Nghê thị sai người vào kho lấy một cuộn Liêu lăng khác tới rồi dùng vải bông gói lại kỹ càng, sau đó mới giao cho nhà Triệu Lão Tam.
“Sắp đến đại hôn của Nguyên tỷ rồi nên bây giờ ta không tiện xử lý ngươi. Nhưng nếu sau này lại xảy ra sai sót gì nữa thì ngươi không cần trở về Mạnh phủ xin tội, mà cứ cuốn gói rời đi đi.”
Nhà Triệu Lão Tam một mực cung kính nhận lấy gói vải bông, sau đó nắm chặt quả đấm liên tục bảo đảm: “Nếu đồ cưới của cô nương lại có bề gì ngay trước mắt nô tì, không cần phu nhân chất vấn, nô tì sẽ lập tức tự biết làm thân kiếp trâu ngựa để trả nợ ạ.”
Chủ nhà đang có chuyện vui, thế nên suy cho cùng bà ấy không dám thề độc vì sợ gặp phải điều kiêng kỵ.
Mạnh Nguyên thì thầm vài câu với Tử Đường bên cạnh, rồi mới nói xen vào: “Để Tử Đường theo Triệu nương tử đi một chuyến, tiện thể mang cuộn vải bị hỏng đó về đi ạ.”
Nghê thị xua tay: “Đồ đã được đưa đến Mộ gia thì đừng mang về. Qua đó rồi con có thể chọn và sử dụng phần dư để làm vài món trâm hoa phương thắng (*) tặng thưởng cho bọn nha đầu đeo chơi, vậy xem như không lãng phí đồ tốt.”
(*) có nghĩa là một loại trang sức có hình dạng giống như hai phần hình thoi chồng lên nhau (góc của một hình thoi chồng lên tâm của hình thoi kia) và kết nối với nhau.
Mạnh Nguyên cười đồng ý: “Vậy không cần mang cuộn vải đó về nữa nhưng Tử Đường cũng nên qua đó cắt một ít rồi mang về đây, sau này nữ nhi sẽ cần dùng đến.”
Thấy dáng vẻ như đã tính trước của Mạnh Nguyên, Nghê thị biết chuyện này có liên quan đến “trừng phạt hung thủ” nên bà đành cố nén tò mò đồng ý.
Mộ phủ thấy thị tì Mạnh gia về và ôm thêm một gói vải bông thì không hỏi nhiều, vì nghĩ họ về nhà lấy thêm hành lý tới. Dù gì ban ngày phải mang đồ cưới đến, không tiện mang hết cả đồ dùng của tôi tớ qua theo.
Về phần Tử Đường, lúc ra ngoài không bị người giữ cổng của Mộ gia làm khó vì nàng ấy đã gấp Liêu lăng dài hơn thước lại rồi bỏ vào túi tay áo, làm thế cũng giảm bớt được sự thắc mắc của người ngoài.
Mạnh Nguyên lấy được Liêu lăng, lập tức tìm Xích Thược, đoạn nói nhỏ vài câu bên tai nàng ấy. Đầu tiên Xích Thược không hiểu nhưng ngay sau đó gật đầu đáp: “Em sẽ đi làm ngay, cô nương cứ yên tâm.”
*
Ngày hai mươi tám tháng chín là ngày Mạnh Nguyên chính thức lấy chồng.
Hôm đó trời nắng đẹp, ở phía nơi chân trời xanh thẳm không hề có một gợn mây.
Trời chưa sáng Mạnh Nguyên đã thức dậy tắm rửa thay y phục, sau đó thái thái may mắn (*) đến chải đầu giúp nàng, còn có thân hữu nữ quyến tới đưa tiễn và nói nhiều lời chúc tụng may mắn, rốt cuộc đợi được người của Mộ gia đến “thôi trang” (**).
(*) Nguyên văn 全福太太: Đề cập đến một người phụ nữ có cha mẹ còn sống, có chồng và có cả hai con. Theo nghi thức đám cưới dân gian, người chúc phúc phải lo nhiều việc trong lễ cưới, để cầu xin cho đôi tân hôn gặp nhiều may mắn trong tương lai.
(**) thôi trang: là một trong những nghi thức hôn nhân cổ đại. Người ta nói rằng người phụ nữ phải được nhà trai thúc giục nhiều lần trước khi kết hôn.
Tuy không dùng được mão, choàng vai và hoa hồng được đưa tới nhưng cũng phải gánh về Mộ gia theo công thường (*) đáp lễ, khăn vấn đầu thêu hoa và dây tơ hồng treo ngọc rực rỡ khắp phố phường.
(*) công thường: ở đây có thể hiểu là y phục.
Đến bây giờ Nghê thị mới thật sự cảm thấy khó chịu.
Tuy lúc đầu bà tự thuyết phục bản thân, rằng hôn sự này đã được tổ chức vô cùng hoàn hảo nhưng cuối cùng bà lại cứ nắm đôi tay nhỏ bé của Mạnh Nguyên không nỡ buông ra.
