Nhật Kí Nữ Pháp Y: Mật Mã Kỳ Án

Chương 60





Ngày 25 tháng 8 năm 2001.

Trời nhiều mây chuyển quang.
Sau khi đẩy củ khoai nóng bỏng tay cho Thẩm Thư, những ngày tháng của tôi vẫn không trở nên khá khẩm hơn.
Trần Quảng vẫn với vẻ ngoài điềm tĩnh, đi làm như mọi ngày, làm việc tỉ mỉ, xem ra chưa hay biết về những nghi ngờ của tôi với bản báo cáo giám định vết thương của Từ Kiếm Minh, cũng chưa chịu bất cứ ảnh hưởng nào.

Có thể ông ấy thực sự vô tội? Án súng vốn đã ít gặp, Trần Quảng tuy đã làm pháp ý được hơn hai mươi năm, nhưng tin chắc số lượng các vụ án súng mà ông ấy làm chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Huống gì, ông ấy vốn là một bác sĩ ngoại khoa nhảy sang làm pháp y, không sánh được với một người xuất thân từ học viện chính thống như tôi, ông ấy có một vài chỗ yếu kém thì cũng là điều dễ hiểu.
Còn bản thân tôi thì như người mắc lỗi, ngày nào đi làm cũng tỏ ra lo lắng bất an, sợ phải đối mặt với Trần Quảng, càng sợ phải nói chuyện với ông ấy.

Nhưng ông ấy là thầy của tôi, lại là lãnh đạo trực tiếp, không thể nào tránh mặt được.

Cũng may là ông ấy không có khúc mắc gì, thái độ với tôi vẫn như trước, không quá nhiệt tình, cũng không quá lạnh nhạt.

Mỗi lần đi làm án đều gọi tôi đi theo, khi chỉ đạo tôi thì có gì nói nấy.

Sự bình tĩnh của ông ấy khiến tôi cảm thấy hoang mang, thậm chí còn thấy ăn năn, bắt đầu nảy sinh nghi ngờ với cách làm của mình.

Có lẽ khi ấy tôi nên tiết chế hơn, không nên nghi ngờ ông ấy dễ dàng như thế, tôi còn quá trẻ, thiếu kinh nghiệm, chưa đủ trưởng thành để làm việc một cách bình tĩnh……
Thẩm Thư vẫn án binh bất động, tôi không thể trông cậy vào anh ta được nữa, phải tự mình đối mặt thôi.

Đây là khó khăn đầu tiên kể từ khi tôi bước chân vào nghề, cũng là vấn đề khó khăn nhất mà tôi gặp phải trong suốt hơn hai mươi năm cuộc đời.

Tôi đoán Trần Quảng không thể không biết việc tôi nghi ngờ ông ta, ông ta đã có nhiều năm làm việc ở cái thành phố Sở Nguyên này, quan hệ sâu rộng, từ Phòng Cảnh sát tỉnh đến Sở Cảnh sát địa phương, đều có anh em cốt cán, chỉ cần có chút động tĩnh là ông ấy sẽ biết ngay, huống chi một việc lớn như này, hơn nữa ông ấy lại là nhân vật trung tâm của toàn bộ câu chuyện.

Ông ta vẫn tỏ ra bình thản, có hai khả năng, một là ông ta thực sự công tâm, làm sai thì dám dũng cảm chịu trách nhiệm, nên không cảm thấy hổ thẹn; Hai là ông ta quả thực đúng với những gì tôi nghi ngờ, cố ý làm sai kết quả giám định vết súng, làm chệch hướng điều tra của đội trọng án nhằm che dấu sự thật, nếu là như vậy thì tính chất sẽ cực kỳ nghiêm trọng, ông ta có thể là đồng phạm của hung thủ, cũng có thể chính ông ta là hung thủ, mọi khả năng xấu nhất đều phải được lường trước, sự bình tĩnh của ông ta có thể là màn dạo đầu cho một cơn cuồng nộ.
Vận mệnh đã trêu đùa tôi một cách khó hiểu, vị lãnh đạo, người thầy đầu tiên của tôi từ khi bước chân vào ngành lại trở thành đối tượng bị tôi hoài nghi.

