Edit: Manh
Trước khi chiến dịch truy bắt ở Lục Hoạt được triển khai, Phạm Sưởng vừa đạt được thỏa thuận hợp tác trong quý tiếp theo với một trùm ma túy ở biên giới Mỹ – Mexico. Giữa lúc giao dịch, cảnh sát bất ngờ ập đến khiến chúng không kịp trở tay.
Bên Phạm Sưởng vừa xảy ra chuyện, thấy tình hình có khả năng diễn biến phức tạp vì có liên quan đến hai nước, đối phương bèn chọn cách bo bo giữ mình, lập tức hủy bỏ hợp tác. Phạm Sưởng hay tin, điên tiết bắn mười mấy phát súng vào người giao dịch.
Đám cấp dưới của tay giao dịch thường xuyên sang Trung Quốc tìm đầu nậu, sống trong cảnh anh lừa tôi gạt, anh em trở mặt đã quen, đã sớm thành phường cáo già. Chúng chẳng hề muốn sống mái với Phạm Sưởng, dưới sức ép của hoàn cảnh, chúng gió chiều nào theo chiều nấy như một lẽ hiển nhiên.
Ai để chúng sống thì người đó là bố.
Thấy Phạm Sưởng nổi trận lôi đình, chúng lập tức phản bội, khuất phục trước gã, yểm trợ gã trốn vào đường hầm bí mật, quay lại căn cứ để cứu vợ con.
Chỉ tiếc là đã chậm một bước.
Lúc Phạm Sưởng về đến nơi, con trai gã đã mất mạng khi đang liều chạy trong trận xả súng, còn vợ gã thì bị cảnh sát bắt.
Tuy đau đớn khôn nguôi, nhưng Phạm Sưởng không lao ra liều chết.
Với người đã lên đến địa vị ông trùm như gã, tình cảm đã trở thành thứ để điểm tô cho đời chứ không phải thứ kéo chân, một khi nó phát sinh xung đột với lợi ích cá nhân của gã, gã có đau cỡ mấy cũng sẽ buông bỏ.
Phạm Sưởng ẩn nấp dưới đường hầm suốt nửa tháng, sụt mất hai mươi cân, đợi cảnh sát dọn sạch chiến trường rồi, gã mới lê lết ra ngoài, lại bị Tư Văn đang phục kích tại đó nã súng vào tay chân.
Máu bắn lên nhuộm hai mắt gã đỏ kè, nom chẳng khác nào ác quỷ trồi lên từ địa ngục.
Tư Văn đã sớm biết nơi đây có đường hầm chạy trốn, có điều kết cấu vô cùng phức tạp, người ngoài ra vào ắt thập tử nhất sinh. Bởi vậy, kế hoạch của hắn là đánh cho những kẻ này không kịp trở tay, không để bọn chúng có cơ hội xuống đường hầm.
Trong lúc chiến dịch vô tiền khoáng hậu diễn ra, Tư Văn theo dõi kĩ hướng đi của từng đối tượng, quả nhiên phát hiện ra rất nhiều tên nhất tề chạy về cùng một hướng. Sau khi chiến dịch kết thúc, cảnh sát xác nhận để lọt mất Phạm Sưởng, Tư Văn không đi mà nán lại trước nơi từng có đông tội phạm tụ tập nhất.
Phạm Sưởng có khuynh hướng tự ngược đãi bản thân, phàm là chuyện càng đau khổ thì gã càng muốn tự nếm trải, vừa đau lại vừa sướng. Đây là điều Tư Văn học được sau một thời gian nằm vùng dài, thế nên hắn dám chắc Phạm Sưởng sẽ đi ra từ cửa bên này. Gã muốn tận mắt chứng kiến tâm huyết nửa đời đã bị hủy hoại thế nào, sau đó mới cân nhắc việc gây dựng lại cơ nghiệp cũ.
Tư Văn dựng lều, ăn ngủ tại chỗ, ôm cây đợi thỏ.
Nửa tháng sau, Phạm Sưởng ra ngoài.
Hai phát súng của Tư Văn chặt đứt đường lui của gã. Hai tên nước ngoài đi cùng khác không còn hơi đâu mà chiến đấu, kiệt sức gục xuống đất.
