Chương 2
– Hmm...
Thời gian thấm thoát trôi mau, tựa như một cái nháy mắt, mới vậy mà đã qua 20 năm.
"Lâu rồi chưa đi gặp thằng nhóc ấy nhỉ?" Nghiên nghĩ ngợi về tên nhóc khi trước hắn tha về hồi lâu, cuối cùng quyết định sẽ đi thăm một chuyến.
Gác lại quyển sách đọc nửa chừng, Nghiên bước tới cạnh cửa sổ, nhẹ nhàng đẩy hai cánh sang hai bên, căn phòng tăm tối bấy lâu nay lại một lần nữa đón ánh sắc xanh của cỏ cây bên ngoài. Đưa mắt nhìn trông ra phía sân trong, khung cảnh quen thuộc vẫn quen mắt như vậy. Nghiên chăm chăm mắt nhìn vào chiếc hồ nhỏ trong khoảnh sân vườn, lòng ấp ủ nhiều dự định, môi hắn cứ nhếch dần lên theo từng suy nghĩ. Nghiên nhắm mắt lại, hít một hơi dài rồi cứ thế nhảy qua ô cửa sổ, lơ lửng trên không trung rồi bay thẳng lên trên trời, hướng về phía Nam.
***
Tỉnh Giao có địa hình tương đối đặc biệt; là một nơi gồm những vùng đồng bằng rộng lớn bị xen cắt bởi những mảng cao nguyên hẹp mà dài, vô hình vừa trở thành nơi sinh sống vừa là "bức tường thành" tự nhiên vững chãi bọc lấy thần thành Vũ Nga. Cũng không lấy làm lạ khi gia trang của Lục Gia Ngân chuyển lên sống ở một dải cao nguyên dài mà hẹp, nơi cách khá gần với chốn thần thành.
*Cộc cộc cộc...*
– Đoàn chủ! có người muốn gặp mặt.
– Ai? – Ngân nói lên câu hỏi của mình.
– Là một cậu nhóc, tôi nghĩ chắc cũng tầm tuổi với cô chủ, ngoài ra thì cậu ta không nói gì về mình cả. – Nghe đến đây, Ngân cũng phần nào đoán ra được ai, lòng khấp khởi mừng thầm. – Hiện giờ thì Ngọc cô ấy đang tiếp cậu ta ở gian khách, nói tôi tới để báo cho ngài.
– Ta biết rồi, cô lui đi.
– Vâng.
Vội vã, cẩn thận xếp gọn lại xấp giấy tờ trên bàn, Ngân mở cửa bước ra khỏi phòng, chân rảo bước trên những phiến đá lót trong sân, nửa đi nửa chạy tới gian tiếp khách. Đẩy cửa bước vào, đảo mắt khắp quanh nhưng không có ai ngoài tổng quản Hồ Ngọc, lúc này đang bưng trả khay bánh kẹo.
– Cậu ta đâu! Tên nhóc lúc nãy đâu, cô dẫn cậu ta tới chỗ nào rồi!? – Ngân vừa hỏi vừa lắc lấy hai vai cô.
– Tôi... tôi không rõ... ban nãy tiểu thư đã dẫn cậu nhóc ấy đi đâu đó chơi rồi... – Hồ Ngọc gắng gượng không làm rơi cái khay.
Ngân bỏ tay khỏi vai cô, vẻ mặt thất vọng. Ngân đành quay gót quay trở lại chốn bàn giấy, dù rất muốn đi gặp nhưng đã biết là Yên nó đã dẫn đi – mấu chốt là ở việc thầy ấy đồng ý đi – thì Ngân cũng không muốn làm phiền "bọn trẻ" làm gì cho nhọc. Ngân thôi nghĩ ngợi, tiếp tục vùi đầu mình vào đống giấy tờ mà cậu đã phát ngán suốt mấy ngày nay.
***
– Mà này, cậu tên gì thế? – Kiều Yên nghiêng mắt hỏi.
– Hỏi tên của người khác khi mình chưa tự xưng không hẳn là một hành động lịch sự lắm đâu nhóc con. – Nghiên bắt bẻ, hệt như lúc cha của con bé vẫn còn ở cùng cậu.
– Cậu cũng lạ nhỉ, trông cậu cũng sàn sàn tuổi tôi, có hơn kém chi đâu mà sao cậu cứ toàn xưng hô như người lớn thế? – Yên khoanh tay lại ngồi xuống trước mặt Nghiên, thắc mắc.
