Những Nhà Nơi Hẻm Nhỏ

Chương 63: 63: Di Dời




Thời thanh niên.

Trang Đồ Nam lại bắt đầu vội chuyện nhà cửa.

Trang Tiêu Đình dùng hai chủ nhật để đi xem mười mấy khu tại Lục Gia Khẩu. Lúc nghe nhân viên bất động sản khu Phổ Giang nói “Mua hai căn phòng một lúc sẽ có ưu đãi” thế là cô mang theo Lâm Đống Triết lại tới đó một lần.

Ngọa Long bắt đầu trổ tài nói tía lia còn Phượng Sồ thì ôn hòa nhưng kiên quyết. Hai vợ chồng đều truyền đạt cùng một thông tin, “Chúng tôi mới vừa mua một căn phòng có ưu đãi, nay mua thêm phòng nữa thì phải có ưu đãi nếu không tụi tôi sẽ tới chỗ khác mua.”

Hai người lấy ra ưu đãi Dư Đào sử dụng lần trước và mua được căn hộ thứ hai, cách căn phòng của Trang Đồ Nam 10 phút đi bộ.

Trang Tiêu Đình nghĩ rất thông suốt, “Đống Triết đã đi xem các khu nhà quanh đây và thấy anh Dư Đào quả thực không lừa người. Phòng này ít nhất cũng được 80 điểm rồi vì thế không cần tốn công chọn căn phòng 100 điểm hoàn hảo làm gì. Có khi tìm cũng chả thấy, thật tốn sức.”

Lý Giai nghe xong những lời này thì cảm thán với Trang Đồ Nam, “Em gái anh đúng là người phóng khoáng, rất có năng lực quản lý, cũng có năng lực giải quyết vấn đề.”

Dư Đào bị khí phách mua nhà của Ngọa Long và Phượng Sồ dọa cho kinh hồn. Anh chàng cũng bắt đầu xem nhà ở khu vực xung quanh Đồng Tế với mục đích vừa xem mắt vừa chuẩn bị mua nhà luôn.

Trang Đồ Nam đã xem qua toàn bộ quá trình tìm phòng và mua phòng nên cảm thấy xem thế là đủ. Anh cũng cảm thán Ngọa Long và Phượng Sồ đúng là mưa rền gió cuốn, nếu một ngày nào đó Trang Tiêu Đình ôm một đứa nhỏ và nói với anh, “Anh, đây là cháu ngoại của anh, con à, gọi bác đi” thì anh cũng sẽ không kinh ngạc, sẽ phối hợp giơ tay bế đứa nhỏ.

Ngọa Long và Phượng Sồ mua nhà xong định sửa chữa đơn giản. Lâm Đống Triết muốn mời một công ty thiết kế nội thất để đỡ tốn thời gian và sức lực. Trang Tiêu Đình cũng đồng ý luôn nhưng sau khi thuê người rồi cả hai mới nhận ra bỏ tiền cũng chưa chắc đã tiết kiệm được thời gian và sức lực. Tất cả những thứ như vật liệu, thời hạn công trình, trình tự làm việc khác nhau đều khó hòa hợp. Cho dù là trang hoàng đơn giản cũng tốn thời gian, khi người tới làm bọn họ cũng không thể giám sát. Đang lúc loay hoay không biết làm sao thì dân công xây tường Trang Đồ Nam tỏ vẻ sẽ dẫn dắt cả đội tự làm.

Tuy Trang Đồ Nam không học chuyên ngành thiết kế nội thất nhưng anh đã thực hiện nhiều công trình thế nên dù chưa ăn thịt lợn thì anh cũng thấy lợn chạy nhiều lắm rồi. Trang hoàng một căn phòng với anh chỉ là bữa ăn sáng đơn giản.

Trang Đồ Nam nói qua với Lý Giai rồi mua hai cái đệm quân dụng biến phòng ở của anh thành nơi tụ họp cuối tuần.

Ba người lợi dụng thời gian cuối tuần để làm việc, từ tối thứ bảy tới tối chủ nhật, coi như một ngày hai đêm. Đêm thứ bảy và chủ nhật cả đám chắp vá ngủ trong căn nhà nhỏ của anh, Trang Đồ Nam và Lâm Đống Triết ngủ trên đệm quân dụng trong phòng khách còn Trang Tiêu Đình ngủ trên ghế mây ở phòng ngủ. Sáng sớm thứ hai bọn họ dậy sớm tự trở về đi làm.

Cuối tuần đầu tiên họ sơn xong tường nhà. Tới giữa tuần Trang Đồ Nam trả tiền mời công nhân tới xem hệ thống điện nước rồi lắp tủ bát ở nhà bếp. Sau khi tan làm Lý Giai tới hỗ trợ lắp thông gió.

