Chương 13: Trò chơi chạy đá.
Phùng Xuân mở ra bản vẽ của mình, cho mọi người xem từng khung hình mà cô vẽ nguệch ngoạc. Nhìn qua bức tranh của cô Quang Hải và Nguyễn Khang đã biết đối thủ một mất một còn trong khả năng vẽ của lão Đức là ai rồi. Phùng Xuân vẽ khó hiểu không kém lão, bù lại cô thể hiện hoàn chỉnh hơn không rời rạc giống như những hình vẽ của lão.
Cô bắt đầu chỉ vào những nét họa ở trang đầu tiên, nói: “Những nét này không đồng nhất có to có nhỏ, có đậm có nhạt, đây không phải là nét vẽ thông thường do con người tạo ra mà là dấu tích nào đó được ẩn trong đất, giống như kinh mạch trong cơ thể con người vậy, đây có thể là kinh mạch của đất. Nó không rối rắn như kinh mạch của con người mà mang một ý nghĩa cụ thể. Những nét ở cụm các viên gạch sẽ hỗn loạn hơn, nhưng khi quan sát thật kỹ và ghép lại sẽ thấy những đường nét lên cao xuống thấp thể hiện cho núi, bên trong đó còn có một số đường vân của lá cây và rễ cây, chứng tỏ loại đất được lấy về làm gạch là từ một ngọn núi có mật độ cây xanh phủ dày. Tiếp đó chính là những nét xuất hiện trong vật trang trí, những nét ở đây có sự thay đổi đôi chút, các nét vẽ như thể bị cưỡng ép tạo thành, cũng có nét tự nhiên. Những nét cưỡng ép hình như là do con người tác động mà sinh ra thể hiện cho đời sống của chính họ.”
Phùng Xuân chỉ bức họa thứ hai: “Đây chính là kết quả sau khi tôi ghép những đường nét xuất hiện ở phần trang trí lại. Những con người đang vận chuyển đá, sau đó một số nét hơi lộn xộn, ghép lại liền thành dòng nước xoáy.”
Cô dùng bút chì khoanh lại phần hình ảnh có dòng nước xoáy và một người vác đá: “Cảm giác như bức họa này đang nói về một trò chơi hơn là công việc.”
Lão Đức kéo bức tranh lại gần, cách vẽ của cô và lão gần như giống nhau, nhưng lão vẫn không thể nào xem hiểu được những gì cô đang thể hiện nếu không nhờ những câu giải thích trước đó của cô. Lão khó chịu ném cuốn sổ xuống, than thở: “Vẽ kiểu này sao mà nhìn ra được vấn đề kia chứ.”
“Cô miêu tả lại cho tôi một lần nữa đi, tôi sẽ thể hiện lại cho.” Quang Hải lên tiếng, lấy ra giấy bút trong ba lô của mình. Lần này thì mọi người mới nhớ ra trong nhóm còn có một thiên tài họa sĩ đã từng bán ra các bức tranh hàng trăm triệu.
Phùng Xuân bắt đầu miêu tả lại một lần nữa. Thật ra nghệ thuật vẽ của người Mán xưa không như những gì được thể hiện trên các hiện vật, họ vẽ cũng giống như môn mỹ thuật của thời nay thôi.
Việc cô có thể ghép các nét thành hình ảnh cụ thể tất cả là nhờ kỹ năng được ông nội truyền lại trong quá trình đi rừng, đó là quan sát địa hình, cây cối, nhìn nhiều thành ra cô có phản ứng cực nhanh với những đường nét có liên quan tới núi rừng cây cỏ. Còn về con người và bối cảnh, hành động của họ, tất cả là do kỹ năng năng theo dấu, cùng định dạng dấu vết mà ông dạy. Cho nên nếu nói cô dùng sự hiểu biết của người Mán xưa để giải mã bức tranh là hoàn toàn không đúng, nó được vẽ dựa vào sự hiểu biết tích lũy theo năng tháng của cô. Thế nhưng cô lười phải giải thích với nhóm ba người kia, cứ để cho họ hiểu lầm cô thông hiểu cách vẽ của người Mán xưa đi.
