Nhị Triều Hoàng Hậu - Dương Vân Nga

Chương 27: Chẳng chia lìa mà cũng xa cách




Mùa Xuân và mùa Hạ Thiên Phúc thứ Tư, Phụng Càn và Thuận Thánh Hoàng hậu lần lượt sinh hạ hai Hoàng Tử, đặt tên là Lê Long Thâu và Lê Long Tích. Triều đình và muôn dân ai cũng vui mừng vì nhà Lê đã có được người nối dõi. Bèn liên tục mở tiệc lớn để khao mừng.

Yến tiệc liên miên lại thêm những ngày cuối tháng Năm nóng nực, khi mưa, khi nắng thất thường, thế là ta ốm một trận lê nhê liền nửa tháng. Có những hôm sốt mê man nửa ngày rồi tỉnh lại, người hết sức mệt mỏi. Nhưng ta lại lấy đó làm thoải mái trong lòng. Như thế tránh được cho ta bao nhiêu phiền toái từ những bữa yến tiệc long trọng, rườm rà.

Chỉ có điều ốm lâu ngày quá. Chưa có lần nào ta bị ốm dai dẳng như vậy. Mới thấy mình đã có tuổi thật rồi, không còn trẻ trung nữa. Lòng không tránh khỏi chút tái tê và u sầu.

Suốt nửa tháng ta nằm trên giường, Lê Hoàn không tới thăm lấy một lần mà chỉ truyền Ngự y đến thăm khám. Lại ban cho thuốc bổ, nhân sâm để bồi dưỡng cơ thể. Vẫn biết rằng quy định của Lê triều giờ đây hết sức nghiêm ngặt, mọi thứ không còn tùy tiện như khi họ Đinh trị vì. Nhưng tình nghĩa vợ chồng, mà đến khi ốm đau cũng không thể ghé qua an ủi, đông viên nhau một lời, thì thực tình lòng người ở đây quá đỗi lạnh lẽo.

Càng nghĩ thế ta đâm ra u uất. Ốm càng thêm ốm.

Những dạo gần đây ta cứ mơ thấy họ Đinh luôn. Hình như cả trong lúc mê man cũng mơ thấy họ Đinh thì phải.

Những ngày tháng bên nhau đã qua, ta thực sự đã sống như cây cỏ vậy. Cứ hồn nhiên mà hưởng ánh nắng mặt trời, chẳng suy nghĩ về mọi thứ cho thấu đáo. Giờ đây những kỷ niệm sống động ngày đó trở về, mới thấy xúc động về mối quan hệ giữa chúng ta, xúc động về những gì Đinh Bộ Lĩnh đã dành cho mình.

Ngẫm nghĩ lại mới thấy, những tháng ngày ấy ta quả thực đã nhận quá nhiều ân huệ của Đinh Bộ Lĩnh. Và chúng ta không phải là không có những ngày đầm ầm hạnh phúc bên nhau.

Còn nhớ cái lần vì ta mà cho làm hàng trăm con diều sáo thả vang Động Hoa Lư.

Nhớ cái lần vì chiều ta, mà một người cục cằn, nóng nảy như Đinh Bộ Lĩnh cũng phải giong thuyền đi ngắm hoa sen nở.

Nhớ nhất là cái lần cho làm hẳn một con thuyền lớn để chúng ta có thể đi thưởng ngoạn trên sông Sào Khê tháng Ba năm nào.

Tưởng chỉ là một câu nói đùa lúc cao hứng, mà không ngờ Đinh Bộ Lĩnh cho làm thật. Thế rồi chúng ta bất chấp tất cả mà ngao du trên con thuyền mộng tưởng đó.

Xuôi theo dòng Sào Khê chúng ta đã ngắm bao nhiêu là cảnh đẹp.

Những xóm làng trù phú hai bên. Những núi đồi trùng điệp. Những cánh đồng bát ngát. Có đoạn sông Sào Khê mở rộng. Thuyền đi giữa dòng nhìn ra, thấy xóm làng hai bên trông lúp xúp, bé xíu như những món đồ chơi tiểu cảnh. Có đoạn dòng sông thu hẹp lại, thuyền lướt đi giữa đôi bờ rậm rạp, um tùm những cây cổ thụ ngàn năm. Có lúc ta tưởng chỉ cần dơ tay ra là có thể hái được những quả dại mọc trên cành.

