Thời điểm đất trời tranh tối tranh sáng, ngàn vạn lần phải cẩn thận. Không nên đi một mình, không quyết định những chuyện đại sự... và đặc biệt là không ra đình hóng mát vào một buổi chiều mùa đông.
Như tôi và Trần Thuyên.
Thân hình cao lớn che chắn phía trước, tay phải anh vẫn quàng hờ ra sau giữ lấy tôi. Khoảng cách thu hẹp, hương trà nhàn nhạt lại khiến tôi tỉnh táo phần nào.
Biết rõ có nguy hiểm nhưng Trần Thuyên không mảy may xao động, thế mới thấy khí thế đứng trên vạn quân của người con trai này không phải trò đùa.
Từ đám cây um tùm cách đình hóng mát vài mét xuất hiện bốn, năm gã đàn ông dữ tợn, tóc tai bù xù. Với cách bọn họ tiếp cận chúng tôi, vẻ mặt sung sướng như bắt được vàng ấy thì đương nhiên đây không phải là chuyện tốt rồi.
Chẳng cướp của thì cũng là giết người.
Tôi và Trần Thuyên, đối nghịch lại năm gã hung tợn. Chỉ nghĩ thôi đã thấy bất lực. Dù Trần Thuyên có võ công cái thế đến đâu thì cũng không dễ dàng địch nổi từng ấy người, mà lại còn phải bảo vệ cả tôi nữa.
Vì sao cứ gặp chuyện là Dạ Hành lại không đi theo bảo vệ Trần Thuyên nhỉ? Tôi đau khổ nhủ thầm trong lòng, xin được hát câu này bằng một giọng ca cải lương.
Đám người kia dừng lại cách chúng tôi không xa, sau đó một tên mặt mũi khá hiền hoà thì tiếp tục bước đến gần hơn. Tôi đồ rằng gã là người phát ngôn chính thức cho đám kia. Khi gã đi qua tên nhỏ con bị chột mắt đứng giữa có chút sợ sệt, đầu khẽ cúi và không dám nhìn thẳng.
Vậy là tên hiền hoà sẽ chỉ đóng vai trò truyền đạt thông điệp, còn kẻ quyết định cuối cùng không phải gã. Tôi tạm đặt tên cho gã là tên cướp số 01.
"Hèm.." Trước khi nói, tên cướp số 01 không quên hắng giọng một cái thật dài. "Trên người có bao nhiêu tiền bạc thì giao hết ra, bọn tao chỉ cướp tiền không cướp sắc!" Gã hùng hồn nói.
"Phụt..." Tôi vội úp mặt vào lưng Trần Thuyên, ngăn cho bản thân không phá lên cười. Không nói đến việc phát âm rất khó nghe... Mà hay cho sự thẳng thắn ấy, vì sao bọn gã phải thông báo như vậy cơ chứ?
Ôi chao, đúng là sắp đến Tết nên ai ai cũng phải chăm chỉ kiếm sống, kể cả trộm cướp cũng vậy.
Hai vai Trần Thuyên rung rung, khẳng định cũng đang nín cười một cách khó khăn! Anh cũng hắng giọng "hừm hừm" vài tiếng, thì thầm nói với tôi: "Chú ý thái độ."
Tôi gật gật đầu, ra vẻ đã hiểu.
"Này... hai đứa chúng mày có nghe thấy không đấy?" Tên cướp số 01 gào lên, nghe chừng hơi mất bình tĩnh khi thấy chúng tôi không tỏ ra sợ sệt hoảng hốt như dự đoán.
Trần Thuyên đành đáp lời: "Có... khụ, đã nghe rất rõ ràng."
Một lần nữa xin được khẳng định, anh ta chắc chắn đã suýt phì cười khi trả lời gã cướp kia.
"Thế chúng mày còn làm cái gì mà chưa nộp tiền ra đây?" Tên cướp số 01 hất hàm ra lệnh.