Dựa vào bàn tay khéo léo cùng trí tưởng của Quang Hải và khả năng miêu tả khá chi tiết của Phùng Xuân, một bức họa đen trắng ra đời. Trò chơi được thực hiện trong một cái hồ, có một tảng đá ở trong hồ và một cành cây giống như cây tre được cắm xuyên qua tảng đá xuống hồ.
Lúc nhìn thấy bức tranh hoàn thành, lão Đức vỗ đùi một cái thật kêu, lớn tiếng nói: “Cây nêu được dùng trong các trò chơi, trong đó có trò chạy đá.”
Thấy lão đã nhận ra được vài vấn đề, Quang Hải liền ném bức họa qua cho lão nghiên cứu, còn mình và Phùng Xuân tiếp tục với bức khác. Lần này hắn họa lại núi rừng theo lời của Phùng Xuân kết hợp cùng khung cảnh lao động vận chuyển đá của con người. Nếu chỉ vẽ theo như Phùng Xuân nói thì rất khó để thể hiện rõ, nên Quang Hải đã vận dụng thêm khả năng sáng tạo của hắn, vẽ ra được một bức tranh đời sống của người dân dưới chân núi vô cùng ấn tượng.
“Đẹp đấy.” Nguyễn Khang dành cho hắn lời khen tặng, cầm bức tranh lên nhìn xem, không khỏi thán phục. “Thật không ngờ những đường nét ngang dọc, lắc léo, ngoằn ngoèo lại có thể tạo ra một bức họa thần kỳ như vậy.”
“Hội họa vốn được tạo ra từ những đường nét, mọi cảnh vật đến con người đều được ghép từ những nét cơ bản mà thành thôi, không có gì cao siêu đặc biệt cả.” Quang Hải nói, sau đó nhìn lại bức tranh một lần nữa, cho ra kết luận của mình. “Có lẽ đây chính là nơi mà Hồ Quý Ly cho lấy đất đá về đề xây thành.”
Lão Đức bỏ bức tranh nhỏ trên tay mình xuống, nhìn qua bức tranh lớn trước mặt Quang Hải, nói: “Thành Nhà Hồ được xây rất nhanh với nhiều bí mật ẩn chứa, cho nên rất có khả năng những lớp đất đá dùng để xây thành sẽ được lấy từ một nơi đặc biệt.”
“Dựa theo tìm hiểu của lão, nơi Hồ Quý Ly lấy đất đá có thể có liên quan tới Hồ Tinh đúng không?” Quang Hải hỏi, vừa lấy bút chì khoanh vùng ngọn núi lại.
“Đúng vậy.” Lão Đức chỉ vào ngọn núi. “Đây là nơi chúng ta phải tới.”
“Quan trọng là tới bằng cách nào thôi.” Phùng Xuân nói chen vào.
Lão Đức chỉ vào bức tranh trò chơi trên tay mình: “Có lẽ bằng cách chơi chạy đá.”
Mọi người lại chúi đầu tập trung nhìn vào bức tranh họa trò chơi chạy đá, càng xem càng thấy nó giống một trò chơi ôm đá chạy hơn là lao động xây tường thành. Lát sau Quang Hải mượn lại bức tranh chạy đá, hỏi Phùng Xuân thêm vài chi tiết vẽ thêm vào. Ở vị trí hòn đá có cây tre xuyên qua, hắn vẽ thêm một cái lỗ, tiếp đó dựa theo hình dáng hồ nước bắt đầu bo cạnh lại thật cẩn thận.
Nhìn hắn vẽ mắt lão Đức sáng lên, nói: “Nó rất giống hình dạng của Giếng Vua nằm trong Đàn Tế Nam Giao của Thành Nhà Hồ.”
Vừa nói lão vừa hướng dẫn thêm cho Quang Hải họa vào một số chi tiết hiện đang tồn tại trong thực tế, khi bức tranh hoàn thành cả nhóm giật mình, nhìn như một trò chơi nhưng ẩn sâu bên trong lại khiến họ kh·iếp sợ, đây giống như là một nghi thức để làm gì đó hơn.
Trên con đường kéo tới Giết Vua có không ít người đang ôm đá lăng đá tới bên khu vực giếng, có người đứng xem hò hét, hòn đá lớn nằm giữa lòng nước xoáy, cây nêu đâm xuyên lòng đá.