Sức chiến đấu của đám buôn ma túy phụ thuộc vào lượng ma túy trong người chúng, thứ giúp chúng liều chết chưa bao giờ là việc vượt qua tố chất bẩm sinh, mà là sự hưng phấn nhất thời ma túy mang lại và nỗi sợ bị bắt thì chỉ có nước chết.
Tư Văn còng tay cả ba tên lại, đẩy chúng sang một bên rồi đi lấp dạ, chờ chiều đến thì đưa chúng về giao cho Phùng Trọng Lương. Tay chân Phạm Sưởng chảy máu ròng ròng, song gã không mở miệng xin tha lấy một lần, mà chỉ quắc mắt nhìn Tư Văn.
Tư Văn lơ đãng đảo mắt, thấy mặt gã đanh lại nghẹn ứ như sắp thành quả cà tím đến nơi, hắn ném củi vào đống lửa, nói: “Nếu mày xin tha thì tao có thể cho mày sống thêm mấy ngày.”
Phạm Sưởng nghiến răng nghiến lợi, gân xanh hằn trên mặt: “Tao biết ngay mày là cớm mà!”
Tư Văn sửa cho đúng: “Chính xác thì tao là một người lính.”
Khi ấy Phạm Sưởng hùng hồn phán một câu, như thể nó sẽ trở thành sự thật: “Sớm muộn gì mày cũng sẽ sa đà thôi.”
Gã ám chỉ việc Tư Văn đã dính vào ma túy.
Cảnh sát thì sao? Quân nhân thì sao? Đã dính vào thứ này thì sớm muộn gì cũng chết.
Lúc Tư Văn mới bị ép hít ma túy, hắn thấy buồn nôn, ghê tởm, căm ghét nó vô cùng. Hắn chưa bao giờ biết ma túy lại khủng khiếp như thế, nhìn vẻ thèm thuồng của những kẻ chơi nó, những lần sau hắn vẫn thấy ghê người như vậy.
Nhưng hắn chẳng còn cách nào khác. Dưới cái nhìn chằm chặp của hơn chục cặp mắt, hắn buộc phải hít, hơn nữa còn phải hít thứ bọn chúng đưa, khi ấy, hắn thật sự không có quyền lựa chọn.
Về sau có khoảng thời gian không động đến ma túy, hắn đau đớn lên cơn, tay chân co quắp, lăn lộn dưới đất. Những lúc ấy, hắn sẽ cắn chặt dao, hễ run rẩy là lại cứa lên mặt để kiềm chế di chứng và cơ thể thèm nhớ ma túy.
Mặc dù chẳng có mấy tác dụng, nhưng một lần lên cơn chỉ kéo dài từ mười đến hai mươi phút, hắn có thể chịu đựng được.
Tư Văn phớt lờ Phạm Sưởng: “Tao dính gì thì cấp trên còn chưa biết, chứ mày thì sẽ chết chắc vì một cái bơm tiêm.”
“Mày đã bao giờ thấy người ta thi hành án tử hình bằng cách tiêm thuốc độc chưa? Trong một căn phòng mười mét vuông kê một cái giường đơn, mày sẽ bị trói trên giường bằng dây da, chỉ cần tiêm một mũi thôi là sùi bọt mép. Chưa đầy một phút sau, mày sẽ về chầu ông vải.”
Phạm Sưởng hối hận đến xanh ruột, gã nhìn Tư Văn đầy căm thù, khờ dại tưởng rằng có thể dùng ánh mắt để giết hắn. Gã chế tạo, buôn bán ma túy, gã là một con nghiện, nhưng gã còn chẳng ác bằng Tư Văn, đến chính bản thân mình cũng hy sinh được!
Tư Văn nói tiếp: “Cũng có thể mày sẽ bị xử bắn. Nhưng mày có chết kiểu gì cũng chỉ tổ lãng phí tài nguyên.”
Khi ấy Tư Văn còn chưa biết, hắn sẽ trở thành một kẻ giống như Phạm Sưởng, có lẽ sẽ còn nếm trải hết mọi bi thương trên thế gian.
