Ngày Mai Mưa Tạnh

Chương 17-2: Chuyện xảy ra sau đó




"Tạm biệt thầy Tiểu Du!"

"Tạm biệt Tử Phàm." Dụ Hà vẫy tay với cậu bé, xoay người đóng cửa phòng sách.

Tào Tư Duy thấy cậu đi ra bèn đứng dậy tiễn, đưa cho cậu một phong bì: "Vất vả cho thầy Tiểu Du quá, đây là tiền dạy ứng trước."

Dụ Hà lễ phép cầm lấy, cười nói cảm ơn anh Tào.

"Không cần cảm ơn, tôi phải cảm ơn thầy ấy chứ, hai buổi học qua tôi ngó vào xem thử cũng thấy Tử Phàm rất thích ở cùng thầy, tôi cảm thấy có thầy thì chắc thằng bé có thể học vào đầu..." Tào Tư Duy thở dài, hàng mày nhíu chặt đầy vẻ lo lắng: "Từ ngày tôi với mẹ nó ly hôn... Ầy, thời gian này vẫn phải phiền thầy nhọc lòng, thầy Tiểu Du."

Việc nhà người khác Dụ Hà không thể xen vào, may sao Tào Tư Duy không nói tiếp, cười mỉm tự ngừng lời. Anh ta tiễn Dụ Hà ra thang máy, xác định lại thời gian học lần nữa.

Thang máy đi xuống từ tầng 24, có cảm giác mất trọng lực trong chốc lát, Dụ Hà tựa vào vách buồng thang máy bằng kim loại mát lạnh thở dài thườn thượt, không kìm được siết chặt phong bì.

Chắc hẳn trong phong bì có lương hai tuần là 1200 tệ.

Học sinh lần này tên Tào Tử Phàm, nhỏ hơn Dụ Hà mười tuổi, học lớp 8, bố cậu bé là Tào Tư Duy hiện đang làm kỹ sư cho một công ty xây dựng trong nước, quanh năm bận dự án, mới ly hôn được nửa năm, việc này khiến quan hệ cha con hơi căng thẳng, thành tích của Tào Tử Phàm cũng tụt dốc không phanh. Hiểu rõ nhiều khả năng tâm trạng con trai u uất dẫn đến không thích học, Tào Tư Duy nghe lời khuyên của bạn tìm cho con một gia sư riêng, phụ đạo bài vở là phụ, cái chính là ở bên Tào Tử Phàm.

Anh ta hỏi thăm đến tận con gái của bạn đang học tại Đại học Đông Hà, Bồ Tử Liễu bèn giới thiệu Dụ Hà.

Nếu không có gì bất ngờ cậu sẽ gia sư cho Tào Tử Phàm đến hết nghỉ hè theo như thỏa thuận, các môn học gồm Vật lý, Tiếng Anh và Toán, tuy mệt với lương không hậu hĩnh lắm nhưng có hai điều bấu níu Dụ Hà.

Một là khu dân cư này cách nơi Dụ Hà đang sống sáu ga tàu điện ngầm, đi mất tầm nửa tiếng, sáng sớm không có nguy cơ tắc đường. Hai là cuối tuần Tào Tử Phàm phải đi tập bóng đá, mỗi tuần chỉ cần dạy năm ngày. Thời gian còn lại Dụ Hà có thể đến bệnh viện chăm bố, thay ca cho chú thím.

Rời khu dân cư, Dụ Hà ăn bát mì chay ở quán vỉa hè rồi vội vàng đi tới điểm đến tiếp theo.

Cả buổi sáng nói không ngừng nghỉ, Dụ Hà ngồi trên xe buýt chợp mắt một lát, kết quả đi quá bến, phải xuống tàu đạp xe đạp công cộng vòng về, lúc chạy vào tiệm cà phê người ngợm mướt mồ hôi, may mà không muộn làm.

Tiệm này là một chuỗi thương hiệu không nhắm vào phân khúc cao cấp, chủ yếu bán mang về chứ rất ít dùng tại chỗ. Tiệm nằm ở khu thương mại lâu đời phía Tây thành phố, xung quanh tập trung các tòa nhà văn phòng, hằng ngày chỉ tính riêng đơn trên ứng dụng giao đồ ăn đã có thể lên đến hàng nghìn.

