Thuận Thiên Kiếm - Rồng Không Đuôi

Chương 118: Hồi mười sáu (1)




Thành Kim Lăng quỷ vương trảm cẩu



Làng Ninh Vân sóng dữ thử vàng



Sau chuyện ở Hoa Lư, Trần Đĩnh quyết định đi theo Lê Hổ, tính cả Lê Thận thì tổng cộng có bốn người. Đĩnh và Ngũ Thư bàn nhau trước dừng lại ở Hoa Lư một thời gian, một là cho ngựa nghỉ ngơi, hai cũng là để thả lỏng một chút.



Trần Đĩnh thì suýt điên giờ mới hồi phục, Ngũ Thư và Lê Hổ lại bị truy sát phải trốn chui trốn nhủi suốt. Rồi lại còn chuyện Giản Định lên ngôi, rồi giải quyết thù xưa oán cũ của Trần Đĩnh. Đến nay mới có dịp được thảnh thơi chút đỉnh, nên cả đám cũng muốn được “ nhàn cư vi bất thiện ” một chút.



Rốt cuộc, trong mấy ngày đó bốn người thăm thú phá phách hết khu thành Tràng An năm xưa. Chiều đói thì xuống mấy nhà thuyền ở bến song Hoàng Long mua gạo mắm muối và rượu về đánh chén. Tiền bạc Lê Hổ mang theo trong người hãy còn nhiều, đủ cho cả bốn ăn uống thả cửa, nên không cần lo lắng chuyện miếng ăn. Chơi chán, tối đến lại mò về động Thiên Tôn ngủ tránh sương tránh gió.



Bốn người du ngoạn Hoa Lư gần nửa tháng, nói chuyện rất hợp ý quên cả trời đất. Mãi đến khi đã lưu dấu chân lên từng viên gạch, mới rủ nhau về.



Tờ mờ sáng…



Đoàn người rồng rắn dắt ngựa xuống bến sông Sào Khê, tìm vào mấy nhà thuyền hỏi xem có đò không. Để đi từ Hoa Lư về Lam Sơn tốt nhất là xuôi theo dòng sông, rồi chuyển qua sông Vân, đến ngã ba sông Vân giao với sông Vạc thì lên bộ đi ngựa tiếp. Đi đường thủy tránh được chốn rừng rú hiểm trở, lại đỡ cái mối nguy gặp phường trộm cướp. Tuy cả bọn không sợ, nhưng dù sao cũng đang thời loạn lạc, tránh được bao nhiêu phiền toái thì hay bấy nhiêu.



Dân chèo đò chốn này hãy còn giữ lại mấy cái bè nứa lớn từ thời Đại Ngu, trước dùng để đưa khách sang sông, hoặc chở nam thanh nữ tú du ngoạn Tràng An kiếm thêm đồng ra đồng vào đắp đổi qua bữa. Giờ đang buổi binh hoang mã loạn, hứng thú đâu mà du ngoạn thưởng cảnh nữa, thế nên mấy cái bè đành vứt xó. Thấy bốn tên thanh niên hỏi mua, chủ bè mừng còn chẳng kịp, dứt khoát bán rẻ quách đi cho rộng nhà rộng cửa.



Lê Hổ dùng bạc đổi hai cái bè lớn, dùng để chở bốn người ba con ngựa. Trần Đĩnh và Ngũ Thư xung phong chèo lái, thoăn thoắt cởi dây chống sào đẩy bè xuôi theo dòng nước.



Lê Thận mang tiếng là ngư phu, nhưng lên bè một cái là lăn ra ngủ say như chết. Trần Đĩnh đi chung một cái bè cùng y, cũng mặc kệ tên đồng môn.



Ngồi trên bè, nhắm mắt lại cảm nhận hơi ẩm mơn man da thịt, nghe tiếng nước róc rách vỗ vào thân nứa trong veo như tiếng sáo ai thổi bên bờ đê. Âu cũng là một loại trải nghiệm mới lạ so với việc cưỡi ngựa rong ruổi.



Gặp dông nước thuận, thế nên bè trôi nửa ngày là đến ngã ba sông Vạc – sông Vân. Bốn người thấy sắc trời đã chuyển sang chiều, bèn ghé bè vào bờ. Phạm Ngũ Thư nghĩ một hồi, bèn chỉ về phía tây, nói:



“ Đằng đó hình như có một ngôi làng cổ, chúng ta đến đó có lẽ sẽ tìm được chỗ nghỉ chân. ”



Bốn người dựa vào võ công của bản thân, dù có ngủ ngoài rừng hoang sông vắng cũng không sợ lắm. Trộm cướp bình thường đâu phải đối thủ của họ? Song nếu tìm được một mái che đầu thì tội gì phải tự bắt mình tắm sương uống gió.



