Ngày Sau Còn Dài - A Tô Duật

Chương 51




"Xin lỗi, để cậu đợi lâu rồi."

Nghiêm Dụ cúp điện thoại, cảm ơn chủ tiệm thuốc, xách theo túi thuốc mua cho Trần Nhàn đi về phía khu chung cư. Vừa đi đến dưới ngọn đèn đường ở ngã rẽ, hắn thấy người hàng xóm đang đi dép lê, vừa mặc áo khoác vừa vội vã chạy về phía mình.

Đợi đến khi Nghiêm Dụ đưa Trần Nhàn đến bệnh viện, làm xong thủ tục nhập viện, cầm theo các loại giấy tờ thanh toán quay lại phòng bệnh thì Trần Nhàn đã nằm nghiêng ngủ thiếp đi.

Nghiêm Dụ giúp bà đắp kín chăn, đóng cửa sổ lại. Hắn đứng bên giường nhìn gương mặt đang say ngủ của bà hồi lâu rồi mới quay người đi tìm bác sĩ.

"Không sao, người già rồi đều vậy, va chạm nhẹ một chút cũng dễ bị gãy xương." Bác sĩ cầm lấy phim chụp từ tay Nghiêm Dụ, nhìn lướt qua rồi nói, "Cậu nhìn chỗ này, đúng lúc ngã xuống thì... chỗ này, đầu gối chịu lực."

"Tuy nhiên xét nghiệm máu cho thấy bà ấy còn có chút vấn đề về rối loạn nội tiết tố, có thể liên quan đến thời kỳ mãn kinh..."

"Không phải ạ," Nghiêm Dụ ngắt lời, đưa bệnh án qua, "bà ấy vẫn luôn uống thuốc điều trị tâm thần. Một ngày mấy viên."

"Liều lượng lớn vậy sao?" Bác sĩ liếc nhìn, "Đơn thuốc đâu có ghi như vậy? Không thể tự ý uống thuốc như thế được."

Nghiêm Dụ không nói gì, bác sĩ lại nói: "Ài, cậu nên hỏi bác sĩ chuyên khoa tâm thần về việc này. Tóm lại... gãy xương đầu gối là phiền phức nhất, chắc chắn sẽ để lại di chứng. Cậu là con trai của bà ấy phải không? Sau này phục hồi chức năng cậu cần phải chú ý, không được vận động mạnh. Khi trời lạnh hoặc mưa, nhớ phải đeo băng bảo vệ đầu gối..."

Nghiêm Dụ nghe xong lời dặn dò của bác sĩ, gật đầu, cầm bệnh án trở về phòng bệnh.

Nghiêm Dụ lại bận rộn ở khu điều trị nội trú thêm một lúc, đóng khoản tiền này điền tờ khai nọ, đến ba giờ sáng mới về nhà lấy đồ dùng cá nhân và quần áo cho Trần Nhàn. Hắn đứng bên lề đường hứng gió lạnh nửa tiếng mới bắt được xe.

Nghiêm Dụ về đến nhà, bước vào phòng ngủ của Trần Nhàn, nhìn thấy mọi thứ ngổn ngang khắp căn phòng. Trên sàn nhà đâu đâu cũng là đồ vật bị Trần Nhàn vô tình làm đổ lúc ngã. Nghiêm Dụ như hiểu ra điều gì, theo đó ngẩng đầu nhìn lên, phát hiện một tủ đựng đồ luôn khóa gần trần nhà đã bị mở ra.

Nghiêm Dụ dựng chiếc ghế bị lật xuống đất lên, rồi trèo lên đó.

Trong tủ chứa đầy những bài tập viết tay, giấy khen, bằng khen của hắn từ lúc biết viết chữ cho đến trước khi lên cấp hai, cùng với ảnh chân dung Nghiêm Dụ lúc nhỏ được photo từ ảnh chụp chung.

Lý do dừng đột ngột khi lên cấp hai là vì từ đó, Nghiêm Dụ không thể chịu nổi sự kiểm soát của Trần Nhàn nên đã chọn ở nội trú.

Còn Trần Nhàn sở dĩ ngã gãy xương khi leo lên chỗ cao một cách khó hiểu, là do bà không cưỡng lại được việc muốn nhìn lại những thứ từng thuộc về Nghiêm Dụ — đứa con mà bà đã từng kiểm soát.