Dụ Hà thay đồng phục bắt đầu làm việc, chẳng kịp nói câu nào với đồng nghiệp.

In đơn xem đơn, làm cà phê, đóng gói một cách máy móc, thỉnh thoảng cãi nhau với người giao hàng, đối phó với khách mắc chứng khó lựa chọn, đứng liên tục bảy tiếng bắp chân mỏi nhừ run lẩy bẩy, hết ca thì nhận một hộp cơm, bấy giờ Dụ Hà mới có thời gian nghỉ lấy hơi.

Đồng nghiệp cùng ca với cậu hôm nay là Đinh U Hàn, tên nghe như tiểu thuyết võ hiệp nhưng ngoại hình vô cùng hiện đại, ăn mặc phong cách unisex, để tóc ngắn, chiều cao ít nhất 1m75, đứng cạnh Dụ Hà không chênh lệch mấy.

Đinh U Hàn cầm hộp cơm cho hai người: "Nay có thịt lợn thái sợi với giá đỗ xào, còn cả rau diếp ngồng xào ức gà, ngon."

Dụ Hà luôn ăn rất nhanh, và dăm ba miếng đã xong, đứng dậy thay quần áo.

"Cậu cẩn thận lát nữa lại co thắt dạ dày." Đinh U Hàn biết Dụ Hà vẫn chưa nghỉ, lo cậu làm mình mệt quá: "Làm thông ba ca... Không suy nghĩ đổi công việc thật à?"

"Đâu ra cái kiểu đuổi người hộ chủ tiệm thế." Dụ Hà nói đùa.

Đinh U Hàn: "Tôi làm toàn thời gian nên thấy vẫn ổn, nhưng cậu chỉ làm thêm, lương giảm đã đành, cường độ công việc còn chẳng kém bọn tôi... Thật sự không cần thiết đâu, sinh viên ưu tú như cậu làm gì chẳng được."

"Làm tạm mà, cuộc sống ép buộc!" Dụ Hà đứng lên: "Đi trước đây."

Đinh U Hàn bảo cậu chờ chút, lấy hộp sữa chua trong tủ khăng khăng nhét vào cặp cậu, sau đó vừa ngậm đũa vừa vui vẻ vẫy tay chào: "Đi đường chú ý an toàn."

"Cảm ơn chị Hàn!" Dụ Hà nhoẻn miệng cười, mang theo lòng tốt của cô nghiêng mình đi ra ngoài cửa.

Đông Hà gần biển, đêm hè gió thổi mát rượi, thời kỳ nóng nhất cũng không oi bức khiến người ta khó chịu. Dụ Hà khoác cặp, đi vào ga tàu điện ngầm trong nắng chiều tà dần tắt.

Qua giờ cao điểm buổi tối tàu còn nhiều ghế trống, Dụ Hà ngả người về sau, ngẩng đầu bị ánh đèn sáng tỏ chiếu vào, thẫn thờ một lúc cũng không hoàn hồn.

Cậu đã duy trì nhịp sống này ngót nghét một tháng, ắt hẳn còn phải kéo dài đến khi khai giảng, càng ngày càng khó khăn. Năm cuối đại học không có tiết, cậu định xem tình hình rồi hỏi có công việc bán thời gian nào trong trường không, như thể phải tận dụng từng phút từng giây.

Không phải Dụ Hà tự làm khổ mình, cậu cần tiền.

Chính xác như những gì cậu nói với Đinh U Hàn, "cuộc sống ép buộc" mà thôi.

Sau khi trở về từ Lâm Thủy, Dụ Hà đã nói chuyện nghiêm túc với người mẹ Mạnh Nghiên, từ đầu đến cuối mẹ đều tránh nhắc tới chuyện ly hôn, muốn lảng sang chủ đề khác. Nhưng Dụ Hà rất kiên quyết, lúc bấy mẹ mới thú nhận là bên ngoại đang liên lạc với ông chủ xưởng gia công ở Tân Thành.