Cách sông không xa có một ngôi làng sống bằng nghề đẽo đá đúc tượng, tên là Ninh Vân.



Bốn người lần mò vào theo hướng tây, xé qua một bãi cỏ cao thì tìm thấy cổng tam quan dẫn vào làng. Ánh nắng tàn lụi buổi hoàng hôn đậu lên mặt đá trắng xanh, bỗng nhiên hóa thành một dải vàng ròng dát khắp cánh cổng. Trời đã sắp tối, ấy thế mà từ cổng làng, cả bốn vẫn có thể nghe thấy âm thanh lục cục của dùi của đẽo hòa lẫn trong cả tiếng bình bịch êm ru của đá vụn rơi xuống nền đất thịt. Khói bếp cuộn xoắn vào những đám mây cuối thu lười nhác, lờ đờ bốc lên nền trời đầu đông thấp lè tè. Có người nói trăng thu là sáng nhất, đặc biệt là trăng cuối thu. Đêm nay, con trăng đặc biệt sáng.



Sân vắng, ánh đèn nhờ nhờ vàng nhạt hắt lên bóng lưng gân guốc của người nghệ nhân già. Hai bàn tay ông cứ thoăn thoắt, đẽo đẽo gọt gọt. Mồ hôi bóng nhẫy tứa ra ướt cả trán, song công cụ trên tay vẫn chẳng chịu dừng lấy một khắc. Chỉ có người ngoài đứng xem là phải ngừng chân, dừng mắt lại trên thứ kiệt tác đang thai nghén. Thậm chí, đến chuyện hít thở cũng phải thư thư lại. Thở chậm thôi, e sợ nếu mình gây tiếng động mạnh quá, người nghệ nhân sẽ bị đánh thức khỏi cơn say đầy thi vị ấy. Lá như cũng không nỡ rơi, gió cũng chẳng muốn thổi nữa. Chỉ có người nghệ nhân là không ngơi tay lấy một chút, các bó cơ trên người cứ lên xuống nhịp nhàng như sóng nước dập dềnh mặt sông Vân.



Giống như thể, công việc này đã hằn sâu vào máu, vào da thịt của người nghệ nhân ấy vậy.



Những công đoạn đẽo, gọt, cắt, mài vốn phức tạp vô cùng, vào bàn tay ông, bỗng trở nên tự nhiên đến lạ. Giống như bản chất nó vốn nên là như vậy, hình dáng đang từ từ rõ nét kia mới là hình hài trời sinh cho tảng đá.



Dần dà, một đóa sen thơm thành hình. Tổng cộng mười tám cánh sen bằng đá ôm lấy một quả đào tiên. Cốt lá mềm mại như sen Long thành, tưởng như có thể vì trĩu năng sương sớm hồ Tây mùa hạ mà rụng xuống bất cứ lúc nào. Mồ hôi người nghệ nhân già rơi lên cánh sen, như phết nên nét bút cuối cùng tạo nên một thiên kiệt tác.



Nháy mắt, giọt mồ hôi hóa thành sương đêm, sen đá biến thành phật liên trong giếng ngọc.



Bấy giờ, người nghệ nhân mới vươn vai, từ từ ngẩng đầu nhìn lên. Thấy bọn Lê Hổ đang đứng sẵn trong sân nhìn thứ mình mới làm, bèn nói:



“ Ấy chết, tôi mải làm quá, các chú đừng trách. Ngồi. Ngồi xuống đây. Đứng đấy mãi làm gì cho đau chân mỏi gối ra? ”



“ Ông không sợ bọn tôi là cái lũ đầu trộm đuôi cướp hay sao? ”



Trần Đĩnh cúi đầu, hỏi.



Mặc dù đã che gương mặt bị hủy hoại bằng một lần vải, y vẫn thường thấy tự ti về ngoại hình dị dạng của bản thân.



Ông nghệ nhân già nói:



“ Không. Sợ gì mà sợ? Nếu mấy chú muốn, lúc nãy đã cho tôi bước nốt chân nữa vào quan tài rồi. Với võ nghệ như mấy chú, muốn làm thế lúc nào mà chẳng được, tôi nói có đúng không? ”



“ Ông biết chúng tôi có võ công? ”



Lê Thận hồ nghi.



Hô hấp của nghệ nhân già chẳng khác gì một người bình thường, hình như ông không hề có võ nghệ hay nội lực. Thế thì tại sao lại biết bọn họ là dân giang hồ??