Tôi đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, không biết nên làm sao cho phải.
Một chuyện nhỏ đã buộc tôi từ thế phòng thủ bị động sang thế tấn công chủ động.

Sáng ngày hôm ấy, tôi đem tài liệu đến phòng làm việc của Trần Quảng, từ đầu đến cuối luôn vác theo bộ mặt tươi cười, không dám nói thừa một câu, chậm chễ một nhịp.

Sau khi đặt tài liệu xuống, tôi liền vội vã bước ra ngoài cửa.

Trần Quảng từ sau lưng đột nhiên hỏi: “Thục Tâm, trước khi em đến Sở làm việc, đã từng tham gia vào công tác giám định án súng chưa?” Giọng điệu rất bình tĩnh, lại như sấm rền giữa không trung, làm rúng động trái tim tôi.

Tôi ngơ ngác quay người lại thật chậm, thấy ông ấy vẫn đang cắm đầu vào đống tài liệu, không hề để ý đến phản ứng của tôi, dường như đó chỉ là một câu nói đại không mang nhiều hàm ý.
Tôi cố tỏ ra bình tĩnh, cảm giác cổ họng như bỏng rát, nuốt một ngụm nước miếng rồi mới đáp: “Không…… không có ạ, sao thầy lại hỏi thế?” Giọng tôi khàn đặc, vừa nghe là biết trong lòng đang chột dạ.
Nhưng Trần Quảng lại không phát hiện ra điều bất thường, vẫn không ngẩng đầu mà nói: “Không có gì, hỏi bừa thôi, em ra ngoài đi.”
Tôi trở về bàn trong phòng làm việc của mình, tim vẫn đang đập loạn xạ.

Trần Quảng hỏi vậy là có ý gì? Ông ta hỏi một câu không đầu không đuôi ấy trong giai đoạn nhạy cảm như này, nhất định không phải hỏi bừa.


Ông ta đang tỏ ra bất mãn? Nhắc nhở? Cảnh cáo? Khiêu khích? Gây áp lực?
Sao thế này? Rõ ràng người có vấn đề là ông ta, cứ cho ông ta trong sạch, thì việc ông ta lẫn lộn vết thương gây ra do súng quân dụng và súng dân dụng, đã khiến ông ta không xứng đáng để ngồi ở vị trí đó rồi, xử phạt ông ta là còn nhẹ.

Mình sao phải chột dạ chứ?
Tôi không thể khoanh tay đứng nhìn mọi việc cứ thế tiếp diễn, nó chỉ càng khiến tôi rơi vào thế bất lợi mà thôi.

Tôi buộc phải phản kích.

Cảnh Liên Phú, Đại đội trưởng quân Giải phóng bị mất súng năm xưa không phải đã khẳng định nghi phạm là một Hồng vệ binh hay sao? Hồng vệ binh đó đến nay cũng tầm 50 tuổi, trùng khớp với độ tuổi của Trần Quảng.

Hơn nữa, theo chân dung hung thủ của vụ án giế.t người liên hoàn được đội trọng án phác họa, hắn từng tham gia vào quân đội hoặc cảnh sát, được huấn luyện chịu đòn, địa vị kinh tế tốt, có ít nhất một phương tiện giao thông đáng tin cậy, những điểm này đều rất tương đồng với Trần Quảng.

Trần Quảng tuy là một cảnh sát dân sự nhưng lại rất thích khua côn múa súng, thi thoảng lại đến căn cứ huấn luyện cảnh sát để tập bắn, hoặc đi vài đường quyền, tố chất cơ thể tốt.

Chỉ có điều tuổi tác có sự chênh lệch với chân dung phác họa hung thủ, nhưng không vì thế mà loại ông ta ra khỏi diện tình nghi, chân dung phác họa của đội trọng án có sai lệch là điều khó tránh.
Nói không chừng hai nạn nhân kia chính là những người biết chuyện Trần Quảng trộm súng, nên mới bị giế.t thê thảm vậy.

