Tâm Lý Học

Chương 22




Borderline Personality Disorder - Rối Loạn Nhân Cách Ranh Giới

Rối loạn nhân cách ranh giới (Borderline Personality Disorder – BPD) thuộc cụm B của rối loạn nhân cách. Đặc tính của rối loạn này là nỗi sợ hãi bị bỏ rơi cùng cực, cảm giác về bản thân, các mối quan hệ bấp bênh, tâm trạng không ổn định. Trong một báo cáo trước Quốc hội về dạng rối loạn này, cơ quan Quản trị Dịch vụ Tâm thần và Lạm dụng thuốc (Substance Abuse and Mental Health Services Administration – SAMHSA) đã chỉ ra rằng khoảng 18 triệu người (chiếm 5,6%) người Mỹ sẽ phát bệnh tại một số thời điểm trong cuộc đời của họ. Chưa có tư liệu nào chỉ ra sự ảnh hưởng đáng kể từ sự khác biệt về giới tính. Cả phụ nữ và đàn ông đều có nguy cơ phát bệnh như nhau (SAMHSA, 2010).

Giống như những rối loạn nhân cách khác, do yêu cầu cao về các phương pháp điều trị, chăm sóc và các dịch vụ xã hội, những người mắc BPD họ chịu gánh nặng kinh tế khá lớn (Soeteman, Hakkaart-van Roijen, Verheul, & Busschbach, 2008). Những người mắc chứng rối loạn này cũng có tỉ lệ cao mắc các rối loạn khác như trầm cảm, lạm dụng thuốc, tự làm hại bản thân, rối loạn ăn uống. Khoảng 70% những người mắc BPD muốn tự tử và 4 – 9% thực sự tự tử (NIMH).

Triệu chứng

Theo DSM-5, người được chẩn đoán mắc BPD phải cho thấy sự bền vững của một mô hình hành vi bao gồm ít nhất năm triệu chứng dưới đây:

Cố gắng hết sức để tránh bị bỏ rơi thật sự hay trong tưởng tượng.


Mối quan hệ không bền vững với người thân, bạn bè hay người yêu, đặc trưng bởi việc luân phiên giữa hai thái cực: lý tưởng hóa quá mức và giảm giá trị (VD: từ yêu thương nồng nhiệt có thể chuyển sang không thích và giận dữ).


Nhận dạng bản thân không ổn định và méo mó, dẫn đến sự thay đổi bất thường về cảm xúc, mục tiêu, giá trị và ý kiến.



Có tính xung đột và hành vi nguy hiểm ít nhất trong hai khía cạnh có khả năng gây tổn hại cho người bệnh. Ví dụ: mua sắm không kiềm chế, quan hệ tình dục bừa bãi, lạm dụng chất, ăn uống vô độ.


Lặp đi lặp lại những hành vi tự sát hoặc hành vi tự hủy.


Khí sắc thay đổi thất thường và mãnh liệt. Có thể kéo dài trong vài giờ cho đến vài ngày.


Luôn có cảm giác trống rỗng và chán chường.


Giận dữ vô cớ hoặc khó kiểm soát cơn giận, ví dụ thường xuyên biểu hiện sự cau có, giận dữ hoặc đánh nhau nhiều lần.



Xuất hiện những suy nghĩ hoang tưởng liên quan đến stress, và có các triệu chứng phân ly nặng, ví dụ như không phân rõ được thực tại, trải nghiệm phi nhân cách hóa.
Để chứng thực các triệu chứng phía trên, hãy tìm hiểu qua một ca của người phụ nữ trẻ dưới đây.

Ca điển hình BPD:

Ngọc Minh là một phụ nữ độc thân đã 30 tuổi. Lần đầu tiên, cô được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lưỡng cực sau đó là BDP và trước đó cô từng làm việc với một số nhà trị liệu. Qua1 trình điều trị khiến cô cảm thấy không mấy vui vẻ hay thú vị vì thế cô thường bỏ dở chúng. Cô luôn nhìn nhận mình có thể trở thành một giám đốc điều hành đỉnh cao, nhưng kể từ khi tốt nghiệp đại học, cô thực tập tại một số công ty và bỏ việc sau vài tháng hoặc một năm chỉ vì nhàm chán hoặc họ không lên chức cô nhanh. Minh dường như không chắc chắn về mục tiêu của mình. Hôm trước thì cô muốn làm việc trong ngành công nghiệp thời trang, nhưng ngày hôm sau cô muốn theo đuổi sự nghiệp diễn xuất mặc dù cô đã học ngành quản trị kinh doanh.