Quả thật là nhân quả báo ứng.

Nghiêm Dụ thở dài, im lặng hồi lâu. Hắn ôm đống giấy tờ bám đầy bụi xuống, ngồi bên cửa sổ lật giở từng tờ từng tờ một. Rất nhiều nét chữ đã mờ đi, các bài văn thì viết rất ngây ngô, khiến Nghiêm Dụ chợt bật cười, xấu hổ đến mức không đọc nổi nữa.

Rồi Nghiêm Dụ không khỏi nghĩ, quả nhiên mâu thuẫn giữa các thế hệ là một trong những vấn đề triết học phức tạp nhất trên thế giới này, và ai cũng sẽ gặp phải nó.

Làm thế nào để đối mặt với Trần Nhàn đây? Nghiêm Dụ cũng không rõ.

Đôi khi Nghiêm Dụ vẫn có thể hiểu cho bà.

Cha mẹ của Trần Nhàn, tức là ông bà ngoại của Nghiêm Dụ, đã qua đời rất sớm. Bà lớn lên trong nhà người thân, từ khi vào đại học đã phải vừa học vừa làm thêm để tự nuôi sống bản thân.

Năm hai đại học, Trần Nhàn khởi nghiệp, kiếm được khoản tiền đầu tiên trong đời, nhưng đến năm thứ ba thì lại xui xẻo gặp phải Nghiêm Hải Sinh. Chỉ là khi đó bà vẫn chưa biết Nghiêm Hải Sinh tiếp cận bà là có mục đích từ trước.

Trần Nhàn thiếu thốn tình thương.

Sau khi nếm trải chút ngọt ngào của sự quan tâm, bà đã mù quáng và ngu ngốc trao hết tất cả cho người đàn ông đó, đưa gã ta vào tất cả những kế hoạch cho tương lai của mình. Vậy nên nhiều năm sau khi bị phản bội, bà mới tuyệt vọng đến mức cảm thấy cả thế giới hoàn toàn sụp đổ.

Rồi bà bắt đầu bám chặt lấy Nghiêm Dụ. Bởi vì Nghiêm Dụ là người thân duy nhất trên thế giới này có quan hệ huyết thống với bà, bà không thể tưởng tượng nổi mình lại mất đi cả điều này.

Muôn vàn cảm xúc phức tạp đan xen với nhau: Hận thù, đố kỵ, chán ghét, phẫn nộ... ngày càng mãnh liệt, cuối cùng biến thành con dao mất kiểm soát, đâm vào chính mình, cũng đâm vào tất cả những người xung quanh.

Cuối cùng, tình yêu của bà dành cho Nghiêm Dụ lại phản tác dụng, gây tổn thương cho Nghiêm Dụ. Giống như những kẻ có ham muốn kiểm soát mãnh liệt thì thường đánh mất quyền kiểm soát với mọi thứ.

Nghiêm Dụ ngồi bên cửa sổ một lúc, khuôn mặt không có cảm xúc gì. Hắn cất những tờ giấy với nét chữ non nớt, bằng khen, giấy chứng nhận và ảnh chụp kia đi, rồi xách theo túi hành lý đã đóng gói gọi xe quay lại bệnh viện.

Từ ngày hôm đó, Nghiêm Dụ cứ chạy đi chạy lại giữa trường học và bệnh viện để chăm sóc cho Trần Nhàn bị gãy xương đầu gối.

Mỗi ngày sau giờ tan học, hắn sẽ về nhà trước, hầm một ít canh bổ xương rồi mang đến bệnh viện. Trần Nhàn nói hắn đừng quan tâm mấy việc này mà hãy lo học hành đi. Nhưng Nghiêm Dụ giả vờ như không nghe thấy, vẫn rất cố chấp đến.

Có lúc Trần Nhàn nói bóng gió: "Cứ tưởng con sẽ nhân lúc mẹ bệnh mà chạy về thăm trường cũ chứ."

Nghiêm Dụ chẳng buồn trả lời: "Uống canh của mẹ đi."

Lần này hắn nấu canh gà, con gà tươi vừa mua ở siêu thị dưới nhà.

Trần Nhàn lại nói: "Con nên thuê người chăm sóc đi, đừng để mẹ ảnh hưởng đến việc học của con."

Nghiêm Dụ vô cùng bình thản đáp: "Mẹ đã ảnh hưởng từ lâu rồi."