Bà vốn phải căn dặn nàng nên hiếu thuận với bác chồng, lễ phép và tôn trọng nhân luân của phu quân, nhưng lời đến khóe môi lại biến thành: “Nếu bị oan ức thì con đừng bao giờ chịu đựng, mọi việc còn có mẹ đây.”
Mạnh Nguyên cũng bất giác bật khóc.
Phu nhân may mắn đưa khăn tới khuyên: “Nguyên tỷ nhi của bà là người có phúc phận, có bà mẫu hiền hoà, phu quân có bề thế, trong nhà càng phú quý khó ai sánh được... Khóc nữa thì không may mắn đâu.”
Bên ngoài, sáo và trống diễn tấu càng lúc càng dồn dập. Tiểu nha đầu chờ ở cửa nhẹ nhàng mỉm cười đi vào truyền lời: “Phu nhân, Bát cô nương, cô gia cưỡi ngựa dẫn theo hỉ kiệu đến cổng lớn rồi ạ. Lão gia đã bảo các vị thiếu gia ra đằng trước chặn cửa để lát nữa phát tiền thưởng, vậy là sắp đến giờ lành rồi ạ!”
Nghê thị đành thôi không nhiều lời nữa, không dám để lỡ thời gian xuất môn của Mạnh Nguyên. Bà vừa lau nước mắt vừa giúp Mạnh Nguyên khép lại rèm ngọc trai và đè tóc xuống.
“Hôm nay là ngày tốt đẹp nhất của con, lát nữa con phải thật vui vẻ ra khỏi nhà. Ba ngày sau dẫn cô gia về lại mặt, mẹ sẽ chiêu đãi thật thịnh soạn.”
Bà đang có ý khuyên Mạnh Nguyên nhanh chóng lung lạc trái tim của phu quân.
Mạnh Nguyên rưng rưng không dám khóc, hứa hẹn một cách son sắt: “Mẹ yên tâm, nữ nhi chắc chắn sẽ sống cuộc sống thật vui vẻ và hòa thuận.”
*
Mạnh Nguyên để huynh trưởng khác mẹ cõng ra khỏi nhà, chợt liếc thấy cách vài bước có một con ngựa cao to được cột lụa đỏ đang đứng.
Người trên ngựa mặc lễ phục Hầu tước, trên mão có gắn một chùm hoa hồng cung càng làm nổi bật gò má như ngọc và vẻ khôi ngô của chàng.
Đây là phu quân nàng mất rồi lại có được!
Tuy bề ngoài đang tỏ ra lạnh lùng khiến người khác không dám đến gần nhưng sau khi thành hôn, chàng quả thật là một phu quân chu đáo và săn sóc.
Cậy vào mình đang cầm quạt tròn che mặt, Mạnh Nguyên vô thức mỉm cười và mơ ước sau khi họ kết hôn sẽ cùng nhau sống nốt quãng đời còn lại. Song nàng đã quên mất rằng tân lang trên ngựa không mảy may để tâm đến nàng.
Đến khi hỉ kiệu bình ổn đến được cửa chính của phủ Bác Vọng hầu, trong lòng Mạnh Nguyên tràn đầy hạnh phúc.
Dừng kiệu và đặt xuống thềm nhà, trước màn kiệu của cô dâu có tiên sinh Âm Dương bưng một đấu gạo đi trước.
Hắn rắc ngũ cốc, đậu, tiền và thảo quả đã kết trái phía trước kiệu, sau đó sẽ có trẻ con vây xem ào lên giành tiền đồng đó.
Đến khi rắc đầy đoạn đường từ màn kiệu tới tận cửa phủ thì hắn mới dừng lại, miệng còn lẩm bẩm ngụ ý là để dê xanh, gà đen và bò xanh ngăn cản sát thần ở ba hướng.
Sau đó, Mạnh Nguyên chợt cảm thấy cửa kiệu khẽ run lên.
Nàng biết đây là lúc tân lang quan đang đá cửa kiệu bên ngoài nên cũng nho nhã gõ lên đỉnh kiệu một cái.
Sau đó có người vén màn kiệu lên.
Mạnh Nguyên vẫn dùng quạt hỉ che mặt nên chỉ thấy được một khoảng nhỏ trước mắt.
Hỉ bà đã nhỏ giọng căn dặn, nàng chỉ được phép bước chân lên nơi đã được trải thảm.
Nàng vừa cất bước, đã có người cầm kính uyên ương đứng đối diện với Mạnh Nguyên và đang đi ngược về sau.
Mạnh Nguyên được nàng ấy dẫn lần lượt đi qua yên ngựa, đống cỏ khô nhỏ, một cái cân và cuối cùng là bậc cửa cao gần một thước của Mộ gia.
Vén váy để cất bước về phía trước, nàng cố ý dừng lại một chốc. Hỉ bà biết nàng đang sợ bị trật chân té ngã nên chủ động bước lên dìu nàng.
Mạnh Nguyên lại hoảng hốt. Kiếp trước, Mộ Hoài sẽ quay lại nắm lấy ống tay áo của nàng rồi dẫn vào mà.
*
Tuy dòng tộc của Mộ Hoài chỉ còn lại hai trưởng bối goá bụa nhưng họ vẫn phải bái lạy cao đường.
