Lý Đại Thuận trề môi khinh bỉ: “Nói như anh thì lấy vợ rồi không gây dựng sự nghiệp được chắc? Các cụ xưa đã dạy “cưới vợ phải cưới liền tay, chớ để lâu ngày lắm kẻ dèm pha”. Gì thì gì cứ rước về nhà mình là chắc cú nhất, một năm trời dài đằng đẳng đâu ai nói chắc được chuyện gì. Anh Văn, anh thấy em nói có đúng không, anh giúp em một câu công bằng đi, chứ cái ông này lỳ như trâu, em khuyên rát cổ nổ hầu mà nhất quyết không nghe là không nghe, bực vãi chưởng!”
Thế nhưng Văn Trạch Tài chưa kịp phản ứng, Lâm Ái Quốc đã gãi đầu gãi tai bộc bạch tâm sự thầm kín: “Thì tại cửa hàng cửa họ còn chưa đâu vào đâu, anh định đợi một thời gian nữa cho mọi việc đi vào ổn định, kiếm được một khoản kha khá rồi mới đi hỏi vợ cho nó ra tấm ra món. Anh…anh không muốn phụ tấm chân tình của cô ấy!”
Nhắc tới người thương, đáy mắt Lâm Ái Quốc bùng cháy ngọn lửa tình, thái độ cũng mềm mỏng dịu dàng hơn ngày thường rất nhiều, đúng kiểu người đàn ông đang đắm chìm trong men say tình ái.
Ối dồi ôi, đang yên đang lành tự nhiên thấy tim bay ngập trời, cả Lý Đại Thuận lẫn Văn Trạch Tài không hẹn mà cùng rùng mình mấy phát, da gà da vịt cứ phải gọi là nổi lên rần rần. Khiếp quá, có tí yêu đương vào phát là sến sẩm hơn cả cải lương!
Nhận thấy Văn Trạch Tài vẫn gần gũi, chân thành như xưa, Lý Đại Thuận mới dám gạt bỏ vẻ dè dặt, thấp thỏm ban đầu mà mạnh dạn đặt vấn đề: “Văn đại sư, phiền anh tính cho em một quẻ với.”
Ôi gì chứ cái này thì đơn giản, Văn Trạch Tài nhận lời ngay: “Tính con cái đúng không?”
Lý Đại Thuật vội gật như bổ củi: “Vâng vâng, đúng là tính con cái nhưng cái này không phải ý em, là ý của vợ em đấy. Tuy rằng cha mẹ em rất mong cháu nhưng cũng không đến mức thúc giục, áp lực lên hai vợ chồng. Thế nhưng vợ em cứ cuống quýt tít mù hết cả lên. Chắc gả về Lý gia lâu rồi mà vẫn chưa có mụn con nào đâm ra cô ấy sốt ruột, sợ thiên hạ dị nghị.”
Văn Trạch Tài nghiêm túc nhìn thẳng vào ấn đường Lý Đại Thuận, thấy hắc khí vẫn tụ quanh dày đặc, anh liền lắc đầu nói: “Kiếp nạn của cậu vẫn chưa qua cho nên chưa đón được tin vui đâu. Nhưng dựa vào tướng mạo thì có thể khẳng định số cậu con đàn cháu đống đấy tuy nhiên còn phải xem xem cậu có bình an vượt qua kiếp nạn này không đã.”
Trước đây, Văn Trạch Tài đã nhắc nhở chú thím Lý về đại nạn của Lý Đại Thuận. Vậy nên trên dưới Lý gia vô cùng cẩn trọng, tuyệt đối không dám lơ là cảnh giác.
Trời! Lâu vậy mà vẫn còn đen à, Lý Đại Thuận chán nản vô thức nâng tay sờ sờ cái trán mình: “Lúc nào trái tim em cũng như treo ngược cành cây ấy anh ạ, hồi hộp kinh khủng khiếp, chả biết lúc nào hoạ từ trên trời rớt xuống nữa. Suốt nửa năm qua, em đi tới đâu là vợ em đi theo tới đó. Thậm chí em lên phố cô ấy cũng không rời nửa bước vì sợ em gặp chuyện không may giữa đường.”
Lâm Ái Quốc thêm lời: “Ban đầu tôi cũng tính rủ Đại Thuận lên tiệm hỗ trợ, nhưng sau khi nghe chuyện này thì thôi, không dám gọi nó nữa, nhỡ chẳng may xảy ra chuyện gì thì chết dở.”
Khi đối diện với kiếp nạn, cổ nhân có câu “thà tin là có, chớ tin là không”, huống hồ kiếp nạn này là do Văn đại sư tính ra thế nên càng không thể không tin!
Để cẩn thận, Văn Trạch Tài lại dặn dò thêm lần nữa: “Hắc khí tụ dày đặc, quấn quanh khắp cơ thể, có lẽ ngày đó không còn xa nữa đâu. Nên nhớ vạn sự cẩn thận, tuyệt đối tránh tranh chấp đôi co với người khác.”
Lý Đại Thuận vâng vâng dạ dạ, nghiêm túc ghi nhớ không sót một chữ nào.
