô bé, mỗi lần cha phải đi thuyền thì mẹ đều khóc sưng cả mắt. Ngân Hà trộm nghĩ nếu cô bé là An tiểu thư, cô bé sẽ không màng tất cả mà ở bên cạnh ông hoàng, sẽ ngày đêm săn sóc nâng khăn sửa túi cho chàng, có như vậy mới đền đáp được sự sủng ái mà chàng ban cho.

Cha Trịnh vỗ đầu con gái an ủi, chuyện của bề trên thì kẻ dưới như họ nên ngậm miệng không nghe không thấy.

Đến cảng Nam Đô, ghe thuyền tấp nập bơi trên sông, người dân đông đúc đủ mọi sắc tộc, tiếng người cười nói ồn ào hỗn loạn, tiếng người chửi rủa văng tục cũng không ít, không như ở thành Phượng êm đềm cổ kính.

Nghĩ đến hơn trăm con người trên thuyền chiến, suốt mười ngày hải trình đến một tiếng chửi thề cũng không có, vậy mới biết ông hoàng Uy Hóa huấn luyện binh lính nghiêm khắc đến chừng nào.

An Nhiên mặc quần áo cưỡi ngựa của phương Tây, cột tóc đuôi ngựa, vác ba lô, một tay xách va ly da đi theo dòng người đông đúc ra khỏi bến cảng Nam Đô.

Trên đường, người đến người đi nhộn nhịp, ngựa xe như nước. Có nhiều kiệu phu chờ khách ở bên đường, nói là kiệu thật ra chỉ là cái ghế tựa bện bằng mây, trước ghế mây có treo một thanh gỗ dẹp dùng để gác chân. Trước và sau dùng hai cây tre dài để hai người phu khiêng kiệu. An Nhiên cảm thấy có chút kì lạ, bởi vì nhiều kiệu phu lại là phụ nữ. Ban đầu cô cũng chỉ đứng bên đường quan sát, cho đến khi thấy nhiều người khách hoặc bà đầm tây cũng sử dụng phụ nữ khiêng kiệu thì cô mới chọn hai người trông có vẻ khỏe mạnh, nói với họ cô muốn thuê kiệu đi vào kinh đô.

Dọc đường đi vào kinh đô, nhà cửa người dân ở hai bên rải rác, đa số đều có cổng rào và tường bao bên ngoài nên không thấy được nhà cửa bên trong. Đến khi đi được một đoạn rất xa mới thấy được một cổng tam quan bằng đá bề thế đối diện một dòng sông, tường bao cũng bằng đá tảng cao hơn đầu người, mà dãy tường này kéo dài thật dài qua tận hai bến đò mới kết thúc. Hai bến đò cô đi ngang qua đều ồn ã tấp nập những người tây ta đang mua bán. Nữ phu kiệu nói cho An Nhiên biết đây chính là phủ đệ của ông hoàng Đình Viễn, hay còn gọi là Đình Viễn quận vương. Ngài chính là nhân vật giàu số một ở Nam Quốc.

An Nhiên trầm trồ xem kiến trúc phía trước cổng tam quan có hai mái được chạm trổ cầu kì, bảng tên phủ đệ cũng không đơn giản là tấm bảng gỗ hình chữ nhật như trong phim, mà là một bức điêu khắc cầu kì hình dạng một cuốn thư, trước cổng có bậc tam cấp.

Nữ phu kiệu phía trước không ngừng giải thích về các phủ đệ của các ông hoàng bà chúa gặp được ở trên đường, An Nhiên không ngờ cô vừa đến Nam Đô đã được phúc lợi có ‘hướng dẫn viên du lịch’ riêng như vậy.



Càng vào gần hoàng thành, nhà cửa của người dân cũng dần dần thu nhỏ diện tích và san sát nhau, nhà tường mái ngói, đúng là thời nào thì ở CBD cũng là tấc đất tấc vàng.

*CBD = centre business district.

Người dân kinh thành cũng ăn mặc sang trọng quý phái hơn người ở thành Phượng, đa số đều mặc áo tấc tay thụng hoặc áo dài ngũ thân bằng gấm hoặc lụa tơ tằm, kể cả người bình dân mặc áo vải cũng sạch sẽ tinh tươm, như hai nữ kiệu phu mà An Nhiên đang thuê dịch vụ vậy.

