Sau khi từ lộ Bắc Giang trở về kinh đô, thời gian trôi nhanh như chó chạy ngoài đồng, cứ như tôi mới chỉ chớp mắt một cái mà tháng Chạp đã đủng đỉnh đi tới.
Một ngày lạnh giá cuối đông, tôi cuộn tròn trong chăn ấm suy nghĩ về quãng thời gian qua, cuối cùng không biết nên tỏ thái độ gì ngoài việc thở dài. Dẫu đã ở nơi này hơn nửa năm rồi nhưng tôi lúc nào cũng mang tâm thế mình sẽ trở về với cuộc sống của Nguyễn Từ Niệm Tâm bất cứ lúc nào. Bởi vậy mà tôi luôn tỏ ra rất lạc quan, không quá lo lắng cho cuộc sống của bản thân.
Cho đến hôm qua, Đỗ Chi bỗng thủ thỉ với tôi rằng cô và Phạm Bân sắp thành hôn.
Nguyên văn như sau: "Ra Giêng là tròn một năm thử thách mà quan gia đặt cho hai bọn em, trước đó cũng đã chọn được ngày tốt để làm lễ Thân Nghinh rồi."
Tục cưới của người Việt ta khi xưa đương nhiên không đơn giản như thời hiện đại.
Thường nghe rằng: Lục lễ bất trị, trinh nữ bất hành, cũng chính là nói nếu không có đủ sáu lễ thì đám đàn ông đừng hòng mà cưới được vợ hiền. Trong sáu lễ ấy, lễ Thân Nghinh là lễ rước dâu - nghi lễ cuối cùng. Đôi phu phụ Chi – Bân cũng gọi là gấp gáp, chỉ chờ được hết Tết Nguyên Đán để về với nhau.
Nhìn Đỗ Chi nằm bên cạnh ríu rít kể chuyện, lòng tôi lại trĩu xuống. Nếu đây là thời hiện đại thì tôi đã chẳng mảy may lo lắng, nhưng sống trong thân xác Đoàn Niệm Tâm dưới thời phong kiến như thế này... tôi thật sự muốn phát điên lên. Chỉ sợ rằng tên Đoàn Nhữ Hài kia lấy vợ xong sẽ ném người chị hờ là tôi đây ra đường, sống chết mặc bay.
Không thể để chuyện như vậy xảy ra được, từ mai tôi nhất định sẽ phải đối xử tốt với Đoàn Nhữ Hài gấp đôi, không... phải là gấp mười! Dù gì tương lai sau này hắn cũng sẽ trở thành quan lớn, là trợ thủ đắc lực cho Trần Anh Tông!
Nghĩ ngợi rồi quyết tâm các kiểu nên tôi bị mất tập trung vào câu chuyện của Đỗ Chi trong chốc lát, lúc này cô đã thao thao bất tuyệt về mối tình đầu của Phạm Bân và "hành trình" bắt tay hợp tác với cô gái đó nhằm khiến Phạm Bân phải thừa nhận tình cảm của mình.
Không ngờ quá khứ của mối tình đầy mật ngọt giữa hai người đã từng là cả biển nước mắt, mâu thuẫn và tổn thương. Tôi ngẩn người, một Đỗ Chi ăn to nói lớn, thà đánh người cũng không chịu rơi một giọt nước mắt của hiện tại cũng không ít lần khóc lóc thảm thương, uống rượu say mèm chỉ vì một người đàn ông.
Tôi rất xúc động, liền nắm lấy tay Đỗ Chi nghiêm túc nói: "Tuy chúng ta mới quen biết không lâu nhưng chị thật lòng quý mến em. Ở nơi này cũng chỉ có em là người yêu thương và ủng hộ chị vô điều kiện tới vậy. Chị không có món đồ nào quý giá để tặng em, nhưng nếu một ngày tên Phạm Bân kia làm em tổn thương, chị nhất định sẽ đập hắn một trận nhừ tử, đánh đến mức cả nhà hắn không nhận ra mặt hắn nữa. Sau đó em muốn bỏ trốn thì chị sẽ đi cùng em, chúng ta du lịch... à nhầm, ngao du giang hồ. Sống một cuộc đời không phiền muộn!"
