Mộng Chiếu

Chương 68: Giao Thiệp Ngầm




Chỉ năm chữ "nghịch tặc Đường Vệ Khiêm" này phốt ra từ miệng Nhiếp Tư Mặc thôi đã đủ khiến bất kỳ ai trong đại trướng khi ấy phải lạnh người. Tự cổ chí kim, phạm húy Thiên tử từ lâu đã bị liệt vào đại tội. Thần tử dưới trướng không kể thân phận, dù là ai đi chăng nữa cũng không thoát được bị tru di tam tộc.

Tuy rằng Tô Mạc Vãn không sống trong vùng lãnh thổ của Đại Trưng, cũng không đi theo bất kỳ một chế độ quân chủ nào, không làm thần làm tử dưới chân ai. Thế nhưng ngay tại đây, hắn cảm nhận được một tảng đá lớn đang đè nặng trước ngực mình, chẳng thể biết rõ vì sao, chẳng biết đó là loại cảm giác gì.

Không phải sợ hãi, không phải nóng vội, càng không phải rụt rè.

Tất cả đề không phải.

Công Tôn Dự cười nhạt, nếp nhăn trên gương mặt lão xô đẩy lại gần nhau hơn, vẻ già nua nay càng thêm khắc khổ: "Aizzz... năm mươi năm ta ngồi trên yên ngựa, Nam chinh Bắc chiến đã không biết đã qua bao nhiêu cái hoàng hôn, tuyết rơi. Ba chữ "Túc Văn vương" này, từ lâu đã không còn ai gọi nữa rồi."

Rất lâu về trước, trên đất Trung Nguyên từng nổi danh một vị Chỉ huy sứ* họ Công Tôn, húy danh là Dự. Người này chinh chiến nửa đời, dụng binh như thần, tài trí vô song, là một thanh đao tốt trong tay Hoàng đế để ngài bình trị thiên hạ.

*Chức quan nắm giữ việc chinh phạt.

Công Tôn Dự là số ít những người không mang họ Đường nhưng lại được phong Vương, hưởng mọi vinh hoa phú quý như một thân thích hoàng tộc. Tất cả đều vì trí dũng hơn người cũng như những chiến công hiển hách mà lão đã lập được năm xưa.

Thế nhưng có ai mà ngờ được, vị Túc Văn vương uy danh lừng lẫy ấy lại chính là tàn dư của nước Vệ thời kỳ Loạn Thập Quốc. Mang theo mối hận mấy mươi năm, lão âm thầm hợp binh các gia tộc có cùng mối thù với họ Đường để từ đó từng bước lật đổ vương triều, giành lại phần đất của tổ tiên năm xưa, đồng thời ôm tham vọng chấn hưng Công Tôn thị, gây dựng một nước Vệ hùng mạnh.

Thế nhưng, cuối cùng đất tổ không những không giành lại được mà quân binh trong tay lão cùng các đồng minh khác đều bị Hoàng đế cho người diệt sạch ở đất Nam Dao. Âm mưu tạo phản đã vỡ lở, Công Tôn Dự bị phế truất tước vị, thu hồi toàn bộ đất phong, đời đời kiếp kiếp không được quay lại Đại Trưng, vĩnh viễn mất đi thân phận, mang trên mình nỗi ô nhục muôn đời không thể rửa.

Vị Túc Văn vương năm nào giờ đây lại đang trốn chui trốn nhủi nơi thảo nguyên đất Hồ, ăn mặc sinh hoạt hệt như một người Hồ. Bất đắc dĩ trở thành dáng vẻ mà bất kỳ người Trung Nguyên nào cũng khinh miệt mà gọi một tiếng "man di".

Nhiếp Tư Mặc siết chặt lòng bàn tay, nuốt đi cơn xúc động còn đang trực trào, chớp chớp hàng mi để ngăn không cho nước mắt rơi xuống. Tô Mạc Vãn bắt đầu sinh ra đủ loại ý niệm mơ hồ, hắn không biết những giọt nước mắt kia là thật hay giả, phẫn uất kia liệu có thực sự xuất phát từ tâm can đáy lòng hay chỉ là một màn kịch không tì vết. Hắn cảm thấy bất an.