Những núi đá vôi ở hai bên sông cũng tạo nên những cảnh quan vô cùng kỳ thú. Khi thì chúng đứng ở xa xa, tạo nên những đường viền như răng cưa nơi chân trời; lúc chúng tiến lại sát với dòng sông, tạo nên những vách đá dựng đứng. Chiều chiều từng đàn chim rừng, đàn dơi bay về làm tổ trên các vách đá. Sáng sáng lại có thể nhìn thấy những đàn sóc, cáo hay chồn gì đó không rõ, với bộ lông đỏ rực, thoăn thoắt ẩn hiện giữa lùm cây.

Ta với Đinh Bộ Lĩnh hết ăn, uống rượu lại nghe hát. Có những sáng sớm, chúng ta đứng tựa vào nhau ở mũi thuyền nhìn mặt trời lên. Mặt trời mùa xuân tuy không chói lòa nhưng vẫn đủ rực rỡ, đủ ánh nắng ấm áp để nhuộm hồng cả mặt sông, nhuộm hồng cả góc trời và dát vàng lên khắp núi đồi, làng xóm. Chao ơi những buổi sáng tinh sương đó, trong lành và bình yên thế.

Cùng là mặt trời đó mà khi lên thì hồng hào, tươi tắn, mà khi xuống lại đỏ lên gắt gỏng trước khi tắt lịm đi trước bóng đêm.

Dạo ấy đi vào giữa tháng, nên đêm nào chúng ta cũng cùng nhau ngắm trăng lên.

Đêm rằm tháng Ba, họ Đinh còn bắt người bày một mâm tiệc rượu, rồi chúng ta cùng ngồi bên cửa sổ lớn ở mạn thuyền, vừa uống rượu, vừa ngắm trăng lên.

Mọi cảnh tượng của đêm rằm hôm đó bỗng trở về rõ mồn một trong tâm trí của ta..

Ban đầu, khi bóng đêm vừa trùm phủ, mặt trăng còn chưa lên thì bốn bề tối đen như mực. Chỉ có bầu trời rất trong báo hiệu một đêm vằng vặc ánh trăng. Thuyền trôi lững lờ giữa dòng Sào Khê. Có thể nghe vẳng lại ở ven sông, bên bìa rừng tiếng những con chim, con cuốc, hay ếch nhái kêu lên chậc chậc, quắc quắc từng hồi.

Thế rồi bóng đêm cũng dần tản ra. Trăng dần dần nhô lên. Đầu tiên, trăng to như cái mâm nhô ra từ ngọn núi. Sau dần nó lên cao và sáng rõ hơn, dải thứ ánh sáng mờ ảo như ánh bạc lên vạn vật xung quanh.

Càng về khuya khung cảnh càng im lặng như tờ. Có lẽ lũ chim, cuốc, ếch nhái cũng đã đi ngủ cả rồi. Chỉ còn ánh trăng mênh mông bao phủ lấy toàn bộ núi non, sông hồ. Ánh trăng phản chiếu xuống mặt sông tạo nên một cảnh tượng huy hoàng rực rỡ, mà lại tĩnh lặng trang nghiêm.

Cảnh đẹp tưởng như vĩnh cửu ấy của thiên nhiên thốt nhiên làm người ta không thể nói nên lời. Sự im lặng mà quá đỗi tráng lệ của núi rừng hoang sơ, của mặt sông xunh quanh làm người ta không dám cả thở mạnh.

Đinh Bộ Lĩnh dường như cũng bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp đó. Đứng lặng đi bên cạnh ta. Không nói năng gì. Thế rồi một lúc sau mới đột nhiên như người tỉnh mộng, đưa bàn tay ra lần tìm bàn tay ta rồi xiết chặt.

Khi đó ta không mấy để tâm đến điều dó, vì ta còn mải mê chìm đắm vào không gian bát ngát, mê hoặc bên ngoài. Giờ ngẫm nghĩ lại bỗng thấy thấm thía cái xiết tay ấy. Cái xiết tay khao khát sẻ chia với người mình yêu thương những điều đẹp đẽ trong đời.

Chao ơi sao lúc này đây ta thèm một cái xiết tay như thế đến vậy! Thèm đến muốn khóc! Mà ta biết là không bao giờ có thể được như thế nữa rồi..

