Chú vãng sanh sẽ giúp họ nhận được cơ hội uống canh Mạnh bà, một lần nữa luân hồi làm người.
“Con gái Trần Đại Lâm mất ở tuổi sơ sinh, trên lưng không đeo nghiệp chướng nhưng thời điểm hồn phách lìa khỏi thân thể lại đúng lúc Trần Đại Lâm sử dụng bí thuật giúp nó dưỡng hồn. Cặp song sinh nhà Lý gia hoàn toàn vô tội, thế nên nghiệp chướng này Trần Đại Lâm chắc chắn có phần và đứa trẻ được dưỡng hồn cũng không thoát khỏi liên đới.”
Sinh - lão - bệnh - tử vốn đã được sắp đặt sẵn, đến và đi tất thảy đều là do duyên. Duyên chưa tận muốn chết cũng không được mà duyên đã cạn cố giữ cũng chẳng xong. Vậy thì cứ tuỳ duyên đi, hà cớ gì phải níu kéo để rồi hại mình hại người, rước lấy khổ đau bất tận. Tội nghiệp con bé, mới vừa chào đời còn chưa biết gì đã phải gánh tội nghiệt nặng nề. Không những kiếp này bỏ mạng oan uổng mà còn ảnh hưởng tới phước phần nhiều đời sau nữa.
Vì ích kỷ ngu si, Trần Đại Lâm chỉ chăm chăm lo cho kiếp này mà không màng tới nhân quả báo ứng về sau. Nói đến cùng vẫn là hắn cố tình tạo tội tạo nghiệp để giờ đây hối hận thì đã quá muộn màng.
Khóc lóc dằn vặt hơn nửa tiếng đồng hồ, cuối cùng Trần Đại Lâm cũng bình tĩnh trở lại.
Nhưng vừa tỉnh táo được một chút là hắn lại lật đật quỳ xuống đất van cầu.
Lần này, Văn Trạch Tài ngồi yên, không tránh né.
“Văn đại sư, tất cả tội lỗi là do một mình tôi gây ra, không liên quan gì tới con gái tôi. Tôi không thể để nó vì tôi mà bị đẩy vào con đường đày đoạ, tăm tối. Tôi đã tới Lý gia dập đầu nhận tội, đây là lá thư do chính tay Lý thôn trưởng viết, bên trên có đóng con dấu của thôn. Mời đại sư xem.”
Văn Trạch Tài đón lấy tờ giấy. Bức thư này ông thôn trưởng gửi đích danh anh, bên trong ghi rõ Lý gia đồng ý tha thứ cho Triệu Đại Lâm, đồng thời hy vọng Văn đại sư rủ lòng thương giúp đỡ cháu bé. Cuối thư quả thực có đóng dấu xác nhận và chữ ký của cả thôn trưởng Lý lẫn anh ba Lý.
“Cần xin thầy, Văn đại sư, tôi cầu xin thầy…” Trần Đại Lâm mếu máo vừa khóc vừa dập đầu thành khẩn van nài.
Văn Trạch Tài thở dài, đích thân nâng anh ta dậy: “Đồng chí Trần, tôi có thể giúp anh. Nhưng anh nên biết rõ, gieo nhân nào sẽ gặt quả nấy, nửa đời còn lại của anh chắc chắn không thể bình yên.”
“Tôi biết, tôi biết!” Trần Đại Lâm kích động rối rít gật lấy gật để: “Tôi sao cũng được, chỉ cần con gái có thể siêu thoát, kiếp sau được đầu thai vào chỗ tốt.”
Trần Đại Lâm thuộc kiểu người bộp chộp, làm việc không lường trước tính sau, tỉ như chuyện của con gái lúc trước hay vấn đề của chính bản thân mình lúc này cũng vậy. Hắn không hề suy xét hậu quả cũng chẳng màng liệu sau này bản thân có hối hận hay không.
Nhưng thiết nghĩ, giờ cũng chẳng còn cách nào khác. Văn Trạch Tài hiện chỉ có thể giúp hắn viết một bản Chú vãng sanh, còn lại tương lai ra sao thì phải do ông trời định đoạt.
Những thứ cần dùng để làm lễ, Trần Đại Lâm đã chuẩn bị đủ, bao gồm sanh thần bát tự, tóc máu và tinh huyết của đứa trẻ.
Chỗ máu hắn mang tới hơi ít, cũng may vừa đủ để hoà cùng chu sa, viết được một tờ Chú vãng sanh hoàn chỉnh cùng ngày tháng năm sinh của con bé.
Chú vãng vang viết trên giấy vàng mã bình thường còn ngày tháng năm sinh thì viết bằng giấy hoàng cốt tương.
Viết xong, Văn Trạch Tài chuyển tờ Chú tới trước mặt Trần Đại Lâm, nhàn nhạt nói: “Điểm chỉ đi.”
