Chương 38: Đến lượt thiếu thành chủ
- Tiểu thư Thu Lệ, chúng ta lại gặp nhau, đúng như hẹn ước tối qua.
Ngô Cương hiện diện trên võ đài, dáng vẻ hào hoa nho nhã. Phùng Trí liền quay qua Phúc, buột miệng hỏi:
- Tối qua Thu Lệ có gặp thiếu chủ của Hoan Châu thành? Là hẹn ước gì vậy?
Phúc đột nhiên thấy mình như có trách nhiệm phải theo dõi, giá·m s·át vị tiểu thư nhà họ Hoàng. Chàng lại nghĩ đến những lúc bị xa lánh, hắt hủi nên làm ngơ không trả lời.
Chuyện trai gái ước hẹn vốn là điều riêng tư thầm kín, vậy mà Ngô Cương lại công khai phát ngôn trên võ đài, trước mặt tất thảy anh hùng trong thiên hạ. Hai từ "hẹn ước" quả thực đã khiến tất cả phải hiếu kì bàn tán. Ngô Cương chủ ý gây sự đàm tiếu cốt để tròng ghẹo, đáp lại hai lần gã bị phớt lờ trước đó. Gã hi vọng nàng tiểu thư xinh đẹp sẽ vì chuyện này mà bày tỏ thái độ, dù là e thẹn, ngại ngùng hay tức giận cũng được. Nhưng Thu Lệ từ nhỏ đã bó mình trong gia trang, không biết đến cuộc sống bên ngoài, càng không biết cái gì là tế nhị riêng tư, cái gì là phẩm giá tiết hạnh của con gái. Vì vậy, trước lời tròng ghẹo phong lưu của đối phương, nàng chỉ giữ thái độ im lặng. Ngô Cương lại cao hứng nói:
- Tiểu thư kiếm nghệ tuyệt diệu, mà dung mạo lại càng bội phần xinh đẹp, thật như tiên nữ trên trời. Ngô Cương vốn luôn kính ngưỡng danh tiếng của cố trang chủ, nay được gặp Hoàng tiểu thư thì sinh lòng mến mộ, chỉ mong được thượng đài cùng tiểu thư.
Trước mặt quần hùng, gã thiếu chủ thản nhiên buông lời ong bướm. Phần thì cho đó là nho nhã, là văn hoa, phần lại gọi đó là trơ trẽn. Riêng với những kẻ có tình ý như Phúc hay Hồ Phát thì ghen ghét khó chịu mà thầm chửi rủa.
Thu Lệ đối với những điều phẩm giá tiết hạnh đã không biết, thì với những khuôn phép xã giao lại càng không biết. Trước những lời khen mỹ miều, nàng không cảm tạ thành ý, cũng không giả bộ khiêm nhường mà chối, lạnh lùng thờ ơ:
- Người lên đây để tỷ kiếm?
Câu nói của nàng như xé toạc đi cái nhã hứng phong lưu đang lên trong người gã thiếu chủ. Ngô Cương sau chút hẫng hụt liền nhanh chóng lấy lại phong thái hào hoa, cao giọng nói:
- Tất nhiên. Ta không những muốn tỷ kiếm mà còn muốn đoạt lấy Bất Diệt.
Rồi lại mỉm cười, dịu giọng:
- Nhưng tiểu thư yên tâm, Ngô Cương ta đoạt lấy Bất Diệt, chỉ là để làm quà tặng dâng lên tiểu thư.
Gã nhìn xuống dưới đài, hướng ánh mắt về phía chủ tọa của Kiếm hội:
- Không ít vị anh hùng hào kiệt ở đây cũng mong muốn tiểu thư đoạt được Bất Diệt. Đáng tiếc sức lực có hạn, sớm đã không thể giúp được gì. Phần vinh hạnh này, công tử Hồ Phát nói xem, có phải là để dành cho Ngô Cương ta không?
Đi cùng với lời nói là cái cười khinh khi. Trước châm trọc truyền nhân của phái Tản Viên, sau tròng ghẹo, lả lơi với tiểu thư đài các của Hoàng gia trang, giờ lại đụng tới thiếu chủ của Mai hoa cốc, sự điên khùng, ngạo mạn của Ngô Cương thật khiến người ta phải tức con mắt. Những bậc chức sắc, danh tiếng trọng vọng thì có thể không chấp đến, nhưng những kẻ trai tráng thì nhịn sao cho nổi. Hồ Phát liền tức chí đáp lại:
- Sớm không, muộn không, Ngô công tử thật khéo biết chọn lúc để lên đài.
Ngô Cương trong sự phô trương danh tiếng, đang không có người diễn xướng cùng. Nay thấy Hồ Phát vì mấy lời khích bác của mình mà đứng ra đối đáp thì không khỏi vui mừng:
- Hồ công tử nói sao?
Hồ Phát:
- Tiểu thư Thu Lệ đã đánh bại các anh hùng hào kiệt, khiến cả Lĩnh Nam ta đều cảm phục, nếu như có đoạt được Bất Diệt cũng là tự thân đoạt lấy, hoàn toàn xứng đáng. Không biết Ngô công tử còn muốn giúp sức điều gì?