Đứng nắm tay nhau một lúc thì Đinh Bộ Lĩnh từ từ ôm lấy vai ta từ phía sau rồi thì thầm:

- Có nàng ở đây thật là tuyệt quá, Vân Nga!

Liền sau đó cúi xuống hôn vào cổ ta, tai ta. Ta khẽ xoay người lại rồi chúng ta chìm trong một nụ hôn đắm đuối.

Nụ hôn cứ dài, cứ dài ra mãi. Và sâu. Như thể muốn nuốt trọn nhau! Đê mê! Rồi chúng ta cùng dìu nhau ngồi xuống dưới khung cửa tràn ngập ánh trăng. Rồi tự lúc nào ta đã thấy mình trần trụi nằm trên tấm thảm lông ấm áp lấp lánh áng trăng.

Ánh trăng lành lạnh và dịu dàng mơn trớn trên làn da ta. Ta rùng mình nhè nhẹ. Rồi ta thấy ánh trăng và ta hòa vào nhau làm một trong một cơn khoái cảm đê mê. Rồi ánh trăng nhòe đi. Tan ra.

Ngày đó ta chính là cây cỏ hồn nhiên đón mưa rào không tư lự. Giờ nghĩ lại mới nhận ra rằng khi ấy ta quả thực đã rất say mê.

Thời gian này ta cũng hay nhớ tới Đinh Nương. Có khi ta mơ thấy ta cùng nàng cưỡi ngựa đùa vui như ở Động Hoa Lư khi xưa. Có khi lại nhớ lúc chúng ta bơi thuyền ngắm cảnh trên Đầm Cút. Khi đó nàng đã vì chiều chuộng ta mà bày ra biết bao nhiêu trò vui, giải trí.



Dưới gầm trời này chiều chuộng ta nhất chắc chắn chỉ có nàng.

Lại nhớ cả những ngày dù ngắn ngủi, chúng ta nhàn tản, vui vẻ ngồi bên nhau uống trà, ngắm hai Hoàng tử nô đùa ở trong vườn.

Thế mà giờ đây đã bóng chim, tăm cá xa ngái tận chân trời. Nàng đã đi đâu, về đâu rồi Trinh Minh Nương nương? Ngày đó nàng nói trở lại quê nhà, vậy mà bặt tin nhạn mấy năm không một ai nghe nói thêm về nàng. Chẳng biết có thực sự trở lại quê nhà hay đã mai danh ẩn tích nơi nào? Giờ nàng sống bình an chứ Đinh Nương? Chắc là như vậy! Rời Hoa Lư chắc chắn sẽ bình an. Mong sao cho nàng luôn được bình an! Đừng như ta, cô quạnh nơi này.

Thời gian này có tin đồn lan truyền trong đám gia nhân, thị vệ rằng Lê Hoàn đang mê mẩn một nàng hầu ở Đông cung. Nàng ta tên là Nguyễn Thị Diệu, vốn là người chuyên làm các công việc nặng nhọc như bổ củi, gánh nước, quét dọn sân vườn. Thân lại là con một người hầu gái già chuyên làm công việc chăm sóc, xén tỉa vườn tược, xuất thân hết sức thấp kém, nên chẳng mấy ai để ý đến nàng. Không hiểu Lê Hoàn đã trông thấy nàng ta ở đâu, lúc nào mà đâm ra mê mẩn, liền chuyển nàng lên hầu hạ việc nước nôi, tắm táp pha trà ở điện Trường Xuân. Thế rồi bông hoa đẹp bên cạnh, chủ nhân đưa tay ra hái lúc nào mà chả được!

Đám người hầu kẻ hạ còn rỉ tai nhau, không rõ nàng ta đã bỏ loại bùa ngải gì mà khiến Lê Hoàn mê mệt, quấn quít nàng ta chẳng rời.

Chuyện này Lan Nhi nghe từ đám người hầu kẻ hạ rồi kể lại với ta. Lúc ấy chúng ta đang ở trong vườn. Nàng ta đang hái ít hoa ngâu để uớp trà. Còn ta đang ngồi trên ghế đá gần đó nhìn nàng.

