Người Cũ Là Em Chồng

Chương 4




Tôi không ngờ vị khách với thái độ khó ở vừa bước vào quán kia lại là người giúp mình. Chỉ cách nhau một cái thân mập mạp của bà Sáu, tôi dường như có thể nhìn thấy rõ từng đường nét trên khuôn mặt anh. Nếu nói anh là người đẹp trai nhất tôi từng gặp thì có vẻ hơi tâng bốc. Nhưng hẳn ở người ấy, tôi nhìn thấy được phong thái rất cool ngầu mà một con bé 17 tuổi khi xưa u mê không lối thoát. Kể từ giây phút đó, tôi cứ tròn mắt nhìn ân nhân của mình, một cái cau mày từ anh cũng chẳng dám bỏ sót. Giọng người ấy nhàn nhạt cất lên: – Bà làm gì vậy? Có gì thì từ từ nói. Sao cứ phải động tay động chân? Giọng anh rất lạnh, dường như không mang theo một chút độ ấm nào nhưng chả hiểu sao nó lại làm tôi ấm lòng, ấm đến nỗi cứ tưởng mình đang ngồi bên cạnh lò than. So với lực của một gã thanh niên trẻ tuổi thì bà Sáu hẳn sẽ bị lép vế. Vậy cho nên bà ấy chỉ còn biết dọa nạt: – Đây là nhân viên của tôi, tôi muốn làm gì là việc của tôi. Cậu có tin tôi báo cậu lên cảnh sát vì tội hành hung không? Nhưng có vẻ bà Sáu đã chọn sai đối tượng rồi, người thanh niên kia không lấy làm tí sợ sệt, thậm chí anh còn nhếch mép lên cười mỉa rồi ung dung nói: – Có cần tôi bấm số cho bà không? Sẵn tiện tôi cũng muốn báo án. – Cậu thì báo án gì cơ chứ? – Tôi báo án có kẻ ngược đãi người khác. Nghe đến đây thì bà Sáu cũng ngầm hiểu ý tứ của anh chàng nọ. Dẫu sao đây cũng là chỗ làm ăn buôn bán, đụng đến cảnh sát hẳn chẳng có lợi gì. Suy nghĩ thiệt hơn thì có lẽ để chuyện ngày hôm nay lắng xuống là cách tốt nhất. Vì đó bà ấy nhanh chóng thay đổi giọng điệu, ngọt nhạt nói: – Thôi cậu ạ, chuyện cũng chẳng có gì. Đôi bên mỗi người nhường nhau một chút nhé. Thấy bà ta quay phắt 180 độ, ý cười trên môi của chàng trai kia cũng trở nên đậm nét hơn. Anh hời hợt hỏi lại: – Nhường là nhường thế nào? – Thì chúng ta xem như hòa. Cậu không nhúng vào chuyện của tôi, tôi cũng chả báo cậu lên cảnh sát làm gì . – Tôi là muốn lo chuyện bao đồng, thích kiếm chuyện, thế nên không nhường nhịn gì cả. – Cậu này hay nhỉ, cậu mau thả tôi ra đi. – Sao không nói sớm, tôi cứ nghĩ là bà chủ thích vận động. Nói rồi anh ấy thả tay bà Sáu ra, bà ta ôm cái tay đã hằn lên những vệt đỏ, cau có quát tôi: – Con này, có phải mày bảo thằng ranh kia đến phá quán tao không? Tôi ra sức lắc đầu, chối bỏ những lời nghi ngờ không xác đáng của chủ. Nhưng hành động của tôi lại chẳng nhanh bằng lời nói của ai kia. Chỉ trong một giây, tên nào đó đã biến công tình lắc đầu của tôi thành công cốc. – Phải thì sao? tôi nói cho bà biết, bà đừng có quá quắt. Mình cũng già rồi, tạo chút đức đi cho con cháu nó thương. Chứ sau này lại hỏi vì sao bị người thân vứt bỏ Bà Sáu bị nói thẳng mặt như thế thì đã tức không chịu nổi. Bà ấy quát: – Tiên sư mày thằng ranh, mày trù ai bị người thân vứt đấy. – Tôi nói cái người thích đi đày đọa người khác đấy. Hai người kia càng nói càng to tiếng khiến những