Thập Niên 70: Đoán Mệnh Sư

Chương 104: Con rối




Văn Trạch Tài và Điền Tú Phương mỗi người bế một đứa con trên tay, tới tận khi tìm được đúng số toa, số giường mới yên tâm thả tụi nhỏ xuống. Văn Trạch Tài nhanh nhẹn cất gọn hành lý lên trên giá rồi cúi người xoa đầu hai đứa nhỏ, ân cần dặn dò: “Giờ cha đi mua nước nóng, các con ngồi ở đây chơi, phải nghe lời mẹ, tuyệt đối không được chạy lung tung có biết chưa?”

Chợt nhớ tới vụ tai nạn lần trước, Điền Tú Phương lập tức nhắc nhở: “Cẩn thận đừng để bị bỏng nghe anh!”

“Ừ, anh biết rồi!” Văn Trạch Tài khẽ cười, nếu không nhờ lần đó thì cũng chưa chắc đã quen biết Tất Trường Lâm. Duyên phận ở đời đôi khi khó nói trước lắm, mỗi cuộc gặp gỡ đều là một sự sắp đặt của định mệnh. Không ai là vô duyên vô cớ xuất hiện trong cuộc đời bạn cả, sự hiện hữu của mỗi người đều có nguyên do, đều đáng được cảm kích. Vậy nên chúng ta cứ vui vẻ mà đón nhận, cứ bình thản để mọi thứ thuận theo lẽ tự nhiên!

Song lần này không có bất kỳ duyên kỳ ngộ nào hết, Văn Trạch Tài bình an quay trở về với một bình nước nóng đủ để vợ và các con uống cho ấm người. Tuy nhiên anh vẫn lo lắng mấy mẹ con sẽ bị say xe, thế nên vừa uống xong là anh lập tức giục lên giường nằm nghỉ.

Điền Tú Phương quan tâm hỏi: “Anh không ngả lưng một chút à?”

Văn Trạch Tài cười lắc đầu: “Không sao, em và các con cứ nghỉ đi, anh không mệt.”

Nói là nói vậy thôi chứ kỳ thật anh không yên tâm chợp mắt. Xe lửa chạy suốt hai ba ngày trời, người lên người xuống liên tục, ngư long hỗn tạp (1), anh không thể không phòng bị.

Và thực tế chứng minh Văn Trạch Tài cẩn thận không thừa chút nào. Trước lúc tàu vào bến, Hiểu Hiểu và Thiên Nam mắc tiểu, Văn Trạch Tài hai tay dắt hai đứa hướng về phía nhà vệ sinh phía cuối toa. Đợi tụi nhỏ giải quyết nỗi buồn xong xuôi, ba cha con lại len lỏi quay về chỗ ngồi thì bất thình lình một bé gái bị người khác xô đẩy ngã sõng soài xuống sàn. Thấy vậy Hiểu Hiểu tốt bụng, vội vàng buông tay cha, chạy tới đỡ bạn dậy.

Nhưng bất ngờ thay, khi đứa bé kia ngẩng đầu lên liền lộ ra một khuôn mặt trắng bệch cùng đôi môi đỏ chót, trông chẳng khác nào những hình nhân bằng giấy mà dân gian thường đốt xuống suối vàng cúng người quá cố, ghê rợn vô cùng!

Nhanh như cắt, Văn Trạch Tài lôi tuột Hiểu Hiểu ra sau lưng đồng thời phóng ánh mắt lạnh băng về phía đối diện khiến đứa bé kia vô thức rùng mình một cái rồi chậm chạp bò dậy, sau đó xoay người đi thẳng về toa tàu kế bên.

Cả Hiểu Hiểu lẫn Thiên Nam đều phát hiện thấy phản ửng lạ lùng của Văn Trạch Tài, tuy nhiên Hiểu Hiểu chỉ hơi khó hiểu một tí thôi còn Thiên Nam thì nhạy bén hơn. Vừa quay về ghế ngồi, cậu liền lên tiếng hỏi ngay: “Cha, có phải bé gái kia có vấn đề phải không cha?”

Văn Trạch Tài ngồi xuống, mở hộp điểm tâm phát cho mỗi đứa một cái rồi mới từ từ giải thích: “Đúng vậy, bé gái đó là một con rối chứ không phải người thật. Tuy rằng thân hình và khuôn mặt không khác người thật là bao nhưng nếu để ý kỹ sẽ thấy làn da của nó trắng bệch không có sức sống và đặc biệt là đôi môi đỏ rực một cách bất thường. Người bình thường không ai có sắc môi quái dị như vậy cả.”

Ôi trời, Điền Tú Phương hết hồn hết vía: “Sao sao… mấy cha con nhìn thấy cái gì à?”

Hiểu Hiểu và Thiên Nam vừa ăn điểm tâm vừa rối rít thuật lại đầu đuôi sự tình cho mẹ nghe.

Nghe xong, Điền Tú Phương gắt gao nhíu chặt đầu mày: “Nhưng người ta mang con rối lên xe lửa làm gì nhỉ? Liệu nó có làm hại người khác không anh?”