Tôi liền thì thầm: "Quan gia có tiền chứ nhỉ?"
Trần Thuyên vô cùng nghiêm túc lắc đầu: "Ta chưa bao giờ giữ bạc trong người."
Câu nói ngắn gọn ấy suýt đã khiến tôi lăn ra ngất. Hay rồi hay rồi, đám cướp kia "muốn tiền không muốn sắc", còn chúng tôi ngoài "sắc" ra thì chẳng có gì.
Gió thổi mạnh, cây lá xào xạc, chim từng đàn bay về tổ. Vầng thái dương đã sắp nhường chỗ lại cho bóng tối, cảnh vật xung quanh hiu quạnh tới mức đáng sợ... Càng tô điểm thêm cho nỗi bất hạnh của tôi và Trần Thuyên lúc này.
Chúng tôi tuy có đôi chút cợt nhả nhưng đâu có nghĩa là tôi không biết sợ hãi? Câu này tôi xin đổi sang một giai điệu nhạc Bolero nhẹ nhàng sâu lắng.
Trong lúc Trần Thuyên đối đáp vài câu với tên cướp, tôi tranh thủ ngó nghiêng tứ phía. Xung quanh không một bóng người, thật sự quá yên ắng.
Căn cứ vào tình huống như hiện tại thì tới chín mươi chín phần trăm đám cướp kia đã theo dõi tôi và Trần Thuyên từ trước, khả năng là sau khi chúng tôi tách khỏi mấy người Đỗ Chi Phạm Bân.
Xa xa phía hồ nước có một chiếc thuyền lớn đang đậu nhưng có lẽ cũng không giúp ích gì được. Nghe tiếng nhạc vọng đến chưa từng dứt một nhịp thế kia chắc là một tên nhà giàu ăn không ngồi, giáp Tết buồn chán nên mò ra hồ chơi bời mà thôi.
"Thế rốt cuộc chúng mày có đưa tiền đây không?"
Tôi không rõ Trần Thuyên đã nói gì, nhưng nhất định đã chọc giận tên cướp số 01.
Lại nghe anh bình tĩnh trả lời: "Nhưng... bọn ta không có bạc thật mà."
Tên cướp số 01 có chút bất lực, mếu máo quay lại nhìn đồng bọn.
Tôi huých vào tay Trần Thuyên tỏ ý lo lắng, anh ta thế mà lại quay đầu lại ung dung nói: "Không sao, còn có ta đây."
Không sao cái con khỉ.
Tuy rằng không biết vua Trần Anh Tông băng vào năm nào, nhưng chắc chắn anh ta sẽ không chết trẻ và vẫn tiếp tục sống mạnh khoẻ thêm vài chục năm nữa.
Số phận của Đoàn Niệm Tâm mới càng khó nói, tuy đúng là do tôi giành giật lại từ tay của Quỷ Dẫn Đường... nhưng tiếp theo là sống hay chết thì tôi không quản được.
Những suy nghĩ lướt qua vài giây, tôi chợt nhớ ra một điểm vô cùng quan trọng.
Tên nhóc Trần Thuyên kia lúc nào cũng tỏ ra tuỳ hứng khiến tôi quên bẵng đi rằng anh ta chính là hoàng đế. Hôm nay anh đi với tôi một cách bí mật, không có bất cứ một Dạ Hành nào theo sát bảo vệ. Điều này cũng có nghĩa rằng tôi là người phải chịu trách nhiệm về sự an toàn của Trần Thuyên.
A Di Đà Phật! Anh ta là ai cơ chứ? Không cần nói xa xôi, chỉ cần anh bị xây xát chút xíu hay mất một cọng lông thôi là cái đầu của tôi và cả Đoàn Nhữ Hài cũng không giữ được rồi!