Nghĩ đến đây, toàn thân tôi lạnh toát.

Mặc kệ tay Thẩm Thư, tự tôi sẽ đi xác minh chân tướng.
Tôi bí mật truy xuất lý lịch của Trần Quảng từ máy tính.

Hiện tại, chính phủ các cấp triển khai công tác chính quyền mở, mọi lý lịch của cán bộ cấp trung trở lên đều được đăng tải lên trang mạng nội bộ để các nhân viên có thể đọc.

Trần Quảng là sinh viên Đại học Công Nông Binh, tốt nghiệp khoa Bệnh lý của Viện y học Sở Nguyên, là một Đảng viên sinh viên.

Ngày mà Cảnh Liên Phú mất súng là ngày 30 tháng 4 năm 1975, lúc đó Trần Quảng vẫn đang là sinh viên Đại học, chỉ cần tìm ra được thầy giáo hoặc bạn học hiểu rõ ông ta, tôi tin nhất định sẽ tìm ra manh mối.
May là tôi được sinh ra và lớn lên ở vùng đất Sở Nguyên, nên cũng có một vài mối quan hệ.

Hai ngày sau khi nhờ cậy hết người này người kia, tôi đã liên hệ được với một Giáo sư đã nghỉ hưu của Viện y học Sở Nguyên, nghe nói năm xưa đã từng giảng dạy cho Trần Quảng, cũng đồng ý kể cho tôi nghe về chuyện của Trần Quảng khi còn là sinh viên.

Tôi không tiết lộ cho người đó về thân phận của mình, nói dối ông ta mình là thành viên tổ Đảng của Sở Cảnh sát thành phố Sở Nguyên, do có người bày tỏ kiến nghị với việc đề bạt Trần Quảng, nên cần điều tra sâu về biểu hiện của ông ấy thời đầu vào Đảng.

Cái cớ này thật vụng về, nhưng đối với một vị Giáo sư đã trải qua thời buổi loạn lạc mà cái gì cũng phải bàn tới chính trị và xuất thân, thì như thế là đủ.
Giáo sư họ Tiền, tên là Học Lễ, người gầy, đầu bạc trắng, ăn mặc tươm tất gọn gàng, chỉ có điều bị thọt một chân nên đi lại không được thuận tiện.

Nhắc đến Trần Quảng, Tiền Học Lễ lắc đầu lia lịa, nét mặt tỏ vẻ thương tiếc, nói: “Cậu sinh đó rất thông minh, lại không ngại khổ để mày mò nghiên cứu, một nhân tài hiếm có.” Tôi hùa theo câu nói của ông ta: “Đúng vậy, bây giờ thầy ấy là một biểu tượng của giới pháp y thành phố Sở Nguyên, đạt nhiều thành tích trong lĩnh vực chuyên môn.” Tiền Học Lễ lắc đầu bảo: “Cô nghe tôi nói hết đã.

Con người sống trên đời, đạo đức đặt lên hàng đầu, sự nghiệp vinh hoa chỉ đứng thứ hai, nếu đạo đức bị vấy bẩn thì người đó không những không có ích, mà còn gây hại cho xã hội.

Cuộc đời của Trần Quảng, đã bị tính khôn lỏi của cậu ta hãm hại, đầu cơ trục lợi, mưu mô thủ đoạn.

Địa vị xã hội của cậu ta hiện giờ trông thì có vẻ cao, nhưng về lâu dài, thì cậu ta mất nhiều hơn được.”
Tôi cố ý dẫn dắt câu chuyện: “Tại sao ấn tượng của người trong Sở lại đối ngược lại nhỉ? Kết quả trưng cầu dân ý mà chúng tôi thu thập được, đa số cho rằng Trần Quảng là người có tác phong giản dị, sống chân thành, làm việc nghiêm túc trách nhiệm.” Tiền Học Lễ đáp: “Đó chính là sự cao tay của cậu ta, các cô các cậu đều bị che mắt rồi.

Trần Quảng là một người giỏi cải trang, chưa đến thời khắc quan trọng thì sẽ không nhìn ra nhân phẩm tốt xấu của cậu ta.


