Chương 4: Binh khí
Ò ó o o o! Gà gáy canh ba, một ngày nữa lặng lẽ trôi qua, Lam vẫn không ngủ, hai mắt khép hờ, đang trong trạng thái thiền để hồi phục thần kinh, dẫu vậy chỉ cần có một tiếng động bất thường nào phát sinh ở trong bán kính chục thước, hắn đều sẽ bật dậy xuất một kích hết lực.
Có trời mới biết, một khi hắn lơ là cảnh giác, nhắm mắt đi ngủ thì có chuyện gì kinh thiên xảy ra, liệu có tên nào rình nấp ở một bên, nhảy vào thọc cho một dao hay không.
Cứ như vậy, đợi cho trăng tàn biến mất trong hư vô, mặt trời bắt đầu ló dạng, không khí nhiều hơn một chút ấm áp. Theo sương sớm tràn vào qua khe hở, Lam mới thu dọn hành lý, bước chân ra khỏi nhà, nhưng không phải đi thăm lợp dưới suối như thường lệ.
Hôm nay ngày rằm, ở một bãi đất trống gần thị trấn, mấy thôn làng kế bên sẽ tổ chức buổi hội chợ. Lần này hắn đem theo vài cân cá khô, cùng với bốn vò rượu mận, dự định bán một ít tiền, đổi lấy vật dụng cần thiết.
Bước một mạch ra cổng làng, đội xe Thổ Mộ đã chờ sẵn từ trước, từ phía xa đã thấy anh em thằng Xuồng, vác mấy bao nông sản để lên sàn. Hai thằng thấy Lam tiến lại thì ra dấu chào hỏi, hắn cũng giơ tay đáp lại, rồi xách đồ ra phía sau cùng, thùng hàng vẫn còn trống khá nhiều.
Rất nhanh đoàn xe đã khởi hành, trên con đường gập ghềnh xé ngang qua rừng cây bụi, hàng hóa cồng kềnh khiến cho việc di chuyển hết sức chậm chạp. Mặt dù chuyến này đi chỉ có năm người, nhưng vì trong đó có bệnh nhân, nên phải hạn chế xóc nảy.
Ngồi ở đối diện phía bên kia, là hai mẹ con bà Bảy Bại, Thằng liệt quấn khăn kín người, chỉ để ló ra hai mắt xanh xao, thâm quầng, đôi mẹ con này rất ít khi xuất hiện trong thôn, dường như là muốn tránh đi tầm mắt của mọi người vậy, ngoại trừ mỗi tháng sẽ đi lên thị trấn chữa bệnh, hầu như rất ít ra khỏi nhà.
Lam chỉ biết là mười năm trước, đôi mẹ con này lưu lạc tới đây, được người dân cưu mang, ngoài ra chẳng có thông tin cụ thể nào. Sau một vài ánh mắt chào hỏi qua loa lấy lệ, đôi bên cũng không có giao tiếp gì, mọi người đều cho rằng hắn bị câm, huống hồ đối phương cũng không có ý tứ bắt chuyện.
Cho đến khi nắng đã leo lên tới đỉnh đầu, ngắm chừng đã đi được hơn 3 giờ đồng hồ, từ phía xa mới vọng lại âm thanh náo nhiệt, dòng người ồ ạt đổ về từ bốn phương tám hướng, một vài túp lều nho nhỏ hiện ra trong tầm mắt.
Nơi này cách thị trấn chỉ có mấy dặm, lúc bình thường là một bãi đất trống chăn thả gia súc, nhưng cứ tới độ trăng rằm, tiểu thương con buông từ các thôn nhỏ lân cận, sẽ tụ họp về đây mở hội chợ. Mặt dù đường xá có chút bất tiện, không có lính tuần duy trì trật tự, thỉnh thoảng xảy ra mấy vụ t·rộm c·ắp, đánh nhau. Bù lại không phải mất tiền mặt bằng cùng với thuế phí.
Hắn biết là mình đã tới nơi! Đoàn xe dừng chân trước một đoạn hơn trăm mét, bốn người tự mang theo hành lý, sau đó tản ra tứ phía. Lam một mình đi vào bên trong chợ, hắn cũng không có ý định bày sạp rồi đợi khách tới mua, như vậy rất mất thời gian.
Sau một hồi vòng vo qua các sạp hàng, lách xuyên đám đông chậm chạp chắn lối, cuối cùng Lam cũng tới chỗ quen thuộc. Dừng chân trước một cái chòi tương đối lớn, có hai ba người đang tấp nập vận chuyển mấy món hàng, để lên mấy cái kệ gần đó.
Ông chủ là một tên trung niên, dáng người lùn chưa tới thước sáu, râu quai nón mọc rậm rạp, có lẽ là do lâu năm tiếp xúc với các loại đồ khô, cho nên cơ thể ám một mùi mốc rất nặng.
“Cá khô sáu cân rưỡi, một cân 12 đồng, rượu mận một vò 50 đồng, tổng cộng 4 vò, hết thảy 272 đồng!” Cả hai không kì kèo mà một bên giao hàng, một bên lấy tiền.
Đây cũng không phải lần đầu Lam bán ở chỗ này, bởi vì là mối quen, giá cả đã thống nhất từ trước, nên không cần thiết phải mặt cả. Cẩn thận kiểm tra lại xâu tiền lần cuối, xác nhận đã đầy đủ, hắn mới bỏ một nửa vào trong túi rút, để ở trước ngực, nửa còn lại thì buộc chặt giấu trong ống giày.