Không phải Dụ Hà không chịu nổi, trái lại cậu còn quá điềm tĩnh trước nước mắt của mẹ.

"Mẹ bàn bạc thế nào với bố con không có ý kiến, bố đã đồng ý thì con không còn gì để nói. Con không muốn ngăn cản mẹ sống cuộc sống tốt hơn, nhưng nếu mẹ nghĩ kỹ rồi, con chỉ có một thỉnh cầu nhỏ." Hôm đó tâm trạng cậu bình tĩnh hơn bao giờ hết, nhìn thẳng vào Mạnh Nghiên, cố tình nói sao cho tàn nhẫn: "Mẹ, mong mẹ đi rồi thì đừng quay về nữa, đừng để con nhớ nhung."

Giọng điệu của cậu rất ôn hoà nhưng Mạnh Nghiên càng nghe càng khóc dữ dội, ngoài câu "mẹ có lỗi với con" thì không nói được gì khác.

Cuối cùng mắt mẹ sưng húp. Mẹ muốn xoa tóc cậu, mới đưa tay ra cậu đã nghiêng đầu tránh.

Tuyến số 3 xuyên qua nội thành từ hướng Đông Bắc đến Tây Nam, ga cậu xuống cách điểm cuối bốn ga, lúc này đã gần chín giờ, các cửa hàng trên phố đều đóng cửa trừ quầy ăn đêm. Cây ngô đồng cành lá xum xuê đong đưa đón ánh sáng trong trời gió lộng, khi bốn phía vắng bóng người cũng khá giống phim kinh dị. Cửa hàng tiện lợi nằm giữa nhà cậu và Đại học Đông Hà, vị trí hơi khuất nên ca tối thường không có việc.

Mới đầu Dụ Hà ứng tuyển ở đây đã nói có thể làm đến bốn rưỡi sáng hôm sau kiểm kê hàng hóa luôn, chỉ cần lương nhân viên bán thời gian, chủ tiệm trả thêm cho cậu 500 tệ trợ cấp ca đêm.

Ca tối thường không bận việc gì, sau hai giờ có thể ngủ một giấc. Bên cạnh kho nới thêm một phòng để đồ kê giường gấp và chăn đệm, lắp điều hoà với nhà vệ sinh riêng, Dụ Hà hay ngủ tạm ở đấy.

Hôm nay cũng vậy, Dụ Hà kiểm tiền lần cuối, không có gì bất thường bèn tắt hết đèn chỉ chừa lại biển gọi khẩn cấp, sau đó mặc nguyên quần áo lên giường nằm.

Nằm giường gấp lâu không tốt cho đốt sống thắt lưng, tuy nhiên hiện tại Dụ Hà chẳng có lòng dạ kén cá chọn canh.

Giấc ngủ của cậu càng ngày càng tệ.

Theo lý mà nói ban ngày mệt nhọc hẳn sẽ ngả đầu xuống gối là ngủ luôn không mộng mị. Nhưng Dụ Hà trái ngược, cậu làm ba ca, khó khăn lắm mới được nghỉ mà tinh thần lại bắt đầu phấn khích không phân biệt thời gian địa điểm, nhắm mắt vào trong đầu toàn tiếng ồn ào đinh tai nhức óc, mở mắt ra cũng chỉ có thể cố thư giãn.

Dụ Hà thường nhớ đến ngày Mạnh Nghiên đi, mẹ không mang hết đồ cứ như một ngày nào đó vẫn quay lại.

Chọn giữa cuộc sống ngày càng khốn khổ bên người chồng hết hi vọng bình phục và cuộc sống mới nhà mẹ đẻ ưng không phải việc khó, chẳng qua lương tâm cắn rứt, Mạnh Nghiên không thể vứt bỏ con trai quá nhanh, mẹ cho Dụ Hà một khoản tiền đủ để thanh toán chi phí điều trị thuốc men ba tháng còn lại, dù Dụ Hà nói khó nghe đến thế cũng không bỏ đi ngay, hệt như mong muốn con trai tha thứ.

