Sao Mợ Không Về Thăm Cậu Hai

Chương 20: Hồi Ức




Gia tài của nhà mợ hai được đâu đó khoảng chừng vài mẫu đất, mấy mẫu sau nhà được ông Trực dùng để canh tác lúa, còn một mẫu đất nhỏ kế bên để dành trồng thêm ít rau củ. Bấy nhiêu đây cũng không gọi là nhiều, nhưng nhìn chung vẫn vừa đủ để một gia đình bình dân trang trải qua năm tháng.

Tôi theo cậu ba đi dạo quanh bờ đê, nhìn thấy đàn cò trắng nhấp nhô trên bông lúa đã điểm vàng, thấy cả rặng dừa nước lấp ló đằng xa, chở che cho cái xóm nghèo dường như đang bị bỏ quên. Tôi luôn thích những buổi trưa hè như thế, thả một nửa hồn mình trên bờ đê lộng gió, nửa còn lại thì lửng lơ trên những đám mây, để được bay lượn thoải mái như cánh chim kia.

Tôi ngồi bệt xuống gò đất gần đó, hướng mắt về phía cánh đồng, hai chân duỗi thẳng, tay thì phẩy phẩy cái nón lá làm duyên. Dưới bóng râm mát mẻ như thế này, giá mà có thêm chiếc võng đung đưa thì còn gì bằng nữa.

"Lâu lắm rồi tui mới được thấy... bóng dáng Sương của ngày xưa." Cậu Hiển ngồi xuống bên cạnh tôi, chút nữa là tôi quên mất sự hiện diện của cậu ở ngay đây.

"Bộ... tui khác xưa nhiều lắm hả chú ba?"

"Khác chứ. Sương đẹp hơn, áo quần tươm tất hơn, dũng cảm hơn, nhưng cũng xa cách hơn."

Tôi hỏi cậu có phải hồi xưa tôi xấu lắm không, cậu bảo rằng không. Từ khi còn là cô gái quê chân lấm tay bùn, hay khi tôi trở thành mợ hai lụa là gấm nhung của nhà họ Huỳnh, thì đối với cậu mà nói, tôi chưa bao giờ xấu cả.

Tôi hỏi cậu như thế nào gọi là dũng cảm hơn, cậu nói thay vì tôi chỉ biết im lặng mà chịu đựng những lời mắng nhiếc, những trận đòn roi của bà Châu - má Thu Thảo, lúc tủi thân nhất cũng chỉ biết chạy đi tìm cậu mà thỏ thẻ. Thì bây giờ, tôi can đảm hơn, tôi còn dám nhìn thẳng vào mắt họ mà không để lộ chút e dè sợ hãi. Tôi thay đổi rồi, thay đổi thành một Thu Sương mà trước đây cậu chưa bao giờ được nhìn thấy.

Và tôi lại hỏi, tôi hỏi cậu thế nào gọi là xa cách hơn, cậu nói: "Xa cách nghĩa là... em vẫn ở ngay bên cạnh tui, nhưng không dám nhìn thẳng vào mắt tui, và không còn có thể là của tui nữa."

Ngay khi chạm phải ánh mắt tội nghiệp đó của cậu ba, tôi đã vội vàng quay sang chỗ khác. Cậu nói đúng, tôi rất sợ nhìn thấy người khác đau khổ mà không giúp được gì, hơn hết là, tôi biết mình chính là nguyên nhân bắt nguồn cho sự đau khổ ấy.

"Bộ... hồi đó... tui với cậu... từng yêu nhau hả cậu ba?" Tôi nhìn trước ngó sau rồi mới dám rặn ra từng chữ.

Cậu ba cười một cách xót xa, nói: "Cũng có một chữ "yêu", nhưng tiếc là không phải "chúng ta" từng yêu nhau."



"Vậy tóm lại thì giữa tui với cậu là sao? Cậu kể chuyện hồi xưa cho tui nghe đi, kể luôn cái chuyện tui bị mất trí nhớ nữa."