Trên đường phố không thấy có ăn mày, cũng không có người muốn bán thân gán nợ, đủ thấy người dân kinh thành đều có cuộc sống khá sung túc.

An Nhiên nhờ nữ kiệu phu tìm một quán trọ sạch sẽ có hai tầng, cửa chính bốn cánh sơn son rộng mở, bảng hiệu ghi bốn chữ Phước Hưng khách điếm. Cô bước xuống kiệu rồi trả cho hai nữ kiệu phu ba mươi xu như đã thỏa thuận, còn tặng thêm hai mươi xu cho họ.

Bên trong quán trọ ngồi đầy khách đang dùng bữa trưa. Vừa bước vào bục cửa đã có gã sai vặt chạy ra tiếp đón. Sau khi hỏi mục đích của khách hàng, người nọ đưa cô đến gặp chưởng quầy. Chưởng quầy là một người đàn ông trung niên, để râu dài ba phân. Ông híp mắt, trưng ra nụ cười kinh doanh tiêu chuẩn hỏi: “Cô nương, cô muốn ở trọ hay là dùng bữa?”

An Nhiên hỏi: “Ở trọ thì giá cả thế nào?”

Chưởng quầy nhanh chóng đánh giá An Nhiên, lưu loát đáp: “Phòng trọ hạng nhất giá năm mươi đồng lớn một đêm, phòng hạng hai ba mươi đồng một đêm, hai loại phòng kia đều ở tầng một, rất yên tĩnh, cửa sổ nhìn ra sân vườn phía sau. Phòng hạng ba giá năm đồng lớn một đêm nằm ở tầng trệt, chỗ đó khá gần với phòng tập thể, có chút ồn ào. Cô nương, cô muốn ở phòng loại nào?”

An Nhiên không vội trả lời, cười hỏi: “Nếu ở lâu dài có giảm giá hay không?”

Chưởng quầy gẩy bàn tính thoăn thoắt, khôn lanh đáp: “Nếu tiểu thư ở trên một tháng tôi sẽ tính cho cô giá thuê dài hạn, giảm cho cô hai phần tiền, cần phải trả trước toàn bộ chi phí.”

An Nhiên cũng không biết giá cả như vậy có đắt hay không, đây chỉ là quán trọ đầu tiên cô đến, bởi vì thấy mặt tiền sạch sẽ, có nhiều khách đang ngồi ăn cơm nên mới bước vào. Cô nghĩ chỉ có chỗ đông đúc như nhà trọ mới có thể dễ dàng nghe ngóng chuyện về An Thành tướng quân.

Bên trong ba lô của cô có một túi gấm màu hồng, túi tiền này do Ngân Hà làm cho cô, bên trên có thêu một chữ An và một trái dâu hoạt hình vui nhộn. Trong túi có năm tờ ngân phiếu một trăm lượng bạc, năm mươi quan tiền, một trăm đồng lớn, còn có một xâu tiền xu bằng kẽm.

An Nhiên nhớ đến lời Ngân Hà đã giảng về giá trị tiền ở Nam Quốc. Một lượng vàng bằng mười sáu lượng bạc, một lượng bạc bằng hai quan tám đồng lớn, một quan bằng hai trăm đồng tiền lớn, hoặc ba trăm đồng tiền nhỏ, hoặc sáu trăm xu kẽm.



Chỉ riêng học cách tính tiền ở đây, đúng là làm An Nhiên vô cùng nhụt chí. Cô học mười ngày mới có thể thông thạo cách tính. Nhưng do chưa xài bao giờ, nên không biết giá trị trao đổi vật chất ở đây thế nào.

Cô nói với chưởng quầy, “Cho tôi xem phòng trước đã.”

Chưởng quầy cho gã sai vặt dẫn An Nhiên đi xem ba loại phòng, căn phòng loại ba không rộng lắm chỉ kê được một giường nhỏ, một bàn vuông và hai cái ghế đẩu bằng gỗ, một cái tủ gỗ để đựng quần áo, kế bên giường có giá để chậu rửa mặt. Phòng loại một và hai thì rộng rãi thoáng mát hơn, đều dặt giường đôi, có nhiều đồ dùng hơn và cũng còn mới rất mới.