Rời đi khỏi chỗ tạp hóa, Lam lại tiếp tục lẫn vào trong đám người, bây giờ đồ đã bán xong, trong tay có một khoảng kha khá, nhưng mà mục đích chuyến đi lần này vẫn chưa đạt được.
“Gần đây luôn cảm thấy thiếu an toàn, phải tìm đồ phòng thân mới được!” Nghĩ tới là làm, hắn dự định sẽ mua một thanh binh khí, bây giờ chưa xác định cụ thể chủng loại, nhưng mà sẽ ưu tiên các loại dao phớ cán dài với mã tấu. Đối với một người không có kinh nghiệm, nếu binh khí quá phức tạp, sẽ gây ra vướng víu, thậm chí nguy hiểm cho bản thân.
Cho nên, loại đao một lưỡi chính là lựa chọn tối ưu nhất, vận dụng hết sức đơn giản, chỉ cần giữ khoảng cách trung bình với đối phương, thủ thế sẵn bất cứ lúc nào, nếu khoảng cách thu hẹp lại, chém một phát đe dọa, rồi lại tiếp tục lùi ra phía sau kéo dài cự ly, nhất định không được ham chiến.
Vòng một vòng qua chỗ bán khí cụ, Lam tìm cả buổi rốt cuộc mang theo thất vọng tràn trề mà rời khỏi. Dù có bày ra một số binh khí, nhưng toàn chỉ là mấy con dao cán ngắn, rựa đi rừng, phần còn lại chính là các loại dao kéo làm bếp.
“Thời này pháp trị lỏng lẻo, có thể là đề phòng nạn binh đao, nên các loại v·ũ k·hí quân dụng bị quản chế! Nhất định là có người bán loại mặt hàng này, chỉ là chợ phiên nhỏ này không ai dám công khai mời gọi!” Lam nghĩ thầm, bước chân không dừng mà nghe theo tiếng rao hàng, đi thẳng một mạch tới rìa chợ.
“Đúc nồi, sửa chảo, vá thau đây! Bà con cô bác, mại dô, mại dô!”
Một thằng nhỏ tuổi trạc chín mười, đang cầm cái mâm đồng bể, không ngừng gõ vang một cách inh ỏi, đám đông xung quanh dường như bị thu hút, đã có mấy người bu lại từ trước.
Phía sau lưng nó là cái chòi nhỏ, chính xác hơn chỉ là bốn cây tre chỏi xuống đất, buộc lên tấm vải bố để che gió, chắn mưa, phía bên trong ngồi đối diện lò than đỏ lửa, một người đàn ông trung niên, mồ hôi nhễ nhại, đang cật lực kéo ống bể, lửa bập bùng phừng lên theo nhịp, phả hơi nóng gắt ra xung quanh.
“Đại ca muốn rèn binh khí sao?” Thằng nhóc thấy Lam chần chờ, dòm ngang ngó dọc thì lên tiếng thăm dò.
“Làm sao biết?” Hắn nhíu mày, có chút bất ngờ nên hỏi lại.
“Người vai gồ lưng còng thì rèn cuốc, người bước đi cứng nhắc, tay nhiều thẹo thì rèn chảo, rèn dao, chỉ có người ánh mắt hay đề phòng, mới đi rèn binh khí mà thôi! Huống hồ cày cuốc, nồi chảo, dao kéo, chỉ cần vá được sẽ không mua cái mới, đại ca không mang theo đồ cũ, tám phần mười là rèn v·ũ k·hí!”
Nghe nói vậy, Lam mới giật mình, trong lúc vô tình, thói quen cảnh giác lại âm thầm tố giác hắn. Mấy câu này tuy có chút khiên cưỡng, nhưng cũng ẩn chứa đạo lý trong đó, càng làm cho hắn ngạc nhiên hơn là, không ngờ một thằng nhóc bé tí, lại có con mắt tinh tường như thế.
“Là ai dạy cho nhóc?”
“Cha đó!” Thằng nhỏ ra hiệu, chỉ vào người đàn ông trung niên. Y khoác lên mình chiếc áo gai, râu tóc xồm xoàm không nhìn ra tuổi tác cụ thể, nhưng mà đoán chừng cũng xấp xỉ bốn mươi mấy.
Y cầm lên búa cán ngắn, tay kia giữ chắc chiếc kẹp đang cố định thanh thép nóng, để nó tiếp xúc với mặt phẳng của cái đe. Rồi đột nhiên phần eo phát lực, bả vai kéo căng ra phía sau, đập một búa thật mạnh xuống.
Keng! Tàn lửa văn tung tóe, vụn sắt vãi ra tứ phía, tạp chất trong khối kim loại bài tiết ra ngoài sau mấy cú v·a c·hạm. Cho đến khi thanh thép nguội dần, y lại gấp bỏ vào bên trong lò, ống bể thổi vào mấy luồng không khí mới, than hồng lại bùng lên lửa đỏ.
Sau một chuỗi hành động không ngừng nghĩ, dưới nhiệt độ cao, trên người y đã thấm đẫm mồ hôi, từng giọt chảy xuống từ trên cổ, men theo hai cánh tay cơ bắp lực lưỡng, rơi xuống nền đất.
Lam âm thầm đánh giá, quả nhiên người cơ bắp phát triển, cũng không đồng nghĩa với việc trí tuệ bị xem nhẹ. Trái lại, dùng vẻ bên ngoài để che giấu tự thân, loại người này ẩn mình không khoe tài, giống như cây kim dưới gối, một khi bộc phát rất đáng sợ.