Nghe nàng nói xong ta bảo:

- Tình yêu của bậc đế vương thì trải khắp thiên hạ. Ta quan tâm gì việc ấy. Nói rồi ngồi đó thản nhiên đưa mắt nhìn theo một cánh bướm sặc sỡ sắc màu vừa bay qua vườn hoa.

Nàng ngước mắt nhìn lên, thấy ta có phần hững hờ như vậy thì nguýt dài một cái rồi lại hăm hở cúi xuống tiếp tục công việc.

Thực ra nói là không quan tâm thì không phải. Chỉ là ta quân tâm cũng không nổi nữa mà thôi.

Nghĩ vậy nhưng khi phải tận mắt chứng kiến cảnh ấy vẫn không khỏi đau lòng.

Hôm đó là vào một ngày hè cuối tháng Sáu.

Từ ngày trở lại Cung, ta vốn đã nghe nói tới việc, từ lâu Lê Hoàn đã ban bố lệnh cấm người lui tới Lầu Thủy Nguyệt. Không người qua lại, không kẻ chăm sóc, đường đi lối lại, lầu son gác tía bị bỏ hoang, cỏ dại, rêu phong, lau sậy đã mọc đầy. Hết sức hoang vắng và ma mị. Từ lâu đã không còn ai dám bén mảng tới.

Ta vốn dĩ cũng không định ra đấy làm gì nếu không phải gần đây những kỷ niệm về Đinh Nương cứ thôi thúc trong lòng.

Chính là chúng ta, khi chuyển từ Động Hoa Lư về đã cho xây dựng Lầu Thủy Nguyệt dựa trên chính mái lầu khi xưa nàng đã xây trên Đầm Cút. Vậy mà, xảy ra bao nhiêu chuyện, hình như cũng chưa có một lần nào được cùng nhau thảnh thơi ngắm sen nở ở nơi này như nguyện ước của mình.

Thế nên giờ ta muốn ra đó. Biết đâu thấy cảnh cũ lại chẳng gặp hồn phách người xưa? Bỏ hoang, lau sậy mọc đầy thì càng hay! Như thế ta càng thoải mái mà sống với các ký ức của mình.

Thấy ta mới ốm dậy, lại đòi ra nơi hoang lạnh đó, Lan Nhi cho rằng quái gở. Nhưng can ngăn không được, nàng cũng đành chiều ta.

Buổi chiều hè, khi cái nóng nực vừa tan, một chủ, một tớ dắt díu nhau theo hướng ấy mà tới.

Quả là lau sậy mọc đầy, cỏ trùm kín lối! Những tảng đá ở hai trên lối đi đều phủ một lớp rêu xanh rì. Quả thực phải lâu lắm không có ai tới đây thì cây cỏ mới mọc tự nhiên và mạnh mẽ đến vậy. Bỗng chốc thấy không kìm được xúc động. Ngoài kia là lầu son gác tía, mà nơi đây như một ngàn năm đã trôi qua vậy. Làm sao thấy được bóng cũ, người xưa đây? Quả thực quá đau lòng!

Tuy nhiên lần theo những lớp cỏ dầy, hình như có dấu vết dập nát mới. Những lớp rêu trên các phiến đá lâu ngày dường như có dấu hiệu bong tróc vẫn còn tươi nguyên. Có vẻ gần đây bỗng có người trở lại nơi này. Chắc là.. đám kẻ hầu người hạ mới vào cung coi thường luật lệ trốn ra đây chơi bời hoặc hẹn hò tình tứ.

Nghĩ thế ta lại định không đi nữa. Ta không muốn kẻ lạ mặt nào đó phá vỡ sự riêng tư này của ta. Nhưng lại nghĩ nếu là kẻ lén lút, chắc chắn chúng chỉ dám ra đây buổi đêm hay sáng sớm, không thể nào ngang nhiên giữa ban ngày, ban mặt được. Thế nên lại cứ dợm bước tiến lên.

Đi qua con đường mòn men theo triền núi đá treo leo quen thuộc, thì hồ Thủy Nguyệt cùng mái lầu xưa đã hiện ra trước mắt. Hồ có vẻ bị thu hẹp do lau sậy mọc đầy. Mái lầu rêu phong như chìm lút giữa bốn bề là cây cỏ, lau sậy trùm phủ. Nhưng hoa sen vẫn còn rất nhiều. Bạt ngàn hồng, trắng quanh hồ. Có những nơi lá sen, nụ sen luồn lách qua đám lau sậy mà vươn lên đầy kiêu hãnh, nở bung ra những bông hoa tinh khiết, thanh tao.