- Võ lâm Lĩnh Nam, anh hùng kiếm khách nhiều không kể siết, kẻ nuôi mộng đoạt kiếm cũng không ít. Lưu thủ lĩnh, Đoàn Phó hộ, trưởng bối hai phái Viên Sơn đã tuyên bố không tham gia, nhưng còn các môn phái khác, biết đâu trong số các cao nhân ẩn sỹ lại chẳng có người vẫn muốn lên tranh kiếm. Sức người có hạn, tiểu thư Thu Lệ dù kiếm nghệ tuyệt diệu cũng không thể một mình đấu hết cho được. Chi bằng hãy để Ngô Cương ta thay tiểu thư Thu Lệ tiếp đón.
Gã thật khéo ăn nói, không hổ cho danh xưng văn võ song toàn, chỉ mấy lời mà khiến đám đông gật gù.
- Công tử Hồ Phát dường như người không được vui với việc ta thượng đài.
Câu hỏi bất ngờ khiến Hồ Phát cứng lưỡi bởi y đang ở vị thế chủ nhà, đáng lẽ phải hân hoan chào đón với những ai lên thượng đài. Sau lưng y, Hồ Nguyên khẽ hắng giọng kín đáo nhắc nhở. Hồ Phát liền hạ giọng, lời nói hòa nhã hơn:
- Ngô công tử, ta không phải có ý đó. Chỉ là công tử đương sức, mà tiểu thư Thu Lệ thì thượng đài đã lâu, phận nữ không tránh khỏi mệt mỏi thua thiệt. Ngô công tử dù có thắng cũng sinh dị nghị, tất có lắm kẻ chê cười, lại sợ ảnh hưởng tới danh tiếng lấy lừng của người.
Ngô Cương nghe nhắc tới danh tiếng của bản thân thì có phần suy xét, thận trọng hỏi:
- Ý Hồ công tử là?
Hồ Phát giả bộ chân thành:
- Nếu công tử đã quyết ý vượt qua quần hùng để giành lấy Bất Diệt, thì sao không làm cho thật hào sảng, để tất cả những ai có mặt ở đây cùng tâm phục khẩu phục, chẳng thể đặt điều mà bôi nhọ. Đành rằng đây là Kiếm hội, đã lên đài thì phải chấp nhận sự thách đấu, dù đã trải qua bao nhiêu trận. Nhưng địch đang mỏi mệt mà ta chẳng lợi dụng dĩ dật đãi lao, đó mới là phong thái của một bậc anh hùng chân chính. Ngô công tử, Hồ Phát ta nói vậy có đúng không?
Ngô Cương dù nghi ngờ Hồ Phát đang có ý đồ gì đó, nhưng với những lời lẽ đầy hùng hồn không phải không có lý, thành ra muốn nghe đến hết:
- Hồ công tử cứ nói!
Hồ Phát lại tiếp tục:
- Ta hãy lấy một tuần hương làm thời hạn của cuộc tỉ thí. Trong thời gian đó, Ngô công tử và Hoàng tiểu thư dốc sức giao đấu, không cần câu lệ. Nếu Ngô công tử thắng, đương nhiên đã chứng minh được tài nghệ xuất chúng của bản thân, xứng đáng có được Bất Diệt. Tin rằng quần hùng sẽ cùng thán phục mà nhiệt liệt tán thưởng. Còn hết tuần hương, mà cả hai chưa phân định được thắng thua thì tiểu thư Thu Lệ coi như đã giành phần thắng. Ngô công tử, người thấy thế nào?
Rõ là Hồ Phát muốn tìm cách để Thu Lệ có lợi thế, Ngô Cương đương nhiên nhận ra điều đó. Vị thiếu cốc chủ nhìn vào ánh mắt ranh mãnh của đối phương, tự biết ý đồ của mình đã bị đọc vị. Những tưởng đề xuất sẽ lập tức bị gạt đi thì:
- Hồ công tử nói phải lắm. Ngô Cương ta cũng không có ý chiếm lợi, chỉ là phép tắc của Kiếm hội đã định. Vậy thì hãy lấy tuần hương làm mốc thời hạn cho cuộc tỉ thí. Đồng thời, để tránh kẻ nào nói Ngô Cương lợi dụng đương sức, ta sẽ chỉ sử dụng năm phần công lực khi tỉ thí. Nếu hết tuần hương, ta không thắng được tiểu thư Thu Lệ thì coi như thua.
Trong khi Hồ Phát dụng tâm tìm cơ hội thắng cho Thu Lệ, thì Ngô Cương lại dự trù trước lý do biện bạch phòng lúc thua cuộc. Đối với đám đông, ai cũng cho như vậy là công bằng, là chí lý. Một cây hương to bằng ngón tay cái, dài hơn hai thước được mang ra, thắp trong lư đồng. Ngô Cương nhìn Thu Lệ bằng ánh mắt phong tình, nói:
- Tiểu thư Thu Lệ, hãy cẩn trọng. Vẫn là câu nói tối qua, Ngô Cương ta chỉ sợ sẽ làm xây xước một đóa phù dung.