Năm xưa khi cậu ta đang học, chẳng phải là một sinh viên văn đức song toàn hay sao? Nhưng khi nổ ra cuộc vận động, cậu ta lập tức trở thành một con người khác, mất hết nhân tính, đánh người như ngóe, cái chân này của tôi là bị cậu ta đánh què đây.” Tiền Học Lễ duỗi cái chân phải ngắn hơn một chút của mình ra, nói: “Năm xưa, Trần Quảng là môn sinh đắc ý của tôi, ai ngờ chính tay cậu ta đã hất tôi xuống đất, dùng gậy gỗ để đánh liên tục vào cẳng chân tôi, khiến xương ống chân bị dập nát.” Tiền Học Lễ hồi tưởng lại cảnh tượng vô nhân đạo năm ấy, các cơ trên khuôn mặt không ngừng co giật.
Tôi rùng mình, tưởng tượng ra bộ dạng hung hãn đánh người của Trần Quảng, càng củng cố thêm nghi ngờ của mình về việc ông ta chính là hung thủ của vụ án giế.t người liên hoàn.

Tôi hỏi: “Trần Quảng đánh người hẳn phải có nguyên do gì chứ?” Tiền Học Lễ cười gượng đáp: “Ở cái thời buổi loạn lạc ấy thì cần gì phải có lý do, tôi là một trong 9 thứ cũ kĩ thối nát (Trong suốt Cách mạng Văn hóa, Mao Trạch Đông chỉ ra 9 loại kẻ thù mà ông ta muốn nhắm đến: thứ nhất là địa chủ, thứ hai là nông dân giàu có, thứ ba là chống đối cách mạng, thứ tư là phần tử xấu, thứ năm là cánh hữu khuynh, thứ sáu là kẻ phản bội, thứ bảy là cựu đặc vụ, thứ tám là kẻ ủng hộ tư bản, thứ chín là giới tri thức), cậu ta ở phe tạo phản, cậu ta đánh tôi là lẽ hiển nhiên, chỉ đơn giản vậy thôi.

Hồi đó phe phái Hồng vệ binh ở trong trường rất đông, cái gì mà Thiên phái, Địa phái, đội chiến đấu Hồng kỳ, đội chiến đấu Tỉnh Cương Sơn, Trần Quảng hình như là đội phó đội chiến đấu Hồng Kỳ, tôi chỉ biết có vậy thôi.

Hồi đó chúng tôi rất phản cảm với hành vi nổi loạn của bọn họ, nên chẳng thèm quan tâm đến mấy cái danh xưng lố bịch ấy.”
Tôi tiếp tục hỏi: “Bác Tiền, bác nhớ lại xem, tháng 4 năm 1975, có một nhóm Hồng vệ binh đã tấn công vào một đơn vị quân Giải phóng ở Sở Nguyên, Trần Quảng có tham gia vào nhóm người đó không?” Tiền Học Lễ cau mày, suy nghĩ một lúc rồi trả lời: “Lúc đó tôi bị nhốt trong chuồng bò, chân thì bị đánh gãy, gần như bị cô lập với thế giới, nên không rõ động tĩnh ở bên ngoài.” Tôi không can tâm, hỏi tiếp: “Thế thì, bác có quen ai mà thân thiết với Trần Quảng hồi đó không, để tôi đi tìm gặp.” Tiền Học Lễ lắc đầu: “Không quen, con người như Trần Quảng không có bạn bè, trông bề ngoài thì có vẻ với ai cậu ta cũng chơi thân, nhưng nếu truy đến cùng thì đến một người bạn tốt cũng chẳng có, không ai có thể nhìn thấu con người cậu ta.”
Tôi có chút thất vọng, ông ấy chỉ cung cấp được những thông tin sơ sài, không giúp ích cho việc điều tra sâu.

Nếu nói tiếp e là cũng không thu hoạch thêm được gì, tôi bèn nói mấy lời cảm ơn rồi cáo từ.