Cuối tuần thứ hai bọn họ lát xong sàn gỗ và ổ điện. Lần này Ngọa Long và Phượng Sồ không đánh nhau nữa mà cần cù chăm chỉ lát sàn.

Sáng chủ nhật Lý Giai hỏi được tin tình báo về việc di dời nên buổi chiều chủ động tới tham gia hoạt động lát sàn. Có lẽ cô mới vừa từ nhà ông bà nội về nên làm việc vừa nhanh vừa tàn nhẫn, bộ dạng đằng đằng sát khí làm cho Ngọa Long với Phượng Sồ sợ nơm nớp nhìn nhau không dám ho he.



Đây là lần đầu tiên Lý Giai tới khu nhà ở Phổ Giang sau sự kiện tàn thuốc.

Cô không ngủ lại đây, một là không muốn nảy sinh vấn đề khó xử. Trang Đồ Nam tin tưởng cô nên cô cũng không muốn anh khó chịu. Hai là cô không có thời gian rảnh, bởi vì cô đang chiến đấu với chuyện di dời.



Trong khoản bồi thường di dời có quyền đổi tài sản, giá sẽ được định trước. Chỉ cần những người cư trú ở tài sản đó nhất trí với phương thức bồi thường rồi ký tên cầm chìa khóa nhà mới hoặc tiền mặt thì coi như hoàn thành quá trình bồi thường.

Lý Giai để Lý Văn đưa ra phương thức “Một đổi hai” —— bất kể là nhà hay tiền thì phần bồi thường ấy phải chia đôi. Trên sổ hộ khẩu có tổng cộng tám người, ông bà nội, chú thím và ba người nhà em họ là bảy người tính một phần, còn riêng Lý Văn tính một phần khác.

Chú thím của cô không đồng ý, bọn họ nói Lý Văn không phải người thực sự ở đó. Cậu ở ký túc của đơn vị, nếu xét ra thì quả thực không phải người ở đó. Nếu hai chị em họ không nhường diện tích bồi thường cho cả nhà kia chú thím cô sẽ báo tình hình thực tế cho đội di dời và cướp tư cách bồi thường của Lý Văn.

Lý Giai nắm chặt chính sách và vin vào hai lý do: một là văn bản trên chính sách ghi rõ “theo đầu người”, diện tích của Lý Văn không lẹm vào diện tích của những người còn lại; hai là văn bản cũng quy định rõ người từng được hưởng phúc lợi phân nhà theo hộ khẩu sau này sẽ không thuộc diện được bố trí nhà, không có bồi thường khác. Như vậy nếu hiện tại Lý Văn nhận bồi thường sẽ ảnh hưởng, thậm chí khiến Lý Văn mất quyền hưởng tư cách phân nhà từ đơn vị trong tương lai. Thế nên nếu không được “Một đổi hai” cô sẽ để Lý Văn tới văn phòng di dời nói thằng bé từ bỏ quyền bồi thường hộ khẩu này.

Hai bên đều lấy cớ “sẽ đi nói với bên di dời để Lý Văn từ bỏ bồi thường trên danh nghĩa” để tạo áp lực lên đối phương.

Cả hai giằng co không giải quyết được.

Bên di dời đã thấy nhiều nên không trách mà chỉ nói một câu, “Các vị càng sớm thỏa hiệp thì càng có thể chọn nhà sớm. Càng muộn thì nhà tốt càng ít, địa chỉ tốt và số tầng cũng không có hàng đẹp đâu.” Cuối cùng họ để người một nhà tự mình đóng cửa lại mà bàn bạc.



Lý Giai vẫn luôn cho rằng cô có thể xử lý mối quan hệ với ông bà nội. (Truyện này của trang Rừng Hổ Phách) Mấy năm nay cô và em trai quả thực vẫn duy trì quan hệ không lạnh không nhạt với hai người đó.

Sau khi thi đỗ đại học cô mới gặp ông bà nội mình vì thế chẳng có tình cảm gì nên cũng chẳng có chờ mong. Nguyên nhân chính vì thế nên cô có thể giải quyết chuyện của Lý Văn một cách khách quan.

Việc phê duyệt chỉ tiêu hộ khẩu cực kỳ nghiêm khắc, cần có địa chỉ gia đình ở Thượng Hải, tức là cần các thành viên trong gia đình đồng ý nếu không hộ khẩu kia cũng chẳng có giá trị gì. Rất nhiều con cái của thanh niên trí thức Thượng Hải vì người nhà không đồng ý cho vào hộ khẩu mà không thể trở về. Bọn họ không thể hưởng thụ những phúc lợi mà hộ khẩu mang lại từ việc học tới việc xây dựng nghề nghiệp.