Văn Trạch Tài gật đầu ngay: “Những con rối như này thuộc dạng trung đẳng, di chuyển rất chậm chạp và không biết nói. Chúng được điều khiển bởi những bậc thầy con rối cũng chính là người đã chế tạo ra nó và mục đích lên tàu có lẽ là để móc túi, trộm cắp vặt.”

Quả nhiên, Văn Trạch Tài vừa dứt lời, liền nghe phía bên ngoài nhốn nhào, ồn ào hết cả lên, hoá ra có người đang la làng vì bị mất túi xách.

Vừa nghe có mất cắp, cơ hồ mọi người đều cuống cuồng kiểm tra lại tư trang, hành lý của mình. Tới lúc này một vài người mới bàng hoàng phát hiện ra bản thân đã bị móc túi tự lúc nào không hay. Ngay lập tức, các nhân viên đường sắt có mặt ổn định trật tự đồng thời mời những người bị hại sang một toa khác yên tĩnh hơn để thu thập thông tin.

Lúc này, Hiểu Hiểu mới giơ hai bàn tay bé xíu của mình lên hào hứng như thể phát hiện ra một điều kỳ thú: “Ồ, thảo nào tay bạn nhỏ kia lạnh như băng luôn.”

Trái ngược với vẻ thích thú của con gái, Điền Tú Phương sợ chết điếng, cô vội vã nắm lấy tay con, đưa lên sát miệng liên tục hà hơi: “Ngồi sát lại đây, để mẹ ủ ấm cho con, đừng sợ, không sao đâu.”

Phía bên này, Thiên Nam cũng không chút sợ hãi, thậm chí còn hứng thú hỏi: “Cha, làm con rối như nào ạ? Có khó không cha?”

Văn Trạch Tài tặng cho thằng bé một ánh mắt tán thưởng rồi từ từ giải đáp: “Để làm được một con rối không đơn giản chút nào. Đầu tiên là phần thân, muốn tạo cảm giác chân thực thì tốt nhất phần cơ thể phải được ghép từ các nút bần, sau đó bọc một lớp da người bên ngoài. Tóc cũng phải sử dụng tóc thật luôn. Sau khi thành hình, người ta sẽ cất con rối vào sâu trong núi băng khoảng chừng vài năm, đợi tới khi da và gỗ hoà làm một thì mới có thể mang ra huấn luyện thao tác.”

“Thông thường, các con rối chỉ được ra ngoài vào mùa đông bởi vì chúng không thể chịu tác động của nhiệt, bằng không sẽ lập tức chảy nước và bốc mùi đặc trưng. Như vậy sẽ bị lộ tẩy ngay.”

Rõ ràng những điều Văn Trạch Tài nói cực kỳ ghê rợn, nào là tóc người, da người, thế nhưng kỳ lạ thay hai đứa nhỏ nhà này lại chẳng tỏ ra sợ sệt chút nào, thậm chí còn chăm chú lắng nghe không chớp mắt. Đặc biệt là Thiên Nam, gương mặt nó bừng sáng lộ rõ vẻ tò mò và ham thích: “Tại sao phải dùng hẳn da người hả cha?”

Văn Trạch Tài lắc đầu: “Cái này thì cha không rõ lắm nhưng hai đứa nghe cha dặn đây, nếu lần sau còn vô tình bắt gặp con rối thì nhất định phải né thật xa. Tránh voi chẳng xấu mặt nào, nếu không phải vạn bất đắc dĩ thì tốt nhất không nên đối đầu. Bậc thầy con rối luôn ẩn mình trong bóng tối, một khi con rối của họ bị phá huỷ, bọn họ chắc chắn sẽ ghi hận đồng thời âm thầm bám theo kẻ thù suốt đời không buông.”

Sở dĩ các bậc thầy con rối có phản ứng thái quá thậm chí có phần biến thái như vậy là bởi vì hầu hết bọn họ đều không lựa chọn kết hôn sinh con, đối với họ con rối chính là thành tựu vĩ đại nhất, họ yêu thương đứa con tinh thần này hơn cả sinh mạng mình.

Và vì sao Văn Trạch Tài lại biết tường tận như vậy thì cũng dễ lý giải thôi, bởi chính anh đã mắt thấy tai nghe, thậm chí trở thành ám ảnh tuổi thơ luôn, vậy nên anh mới phải dặn dò tụi nhỏ nhà mình kỹ lưỡng đến thế.

Còn nhớ năm xưa, ông nội anh vô tình kết thù với một bậc thầy con rối. Thế là cả tuổi thơ của Văn Trạch Tài hầu như mỗi ngày đều trông thấy có một người ăn vận cực kỳ quái dị đứng lấp ló ở triền núi nhìn thẳng về cửa nhà mình.

Tình trạng đó cứ kéo dài mãi khiến mọi người cảm thấy bức bối và áp lực tinh thần kinh khủng. Cực chẳng đã, ông nội Văn đành phải đích thân tìm kiếm những nguyên liệu tốt nhất, thích hợp nhất để sửa lại con rối thì đối phương mới chịu rời đi.