Trần Đại Lâm không hỏi hai lời, lập tức cắn đầu ngón tay rồi ấn xuống một dấu máu đỏ chót.
“Sau bốn giờ chiều mới được bắt đầu thiêu Chú vãng sanh. Bắt buộc phải có mặt cả hai vợ chồng cùng làm lễ. Và phải đợi tới hừng đông sáng hôm sau mới được rời khỏi mộ phần.”
Trẻ nhỏ không may yểu mệnh mất sớm, phần đông các gia đình thường tiến hành mai táng theo cách thức đơn giản, gọn nhẹ. Nhưng Trần Đại Lâm thì khác, vì quá lưu luyến con gái cho nên không giản lược bất cứ khâu nào. Thậm chí người ta chỉ đắp một gò đất nhỏ nhưng hắn lại cho xây cả một toà mộ đồ sộ, hoành tráng.
“Đa tạ Văn đại sư, đa tạ Văn đại sư”, Trần Đại Lâm nâng niu hai tờ giấy như báu vật cuộc đời, cung kính cúi đầu thật sâu.
“Đi đường cẩn thận”, Tần Dũng mở cửa tiễn khách.
Trần Đại Lâm sải bước nhanh nhất có thể, chỉ tích tắc đã biến mất khỏi tầm mắt ba người.
“Tội nghiệp đứa nhỏ!” Cùng có con gái trong độ tuổi sơ sinh, Triệu Đại Phi tức cảnh sinh tình, không nén được bi thương.
Văn Trạch Tài mượn cơ hội này cảnh tỉnh đệ tử: “Nhớ kỹ, người trong Huyền môn mà làm bậy thì sẽ phải trả giá gấp đôi. Hãy coi đây là một bài học để luôn luôn nhắc nhở bản thân tuyệt đối không được phạm sai lầm.”
Và cái giá mà Trần Đại Lâm phải trả chính là thọ mệnh của mình. Thời hạn còn lại không quá ba năm, một kết cục hoàn toàn thích đáng!
Còn về vụ việc của Tôn Vĩnh Minh, mãi tới hôm trước khai giảng một ngày Văn Trạch Tài mới được biết kết quả.
Tất nhiên là do Tần Dũng thông báo: “Tôn Vĩnh Minh không có bệnh mà là bị trúng thuốc. Hôm 30 Tết, vợ hắn bị bà chị ruột dụ dỗ với lời hứa hẹn việc nhẹ lương cao. Mà công nhận lương cao thật, những 50 đồng cho một lần thử thuốc, chỉ với một yêu cầu đơn giản là đảm bảo giữ bí mật, không được tiết lộ ra ngoài.”
Tôn gia thuộc tầng lớp khá giả trong xã hội. Nếu nói giàu thì vẫn thua kém nhiều người nhưng so với các gia đình bình thường khác thì cũng được xếp vào hạng có của ăn của để.
Mặc dù cuộc sống no đủ là vậy nhưng chị Tôn chẳng lúc nào chịu sống yên ổn bởi cái tính thích đua đòi, đặc biệt luôn so bì hơn thua với nhà mẹ đẻ và nhất là với bà chị ruột.
Bắt đầu từ năm ngoái, chị Tôn đã cảm thấy chị gái bỗng dưng phất lên một cách bất thường. Chẳng những có tiền sửa sang nhà cửa, lại còn ăn tiêu chưng diện thoải mái. Mà mấu chốt là ông anh rể không có công ăn việc làm, như vậy suy ra những đồng tiền kiếm được chắc chắn là phi nghĩa.
Và không để cô em tò mò lâu, bà chị gái đã chủ động nói ra sự thật đồng thời rủ rê em gái cùng nhau làm giàu.
Mỗi đợt kéo dài mười ngày tới một tháng tuỳ từng loại thuốc và được trả công 50 đồng. Thử xong thuốc này liền có thể tiếp tục đăng ký thử thuốc khác.
Nghe bùi tai, chị Tôn lén chồng đi ký hợp đồng bảo mật rồi nhận thuốc về nhà. Nhưng chị còn chưa kịp uống thì thằng con nghịch ngợm vô tình đụng trúng làm rớt một phần thuốc vào cốc nước. Đúng lúc Tôn Vĩnh Minh tan tầm về tới nhà, vừa mệt vừa khát nên nhìn thấy nước là bưng lên tu một hơi cạn sạch. Chị Tôn ngăn không kịp chỉ có thể trơ mắt nhìn chồng nuốt hết cốc thuốc vào bụng.
Không bao lâu sau, Tôn Vĩnh Minh bắt đầu xuất hiện tình trạng ảo giác và mất trí nhớ. Chị Tôn nào dám khai thật với cha mẹ chồng nên liền tìm bà chị gái bàn bạc.
Sau khi thương lượng, hai chị em quyết định tạm thời nói với mọi người rằng Tôn Vĩnh Minh bị mắc chứng đãng trí rồi hối hả đi tìm bên cung ứng thuốc để nghĩ phương án giải quyết.