"Vì hắn Triệu thị ta táng gia bại sản, phụ mẫu, ông ngoại và cả huynh đệ ta bị chúng nhẫn tâm sát hại. Tất cả đều không một ai sống sót. Giờ đây Thanh Ty cũng phải sống trong cảnh ngày ngày bị triều đình truy sát đuổi cùng giết tận. Những gì tên cẩu Hoàng đế đã làm với chúng ta thật bẩn thỉu, đê tiện, vạn lần không bằng súc sinh!!"

Cuối cùng nàng cũng chẳng ngăn nổi những giọt nước mắt tuôn trào một cách mất kiểm soát. Nhiếp Tư Mặc khóc than, giọng bất lực: "Người bên kia suối vàng liệu có ra đi thanh thản nổi không... Thanh Ty yếu đuối nhu nhược, có chăng không đợi được đến ngày có thể trả mối huyết hải thâm thù ấy rồi..."

Công Tôn Dự đưa tay như muốn bao bọc thiếu niên non nớt trước mặt, lão bình thản nhắm mắt, khẽ thở dài, đưa tay vỗ vỗ lên lưng nàng.

"Đứa trẻ tội nghiệp của ta... Năm đó Triệu thị nhất mực trung thành với nghĩa quân, dẫu có đứng bên bờ vực sống chết vẫn không tiếc gì sinh mệnh. Ơn nghĩa của gia tộc ngươi, ta đời đời khắc ghi."

Lão ngửa mặt, con mắt nâu đục tựa bùn lầy một lần hướng vào xa xăm, Công Tôn Dự thở dài, ho khan mấy tiếng, đường nét gương mặt vốn hung tợn như một ác thần mà nay lại thấm đẫm u uất mỏi mệt của thời gian.

"Đường thị, Lý thị, Công Tôn thị rồi lại Lâm thị. Tranh giành đấu đã biết bao nhiêu năm, cuối cùng là vì cái gì? Chẳng phải đều cùng mang một dòng máu, cùng sinh ra và chết đi nơi Trung Nguyên đất mẹ sao?"

Lão hỏi, đến cuối cùng lại chẳng có nổi một câu trả lời thích đáng. Lão cũng chẳng cần, bởi lão chỉ muốn tự vấn lương tâm mình, chỉ cần bản thân hiểu là đủ. Thế nhưng bây giờ hiểu ra rồi… có lẽ cũng đã quá muộn.

"Không!", Nhiếp Tư Mặc rít lên, nàng bật dậy lay mạnh người Công Tôn Dự, nếu không phải lão là bậc tiền bối, là bề trên không thể vô lễ thì có lẽ nàng đã sẵn sàng giáng cho lão một cái tát.

"Túc Văn vương, ngài nói cái gì vậy? Sao ngài có thể cam chịu bọn chúng? Ngài đã quên những gì mà gia tộc ngài, nghĩa quân của ngài và bằng hữu của ngài đã phải chịu rồi sao!?"

"Chủ thượng! Xin Triệu công tử buông ngài ấy ra!"

"Xin công tử hãy dừng lại!"

Đám hầu cận hoảng hốt mà hô hoán, nhưng lại chẳng kẻ nào dám đến gần, bọn họ lo cho Chủ thượng nhưng cũng chẳng to gan đến mức vô lễ với vị khách quý kia, chỉ có thể lực bất tòng tâm mà dùng lời nói để cứu vãn mọi chuyện.

"Bình tĩnh lại đi", một bàn tay nam nhân sần xẹo trong tức khắc liền giữ lấy cánh tay của Nhiếp Tư Mặc một cách thô bạo, là Tô Mạc Vãn. Chắc biết có phải hắn đã vô tình quên mắt tên đồ đệ này của hắn vốn mềm yếu như cọng mỳ hay không mà lực từ tay hắn mạnh vô cùng, mạnh đến mức khiến Nhiếp Tư Mặc có cảm giác tay mình đã sắp gãy đến nơi rồi.

"Đừng có làm càn, đệ đang muốn lên mặt dạy dỗ Công Tôn lão nhân ư?", Hắn nói với âm giọng thản nhiên chẳng có mấy phần là khác với thường khi, thế nhưng sâu bên trong vẫn có sự cứng cỏi răn đe.

"Sư phụ...", nàng nhíu mày nhìn hắn, nói bằng thanh âm rất khẽ, có lẽ chỉ đủ để mình nàng nghe thấy, nhìn vào đôi mắt lãnh đạm kia của Tô Mạc Vãn nàng bất giác giật mình. Rất nhanh Nhiếp Tư Mặc đã trở về trạng thái tỉnh táo, đổi lại cách xưng hô sao cho không bị phát hiện: "Ca ca... đệ..."