Phùng Xuân chỉ vào hòn đá lớn có trong bức tranh hỏi: “Viên đá này không lẽ là viên bên trong nhà trưng bày?”
“Nếu là nó thật thì rất khó cho hành động tiếp theo của chúng ta.” Quang Hải lẩm bẩm.
Lão Đức nói: “Gác vụ viên đá lại đã, chờ tìm hiểu thêm thông tin ở phần của Nguyễn Khang, sau đó chúng ta sẽ bàn tiếp.”
“Như tôi đã nói, tôi thấy những hình sóng tản kỳ lạ trên một số vật, con sông, tảng đá và đầu rồng là ba vật tản nhiều sóng và dày nhất.” Nguyễn Khang nói ra suy luận của mình. “Hiện tại chúng ta đã biết tảng đá có liên quan tới một trò chơi giúp để khởi động thứ gì đó trong Giếng Vua, vậy thì còn lại con sông và đầu rồng.”
Lão Đức phân tích: “Phần của Nguyễn Khang là khó hiểu nhất, con sông có chiều dài không thích hợp làm nơi tổ chức trò chơi. Hơn nữa trong văn hóa dân tộc ta, hình vuông thể hiện cho mặt trời còn hình tròn thể hiện cho mặt trăng, hai yếu tố đó thì Giếng Vua đã có, cho nên con sông này có cảm giác hơi dư thừa.”
“Lão có nói nó là đê sông bưởi của hiện tại đúng không?” Phùng Xuân lên tiếng.
“Đúng vậy.”
“Thế thì tới đó chút đi, nhìn xem ở đó có gì đặc biệt, lúc đó mới chắc nó dư thừa hay không.”
Nghe lời Phùng Xuân cả nhóm đứng lên thanh toán tiền, lúc trả tiền, lão Đức hỏi hướng đi về đê sông bưởi. Lão từng tới đây không ít lần, nhưng lần nào lão cũng chỉ tới phòng trưng bày, lượn toàn bộ khu di tích, chưa một lần quan tâm tới khung cảnh bên ngoài, nên không biết được hướng tới đê sông bưởi.
Cũng may người dân nhiệt tình chỉ đường cho lão, cả nhóm thuận lợi di chuyển tới đê sông bưởi. Dòng chảy ở đây khá hiền lành, trời hôm nay cũng lặng gió, mực nước trong đê không quá cao, điều khiến cả nhóm đau đầu là con sông bưởi này rất lớn, đê không hề nhỏ, họ chẳng có một chỉ dẫn nào nên không biết phải bắt đầu tìm kiếm ở đâu.
Lão Đức hỏi Nguyễn Khang có phát hiện ra gì không, nhưng hắn lắc đầu, trước mắt chỉ là cảnh sông nước bình thường.
Lão Đức chống nạnh, mắt nhìn dòng nước mênh mông thở dài: “Bây giờ chúng ta phải làm sao tìm ra manh mối đây?”
“Hay bỏ qua chỗ này?” Quang Hải đề nghị.
Lão Đức lắc đầu: “Không nên, tuy nói chiều dài của con sông không hợp với những gì chúng ta đã tìm được, nhưng trong quá trình đi tìm Huyền Tích nếu bỏ qua một chi tiết nhỏ rất có thể kế hoạch của chúng ta sẽ thất bại.”
Quang Hải chán nản ngồi bệt xuống mặt đất: “Trời sắp tối rồi, lão có kế hoạch tìm kiếm gì không phun ra đi nếu không thì bò về khách sạn nghỉ ngơi mai tính tiếp.”
“Thì về chứ sao.” Lão Đức nói. Lời của lão khiến cả ba người còn lại giật mình, cứ tưởng lão sẽ nghĩ ra được cái gì đó hay ho, không ngờ lại rủ rê cả nhóm đi về.
Lão Đức cười cười, nhìn mặt trời đằng tây, nói: “Giờ cũng muộn rồi chúng ta đi thuê khách sạn nghỉ ngơi, tìm hiểu thông tin thêm về sông bưởi sau đó bàn kế hoạch ngày mai lại tới.”