Khi ấy dù Tư Văn không có tín ngưỡng, nhưng hắn vẫn có những người mình tin tưởng.
.
Chiều đến, Tư Văn đưa Phạm Sưởng và hai gã người nước ngoài về thành phố, đi tắt qua một con đường núi vòng vèo.
Đến khúc cua thứ hai, trời bắt đầu đổ mưa, mới đầu chỉ hơi lất phất, sau đó rào rào xối xả, khác hẳn dự báo thời tiết. Tư Văn thấy có điềm chẳng lành, bèn thận trọng tìm một chỗ trú an toàn chờ mưa tạnh.
Quả nhiên, sau cơn mưa như trút, hẻm núi bắt đầu có hiện tượng sạt lở. Tư Văn không có nơi ẩn nấp, vị trí hắn dừng xe tuy có thể giữ được mạng, nhưng cũng chỉ thế mà thôi.
Cây trên lưng đồi bật gốc lao xuống, hất phăng cả xe lẫn người xuống chân núi. Tay Phạm Sưởng bị cành cây đâm xuyên, chết vì mất quá nhiều máu, hai tên nước ngoài còn lại có thắt dây an toàn nên chỉ bị thương nhẹ.
Tư Văn bị cứa rách lưng, tay và chân, vết nào cũng dài cũng rộng. Hắn đã dành băng vải để cầm máu cho Phạm Sưởng, không còn thừa lại tí nào. Đơn giản là vì Phạm Sưởng sống thì có giá trị hơn là chết chứ không phải hắn tiếc thương gì gã, kẻ cầm đầu của một đường dây ma túy có thể tiết lộ thêm vô số “chân rết” và các loại ma túy khác.
Tư Văn trèo ra khỏi ghế lái, không dám di chuyển xuống núi mà ngồi xuống cạnh xe. Xe tuy đã hỏng nhưng vẫn có thể che mưa chắn gió. Hắn cởi áo, quấn qua lưng rồi buộc chặt trước ngực.
Hai tên nước ngoài cũng bò ra khỏi xe, chúng không bị thương nặng như Tư Văn, vẫn dư sức nhìn nhau qua bóng đêm, nảy ý định giết hắn.
Vết thương trên đùi cần được xử lý, Tư Văn ngoái lại nhìn vào xe định tìm vải vóc, bấy giờ mới để ý trong chiếc gương vỡ phản chiếu hai bóng đen đang áp sát.
Hắn ngồi bất động, chờ chúng đến trước mặt thì thụp người đá vào mắt cá chân một tên, mặt đường lầy lội khiến gã ta mất trọng tâm, té nhào trước mắt hắn. Tên còn lại gầm lên, cầm tấm cản trước đã hỏng lao đến, vung mạnh hung khí về phía Tư Văn, hắn không tránh được, hai tay bắt tréo trên đầu, nhận một đòn giáng mạnh. Tay hắn vốn đang bị thương, nay phải chịu thêm sức ép nặng nề thì lập tức nhầy nhụa máu thịt, đương giữa đêm đen nên không nhìn rõ, nếu thấy ắt phải giật mình.
Bất chấp cơn đau, Tư Văn tung cú song phi đá văng gã, chồm tới cưỡi lên người gã rồi cho gã ăn hai phát đấm vào mũi. Hắn ghì cùi chỏ xuống cổ tên nước ngoài: “You wanna kill me? Wait another million years.” (Muốn giết tao à? Đợi mãn kiếp đi con.)
Gã kia mỉa mai hắn bằng giọng Mỹ: “If only our hands were uncuffed, you’d be dead meat. Chink in the armor!” (Bọn tao mà không bị còng thì mày chết chắc nhé thằng lính khựa!)
Tư Văn ngoáy tai: “I put the handcuffs on you myself. If you had the power to get out, why don’t you try? White trash.”[*] (Tao là thằng còng tay tụi bây lại, nếu tụi bây thoát được thì sao không thử hả mấy thằng bỏ đi?)
Hai gã người Mỹ đầu hàng. Chúng không thể chọc vào tên này.
.
Vụ sạt lở mở ra một khe nứt, Tư Văn và hai tay người Mỹ trải qua một tháng gian nan dưới khe.