Nàng rụt tay khỏi vai Công Tôn Dự, nhanh chóng dập đầu thi lễ: "Xin hãy thứ lỗi cho hành động lỗ mãng của Thanh Ty."

Tô Mạc Vãn thấy vậy cũng hành lễ phụ hoạ theo: "Khẩn xin Công Tôn lão nhân độ lượng mà bỏ qua cho tiểu đệ ta, tên nhóc tuổi nhỏ vô tri, chỉ vô tình bị kích động nhất thời mà thôi, không hề có ý gì khác."

Công Tôn Dự cũng không phải kiểu hẹp hòi đến mức để ý hành xử của một đứa nhóc, lão ân cần đỡ "hai huynh đệ họ Triệu" dậy rồi nói: "Đừng bận tâm. Aizzz... thiếu niên ấy mà... có ai lại không mang trong mình ngạo khí hừng hực cơ chứ."

Tô Mạc Vãn liếc nhìn nàng, thấy tên đồ đệ kia xem chừng không nói nổi gì nữa, cuối cùng đành lên tiếng thay: "Đa tạ Công Tôn lão nhân rộng lượng ân từ. Chẳng giấu gì ngài, hôm nay huynh đệ ta cùng đội buôn tới đây là để muốn trao đổi với các ngài một số chuyện có liên quan đến việc giao thương. Không ngờ lại bị tên nhóc này phá đám. Thật ngại quá."

Lão không nhìn Tô Mạc Vãn, phất tay áo quay trở lại tọa ỷ, ngồi xuống một cách chậm chạp rồi cười nhạt xua tay.

"Được rồi, có chuyện gì thì cứ để sáng mai hãng bàn. Mọi người cũng mệt cả rồi, người đâu, đưa nhị vị công tử cùng đội buôn của họ về lều trướng để nghỉ ngơi đi."

...

Khói xanh nhàn nhạt từ nghê đồng tinh xảo trao lượn ẩn hiện bên tấm mành châu đỏ thẫm màu chu sa. Phía sau bức mành là bóng hình một nam nhân trung niên dáng người cao cao vận bạch bào* có phần giản dị, trên đỉnh đầu là một búi tóc nho nhỏ lấm tấm sợi bạc được cố định bằng phù dung quan*. Người nọ ngồi trên long ỷ, một tay chống cằm, tay còn lại vân vê chuỗi tràng hạt nhỏ.

*Hình minh hoạ cuối chương.

Cách một lớp mành châu nên có căng mắt cũng chẳng tài nào nhìn rõ dung mạo ấy ra sao, chỉ có thể thấy người này khí độ bất phàm, ung dung phẳng lặng, chẳng hề ồn ào huyên náo, cũng không mang sát ý nặng nề như khi nhìn thoáng qua.

Từ phía gần đó lại xuất hiện thêm một người đàn ông trung niên tuổi tầm bốn mươi, năm mươi tiến lại. Người này mang y bào viên lĩnh màu tím than, bên hông quấn đai lưng bằng da, ngoài ra còn đeo trên đó một tấm Ngư phù* bằng đồng tương đương bàn tay trẻ nhỏ. Người nọ đội mũ Ô Sa cánh chuồn, tướng mạo đoan chính nghiêm minh.

*Hình minh họa cuối chương.

Ông ta khom lưng, hành lễ với người phía sau mành: "Bệ hạ, những kẻ phía Bắc lại không chịu ngồi yên rồi."

Một giọng nói lạnh lẽo khàn khàn vọng ra từ nơi mành châu: "Yên ổn còn chưa được bao lâu, chúng lại định làm gì đây..."



Người kia tiếp lời: "Cách đây không lâu ở biên cảnh phía Bắc đã xảy ra một trận ẩu đả tại một con trấn. Theo như những gì mà cấm vệ quân nghe ngóng và tìm hiểu được gì nguồn cơn là từ Lục Ảnh môn."

"Ừm... Lục Ảnh môn à... nói tiếp đi, số thương vong thế nào?"

"Có khoảng... một trăm thương nhân ngoại tộc bị giết, hai mươi người bị thương. Ngoài ra... không có một ai của Thiên Cực lâu tử vong cả."

"Ồ", người được gọi một tiếng "Bệ hạ" kia không giấu được sự kinh ngạc, miệng bật ra một tiếng cảm thán, điệu bộ vẫn không hề nóng vội.