hàng quán bên cạnh đều nghe thấy hết. có vài người đã bắt đầu phàn nàn. Thấy vậy tôi cũng ở bên khuyên bọn họ: – Anh gì ơi, em cảm ơn anh đã giúp em. Nhưng đây là việc riêng của em ạ. Anh cứ mặc em đi. Tên kia nghe tôi nói những điều thiểu năng như vậy thì không tiếc lời mà mắng: – Bị ngu à? Tôi biết mình ngu nhưng nếu tôi không chịu đựng thì bà chủ nhất định sẽ tống mẹ tôi vào tù. Với một đưa trẻ 17 tuổi đã mất ba thì điều kia quả thật là một sự kinh hoàng. – Dạ, em bị ngu nên anh đi đi ạ. Anh thanh niên kia chả biết vì thấy tôi tội nghiệp hay muốn ăn đu đủ với chủ của tôi mà nhất quyết chẳng chịu rời khỏi. Người đó đi về phía tôi, mặc tôi có tình nguyện hay không, cứ thế lôi tôi xềnh xệch: – Đi thôi. Ở đây có ngày bị mụ già này đánh chết đấy. Thiếu gì công việc tử tế
Sao phải làm ở một chỗ như thế này? Sau đó mặc tôi ra sức bám lại thì kẻ kia vẫn lôi tôi ra khỏi quán. Bà Sáu nhìn tôi bị lôi đi, không phân biệt chuyện tôi đang bị ép buộc, chỉ chăm chăm với giọng theo mà quát tháo: – Mày đi được thì đi luôn đi. Tao cũng đ.ế.c.h cần cái thứ như mày làm nữa. mày về mà nói với con mẹ của mày là lo gom tiền trả cho tao, bằng không tao chẳng những tống mẹ mày đi tù mà còn dỡ mả cha mày lên đấy. Lúc ấy, tôi rất muốn quay lại, xin sỏ chủ nợ của mẹ bỏ qua rồi sẽ ngoan ngoãn làm việc như cũ. Nhưng cơ bản là tôi không đủ sức để thoát khỏi sự cưỡng ép kia. Thành thử cuối cùng vẫn bị anh dẫn đến Cầu Rồng. Đến nơi, ai đó mới thả tôi ra rồi đút tay vào túi quần. Nhìn dáng vẻ của họ hiện tại mới thật sự giống bộ mặt nên có khi gặp một người lạ như tôi. Dù sao chuyện cũng đã rồi. Giờ có quay lại thì bà Sáu chắc gì sẽ bỏ qua. Mà anh chàng này chỉ là muốn giúp tôi mới làm thế. Vậy thì tôi lấy lý do gì để trách móc họ. Thật ra, ngược lại tôi cảm thấy biết ơn anh vô cùng. Tôi làm ở quán bà Sáu cũng đã được một khoảng thời gian dài, bị mắng bị đánh chẳng phải là chuyện hiếm nữa. Nhưng tuyệt nhiên chưa có một ai đứng ra giúp tôi cả. Ngay cả mẹ ruột khi biết con bị hành hạ thì cũng qua loa hứa hẹn sẽ cố kiếm tiền để đưa tôi ra khỏi đó. Chỉ có anh thích lo chuyện bao đồng mà giúp tôi thôi
Đã đến tận đây rồi, đâu thể cứ thế mà im lặng nên tôi bắt đầu mở lời trước: – Anh tên là gì ạ? Người kia cộc lốc trả lời duy nhất một chữ: – Vỹ. – Em cảm ơn anh Vỹ hôm nay đã giúp em nhé. Nếu có cơ hội gặp lại em mời anh đi ăn được không ạ? – Không cần. Khi Vỹ hời hợt nói hai từ kia, tôi mới phát hiện ra bản thân hình như đã hứa hẹn một câu thừa thãi. Đã gặp ở đây rồi mà còn đợi hẹn lần sau làm gì. Nhưng bây giờ tôi thật sự chả còn mấy đồng, muốn mua 2 cây kem còn chưa đủ, làm sao mời họ đi ăn được đây. Tôi quay người len lén kiểm tra tiền trong túi và kết quả vẫn thế. Tôi trầm ngâm nhìn ai kia, giọng điệu trở nên nhỏ xíu: – Anh ơi! Anh cho em xin số điện thoại được không ạ? Sau này em nhất định em sẽ mời anh đi ăn. kẻ ấy hơi nhíu mày nhìn tôi, chả biết trong đầu phân