Tôi thoải mái khoác tay người mà từ bây giờ tôi phải gọi là cha vào nhà. Nhà của mợ hai Sương nằm ngay cuối đường, đó chỉ là một ngôi nhà bình thường giống như bao ngôi nhà miền Tây Nam Bộ khác, mái lợp bằng lá dừa nước, trước sân có thêm bụi tầm vông và mấy hàng dây leo. Nếu như nhà cổ Huỳnh Khởi được cất bằng các loại gỗ quý kết hợp với bê tông cốt thép, mái lợp ngói trông sang trọng và bề thế bao nhiêu... thì nhà của mợ Sương lại đơn sơ bấy nhiêu.
Tôi đứng trước hàng ba, hít một hơi thật sâu để quan sát mọi ngóc ngách trong ngôi nhà này. Nội thất cũng chẳng có gì đáng để kể, chỉ có mỗi cái bàn gỗ hình chữ nhật đặt ở giữa nhà, trong cùng là cái bàn thờ nhỏ chưa cháy hết nhang, khói bay nghi ngút. Đến tận bây giờ tôi vẫn luôn thắc mắc, con gái của gia đình nông dân nghèo như mợ Sương, làm sao có thể dễ dàng gả vào nhà họ Huỳnh như vậy?
"Qua đốt nhang cho má bây đi, còn đứng đây mần chi nữa."
Sau câu nhắc nhở của ông Trực, tôi rón rén theo sau cậu ba tới chỗ bàn thờ, thay mợ hai đốt cho má nén nhang. Trước khi cắm nhang vào lư hương, tôi còn thành khẩn cầu xin bà ấy phù hộ cho tôi sớm qua khỏi kiếp nạn này. Tôi đang nghĩ nếu như phát hiện tôi không phải là con gái của bà ấy, liệu bà có hiện về bẻ gãy chân tôi không nhỉ? Nghe qua đã thấy lạnh cả sống lưng.
"Tui còn tưởng có khách quý nào tới thăm, ai dè là mợ hai với lại cậu ba nhà họ Huỳnh đó đa."
Từ trong cửa buồng, một người phụ nữ vén màn bước ra, kế đó là cô gái dáng người nhỏ nhắn, tuổi chừng mười tám.
"Dạ con chào dì, chào Thảo." Thấy cậu Hiển gật đầu thưa, tôi cũng vội gật đầu theo lia lịa.
Cô bé mà cậu Hiển vừa gọi là Thảo cũng bắt đầu mở miệng: "Chị hai, bộ chị không thấy má tui hay sao mà không thưa gửi gì hết vậy?"
Câu nói của cô bé ấy như tạt thẳng một gáo nước lạnh vào mặt tôi, bởi lẽ tôi không nghĩ rằng với cái bộ dạng nhỏ nhắn và mặt tiền đáng yêu kia lại có thể phát ra những lời nói khó nghe như vậy. Không phải tôi không có miệng, chỉ là tôi đang cố đoán xem người phụ nữ kia là ai mà lại xuất hiện trong ngôi nhà này, rồi tôi nên gọi bà ấy là gì cho đúng.
"Dạ con thưa... thưa... dì..." Tôi cúi đầu, khóe môi cứ lắp ba lắp bắp.
"Coi bộ mợ hai ở bên đó ăn sung mặc sướng lắm đa, mới đi mần dâu được có mấy tháng mà có nhớ chi tới cái gia đình nghèo khổ này đâu." Người phụ nữ ấy ngồi xuống ghế, từ tốn hớp một ngụm trà.
"Dạ thưa dì, con đâu dám."
"Cậu hai nhà họ Huỳnh đâu? Sao không về chung với chị mà để anh Thế Hiển đưa về?" Cô bé tên Thảo chăm chú nhìn tôi và cậu Hiển, điệu bộ dò xét.
Cậu Hiển mới thay tôi trả lời: "Ảnh còn mắc công chuyện, nên mượn anh đưa Sương về giùm."
"Sương Sương Sương Sương, lúc nào cũng Sương. Chị dâu của anh mà anh gọi tên ngọt xớt vậy hả?"
Cô bé tên Thảo khi không trở nên kích động, người phụ nữ bên cạnh cũng liếc ngang liếc dọc, nói thêm: "Thì vốn dĩ người ta có phải chị dâu với em chồng đâu. Hết dắt nhau đi trốn, rồi bây giờ tới về nhà giỗ má vẫn còn cặp kèo đi theo nữa mà."
"Hai má con bà mỗi người nói bớt một câu giùm tui đi, lâu lâu con nó mới về nhà một lần. Con Thảo coi xuống dưới nhà dọn cơm dọn nước gì đi, trưa trời trưa trật rồi."
Bác hai Trực nói một câu khiến cho cụ Thảo cho dù không bằng lòng cũng phải ấm ức đi vào trong nhà. Bấy giờ tôi mới hiểu, hóa ra sau khi má của mợ hai qua đời, người đàn ông này cũng không do dự mà đi thêm bước nữa, lại còn có con riêng lớn thế này rồi.
Mấy đời bánh đúc có xương...
Theo như cảm nhận của tôi từ nãy tới giờ thì tôi dám cá là cuộc sống của mợ hai trong ngôi nhà này cũng không mấy gì tốt đẹp. Từ ánh mắt, cử chỉ rồi đến lời nói của hai má con kia cũng quá đủ để minh chứng cho điều đó. Tôi còn cảm nhận được trước đây mợ hai đã từng bị cô lập như thế nào, và tệ hơn nữa, trước mặt tôi là một người cha hèn nhát và nhu nhược.