"Bệ hạ, Thiên Cực lâu trước giờ hành động không lỗ mãng, giờ đây không những từ bỏ phía Nam mà còn từ chối giao tranh với Lục Ảnh môn. Lần này thực sự không đơn giản. Thần thấy chúng ta tuyệt đối không được buông lỏng cảnh giác ở phương Bắc. Bằng không hoạ vong quốc lại đến lúc nào không hay."

...

Đêm dài buông xuống nơi nội đồng mênh mang, tiếng gió hiu hắt lướt trên thảm cỏ xanh mềm rì rào như tiếng mưa bay. Đâu đây còn vang vọng tiếng nữ nhân khe khẽ ngân nga một điệu khúc dân gian của người Trung Nguyên, giống như một bà mẹ đang ru ngủ những đứa trẻ. Cũng giống như một người tha phương đã nhiều năm, nay vì nhung nhớ cố hương mà ngân nga đôi câu cho thoả nỗi niềm.

Trong túp lều gần đó hình như vẫn có người chưa chịu đi ngủ, lửa vẫn cháy, đèn dầu vẫn sáng, thỉnh thoảng lại nghe thấy tiếng ho, tiếng thở than khe khẽ.

Không gian lều trướng không quá rộng, vừa vặn để kê hai chiếc giường kiêm hai cái ghế, một chiếc bàn lớn, hai giá treo y phục và một cái bếp củi nhỏ. Ngoài ra không có những thứ thừa thãi khác.

Kiểu dáng của các vật dụng và chất liệu của chăn đều không giống với loại mà Nhiếp Tư Mặc từng thấy khi ở lều trướng của Đột Quyết lúc trên đường hoà thân. Cũng không khó hiểu bởi chủ của nhóm người này đâu phải người Hồ.

Chưa kể nơi đây nếu đem so với thảo nguyên của các bộ lạc thì vẫn còn thua xa về độ rộng, nguồn nước và cả số gia súc chăn thả. Cũng không thể đòi hỏi gì được ở đồng cỏ này bởi nơi đây một bên là cao nguyên, một bên là Trung Thổ, không hoàn toàn là thảo nguyên thực sự.

Trong lều trướng chỉ có một mình Nhiếp Tư Mặc, nàng ngồi xếp bằng trên nền đất trải lông cừu mềm, lưng tựa vào cây cột chống đỡ, đầu hơi nghiêng về cửa lều như thể đang lắng tai nghe ngóng thứ gì đó. Mắt nàng cụp xuống, hàng mi dày che phủ hoàn toàn con ngươi đen láy, chẳng biết nàng còn thức hay đã ngủ. Trên tay vẫn còn cầm tấm bản đồ da đã gấp làm đôi.

Ngoài kia tiếng ngân ngan du dương, trong trẻo của nữ nhân vẫn không ngớt, đâu đó còn mang vài phần nỗi niềm xót thương:

"Bao giờ sông cạn núi mòn,

Mùa đông sấm dậy hạ còn tuyết rơi.

Bao giờ thiên địa làm một,

Thì ta mới nguyện cùng người biệt ly."(*)

(*) Thương Da (Hỡi Trời) đã được lược bỏ phần đầu. Thực ra ban đầu nó được viết ở một thể khác nhưng tôi quyết được chuyển về thể Lục Bát cho có chất ca dao truyền miệng ở Việt Nam (đại khái là làm cho nó trở nên gần gũi hơn ấy).

Nàng chớp mắt nhẹ, hàng mi đã ướt đẫm từ lúc nào không hay, cũng chẳng buồn gạt đi, nàng lại tiếp tục nhắm mắt, hoàn toàn chưa ý thức được phía sau đang vang tới tiếng bước chân không nhanh không chậm.

Thế rồi, tim nàng như đập nhanh hơn một nhịp, đó là cảm giác bất an, lo sợ, nhưng lại không biết làm gì. Toàn thân nàng đơ cứng, cổ họng ngứa rát, nóng một cách kinh khủng, cơn ho như một lần nữa bộc phát, nhưng nàng không cho phép việc ấy diễn ra.

Bởi nàng sợ, sợ cái người ngoài kia sẽ phát giác.

Vai nàng run lên, bàn tay gầy nhỏ bấy giờ đang tê cứng lại gắng sức lấy từ trong vạt áo ra một chiếc trâm bạc lạnh lẽo. Nhiếp Tư Mặc thủ sẵn nó trong tay, nín thở cầu nguyện kẻ kia sẽ không bước vào.