Thành tích và năng lực của Lý Văn đều bình thường nhưng vì có hộ khẩu Thượng Hải nên ưu thế khi thi đại học và tìm việc lại rất lớn. Đó cũng là lý do cậu có thể ở lại Thượng Hải làm thầy giáo.

Lý Giai hiểu quá rõ sức nặng của hộ khẩu. Trong lớp đại học của cô chỉ có hai người từ nơi khác tới và có được hộ khẩu Thượng Hải sau khi tốt nghiệp. Một người là cô còn người kia cưới bạn trai người Thượng Hải mới có thể ở lại. Thế nên từ vấn đề hộ khẩu thì cô cảm kích ông bà nội mình.

Cảm kích là có, cảm kích vì bọn họ đồng ý cho em trai cô đăng ký hộ khẩu. Nhưng hận cũng có, bởi cô đã thấy thống khổ và oán hận của ba mình với người nhà. Cô từng cho rằng quan hệ của cô và ông bà nội cùng chú thím sẽ mãi như thế, bằng mặt mà không bằng lòng. Ngày lễ ngày tết họ sẽ cùng nhau ăn bữa cơm, lúc ông bà không khỏe cô sẽ trở về thăm hỏi, lúc em họ kết hôn và sinh con cô cũng đưa một phong bao lì xì.

Nhưng việc di dời hiện tại đã phá nát thân tình giả dối ấy. Chú thím lấy danh nghĩa ông bà nội bức Lý Văn từ bỏ bồi thường trên danh nghĩa của cậu. Lý do của bọn họ là bọn họ đã cho Lý Văn đăng ký hộ khẩu thì hiện tại đương nhiên có thể lấy phần bồi thường trên danh nghĩa tên cậu. Nhưng sau khi Lý Giai hút hết nửa bao thuốc cô quyết định tranh.

Nửa bao thuốc kia còn là băn khoăn với tình yêu của cô. Cô biết Trang Đồ Nam có định kiến với người nhà cô vì thế cô quyết định cố gắng giấu anh việc này.

Kiến trúc sư đa phần đều hút thuốc, trên công trường mọi người tùy tiện ném tàn thuốc trên mặt đất, chỉ cần không gây cháy là được. Còn trong văn phòng họp mọi người tùy ý ném đầu lọc vào gạt tàn hoặc thùng rác nên cô cũng bỏ vào thùng rác và quên mất.

Lý Giai không thể không cảm thấy may mắn vì Trang Đồ Nam đã phát hiện tàn thuốc. Bởi vì cô nhanh chóng nhận ra mình không giấu được anh bạn trai kiêm tổ trưởng chuyện gì.

Cô phải dành thời gian và sức lực để làm việc và nói chuyện với bên di dời. Thậm chí cô còn muốn xin nghỉ tham gia hội nghị di dời. Chủ nhật cô phải tới nhà ông bà nội để chiến đấu hoặc đi quanh các ngõ hẻm tìm các thông tin để phòng ngừa mình bỏ lỡ thông tin có ích nào đó.



Lý Giai đang phụ trách việc thiết kế một khu biệt thự bên ngoài, khó khăn không lớn nhưng rất nhiều chi tiết. Cô không để chuyện di dời ảnh hưởng tới công việc, lúc đi làm cô cố gắng chạy tới công trường hoặc mở họp, buổi tối lại tăng ca vẽ hoặc thay đổi kế hoạch.

Về mặt tâm tình cô cảm thấy mệt mỏi vô cùng. Tình thân dù nhạt nhẽo thì khi xé rách vẫn đau đớn như rút gân lột xương. Ông nội trầm mặc không nói, bà nội khóc thút thít, chú thím gọi điện thoại chửi rủa, em họ oán trách…… Những bối rối và cảm xúc tiêu cực nhiều không kể xiết khiến tâm tình của cô cực kỳ áp lực.

Dưới nhiều áp lực ấy thân thể và tâm trạng của Lý Giai đều không tốt.



Trang Đồ Nam cũng không biết rõ chi tiết về chuyện Lý Văn đăng ký hộ khẩu năm xưa nhưng qua nhiều năm như thế mà Lý Giai vẫn run rẩy, bất an khi nghĩ tới chuyện cũ thì anh cũng đoán được một chút. Anh chính mắt thấy cô mình đã phải khóc lóc tuyệt vọng thế nào, cũng biết nhà họ Vương ở bên cạnh đã xảy ra bi kịch nào vì thế anh hổ thẹn với những oán hận và nhỏ nhen của mình. Năm thứ ba Lý Giai phải dốc hết sức để tìm đường ra —— một con đường có thể ở lại Thượng Hải để chăm sóc em trai. Cô khi ấy làm gì có tâm tư cho tình cảm mông lung chưa có lời đáp.