– Vậy nên ta mới gọi ngươi là "nhóc".
Yên nghiêng đầu, tỏ vẻ khó hiểu. Qua dáng ngồi của Yên, đoán chừng có vẻ như cô nhóc này chưa được chỉ dạy nhiều về những thứ thuộc về nữ tính lắm. Nghiên cũng chẳng để tâm, có chăng thì lúc về nhắc nhở tên nhóc kia một chút là được.
– Thôi bỏ đi, để lúc về hỏi lại cha tôi vậy. Đi! Để tôi dẫn cậu tới chỗ này.
Yên cầm tay Nghiên kéo đi, một dòng ý nghĩa chợt chạy ngang qua khiến hai môi Nghiên chợt nhếch dần lên. Cậu để mặc cho Yên kéo cậu vào sâu trong rừng, đến một gốc cây đại thụ to, ngay đó là căn nhà gỗ khá lớn. Yên bước tới, gõ cửa, miệng gọi to:
– Ông Phong ơi!
– Đứa nào gọi ở cửa đấy – Chốc lát sau có tiếng người nói lại sau cửa.
– Con đây ông, con lại tới chơi này.
Những tiếng động lạ phát ra từ phía sau cánh cửa – có lẽ là khoá, phải vài cái chốt khoá. Cánh cửa mở ra, một ông lão đã có tuổi, vào khoảng thất tuần đang đứng sau cửa nhìn hai đứa.
– Vào nhà đi hai cháu.
Sau khi hai đứa trẻ đi vào ông lão liền khoá cửa ngay lại, xung quanh nhà cũng chỉ có vài ô cửa sổ nhỏ – trong cũng lắp những song sắt để đề phòng, cũng dễ hiểu khi nơi đây vốn là giữa rừng hoang, huống hồ ở đây cũng chỉ có mỗi một cụ ông với cả hai đứa nhóc, dù không lo nhưng ít nhất cũng phải đảm bảo an toàn cho hai vị khách nhỏ hiếm hoi này.
– Ông đã dặn là không được đi vào rừng khi mà không có người lớn đi cùng rồi mà Yên, đã thế cháu lại còn rủ rê người khác học hư theo cháu nữa. – Cụ Phong nhắc nhở.
– Đâu có đâu ông, nay con có đi cùng "người lớn" mà. – Yên cười, vừa nói vừa vỗ lấy vai Nghiên.
Cụ Phong thở dài, ông cũng không muốn trách mắng gì nhiều, dù sao thì lâu nay chẳng có mấy ai ngoài mấy đứa nhóc này là tới đây cả.
– Tý nữa để ông dẫn hai đứa ra khỏi rừng. Lần sau nhớ là không được tự ý đi như thế này đâu đấy, nghe chưa? – Cụ Phong nhắc.
– Vâng ạ!
Yên trả lời qua loa, câu nào câu nấy trôi tuột từ tai này sang tai kia, còn mắt thì dán vào cái tiêu bản đầu hươu còn nguyên cả sừng đang treo trên tường, bên dưới chiếc kệ cũng đầy những "chiến lợi phẩm" của một thợ săn lão làng.
Xuyên qua chỗ phòng khách, lọt vào tầm mắt là những thứ khá lạ lẫm với người bình thường, tiêu bản, xương thú, nanh răng, móng vuốt, da thuộc... được bài trí cẩn thận dọc theo bức tường. Chợt từ phía cửa chính vang lên tiếng đập cửa cùng với tiếng người gọi.
– Cha ơi!
Cụ Phong bước nhanh tới, bóng dáng một đàn ông trung niên dần hiện ra.
– Làm gì mà mày đi lâu thế hả?
– Nãy con đuổi theo con nai, mãi mới b·ắn c·hết được nên xẻ nửa con mang về ăn, còn lại nửa tý nữa con đem vô trấn đổi lấy gạo.
Người này đưa mấy xâu lạt thịt cho cụ Phong, miệng vẫn tươi cười nói:
– Bố cầm chỗ thịt này vào nấu cho hai đứa nó ăn cùng luôn đi, không cần đợi con đâu, vác bao gạo 20 cân đi đi lại lại như thế khéo phải đến hết trưa con mới về được.
– Hay mày cứ vào cơm nước cái đi, hươu nai gì cứ để tạm đấy, đến chiều rồi đi cho tiện.
– Thôi con đi luôn, thịt để đến chiều con sợ không bán được, với cả đi sớm nhỡ có gì còn dễ xoay sở. Thế nhá, con đi đây!