Ngàn vạn lần, nàng không muốn khung cảnh đêm hôm ấy lại một lần nữa diễn ra.

Nghĩ đến nó nàng lại thấy buồn nôn.

Bước chân dừng lại rồi, cửa lều bị mở tung, gió đêm lùa vào khiến nàng run lên. Thật tệ mà. Nhiếp Tư Mặc siết chặt lấy cây trâm, hít một hơi thật sâu, chỉ cần kẻ kia bước thêm ba bước nàng nhất định sẽ đâm hắn tới chết thì thôi.

Hắn quả thật đã bước thêm ba bước, Nhiếp Tư Mặc chống tay xuống nền, lấy đó làm điểm tựa mà xoay người một cú, vận dụng toàn bộ những gì ít ỏi mà bản thân học được từ bộ đao pháp kia mà toan lao tới.

Còn chưa bật khỏi mặt đất, một tấm vải vừa dày vừa nặng màu đỏ sẫm đã tung về phía nàng, trong tích tắc đã trùm lên toàn bộ cơ thể của thiếu niên. Nhiếp Tư Mặc ngớ người, nàng không hiểu chuyện quái quỷ gì đang diễn ra, lại cảm thấy quá ngột ngạt nên đã hất tung thứ đang trùm lên mình kia.

Hoá ra là một cái áo choàng lông chồn.

"Đêm hôm khuya khoắt không chịu đi ngủ, còn định ngồi đây hù doạ người ta đến bao giờ."

Giọng nói kia quen quá! Nhiếp Tư Mặc quay ngoắt lại, hoá ra là lão sư phụ của nàng, tâm trạng vốn đang căng như dây đàn, nay đã giãn ra đôi phần. Nhớ lại khi nãy quả thực Tô Mạc Vãn đã ra ngoài rất lâu, nàng suýt thì quên mất trong lều này vẫn còn có một người nữa ở.

Không gian vốn đã chật hẹp, nay lại còn phải ở chung với một người nữa, đã vậy lại còn là nam nhân. Nói thật Nhiếp Tư Mặc chẳng dễ chịu chút nào.

Nàng đưa tay gạt mồ hôi lạnh, trong lòng thầm thở phào. Bất chợt lại ngửi thấy đâu đây mùi đắng ngắt khó chịu. Cuối cùng không kìm được mà hỏi:

"Ừm... sư phụ, người đi đâu nãy giờ vậy?"

Tô Mạc Vãn chưa vội trả lời, hắn đặt cái khay gỗ đựng một cái bát con xuống bàn, ngồi xuống giường rồi chập rãi cởi bỏ lớp y phục dày dặn bên ngoài ra. Bấy giờ mới lười biếng mở miệng:

"Đi làm cái này cho ngươi chứ đi đâu."

Nàng nhìn vào cái bát con trên khay, trong lòng đầy kinh ngạc. Thứ nước nâu đục trong đó không phải là thuốc sao? Hắn kiếm đâu ra thứ này trên thảo nguyên?

Nhiếp Tư Mặc nhỏ giọng hỏi: "Sư phụ, người mang cả lá thuốc đi sao?"

Hắn điềm nhiên gật đầu: "Thuốc ta lấy từ chỗ mấy lão y sư trong lâu, sợ ngươi đổ bệnh dọc đường thì ta lại lỗ mất một đồ đệ. Khoác áo vào rồi uống thuốc mau đi, không nguội."

Nàng nhận lấy bát thuốc, trong lòng dâng lên một loại cảm xúc khó tả. Đã bao lâu rồi nàng bỏ bê bệnh tình của mình, không chịu uống thuốc đúng bữa lại hay ăn mặc phong phanh. Nếu để Già Lam hay Uyển Nhi biết được, chắc chắn họ sẽ càm ràm cả buổi cho mà xem.

Uống cạn chén thuốc đắng, nàng không đi ngủ ngay mà tiếp tục ngồi đó tựa lưng vào cột, nửa ngủ nửa thức một cách khó hiểu.

Tô Mạc Vãn chờ nàng uống cạn chén thuốc lâu đến độ hắn đã cởi gần hết y phục, chỉ còn duy nhất một lớp nội y màu trắng trong cùng. Thực sự ăn mặc như vậy sẽ rất dễ bị cảm, đấy là đối với Nhiếp Tư Mặc thôi, còn với một kẻ lớn lên nơi phương Bắc quanh năm giá rét này thì có mặc y phục gì hắn cũng đều chịu được.