Trần Nhàn bị chặn họng, chỉ đành cúi đầu uống canh.

Một hôm Nghiêm Dụ đứng dậy đi tìm bác sĩ, hắn bỏ quên điện thoại trên bàn không cầm theo. Trần Nhàn lén cầm lên, lần nữa nhập ngày sinh của Đào Trác, lại mở khóa được điện thoại của Nghiêm Dụ.

Thật đúng là một kiểu khiêu khích, Trần Nhàn thầm nghĩ. Rõ ràng biết rằng mật khẩu đã bị bà đoán ra, vậy mà vẫn cứ cố tình không thèm đổi, như thể muốn chọc tức người ta cho bằng được.

Trần Nhàn cầm điện thoại trong tay một lúc lâu, cố kiềm chế không xem. Bà nghe theo lời Lâm Tư Hàm, dành cho Nghiêm Dụ sự tôn trọng và lịch sự đủ để hắn được coi là một cá thể độc lập. Nhưng tạm thời Trần Nhàn vẫn chưa làm được điều đó.

Trần Nhàn mở WeChat, kiểm tra lịch sử trò chuyện của Nghiêm Dụ và Đào Trác.

Rồi bà kinh ngạc phát hiện rằng trong gần nửa tháng bà bị gãy xương và nhập viện nên buộc phải trả lại điện thoại cho Nghiêm Dụ, hai người họ thật sự không hề liên lạc với nhau lần nào.

Thậm chí từ lúc họ tách nhau vào kỳ nghỉ hè đến nay, lịch sử trò chuyện trên WeChat cũng chỉ tăng thêm hai câu.

Đều là những tin nhắn Đào Trác gửi cho Nghiêm Dụ vào rạng sáng đêm giao thừa.

Tin nhắn đầu tiên là: Chúc mừng năm mới, Nghiêm Dụ, năm mới mọi sự thuận lợi.

Tin nhắn thứ hai là: Tớ đã ước một điều ước, mong cậu mỗi ngày đều vui vẻ, mỗi ngày đều khỏe mạnh. Cậu phải giúp tớ thực hiện đấy nhé.

Trần Nhàn bỗng nhiên cảm thấy trong lòng ngổn ngang trăm mối, cay đắng đến không thể thốt nên lời.

Bà từng bị người khác phản bội, bị tổn thương sâu sắc, bởi vậy bà luôn cảnh giác với cái gọi là tình yêu trong miệng người đời. Nhưng điều đó không có nghĩa là bà có quyền ngăn cấm Nghiêm Dụ tin vào tình yêu.

Có lẽ Nghiêm Dụ may mắn hơn bà, gặp được một người mà hắn có thể trao gửi tình cảm chăng? Chỉ là giới tính của người này hơi éo le.

Tâm trạng Trần Nhàn phức tạp, bà do dự hồi lâu, cuối cùng tắt điện thoại, để nó nguyên vẹn trở về chỗ cũ trên bàn.

Bà lại một lần nữa đề nghị Nghiêm Dụ đừng đến bệnh viện thường xuyên như vậy, nhưng lại một lần nữa bị Nghiêm Dụ bỏ ngoài tai.

Nghiêm Dụ nói: "Mẹ muốn tìm người chăm sóc thì cứ tìm, việc con đến hay không là chuyện của con, người bị gãy chân đâu phải là con" — Ý là mẹ có quyền gì để can thiệp?

Trần Nhàn chỉ có thể nằm trên giường, chẳng có việc gì làm, nhìn Nghiêm Dụ ngồi một bên tự học.

Nghiêm Dụ còn giúp Trần Nhàn lên kế hoạch tập luyện phục hồi chức năng, tính kỷ luật cực kỳ cao, mỗi buổi chiều hắn đều dành nửa tiếng đồng hồ để tập luyện với bà.

Buổi tập luôn bắt đầu và kết thúc đúng giờ, không lệch một phút một giây. Nghiêm Dụ cũng giống như Trần Nhàn, đều có tính kiểm soát quá mạnh mẽ, sự kiểm soát này không chỉ với người khác mà còn với chính mình.

Vì vậy, đối với họ mà nói, việc buông tha cho bản thân luôn là điều rất khó.