Nghĩ đến đây, tôi lập tức toát một tầng mồ hôi hột. Sợ đám cướp thì ít mà lo mình mất mạng vì để sự an nguy của hoàng đế bị tổn hại thì nhiều.
Không chút do dự, tôi lách người, bước lên chắn giữa Trần Thuyên và mấy gã đàn ông đòi "cướp tiền không cướp sắc" kia.
Quác... quác... tiếng quạ kêu giữa tầng không như minh hoạ cho sự lúng túng và gượng gạo giữa đôi bên.
Dù mặt trời đã sắp lặn hoàn toàn nhưng ánh sáng le lói từ phía Tây vẫn đủ khiến tôi thấy sự khó hiểu trên mặt lũ cướp.
Sát phía sau, Trần Thuyên trầm giọng hỏi: "Nàng đang làm gì thế?"
Tôi hít một hơi, thỏ thẻ: "Quan gia yên tâm, tôi sẽ không để chúng nó động vào một sợi lông của ngài đâu."
"Niệm Tâm à, nàng..."
Không để Trần Thuyên nói hết câu, tên cướp số 01 đã lùi về cùng đồng bọn từ khi nào.
Gã đại ca nhỏ bé chột mắt không mở miệng, hất đầu một cái. Hai gã phía bên phải (tôi lại tiếp tục đặt tên là "tên cướp số 02" và "tên cướp số 03") lập tức lao lên.
Đám ngu ngốc này, thà cứ tấn công cả thể thì còn có khả năng khiến Trần Thuyên lúng túng một phen, đây lại cứ thích chia nhóm để bị "ăn hành" cơ chứ.
Mọi chuyện diễn ra đều nằm hoàn toàn trong phán đoán của tôi. Tuy rằng kế hoạch bảo vệ Trần Thuyên của tôi đã thất bại... mà thật ra thì đâu có kế hoạch nào.
Nhanh như chớp, anh kéo giật ngược tôi lại phía sau. Một tay Trần Thuyên vòng qua sau ôm hờ lấy tôi như ban đầu, một tay mạnh mẽ chặn lại cú đấm của tên cướp số 02. Gần như ngay lập tức, tên cướp số 03 cũng bị một cước của Trần Thuyên đạp văng ngược trở về.
Tất cả chỉ diễn ra trong tích tắc, trước những cái há hốc mồm của mấy gã còn lại.
Cả Trần Thuyên và tôi vẫn đứng nguyên tại chỗ, không hề bị suy chuyển một chút xíu nào.
Tôi thầm kinh sợ trước năng lực và tốc độ của Trần Thuyên, anh hoàn toàn không phải một tên hoàng đế ẻo lả chỉ biết ngâm thơ viết cú.
Không để chúng tôi phải chờ lâu, tên cướp số 01 và tên số 04 – nghĩa là trừ gã đại ca mắt chột – cùng xông đến.
Tôi vội thì thầm với Trần Thuyên để chia nhiệm vụ: "Anh lo ba người, tôi có thể chống chọi được một người."
Chỉ nghe thấy tiếng Trần Thuyên gắt gỏng đáp lại: "Vớ vẩn!"
Có vớ vẩn hay không thì cũng chẳng đến lượt anh ta đánh giá.
Trần Thuyên đúng là rất nhanh, nhưng anh không có ba đầu sáu tay để chặn được tứ phía bảo vệ tôi.
Đấy, vừa nói xong thì tên cướp số 01 đã lén lút lẩn ra phía sau để tránh Trần Thuyên và tấn công đứa con gái yếu đuối tôi đây.
Khi ấy, Trần Thuyên bị vây giữa ba tên đàn ông to cao chỉ biết đấm đá túi bụi, chốc mắt đã tách khỏi tôi.
Đương nhiên anh có thể xử lý chúng chỉ trong chớp mắt, nhưng tên cướp số 01 kia đâu có chờ đợi để bị anh cho một cước?