Đỗ Chi rưng rưng nước mắt nhìn tôi: "Chị yên tâm, em sẽ không rời bỏ Công Bân đâu!"
Tôi: "..."
Không có yên tâm được tí nào hết!
"Nếu chàng làm chuyện có lỗi với em..." Đỗ Chi quả quyết. "Em sẽ đích thân tiễn chàng đến Tây Thiên rồi đi cùng chàng luôn!"
Tôi rùng mình, tình yêu này quả là không đùa được đâu. Tuy có hơi tiêu cực nhưng về tư tưởng cũng bảy phần giống như một cô gái thế kỷ hai mốt, tôi lại có đôi chút ủng hộ.
Kể từ ngày hôm ấy, tối nào Đỗ Chi cũng mò vào phòng tôi đòi ngủ cùng. Cô tâm sự chuyện trên trời dưới bể, đương nhiên phần lớn vẫn là xoay quanh tình yêu với Phạm Bân.
Đỗ Chi thủ thỉ: "Em đã từng nghĩ... nếu Công Bân muốn, chàng có thể lấy thêm vài thị thiếp... Ai mà chẳng muốn con đàn cháu đống phải không chị Tâm? Mẹ Công Bân trên trời cao nhìn xuống có lẽ cũng không đồng ý nếu em cứ giữ chặt chàng cho riêng mình. Nhưng chị biết không, chính chàng cũng đã nói rằng ngoài em ra, chàng không thiết tha một ai nữa. Chàng được thầy Gia nuôi lớn, tận mắt thấy người vợ duy nhất của thầy ngã bệnh ra đi... kể từ đó thầy cũng không hề đi bước nữa mà chỉ tận tân nuôi dạy Công Bân và con gái..."
Nghe Đỗ Chi nói, tôi có chút kinh ngạc.
Cô cười: "Chàng bảo với em, con cái là trời cho, không thể cưỡng cầu. Quan trọng là được ở cạnh người mà mình thương yêu thật lòng. Như vậy cũng đủ rồi, phải không chị?"
Không ngờ tên Phạm Bân đáng ghét đó cũng biết suy nghĩ phết. Tôi không nghĩ nhiều, gật đầu đồng tình.
...
Còn chưa đầy một tháng nữa là tới Tết Nguyên Đán.
Sống dưới Hoàng triều Trần được một thời gian, cuối cùng tôi cũng sắp được đón cái Tết đầu tiên và nếu tôi không nhầm thì đây cũng là lần đầu Đoàn Niệm Tâm được đón Tết tại kinh thành. Bởi vậy, tôi không do dự mà vứt hết liêm sỉ để nhận sự chu cấp âm thầm từ "mạnh thường quân" Trần Thuyên.
Tôi cứ như vậy mà thoải mái vung tiền ăn chơi trác táng, đồng thời không quên sắm sửa quần áo trang sức cho năm mới. Tới 99% đây chỉ là chiêu trò thu phục lòng người của Anh Hoàng đối với em trai Đoàn Nhữ Hài, tôi đây chẳng qua cũng chỉ muốn hoàn thành tư cách một người chị gái tốt mà thôi.
Có lẽ bởi dành hết thời gian chơi bời với Đỗ Chi mà tôi đã quên rằng kể từ khi trở về từ lộ Bắc Giang, Trần Thuyên không hề xuất hiện lấy một lần.
Hoàng đế bận rộn chính sự, không có thời gian xuất cung vi hành là chuyện đương nhiên. Tôi đã nói như vậy với Đỗ Quân khi y mang tới một bọc mứt quả và chuyển lời của Trần Thuyên rằng đây là món ngon từ nước Sách Mã Tích tiến cống.
Hai ba tháng Chạp, việc cúng bái là trách nhiệm của gia chủ, tôi và Đoàn Nhữ Hài đều không can dự. Nhân lúc chỉ có hai chị em tại bàn ăn, cậu ta bình thản thông báo "mẹ chúng tôi" – tức bà Thị Sinh sẽ trở về kinh thành vào tối ba mươi.