Ông ấy đi lại bất tiện nên không ra tiễn, khi tôi gần ra đến cửa thì ông ấy đột nhiên hỏi: “Cô không phải người của tổ Đảng Sở Cảnh sát hay sao, cô đi điều tra vụ án, nhẽ nào Trần Quảng có chuyện rồi?”
Tôi ngớ người, quay lại một cách khó xử: “Bác, bác…… Nói thế nào nhỉ?” Tiền Học Lễ nhếch miệng, lộ ra một nét cười: “Tiểu cô nương, cô coi tôi già rồi vô dụng, nên mới nói bừa để dỗ ngon dỗ ngọt tôi.

Cô nói thật đi, rốt cuộc Trần Quảng đã xảy ra chuyện gì?”
Trong đầu tôi diễn ra sự đấu tranh giữa việc nói giối và khai thật trong suốt mấy giây, sau đó bước tới, ngồi xuống đối diện Tiền Học Lễ, kể lại toàn bộ cho ông ấy nghe về vụ án giế.t người liên hoàn, việc Từ Kiếm Minh bị bắn, và việc Trần Quảng đã làm sai báo cáo giám định.

Nghe xong vụ án chấn động lòng người ấy, cặp mắt nhìn thấu thế sự của ông ta liền lấp lánh giọt lệ, thở dài một cái: “Không ngờ lại nhiều người chế.t đến thế, hầy, việc trên thế gian, đúng là nhân quả tuần hoàn, báo ứng bất sảng.”
Tôi thành khẩn nói: “Chuyện qua đã lâu, người biết chuyện năm xưa giờ rất khó tìm, với tình hình chưa xác thực được chứng cứ như hiện giờ, đội trọng án không thể triển khai điều tra đối với Trần Quảng, cho nên tôi khẩn cầu bác, nếu bác còn biết thêm chuyện gì, nhất định phải nói cho tôi, không thể để hung thủ tiếp tục nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.”
Thật là trùng hợp, đúng lúc ông ta định mở miệng thì điện thoại của tôi rung chuông, là Trần Quảng gọi đến.

Tim tôi chợt thắt lại, dạo gần đây rõ ràng số lần Trần Quảng gọi cho tôi nhiều hơn hẳn đợt trước, rốt cuộc ông ta định làm gì? Theo dõi tôi chăng? Tôi đánh mắt về phía Tiền Học Lễ, ra hiệu cho thầy ấy im lặng rồi mới bắt máy.

Giọng nói của ông ta vẫn không mặn không nhạt: “Em đang ở đâu? Thôn Tiểu Vương có một vụ án gây thương tích, em mau về Sở rồi cùng thầy đến hiện trường.” Cúp máy xong, tôi đành nhún vai, ra hiệu phải đi.

Tay phải của Tiền Học Lễ giơ lên, lộ ra một chiếc chìa khóa màu đồng vừa dài vừa rộng, nói: “Cầm lấy đi, có thể ở đó sẽ có đáp án mà cô cần.”
Tôi nhận lấy chiếc chìa khóa một cách khó hiểu, hỏi: “Đây là cái gì?” Ánh mắt của Tiền Học Lễ trở nên ảm đạm, trên mặt lộ ra vẻ mệt mỏi và chán chường mà chỉ những người già thất thập lai hy mới có, chậm rãi kể lại một câu chuyện trong quá khứ khiến người nghe thổn thức: “Tôi từng có một cậu sinh viên tên là Cổ Nhược Thành, học trên Trần Quảng một khóa, là đội trưởng đội chiến đấu Hồng kỳ thời “Văn Cách”, có thể coi là chiến hữu thân thiết của Trần Quảng, cũng từng tham gia đánh đập tôi.

Sau khi “Văn Cách” kết thúc, cậu ta được phân công tác về Viện khoa học xã hội thành phố, nghiên cứu về lịch sử của tỉnh và thành phố.

Sau khi trưởng thành về mặt tư tưởng, cậu ta đã rút ra được bài học xương má.u, tỏ ra sám hối và suy ngẫm sâu sắc về những hành vi của mình trong thời kỳ “Văn Cách”, viết ra kín 4 quyển nhật ký, nhưng do hoàn cảnh bó buộc nên những quyển nhật ký đó chưa từng được công khai.