Gã vừa dứt lời, Thu Lệ đã lập tức xuất thủ, lẳng lặng không tuyên chiến. Một chiêu "Tiên nhân chỉ lộ" khai đường mở lối, một kiếm cương chính đâm tới, nhắm ngay lồng ngực đối phương. Ngô Cương sau thoáng giật mình liền tung chiêu đáp trả, kiếm trong tay xoay tròn cốt đánh bật kiếm của đối thủ. Nhưng kiếm lộ của Thu Lệ đã định thì cố chấp một đường, kiếm trước b·ị đ·ánh bật ra thì kiếm sau lại bồi đắp, khiến cho Ngô Cương dù đã mấy lần đánh gạt vẫn thấy mũi kiếm của nàng trực chỉ trước ngực. Phải đến nhịp kiếm thứ năm, hiểm nguy mới dừng lại. Gã thiếu chủ sửng sốt nhìn Thu Lệ. Cuộc tranh ngôn dài với Khúc Vĩnh Nhạc và Hồ Phát vô tình khiến gã tự huyễn hoặc bản thân, rằng gã mới là kẻ mạnh, là kẻ có quyền t·ấn c·ông. Còn Thu Lệ, với tất cả sự mệt mỏi, yếu đuối của nữ nhân, sẽ cố gắng câu kéo, chờ đợi tuần hương trôi qua. Nhưng mọi chuyện đã không như gã nghĩ, một kiếm "Tiên nhân chỉ lộ" đã nói lên quyết ý của Thu Lệ. Rồi "Tiên hạc đằng vân" "Hạc du tiên cảnh" "Bạch hạc chầu nhật" những chiêu kiếm mênh mang trùng điệp. Ngô Cương cố gắng chống đỡ. Nhưng càng chống đỡ, gã càng thấy mình như chìm vào trong biển kiếm, đâu đâu cũng là kiếm ảnh trùng trùng, nhuệ khí ngút trời. Tất lẽ, với thực lực của "Lĩnh Nam Song Hùng" những chiêu kiếm này chưa thể làm khó được. Tuy nhiên, thiếu chủ thành Hoan Châu cũng giật mình nhận ra, suốt một hồi nãy giờ gã chỉ thủ mà không công. Rốt cuộc, ai mới là kẻ mạnh, ai mới là kẻ yếu đây? Rồi cả nghìn ánh mắt dõi theo dưới kia, há chẳng phải sẽ cười vào mặt gã. Nghĩ là vậy, Ngô Cương liền tức tốc đề thăng công lực, đồng thời sử ra Ngô gia kiếm. Đây là lộ kiếm được cải biến từ ngón thương gia truyền của dòng họ Ngô, có tên Cửu Thương Chấn Hải hay võ lâm vẫn quen gọi là Ngô gia thương pháp. Những thức kiếm cương trường hung hãn, mang theo nội lực xung mãn dội thẳng vào biển kiếm. Nhưng chẳng vì vậy mà thế kiếm của Thu Lệ suy giảm. Ngô Cương đề thăng công lực đến đâu, liền thấy Thu Lệ dồn sức đến đó. Dù đã tỉ thí liên hồi mà khí lực của nàng vẫn vô cùng hùng hậu. Bất luận là đối kiếm hay đối kình, Ngô Cương chẳng chiếm nổi nửa phần áp đảo. Không những vậy, càng đánh gã càng thấy lúng thế. Rõ ràng thứ kiếm pháp mà gã sáng tạo ra, dù có sắc bén, uy lực cũng không thể so bì được với "Bạch hạc kiếm pháp". Ngô Cương chỉ còn biết dùng nội lực để khỏa lấp. Hai bên giao đấu, dư kình kiếm khí tứ tán. Đối với đám đông vây quanh võ đài, dù đứng cách xa năm thước vẫn cảm nhận được thứ khí lực mãnh liệt tỏa ra. Những tiếng cảm thán thảng thốt vang lên:
- Nội lực mạnh mẽ quá.
- Mới có năm phần công lực mà đã thế này rồi, thật không hổ là Lĩnh Nam Song Hùng.
Về việc này, chỉ có thiếu chủ của thành Hoan Châu mới biết. Khi đã ngoài trăm kiếm, nhận thấy nếu cứ tiếp tục như vậy sẽ không ổn, Ngô Cương liền khởi biến, nội lực lại được đẩy lên cao hơn. Gã bỏ qua hết kiếm ảnh trùng trùng vây quanh, một mực đâm về trước. Bản kiếm sắc lạnh chứa trong đạo kiếm khí hùng hậu, từ khoảng cách hơn bẩy thước đánh tới. Kiếm và người lướt đi, cuốn theo và xuyên qua tất cả. Đây chính chiêu thức tối hậu trong Ngô gia kiếm pháp, gọi là Trường Thương kiếm.