Các mối quan hệ của cô ấy với mọi người thường không được ổn định. Chẳng có cái nào kéo dài hơn một năm cả. Cô yêu cầu bạn trai của mình dành tất cả thời gian cho côvà sẽ rất tức giận nếu anh ta bỏ cô lại một mình. Có một lần, cô đã chia tay với một trong những người bạn trai chỉ vì anh ta đã phải đi công tác một tuần cho việc kinh doanh và không thể đưa cô ấy đi cùng. Cô cũng bối rối về hình ảnh của bản thân mình. Nếu một anh chàng thu ngân tại một cửa hàng tạp hóa không nhìn thẳng vào mắt cô, thì ngay sau đó cô sẽ buồn và tự nhận mình thật xấu xí. Tuy nhiên, nếu anh ta nhìn cô thì lại nghĩ đó là một sự xúc phạm đến vẻ đẹp.

Trường hợp Ngọc Minh là một ca BPD điển hình. Cô không thể chịu đựng được việc ở một mình hoặc bị tách biệt và lý do này khiến cô chia tay với bạn trai của mình. Những yêu cầu của cô đã đưa cô vào những rắc rối và không thể hình thành một mối quan hệ bền vững trong tình cảm và có thể trong gia đình. Hình ảnh về bản thân và mục tiêu cuộc sống không rõ ràng và kết quả là, cô không có định hướng cụ thể cho cuộc đời mình.

Dường như một sự kiện bình thường cũng có thể kích phát các triệu chứng. Những người mắc phải BPD có thể cảm thấy đau khổ và tức giận khi phải tạm thời chia xa như trường hợp chuyến công tác của người bạn trai Minh, hoặc những chuyến nghỉ mát cỉa người mà họ cảm thấy thân thiết (NIMH). Đối với họ, sự tách biệt hoặc bị bỏ rơi có thể ngụ ý rằng họ "xấu xa"; do đó họ rất nhạy cảm với những điều kiện bên ngoài. Một sự thay đổi nhỏ trong kế hoạch như trễ vài phút hoặc hủy bỏ các cuộc hẹn có thể làm cho họ giận dữ. Những nỗi sợ hãi mãnh liệt từ việc bị bỏ rơi dẫn đến việc họ không thể chấp nhận ở một mình và luôn luôn phải có một ai đó với họ (Grohol, 2015).

Người mắc BDP thường có mối quan hệ cá nhân bất ổn định. Họ có thể ở thái cực lý tưởng hóa người chăm sóc hoặc những người bạn của họ sau vài lần gặp đầu tiên và yêu cầu họ dành nhiều thời gian cho mình hơn. Tuy nhiên, nếu người yêu hoặc người chăm sóc của họ không đáp ứng được những nhu cầu này, họ nhanh chóng chuyển sang thái cực giảm giá trị. Họ có thể cảm thấy người đó không quan tâm mình, không thương yêu mình đầy đủ hoặc không cho những gì mình muốn và tưởng tượng mình ​​sẽ bị từ chối hoặc bị bỏ rơi từ họ. Điều này dẫn tới sự khủng hoảng nghiêm trọng, và thường dẫn đến hành vi tự hủy hoại bản thân như: cắt tay, đập đầu hoặc nổi nóng để điều chỉnh cảm xúc hoặc trải nghiệm đau đớn.


Những người mắc phải BPD cũng trải qua một khoảng thời gian dài cảm thấy nhàm chán hoặc trống vắng khiến cho họ không ngừng tìm kiếm một cái gì đó để có thể lấp đầy các khoảng trống ấy. Họ cũng đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát sự tức giận khi những người thân có những hành vi mà họ xem như bỏ bê, không quan tâm hoặc từ bỏ họ, và sau đó họ cảm thấy xấu hổ và tội lỗi với việc làm của mình và xem điều đó thật "xấu xa". Kết quả là họ có thể có hành vi tự tử hoặc tự làm hại bản thân để trừng phạt chính mình (Grohol, 2015).

Do sự chồng chéo của các triệu chứng, BPD là một trong những dạng rối loạn dễ bị chẩn đoán nhầm sang rối loạn lưỡng cực, trầm cảm hoặc rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý (Ruggero, Zimmerman, Chelminski, & Young, 2010). Sự xuất hiện đồng thời của nhiều dạng rối loạn đặt ra một thách thức trong việc chẩn đoán BPD, từ đó kết quả của việc điều trị có thể bị ảnh hưởng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân phát sinh của chứng rối loạn nhân cách ranh giới được các nhà khoa học đồng thuận là sự kết hợp của yếu tố di truyền, yếu tố sinh học và các yếu tố tâm lý bao gồm: các chấn thương tâm lý xảy ra khi bị lạm dụng tình dục, bạo hành về tinh thần, thể xác, gia đình không hạnh phúc, hay không nhận được sự quan tâm chăm sóc trong thời thơ ấu.