Gã vung tay, chắc là muốn tát chết tôi mới hả dạ. Không phụ sự dạy dỗ nghiêm khắc của Đỗ Quân, theo phản xạ có điều kiện, tôi lập tức cúi người tránh được cú vả đau điếng. Rõ ràng tốc độ của gã không thể so với Đỗ Quân mỗi khi dạy võ cho tôi được rồi.
Tên cướp số 01 ngẩn người, trố mắt nhìn khi tôi tung chân sút một cú thật mạnh vào hạ bộ của gã. Cùng lúc ấy Trần Thuyên đã hạ đo ván ba gã đồng bọn, đến bên cạnh tôi nheo nheo mắt tỏ vẻ khen ngợi.
Tên cướp số 01 nằm lăn lộn dưới đất, co quắp người ôm lấy bộ phận nhạy cảm mà rên rỉ kêu đau. Tôi nhếch mép cười, sức mạnh của mình cũng ghê gớm đó chứ.
"Khốn nạn!" Đại ca chột mắt gầm lên, thủ thế muốn lao đến.
Tôi và Trần Thuyên xoay người lại, kịp lúc thấy một "thế lực vô hình" xuất hiện và khiến đại ca chột mắt ngã ngửa về phía sau.
Không lẽ gã vấp vào cục đá giữa đường và ngã lăn ra? Như thế thì hơi bị buồn cười một chút đó nha...
Đám cướp bám víu nhau đứng dậy, vẫn muốn tiếp tục tấn công tôi và Trần Thuyên.
Một trận gió thổi vù qua khiến cả rừng cây reo vang, tôi bỗng nghe tiếng ai đó cất lên từ phía sau lưng.
Một giọng nam trầm khàn, gãy gọn... đặc biệt còn mang một cảm giác đe doạ rất mãnh liệt.
"Chúng mày giỏi thật, còn dám cướp bóc tại nơi này?"
Người đàn ông bí ẩn bước đi nhẹ như bay, hai tay chắp sau lưng. Ánh dương le lói đằng xa tựa như vầng hào quang, tôn lên khí thế mạnh mẽ.
"Trời đất... đó là..."
"Đại ca ơi..."
Đám cướp trở nên náo loạn, rụt đầu rụt cổ đòi chạy trốn. Chà chà, nhân vật đặc biệt nào đã lên sàn? Tôi bỗng thấy thật háo hức.
Trần Thuyên vỗ vỗ vào vai tôi, trông anh đã thả lỏng được ít nhiều. Anh rất tự nhiên nắm lấy cổ tay tôi, chúng tôi cùng đi về hướng của người đàn ông.
Trần Thuyên cười cười: "Tổ phụ khiến trẫm phải chờ hơi lâu đó."
"Ha ha." Vị tổ phụ của Trần Thuyên cười rộ lên. "Là lỗi của thần."
Trần Thuyên lại đùa: "Tổ phụ mải nghe hát quá rồi."
Hoá ra con thuyền lớn kia là của người này. Tôi lại toát mồ hôi hột toàn thân, người mà Trần Thuyên gọi là "ông" ấy không hề già như tôi tưởng. Đứng cạnh Trần Thuyên, thậm chí còn khiến người ta tưởng nhầm là anh em trong nhà!
Trong tình trạng ánh sáng không ổn định, tôi chỉ có thể vừa nhìn vừa đoán tướng mạo của ông ta. Tuy không thể nhìn kỹ nhưng tôi khẳng định người đàn ông này rất đẹp trai! Cực kỳ đẹp trai! Khí chất vương giả không hề kém cạnh Trần Thuyên, thậm chí còn cảm nhận rất rõ sự từng trải, nét rắn rỏi và bình ổn từ mỗi bước chân.
A Di Đà Phật, gen nhà Trần tốt thật đấy.
Thấy tôi ngây người, Trần Thuyên liền tốt bụng giới thiệu: "Nàng mau chào Chiêu Văn Vương đi."