An Nhiên hỏi gã sai vặt chuyện tắm rửa vệ sinh. Hắn nói nếu khách cần tắm thì bọn họ sẽ nâng thùng gỗ chứa nước ấm vào phòng. Mỗi lần tắm sẽ tính thêm hai mươi đồng nhỏ. Nhà vệ sinh công cộng ở sau dãy phòng trọ, có chia ra hai khu riêng biệt, một khu dành cho khách phòng loại một loại hai, khu còn lại dành cho khách phòng loại ba, phòng tập thể và khách vãng lai.

An Nhiên cho gã sai vặt năm xu tiền kẽm, “Tôi đi dạo một lúc trước đã.”

Chưởng quầy thấy cô xem phòng rồi đi ra ngay, có vẻ chưa hài lòng với giá cả của khách điếm, nên cố nói với theo: “Cô nương, đây là giá phòng tốt nhất con phố này rồi đấy. Không tin cô nương cứ đi hỏi xem.”

An Nhiên chỉ cười xã giao gật đầu với chưởng quầy, sau đó đi tìm hiểu thêm hai ba quán trọ khác. Bọn họ đều có giá tương tự, nhưng vệ sinh có vẻ kém hơn quán trọ Hưng Phát, hơn nữa cũng có nhiều người dân lao động tứ xứ ở tập thể, bước vào phòng xem thử thì phảng phất mùi lạ, còn phải dùng chung nhà vệ sinh với tất cả khách trọ khác.

Đi loanh quanh đến quá trưa, An Nhiên cũng hơi thấm mệt. Cô bèn ngồi nghỉ chân ở một quán nhỏ ven đường, cạnh một con kênh xanh trong vắt. Người mẹ khoảng hai mươi mấy tuổi bán sữa đậu nành nóng và tàu phớ chan nước đường, cô con gái nhỏ chừng năm sáu tuổi thoăn thoắt giúp mẹ bưng bê, dọn dẹp.

An Nhiên gọi một chén đậu hủ và một cốc sữa đậu nành, thức ăn nhanh chóng được dọn lên. An Nhiên uống một ngụm sữa đậu nành nóng, vị sữa vừa béo vừa thơm mùi đậu nành kèm lá dứa, đậu hũ chan nước đường cũng vừa đủ ngọt, còn có chút vị cay của gừng, mềm mịn trơn tuột qua cuống họng. An Nhiên đói bụng nên ăn uống rất nhanh, chẳng mấy chốc thì hết. Con chị chủ quán nhìn cô mặc quần áo kì lạ nên len lén nhìn thêm mấy lần, lúc bị An Nhiên bắt gặp thì bẽn lẽn trốn ra sau quầy. An Nhiên gọi tính tiền, mẹ cô bé nói vọng ra từ quầy tổng cộng ba xu, còn bảo cô để tiền trên bàn là được. An Nhiên thấy chị ta bận bịu múc tào phớ cho khách, nên để năm xu kẽm trên bàn rồi rời đi. Trước khi đi lại bị bé con nhìn lén, An Nhiên bèn mỉm cười nháy mắt với cô bé, hại bé con đỏ cả mặt lại trốn ra sau quầy.

An Nhiên chưa đi được mười bước thì nghe có tiếng người gọi: “Chị ơi, chị tóc nâu ơi, chị đưa thừa tiền rồi.”

Cô bé con kia thoăn thoắt chạy đến chắn trước mặt An Nhiên, tay nhỏ xòe ra, trong lòng bàn tay sạch sẽ có hai xu kẽm. An Nhiên cúi xuống, xoa đầu cô bé, “Em ngoan quá, chị tặng em ăn bánh nhé.”

Nhìn mấy cô bé nhỏ tuổi đã biết giúp đỡ gia đình, giống như Ngân Hà hay cô bé này, An Nhiên đều có chút thương tiếc và mến mộ. Thương là vì còn nhỏ tuổi đã biết đỡ đần cho ba mẹ, còn mến mộ là vì họ vẫn còn gia đình để làm nơi nương tựa.

Cô bé bẽn lẽn cười, không dám nhìn thẳng vào mắt An Nhiên, “Em cảm ơn chị. Nhưng mẹ em bảo đưa lại cho chị, mẹ nói con gái ra đời một mình không dễ dàng.”

Mẹ cô bé con hẳn rất giỏi giang nên mới có thể dạy được một cô con gái hiểu chuyện thế này.