Bươn chải buôn bán bên ngoài suốt cả năm trời, ai mà chẳng muốn được đón năm mới bên cạnh gia đình. Nghe nói Đỗ Quân đã hào phóng sai người dọn dẹp ngay một phòng lớn cho mẹ Đoàn Nhữ Hài. Và điều này có nghĩa là gia đình ba người chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục sống nhờ trong phủ anh em họ Đỗ thêm một thời gian nữa.
Đoàn Nhữ Hài mỉm cười: "Hiện tại chị chính là Đoàn Niệm Tâm, không ai có thể nghi ngờ điều đó. Đừng lo lắng quá."
Đúng thế, tôi thật sự có chút sợ hãi đối với việc phải gặp mặt bà Thị Sinh. Tôi đâu phải con gái bà ta, sơ xảy một chút là có thể xảy ra chuyện không hay.
"Cuộc sống của chị tôi trước đây đã quá khổ sở rồi. Bệnh tật liên miên, tưởng rằng tìm được cọng rơm cứu mạng thì lại bị ruồng bỏ... Nếu không có chị... thì dù có còn sống, chị tôi cũng chỉ là một cái xác không hồn mà thôi." Cậu ta vỗ vỗ lên vai tôi mấy cái, tỏ ý an ủi.
"Cọng rơm cứu mạng" mà Đoàn Nhữ Hài nhắc tới là Trần Thì Công. Đoàn Niệm Tâm khi ấy đã coi Trần Thì Công là ánh sáng của đời mình, để đến khi hắn rời đi thì tất cả chìm vào bóng tối và chính cô cũng ngã gục hoàn toàn.
Hốc mắt cay xè, tôi khịt mũi một cái: "Cảm ơn cậu."
Đoàn Nhữ Hài bật cười: "Biết phải nói với chị bao nhiêu lần nữa đây? Chị của hiện tại và tương lai... vẫn sẽ là Đoàn Niệm Tâm, là chị gái của Hài tôi."
Tôi cũng cười theo, thu tay thành nắm đấm gõ nhẹ lên vai cậu ta: "Này, phủi phui cái mồm. Tôi còn phải về nhà nữa chứ."
"Ý chị là gì?" Chỉ trong tích tắc, ánh cười không còn trên gương mặt của Đoàn Nhữ Hài nữa. "Chị sẽ đi đâu?"
Cả người tôi cứng đơ, khôn ngờ Đoàn Nhữ Hài lại phản ứng đáng sợ như thế.
Sau khi sống lại thay Đoàn Niệm Tâm, tôi vẫn hay nói với Đoàn Nhữ Hài rằng mình có một cuộc sống khác ở một nơi vô cùng xa xôi.
Thay thế chị gái cậu ta, chỉ là chuyện tạm thời. Tôi chắc chắn mình rồi sẽ phải quay về với Nguyễn Từ Niệm Tâm, về với bố mẹ và Đạt. Đoàn Nhữ Hài đã nghe tôi lảm nhảm rất nhiều, có lúc cậu ta tỏ ra cảm thông, có khi lại mặc kệ.
Thời gian qua đã xảy ra không ít biến cố, mối quan hệ giữa chúng tôi tuy đã thân thiết hơn nhưng lại hoàn toàn không có thời gian ở gần nhau. Có khi nào Đoàn Nhữ Hài đã quên mất rằng tôi không thuộc về thế giới này?
Tôi mím môi, tất cả suy nghĩ trong đầu trở nên rối loạn. Đúng lúc ấy, từ phía ngoài vang lên tiếng cười nói rộn ràng. Sự căng thẳng giữa tôi và Đoàn Nhữ Hài được cởi bỏ trong chốc lát khi Đỗ Chi xông vào phòng, theo sau là Phạm Bân cùng một nam một nữ lạ mặt.
Đỗ Chi cười rộ lên: "Tết năm nay nhà ta đông vui quá."
Cô nàng như một ngọn gió mát rượi của mùa hè, thổi đến đâu khiến người ta thấy dễ chịu đến đó.