Ông già nhún vai, nói:



“ Có gì khó đâu. Phàm là người học võ, cử chỉ đi đứng nói năng đều có khí độ khác với người thường, tôi nhìn cái là biết ngay. Như đá này vô tri, muốn biết hồn của nó là thứ gì mới là khó. Khó hơn nhìn người nhiều. ”



Bốn người không nén nổi trầm trồ.



Ông nghệ nhân già buộc ngựa vào hàng rào rồi xuống bếp thổi cơm, luộc rau làm mấy món đơn giản, lại lấy hũ cà muối ra. Bốn người ăn bữa cơm đạm bạc với nhau, cà muối giòn rất đưa cơm, mỗi người ăn ba bốn bát liền. Chẳng mấy mà bung cơm to bự đã thấy đáy. Song ông nghệ nhân già cũng chẳng tỏ vẻ gì, lại kiếm mấy củ sắn luộc lên chấm muối.



Phạm Ngũ Thư nấu nước, pha ấm chè xanh lên, định thưởng trăng rồi mới ngủ. Chợt thấy trong buồng của người nghệ nhân già có một cặp câu đối ghi trên giấy điều, nhưng không dán lên tường mà gấp để trong gậm giường.



Y mới ngỏ ý:



“ Cụ cũng thích thơ văn sao? Con cũng biết vài chữ, có thể cho con mượn đôi câu đối kia tham khảo được không? ”



Ông già nghệ nhân nói:



“ Ấy không phải câu đối đâu. Ài… Tôi ước gì mình viết sai còn không được. Thôi anh cứ lấy ra đây vậy. ”



Phạm Ngũ Thư lấy đôi câu đối ra, trải lên bàn cho mọi người cùng xem. Nét bút cứng cáp nhưng phong vận giản dị bình thường, rõ ràng người viết không thạo món thư pháp lắm. Lạc khoản đề ngày mùng hai tháng giêng, năm Khai Đại thứ tư.




Đôi câu đối này viết trước khi quân Minh dẫn Trần Thiêm Bình tràn sang.



Còn nội dung của nó là:



Kỳ La hải khẩu ngâm hồn đoạn,



Cao Vọng sơn đầu khách tứ sầu.



Nghĩa là:



Kỳ La cửa biển hồn thơ dứt,



Cao Vọng đầu non dạ khách buồn.



Lê Hổ ngẫm kỹ nghĩa của hai câu đối, sau đó giật mình. Cao Vọng là nơi vua Hồ Hán Thương – Khai Đại đế - trầm mình tự vẫn. Còn cửa Kỳ La là nơi Hồ Quý Li bị bắt.



Hai câu đối này trông có vẻ đơn giản, thủ pháp không quá đặc sắc, cũng không đối nhau chan chát. Nhưng hóa ra nó lại là lời sấm tiên tri, báo trước sự diệt vong của nước Đại Ngu.



Phạm Ngũ Thư nói:



“ Không ngờ ông lại có tài tiên tri. Bội phục, bội phục. ”



Người nghệ nhân già thở dài, than rằng:



“ Đất có hồn thiêng, đá có phách thần. Triều đại hưng thịnh, suy vong đều do khí số. Mà riêng chuyện khí số triều đại, còn ai rõ hơn đất nước nữa? ”



Nói đoạn, ông đột nhiên chạy ra ngoài sân, lấy dùi với đục đẽo liên tục vào bông sen đá mới tạc. Cả bốn người chẳng rõ đầu cua tai nheo thế nào, xong cũng theo ra ngoài, lấy đuốc soi cho ông.



Người nghệ nhân già khắc nhoáng một cái, đài sen đã có thêm bốn chữ: “ Liên diệp thác đào ”. Ông làm xong đâu đấy, mới ngồi phịch xuống đất, mồ hôi tứa ra như tắm, mặt mũi lúc trắng lúc xanh.



Bốn người kia thấy sự lạ, đang định đỡ ông dậy, thì ông gạt ngay:



“ Không được. Mấy cậu đi nhanh đi, không là không kịp. ”



“ Bác nói gì chúng cháu không hiểu?? ”



Người nghệ nhân già có vẻ gấp gáp lắm rồi, ông thở hổn hển, chòm râu trắng như cước tựa hồ muốn dựng ngược lên.



“ Trời ơi. Tôi nói thì các cậu cứ nghe đi. Mau. Mau chạy đi. Đêm nay chớ có dừng lại ở đâu cả. Mang cả nó theo. Mau! Đi mau! ”