Thời tiết dần ấm lên, mùa xuân lại đến. Những cây xanh ngoài cửa sổ bắt đầu đâm chồi nảy lộc, Trần Nhàn đã có thể xuống đất đi lại. Đôi khi bà đi đến bên cửa sổ ngẩn người, một mình nhìn về phía Nam Thành xa xa, chìm vào hồi tưởng và suy tư miên man về nửa cuộc đời đã qua.

Và rồi một ngày, khi đứng ở hành lang nhìn xuống, bà thoáng thấy hai bóng người quen thuộc.

Đó là một buổi hoàng hôn đỏ rực, cậu thiếu niên mặc đồng phục trường Trung học số 1 vội vã nhảy xuống xe, đeo một chiếc cặp sách khổng lồ lao vào bệnh viện. Còn Nghiêm Dụ thì đứng cách đó không xa, bình thản dang rộng vòng tay, đón cậu vào lòng.

Ừm, Nghiêm Dụ, Trần Nhàn lúc đó nghĩ. Giỏi lắm, trước mặt một kiểu sau lưng một kiểu.

Nhưng ngay sau đó, bà thấy hai người họ bước đến ngồi xuống một chiếc ghế dài bên cạnh, cậu thiếu niên bắt đầu lấy đủ thứ từ trong cặp ra.

Hai hộp cơm giữ nhiệt, một hộp đựng món trứng xào cà chua và khoai tây thái sợi, một hộp đựng rau cải xanh xào dầu hào. Hai phần cơm, hai chiếc thìa, hai đôi đũa và hai hộp nước ép cà rốt màu cam.

Nghiêm Dụ nhận lấy và bắt đầu ăn, trong khi Đào Trác vẫn tiếp tục lục lọi cặp sách.

Một xấp bài kiểm tra, một quyển sách bài tập, một số tài liệu văn mẫu hình như được in ra, còn có một ít ghi chép lộn xộn.

Đào Trác nói chuyện với Nghiêm Dụ, Nghiêm Dụ chăm chú lắng nghe, đồng thời bóc đôi đũa đưa cho Đào Trác. Hai người gắp vài miếng thức ăn, Nghiêm Dụ hình như đang nhận xét món trứng xào cà chua, Đào Trác mỉm cười.

Trần Nhàn tưởng mọi chuyện thế là xong, nhưng Đào Trác mới ăn vài miếng đã lại đặt đũa xuống và tiếp tục lục lọi.

Cậu cắn đũa, lôi ra từ trong cặp sách ra một chai sữa lớn, nhét vào tay Nghiêm Dụ, rồi lại lôi ra một chiếc bánh, nhét tiếp vào tay hắn. Sau đó là hai ổ bánh mì, hai phần lớn dưa hấu và xoài, hai hộp sữa chua, hai gói đồ ăn vặt làm bữa khuya... tất cả đều được đưa cho Nghiêm Dụ.

Trần Nhàn không khỏi nghi hoặc nghĩ, làm sao trong cặp cậu nhóc có thể đựng được nhiều đồ như vậy?

Nhưng bà không làm gì cả, cứ lặng lẽ đứng bên cửa sổ nhìn, nhìn hai thiếu niên ngồi cạnh nhau.

Hai người ăn cơm xong, chỉ nói chuyện vài phút. Trời dần tối, Đào Trác cúi đầu xem đồng hồ, lúc đó là 6 giờ 30 phút.

Có lẽ sắp muộn giờ học buổi tối nên cậu bật dậy, đeo chiếc cặp sách trống không, xoay người định chạy ra cổng bệnh viện.

Nghiêm Dụ bất ngờ đưa tay ra, nắm lấy cổ áo cậu kéo lại.

Có một khoảnh khắc, Trần Nhàn tưởng Nghiêm Dụ sẽ hôn cậu.

Nhưng Nghiêm Dụ không làm vậy.

Nghiêm Dụ chỉ cúi người xuống, cẩn thận kéo khóa áo khoác cho Đào Trác. Rồi hắn xoa đầu cậu, nhìn theo cậu rời đi.

Trần Nhàn chứng kiến toàn bộ cảnh tượng ấy, gương mặt không cảm xúc. Bà ngồi lại trên giường, ôm máy tính giả vờ làm việc.

Mười phút sau Nghiêm Dụ quay lại, trên mặt cũng là vẻ không cảm xúc giống hệt bà.

Trần Nhàn im lặng một lúc, cuối cùng không nhịn được mà hỏi: "Con ăn cơm chưa?"

Nghiêm Dụ nói: "Con ăn rồi."