"Ngủ đi, mai sẽ bận rộn lắm đây."

Nàng cười nhu hoà, điệu bộ có vẻ rất ngoan ngoãn nhưng lại chẳng chịu nhúc nhích dù chỉ một chút: "Sư phụ ngủ trước đi, ta còn chút việc."

Hắn không vội đáp, tỉ mỉ quan sát rồi đánh giá nàng bằng giọng trầm dịu: "Đã đến lúc mong nhớ quê cũ rồi à?"

Nàng giật mình, rồi lại thôi, nhanh chóng gạt đi giọt lệ còn đang lưng tròng, có lẽ hắn không nhìn thấy đâu nhỉ. Cuối cùng chỉ cười cười nhỏ giọng: "Một chút."

Hắn rủ mắt, như muốn trốn tránh đi thứ cảm xúc vừa trào dâng, "Ngươi... có biết một điệu khúc nào của cố hương không?"

"Ta...", Nhiếp Tư Mặc lấy làm lạ, thăm dò biểu hiện của người đối diện một lúc lâu vẫn không hiểu được ý đồ của hắn, dè chừng mà đáp: "Biết thì biết... nhưng cũng không nhiều..."

"Hát ta nghe xem."

"..."

Ánh lửa bắn lên tí tách, chiếu qua đôi mắt mông lung thấm buồn của đôi người, cái tĩnh lặng bao trùm lên căn lều nhỏ vừa đầm ấm lại vừa lạnh lẽo. Cái lạnh lẽo ấy không phải từ những trận gió đầu xuân ngoài kia, mà là khoảng cách vô hình từ đôi kẻ lạc lõng trong thời không.

Có tiếng than thở, rồi lại có tiếng ngân nga hoà cùng tiếng gõ nhịp đệm phách trong đêm dài:

"Người về chiếc bóng năm canh,

Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.

Vầng trăng ai xẻ làm đôi,

Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường."(*)

(*) Truyện Kiều (Đoạn Trường Tân Thanh) _ Nguyễn Du.

...

Sáng hôm sau Nhiếp Tư Mặc cùng Tô Mạc Vãn đã cất công dậy từ rất sớm sửa soạn lại y phục, chuẩn bị trang nghiêm nhất cho cuộc gặp thứ hai với vị quý nhân trong nha trướng* kia.

*Nơi ở của thủ lĩnh các dân tộc thiểu số, giống như đại trướng.

"Tham kiến Công Tôn lão nhân", nhị vị "công tử họ Triệu" đồng loạt hành lễ cung kính. Công Tôn Dự phất tay hào sảng: "Được rồi, mấy lễ nghi rườm rà này không cần bận tâm đâu. Mời hai vị ngồi."

"Đa tạ." Nói rồi Nhiếp Tư Mặc và sự phụ của nàng cùng tản về hai phía bàn tiệc đối diện hai hàng dành cho khách quý, được đặt ngay ngắn dưới vị trí uy nghiêm cao nhất của vị thủ lĩnh.

Trên mỗi bàn ngoại trừ một cái chén bằng đồng, một vò rượu lớn ra thì không còn gì hơn, nếu đem so với bàn tiệc đãi khách ở Thiên Cực lâu thì có chút nghèo nàn.

Công Tôn Dự mở lời trước: "Theo như thư tín được gửi đến thì ta cũng hiểu được đại khái hai vị đến đây là để bàn về việc giao thương giữa phương Nam và phương Bắc."

Nhiếp Tư Mặc đợi người kia nói cho tròn câu rồi mới điềm tĩnh đáp, dáng ngồi cùng cử chỉ của nàng hết sức thanh thoát: "Chẳng giấu gì Công Tôn lão nhân, ta cùng Minh Kính ca ca là một trong số ít tàn dư của Triệu thị chạy lên phương Bắc này nhằm trốn khỏi sự truy sát của Hoàng đế. Bọn ta mất đi thân phận, không còn là người của Đại Trưng, mọi hành tung đều bị kiểm soát bởi cấm quân triều đình. Có thể nói là mất đi tự do."

"Chúng ta cùng những tùy tùng kia phải đóng giả thành một đoàn thương để tránh sự dòm ngó, phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Không thể giao thương mua bán, không thể tự do đi lại như những người bình thường. Nếu cứ như vậy... sớm muộn gì bọn ta cũng sẽ chết dần chết mòn trong cái đói mà thôi."

