Nhớ Mãi Không Quên - Thiên Tại Thủy

Chương 20




Núi Lộc Sơn cao hơn 600 mét so với mực nước biển. Một đoàn người leo lên đường núi, mệt đến hụt ​​hơi, dừng lại ở lưng chừng núi để nghỉ ngơi.

Xung quanh lưng chừng núi có một con đường ván bằng kính trong suốt, có nhiều du khách háo hức khám phá, muốn leo lên đấy.

Vừa mới bước được hai bước, đôi chân đã run rẩy đến mức mềm nhũn ra. Họ không dám nhìn dưới chân, chỉ hét lên đầy chói tai rồi đỡ lấy lan can nhằm bước đi.

Tâm huyết Tống Nhĩ Giai bỗng dâng trào, nàng run rẩy bước đến.

Tống Nhĩ Giai ngoảnh đầu lại, hỏi cô: " Chị không sợ à?"

Nguyễn Trinh nói: " Chị từng sợ, nhưng sau khi đi nhiều, chị không còn sợ nữa."

Tống Nhĩ giai: "Ồ, đây là cái mà mọi người gọi là "liệu pháp giải mẫn cảm"."

Nguyễn Trinh: " Đúng vậy."

Sợ độ cao là một trong những cơ chế tự bảo vệ của con người. Theo quan điểm tâm lý học tiến hóa, những người sợ độ cao sẽ tránh những vách đá và có ý thức tránh nguy hiểm. Vì vậy, gen của họ đã được truyền từ đời này sang đời khác.

Tống Nhĩ Giai không mắc chứng sợ độ cao, nhưng cuối cùng nàng đã nắm lấy cánh tay Nguyễn Trinh để đi trong suốt hành trình.

Năm 17 tuổi ấy. Trong mắt Tống Nhĩ Giai, Nguyễn Trinh là một người dịu dàng, xinh đẹp, bao dung mọi tính xấu của nàng, dường như là một người toàn năng.

Vì vậy, những năm tháng sau này, nàng đã từng gặp qua rất nhiều người. Dù họ có đối xử với nàng tốt đến đâu, nàng cũng không thể cảm nhận được bằng một phần mười của Nguyễn Trinh.

*

Cuối tháng 12, kết quả kiểm tra hàng tháng được công bố. Điểm số của Tống Nhĩ Giai được xếp vào loại trung bình, việc học của nàng cũng rơi vào trạng thái bế tắc.

Trường trung học mà nàng đang theo học là ngôi trường trọng điểm, có đội ngũ giáo viên giỏi và năng lực giảng dạy cao. Nếu có thể xếp hạng giữa ở nơi này, miễn là nàng không mắc lỗi trong kỳ thi tuyển sinh đại học, nàng có thể chạy nước rút vào một trường đại học với xác suất cao.

Vào thời điểm đó, Tống Nhĩ Giai có một người bạn ngoài trường ở trường trung học số 8.

Trường trung học số 8 nổi tiếng là "trường hư", có nhiều học sinh có vấn đề, thường xảy ra đánh nhau. Không có mấy ai trong trường thích nghe giảng, học sinh lúc nào cũng hút thuốc, trốn học, yêu sớm và chơi game.

Người bạn từ trường trung học số 8 đó đã từng ghen tỵ với nàng rất nhiều lần:" Giá như gia đình tôi giàu như cậu thì tốt rồi. Họ có thể cho tôi vào một ngôi trường tốt, biết đâu tôi có thể vào được một trường đại học tốt hơn."

" Cho dù trường học tốt đến đâu, cho dù giáo viên giỏi đến mức nào đi chăng nữa. Nhưng nếu tôi không học, tôi sẽ không thể vào đại học. Dù trường có tệ đến đâu, dù giáo viên có dở đến mức nào, thà đi học còn hơn là ở yên một chỗ." Tống Nhĩ Giai không dám phủ nhận lợi thế của nguồn tài nguyên giảng dạy, nhưng đó không phải là yếu tố quyết định.