Trái ngược với sự lo lắng của hai chị em, bên cung ứng không những không phạt tiền mà còn phối hợp giúp chị Tôn đổi thuốc từ đơn của bác sĩ thành thuốc thí nghiệm cho Tôn Vĩnh Minh uống.
Ban đầu chị Tôn không chịu, nhưng đối phương uy hiếp trắng trợn cộng với dụ dỗ bằng cách trả thêm tiền nên cuối cùng tất cả thống nhất để Tôn Vĩnh Minh làm dược nhân thử thuốc.
Vợ chồng Tôn Vĩnh Minh đến với nhau là do mai mối, tình cảm đôi bên không mặn cũng chẳng nhạt. Nhưng rõ ràng là trong lòng chị Tôn, người chồng này cũng không quá quan trọng vậy nên mới dễ dàng thoả hiệp như vậy.
Theo quy định, mỗi ngày chị Tôn chỉ cần giám sát Tôn Vĩnh Minh uống thuốc là xong nhiệm vụ. Những vấn đề sau đó không cần quan tâm.
Con trai đang khoẻ mạnh bình thường, bỗng dưng đổ bệnh nhớ nhớ quên quên, nói năng liên thiên như thằng khùng khiến ông bà Tôn lo sốt vó. Song bên cạnh việc lo lắng cho tình trạng sức khoẻ của con trai thì ông bà càng sợ con dâu chán chồng, bỏ nhà theo trai hơn. Thế nên thái độ đối xử với con dâu tự nhiên khác hẳn, hoà nhã, vui vẻ và bao dung hơn trước rất nhiều.
Ngày đó khi Tần Dũng tới gõ cửa cũng là lúc vợ chồng Tôn Vĩnh Minh đang cãi vã kịch liệt. Tôn Vĩnh Minh khăng khăng cho rằng thứ thuốc hàng ngày hắn uống không hề có tác dụng chữa bệnh, thậm chí còn khiến cho tình trạng ngày càng trầm trọng hơn. Nhưng chị Tôn cứ bám chặt vào luận điểm đầu óc hắn có vấn đề để bác bỏ toàn bộ nghi vấn đồng thời cố tình bù lu bù loa lên nhằm di dời trọng tâm cuộc tranh cãi.
Ông bà Tôn tất nhiên là đứng về phía con dâu thế nên Tôn Vĩnh Minh mới mơ hồ cảm thấy cả nhà đang hùa nhau hại mình. Ý nghĩ này khiến hắn sợ hãi vô cùng nên mới cố ý mắng chửi và đuổi Tần Dũng về.
Cũng may Tần Dũng nhanh trí, đã phối hợp diễn một vở tuồng cùng Tôn Vĩnh Minh.
Chỉ là không ngờ sau khi Tần Dũng về rồi, chị Tôn vẫn không buông tha, một hai ép Tôn Vĩnh Minh phải uống thuốc bằng được. Bản năng sinh tồn trỗi dậy, Tôn Vĩnh Minh quơ đại một vật trong tầm với phang thẳng vào đầu cô vợ.
“Loại thuốc Tôn Vĩnh Minh uống có thành phần gây rối loạn tinh thần, là một trong các chất bị liệt vào danh sách cấm của chính phủ. Chị gái và anh rể của chị Tôn đã bị công an bắt khẩn cấp. Còn hành vi đánh người của Tôn Vĩnh Minh được xem xét là phòng vệ chính đáng nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hôm nay hắn vừa được thả.”
Nói xong, Tần Dũng chép miệng thở dài, Triệu Đại Phi cũng vô thức bắt chước theo. Mặc dù không biết cái thở dài này là dành cho ai, cho Tôn Vĩnh Minh, cho chị Tôn hay là tiếc nuối cho một mái ấm nhỏ đã vỡ tan hạnh phúc.
Nhưng có là gì đi chăng nữa thì mọi chuyện cũng đã khép lại. Kẻ phạm pháp bị bắt giữ đúng người đúng tội, Tôn Vĩnh Minh được minh oan và được thả tự do.
Vạn vật trên thế gian tồn tại không nằm ngoài quy luật Nhân - Duyên - Quả. Phàm ở đời chỉ cần hành thiện tích đức ắt sẽ được hồi báo phước lành, sống an yên hạnh phúc. Ngược lại, nếu dấn thân vào con đường tội lỗi, gây nhiều ác nghiệp chắc chắn sẽ thu về đau khổ trần ai. Trong nhà Phật thường nói “Vạn pháp giai không, nhân quả bất không”. Vậy nên nếu muốn ăn quả ngọt, chúng ta phải gieo hạt mầm tốt!
“Mỗi ác nghiệp là một tờ giấy nợ
Trả hiện đời hoặc ở mai sau
Vay bao thì trả cũng bao
Xưa nay nhân quả luật nào nể ai"