Cậu ta đã mất vì bạo bệnh cách đây 7 năm, trước khi chế.t có gửi gắm những quyển nhật ký ấy cho tôi cất giữ, bảo rằng những ân nghĩa và thù oán giữa hai thầy trò, cùng thăng trầm trong những năm tháng không dám nhớ lại kia đều được ghi chép lại trong đây.

Tôi chưa từng động vào chúng, bởi trước nay luôn cho rằng, bi kịch của một dân tộc không nên để một cá nhân cụ thể phải chịu trách nhiệm, việc Cổ Nhược Thành bị nhấn chìm trong dòng nước lũ của Cách mạng tạo phản không hoàn toàn là lỗi của cậu ấy.

Những cuốn nhật ký kia đều được cất giữ trong căn nhà cũ bỏ hoang của tôi, nếu không phải cô tìm đến, có lẽ tôi đã quên rồi.”
Thứ mà Tiền Học Lễ giao cho tôi, là chìa khóa của căn nhà cũ.

Nhật ký được cất ở trong nhà kho của căn nhà.

Lúc này, điện thoại của Trần Quảng lại gọi tới, hỏi tôi đi đến đâu rồi.

Tôi lia lịa đáp: “Em sắp tới rồi, sắp tới rồi.” Tôi cúi người chào Tiền Học Lễ, đi ra khỏi cửa, gọi một chiếc ta-xi, đi đến Sở Cảnh sát thành phố.
Sau khi giải quyết xong vụ ở thôn Tiểu Vương, lúc này cũng đã gần 6 giờ chiều, Tôi nhớ lại những quyển nhật ký đó, thấy trời vẫn còn sáng, liền bỏ cả cơm, vội lần theo địa chỉ mà Tiền Học Lễ đưa cho để tìm đến căn nhà cũ của ông ấy.
Đó là một căn nhà mái bằng kiểu cũ tọa lạc ở ngoại ô thành phố, trước căn nhà có một cái sân nhỏ hình vuông.

Ngói đỏ gạch xanh, cửa sổ được sơn màu xanh nõn chuối.

Nếu mà là trước đây thì căn nhà trông cũng khá lịch sự tao nhã, nhưng hiện tại đã bị bỏ hoang lâu ngày, cỏ trong vườn mọc um tùm, tường và cửa sổ loang lổ, đầy những vết ăn mòn của gió mưa.

Lúc này đã là hoàng hôn, cỏ cây trong sân rậm rạp, không thấy dấu vết của con người, trong lòng tôi không khỏi nảy sinh một cảm giác cô độc, lạnh lẽo.
Đẩy cánh cửa sân bị che lấp, gạt những bụi cỏ chưa đến bắp chân, một con đường nhỏ lát đá cuội hiện ra trước mắt.

Tôi dò dẫm bước về phía cửa phòng, những con chim nhạn rời đàn đang kêu ê a trên đầu, cơn gió se lạnh lướt qua gò má, thổi bay những lọn tóc của tôi.

Tôi lấy hết can đảm, bước nhanh về phía cửa, trông thấy một ổ khóa to đùng bị hoen gỉ, hẳn là đã lâu không ai động đến, không biết chiếc chìa này có thể mở được nữa hay không.
Tôi nhét chìa khóa vào ổ, vặn mở hai nhát, chiếc ổ kêu “cạch” một cái rồi mở ra.

Trong lòng tôi vui sướng, cầm lấy ổ, khẽ khàng mở cánh cửa ra, bản lề cửa bị rít phát ra tiếng kẽo kẹt đến chói tai, một mùi hôi thối ập vào mũi.

Căn nhà đã lâu không có người ở, điện bị cắt, tôi mở chiếc đèn pin đã chuẩn bị từ trước, quan sát xung quanh một lượt.