Tại sao tôi không động não nhanh hơn một chút nhỉ? Dù sao cũng không ở trong nhà này nữa, tôi còn sợ hãi khép nép cái gì chứ? Cứ coi như tôi mạnh mẽ thay cho mợ Sương, thay mợ làm những điều mà khi xưa mợ không dám đi.
Bữa cơm gia đình ấm cúng trong tưởng tượng của tôi là một bữa cơm không cần sơn hào hải vị, chỉ cần có tôi, có ba má, một nhà ba người, ăn rau muống luộc cũng thấy hạnh phúc vô cùng. Hiện giờ tôi cũng đang ngồi ăn bữa cơm gia đình, một "nhà" năm người, thế nhưng mỗi người một vẻ, trông chẳng khác gì đi đám cưới mà không được xếp chỗ ngồi chung với người quen vậy.
"Ăn đi, Sương thích nhất là cái này mà."
Cậu ba gắp vào chén tôi một miếng cổ gà, còn nhấn mạnh rằng đó là thứ tôi thích ăn nữa. Tôi hơi nhăn nhó nhìn cái thứ trơn tru nằm trong chén cơm trắng, không hiểu mợ hai thích ăn xương thật, hay tại vì những phần thịt thơm ngon đều để dành cho người khác, nên mợ đành ngậm ngùi "hưởng" trọn phần xương còn lại?
Nghĩ đoạn, tôi cầm đũa gắp thêm cái đùi gà vào trong chén, nói: "Đó là ngày xưa thôi, còn bây giờ người ta phải biết giữ cho mình thứ tốt nhất chứ chú ba."
Cậu Hiển nhìn tôi cười, còn không quên dặn tôi ăn nhiều thêm một chút.
Vậy là tôi đoán không sai, hai má con nhà đó thấy tôi ung dung cầm cái đùi gà mà mắt nổ đom đóm. Nhất là cụ Thảo, tôi còn nhận ra cách mà cụ Thảo nhìn cụ Hiển không giống với cách mà những con người bình thường nhìn nhau.
"Mợ hai làm dâu nhà bển chắc được cưng chiều lắm đa, bởi vậy về đây mới ăn bận sang trọng, mấy cái món nhà quê này bây giờ đâu có xứng với mợ hai nữa." Má của cụ Thảo ngồi ở đối diện bất ngờ đập mạnh đôi đũa xuống bàn, bắt đầu giở giọng soi mói tôi.
Khi này tôi mới không ngần ngại mà trả lời: "Dạ con cũng không giấu gì cha với dì, không hiểu sao mà gia đình chồng cưng con như cưng trứng vậy đó, lo cho con từng miếng ăn giấc ngủ, không để con mần động móng tay chứ nói chi là nói nặng nói nhẹ. Cậu hai cũng vậy, ảnh đi công chuyện tối ngày, nhưng hễ về tới nhà là chạy đi tìm vợ liền, đêm nào cũng ngồi xoa bóp cho vợ dễ ngủ..."
Tôi cứ theo mạch cảm xúc mà "bịa" ra rất nhiều câu chuyện, đó cũng là tất cả những gì tôi khao khát khi ở trong nhà họ Huỳnh. Dẫu biết rằng mình nói dối là sai, nhưng lần này tôi lại hả hê và không hề thấy chút tội lỗi nào. Suy cho cùng thì ngoài cậu Hiển ra, đâu có ai biết được câu chuyện bịa đặt đến khó tin này.
Không dừng lại ở đó, khi nhìn thấy sự ghen tị hiện rõ trên gương mặt của má con cụ Thảo, tôi càng thêm hưng phấn mà nói tiếp: "Nói nào ngay, trước giờ con cứ nghe người này người kia kể là má chồng đáng sợ như dì ghẻ, nào là đánh đập, chửi mắng rồi tới chì chiết đủ điều. Vậy mà ở chung rồi mới biết, má chồng cũng có thể thương con như má ruột, còn dì ghẻ... thì chưa chắc."
"Chị nói vậy là ý gì? Chị đang chửi xéo má..."
Cụ Thảo chưa kịp nói hai chữ "má tui" đã bị người phụ nữ kia nắm tay ngăn lại. Bà ta mím chặt môi, sau đó ghim cặp mắt sắt lẹm về phía tôi, trông như đang gượng cười, nhưng thật ra lại uất ức đến khóc cũng không khóc được.
"Nếu thiệt là như vậy thì tui mừng cho mợ hai. Sau này con Thảo nhà tui mà được một nửa phước phần như mợ... là tui cũng vui rồi." Bà ta bóp chặt cổ tay cụ Thảo, nói với tôi.
"Dì khỏi lo xa mần chi cho mệt, ông trời ổng đâu có bất công với ai bao giờ, trước giờ em Thảo nhà mình ở hiền thì ắc sẽ gặp lành, đúng không dì?"
Tôi vừa nói dứt câu, cụ Thảo đã tức đến mức phải bỏ bữa mà chạy đi mất. Người phụ nữ kia cũng không còn tâm trạng ăn uống gì nữa, chỉ biết lấy lý do là cụ Thảo không khỏe trong người rồi cũng chạy theo cụ xuống nhà dưới.
Cụ Hiển ngồi ngay bên cạnh cứ nhìn tôi không chớp mắt, có lẽ cụ đang nghĩ hôm nay tôi bị cái gì nhập nên mới dám lớn tiếng với dì như vậy. Còn ông hai Trực vẫn ngồi im một góc như kẻ câm, cứ lặng lẽ ăn cho xong chén cơm mà chẳng thèm nói câu nào.
Tự nhiên tôi thấy ngưỡng mộ mình quá. Hình như đây cũng là chuyện suôn sẻ đầu tiên mà tôi nghĩ được làm được ở thế giới này.