Lần cuối cùng ta tới đây là vào giữa tháng Bảy Thái Bình năm thứ Mười một. Khi đó họ Đinh vừa mói băng hà mà vận nước thì đang lâm nguy. Chính nơi này ta đã đứng nghe tiếng sáo của Lê Hoàn vào cái đêm trước khi nhường ngôi.. Khi đó sen nở muộn vẫn còn rực rỡ, bạt ngàn lắm, dù đã sang đầu thu.

Sau đó thì chiến tranh liên miên. Rồi ta trở về Đông Lỗ. Rồi lệnh cấm của Lê Hoàn. Tính ra cũng đến ba, bốn năm không có người lui tới. Bảo sao không đổ nát, hoang tàn.

Đang đứng trên những phiến đá rêu phủ từng lớp đen xì của chiếc cầu dẫn ra Lầu, miên man nghĩ về cả những chuyện cũ lẫn chuyện mới thì ta chợt nghe văng vẳng bên tai tiếng cười khúc khích, tình tứ vọng lên từ một góc hồ. Không rõ là từ hướng nào. Vì cây cối rậm rạp và tứ bề núi đá bao quanh làm âm thanh rất khó đoán định. Nhưng chắc chắn đó là tiếng cười của một cô gái trẻ. Có lẽ cô cùng bạn trai bí mật lẻn ra đây, thả thuyền trốn giữa những lùm sen bát ngát để tự tình?

Một chút nghi ngại, một chút bực mình dâng lên trong người. Ta khoát tay ra hiệu cho Lan Nhi rồi dợm bước định quay về thì liền đó nghe thấy giọng người con gái ấy cất lên thủ thỉ:

- Hoàng thượng! Sẵn tiện thần thiếp đã mang theo một cây sáo ở đây, Hoàng Thượng hãy tấu cho thần thiếp nghe một bản chứ! Hoàng Thượng còn định từ chối thần thiếp đến bao giờ nữa? Tiếng sao của Người không định tấu lên cho một người nào khác hay sao? Gió mát sen thơm thế này mà được nghe tiếng sáo của Người, thần thiếp về sau có chết cũng cam lòng!

Rồi những tiếng thủ thỉ gì nữa ta nghe không rõ. Vì hai chữ "Hoàng thượng" đã khiến tai ta ù đi rồi.

Tiếp đó là những tràng cười tình tứ của Lê Hoàn, của người con gái vẳng lên. Sau cùng là tiếng sao. Tiếng sáo vút lên từ một lùm sen um tùm nào gió. Du dương. Tiếng sao của Lê Hoàn.

Một luồn choáng váng chạy dọc sống lưng khiến ta chút nữa thì ngã khụy xuống. May thay kịp nắm vào cánh tay của Lan Nhi.

Khi định thần lại, chỉ kịp bảo với nàng ta "Chúng ta về thôi", rồi đi như ma đuổi trở về Cung, chẳng cần biết nàng ta có theo kịp hay không.

Thì ra đó chính là nàng Diệu đấy. Ta không nhìn thấy mặt, nhưng chắc chắn đó là nàng. Phải được sủng ái tới mức nào mới được cùng Lê Hoàn tới đây vui chơi, hái hoa, thưởng nguyệt như đôi thanh mai, trúc mã, thanh nhàn, thảnh thơi như vậy! Phải được yêu chiều tới mức nào mới được cùng Đương kim Hoàng Thượng vô tư lự thả thuyền ngắm sen giữa Hoa Lư trập trùng này. Và chắc chắn đó chỉ có thể là nàng Diệu, người mà Lê Hoàn đang hết mực sủng ái mà thôi.

Hình ảnh hai người tựa vào nhau trên con thuyền lá mong manh núp dưới bóng hoa sen cứ quay mòng mòng trong đầu ta. Nàng mỉm cười, dựa đầu nũng nịu lên cánh tay Lê Hoàn. Lê Hoàn ngồi lặng lẽ thổi sáo. Nàng ngồi nghe, mơ màng ngắm hoa sen. Đến khi tiếng sáo dừng lại thì họ quện lấy nhau trên con thuyền lững lờ thả giữa hồ.



