Phụng Vũ Trần Triều - Nguyên Ninh Truyện

Chương 9-2: Nhất tiễn song điêu (2)




Thái hậu thuận miệng mà đọc: “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận - Tiền đình tạc dạ nhất chi mai!”

*(Chớ bảo xuân tan hoa rụng cả - Ngoài sân đêm trước một nhành mai) /Cáo tật thị chúng - Mãn Giác thiền sư/

Thái hậu có một thoáng suy tư, sau lại chầm chậm nói: “Con có biết ai gia sẽ sắp xếp để Quan gia nhìn thấy Phật châu do chính con làm hay không?”

Nguyên Ninh nhẹ giọng: “Cô mẫu lo nghĩ cho Nguyên Ninh, chuyện này con cũng đã sớm ngộ ra!”

Thái hậu gật đầu, còn có chút thăm dò nói: “Vậy còn chiếc khăn tay này?”

Nguyên Ninh dè dặt mà từ từ nói: “Nguyên Ninh biết Quan gia thích thơ văn, nếu người bắt gặp được đoạn thơ này...”

Thái hậu cướp lời nói: “Con muốn ai gia giúp Yên Ngôn nhận được ân sủng của Quan gia?”

Nguyên Ninh cúi đầu đáp: “Cô mẫu thánh minh!”

Thái hậu gật gù nói: “Yên Ngôn là nhi nữ của nghĩa cô con, cũng tức là nghĩa điệt nữ của ai gia, ai gia đương nhiên để tâm đến nó. Có điều phụ thân của Yên Ngôn bây giờ ở tiền triều lập nhiều đại công, ai gia nếu chiếu cố cho nó thì chắc chắn hậu cung sẽ không phục! Chuyện này không được!”

Nguyên Ninh hít vào một tia thất vọng nói: “Có điều tỷ tỷ trước nay bị uỷ khuất như thế! Nếu không nhận được ân sủng của Quan gia, e là...”

Thái hậu cười lạnh: “Còn con thì sao?”

Nguyên Ninh nghe đến đó, liền có chút xấu hổ nói: “Nguyên Ninh...”

Thái hậu chép miệng nói: “Chuyện hai con giả vờ ganh ghét nhau trước mặt bọn họ, tuy không phải là kế sách vẹn toàn nhưng cũng không đến nỗi nào! Vừa hay lại tạo cơ hội cho ai gia lấy cớ sắp xếp lại quyền lực trong hậu cung! Con và Yên Ngôn cứ việc an phận, mọi việc còn lại ai gia đã có cách giải quyết! Hôm nay ai gia đến đây chỉ để muốn nói như vậy cho con yên tâm!”

Thái hậu nói xong câu đó liền đứng lên định rời đi, nhưng lại sực nhớ ra chuyện gì nên quay đầu lại nói: “Hình thêu này ai gia không thích! Con có muốn đổi thành cái khác không?”

Nguyên Ninh suy tư đôi lát, sau lại nói: “Nga nga lưỡng nga nga - Ngưỡng diện hướng thiên nha”

(*Ngỗng ngỗng, ngỗng một đôi - Ngẩng mặt nhìn trời xa / Đối đáp Vịnh Nga: Lý Giác và Pháp Thuận thiền sư)

Thái hậu lượn mắt, chợt có một tia vui vẻ mà mỉm cười: “Cũng được! Thế thì làm càng nhanh càng tốt, khi đã làm xong thì hãy sai người đem đến cho ai gia!”

Thái hậu nói xong câu đó liền rời đi. Nguyên Ninh bước đến một bước nói vọng đến: “Ngoài trời còn mưa, Nguyên Ninh bất hiếu bây giờ không thể tiễn cô mẫu đến tận Vạn Thọ Cung, ngày sau chưa chắc đã không thể!”

Thái hậu ấm áp trong lòng, không ngoảnh lại nhưng nhẹ nhàng nói: “Có câu này của con, ai gia đã có thể an lòng bước khỏi Thái miếu!”

***

Không lâu sau đó thì chiếc khăn và chuỗi Phật châu của Nguyên Ninh cũng được trao đến tay Thái hậu.

Hôm ấy là một buổi chiều mát mẻ mùa hạ, Thái hậu đang đứng bên chiếc hồ nhỏ trong khuôn viên của Vạn Thọ Cung nhìn ngắm những đoá hoa súng.

Chiếc hồ này vốn dĩ được trồng hoa sen, nhưng mà Thái hậu vừa mới kêu người sửa đổi. Bà vân vê những cánh hoa mềm mỏng của đoá súng tím trước mặt, khoé miệng tiếc rẻ nói: “Ngươi có biết vì sao ai gia lại thích những đoá thuỵ liên này không?”