Yếu tố sinh học: Nghiên cứu các cặp sinh đôi cho thấy gien đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của BPD. Tỷ lệ di truyền chiếm khoảng 40. Các đặc điểm đặc biệt như gây hấn và bốc đồng thì đều có thể dây truyền được. Các gien có chức năng điều tiết cảm xúc và sự bốc đồng có thể góp phần vào nguy cơ gây BPD (NIMH). Những người có thân nhân đời đầu (cha mẹ, anh chị em ruột) mắc BPD thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn so với những người khác (Gunderson, Zanarini, Choi-Kahn, và al, 2011).

Sự bất thường của các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, norepinephrine, dopamine hay các loại khác có thể đóng vai trò trong việc hình thành sự bốc đồng và các triệu chứng khác của BPD. Sự trao đổi chất bất thường hay sự thay đổi trong cấu trúc não cũng có sự liên quan với BPD (Kreisman & Straus, 2010).

Hạch hạnh nhân và hệ viền của não là trung tâm quy định cảm xúc, đặc biệt là sự sợ hãi, giận dữ hay sự bộc phát một cách tự động của những cơn bốc đồng. Hạch hạnh nhân và hệ viền đều liên quan đến sự phát triển của BPD. Những trải nghiệm đau thương có thể dẫn đến thay đổi cấu trúc thần kinh và các nghiên cứu đã chỉ ra vùng hồi hải mã và hạch hạnh nhân ở những người mắc BDP nhỏ hơn những người khác. PET scan – chụp cắt lớp phát xạ, cho thấy sự suy giảm quá trình chuyển hóa glucozơ trong vỏ não trước trán, một phần của não chịu trách nhiệm cho việc hình thành lý luận, suy nghĩ và quyết định, có thể dẫn đến việc lý trí ở "vỏ não trước trán" không thể kiểm soát "sự bốc đồng" ở hệ viền, và rối loạn này phát triển như một hệ quả (Lis, Greenfield, Henry, Guile, & Dougherty, 2007).

Yếu tố tâm lý: Theo phân tâm học, những người mắc BPD phụ thuộc nhiều vào sự cân bằng của các cơ chế tự vệ phân tách. Sự phân tách trong suy nghĩ, đặc trưng bởi sự phân cực trong niềm tin, hành động, đối tượng hoặc con người, một là tốt hai là xấu, trắng hoặc đen, không có sự tồn tại của màu xám, (Zanarini, Weingeroff, & Frankenburg, 2009). Sử dụng của cơ chế này trong một thời gian dài sẽ dẫn đến hình ảnh bị bóp méo và bệnh tâm thần ranh giới như sự phủ nhận, quyền tuyệt đối hoặc giảm giá trị. Sự phủ nhận có nghĩa là bệnh nhân biết được nhận thức, suy nghĩ và cảm giác về bản thân hoặc người khác một cách hoàn toàn, trái ngược với nhận thức, suy nghĩ và cảm giác mà mình có lúc trước, nhưng nó không liên quan hoặc ảnh hưởng đến cách nhìn nhận hiện tại (Stone, 1986).

Yếu tố xã hội: Sang chấn kéo dài như mất cha mẹ, bị từ chối, bạo hành hay lạm dụng tình dục trong độ tuổi mới phát triển có thể làm tăng nguy cơ bị BPD ở thanh niên (Kreisman & Straus, 2010). Điều này dẫn đến một loạt các hành vi cố gắng tự điều chỉnh cảm xúc và trấn an bản thân như tự gây tổn thương cho bản thân, phụ thuộc, lạm dụng thuốc, hay kết hợp của những loại trên (van der Kolk, Hostetler, Herron, & Fisler, 1994). Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ em có tuổi thơ đau buồn sẽ có BPD hay những người có BPD chắc chắn sẽ có sang chấn thời thơ ấu (Kreisman & Straus, 2010).