Không ngồi chơi lâu, Văn Trạch Tài đứng dậy đi về nhà mình. Ai dè mới vừa mở cửa bước vào, còn chưa kịp đặt mông ngồi xuống ghế đã nghe tiếng mẹ vợ gắt um tí mẹt ngoài cổng: “Mày bỏ mẹ ra, thôi thôi cái gì mà thôi thôi, động vào ai chứ động vào con gái với cháu ngoại mẹ thì đừng hòng mẹ để yên. Tất nhiên phải làm cho ra ngô ra khoai rồi. Ăn có thể ăn bậy chứ nói thì không thể nói bậy được. Đứa nào dám đặt điều vu khống mẹ gang mồm nó ra! May phước cho chúng nó là hôm nay mẹ đi tay không đấy, bằng không thể nào cũng có đứa vỡ đầu! Bố láo bố lếu, mày hiền chứ mẹ không có hiền đâu, đừng tưởng giỡn mặt được với mẹ. Ai dà cái con bé này, đừng có kéo….”
Thì ra bà Điền đang vô cùng bức xúc vì những lời đồn thổi vô căn cứ nhằm vào Điền Tú Phương và Thiên Nam. Ban nãy may có Điền Tú Phương kịp thời can ngăn chứ không thôi tí chút to chuyện rồi!
Đúng lúc này, thằng nhóc Đại béo ở đâu huỳnh huỵch chạy lại, hớt hơ hớt hải thông báo: “Bà nội bà nội, mẹ cháu sắp sinh.”
Nghe vậy, cả bà Điền lẫn hai vợ chồng Điền Tú Phương không nói hai lời, vội vàng nháo nhào chạy về hướng Điền gia.
Vừa về tới nhà, bà Điền lập tức bảo ông Điền mau mau điều xe kéo tới rồi sốt sắng chỉ đạo Điền Kiến Quốc phải chở vợ lên bệnh viện gấp.
Tuy nhiên, lên tới thị trấn thì bác sĩ lắc đầu nói ca này tương đối phức tạp, phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên may ra mới được. Thế là bà Điền, Điền Kiến Quốc và Văn Trạch Tài lại lục tục đưa Ngô Mai lên bệnh viện huyện ngay trong đêm.
Tới khi chân chính nằm trên giường bệnh tại bệnh viện trung tâm huyện thành, Ngô Mai mới có thể bình tâm nghĩ lại một ngày kinh hoàng vừa qua.
Chả là trong thôn cũng có một bà bầu khác, vốn dĩ hai chị em hay chuyện trò tâm sự, chia sẻ bị kíp trị nghén rồi thỉnh thoảng dấm dúi cho nhau mấy quả khế quả me ăn cho đã cơn thèm. Tính ra thì ngày dự sinh của Ngô Mai và chị ấy cũng gần gần nhau. Nhưng ai ngờ đâu hôm qua chị bạn bất ngờ chuyển dạ lại gặp phải ngôi thai bất thường dẫn đến khó sinh, bà mụ yêu cầu gia đình đưa đi viện gấp. Song bà mẹ chồng vì tiếc rẻ chút tiền mà nhất quyết không chịu, cứ bảo xuống giường đi qua đi lại một hồi là đẻ được ngay ấy mà, việc gì phải vào viện cho tốn kém. Nhưng không may, những cơn đau dồn dập liên tiếp, vượt qua giới hạn chịu đựng của bà bầu. Chị ấy ngã xuống, máu nhuốm đỏ sàn nhà, tắt thở ngay tại chỗ, một xác hai mạng!
Sau khi nghe tin dữ, Ngô Mai lập tức rơi vào trạng thái đau buồn và hoảng loạn tột độ, chị liên tục thở dốc, nhịp tim tăng đột ngột và những cơn gò cũng bắt đầu xuất hiện thúc mạnh vào tử cung. Rất may, mẹ chồng có mặt kịp thời, lập tức hô hào mọi người, sắp xếp xe cộ đưa chị đi bệnh viện cấp cứu chứ phải bà mẹ chồng khác hoặc chậm trễ một chút thôi, chắc chị cũng giống như người bạn xấu số kia rồi!
Phải vào những lúc ngặt nghèo thế này, chị mới thực sự cảm nhận được câu mà mọi người trong thôn hay truyền tai nhau “Điền gia là một gia đình phúc hậu”. Mà công nhận, nhà này ai cũng hiền lành và lương thiện, từ chồng, cha mẹ chồng cho tới cô út, dượng út. Hết lần này tới lần khác, mọi người đều bao dung, tha thứ cho cái thói ích kỷ, ghen tuông tầm thường của chị. Đúng là sống trong phúc mà không biết hưởng, chị quả thực ngu khờ quá đi mất. Cũng chính vì vậy chị đã tự nhủ với lòng sau này nhất định phải cố gắng trở thành vợ hiền dâu thảo, một lòng chiều chồng thương con, phụng dưỡng cha mẹ chồng thật chu đáo, không vô cớ sinh sự khiến cha mẹ và mọi người phải phiền lòng nữa.