Có một vài chuyện cũ mà tôi không còn nhớ nữa, nói đúng hơn là chưa từng xuất hiện trong ký ức của tôi, vì thế tôi nghĩ rằng không có dịp nào thích hợp để biết về quá khứ của mợ hai như hôm nay, nên cứ nằng nặc đòi cậu ba kể cho bằng được.

Cậu ba hướng tầm mắt về đường chân trời xa xôi kia, chậm chậm đưa tôi qua từng mảng ký ức trải dài suốt tháng năm tuổi trẻ của cậu. Ở cái xóm Lũ đìu hiu này, có một chàng trai thương thầm cô gái suốt hai mươi năm. Thương nụ cười hiền, thương đôi mắt buồn thiu, thương bờ môi, thương cả những giọt nước mắt. Thương mái tóc dài xõa ngang vai, thương từng củ khoai nàng đem vội ra đồng. Thương những buổi trưa hè thấy nàng ngồi êm ru trên bờ đê, hỏi sao nàng lại khóc.

Cũng tại xóm Lũ này, tuy chàng trai ấy chưa bao giờ đứng trước mặt mà bày tỏ tấm lòng với nàng, nhưng đã từng nửa thật nửa đùa ngỏ ý muốn cưới nàng rất nhiều lần. Mỗi lần như vậy, nàng chỉ cười rồi nói: "Thân anh còn nuôi chưa xong, lấy gì nuôi nổi em?"

Thế là chàng trai càng có thêm động lực để kiếm tiền, càng hy vọng về tương lai cùng nàng sống chung một mái nhà.

Cho đến một ngày, mẹ của chàng trai đau ốm liên miên, người con gái lâu ngày không gặp lại bỗng nhiên nói thích một người khác. Đỉnh điểm là khi biết tin nàng bị gia đình ép gả cho người mà nàng không yêu, chàng trai đã tạm gác nỗi đau riêng mà tình nguyện đưa nàng bỏ trốn.

"Vậy cậu có biết người mà mợ hai... người mà tui thương là ai không?"

Cậu ba lắc đầu: "Tui chưa từng gặp người đó, nhưng vì em nói em đang chờ người đó trở lại tìm em, em nói em không muốn lấy người mình không thương, nên tui mới đưa em chạy trốn rồi tính sao thì tính."

Đưa em chạy trốn...

Nghe cậu ba kể đến đây, sau đó bình tĩnh liên kết hết tất cả các sự việc mà tôi được nghe từ trước đến giờ, khiến tôi phải lập tức thốt lên hai chữ "tiêu rồi".

Thì ra người đã cứu cụ Đằng trong lần bị kẻ gian hãm hại kia chính là mợ Sương. Thì ra người cụ Đằng phải lòng là mợ Sương, người mà ngày cụ Đằng sang dạm hỏi đã chạy trốn cùng tên đàn ông khác là mợ Sương, người gián tiếp khiến chân của cụ Đằng bị thương cũng chính là mợ Sương.

Ngỡ là xa tận chân trời, ai ngờ gần ngay trước mắt. Tại sao trên đời luôn tồn tại những chuyện trùng hợp đến trớ trêu như vậy? Tại sao người con gái nhỏ bé như mợ hai lại là nhân tố liên quan đến tất cả? Hèn gì người nhà họ Huỳnh lâu nay cứ luôn nói bóng nói gió về tôi. Hèn gì lần đó ở Cần Thơ, khi tôi lỡ nhắc chuyện xưa với cụ Đằng, cụ không những phản ứng gay gắt mà còn biểu tôi tự nhớ ra mà ân hận.



Tiêu rồi!

Nếu như cụ Đằng hay bất kỳ ai biết được cậu ba Hiển là người đàn ông bí ẩn đưa mợ hai bỏ trốn, có phải tôi và cậu ba sẽ bị buộc tội thông đồng với nhau để bước chân vào nhà họ Huỳnh hay không? Rồi sớm muộn gì cậu ba và cả tôi cũng bị tống cổ ra khỏi nhà không thương tiếc, thậm chí trở thành trò cười cho thiên hạ.

Tiêu thật rồi!