Giai đoạn lớp 12 không chỉ là sự chuyển biến trong học tập, mà còn là sự chuyển đổi chậm rãi và hình thành nhân sinh quan, giá trị quan và thế giới quan.

Tống Nhĩ Giai học được cách nhìn lại quá khứ của mình.

Càng nhìn càng thấy trước đây, bản thân nàng là kẻ tự cao, ngu dốt.

Nàng nói với Nguyễn Trinh những gì mà nàng đã nghĩ. Nguyễn Trinh ngồi vào bàn học, sửa lại bài tập cho nàng rồi khẽ an ủi:" Khi em nhận ra rằng bản thân trong quá khứ thực sự ngu ngốc, điều đó có nghĩa là em đã tiến bộ hơn rất nhiều so với trước đây. Khi em không cảm thấy rằng trước đây bản thân em ngu ngốc, điều đó có nghĩa là em đã không có tiến bộ gì trong thời gian này."

Tống Nhĩ Giai chống cằm và chuyển chủ đề:" Em cảm thấy nếu em và chị quen biết lâu, có lẽ em sẽ học được cách nói chuyện của chị. Phong cách nói chuyện của chị rất gần gũi."

Nguyễn Trinh chỉ vào nét chữ của nàng và cười khúc khích:" Không chỉ là ăn nói giống nhau, mà nét chữ của em cũng rất giống chị."

Tuy cả hai chênh lệch nhau năm tuổi, nhưng lúc nào cũng có thể trò chuyện cùng nhau.

Tất nhiên, đây là nhờ vào quá trình thích nghi ngược của Nguyễn Trinh đối với nàng.

Đôi khi, sau khi hoàn thành bài tập về nhà, Nguyễn Trinh sẽ ở lại nhà họ Tống và ngủ cùng giường với Tống Nhĩ Giai. Cả hai đều đeo tai nghe, nghe cùng một bài hát và trò chuyện cùng nhau.

Tống Nhĩ Giai càng ngày càng phụ thuộc vào Nguyễn Trinh.

Vừa nhìn thấy Nguyễn Trinh, nàng liền nhịn không được mà nhoẻn miệng cười, cười đến mi mắt cong cong.

Sự xuất hiện của Nguyễn Trinh đã trở thành điều mà nàng mong chờ nhất tuần. Trước khi gặp mặt, nàng luôn nhìn vào gương để trang điểm, chải chuốt, muốn thể hiện những mặt tốt đẹp nhất của mình với Nguyễn Trinh.

Kỳ nghỉ đông của năm cuối cấp rất ngắn. Trường chỉ cho học sinh nghỉ một tuần.

Tống Nhĩ Giai dành phần lớn thời gian trên ghế nhà trường. Kiến ​​thức cơ bản của nàng gần như đã được củng cố. Nguyễn Trinh không phải là giáo viên chuyên nghiệp nên chỉ có thể đưa nàng đến đây. Phần kiến thức ở cấp độ cao hơn cần được giáo viên trong trường giảng dạy.

Nàng không chịu nổi việc học tập với cường độ cao ở trường. Vào giai đoạn này, nàng cần kết hợp giữa học hành và nghỉ ngơi sau giờ học thay vì tiếp tục học tập với cường độ cao.

Mối quan hệ thầy trò ngắn ngủi giữa hai người đã kết thúc.

Tống Nhĩ Giai đã không nói chuyện với Tống Uy từ lâu. Vào ngày nghỉ, Tống Uy đến tìm gặp nàng và hỏi:" Mẹ sẽ đưa con ra nước ngoài chơi trong dịp Tết Nguyên Đán. Con có muốn đi không?"

Nếu là trước đây, có lẽ Tống Nhĩ Giai sẽ đồng ý. Nhưng năm nay, nàng chỉ hỏi:" Còn A Nguyễn thì sao? Tết năm nay chị ấy có lớp không?"