Tôi và Đoàn Nhữ Hài liếc mắt nhìn nhau, ngầm đồng ý sẽ tạm cất đi câu chuyện còn dang dở (mà đáng lẽ ra sẽ gây nên một cuộc tranh cãi không hề nhỏ).
Đỗ Chi tiến đến gần, một tay kéo tôi dậy, tay kia nắm lấy bàn tay của cô gái mới đến có ý muốn giới thiệu. Tôi trộm quan sát, trong lòng phải khen một tiếng: Gái đẹp đây rồi! À quên, theo cách nói của người xưa phải là "Quả là một mỹ nhân" mới đúng.
Trên mặt toàn là ý cười, Đỗ Chi tủm tỉm: "Chị Tâm, đây chính là Thu Nguyệt mà em đã từng kể với chị."
Cô gái kia vô cùng phối hợp, hướng về phía tôi mà gật đầu chào: "Em là Dương Thu Nguyệt, chị hẳn là Niệm Tâm mà Đỗ Chi thường hay nhắc tới trong thư gửi em."
Giọng nói trong trẻo, dịu dàng như rót đường vào tai.
Đứng trước một mỹ nhân xinh như ngọc bích, tôi phải hít một hơi thật dài để bản thân không quá thất lễ. Cả đám chào hỏi một hồi, xong xuôi cũng là lúc Tị từ dưới bếp bưng lên một ấm trà nghi ngút khói.
Em trai Đoàn Nhữ Hài không mặn mà với những kiểu hội họp này, cậu ta lấy một cái cớ vớ vẩn rồi chạy biến. Tôi tuy ngồi lại nhưng không quá nhiệt tình tham gia trò chuyện, dù sao những vấn đề mà họ đang nói tới tôi cũng không hiểu gì mấy.
Cô gái tên Dương Thu Nguyệt kém Đỗ Chi hai tuổi, khi xưa vốn đã đính ước với Phạm Bân nhưng vì có Đỗ Chi xuất hiện nên hai người chia tay. Đi cùng với Dương Thu Nguyệt là một gã đàn ông cao lớn bặm trợn, trông mặt rất dữ tợn tên là Đặng Công.
Mối quan hệ phức tạp giữa bốn người đang ngồi trước mặt tôi có thể tóm gọn trong bốn chữ "có chút phức tạp".
Cha của Dương Thu Nguyệt tên là Dương Gia – một thầy thuốc có tiếng trên vùng cao – ông ta cũng là người đã nuôi lớn Phạm Bân, truyền thụ cho hắn tất cả tri thức về y học. Vợ mất sớm, Dương Gia chỉ có duy nhất một người con gái là Dương Thu Nguyệt, bởi vậy tâm nguyện cả con gái cho người học trò giỏi nhất của ông ta cũng hoàn toàn bình thường.
Tuy nhiên, Phạm Bân khăn gói lên kinh thành "gây dựng sự nghiệp" lại gặp được Đỗ Chi, và trong thời gian ấy thì Dương Thu Nguyệt đã nảy sinh tình cảm với Đặng Công. Giống như Phạm Bân, Đặng Công cũng là một đứa trẻ mồ côi được Dương Gia chăm sóc từ nhỏ. Gã ta không có chút hứng thú nào với y thuật, cả ngày chỉ biết đánh đánh đấm đấm nên được Dương Gia giao cho nhiệm vụ bảo vệ con gái.
Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, so với một Phạm Bân lạnh nhạt lại ở nơi kinh thành xa xôi, thì việc Dương Thu Nguyệt lựa chọn Đặng Công cũng là hợp lý. Mấy người bọn họ đấu tranh tình cảm suốt một thời gian dài, cuối cùng cũng đạt được kết quả như ngày hôm nay. Dương Thu Nguyệt và Đặng Công đã lên duyên vợ chồng, chỉ chờ ngày Đỗ Chi chính thức theo Phạm Bân "về dinh" nữa thôi.
Bình thường chỉ có Đỗ Chi và Phạm Bân, tôi chưa cảm nhận rõ thân phận "kỳ đà" của mình nhưng hiện tại thì đã thấy rồi. Cứ nghĩ rằng mình là một cô gái hiện đại đầy bản lĩnh, sống chết vì bản thân chứ không cần dựa dẫm vào bất cứ ai... vậy mà giờ đây thấy hai đôi chim sẻ quấn quít, tôi chỉ hận sao cái số mình hẩm hiu tới như vậy!