Trần Nhàn hỏi tiếp: "Ngon không?"

Nghiêm Dụ bỗng khựng lại, quay đầu bình tĩnh nhìn bà, thốt ra một câu trần thuật vô cùng điềm tĩnh: "Mẹ nhìn thấy rồi."

Trần Nhàn: "..."

Đôi lúc Trần Nhàn không hiểu sao Nghiêm Dụ lại nhạy bén đến vậy, có lẽ là giống mình chăng. Bà chỉ hừ một tiếng mà không đáp.

Nghiêm Dụ cười nhạt: "Nếu là đồ mua ở ngoài, con sẽ nói rất dở. Nhưng vì là do cậu ấy làm, nên rất ngon, rất vừa miệng. Mẹ hiểu ý con chứ?"

Trần Nhàn: "............"

Thấy Trần Nhàn đã phát hiện ra, Nghiêm Dụ cũng không giấu giếm nữa. Hắn quang minh chính đại lấy bánh ngọt và sữa mà người kia đưa ra, đặt lên bàn vừa làm bài tập vừa ăn.

Hắn vẫn không động đến điện thoại, tập trung đọc xấp đề ôn tập mà Đào Trác vừa mang đến.

"Nghiêm Dụ." Trần Nhàn bỗng lên tiếng, Nghiêm Dụ quay đầu liếc nhìn bà.

Trần Nhàn hỏi: "Sao không trả lời tin nhắn?"

Nghiêm Dụ thu hồi ánh mắt, đọc đề bài với vẻ mặt không cảm xúc: "Mẹ lại xem điện thoại của con à?"

Trần Nhàn nói: "Người ta đã đến tận bệnh viện tìm rồi, sao con không liên lạc?"

Nghiêm Dụ nghĩ một lúc rồi thản nhiên đáp: "Ảnh hưởng đến việc học của cậu ấy."

Tuy nhiên nhìn vẻ mặt của Nghiêm Dụ, Trần Nhàn lại hiểu ra điều gì đó.

"Hai đứa gặp nhau từ trước rồi." Trần Nhàn khẳng định chắc nịch.

"Ừm." Nghiêm Dụ thừa nhận, "Thứ Tư hàng tuần, năm phút."

"Bắt đầu từ khi nào?"

"Từ học kỳ trước."

Trần Nhàn và Nghiêm Dụ đều thông minh như nhau. Khi Nghiêm Dụ vừa nói năm phút, bà lập tức đoán được mọi chuyện là thế nào.

Đó là năm phút ngắn ngủi nhưng lại dài đằng đẵng, là khoảng cách xa xôi mà họ vẫn cam tâm tình nguyện vượt qua.

Chỉ có ba trăm giây, nhưng Nghiêm Dụ lại dùng cả một tuần để chờ đợi.

Trong khoảnh khắc ấy, Trần Nhàn dường như hiểu ra vì sao họ không nhắn tin WeChat cho nhau.

Thời đại internet, ngôn từ truyền tải qua tín hiệu điện tử trở nên quá rẻ mạt. Bạn có thể dễ dàng nói nhớ, nói thích, nói yêu với một người trên điện thoại bất cứ lúc nào. Nhưng nào ai biết được, tận mắt nhìn thấy, tận tai nghe thấy, tự tay chạm vào nhịp tim và hơi thở của người kia, cảm nhận được sự khao khát mãnh liệt mà người ấy dành cho mình, mới là điều đáng quý biết bao.

Vì vậy, họ ngầm hiểu mà giữ im lặng, chờ đợi cuộc gặp gỡ mỗi tuần một lần.

Cho dù chỉ là trao nhau một nụ cười, họ cũng đã cảm thấy mãn nguyện.

"......Nghiêm Dụ." Trần Nhàn thở dài, bất ngờ nói, "Con về đi."

"Con đợi lát nữa rồi về." Nghiêm Dụ thản nhiên đáp, "Đợi qua giờ cao điểm đã."

"Không phải bảo con về nhà," Trần Nhàn rất bình tĩnh, "con quay lại trường Trung học số 1 đi."

Nghiêm Dụ ngẩn người, quay đầu lại nhìn Trần Nhàn với vẻ không dám tin.

Trần Nhàn khẽ mở miệng, ấp ủ hồi lâu, như thể thời gian ngưng đọng lại.