Thật ngắn gọn và xúc tích. Khoan đã... anh ta vừa nói cái gì cơ? Chiêu Văn Vương? Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật? Danh nhân lịch sử? Idol của giới trẻ?
"Chiêu Chiêu Chiêu Chiêu..." Tôi lắp bắp nửa ngày không nên lời chào hỏi, nhưng đã thành công lôi kéo sự chú ý của Chiêu Văn Vương.
Ông cuối cùng cũng hướng mắt về phía tôi, tò mò hỏi: "Ồ? Vị tiểu thư nhà ai đây?"
Trần Thuyên đáp: "Là Niệm Tâm đó ạ."
Một câu vô cùng cụt lủn, còn không thèm nói những câu kiểu như " Niệm Tâm là một người bạn của trẫm", hoặc là "Chị gái của Đoàn Nhữ Hài"...
Tôi như thấy được cái nhìn đầy đánh giá của Chiêu Văn Vương, ông khựng lại giây lát rồi cười ha hả: "Đây chính là Niệm Tâm?"
Đầu tôi muốn nổ tung! Trời đất quỷ thần, Thánh Allah, Chúa ơi! Kiếp này sống quả là không uổng mà... Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật biết tôi... biết Niệm Tâm sao?
Tôi run run rẩy rẩy, chỉ muốn được tới cạnh ông mà bắt tay, xin chữ ký, chụp chung một tấm hình...
Trần Thuyên nhìn Chiêu Văn Vương, ông nhìn tôi, rồi lại nhìn Trần Thuyên, sau đó gật đầu nói: "Rất có chí khí."
Chiêu... Chiêu Văn Vương còn khen tôi nữa? Nếu giờ tôi muốn ôm lấy ông thì có cần xin phép không nhỉ?
"Cầu xin ân chủ tha mạng!"
Bị "hào quang" của danh nhân lịch sử che lấp, tôi quên béng mất đám cướp đang quỳ rạp xuống đất. Đại ca mắt chột thay mặt cả nhóm gào toáng lên, trong lời nói thể hiện sự sợ hãi đến tận tâm can.
"Không ở Đà Giang làm người lương thiện mà sống, lại dám mò lên kinh thành cướp của. Tụi bay có biết đây là ai không?" Trần Nhật Duật bình thản luận tội.
"Là tàn dư của bọn Giác Mật sao?" Trần Thuyên nghiêng đầu hỏi và được Chiêu Văn Vương xác nhận.
Đám cướp toàn những kẻ dữ dằn thét ra lửa ấy lại khóc lóc van vỉ. "Xin ân chủ tha mạng, chúng con ngu độn không cẩn thận phạm phải thánh nhân..."
"Nói bừa!" Ông quát. "Lôi về phủ xử trí."
Dứt lời, mấy thủ vệ đang nấp phía sau lần lượt tiến lên kéo lũ cướp tránh xa khỏi chúng tôi. Vang vọng tiếng chúng khóc than xin tha, khiến tôi nổi da gà.
Tôi đụng một cái vào tay Trần Thuyên, nhỏ giọng: "Nhóm cướp kia xử tội thế nào vậy?"
Anh ôn tồn giải thích: "Xử trượng hình (1), nặng thì một trăm trượng. Xong xuôi bắt đi lưu hình viễn châu (2)."
Dám đụng vào hoàng đế, xử thế kia cũng là nhẹ rồi.
Chiêu Văn Vương đề nghị đưa tôi và Trần Thuyên trở về trong thành, vì trời đã tối hẳn nên chúng tôi đồng ý. Tôi trộm nghĩ nếu hôm nay không gặp cướp lẫn Chiêu Văn Vương thì có lẽ nào tôi sẽ một lần nữa phải lần mò trong bóng tối cùng Trần Thanh tìm đường về nhà hay không?