Mà nói như thế cũng không hẳn là đúng, về sau cả hai gã đều chết.
Nơi này từng ủ trong nước thải công nghiệp quanh năm, hễ lên núi là thứ mùi hôi thối nồng nặc sẽ xộc ngay vào mũi. Sau này Tổng cục Môi trường đến đây thanh tra, xử lý việc xả thải, đám Tư Văn ngã xuống khe mới không bị chết đuối và ăn mòn.
Mấy ngày đầu, họ hứng nước mưa, đựng trong đốt tre đun sôi, lấy lá cây che lại rồi hút nước cất đọng trên lá, ăn chim chết, giòi bọ, ăn vỏ cây, gặm lá cây. Tới lúc đồ ăn cạn kiệt, một trong hai gã người Mỹ làm thịt tên còn lại rồi chia cho Tư Văn. Gã nói gã không giết Tư Văn vì gã chẳng thể đánh lại hắn, dù rằng hắn đang gầy xơ xác, thà giết đồng hương còn dễ hơn. Vả lại tên kia béo hơn Tư Văn, đủ để kéo sống thêm mấy ngày.
Không phải hai người chưa nghĩ đến việc thoát khởi đây, mà là nơi chết tiệt này không có lối thoát nào, chỉ có thể đợi cứu viện đến. Không may là máy TACBE (đèn hiệu chiến thuật) của Tư Văn gặp trục trặc, không một đội tuần tra nào nhận được tín hiệu từ hắn.
Tư Văn cũng chẳng trông đợi vào công tác tổ chức khắc phục hậu quả sạt lở. Sau cơn mưa như trút nước, mọi dấu vết thể nào cũng đã bị cuốn trôi.
Huống hồ, hắn là ai? Ai sẽ đi tìm một kẻ vô danh như hắn? Bố mẹ hắn ư? Họ từ lâu đã tưởng rằng hắn chết rồi.
Hắn đã từng đến dự đám tang của chính mình, hôm ấy hắn mặc đồ đen, đầu đội mũ tai bèo, hòa giữa đám đông nhìn di ảnh thời niên thiếu của mình trên bia mộ. Hắn thậm chí còn không có lấy một bức ảnh chụp khi trưởng thành, nếu có cũng đã bị thiêu hủy. Ai bảo hắn là cảnh sát nằm vùng?
Rất nhiều người thuộc hai hệ thống quân đội – cảnh sát biết có một cảnh sát nằm vùng đang chiến đấu ở tiền tuyến, nhưng ngoài Phùng Trọng Lương, không ai biết đó là Tư Văn. Trong mắt họ, hắn là người đã chết, không đáng để bận tâm.
.
Một tháng sống lay lắt trôi qua, Tư Văn cảm thấy mình đang cận kề cái chết.
Giữa lúc hoạn nạn, tay người Mỹ như nảy sinh tình đồng chí với hắn, không ngừng động viên hắn rằng đừng bỏ cuộc, hai người rồi sẽ sống sót.
Cứ thế gắng gượng đến hai ngày sau, một chiếc trực thăng màu vàng với hoa văn xanh lá xuất hiện, lượn vòng trên đầu họ hồi lâu rồi từ từ hạ cánh.
Tư Văn nhích từng hồi khó nhọc, thận trọng trốn ở sau xe. Từ góc độ này, hắn chỉ có thể thấy vài người đàn ông bước xuống trực thăng, mặc đồng phục xanh đậm, huy hiệu trên mũ cho thấy họ thuộc Lực lượng Đặc nhiệm Hoa Kỳ. Hắn lấy hết sức bình sinh ngồi dậy.
Tư Văn có thị lực tốt, có thể thấy rõ vật ở xa. Sau một hồi quan sát, hắn nhận thấy những người này không giống lực lượng đặc nhiệm, hàm răng sâu đen vì bị ma túy ăn mòn kia rõ ràng là của con nghiện. Nếu không nhầm thì chúng hẳn là thành viên của ổ ma túy bên biên giới Mỹ – Mexico đến đây để tìm người.
Bấy giờ Tư Văn mới lờ mờ cảm thấy hai gã người Mỹ chung sống với hắn suốt cả tháng trời không phải hạng lâu la gì.