Hương sen thơm nồng nàn như tình. Mà tình cũng thắm đượm như hương sen..

Nhưng những nụ sen sắc nhọn thì đâm vào lòng ta đau nhói! Hàng trăm ngàn cái gai trên thân sen sao cứng sần, cứa vào tay ta như tứa máu!

Chẳng biết ta đã đi hay chạy về đến cung Cồ Quốc. Chẳng biết ta đã dốc hết bao nhiêu sức lực để về đến phòng như thế nào. Đến khi ta vừa bước vào phòng thì liền lăn ra bất tỉnh. Rồi khi tỉnh dậy thì lại ốm bốn, năm ngày. Nằm trên giường, vừa ốm mệt, vừa thấy chua chát ở trong lòng.

Hẳn nhiên là phải yêu thương lắm Lê Hoàn mới thổi sáo cho nàng nghe. Tiếng sáo ấy là tiếng lòng của Lê Hoàn, vốn dĩ không dễ dàng gì bày ra cho người khác thấy. Nay đã vì nàng Diệu mà cất lên du dương đến vậy. Mới hay chuyện nàng được sủng ái, yêu thương không đơn giản là việc Hoàng Đế sủng ái phi tần. Đó còn là tâm giao, tri kỷ.

Chợt nhớ ra đã từ lâu lắm rồi tiêng sáo ấy đã không còn vì ta mà cất lên nữa. Từ khi chúng ta cùng rời Ái Châu về Hoa Lư với những tư cách khác nhau. Từ khi ta trở thành vợ lẽ Họ Đinh, ba chìm bảy nổi ở Hoa Lư này. Từ khi Lê Hoàn lên ngôi. Ngay cả khi Lê Hoàn trở lại Đông Lỗ để đưa ta về Hoa Lư. Ngay cả trên cánh đồng, bên dòng sông năm trước, tiếng sáo ấy cũng không cất lên một lần nào nữa.

Buổi chiều ấy, khi nghe Lê Hoàn tấu lên cho nàng Diệu, ta không còn có thể cảm nhận được tâm tư của Lê Hoàn trong tiếng sao ấy nữa. Ta như một kẻ đứng ngoài.

Cũng phải thôi! Vì Lê Hoàn thổi cho nàng Diệu cơ mà. Đó là tiếng nói mà Lê Hoàn gửi tới nàng ta. Sao ta có thể hiểu được đây!

Hóa ra từ lâu ta vốn dĩ đã không còn ở trong lòng Lê Hoàn nữa rồi! Chỉ là không biết tự bao giờ mà thôi!

Nghĩ ngợi đau đớn thì vần vụ như vũ bão vậy. Mà khi bão đã đi rồi thì bầu trời lập tức trở lại trong xanh.

Khỏi ốm dậy ta bỗng thấy lòng bằng an và tĩnh lặng.

Suy cho cùng ta có định mưu cầu gì nữa đâu mà phải ghen ghét, ganh đua? Giờ đây ta không phải chính là thanh nhàn được ngày nào thì thanh nhàn ngày đó, vui mừng được ngày nào thì hãy cứ vui mừng ngày đó hay sao? Sáng thì cùng Lan Nhi đi hái hoa, chế làm son, phấn và phơi khô làm trà. Chiều thì ngồi ở sân ngắm chuồn chuồn bay qua bay lại. Chờ cho hết một ngày. Chờ cho hết một đời.

Tháng Tám, một người họ Dương từ vùng Đạo Ái lên kinh thành mang thư từ trang Đông Lỗ xin vào gặp ta. Thì ra là Dương Vĩnh Khang, chính là cháu họ của Quản gia Dương Thuần mới lên tòng lính. Quản gia Dương Thuần biên thư cho ta, xin hãy cho cháu được theo hầu Vệ Vương Đinh Toàn, một mặt để học hỏi thêm, một mặt để bảo vệ Vệ Vương theo di nguyện của Chương Dương Công.

Dương Vĩnh Khang năm nay đã mười tám, mười chín tuổi, lại có võ nghệ cao cường nên ta hết sức yên tâm.

