Trong đời, cơ hội để tham dự các sự kiện trọng đại của bản thân không nhiều, lễ thành nhân, lễ cưới, nếu phóng khoáng hơn, có lẽ có thể tổ chức trước lễ tang cho mình.
Khi chưa tổ chức, ai cũng nghĩ phải làm cho thật long trọng và hoàn mỹ, nhưng khi sự kiện thật sự diễn ra, cảm thấy cũng chỉ như vậy mà thôi. Ví dụ như bây giờ, Giang Nguyệt ngồi ngay ngắn trước gương, lễ nghi chưa bắt đầu, nghe tiếng trống nhạc bên ngoài, cùng tiếng trò chuyện của khách khứa, lòng nàng đã nguội lạnh như tro tàn.
Đêm qua nàng quá phấn khích, qua giờ Tý vẫn chưa buồn ngủ, giờ mới ngủ chưa đầy hai canh giờ đã bị gọi dậy tắm gội thay y phục, mặc vào bộ lễ phục nền đen viền đỏ, nghĩ đến ba lễ bái sắp tới, lòng càng thêm nặng trĩu.
Chẳng bao lâu sau, tiếng trống nhạc vang lên một lượt, khách khứa đều đã an tọa, Nhiếp Chiếu với vai trò chủ nhân, tuyên bố bắt đầu lễ cập kê, Giang Nguyệt ngồi ở gian đông, thật ra không nghe rõ hắn nói gì, khi thị nữ ra hiệu, nàng liền đứng dậy, chậm rãi bước ra bái kiến khách khứa, rồi quỳ lên chiếu để làm lễ đội mũ.
Thiệp mời nàng đã gửi một phần cho Lưu thị, hôm nay lại thấy chỗ ngồi vẫn trống không, kể cả vị trí của Thẩm Liên Thanh, Giang Nguyệt nhớ đến nụ cười đầy ẩn ý của đối phương hôm đó, liền hiểu ra, Lưu thị không muốn để nhà họ Giang có liên quan gì đến nàng nữa.
Trên đài cao, Nhiếp Chiếu tuy danh nghĩa là người thân duy nhất của nàng, đóng vai trò chủ nhân, nhưng thực ra hắn ngồi cùng với Đệ Ngũ Phù Dẫn, phía sau là hai tấm bài vị được phủ vải che kín, khách khứa đương nhiên nghĩ rằng đó là bài vị của cha mẹ đã khuất của Giang Nguyệt, còn Đệ Ngũ Phù Dẫn, thân phận cao quý, nên ngồi ở vị trí chủ lễ.
Người giúp Giang Nguyệt chỉnh sửa lại đầu tóc là Lý Bảo Âm, sau khi rửa tay, nàng ngồi quỳ phía sau Giang Nguyệt, giúp nàng búi tóc, thực ra tóc của Giang Nguyệt đã được chải gọn gàng, Lý Bảo Âm chỉ tượng trưng giúp nàng búi tóc lên mà thôi.
Người làm lễ chính là phu nhân họ Tiết, Nhiếp Chiếu cùng bà đi xuống bậc thềm đông để rửa tay, sau đó ngồi xuống, khi Giang Nguyệt quỳ về phía đông, phu nhân họ Tiết mới đứng dậy, thực hiện lễ đội mũ đầu tiên cho nàng.
Giọng bà dịu dàng trầm ấm, hòa cùng nhạc lễ cổ xưa, từ tốn ngâm lời chúc: “Lệnh nguyệt cát nhật, thủy gia nguyên phục. Khí nhĩ ấu chí, thuận nhĩ thành đức. Thọ khảo duy kỳ, giới nhĩ cảnh phúc.*” Sau đó quỳ ngồi để chải tóc và đội mũ cho Giang Nguyệt.
(*) Ý nghĩa: Ngày lành tháng tốt, theo ý tổ tiên, vứt bỏ những ý nghĩ trẻ dại, giúp ngươi nên người. Trải qua lần sinh nhật này, ngươi sẽ gặp nhiều may mắn hạnh phúc.
Khi Lý Bảo Âm sửa lại mũ cho Giang Nguyệt, phu nhân họ Tiết ngồi xuống, Giang Nguyệt lại bái các vị khách một lần nữa, rồi đứng dậy trở về gian đông thay y phục.
Có lẽ do ánh nắng hôm nay quá gay gắt, dù đã dựng lều che, Nhiếp Chiếu vẫn cảm thấy ánh sáng thật chói mắt, rọi lên người Giang Nguyệt, nàng đứng đó, duyên dáng và cao quý, thần sắc trang nghiêm và bình thản, nhất thời khiến người ta như lạc vào cõi mộng, không phân biệt được hôm nay là ngày nào. Cô bé dơ dáy chỉ cao đến thắt lưng hắn dường như hòa làm một với Giang Nguyệt hiện tại, nhảy nhót trước mắt hắn, níu lấy vạt áo hắn, lắp bắp nói: “Xin ngài, hãy giữ ta lại.”