Đang miên man trong dòng suy nghĩ, bỗng nhiên Ngô Mai nghe thấy lời ai oán phát ra từ một sản phụ nằm ở giường kế bên: “Chị tốt số thật đấy, có được bà mẹ chồng tử tế đi theo con dâu lên tận đây chăm sóc từng ly từng tý, chứ em thì chán lắm, đi đẻ là nhà ngoại cho tiền ấy chứ, nhà nội không bỏ ra một đồng một cắc cũng chẳng thèm ngó ngàng đoái hoài gì. Từ hôm sinh cháu tới giờ em chưa thấy mặt mũi mẹ chồng đâu hết. Vì vừa nghe em đẻ con gái là bà ấy đang đi giữa đường lập tức lộn ngược trở về, không thèm thăm nom, thậm chí một lời hỏi han cũng chả có. Nghĩ mà chán hết cả người lên được!”
Đang thao thao bất tuyệt thì cánh cửa phòng thình lình bật mở, hoá ra là Văn Trạch Tài cùng bác sĩ đi vào, thấy vậy cô ấy lập tức ngậm miệng, nhắm mắt, quay vào trong tường giả vờ ngủ.
Bác sĩ tiến tới bên giường chuẩn bị kiểm tra cho Ngô Mai. Văn Trạch Tài ý tứ tránh ra bên ngoài. Đúng lúc Điền Kiến Quốc xách cặp lồng thức ăn đi tới, thấy ông em rể đứng tần ngần ngoài cửa phòng, anh ngơ ngác hỏi: “Ơ, sao dượng lại đứng ở đây, sao không vào trong?”
Văn Trạch Tài chỉ chỉ tay ra dấu: “Chị cả tỉnh rồi, bác sĩ đang kiểm tra.”
Điền Kiến Quốc vui vẻ ra mặt: “Tỉnh rồi à? Tình là tốt, tỉnh là tốt!”
Thật ra tình trạng của Ngô Mai cũng không phải quá mức nghiêm trọng. Cô ấy bị thiếu máu, đây cũng là triệu chứng chung thường gặp phải trong thai kỳ, nếu bà bầu không được ăn uống đầy đủ thì đứa trẻ trong bụng sẽ hút hết dưỡng chất khiến cho cơ thể người mẹ bị mất cân bằng thậm chí dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng.
Biết được kết quả, Điền Kiến Quốc yên tâm ở lại chăm sóc vợ còn Văn Trạch Tài thì nhanh chóng quay về nhà báo tin chớ không để mọi người chờ lâu sốt ruột.
Nghe tin tốt, cả nhà đều thở phào nhẹ nhõm, Điền Tú Phương nhìn quanh ngẫm nghĩ rồi vui mừng chỉ vào đôi gà trong chuồng nhà mình: “Hay là hầm nồi canh cho chị cả bồi bổ thân thể anh nhỉ.”
Văn Trạch Tài đồng ý ngay: “Ừ, ý kiến của vợ hay đấy, đôi gà mái này già rồi hầm lên chắc chắn sẽ rất bổ cho xem.” (1)
Dứt lời, Văn Trạch Tài nhiệt tình xách dao xách nồi chuẩn bị mần thịt đôi gà. Trong lúc anh đang tập trung vặt lông thì Hiểu Hiểu và Thiên Nam ngồi hai bên nhìn chằm chằm không chớp mắt, coi bộ có vẻ thèm lắm rồi đây!
Ngẫm nghĩ một lát, Văn Trạch Tài liền nhặt mấy sợ lông dài và đẹp nhất, túm lại thành quả cầu cho hai đứa chơi rồi kéo vợ sang một bên nhỏ giọng thương lượng: “Hay là mình đưa lên cho chị cả một con thôi, còn một con để lại cho hai đứa nhỏ ăn. Em thấy thế nào, được không?”
Điền Tú Phương lâm vào trầm tư, thật ra bên nhà mẹ cũng có nuôi một đàn thế nhưng giờ mẹ đang trên bệnh viện chăm chị dâu đẻ mà cô lại chẳng biết lứa gà đó bao tháng rồi, chẳng may bắt bậy bắt bạ mẹ về mẹ chửi chết. Dù gì nhà mình cũng có hai con, vậy cứ chọn lấy con to hầm cho chị dâu, còn con bé thì giữ lại cho hai anh em Thiên Nam vậy, chứ để tụi nhỏ thèm thuồng xem chừng tội nghiệp quá.
Thôi cứ quyết như vậy đi, Điền Tú Phương quay ra bảo chồng: “Mổ con to thôi anh ạ, anh thả con nhỏ về chuồng đi, đợi mấy hôm nữa em hầm cho các con ăn.”
===
Chú thích:
(1)Dựa vào kinh nghiệm của người xưa, gà mái càng già thì công dụng khu phong bổ huyết càng tốt. Gà mái già nói chung thường gầy, ít mỡ, nhưng chất vôi lại nhiều. Dùng lửa nhỏ hầm lâu sẽ rất thích hợp để bồi bổ cho người bị thiếu máu và tiêu hoá kém.