Sau một hồi do dự, cuối cùng quyết tâm vén màn sự thật đã chiến thắng nỗi sợ hãi, tôi không chùn bước mà đi đến vị chí mà Tiền Học Lễ đã chỉ.
Nhà kho nằm ở góc Tây Bắc của căn nhà, chỉ rộng có 5 mét vuông, một cánh cửa hẹp đã bị mục nát, dựng lên một cách xiêu vẹo.

Tôi vừa mới chạm tay vào thì cánh cửa đã đổ ập vào người, bụi bay mù mịt.

Tôi vội lùi ra sau hai bước, thân cửa vỗ mạnh xuống nền nhà.

Ngoại trừ phạm vi phủ sáng của chiếc đèn pin, bốn bề xung quanh đều tối đen như mực, tiếng ồn phát ra làm tim tôi không ngừng đập mạnh.

Tôi đặt tay lên ngực để lấy lại bình tĩnh.

Lúc này, trong sự tĩnh mịch bỗng vang lên tiếng lách cách, như thể có hai vật gì đó va vào nhau, tuy nhỏ nhưng nghe rất rõ.

Sống lưng tôi lạnh toát, vội lấy đèn rọi về phía tiếng động phát ra nhưng không thấy có gì khác lạ.

Tôi cố gắng thuyết phục bản thân đừng có thần hồn nát thần tính, hít một hơi thật sâu rồi mượn ánh đèn để quan sát đồ đạc trong kho.
Căn phòng nhỏ hẹp được chất đống những thứ đồ đạc linh tinh, hộp cát-tông, ba-lô, đồ gia dụng cũ lấp kín cả không gian.

Cái hộp cát-tông in hoa văn mà Tiền Học Lễ miêu tả bị đè dưới một bao quần áo cũ.

Tôi nín thở, không bận tâm đến lớp bụi dày đặc, một tay cầm đèn, một tay nhấc bao quần áo cũ ra.

Lúc này, sau lưng tôi lại vang lên tiếng sột soạt, nghe như tiếng thở không đều của ai đó.

Tôi sợ đến mức lông trên người dựng ngược, quay đầu lại quát lớn: “Ai?” Giọng tôi bị nỗi sợ hãi bóp méo đến chói tai.

Trước mặt lại im lặng như tờ.
Tôi mò từng bước một cách thận trọng về chỗ âm thanh phát ra, huơ đèn pin để mở rộng tầm nhìn.

Trong căn phòng cũ kỹ đơn độc, những bức tường bám bụi, mặt đất tối om, đồ đạc bừa bộn, ngoài tôi ra thì không còn một vật thể sống nào khác.


Hay là chuột? Tôi tự mình an ủi bản thân.
Tôi quay trở về, mở chiếc hộp cát-tông in hoa văn, lấy ra 4 quyển nhật ký được đặt trong túi giấy, lật giở những trang sách đã ố vàng, đập vào mắt là 5 chữ in hoa “NHẬT KÝ CỔ NHƯỢC THÀNH”.

Tôi thở phào một cái, cuối cùng cũng tìm ra, có thể chân tướng mà tôi lao tâm khổ tứ đi tìm bấy lâu nay lại nằm phủ bụi ở nơi này.

Tôi nhét quyển nhật ký vào lại túi giấy, kẹp dưới nách, chuẩn bị rời đi.

Lúc này, sau lưng đột nhiên vang lên tiếng bước chân gấp gáp.

Tôi còn chưa kịp ngoái đầu, thì ở góc dưới bên phải cổ có một cảm giác dồn nén ập tới, đầu óc tôi quay cuồng rồi mất đi nhận thức.
Không biết bao lâu sau, tôi mới mơ hồ tỉnh lại, trước mắt tối sầm, bốn bề lặng thinh, có khoảng một phút, tôi đã không biết mình đang ở đâu.

Đến khi nhớ lại những gì xảy ra trước khi ngất, một nỗi sợ hãi lướt qua trong lòng tôi: Tôi đang bị giam giữ.

Tôi định vùng vẫy đứng dậy thì phát hiện ra hai chân hai tay mình đã bị trói chặt.