Nàng cúi mặt như thể xúc động, ngập ngừng một lát mới có thể nói tiếp: "Thế nên... khẩn xin Công Tôn lão nhân hãy rộng lượng mà giúp chúng ta lần này."

Vừa dứt câu, trong nha trướng chỉ có ba người liền trở nên im ắng đến ngột ngạt. Ngoài mặt vẫn điềm tĩnh kiên định nhưng thâm tâm nàng lại nhảy loạn không thôi, ngày hôm qua nàng đã cố tình đánh vào điểm yếu của Công Tôn Dự - chính là gia tộc và đồng minh, nhằm tạo được sự đồng cảm với lão. Từ đó khiến lão mềm lòng với yêu cầu mà "huynh đệ họ Triệu" đưa ra. Còn nếu mọi chuyện diễn biến theo một hướng khác, vậy chỉ đành tùy cơ ứng biến.

Công Tôn lão cười than: "Thân ốc còn không mang nổi mình ốc, lão phu cũng sắp gần đất xa trời, trong tay lại không nắm binh quyền, có thể giúp được gì cho các người cái gì được đây?"

Tô Mạc Vãn không vội lên tiếng hồi đáp bởi cục diện đều nằm trong tay Nhiếp Tư Mặc đến năm phần, năm phần còn lại là ở Công Tôn Dự. Hắn can thiệp vào có khi không những không xoay sở được gì mà còn làm mọi chuyện rối hơn.

Tô lâu chủ luôn tuân theo một quy tắc: Biết địch biết ta trăm trận trăm thắng. Một khi hắn còn chuyện chưa thấu đáo thì hắn tuyệt đối sẽ không hành sự một cách liều lĩnh.

Lời nói của Công Tôn Dự mang đầy vẻ u uất, lão hỏi, nhưng liệu có mấy phần mà cam tâm tình nguyện đây? Ốc không mang nổi mình ốc lại còn mang cọc cho rêu, nhìn lại mà xem, cảnh ngộ của lão đã thảm thương đến nhường nào, liệu còn có thể cứu vớt nổi "những con chim mất đi đôi cánh" kia không? Hay chỉ có thể lực bất tòng tâm...

Nhiếp Tư Mặc nhìn thấu được ý tứ trong từng câu từng chữ của Công Tôn Dự, lão đang muốn từ chối một cách gián tiếp. Nhưng nàng lại không quá nóng vội, vẫn điềm đạm rót rượu ra chén bạc, rót đến nửa ly thì dừng lại. Nàng không uống mà để đó, giống như một ly rượu được chuẩn bị cho chiến thắng.

Khoé miệng Nhiếp Tư Mặc khẽ nhếch, nụ cười ấy khẽ đến độ khó ai có thể nhận ra được. Nàng cất giọng, ánh mắt lóe lên một tia tinh quang:

"Có chăng Công Tôn lão nhân đã hiểu lầm ý của Triệu mỗ?"

Công Tôn Dự đảo ánh mắt về phía người thiếu niên đang ung dung ngồi đó như một đám mây trắng thư thả trôi, đối mặt với lão lại chẳng hề có bất kỳ căng thẳng nào.

"Ý của công tử là..."

Nàng đáp: "Cái Triệu mỗ cần lúc này không phải binh lực trong tay ngài mà là một con đường giao thương với người Tây phương."

___

*Bạch bào: Một dạng trang phục của Hoàng đế bốn nước đồng văn (tôi không rõ là vua nước Triều Tiên/Hàn Quốc có mặc hay không).

*Phù dung quan/mũ phù dung (cre: Nam Phong Viện).

*Ngư phù (cre: Đại Việt Phong Hoa).

Góc PR trá hình: Nết tôi ngộ lắm, rất khó để viết một bộ liền tù tì trong một khoảng thời gian dài. Vậy nên là một lúc viết tận ba bộ cho máu. Tôi đùa đấy, thực ra là lâu lâu đổi gió viết nhiều thể loại cho đỡ ngán. Bản nháp tôi để hết bên watt rồi, bên novel chỉ là nơi up truyện thôi. Ok và nếu bạn cũng như tôi, cũng mắc hội chứng dễ ngán thứ gì đó thì hãy ghé thăm bộ GL phía dưới để đổi gió nhe :>>