Lý Giai gần như không nói tới chuyện gia đình trước mặt anh, chỉ có một lần vì quá khó chịu cô mới bâng quơ oán giận với anh, “A Văn mang tính cách mềm mại, ông nội thì chẳng nói lời nào còn bà nội chỉ biết khóc. Chú thím gây áp lực là nó muốn lui, để lại mình em chiến đấu.”

Trang Đồ Nam trầm mặc nhưng lúc cô muốn lảng sang chuyện khác anh lại nói, “Em trai em cũng có cái khó, quan hệ thân thiết và lợi ích kinh tế không phải chuyện dễ giải quyết.”

Lý Giai giật mình và nói một câu của Thượng Hải mà cô đã nghe nhiều đến thuộc, “Tiền và tình, phân cũng không rõ.”

Trang Đồ Nam ôn tồn an ủi, “Cậu ấy có thể ở lại và thuận lợi kiếm việc nên không rõ những gì em đã phải trả giá. Nhưng em đừng nản chí, một ngày nào đó cậu ấy sẽ hiểu ra và cảm kích em.”

Lý Giai cúi đầu không nói gì. Người mơ hồ đâu chỉ có Lý Văn, ngay cả ba mẹ cô cũng đâu biết cô đã phải trả giá những gì. Trong điện thoại ba cô chỉ đơn giản nói một câu “Bé, năm đó con viết giấy cam đoan thì hiện tại con phải nghĩ cách giúp A Văn đoạt lại”. Tuy đây chỉ là một câu vô tâm nhưng cũng là ý nghĩ chân thật trong lòng cha mẹ cô.

Một câu này chẳng mang chút đồng cảm nào giống như bản thân cũng từng trải qua. Cô thấy được những vất vả của ba mẹ khi nuôi lớn cô và em trai, thấy vết nứt trên tay và vết thương trên đùi họ nhưng họ lại chẳng thể thấy cô ngày mưa tuyết còn phải chen trên phà vất vả mưu sinh. Họ cũng chẳng thấy cô từng giãy giụa khổ sở lựa chọn giữa tình yêu và gia đình.

Trang Đồ Nam thấy những tàn thuốc, cũng thấy những kinh hoảng mờ mịt, thống khổ và sợ hãi khi niên thiếu của cô. Anh thấy một mặt kiên cường nhưng mềm mại bao năm như một của cô.

Vì là người ngoài cuộc nên anh tỉnh táo hơn, cũng có thể phân tích với đạo lý rõ ràng, “Chuyện trước kia anh không rõ lắm nhưng năm đó một nhà em ở Đông Bắc xa xôi nên ông bà nội em không thể trông cậy vào. Ông bà nội của em khẳng định sẽ lo lắng cho nhà chú em hơn. Hiện tại em và A Văn đều làm việc ở Thượng Hải, A Văn lại là đứa cháu trai duy nhất nên ý tưởng của ông nội em hẳn đã khác.”

Định kỳ gặp mặt hoặc gọi điện cho ông bà nội tạo áp lực rồi còn phải trấn an Lý Văn khiến tâm sinh lý của Lý Giai không tốt lắm. Trong lúc ấy cô bị viêm dạ dày cấp tính hai lần.

Trang Đồ Nam rất lo lắng và buộc cô phải tới bệnh viện làm kiểm tra. Bác sĩ chẩn bệnh kết quả là ăn uống linh tinh không có quy luật trong thời gian dài kèm với áp lực tâm lý quá lớn khiến tiêu hóa bị ảnh hưởng. Sau khi Trang Đồ Nam biết được lập tức “Bao nuôi” Lý Giai.

Trang Đồ Nam trả tiền nhờ ông chủ tiệm cơm Đông Bắc làm thêm một phần cháo gạo cẩm lại nhờ Ngọa Long và Phượng Sồ nhân dịp cuối tuần nấu các loại canh dưỡng sinh đưa tới bỏ vào tủ lạnh trong phòng anh. Hai con người kia đã dọn vào nhà mới, Phượng Sồ được anh trai nhờ vả thì tận tâm nấu canh cá trắm đen, gà đương quy, xương lợn củ mài gì gì đó. Dựa vào sự giúp đỡ của hào kiệt các nơi cuối cùng dạ dày của Lý Giai cũng cải thiện.

 

------oOo------