Tống Uy nói: "Không, A Nguyễn sẽ về quê ăn Tết. Trước khi đi, chúng ta sẽ mời cô ấy một bữa để cảm ơn."

Vốn dĩ Tống Uy không mong đợi cô học trò kiêu hãnh của mình sẽ giúp được gì cho việc học của Tống Nhĩ Giai. Bà chỉ muốn tìm một người chị cùng lứa tuổi với Tống Nhĩ Giai để làm gương và thuyết phục nàng chăm chỉ học tập.

Nhưng không ngờ Tống Nhĩ Giai lại thay đổi nhiều như vậy. Việc này khiến Tống Uy bất ngờ ngoài sức tưởng tượng. Bà càng ngày càng hài lòng với Nguyễn Trinh hơn.

Đáng tiếc là bữa ăn không được vui vẻ cho lắm.

Sau khi ăn được một nửa, người yêu của Tống Uy gọi điện đến cho bà. Bà cầm điện thoại di động ra ngoài nói chuyện phiếm mười phút rồi mới quay lại.

Câu đầu tiên sau khi trở về là: "Nhĩ Giai, chú Triệu của con bị ốm phải nằm viện..."

Bà còn chưa kịp nói xong, Tống Nhĩ Giai đã làm bà nghẹn họng:" Con là con một của bố, làm gì có chú nào ở đây?"

Nguyễn Trinh siết nhẹ cổ tay Tống Nhĩ Giai rồi nháy mắt ra hiệu.

Tống Uy im lặng.

Bà đã quen với sự kiêu ngạo, không thể nhỏ giọng xin lỗi con mình nên chỉ có thể mím môi im lặng.

Tống Nhĩ Giai cúi đầu tiếp tục ăn:" Hiểu rồi, không thể ra nước ngoài được đúng không? Con cũng không có hi vọng xa vời gì với việc mẹ sẽ thực sự mang con đi. Mẹ cứ đến bệnh viện thăm ông ấy đi."

Nàng sẽ không bao giờ là người đầu tiên trong lòng bố mẹ mình. Sự nghiệp, danh vọng, người yêu... đều xếp trước nàng.

Nàng đã nhận ra điều này từ lâu, nhưng vẫn cảm thấy buồn khi nghĩ về chúng.

*

Quê nhà của Nguyễn Trinh nằm tại một quận nhỏ của tỉnh lân cận, cô cần phải đi tàu cao tốc và xe buýt để về quê.

Vào ngày cô về nhà, Tống Nhĩ Giai đã đưa cô đến nhà ga.

" Ngày nghỉ không được chơi bời quá nhiều. Em phải hoàn thành bài kiểm tra trước, sau đó học thuộc từ vựng và văn thơ mỗi ngày. Nếu một ngày không học, em sẽ thua cuộc, nhớ phải giải đề nhiều hơn đấy." Trước khi đi, Nguyễn Trinh vẫn thúc giục Tống Nhĩ Giai học tập.

Tống Nhĩ Giai siết chặt khăn quàng cổ của mình: " Biết rồi biết rồi. Tại sao chị lại nói những lời giống hệt như giáo viên chủ nhiệm của em vậy."

Nguyễn Trinh mỉm cười và nói: "Nếu có gì không hiểu, em có thể chụp ảnh lại hoặc gọi cho chị. Chủ nhiệm của em không nói vậy, phải không?"

Tống Nhĩ Giai cũng mỉm cười:" Được rồi, em sẽ gọi cho chị mỗi ngày để quấy rầy chị."

Nguyễn Trinh liếc nhìn thời gian trên điện thoại rồi nói: "Sắp đến giờ soát vé rồi, chị đến nhà ga trước nhé?"

"Vâng." Tống Nhĩ Giai gật gật đầu.

Nguyễn Trinh kéo tay cầm hành lý, chuẩn bị rời đi. Nhưng Tống Nhĩ Giai đột nhiên nắm lấy góc áo cô, nhìn thẳng vào mắt cô rồi cầu xin:" Nguyễn Trinh, chị dẫn em về nhà đi, có được không? Em không muốn đón năm mới một mình."