Ôi chao, đã lớn rồi mà tính tình tuỳ hứng không chịu được. Lần sau tôi nhất định không hùa theo anh ta nữa, cái gì cũng phải có giới hạn chứ.
Ngồi trong góc xe nghe hai người bàn chuyện chính sự như vịt nghe sấm, tôi vẫn cảm thấy dù hay gặp xui xẻo nhưng mình khá là có số má. Có lẽ tôi đã gom góp hết may mắn của cả đời Đoàn Niệm Tâm để gặp được những nhân vật lịch sử nổi tiếng này rồi.
Xe ngựa đi vào đường lớn, chúng tôi bắt đầu nghe thấy tiếng người ồn ào náo nhiệt. Tôi vội vén rèm ra ngó nghiêng, hàng quán ven đường đều đã sáng đèn mời gọi khách khứa, người mua kẻ bán đi lại như khung cửi dù mưa bụi đang rải xuống khắp bầu trời như làn sương mỏng.
Tựa đầu vào khung cửa, tôi vừa hít mùi thức ăn thơm lừng, vừa ngân nga vài câu trong bài "Diễm xưa" của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:
"Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ
Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua
Trên bước chân em âm thầm lá đổ
Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa...
Chiều nay còn mưa sao em không lại
Nhỡ mai trong cơn đau vùi..."
Tôi giật mình, Trần Thuyên và Trần Nhật Duật đã ngưng thảo luận tự khi nào, yên lặng nghe tôi hát. Trước đây mỗi lần tôi mở miệng ra hò ca đều bị thằng Đạt rượt chạy quanh nhà, thật sự tội nghiệp cho hai con người kia bị giọng ca vịt quay của tôi tra tấn.
"Ca từ và giai điệu thật lạ lẫm, ta chưa nghe bao giờ. Quan gia có biết đây là bài gì không?" Trần Nhật Duật lên tiếng.
"Trẫm cũng giống như tổ phụ, mới nghe lần đầu."
Thế là hai người bọn họ cùng quay ra nhìn tôi chờ đợi. Ấy chết, nào ai dám quên rằng Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật đâu chỉ văn võ song toàn, ông còn vô cùng tinh thông nhạc lý, sành âm luật... đại khái là có niềm đam mê rất lớn đối với âm nhạc.
Tôi đành cười hì hì: "Cũng chỉ là một bài hát ở quê nhà, không có gì đặc biệt đâu ạ."
Trong lòng tôi cúi đầu xin lỗi cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mười ngàn lần, gì mà "không có gì đặc biệt"? Tên tuổi của ông đâu phải để một đứa con nít vắt mũi chưa sạch như tôi đánh giá.
Trần Nhật Duật như còn có điều muốn nói nhưng xe ngựa chợt dừng lại, hẳn đã về tới phủ anh em họ Đỗ. Tôi sửa soạn đứng dậy để xuống xe, còn Trần Thuyên sẽ được tổ phụ của anh đưa về tận cổng nội cung.
Người dưới mở cửa, tôi vừa chui ra ngoài thì bị gọi giật lại.
"Hôm nào rảnh rỗi, mời tiểu thư ghé phủ ta đàm đạo về âm nhạc. Ta rất tò mò về bài hát mà cô vừa ngâm." Trần Nhật Duật cười nói, vẻ mặt mong chờ.
Tôi hơi ngây người, phía trong Trần Thuyên liền nhắc: "Tổ phụ đã có lời, nàng đừng từ chối."
Ai chứ Chiêu Văn Vương có bảo tôi nhảy xuống hố sâu biển lửa thì tôi cũng đồng ý ngay tắp lự.
Vậy là tôi nhún người một cái, đáp: "Được ạ. Qua Tết tôi nhất định sẽ ghé thăm phủ Vương."
Trần Nhật Duật liền mỉm cười: "Hân hạnh đón tiếp tiểu thư."
Tôi cũng nhe răng cười, cúi đầu chào cả hai.