Thời gian gần đây Toàn Nhi đã ở hẳn bên thành Nam để luyện tập, chỉ thư thoảng mới về thăm nhà. Ta thấy đó quả là việc hay. Con trai ta vì thời thế thay đổi, từ chỗ đứng trên thiên hạ nay phải luẩn quẩn trong Cấm cung của họ Lê thì thật là trớ trêu. Chi bằng hãy để nó sang Tràng An bắn cung, cưỡi ngựa vẫy vùng sông nước. Giờ có Vĩnh Khang, hai huynh đệ theo nhau quan tâm, săn sóc cho nhau thì còn gì bằng!

Mùa xuân Thiên Phúc năm thứ Sáu. Nàng Diệu mang thai rồng. Lê Hoàn rất mực yêu chiều. Ban cho một gian phòng lớn trang hoàng lộng lẫy ngay cạng Long Sàng trong điện Trường Xuân để nàng ta tiện nghỉ ngơi, an dưỡng, mà Lê Hoàn cũng tiện lui tới, hỏi han. Ấy quả là một sự bất ngờ lớn với tất cả mọi người ở Hoa Lư.

Sau khi họ Đinh băng hà vì bị hạ độc trong đêm, Lê Hoàn lên ngôi chính là rút kinh nghiệm từ đó nên không bao giờ lui tới Hậu cung của các Hoàng hậu, phi tần để nghỉ ngơi, dùng bữa. Mọi việc sinh hoạt, ăn uống đều thực hiện ở Điện Trường Xuân dưới sự dám sát hết sức chặt chẽ của những người thân tín. Việc vào hầu hạ bên Long sàng của các Hoàng hậu, phi tần cũng phải theo lệnh mà vào, theo lịch, theo thứ tự mà tới. Được yêu chiều thì thường xuyên được gọi vời, còn không thì cũng chỉ có thể ngồi oán trách thân mình hẩm hiu ở nơi Hậu cung sâu thăm thẳm mà thôi. Đến khi mang thai rồng thì lại phải hết sức giữ gìn, kiêng cữ, nên không được vào hầu hạ bên Long sàng nữa. Chín tháng, mười ngày Hoàng đế sẽ ghé thăm dăm ba bận. Còn lại thì phải vò võ một mình với kẻ hầu người hạ xung quanh thôi.

Ấy là số phận chung của các Hoàng hậu, phi tần của Lê Hoàn, mà ngay cả Thuận Thánh Hoàng hậu, vốn là cháu gái của Tể tướng cũng không thể tránh khỏi.

Vậy mà nàng ta thì lại khác. Nàng ta lại được ở luôn trong Điện Trường Xuân, ngay cạnh Long sàng. Phải yêu chiều thế nào Lê Hoàn mới vì nàng mà phá bỏ mọi nguyên tắc của bản thân như vậy. Người con gái ấy hẳn phải làm cho Lê Hoàn say mê đến mức dại cuồng!

Các vị Hoàng hậu khác thế nào ta không rõ, về phần ta, sau khi ốm dậy, sau khi ma đưa lối quỷ dẫn đường ta đến Lầu Thủy Nguyệt trở về, bỗng không được vời vào Điện Trường Xuân nữa. Ấy ta chính là vị Hoàng hậu bị thất sủng vậy. Nhưng ta lại lấy đó làm may. Chứ nếu được vời vào ta không biết sẽ làm gì với Hoàng Đế, nhất là khi biết rằng ngay gian phòng bên cạnh nàng Diệu đang ở đó.

Không biết có phải ta sắp mãn kinh rồi không mà thành ra lãnh đạm? Hay chính là lòng đã nguội lạnh rồi?

Dạo gần đây trong Hậu cung xuất hiện tin đồn thổi rằng, có vị Hoàng hậu, cung tần vì bị thất sủng mà tỏ ra ganh ghét và đang tìm cách hãm hại Diệu cô nương.

Ta nghe Lan nhi kể lại sau khi nàng nghe được từ đám hầu nhỏ bên ngoài mà chỉ còn biết ngồi cười. Chuyện hoang đường như vậy mà người ta cũng thêu dệt ra được. Lê Hoàn giữ nàng ta bên người còn hơn cả giữ ngọc quý, nhất là sau khi nàng ta mang Long thai, như vậy mà cũng có người tìm cách hãm hại được nàng ta hay sao? Từ thành Đông cho tới Điện Trường Xuân trùng trùng lớp lớp, một con chim bay từ Hậu cung sang chắc cũng khó sống sót được tới cửa Điện, chứ nói gì tới thích khách, kẻ gian? Các Hoàng hậu, phi tần cũng đâu phải muốn ra vào Điện Trường Xuân là được? Không phải là chỉ chờ ân sủng mới được vào hay sao, mà vào rồi cũng chỉ có thể hầu hạ bên Long sàng, vậy thì hãm hại nàng ta như thế nào đây?