Quả nhiên, gã người Mỹ còn sống nhìn hắn cười âm hiểm, sau đó gào tướng lên. Gã đã kiệt sức, giọng nghe nghèn nghẹn khản đặc.
Nhóm lính giả dùng máy dò sinh học dẫn đường, chẳng mấy chốc vạch ra cỏ cây lùm bụi, tìm thấy Tư Văn và gã.
Gã người Mỹ tức khắc khóc rống lên, chỉ vào đống xương cạnh đó: “He killed Guzman!!” (Nó giết Guzman rồi!!)
Hai tên lính giả lập tức rút súng chĩa vào Tư Văn.
Tư Văn chẳng còn sức để vờ sợ hãi cho chúng xem, chỉ nói: “He killed the guy.” (Nó mới là thằng giết.)
Mặc cho gã người Mỹ thao thao thao xuyên tạc, Tư Văn mắt điếc tai ngơ, chỉ nói điều mình muốn nói. Nhân đang diễn kịch, hắn thuật lại những quy tắc bí mật ở biên giới Mỹ – Mexico và một số từ lóng mà gã người Mỹ kể cho hắn nghe mấy ngày trước, cốt để hai tên lính giả biết, nếu hắn giết Guzman thật thì sao gã người Mỹ lại cho hắn biết những điều này? Như thế chứng tỏ thời gian trước hai người đã chung sống rất hòa hợp, cũng tức là gã người Mỹ đang nói dối, cố tình vu vạ cho Tư Văn.
Nhóm lính giả vỡ lẽ, chuyển họng súng sang gã người Mỹ, bắn vỡ sọ gã.
Thật ra hành động ấy rất mạo hiểm, nếu Tư Văn không thuyết phục được chúng chỉ trong vài câu, để chúng có cơ hội nghe gã người Mỹ, gã sẽ nói cho chúng biết Tư Văn là cảnh sát. May mà cả hai tên lính giả đều thuộc phái hành động, không suy nghĩ gì nhiều, song chúng cũng không tha cho Tư Văn, mà đưa hắn lên trực thăng. Bọn chúng nghe lệnh đi tìm người, cuối cùng chẳng còn mạng nào, chúng phải mang Tư Văn về để còn có cái giải thích.
Sau này Tư Văn mới biết, Guzman là một trong những con trai của trùm ma túy ở biên giới. Y sang đây để giám sát và điều khiển cuộc giao dịch, tiện thể tích lũy kinh nghiệm, nay y không rõ sống chết, bên kia tất nhiên sẽ đến tìm người.
Gã người Mỹ hẳn đã biết Guzman là người đồng hành với mình , cũng biết nhóm cứu trợ sẽ đến. Có lẽ vì bên kia có cơ chế trừng phạt, hoặc có dính líu tới lợi ích nào đó, gã ta mới trừ khử Guzman để diệt trừ mầm họa, sau đó động viên hắn sống, đợi bên kia tìm đến thì vu oan cho hắn.
Đám lính giả ngụy tạo danh tính cho Tư Văn rồi đưa hắn sang Mexico, sau đó là ba tháng người không ra người, ngợm không ra ngợm. Cả đám bên ấy đều là những kẻ điên, chúng tiêm cho hắn thuốc chống buồn ngủ liều cao, sau đó đóng đinh vào người hắn, lột da tay, da chân hắn. Hắn được đám tay chân đưa về để tỏ rõ: con trai của ông trùm đã chết, không phải chúng không đưa về.
Thế là Tư Văn vô giá trị trở thành món đồ tiêu khiển cho chúng.
Ở đây có vô số người là đồ chơi như Tư Văn. Đến khi chúng chơi chán rồi, ai chết thì chúng đem chôn, ai sống thì phải vận chuyển ma túy cho chúng. Có vài nơi quản lý nghiêm ngặt, chúng không tuồn ma túy vào được, bèn giấu ma túy trong cơ thể người.
Tư Văn không may mắn thoát khỏi, nhưng hắn có ý chí mạnh mẽ nhất, cơ thể tàn tạ cũng không thể ngăn được khát vọng sống của hắn.