2.
Còn về lời dặn dò của tôi, Trần Xuyên chẳng thèm để tâm.
Đồ ăn vặt là mẹ anh ta mua, trong tiềm thức anh ta cho rằng tôi làm như vậy là đang chống đối lại bà ta.
Anh ta đâu phải không biết con mình bị dị ứng, nhưng anh ta lại là một người quá hiếu thảo.
Đồ ăn vặt có thể giúp con gái và bà nội thân thiết hơn, cái chuyện dị ứng nho nhỏ ấy làm sao anh ta có thể để tâm?
Còn tôi, với tư cách là một người mẹ, liệu có nên trở mặt với họ để bảo vệ sức khỏe con mình hay không, đây là một vấn đề đáng để suy nghĩ.
Nhưng mà, vào lúc này đây, tôi không chỉ là mẹ, trước hết tôi là chính bản thân tôi, là con gái của mẹ tôi.
Với tư cách là một người cha, Trần Xuyên có thể thất trách không quan tâm đến sức khỏe của con, vậy thì một người làm mẹ như tôi, tại sao lại không thể ích kỷ một lần?
Hơn nữa, trong tình huống mẹ tôi chịu ấm ức, tại sao tôi phải nhẫn nhịn?
3.
Tôi chuyển đến ký túc xá của công ty ở.
Dự án đang trong giai đoạn nước rút, không còn vướng bận chuyện nhà, hiệu quả công việc tăng lên rất nhiều.
Ba ngày qua, tôi chưa gọi điện về nhà một lần, còn Trần Xuyên cũng đang dùng cách riêng của anh ta để thể hiện sự không hài lòng với tôi.
Mỗi tối, anh ta đều đúng giờ nhắn tin cho tôi, báo rằng con vẫn khỏe, không kén ăn, không nghịch ngợm, thậm chí cả tật hay nháo đêm cũng không còn nữa.
Bề ngoài thì anh ta muốn tôi yên tâm, nhưng thực chất là đang nói với tôi rằng mẹ anh ta chăm con rất giỏi, những tật xấu mà mẹ tôi gặp phải khi chăm cháu đều được giải quyết hết.
Như vậy, cho thấy mẹ tôi đã quá vô lý.
Ngọn lửa giận trong lòng khiến tôi càng thêm yên tâm thoải mái mặc kệ.
Tình trạng này kéo dài đến tối ngày thứ ba.
Khi tôi tắt máy tính chuẩn bị nghỉ ngơi, Trần Xuyên gọi điện đến.
Trong lời nói của anh ta cố ý kìm nén sự hoảng loạn, tỏ vẻ bình tĩnh bảo rằng lưng con bé bị nổi vài nốt mẩn đỏ nhỏ, hỏi tôi thuốc mỡ để ở đâu.
Tôi nói vị trí của thuốc mỡ, rồi cúp máy mà không hỏi thêm câu nào nữa.
Nửa đêm, điện thoại lại reo lên, lần này còn kèm theo tiếng khóc nức nở của Nữu Nữu, vừa khóc vừa kêu ngứa.
Tình trạng này chắc chắn không chỉ đơn giản là vài nốt mẩn đỏ nhỏ nữa rồi.
Cuối cùng Trần Xuyên cũng không thể cứng rắn được nữa, anh ta nói: “An Ninh, em mau về xem đi, thoa thuốc mỡ cũng không đỡ.”
Tôi lười biếng ngáp một cái.
“Ồ, dị ứng à, bình thường mà, con bé ăn đồ ăn vặt là dị ứng ngay thôi, cần gì phải chuyện bé xé ra to?”
“Không phải anh nói mẹ anh nuôi con theo kiểu tự do mà anh vẫn khỏe mạnh sao? Có gì mà hoảng hốt? Để vậy tự nhiên là nó lành thôi.”
Tôi lại cúp máy một lần nữa.
Đồng nghiệp nói tôi quá nhẫn tâm, nhưng cô ấy không biết, tôi nhẫn tâm là có lý do cả.
4.
Từ khi kết hôn, quan hệ gia đình tôi bắt đầu xuất hiện vấn đề.
Sau khi cưới, dù rất thích trẻ con nhưng sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, tôi và Trần Xuyên vẫn quyết định ưu tiên sự nghiệp, vài năm sau hẵng sinh con.
Mẹ chồng tôi lại sốt ruột, bà ta vội vàng từ quê lên, thề thốt rằng chúng tôi cứ sinh con đi, bà ta sẽ ở lại thành phố giúp tôi chăm sóc cháu.
Tôi tin lời bà ta, nhưng sau khi sinh con gái, mọi chuyện đã thay đổi.
Mẹ chồng đề nghị, sau này bà ta và mẹ tôi mỗi người trông cháu một tháng, như vậy sẽ có người thay phiên, ai cũng đỡ mệt.