Mộ Hoài quyết định thỉnh bài vị của cha mẹ và cho đặt lên vị trí cao, còn mẹ kế Phù thị phải lùi lại ngồi ở ghế sau.
Lần trước, Mạnh Nguyên đã bái đường như vậy nên nàng không hề ngạc nhiên như các tân khách.
Hỉ bà hiểu biết rộng rãi nên cũng không mảy may phiền lòng, từng bước dẫn đôi tân nhân vào “buồng nghỉ” (*) hỉ phòng đã được chuẩn bị ổn thỏa trước đó. Mạnh Nguyên vừa vào phòng lập tức cảm thấy không đúng, căn hỉ phòng này không phải căn phòng mà kiếp trước nàng từng thành lễ!
(*) Nguyên văn 坐虚帐: có nghĩa là trong lễ cưới ngày xưa, trước khi cô dâu bước vào buồng tân hôn, trước tiên cô dâu sẽ vào một căn phòng có treo màn ở giữa cửa để nghỉ ngơi một chút.
Tuy các hộ gia đình giàu có chú trọng thết đãi hôn lễ ba ngày, gia cụ phải được phơi gả trong sân ba ngày sau mới được khiêng vào phòng chính. Còn cô dâu cũng phải đợi lại mặt xong thì mới chuyển khỏi hỉ phòng tới nơi mình sẽ cư ngụ. Thế nhưng trong kiếp trước, ngay từ đầu nàng đã được chuyển từ phố phòng thẳng vào nhà chính ở chính viện mà!
Nàng cố gắng kìm nén hoài nghi trong lòng, để hỉ bà lần lượt hoàn thành các nghi thức.
Quả nhiên đã khác xa so với suy nghĩ của nàng.
Đầu tiên lúc hai nhà thắt đồng tâm kết, Mộ Hoài chỉ buộc một dải nút qua loa; sau đó khi khách khứa và bạn bè vào “Rắc giường” (*) thì chàng sẽ mở lời ngăn lại; rồi đến lúc uống rượu hợp cẩn, chàng sẽ phối hợp uống cạn nhưng không giúp mình lau giọt rượu vươn ở khóe môi như kiếp trước nữa...
(*) Nguyên văn 撒帐: ý là rải gạo hoặc đậu lên giường.
Cõi lòng Mạnh Nguyên càng lúc càng sợ hãi.
Nàng không hiểu, kiếp trước rõ là hai người chưa từng gặp nhau trước hôn lễ, vả lại Mạnh gia còn công khai bàn việc cưới gả với Cốc gia nữa. Dù vậy, khi Mộ Hoài vừa gặp nàng thì lập tức nâng niu nàng như châu báu, thế tại sao kiếp này rõ ràng hai người có khởi đầu tốt hơn hẳn nhưng Mộ Hoài lại đối xử lãnh đạm với nàng như này chứ?
Đến khi hai người uống rượu giao bôi xong, Mộ Hoài cũng chẳng nói một câu nào mà rời khỏi hỉ phòng để ra ngoài tiếp đãi khách khứa và bạn bè. Mạnh Nguyên mới thật sự tin chắc, rằng lúc này Mộ Hoài không có chút tình nghĩa nào với nàng, hơn nữa cũng không có ý định trao gửi tấm chân tình...
Mạnh Nguyên - vốn ngập tràn niềm hạnh phúc - chợt cảm thấy như thể mình đang rơi xuống hầm băng suốt ba mùa đông.
Nàng nghĩ mãi không hiểu, tại sao sau khi mình trọng sinh, Mộ Hoài bỗng đánh mất nỗi niềm với nàng vậy?
Tử Đường có tính tỉ mỉ, thấy ánh mắt của cô nương nhà mình trống rỗng, sắc mặt vốn dĩ đang vui mừng chợt dần dần tắt hẳn.
Nàng ấy đứng trước mặt Mạnh Nguyên, ngăn cản cái nhìn soi mói của người khác.
“Cô nương, nếu ngài mệt mỏi, có cần nô tỳ bưng canh nóng tới đây để ngài từ từ dùng không ạ?”
Bấy giờ Mạnh Nguyên mới hoàn hồn, nàng đang làm gì thế này?
Mình đã may mắn trở lại lúc Mộ Hoài chưa chết, tuy chàng chưa có tình cảm gì với mình nhưng đợi một khoảng thời gian nữa, chắc chắn mọi thứ sẽ trở về như kiếp trước thôi. Chàng sẽ lại nâng niu nàng như viên ngọc trong bàn tay và yêu thương nàng như báu vật.
Dù gì đó là phu quân luôn yêu chiều nàng đến chết không thôi mà.
Nghĩ đến đây, Mạnh Nguyên lại nâng cao tinh thần rồi nhìn về phía “đám người quen cũ” đang vào đây náo hỉ phòng.
“Tử Đường, vừa nãy ngươi gọi sai rồi, phải đổi sang gọi Hầu phu nhân chứ.”
Tác giả có lời muốn nói: emmmm, dự cảm có một con cún sắp bị mắng