Tịnh Văn cô cô cúi đầu nói: “Nô tỳ ngu dốt đang chờ nghe đây ạ!”

Thái hậu từ từ nói: “Nếu như liên hoa sắc hương vẹn toàn thì loài hoa thuỵ liên này lại nổi bật bởi vẻ kiều diễm của nó. Có lẽ vì bởi liên hoa toàn mỹ quá, nên mới có kẻ như cành lá ghen tị chen ngang. Đâu như những đoá thuỵ liên này, vẻ vang độc tôn khoe sắc trước sự nhúng nhường của chúng!”

Tịnh Văn chép miệng nói: “Liên hoa từ thân hoa củ hạt, tất cả đều có thể sử dụng. Đáng tiếc chính là vì điều này mà bị người ta lợi dụng!”

Thái hậu thở dài: “Bởi thế người ta đôi lúc chỉ nên sống hết mình vì một điều gì đó, nếu có quá nhiều chuyện lo nghĩ thì chỉ sợ không có kết cuộc tốt đẹp!”

Có tiếng nam tử trong trẻo mà ấm áp, giữa trời hạ mát mẻ làm người ta tưởng như tiết xuân lại thoáng trở về: “Mẫu hậu lại buồn bã chuyện gì thế?”

Thái hậu không muốn quay đầu, thuận tay vung một nắm thức ăn cho cá ném xuống hồ mà nhẹ giọng: “Sao con vừa mới đi lại trở về thế hả Quốc Chẩn? Không gặp được phụ hoàng sao?”

Lại nghe nam tử kia giọng điệu oán trách: “Trong lòng mẫu hậu chỉ có hoàng đệ thôi sao? Là nhi thần đây mà!”

Thái hậu ngộ ra, liền nhanh chóng quay người lại phì cười: “Là Quan gia đấy à? Thế mà ai gia lại tưởng là Quốc Chẩn!”

Chỉ thấy nam tử ở đó tuấn tú khôi ngô. Khuôn mặt chàng cân đối hài hoà, đôi mắt phượng dài, hàng mi đen nhánh, sống mũi thoải như sườn đồi. Nổi bật nhất là cặp mày thẳng như bảo kiếm, cùng với đôi môi cánh nhạn đang ngậm một cành cỏ lao. Điệu bộ của chàng chẳng mấy phong trần, lại thiên về nét ngọc thụ lâm phong, tuấn anh tiêu sái.

Thái hậu trông thấy chàng ta, không khỏi buồn cười: “Kể từ lúc Quốc Chẩn bắt đầu cao lên, giọng nói của nó đã bắt đầu giống Quan gia! Đến bây giờ thì đã giống đến mức ai gia chẳng còn phân biệt được!”

Thái hậu nói xong câu đó, dường như cũng thấy mình cao hứng mà lỡ lời. Chỉ thấyQuan gia mỉm cười: “Chúng nhi thần là huynh đệ, đương nhiên là giống nhau rồi ạ!”

Thái hậu lượn mắt, liền xua tay: “Chỉ có giọng nói là giống nhau thôi! Hoàng đệ của con lôi thôi lượm thượm! Đâu có được phong thái đế vương như Quan gia!”

Quan gia có chút ngập ngừng nói: “Hoàng đệ lúc nhỏ phải sống nơi cửa Phật, không được như nhi thần sớm hôm được hai vị mẫu hậu chăm sóc!”

Thái hậu nghe đến đó, ngừng lại một giây mà lặng lẽ tiến đến cầm tay Quan gia tản bộ: “Chuyện cũ thôi đừng nhắc đến nữa! Giờ này sao lại hứng thú đến cung của ai gia?”

Quan gia liền nói: “Người bên dưới vừa nhắc cho nhi thần nhớ, sắp tới là Tết Đoan Dương, nhi thần biết mẫu hậu yêu thích ca vũ, vốn định hỏi qua ý kiến của người để sắp xếp chu toàn!”

Thái hậu phì cười: “Quan gia đúng là có hiếu! Có điều ai gia lại muốn được dịp bất ngờ! Nếu bây giờ ai gia biết được hôm đó có màn trình diễn gì, e là chẳng còn thú vị!”

Quan gia mỉm cười: “Nhi thần vốn là có ý này, nhưng mà chuyện sắp xếp ca vũ bây giờ thuộc về bổn phận của Thục Phi! Nàng ấy cẩn thận, có ý nhờ nhi thần hỏi qua ý kiến mẫu hậu!”