Tôi đang ở đâu? Ai đã trói tôi? Ngươi định làm gì? Tôi mở miệng hét lớn mới phát hiện giọng mình đã khàn đến mức không nhận ra, tiếng ù ù vọng lại trong tai, bụi bay ngập miệng.

Tiêu rồi, tôi bị bỏ lại ở một nơi tối tăm, không thể nhúc nhích được, hung thủ chẳng cần phải tự ra tay, chỉ cần bỏ mặc tôi, không quá ba ngày, tôi sẽ chế.t mà chẳng ai hay biết.
Không biết do sợ hãi hay hối hận, hai hàng nước mắt mặn chát lăn dài trên má, tôi có thể cảm nhận được cái lạnh giá ấy.

Tôi không kìm được mà run như cầy sấy.
Mãi lâu sau, tôi mới dần bình tâm trở lại, đầu óc bắt đầu khôi phục khả năng suy nghĩ, mắt cũng thích ứng được với màn đêm.

Hóa ra tôi đang ngồi dựa vào một góc tường, hộp cát-tông chất đầy trước mặt, che khuất tôi hoàn toàn.

Trong đó có một chiếc hộp cát-tông bên trên in hình hoa văn mà tôi quen thuộc.

Thì ra tôi bị nhốt ở nhà kho trong căn nhà của Tiền Học Lễ.

Liệu có ai phát hiện ra tôi ở trong căn phòng hoang tàn, lạnh lẽo này không? Liệu tôi có thể sống sót được không?
Tôi lại nhớ đến tiếng thở nặng nề, tiếng bước chân gấp gáp, và cú đánh mạnh vào cổ mà tôi nghe thấy trước khi hôn mê.

Hắn là ai? Hắn còn ở trong căn phòng không? Nghĩ đến việc còn có một kẻ khác đang theo dõi mình từ trong màn đêm, có thể tấn công mình bất kỳ lúc nào, tôi lại run lên vì sợ.

Đúng rồi, nhật ký, 4 quyển nhật ký đó.

Tôi cố gắng dùng đôi tay đã bị trói chặt mò mẫm về phía trước, chiếc túi giấy mà tôi cầm trong tay trước khi bị ngất đi đã không thấy đâu nữa, điện thoại trong túi tôi cũng biến mất.

Kẻ đó nhất định vì 4 quyển nhật ký kia mà đến, có khi nào là Trần Quảng không? Với tính cách lạnh lùng tàn nhẫn của ông ta, nhằm che dấu chứng cứ phạm tội thì việc gì cũng có thể làm.
Nếu là Trần Quảng làm, thì khả năng sống sót của tôi gần như bằng không.

Nhưng mà, tại sao ông ta không giế.t tôi? Ông ta đã giế.t bao nhiêu người như vậy, thêm một người nữa cũng chẳng là gì.

Đột nhiên nhớ tới bộ dạng thê thảm khi chế.t của Tô Nam và Lâm Mỹ Khuyên, trái tim tôi như hòn đá rơi khỏi núi cao vạn trượng, đâm thẳng xuống vực sâu.

Nhẽ nào ông ta định phân xác tôi thành trăm mảnh? Nhưng mà, ông ta đâu có thù hận gì với tôi? Trước khi giế.t hại Tô Nam và Lâm Mỹ Khuyên, có khi nào ông ta cũng bắt giam bọn họ, đợi đến khi trời mưa mới ra tay? Nhiều người có điểm yếu là hay suy nghĩ mọi việc theo chiều hướng tồi tệ nhất, tôi cũng vậy, thế là càng nghĩ lại càng sợ hãi.

Trong bóng tối vô biên, tôi thu mình thành một đống.
Đói khát, sợ hãi, thê lương, tuyệt vọng, tôi bị dày vò trong thứ cảm xúc phức tạp, mỗi phút đều kéo dài như một năm.

Tôi thậm chí bắt đầu oán trách tên hung thủ, tại sao không nhân lúc tôi hôn mê mà giế.t quách tôi đi, còn hơn bắt tôi phải chịu cơn dày xéo vô biên, đợi chờ cái chế.t đến trong sự tuyệt vọng như thế này..