Nhưng giờ Mạnh Nghiên ở nhà ngoại thường xuyên, thái độ như người bị hại, lâu ngày Dụ Hà không gặp mẹ làm cảm xúc đau lòng ban đầu đã trở nên chai sạn.

Mạnh Nghiên bỏ đi, trọng trách chăm sóc bố điều trị phục hồi chức năng rơi lên vai Dụ Hà, may còn có chú thím thay phiên vào chăm để Dụ Hà không tới nỗi trông nom người bệnh lại không thể kiếm tiền nuôi gia đình.

Đầu óc cậu căng thẳng chẳng cách nào thả lỏng dễ dàng, mỗi ngày đều phải tính đi tính lại trên điện thoại.

Đến khi khai giảng, gộp tất cả lương làm thêm đủ để đóng học phí và chi phí ăn ở, cậu sẽ xem thử việc lặt vặt gần trường đáp ứng chi tiêu sinh hoạt. Còn các chi phí chữa bệnh khác Dụ Hà vẫn chưa biết tính sao.

Cậu không có thời gian oán trách, cũng gần như chẳng còn lòng dạ nhớ nhung với yêu thương ai.

Từ đây cuộc đời bước lên một con đường khác hẳn, trước mặt là quãng thời gian vô lo vô nghĩ cậu vẫn có thể mơ mộng mà không cần bôn ba kiếm sống, sau lưng là hiện thực tàn khốc tiêu tiền như nước, chẳng hay khi nào mới kết thúc.

Thi thoảng Dụ Hà sẽ nhớ về hai đêm cùng Khương Hoán, nhiệt độ khi cơ thể cận kề dường như vẫn vấn vít trên da. Hương hoa bách hợp ngào ngạt trong không gian chật kẹp, mùi ngọc lan thơm dịu, cỏ cây sinh trưởng tốt tươi, mùi đất ngai ngái và sự dịu dàng ướt át trong ảo tưởng bủa vây lấy cậu.

Dụ Hà trở mình kéo chăn che đầu, vành mắt cay xè.

Hoa ngọc lan đã héo sau ba ngày về đến Đông Hà, làm thành hoa khô thì ngả màu tím, không thể tươi trở lại nhưng mùi thơm nồng nàn hơn, Dụ Hà cất vào một chiếc hộp nhỏ đặt ở gần cửa, về nhà là sẽ nhìn thấy ngay.

Cậu không hiểu mình vẫn vấn vương gì Khương Hoán, gửi trả điện thoại xong hẳn là họ không còn tiếp xúc nào mới đúng.

Từ ngày rời Xuân Minh, câu nói vu vơ của Tạ Văn Tư vẫn liên tục tra tấn Dụ Hà.

"Cậu làm nũng với cậu ta đi."

Tỏ ra yếu thế luôn có tác dụng, ít nhất có thể đổi lấy lợi ích giải quyết tình trạng khó khăn trước mắt. Nhưng Dụ Hà chưa bao giờ nảy sinh suy nghĩ này.

Cậu không thích nhờ vả người khác, cũng không làm được việc giả vờ đáng thương tranh thủ lòng thương cảm, có lẽ vì thích cố tỏ vẻ không chịu thừa nhận mình nhỏ bé, và do cậu đã mất mát quá nhiều, nếu mất cả tôn nghiêm thì sẽ thật sự chẳng còn gì nhiều nhặn.

Chí ít bây giờ cậu vẫn chưa đến bước đường cùng.

Trước khi ý thức dần mê man, Dụ Hà mơ màng nghĩ: Đây quả thật là mùa hè khó sống nhất kể từ khi cậu sinh ra tới giờ.

Hôm sau vừa khéo là thứ bảy, không cần phụ đạo Tào Tử Phàm. Dụ Hà bàn giao ca sáng, về nhà tắm gội qua rồi đến bệnh viện phục hồi chức năng.