Thái hậu cười lạnh: “Thì ra là thế! Chỉ là ai gia đã trao nhiệm vụ này cho Thục Phi, tức là đã hoàn toàn tin tưởng.”

Quan gia lễ phép “dạ” một tiếng. Chợt nghe mùi trầm hương dịu nhẹ thoảng qua, lại thấy Thái hậu đang vân vê chuỗi Phật châu trên cổ, liền thuận miệng nói một câu: “Mẫu hậu trước nay thích trầm hương!”

Thái hậu gật gù, liền lượn mắt nói: “Dạo này ai gia vẫn hay mất ngủ, thật may là có chuỗi Phật châu này giúp ai gia thư thái hơn. Cũng là điệt nữ có lòng!”

Quan gia chậm lại một bước, trong đầu sực nhớ đến chuyện gì, liền tò mò hỏi: “Nghe nói lần trước Thánh Tư đến Thái miếu cầu an cho mẫu hậu, bây giờ vẫn chưa về sao ạ?”

Thái hậu gật đầu: “Thánh Tư có hiếu, biết ai gia mất ngủ liền đến Thái miếu cầu an. Lại dùng trầm hương mà Quan gia ban tặng kết thành một chuỗi Phật châu dâng lên cho ai gia!”

Giữa lúc Quan gia có chút suy tư, lại thấy chiếc khăn đeo bên hông của Thái hậu tự dưng rơi xuống. Quan gia đương nhiên không để Thái hậu cúi xuống, liền nhanh tay nhặt lấy đưa lên nhìn: “Nga nga lưỡng nga nga – Ngưỡng diện hướng thiên nha”

Thái hậu đưa tay cầm lấy chiếc khăn, lắc đầu nói: “Chiếc khăn tay này cũng là của Thánh Tư thêu cho ai gia! Nha đầu này cũng thật là, từ nhỏ đã yêu thích thơ văn, nữ nhi thì chỉ cần học thêu thùa may vá là được!”

Quan gia có chút vui vẻ: “Tài nghệ thêu thùa của Thánh Tư cũng thật tinh xảo! Hơn nữa am hiểu thơ ca thì cũng không phải là chuyện xấu!”

Đuôi mắt Thái hậu có nét cười: “Ai gia quên mất, cái phong hào Thánh Tư này, chính là do Quan gia ban cho nó!”

Quan gia cười đôn hậu: “Từ lúc Thánh Tư nhập cung cho đến giờ, nhi thần vẫn hay bận rộn mà chưa có thời gian gặp! Đợi đến khi nàng ấy từ Thái miếu trở về, nhi thần sẽ đến… đến…”

Thái hậu liền nói: “Cúc Hoa Viện!”

Quan gia cười tít mắt gật đầu: “Nhi thần sẽ đến Cúc Hoa Viện gặp nàng ấy!”

Thái hậu gật gù, bỗng thấy trên cao có một con nhạn lướt qua, liền nhận ra sắc trời cũng đã chập tối. Thái hậu liền hướng về phía Quan gia nói: “Trời cũng không còn sớm nữa, Quan gia có định vào trong dùng cơm tối với ai gia hay không?”

Quan gia dường như sực nhớ ra chuyện, liền mỉm cười ngoan ngoãn nói: “Được ạ! Chỉ là nhi thần lúc sáng đã nói đến cung của Nguyên Phi dùng bữa, thôi thì hãy để Thiên Lang đi bẩm báo với nàng ta một tiếng!”

Thái hậu biết ý mà xua tay: “Nếu con đã nói với Nguyên Phi như vậy thì cứ đi đi! Ai gia hôm nay không biết Quan gia sẽ đến, trong cung cũng chỉ toàn những món đạm bạc!”

Quan gia nghe thế liền cúi chào Thái hậu: “Thế thì nhi thần xin cáo lui, mẫu hậu dùng bữa ngon miệng!”

Thái hậu mỉm cười nhẹ giọng: “Ngoan!”

Tịnh Văn cô cô chờ cho Quan gia khuất dạng sau cánh cổng Vạn Thọ Cung, có chút vui vẻ trong lòng mà tiến đến dìu tay Thái hậu. Chỉ thấy gương mặt Thái hậu bình thản tự nhiên, như mặt hồ mùa thu yên ắng tĩnh lặng.

Tịnh Văn cô cô có chút thăm dò hỏi: “Mọi chuyện xem như đã suôn sẻ!”