Điều trị và can thiệp


Cũng giống như các rối loạn nhân cách khác, rối loạn nhân cách ranh giới trước kia cũng từng được coi là không thể chữa khỏi. Những người có BPD thường tìm kiếm sư giúp đỡ chuyên nghiệp nhưng họ thường có xu hướng bỏ dở quá trình trị liệu. Tỷ lệ từ bỏ trị liệu giữa chừng lên đến 70%. Tuy nhiên, những nghiên cứu về rối loạn nhân cách phát triển, việc áp dụng các liệu pháp tâm lý cùng với việc sử dụng thuốc có thể giúp đỡ bệnh nhân làm chủ được các triệu chứng của họ và họ có thể có một cuộc sống bình thường với nhiều niềm vui và ít gây tổn hại nhiều nhất có thể.

Liệu pháp hành vi biện chứng (DBT) là một trong những liệu pháp tâm lý điều trị BPD hiệu quả nhất. DBT tập trung xây dựng những kĩ năng như quản lý stress, tương tác cá nhân một cách hiệu quả, và quản lý cảm xúc. Bệnh nhân mắc BPD cần phải chấp nhận cảm xúc của mình và họ luôn được khuyến khích tự tìm cách đối phó với những cảm xúc, cảm giác rối ren và stress một cách lành mạnh. Ví dụ, bác sĩ chuyên khoa có thể dạy cho họ về chánh niệm, điều đó giúp họ nhận biết và quan sát cảm xúc của mình mà không cần đến sự can thiệp và những hành vi giải thoát tạm thời như tự hoại.

Các nghiên cứu đã chứng minh tính hiệu quả của DBT. Trong một nghiên cứu, một nhóm phụ nữ được áp dụng liệu pháp DBT và một nhóm phụ nữ khác với các phương pháp điều trị chung. Sau 7 tháng điều trị, những người với liệu pháp DBT cho thấy sự thuyên giảm trong các hành vi tự hại, tự tử và tỉ lệ muốn tiếp tục điều trị xấp xỉ 2 lần so với những phương pháp khác (Dingfelder, 2004)

Nếu như DBT nghiêng về điều chỉnh cảm xúc thì CBT tập trung vào việc thay đổi niềm tin cốt lõi về bản thân, người khác và thế giới. Liệu pháp này giúp làm thuyên giảm hành vi tự tử, niềm tin phi lý, trạng thái lo âu, căng thẳng tâm thần. Khi áp dụng liệu pháp CBT trong thời gian dài, có thể thấy người bệnh có sự cải thiện nhưng không nhiều lắm. (Davidson, Norrie, Tyrer, & al, 2006)

STEPPS (A System Training for Emotional Predictability and Problem Solving – Rèn luyện phỏng đoán cảm xúc và giải quyết vấn đề có hệ thống) là một loại của trị liệu nhóm. Đã có báo cáo rằng khi được áp dụng cùng lúc với các hình thức điều trị khác như thuốc hoặc liệu pháp tâm lý, STEPPS giúp làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng BPD, làm giảm các triệu chứng của trầm cảm, và cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, hiệu quả của liệu pháp này chưa được nghiên cứu rộng rãi.

Cho đến nay, không có bất kỳ loại thuốc nào được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) ở Mỹ chấp thuận để điều trị BPD. Mặc dù vậy, ngoài các liệu pháp tâm lý, trong một số trưởng hợp các bác sĩ tâm thần cũng sử dụng thuốc để điều trị bệnh nhân BPD. Mặc dù thuốc không thể chữa lành BPD, nhưng nó giúp kiểm soát một số triệu chứng cụ thể, chẳng hạn như lo âu, trầm cảm hoặc giận dữ (NIMH). Ví dụ, các thuốc SSRI có thể được sử dụng để cải thiện các triệu chứng bốc đồng và hung hăng (Korkeila, Koivisto, Karlsson, và al, 2015). Tuy nhiên, không nên dùng thuốc an thần benzodiazepines vì nó có thể dẫn đến nhiều rối loạn cảm xúc và sự ức chế hơn nữa (Levounis, Zerbo, & Aggarwal, 2016).

Axit béo Omega 3, có thể được sử dụng nhằm giảm các triệu chứng giận dữ và trầm cảm. Một nghiên cứu cho thấy rằng những phụ nữ sử dụng axit béo omega 3 khó có khả năng từ bỏ giữa chừng trong lúc điều trị so với các cách điều trị nhóm khác. Nếu so sánh axit béo Omega 3 với các chất giúp ổn định tâm trạng khác thì omega 3 có ít tác dụng phụ hơn và được hấp thụ tốt hơn (NIMH).



Cre: Hiroshimi.wordpress.com