Có thể nói hành tung của những bậc thầy con rối cực kỳ bí ẩn và quái gở. Đối với kẻ thù, họ không hề bày mưu tính kế hay động thủ hãm hại, mà cứ lẳng lặng đi theo cả đời, ẩn mình trong bóng tôi lâu lâu nhảy ra hù nhẹ cái chơi vậy thôi. Mà đừng tưởng muốn bắt họ là dễ nha, họ xuất quỷ nhập thần vô cùng, lúc không muốn thấy thì cứ lởn vởn ngay trước mắt nhưng khi cần tìm thì lại chẳng thấy tăm hơi đâu. Nói tóm lại chẳng may dây vào sẽ rất là phiền hà, khó mà sống yên ổn!

Càng nghe, hai mắt Thiên Nam càng sáng rực, thích thú không rời: “Ngoài trộm đồ thì con rối còn có công dụng nào khác không cha?”

“Công dụng thì nhiều lắm, trộm đồ chỉ là chút ít tiểu xảo cỏn con thôi”, tuy nhiên Văn Trạch tài không liệt kê tỉ mỉ mà nhìn thẳng vào con trai, nghiêm giọng răn dạy: “Nếu con muốn theo thầy Vệ Quốc học Mệnh Thuật, thì phải toàn tâm toàn ý, tuyệt đối không được phép có tư tưởng chân trong chân ngoài. Cha thấy, sư phụ tương lai của con có vẻ rất thích con đấy, cố gắng lên đừng để sư phụ thất vọng, nghe rõ chưa?”

Thiên Nam nghiêm túc gật đầu: “Dạ vâng thưa cha con hiểu rồi. Con chỉ là tò mò tí ti thôi.”

Đúng lúc này, Hiểu Hiểu nhào tới ôm chầm lấy cổ mẹ, nũng nịu nói: “Mẹ, từ giờ về sau con không cần chơi búp bê nữa đâu.”

Chả là mấy hôm trước ở đầu ngõ có một sạp bày bán búp bê gỗ xinh lắm, Hiểu Hiểu thích mê. Tuy nhiên giá thành hơi cao, những năm hào một con lận, bần thần nhẩm tính tiền tiêu vặt của mình một lúc cuối cùng Hiểu Hiểu dứt khoát xoay người bỏ đi, quyết định không mua nữa. Dù gì cũng chỉ là một món đồ chơi thôi mà, năm hào quá mắc, bé không cần đâu!

Lắc lư mấy ngày trời, cuối cùng xe lửa cũng cập bến, ba mẹ con mệt ngất ngư, chỉ có mỗi cha Trạch Tài là đỡ đỡ hơn chút.

Thấy vậy, anh liền đề xuất ý kiến: “Bây giờ kiếm cái nhà khách nghỉ ngơi cho hồi sức, sau đó vợ chồng mình đi sắm sửa quà Tết rồi mới bắt xe về huyện thành, em thấy sao?”

Nhìn hai đứa nhỏ ngáp ngắn ngáp dài, mặt mũi đờ đẫn vì di chuyển cả một đoạn đường dài, Điền Tú Phương thương con nên gật đầu đồng ý ngay: “Vâng, vậy cũng được ạ. À, anh ơi, em nghe anh cả bảo hiện giờ có tuyến xe khách đường dài đi ngang qua trấn mình. Mình cứ ngồi một mạch tới thị trấn luôn, không cần phải xuống ở huyện thành nữa.”

Các chính sách mới mở ra thúc đẩy kinh tế thị trường cho nên ngày càng có nhiều người nhảy tàu, nhảy xe đi đánh hàng khắp các tỉnh thành trên cả nước. Nhu cầu vận chuyển, lưu thông hàng hoá tăng mạnh dẫn tới các tuyến giao thông cũng mở rộng và thuận tiện hơn. Kéo theo đó là hàng loạt các nhà khách tư nhân thi nhau mọc lên như nấm ở xung quanh khu vực bến tàu, bến xe phục vụ cho việc lưu trú của thương nhân và những lữ khách phương xa.

Công nhận mọi thứ thay đổi nhanh thật, mới vài năm trước thôi mỗi địa phương chỉ có duy nhất một nhà khách công đoàn, nhà ga hay bến xe cũng chỉ lác đác vài người chứ làm gì có cảnh tấp nập người đến kẻ đi, dỡ hàng chất hàng ồn ào náo nhiệt như thế này.

Tận mắt chứng kiến sự thay đổi của quê hương, ngay cả Văn Trạch Tài cũng phải giật mình bất ngờ. Cứ cái đà này thì chỉ sang năm là thanh niên trí thức được phép quay về thành. Kể cả thi đậu đại học hay không thì cũng đều có thể trở về. Tới lúc ấy chắc chắn sẽ lại dấy lên một hồi phong ba khuấy đảo sự thanh bình, yên ả vốn có của chốn làng quê. Nhưng tránh làm sao được, bởi nó là một bước ngoặt thời cuộc bắt buộc phải trải qua.

===

Chú thích:

(1)Ngư long hỗn tạp ( 鱼龙混杂 ) rồng cá lẫn lộn, là một thành ngữ Trung Quốc ám chỉ người xấu kẻ tốt lẫn lộn với nhau, không thể phân biệt.