Thái hậu cười lạnh: “Chuyện này ai gia đã mở miệng, Quan gia dẫu nói là thế, ai biết được những người bên gối của Quan gia sẽ có những động thái gì. Ngộ nhỡ sự việc không thuận theo ý ai gia, ngày sau nếu lại nhắc đến e là sẽ không tiện.”

Tịnh Văn cô cô hiểu ý liền nói: “Lần cuối Mai Phu nhân đến đây là năm ngày trước! Thái hậu cũng đã lâu rồi không nghe đàn!”

Thái hậu gật gù: “Ngươi đúng là hiểu ý ai gia! Thế thì tối nay kêu nha đầu ấy đến thăm ai gia vậy!”

Tối đó, Như Lộ được Trác Uyên đón đến Vạn Thọ Cung. Nàng ta tự tay ôm chiếc đàn bầu bóng loáng bằng thuỷ tùng, có chút vui vẻ mà cẩn thận bước lên bậc tam cấp đi vào trong Diên Niên Đường. Trác Uyên dừng lại ngoài cửa mà mỉm cười: “Thái hậu nương nương đang ở bên trong chờ Mai Phu nhân!”

Như Lộ gật đầu chào nàng ấy, liền nhanh nhẹn bước vào trong, chợt thấy Thái hậu đang cầm một quyển sách ngồi trên bàn ở phía tây căn phòng. Nàng ta cẩn thận hành lễ chào: “Tần thiếp xin bái kiến Thái hậu nương nương!”

Thái hậu đã biết Như Lộ đến, nhưng vẫn không đưa mắt nhìn nàng, chỉ chăm chăm đọc sách mà mỉm cười xua tay: “Đứng dậy đi!”

Như Lộ thấy Thái hậu chú tâm vào quyển sách, liền uyển chuyển nói: “Không biết Thái hậu nương nương đang đọc sách gì ạ?”

Thái hậu thở ra một hơi vui vẻ nói: “Chiều nay Quan gia có ghé qua Vạn Thọ Cung, ai gia thấy Quan gia có vẻ thích bài thơ này, nhân lúc rảnh rỗi thì mở ra đọc!”

Thái hậu dừng lại đôi lát rồi nói tiếp: “Hôm nay khoan hãy đàn, con có muốn nghe thử bài thơ này không?”

Như Lộ đương nhiên đồng ý: “Dạ có ạ!”

Thái hậu mỉm cười, khe khẽ ngâm: “Nga nga lưỡng nga nga – Ngưỡng diện hướng thiên nha – Bạch mao phô lục thuỷ - Hồng trạo bãi thanh ba”

(Ngỗng ngỗng, ngỗng một đôi – Ngẩng mặt nhìn trời xa - Lông trắng khoe nước biếc - Chèo đỏ rẽ sóng xanh)

Như Lộ chỉ nghe như thế, không hiểu ý nghĩa bên trong là gì, liền ngượng ngùng nói: “Tần thiếp chữ nghĩa không nhiều, chỉ mong Thái hậu nương nương chỉ bảo!”

Thái hậu lặng lẽ gấp quyển sách trên tay lại, liếc nhìn Như Lộ mà từ từ nói: “Đây là bốn câu thơ đối đáp của sứ giả Tống triều ‘Nguyễn Giác’ và thiền sư Pháp Thuận ở nước ta thời Lê.”

*(tên đúng là Lý Giác, nhưng họ Trần lại kiêng huý chữ “Lý”, cho nên họ Lý theo đó phải đổi thành họ Nguyễn)

Thái hậu nói đến đó liền rời ghế mà tiếp tục: “Bốn câu thời này dựa trên bài thơ Vịnh Nga của Lạc Tân Vương. Hai câu đầu là của sứ giả họ Nguyễn, hai câu sau là của thiền sư Pháp Thuận. Tống triều sai họ Nguyễn sang sứ, thực chất là để thăm dò tình hình suy thịnh của nước ta, xem xem có bao nhiêu nhân tài ở trời Nam. Đại Hành Hoàng đế (tức Lê Hoàn) biết họ Nguyễn giỏi thơ ca, khi hắn đến Sách Giang Tự liền cho Pháp Thuận thiền sư giả làm người lái đò ra đón tiếp. Họ Nguyễn trên sông bắt gặp hai con nga, có ngâm hai câu thơ dựa trên bài Vịnh Nga nổi tiếng ở Bắc phương. Đâu ngờ người lái đò đằng sau lại có thể đối đáp bằng hai câu thơ, đương nhiên vì thế mà kinh ngạc trước độ hiểu biết của con dân tộc Việt. Họ Nguyễn vì lẽ đó mà lúc về nước còn để lại bài thơ tặng cho Pháp Thuận thiền sư, trong đó có câu “Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu”, có ý tôn trọng non sông nước ta!” (Ngoài trời còn có trời xa chiếu)

Như Lộ thoáng chốc ngộ ra, liền bái phục mà nói: “Thái hậu nương nương uyên bác tinh thâm, tần thiếp không sao bì kịp!”