Xe ngựa rời đi, tôi đẩy cửa đi vào trong phủ. Vừa bước một chân vào đã gặp ngay thằng Dần, thấy tôi, nó gào toáng lên: "Cô Niệm Tâm! Cô Niệm Tâm về rồi làng nước ơi!"
Loáng cái, đám Đỗ Chi từ gian trong chạy xồng xộc ra, không quên mắng tôi té tát về chuyện tôi đi đâu, sao không nói, khiến người ta lo lắng...
Tôi lại ngẩn người, không phải Trần Thuyên nói rằng đã sai người báo cho bọn họ rồi hay sao?
Đoàn Nhữ Hài lững thững bước đến, ngáp một cái thật dài: "Ồ, về rồi đấy à?"
Đỗ Chi trợn mắt: "Chị anh biến mất cả nửa ngày, anh không lo lắng chút nào sao?"
Em trai tôi cũng trợn mắt ngược lại: "Có một ông anh đưa đến lời nhắn của Quan gia, nói rằng chị tôi đi cùng ngài mà."
"Sao anh không nói với ta?" Đỗ Chi hét lên.
"Ai mà biết được?" Đoàn Nhữ Hài không hề kém cạnh, gắt ngược lại.
Kết quả, bị Đỗ Chi đấm một phát tím bầm mắt bên trái. Cậu ta giận lắm, tôi phải dỗ dành tới ba ngày mới chịu nói chuyện lại với Đỗ Chi.
...
Trời trở lạnh, càng ngày càng rét buốt. Mùa đông của thời xưa rất đáng sợ, tôi cả ngày nằm ỳ bên cạnh lò than, ai nói gì cũng không chịu ra ngoài.
Sáng nay, Dương Thu Nguyệt là người gõ cửa gọi tôi dậy. Cô nàng thay cái Tị mang chậu rửa mặt đi vào, nhẹ nhàng dặn dò:
"Hôm nay mặc đẹp, cả nhà ta cùng đón giao thừa nhé. Mẹ chị cũng đã về tới nơi, đang ở gian chính."
Tôi không dám ỉ ôi than thở như thường ngày, vội vã vén chăn dậy vệ sinh cá nhân. Khoác áo hồ cừu thật dày, tôi theo chân Dương Thu Nguyệt đi ra gian ngoài.
Đoàn Nhữ Hài đang rót trà, chuyện trò thân mật với một người phụ nữ luống tuổi. Không cần đoán cũng biết đó chính là bà Thị Sinh, "mẹ của chúng tôi". Tôi hít một hơi thật dài, trống ngực đập thình thịch.
"Niệm Tâm tới rồi." Dương Thu Nguyệt cất lời thông báo, sau đó rất biết ý mà rời đi.
Người phụ nữ kia liền ngoảnh mặt lại, miệng nở nụ cười, vết chân chim trên khoé mắt theo đó mà hiện rõ hơn.
Hốc mắt tôi cay xè, lệ đổ đầy mặt. Bà ấy... chính là mẹ tôi mà?
- ---
(1) Trượng hình: Có nghĩa là đánh bằng gậy, là một trong "Ngũ hình". Ngũ hình bao gồm: Xuy hình (đánh bằng roi), Trượng hình, Đồ hình (đày làm khổ dịch), Lưu hình (đày đi các xứ) và Tử hình.
(2) Trượng hình có 5 bậc: 60 trượng, 70 trượng, 80 trượng, 90 trượng, 100 trượng. (Theo "Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí")
(3) Lưu hình viễn châu: Thực chất là "Lưu viễn châu" – một bậc trong ba bậc Lưu hình. Người bị xử Lưu viễn châu sẽ bị phạt 100 trượng, thích 10 chữ vào mặt, đeo xiềng ba vòng, lưu đi các xứ thuộc châu Tân Bình, giam dữ và phục dịch.