Tình trạng hồi phục của Dụ Khánh Đào tốt hơn tưởng tượng, ngay cả bác sĩ cũng nói trong số những người liệt tứ chi, bố được xem là ca bệnh có ý chí kiên định và tình trạng sức khoẻ rất tốt, tuy khó hy vọng chữa khỏi hoàn toàn nhưng khả năng trở lại cuộc sống bình thường vẫn rất cao. Bác sĩ nói vậy Dụ Hà yên tâm phần nào.

Dụ Khánh Đào không trách móc quyết định dứt áo ra đi của vợ, khi em trai Dụ Khánh Nguyên và em dâu Tang Lập Tuyết cảm xúc kích động còn trấn an họ là đừng để bụng quá.

Lúc thím không có mặt Dụ Hà từng hỏi sao bố không giận. Khi đó Dụ Khánh Đào chỉ cử động được đầu ngón tay, bố gõ lòng bàn tay cậu cất giọng khàn khàn khó nghe, chữ líu nhíu phải nghe kỹ mới hiểu.

"Mẹ con vất vả lắm." Dụ Khánh Đào nói câu nào với cậu cũng phải nghỉ rất lâu: "Đừng trách mẹ."

Khi ấy Dụ Hà gật đầu đáp "vâng".

Hôm nay cậu đi tập phục hồi chức năng với bố như thường lệ, xoa bóp, chườm nóng và thay thuốc cho bố. Làm xong tất cả thì Tang Lập Tuyết mang cơm trưa vào, Dụ Hà vẫn ăn vài miếng đã no, phải tới tiệm cà phê tiếp tục làm thêm.

Tang Lập Tuyết xuống tầng cùng cậu, mới nói đôi câu mắt đã đỏ hoe: "Thím vô dụng, không giúp được con..."

Thím và Dụ Khánh Nguyên lấy nhau xong vẫn luôn không có con, hai vợ chồng đều bị giục, đi viện khám phát hiện sức khoẻ Tang Lập Tuyết có vấn đề, bố mẹ Dụ Khánh Nguyên lập tức làm ầm lên.

Quãng thời gian vợ chồng Dụ Khánh Nguyên áp lực nhất chỉ có Dụ Khánh Đào đứng ra nói đỡ. Với tư cách là anh cả và trụ cột trong nhà, bố lựa lời khuyên nhủ ông bà suốt một tháng mới làm ông bà chấp nhận tình hình hiện tại. Sau đó lại vì mâu thuẫn giữa ông bà và chú thím mà bố thường xuyên vận động hai bên, đến bây giờ cả nhà đã có thể hoà thuận ngồi lại với nhau, không nhắc gì chuyện con cái nữa.

Bởi vậy dù bình thường không sống cùng nhau nhưng hai nhà chưa từng xa cách, Tang Lập Tuyết luôn quan tâm Dụ Hà như con ruột. Lần này Dụ Khánh Đào xảy ra chuyện, hai vợ chồng cũng tức tốc chuyển từ quê Tang Lập Tuyết là Tuyên An về Đông Hà.

Tuy nhiên hai nhà đều không khá giả, sau chuyện của Mạnh Nghiên, vợ chồng Dụ Khánh Nguyên có lòng không muốn Dụ Hà mệt mỏi quá, nhưng áp lực kinh tế không cho phép nên đành giúp đỡ nhiều hơn trong những phương diện này.

Thấy trong một tháng ngắn ngủi mà Dụ Hà gầy rộc hẳn đi, Tang Lập Tuyết vừa thương vừa tự trách.

Dụ Hà lại an ủi thím, nói thím vất vả. Hai dì cháu trò chuyện một lúc, Tang Lập Tuyết lo Dụ Hà đi làm muộn, lau nước mắt rồi đưa cho Dụ Hà một ít đồ ăn vặt mình tự làm, bấy giờ mới tạm biệt.

"Con phải chăm sóc bản thân cho tốt." Tang Lập Tuyết nắm tay Dụ Hà, cố gượng cười để tâm trạng cậu tốt hơn: "Tiểu Du đừng lo lắng, chúng ta sẽ ổn hết thôi."

Mùa hè dài dằng dặc như không có tận cùng, năm nay Đông Hà nắng vàng rực rỡ xua tan mưa mù, thời tiết đẹp hiếm thấy.