Nguyễn Trinh lắng nghe lời cầu xin nhẹ nhàng của cô bé 18 tuổi. Cô im lặng một lúc rồi cúi đầu xuống, nắm lấy bàn tay đang giữ chặt góc áo của mình, nhẹ giọng trả lời:" Được."

Trong dịp Tết Nguyên đán, tạm thời không thể mua được vé tàu.

Nguyễn Trinh hoàn tiền vé tàu cao tốc rồi đưa Tống Nhĩ giai đến bến xe để mua hai vé xe buýt.

Tống Nhĩ Giai chỉ cầm điện thoại di động và chứng minh thư ra ngoài, gần như trắng tay.

Sau khi lên xe, Nguyễn Trinh bắt đầu thu xếp:" Chỉ đi ba ngày thôi đấy. Ba ngày sau, chúng ta sẽ trở lại thành phố Giang Châu, em còn phải hoàn thành bài tập nghỉ đông."

Tống Nhĩ Giai ghé sát vào kính cửa sổ, gương mặt đỏ bừng vì hưng phấn:" Hic, tại sao chị vẫn nhắc đến bài tập về nhà thế? Nhìn đi nhìn đi, tuyết đang rơi kìa!"

Tuyết lả tả rơi xuống như lông ngỗng, những người đi bộ trên phố siết chặt áo khoác của mình.

Nguyễn Trinh nhìn ra ngoài cửa sổ và nói: " Quê nhà của chị sẽ lạnh hơn một chút.. Khi đến đó, em mặc áo khoác của chị đi."

Tống Nhĩ Giai quay đầu sang và mỉm cười với cô:" Em không sợ lạnh, em có thể chịu lạnh được. Đúng rồi, em còn chưa hỏi chị, gia đình chị có mấy người thế? Chị có anh chị em ruột nào không? Chút nữa xuống xe, em mua chút quà Tết nhé. Lần đầu tiên đến nhà chị, em không thể đi tay không được."

Nguyễn Trinh siết chặt cổ tay nàng, khẽ mỉm cười. Đây cũng là lần đầu tiên cô nói về gia cảnh của mình cho nàng nghe:" Không cần mua quà đâu, nhà chị cũng chẳng còn ai. Chị là trẻ mồ côi."

Tống Nhĩ Giai sững sờ.

Nàng chỉ biết nhà Nguyễn Trinh rất nghèo nên ít khi hỏi thăm bố mẹ của Nguyễn Trinh. Nhưng nàng không hề biết rằng người trước mặt lại là người lẻ loi, hịu quạnh, không nơi nương tựa.

"Chị..." Tống Nhĩ Giai muốn học theo dáng vẻ thường ngày của cô để nói những lời tốt đẹp và an ủi cô. Nhưng, nàng không biết nên bắt đầu như thế nào.

Mặt Nguyễn Trinh không đổi sắc, giọng điệu rất bình tĩnh:" Khi chị còn học cao trung, có một trận động đất xảy ra ở nơi chị sống. Rất nhiều người đã chết trong trận động đất ấy, chị là người may mắn còn sống sót. Quân giải phóng và bác sĩ đã đào chị ra khỏi đống đổ nát. Sau thảm họa, Đại học Giang Châu đã cử các bác sĩ từ bệnh viện trực thuộc và các chuyên gia tâm lý đến can thiệp tâm lý sau thảm họa. Sau kỳ kiểm tra đầu vào đại học, chị đã điền nguyện vọng vào trường y."

Cô đã được rất nhiều người cứu sống. Cô cũng mong rằng mình sẽ có thể khám và chữa bệnh cho những người khác trong tương lai.

Tống Nhĩ Giai nắm chặt tay Nguyễn Trinh, sự thương tiếc vô hạn bỗng dâng tràn khắp cõi lòng.