Như ta đây thậm chí nghe sắc nghe hương đã nhiều, vậy mà hơn một năm nay nào đâu đã được nhìn thấy mặt nàng! Giả trước kia có nhìn thấy nàng trong đám người hầu kẻ hạ khi vào điện Trường Xuân thì cũng không để ý. Lúc đó nàng ta chưa được sủng ái, chắc khó mà phân biệt được nàng giữa đám người hầu kẻ hạ. Vậy nên ta có muốn hãm hại hàng thì cũng biết tìm cách nào mà hãm hại được!

Nghĩ thế rồi lại ngồi cười. Miệng lưỡi thiên hạ thật đáng sợ! May mà ta đã ở bên ngoài cái vòng tranh đoạt mệt mỏi đó rồi!

Ngày ấy ta chỉ nghĩ được có vậy, không nghĩ được gì sâu xa hơn. Sau này mới hay, lòng người khó lường. Thì lúc đó cũng đã quá muộn rồi..

Tháng Mười Thiên Phúc năm thứ sáu, nàng Diệu hạ sinh được hai Hoàng tử. Được đặt tên là Long Việt và Long Đĩnh. Vì sinh đôi nên sức khỏe nàng rất yếu. Lúc sinh còn tưởng nàng ta không sống nổi, thế mà may mắn thay cuối cùng vẫn bảo toàn được tính mạng cho cả mẹ và con.

Suốt từ mùa Xuân, để chuẩn bị cho việc nàng sinh nở, Lê Hoàn đã cho vời rất nhiều thợ giỏi từ khắp nơi về, xây dựng cung tẩm riêng cho nàng ở thành Tây, để tiện cho nàng và con về sinh sống. Đến khi nàng vừa sinh xong thì hoàn thành. Được đặt tên là Diệu nữ Cung. Ta nghe đâu chữ Diệu này ý tứ từ trong chữ tuyệt diệu, kỳ diệu mà ra. Vừa ám chỉ một người con gái xinh đẹp tuyệt trần, vừa chơi chữ với tên Diệu của nàng.

Quả đúng là yêu chiều nên mới lắm công phu!

Diệu nữ cung tuy vẫn nằm ở thành Tây nhưng lại được làm sát ngay cổng thành nối với thành Đông, nên hết sức thuận tiện cho việc Lê Hoàn thăm nom, lui tới với nàng.

Sau khi nàng Diệu chuyển về đó sinh sống, khác với những Hoàng hậu và Hoàng tử khác, Lê Hoàn phá bỏ mọi quy tắc, đến thăm hai Tiểu Hoàng tử luôn, quấn quít không rời.

Thế là từ quan lại quần thần cho tới người hầu kẻ hạ, khắp nơi lại được dịp xì xào, bàn tán. Liệu Lê Hoàn có đi theo vết xe đổ của họ Đinh, vì quá yêu chiều mà bỏ trưởng lập thứ, để rồi đẩy con cái mình đi tới đường chết, đẩy muôn dân vào cảnh binh đao khói lửa hay không?

Mùa xuân, Thiên Phúc Năm thứ Bảy. Ngày Mùng một Tết. Đáp lại những lời xì xào đang ngày càng nổi lên khắp Hoa Lư, Lê Hoàn xuống chiếu phong Hoàng tử Thau làm Thái thử, chính thức là người kế vị khi vua băng hà.

Nghe chiếu ấy khắp Hoa Lư và muôn dân trăm họ ai ai cũng vui mừng như cởi bỏ được gánh nặng bấy lâu trên vai.

Lập người kế vị lấy con đích mà lập, ấy là thuận lẽ xưa nay. Có tuân theo lẽ ấy mới hợp với ý trời, mới mong tránh được tranh quyền đoạt vị, mới hợp với lòng dân. Có như vậy thiên hạ mới an vui và thái bình đời đời được.