tích cái gì mà một đỗi sau lại nói: – Đi làm kiểu gì để không có nổi vài chục trong người thế hả? Lúc này tôi cảm thấy rất xấu hổ và chỉ muốn tìm một cái lỗ để núp thôi. Nhưng nghĩ bỏ anh lại ở đây thì thất lễ quá nên không dám. Đến cùng, tôi phải cúi đầu thấp hơn một chút, tiếp trục mặt dày hỏi anh: – Sao? Sao anh lại thấy được ạ? Anh không trả lời tôi. tôi biết họ im lặng là để tôi trả lời đúng trọng tâm câu hỏi mà họ đặt ra, vậy là đắn đo mấy giây, tôi đành phải nói ra sự thật. Dẫu sao hôm nay bọn tôi gặp được nhau, anh lại giúp tôi thoát khỏi trận đòn roi của chủ xem như chúng tôi cũng có duyên. Vậy tôi chia sẻ chuyện này với anh có vẻ cũng chẳng có vấn đề gì: – Em làm trả nợ nên không có dư ạ. – Mới tí tuổi mà đã nợ nần đầy mình rồi à? Nhìn vẻ nghi hoặc của Vỹ, tôi sợ họ nghĩ mình ăn chơi phá phách nên mới gây ra nợ thế là vội xua tay: – Không phải em. – Là của mẹ à? Đây là lần thứ 2 tôi bị người kia nói trúng tim đen, mắt cũng vì đó mà tròn lên như một quả bóng: – Sao anh lại biết ạ? – Họ có não mà. Vâng, và chỉ 4 từ ấy đã đủ làm tôi chột dạ muốn chết. Anh nói như thế chẳng khác nào chê tôi không có não. – Ý anh là gì ạ? Em vẫn chưa hiểu. – Ừ! Đừng suy nghĩ cho mất công. Bị ai đó nghẹo nên mặt tôi lập tức méo xệch. Vỹ hình như lúc này đã không còn để tâm đến biểu cảm trên gương mặt tôi nữa. Anh gieo ánh nhìn xuống những làn nước lăn tăn dưới chân cầu. Đột nhiên nói: – Tôi cứ nghĩ cuộc đời mình đã chó cắn lắm rồi. Không ngờ cô còn thảm hơn tôi. Nói xong câu này, Vỹ lại im lặng. Tôi cũng chẳng nói gì thêm. Cả Hai cứ thế cùng nhau ngồi dưới cầu, lẳng lặng nhìn Cầu Rồng hết phun lửa rồi phun nước. quả cầu lửa vàng rực hòa vào những đợt nước trắng xóa. Vừa sáng chói lại có gì đó nhẹ dịu. Tôi sống ở thành phố này từ bé, cũng không phải lần đầu thấy Cầu Rồng phun lửa, phun nước. Nhưng chả biết có phải là cùng ngắm nó với một người đặt biệt hay không. Mà hôm ấy tôi đột nhiên thấy Cầu Rồng thật mới mẻ. Rất lâu, rất lâu sau đó, Vỹ mới lên tiếng: – Này! – Dạ – Tên gì đấy? – Em tên Thùy ạ. – Tên gì lúa thế? Mặc dù bị anh chê nhưng tôi lại chẳng cảm thấy khó chịu tí nào. Ngược lại, còn cười tươi rói với anh: – Mẹ em nói đặt tên lúa lúa cho dễ nuôi. Không biết là vì thấy tôi cười nên Vỹ cười theo hay vì câu nói của tôi quá ngớ ngẩn nên anh mới thế. Nhưng giờ tôi không quan tâm được nhiều nữa. Vì đã có một con bé bị nụ cười ấy mê hoặc rồi. Vỹ không có một nụ cười tươi tắn tựa nắng trời nhưng hẳn nụ cười của anh là một loại bùa chú đầy mị lực. Hờ hững, lạnh đạm, khó hiểu, khó gần nhưng lại cuốn hút đến nỗi làm người đối diện không thể rời mắt ra được. Lúc ấy tôi nghĩ mình còn nhỏ, chưa gặp nhiều người thành ra dễ bị người đó làm cho si mê. Những mãi sau này tôi mới ngộ ra, nụ cười của Vỹ rất đặc biệt, đặc biệt tới mức, tôi của tuổi 17 hay tôi của tuổi 23, dù có bao nhiêu đàn ông cười với tôi thì nụ cười của anh vẫn là nụ cười khiến tôi khắc cốt.