Cuối cùng lời nói ấy cũng tuôn ra từ đầu lưỡi: "Con nói đúng, từ trước đến nay mẹ chỉ... chỉ đang áp đặt mong muốn của mình lên con. Chỉ muốn giữ chặt con không buông... Nhưng con rồi sẽ có cuộc sống của riêng mình."

"Cả nửa đời trước của mẹ đã bị hủy hoại bởi một kẻ khốn nạn, không cần phải đánh mất nốt nửa đời sau vì gã. Và cả con trai của mẹ nữa."

Trần Nhàn quay đầu đi, vẫn giữ thái độ cứng rắn: "Mẹ không muốn can thiệp vào con nữa. Mẹ muốn bắt đầu lại cuộc sống của riêng mình. Còn con... con tự lo liệu đi. Nhưng trước khi tốt nghiệp không được yêu đương, không được ảnh hưởng đến thành tích."

Cửa sổ bất chợt bị gió thổi tung, tiếng xe cộ ồn ào náo nhiệt tràn vào phòng bệnh.

"Cảm ơn mẹ." Nghiêm Dụ nhẹ giọng nói.

"Không cần cảm ơn mẹ," Trần Nhàn nói, "con đã thắng. Là con mình tự giành lấy. Con nói đúng, Đào Trác... là một người rất tốt."

Thế giới tĩnh lặng đã lâu, dường như trong nháy mắt lại mở ra lần nữa.

Cuối tháng Hai, cái thời tiết ẩm ương chết tiệt lại đến sớm. Quần áo phơi mãi không khô, đồ đạc trong ký túc xá để lâu thì mốc meo. Khắp nơi ẩm ướt, cứ như ngâm trong nước vậy.

Đào Trác thấy chăn quá ẩm, bèn ôm cuộn chăn dày cộp xuống lầu phơi. Lúc xuống cầu thang cậu cẩn thận nhìn xuống đất, sợ bất cẩn mà trượt chân ngã phải vào phòng y tế.

Lúc này học sinh lớp 10 và 11 chưa nhập học, cuối tuần trường cũng không có nhiều người. Đào Trác trải chăn xong, như cảm nhận được điều gì đó mà ngẩng đầu lên nhìn. Cậu thấy mây hồng rực cả một vùng trời, cuồn cuộn kéo đến từ phía xa, ngày mai chắc chắn sẽ là một ngày nắng đẹp.

Cậu mang theo cốc nước lên lầu, lại nhớ ra điện thoại để quên chỗ phơi chăn, đành bực bội đi xuống lấy.

6 giờ 30 phút, bầu trời đỏ rực như lửa. Ánh sáng chiếu lên khuôn mặt cậu, nhuộm đỏ cả thế giới.

Đào Trác đút hai tay vào túi, vừa nhảy xuống cầu thang vừa nghêu ngao hát. Đến khi rẽ qua góc cầu thang thì cậu bỗng khựng lại, trước mắt xuất hiện một bóng hình quen thuộc.

Người nọ đeo cặp một bên vai, tay cầm áo khoác. Hắn nhìn thấy Đào Trác thì hơi nghiêng đầu, đưa tay kia lên tháo chiếc airpods trong tai ra.

Nghiêm Dụ cứ yên lặng nhìn sang như vậy, đứng trong ánh chiều vàng đỏ rực rỡ. Dưới chân hắn là bóng hoàng hôn phản chiếu trên mặt nước mỏng, tựa như trở lại ngày đầu gặp gỡ.

Nhưng đây không phải lần gặp đầu tiên, mà là trùng phùng.

Đào Trác sững người tại chỗ, cậu muốn nói gì đó nhưng lại không thốt nên lời.

Nghiêm Dụ cong khóe môi, vẻ mặt vô cùng dịu dàng. Hắn chậm rãi bước lên, dừng lại trên bậc thang trước mặt.

Hắn nhìn Đào Trác, rồi ngẩng đầu lên, hôn nhẹ vào má cậu.

Giây phút ấy, cơn gió mạnh từ xa thổi qua hành lang, cuốn theo một tờ đề thi bị ai đó bỏ quên trên mặt đất, tờ giấy trắng bay về phía xa như cánh diều.

"Xin lỗi, để cậu đợi lâu rồi."

Nghiêm Dụ nhẹ giọng nói, giây tiếp theo đã bị Đào Trác túm lấy cổ áo và hôn.