Thái hậu tiến về phía Như Lộ mỉm cười: “Ai gia yêu quý con, vốn dĩ muốn mượn chuyện này dạy dỗ một chút!”

Như Lộ như chiếc thuyền lạc lõng giữa mây mù, có chút ngu ngơ hỏi: “Thánh ý của Thái hậu…”

Thái hậu phì cười: “Nguyễn Giác không nghĩ người lái đò am tường thi ca, nhưng người lái đò lại khiến hắn phải kinh ngạc. Nguyễn Giác đương nhiên ngoài kính phục còn có thích thú! Nếu con cũng có thể đối đáp được một chút thi ca trước mặt Quan gia… thì chẳng phải là…”

Như Lộ lúc này mới ngợi ra, đôi mắt liền có nét vui mừng, nhưng sau đó thì chợp tắt: “Nhưng mà tần thiếp ngu dốt, trước nay không đọc nhiều sách!”

Nói đoạn nàng ta nâng niu chiếc đàn bầu trong tay mình: “Chỉ biết tấu vài khúc đàn, hầu hạ Thái hậu nương nương!”

Thái hậu xua tay: “Thi văn không cần biết nhiều, chỉ cần biết một ít mà chọn đúng thời điểm phô bày là được rồi!”

Thái hậu nói đến đó liền ngồi xuống ghế, liếc mắt nhìn Như Lộ nói tiếp: “Nghe nói Quan gia vẫn hay ghé viện của con nghe đàn! Con thường đàn cho Quan gia khúc gì?”

Như Lộ ngoan ngoãn đáp: “Quan gia thường nghe con đàn khúc “Trang Chu mộng hồ điệp”, “Tây hồ chiết liễu”, còn có…”

Thái hậu nghe đến đó thì cướp lời: “Có khúc “Đạp thanh ca” chứ?” (Khúc ca đạp cỏ ngày xuân)

Như Lộ lắc đầu: “Dạ chưa!”

Thái hậu đắc ý nói: “Quan gia thích bài đối đáp Vịnh Nga, con cứ về viện tìm hiểu trước đã! Khi đã am tường rồi, trong “Đạp thanh ca” có đoạn “Tiểu kiều du tiểu kiều – Song nga khán song nga”, lúc đó vừa khéo có thể ngâm bài Vịnh Nga vào!” (Thiếu nữ dạo chơi trên cầu nhỏ - Đôi mày nhìn ngắm cặp ngỗng bơi)

Như Lộ đôi mắt lộ ra nét vui mừng, liền gấp gáp quỳ xuống cảm tạ: “Tần thiếp được bất tài vô dụng, cũng may được Thái hậu nương nương chỉ điểm! Không biết làm thế nào mới có thể đền đáp!”

Thái hậu cười sang sảng xua tay nói: “Ai gia đang muốn có hoàng tôn để ẵm bồng! Trong số đám người ở hậu cung bây giờ, chỉ con con là khả ái dịu dàng nhất. Chắc chắn con sẽ có thể sinh cho ai gia một hoàng tôn kháu khỉnh! Chỉ là tâm ý này đã dành trọn cho con, con tuyệt đối không thể cô phụ ai gia có hiểu không!”

Như Lộ cảm động đến sắp khóc, liền gấp gáp nói: “Tần thiếp có trăm lá gan cũng không dám có ý đó!”

Thái hậu gật gù, lấy bên hông một vật mềm mại đưa lên nói: “Ai gia biết chứ! Chiếc khăn có thêu đoạn thơ Vịnh Nga này, ai gia thưởng cho con!”

Như Lộ ngước mắt nhìn lên, nhận lấy chiếc khăn trong tay Thái hậu, liền ngoan ngoãn đáp: “Tần thiếp xin đa tạ Thái hậu nương nương!”

Thái hậu phất tay: “Được rồi, hôm nay gọi con đến đây cũng chỉ có ngần ấy câu muốn nói! Bây giờ con lui về đi!”

Như Lộ đứng dậy, kính cẩn hành lễ chào: “Vậy thì tần thiếp xin cáo lui trước! Thái hậu nương nương an hảo!”

Thái hậu gật đầu dõi theo bóng dáng khả ái mềm yếu của Như Lộ, bên khoé môi nở một nụ cười.