Nàng nhìn vào sườn mặt của Nguyễn Trinh, thầm nghĩ: Nàng vẫn luôn oán trách bố mẹ không dành đủ tình yêu cho mình. Còn cô gái trước mặt nàng đã mất bố mẹ từ rất lâu, nhưng cô vẫn luôn an ủi nàng...

Đến thành phố thủ phủ của tỉnh lân cận, Nguyễn Trinh tiếp tục mua vé xe buýt.

Về đến huyện thành của quê nhà thì đã là năm giờ chiều.

Tống Nhĩ Giai lớn lên ở thành phố và chưa bao giờ đến một quận nhỏ như vậy.

Quận lỵ đã được sửa chữa và xây dựng lại sau thảm họa. Tuy không có tòa nhà cao tầng nào trong thành phố, nhưng kiến trúc quanh đây lại rất mới.

Cách đây vài năm. Sau khi trận động đất xảy ra và công tác cứu hộ kết thúc, nhà nước đã ban hành chính sách một tỉnh giúp một quận.

Quận lỵ này đã được xây dựng lại với sự giúp đỡ của tỉnh thành nơi Tống Nhĩ Giai ở. Kiến trúc nơi đây gần như mang đặc điểm của thành phố thủ phủ tỉnh Giang Châu.

Quận lỵ không lớn, đi từ đầu phố đến cuối phố cũng chỉ mất khoảng nửa tiếng. Nơi đây không có taxi, chỉ có xe máy và xe ba gác chở khách ngay cổng bến xe.

Nguyễn Trinh gọi một chiếc mô tô ba bánh.

Đây là lần đầu tiên Tống Nhĩ Giai đi loại phương tiện này. Nàng hào hứng nhìn xung quanh.

Nguyễn Trinh nắm lấy tay nàng, đặt vào lòng bàn tay mình để sưởi ấm rồi cười đùa:" Vui như vậy à. Nếu chị bán em vào núi, có phải em cũng đếm tiền giúp chị không?"

Tống Nhĩ Giai cắt ngang:" Tháng 1 năm nay em vừa tròn 18 tuổi rồi, chị cũng sẽ trở thành nghiên cứu sinh. Trông chị đẹp như thế, không chừng người khác sẽ ghét bỏ em nhưng lại thích chị đấy."

Các nàng kẻ đến người đi, làm loạn cả một đoạn đường, mãi cho đến khi về đến nhà.

Căn nhà phủ đầy bụi. Nguyễn Trinh nhanh chóng đặt hành lý xuống, mò mẫm công tắc đèn rồi sai bảo Tống Nhĩ Giai:" Em xuống cửa hàng tiện lợi ở tầng dưới mua hai hộp mì gói, nước khoáng, giăm bông, trứng ướp và đồ ăn vặt mà em yêu thích đi. Chị sẽ dọn dẹp một chút."

" Chị cứ đợi em về rồi dọn dẹp sau đi, em sẽ về ngay." Tống Nhĩ Giai chạy xuống lầu mua đồ ăn.

Nguyễn Trinh tìm một chiếc giẻ lau và bắt đầu lau bàn ăn và ghế dựa trong phòng khách.

Cô nhóc kia được nuông chiều từ bé, chưa bao giờ làm việc gì nặng, sao có thể mong rằng nàng sẽ quét dọn được.

Tống Nhĩ Giai đi khá lâu. Sau khi nàng mua thức ăn rồi trở lại, Nguyễn Trinh đã dọn sạch chỗ để ngồi.

" Em ngồi đây nghịch điện thoại một lúc đi, chị đi nấu mì gói. Ngày mai chị sẽ đến chợ để mua một ít thức ăn về đây." Khi đó, cả hai đều không giỏi nấu ăn, nấu mì gói là tiện nhất.

Nguyễn Trinh tìm mì gói, giăm bông và trứng ướp trong chiếc túi lớn mà Tống Nhĩ Giai vừa mua. Bỗng dưng, cô phát hiện Tống Nhĩ Giai còn mua nến hương và tiền giấy.