Đưa tay ra chào lũ trẻ xong, người đàn ông vội vã chạy lại vào trong rừng. Cụ Phong lại một lần nữa thở dài, lòng thầm nghĩ: cái chốn rừng thiêng nước độc này có gì mà sao chúng cứ thích dấn thân vào như thế. Cụ đóng lại cánh cửa, đi tới chỗ phòng bọn trẻ hỏi:
– Hai đứa đã cơm cháo gì ở nhà chưa? Chưa thì ở lại đây ông nấu cơm cho ba ông cháu ăn một thể, đến chiều rồi hẵng về.
– Vâng! – Yên hồ hởi đáp.
– Thế ông xuống bếp đây, nhớ đừng có nghịch ngợm đồ đạc gì lung tung đấy. – Nói xong cụ đi thẳng đến cuối hành lang thông ra căn bếp sau nhà.
Một lúc lâu sau, cụ Phong quay lại ngồi xuống thành giường. Yên khi này đang "nghịch ngợm" táy máy chỗ đồ trưng bày trong phòng cũng tới ngồi cạnh ông, làm nũng:
– Ông ơi! Ông kể chuyện cho con nghe tiếp đi!
Cụ Phong đưa tay xoa lấy đầu Yên, tỏ vẻ nuông chiều.
– Thế nay cháu muốn nghe ông kể truyện gì nào?
– Ông kể lại truyện Thánh Gióng hôm trước đi ông!
– Cháu nghe truyện đó mãi rồi, phải nghe kể cái khác mới đáng công nghe chứ.
– Nhưng con muốn nghe lại cơ...
– Thôi để ông kể truyện khác cho mà nghe...
– Ngày xưa có một tay ă·n t·rộm lành nghề, thấy mình tuổi già sức yếu nên muốn truyền cái bí kíp của lối sinh nhai “trèo tường khoét vách” cho một vài đồ đệ...
Tiếp sau đó là một chuỗi các sự kiện mà với một người có tuổi đời trên cả nghìn năm như Nghiên hoàn toàn có thể đoán trước được. Kết thúc màn "ông kể, cháu nghe" rất hay và cũng kết thúc luôn cả cảnh bữa cơm đạm bạc nơi thôn dã, Yên lại kéo tay Nghiên lần theo lối mòn trở về. Ra đến bìa rừng, Yên chợt quay sang dặn dò cậu bạn "người lớn" này của mình.
– Lát nữa về đừng nói cho cha tôi biết chuyện ở đây nhá, ông ấy cấm đoán việc tôi ra khỏi trấn lắm... – Cô nhóc để ý thấy có thứ bám trên tay – Quên mất, còn phải làm cái này nữa...
Hiện đang là giữa mùa Hạ, dọc suốt con đường đầy những cây hoa Tâm Khiết đã trổ bông đang tung bay trong gió, chỉ cần một làn gió thổi nhẹ qua cũng đủ để khiến những sợi tơ hồng rời bông, nổi thành từng đám, bám lấy đầu tóc, áo quần của người đi đường.
– Phải phủi hết mấy cái này trước đã, không cha tôi lại biết tôi với cậu trốn đi vô rừng. – Yên lấy tay phủi khắp người, thấy người Nghiên không có lấy một sợi nào, cô liền quay sang hỏi. – Sao người cậu chẳng dính một chút nào thế?
Nghiên để ý trong tóc con bé vẫn lẫn đầy những sợi trắng hồng chưa phủi sạch nhưng lại ngoảnh mặt làm ngơ:
– Cẩn thận một chút là được.
Một lúc lâu sau, cả hai đã về lại nhà của Kiều Yên, trùng hợp đúng lúc Ngân định ra ngoài tìm. Nhìn thấy tóc con bé mắc đầy những sợi cây Tâm Khiết, Ngân toan mắng cho một trận thì thấy Nghiên tỏ ý bỏ qua nên cậu đành thôi không trách cô ả.
Mọi thứ sau đó trôi qua hết sức bình thường, Nghiên vẫn giấu cô nhóc về thân phận của mình, giả làm một đứa trẻ đồng trang lứa; Ngân nói dối với mọi người rằng cậu là con của một người họ hàng sẽ ở tạm đây một thời gian. Đối với Nghiên, quãng thời gian khi trước cậu chỉ là đang "tồn tại"; nhưng giờ thì khác, nó không vô vị.