"Cậu ba, tui lạy cậu, cậu đừng có nói chuyện này với ai, đặc biệt là cậu hai giùm tui nha cậu ba. Cậu hai mà biết tui từng bỏ nhà theo cậu, là tui với cậu tiêu đời luôn đó." Tôi đem theo mớ cảm xúc rối bòng bong ấy để mà thương lượng với cậu ba.

Cậu ba biểu tôi cứ yên tâm, bởi lẽ cậu sẽ không làm chuyện gì tổn hại đến tôi. Cậu cũng đã cẩn thận dặn dò chuyện này với bác Trực, với dì Châu và Thu Thảo. Cho dù tôi không tin tưởng vào hai má con nhà đó lắm, nhưng cũng thấy đỡ lo phần nào.

Rồi cậu ba kể tiếp, sở dĩ mợ hai không nhớ được mọi chuyện trước đây, là vì trong lúc bỏ chạy cùng cậu, mợ lỡ trượt chân té và bị thương ở đầu. Tiếc là trước khi mợ tỉnh lại, cậu phải vội quay về chăm sóc người mẹ già đang lâm bệnh nặng. Năm ngày, mười ngày rồi đến nửa tháng sau, cậu đến tìm mợ thì hay tin nhà bên kia đã sang rước dâu rồi.

Đến khi cậu có năng lực chăm lo cho mợ một cuộc sống no ấm đủ đầy, thì mợ đã sớm thuộc về người khác. Có nằm mơ cậu cũng không ngờ mình sẽ gặp mợ ở cái nơi mà từ nay về sau cậu phải gọi là nhà. Có nằm mơ cũng không ngờ rằng cậu sẽ cùng mợ sống chung một mái nhà, nhưng chẳng phải trên danh nghĩa phu thê sớm tối có nhau, mà với danh nghĩa chị dâu và em chồng.

Người đàn ông có đôi mắt lúc nào cũng phủ một màn sương ấy lại tha thiết nhìn tôi: "Giá như em gả cho một người xa lạ nào đó, thì tui còn chờ đợi em được. Nhưng em gả cho anh hai của tui, thì tui biết làm sao đây?"

Và thì ra chữ "yêu" mà cậu ba nói, không phải là cậu và mợ Sương từng yêu nhau. Thì ra từ đầu tới cuối chỉ có cậu yêu mợ Sương, còn mợ thì không.

Làm sao đây? Cậu hỏi tôi như vậy, tôi biết phải làm sao đây? Sao mà tôi thấy đau lòng cho cậu quá. Trên đời này đào đâu ra một người đàn ông vừa chung tình, vừa hiểu chuyện như cậu đây chứ? Tôi đau lòng thay cậu ba bao nhiêu thì lại trách cái ông cụ Đằng kia bấy nhiêu, đúng là cái loại vừa ích kỷ, vừa cố chấp, cái loại ăn không được phá cho hôi, cái loại sống mà chỉ biết nghĩ cho bản thân mình. Rõ rõ ràng đã biết mợ hai vì không chịu lấy cụ nên mới bỏ trốn, thế mà cụ vẫn muốn rước mợ về nhà cho bằng được.

Phải chi tôi xuyên không về đây sớm một chút, trước khi cụ Đằng gặp được mợ hai, trước khi mợ hai phải lòng ai đó, có phải cuộc đời của cậu ba sẽ bớt khổ hơn không? Mặc dù trước giờ tôi vẫn luôn có một mong ước nhỏ nhoi chính là được kết hôn với đại gia, để rồi sau bao nhiêu chuyện xảy ra, tôi thấy gả cho người như cậu ba cũng không hẳn là thiệt thòi. Một mái nhà tranh, một cánh đồng, một bầy vịt nhỏ, ngày ba bữa cơm trứng với rau muống luộc chấm nước tương,... đôi khi những điều bình dị ấy lại là niềm hạnh phúc to lớn đối với những người bình thường.

Nhưng tôi nghĩ mãi mà chẳng ra, nếu như không phải là cụ Đằng, không phải cậu Hiển, vậy thì người mợ hai thích thật ra là ai mới được? Cuộc đời còn dài như vậy, người đó định khi nào mới xuất hiện đây?