Cô cầm lấy nến hương rồi nhìn về phía Tống Nhĩ Giai.

Tống Nhĩ Giai lạnh đến mức xoa xoa tay. Khi thấy Nguyễn Trinh nhìn mình, nàng liền giải thích:" Dù sao thì chị cũng chỉ có một mình, chị có thể ở lại Giang Châu để ăn Tết. Nhưng nếu chị đã quyết định về quê ăn Tết một mình thì chắc chắn chị rất muốn gặp bố mẹ mình đúng không? Em đi tảo mộ cùng chị nhé, em cũng muốn nói với cô chú rằng con gái của bọn họ rất ngoan, rất tốt và cực kỳ ưu tú nữa."

Nguyễn Trinh đặt nến hương xuống, vẫy vẫy tay với Tống Nhĩ Giai:" Nhĩ Giai, em đến đây đi."

Tống Nhĩ Giai đứng dậy, bước về phía cô: " Sao vậy? Chị cảm động đến mức muốn lấy thân báo đáp à?"

Cô kéo Tống Nhĩ Giai vào lòng rồi ôm nàng thật chặt.

Tống Nhĩ Giai sửng sốt một chút rồi duỗi tay ra, vòng lấy eo cô, dùng sức ôm lại cô.

Đầu năm 2015. Trong mùa đông lạnh giá ấy, các nàng đã dựa vào nhau để sưởi ấm cho nhau...

*

" Vừa mới chớp mắt đã đến năm 2019 rồi." Khi ngồi cạnh nhau trên băng ghế bệnh viện, Tống Nhĩ Giai nhớ lại những quá khứ đã qua rồi thở dài:" Nếu không nhìn qua những bức ảnh đó, có lẽ em không thể nhớ nổi khuôn mặt của mẹ."

Nguyễn Trinh ngồi bên cạnh nàng, nhẹ nhàng nói: " Chị cũng không nhớ rõ mặt của bố mẹ mình."

Tống Nhĩ Giai: "Bây giờ nhìn lại những chuyện đã qua ở thời cao trung, thực sự có cảm giác như đó chỉ là một giấc mơ."

Nguyễn Trinh mỉm cười, không nói gì.

Tống Nhĩ Giai ngỏanh đầu lại, nhìn vào sườn mặt xinh đẹp của Nguyễn Trinh:" Nhưng, có một việc, trước đây em cứ ngỡ là mình nằm mơ. Nhưng sau khi nghĩ lại, những cảm xúc và tình cảm ấy quá đỗi chân thật, không giống như một giấc mộng."

Nguyễn Trinh dần dần ngừng cười, nhìn Tống Nhĩ Giai rồi hỏi:" Chuyện gì thế?"

Tống Nhĩ Giai im lặng một lúc, lấy hết can đảm để nói: "Chuyện khiến chị rời khỏi thành phố Giang Châu và em."

Nguyễn Trinh ngoảnh đầu đi, không nhìn Tống Nhĩ Giai nữa, chỉ chìm vào im lặng.

Vành tai Tống Nhĩ Giai bỗng dưng đỏ ửng:" Một tháng sau khi kỳ thi tuyển sinh Đại học của em kết thúc, cũng vào đúng ngày chị tốt nghiệp. Chúng ta đã ở nhà, cùng nhau ăn tiệc và uống rượu. Chị còn nhớ chuyện gì đã xảy ra sau khi chúng ta uống say không?"

Sau khi say, cả hai ôm nhau, ở bên nhau.

Nàng đặt một nụ hôn nóng bỏng sau tai Nguyễn Trinh. Ánh mắt Nguyễn Trinh bỗng trở nên vô cùng xa lạ, chuyển từ dịu dàng sang lạnh lùng. Cô điên cuồng, độc đoán hôn lên mặt, môi, và cổ nàng...