May mắn rằng em trai Đoàn Nhữ Hài cũng vẫn một thân một mình, chưa có gia đình riêng... không thì tôi sẽ buồn chết mất thôi.
Mấy người đám Đỗ Chi đang nói đến những chuyện khi xưa, trước khi cặp đôi Chi-Bân gặp nhau. Tôi cố gắng tập trung lắng nghe được vài câu rồi tâm hồn lại tiếp tục treo ngược cành cây.
Ôi chao ơi, càng nghĩ lại càng thấy bế tắc. Tên nhóc Trần Thuyên ngày nào cũng đã vợ con đề huề, không còn bị tôi lừa gạt một cách dễ dàng nữa. Thời gian quả là tàn khốc.
"Kìa chị Tâm, có chuyện gì không ổn à?" Tiếng Đỗ Chi lanh lảnh, cắt đứt mạch suy nghĩ của tôi.
Không ngờ tôi lại thở dài ra tiếng, thậm chí còn khiến tất cả chú ý tới.
Dương Thu Nguyệt nhẹ nhàng góp lời: "Có vấn đề gì chị cứ nói ra để mọi người cùng nghĩ cách giải quyết."
Cũng không thể nói lý do thở dài là vì mình ế được, tôi đành lấp liếm vài câu đầy cảm xúc về mối tình giữa Đỗ Chi và Phạm Bân. Vậy là tôi được bỏ qua, không ai để ý nữa.
Trò chuyện thêm chốc lát, Đỗ Chi hào hứng rủ mọi người dạo phố. Thời tiết mấy nay chuyển xấu nên các vị quý phi phu nhân trong cung cấm thi nhau ốm, khó khăn lắm Phạm Bân mới xin nghỉ phép được một hôm. Đương nhiên Đỗ Chi không thể bỏ lỡ dịp này được.
Trong lòng tôi khẽ à một tiếng, thảo nào tên nhóc Trần Thuyên kia không trốn ra ngoài như mọi khi.
Phố phường giáp Tết vô cùng náo nhiệt. Người ta bày sạp ra đầy đường, bán đủ thể loại. Nào pháo đỏ, nào câu đối, có cả mấy thứ đồ chơi bằng sáp trông rất hay ho.
Phía trước là hai cặp đôi nắm tay nhau vui vẻ bước đi, thi thoảng lại cùng nhau dừng lại ngó nghiêng. Phía sau tôi thất thểu lê bước, đã quên không mang theo tiền thì chớ, nếu biết trước như này thì tôi đã tìm đại một lý do mà ở nhà ngủ rồi.
Bỗng nhiên tôi khựng lại, không biết từ khi nào cổ tay tôi đã bị nắm lấy. Cả người tôi lạnh toát, nổi lên một tầng da gà vì sợ hãi.
Không phải chứ... tôi lại xui xẻo gặp phải bắt cóc? Cướp của?
Nói thì chậm mà chuyện xảy ra rất nhanh, lực tay của người đàn ông kia không hề yếu, chỉ tích tắc đã kéo về phía hắn, tách khỏi đám Đỗ Chi. Tôi sợ đến run cả chân, quên sạch sẽ việc mình biết chút võ vẽ phòng thân.
"Là ta." Nụ cười nửa miệng quen thuộc. Hương trà nhàn nhạt thoảng qua.
Người tôi như nép chặt vào lồng ngực anh, nghe rõ tiếng tim đập mạnh mẽ.
"Quan Quan Quan..." Trong phúc chốc, tôi vẫn chưa kịp hồi hồn.
Trần Thuyên xoa đầu tôi: "Ta đã làm nàng sợ sao?"
Đôi mắt hoa đào kia cứ nhìn chằm chằm, tôi lại có chút không thoải mái.
Tôi đẩy anh ta ra, lạnh nhạt đáp: "Quan gia hiền từ, dân đen không dám."
Trần Thuyên cười rộ lên: "Ăn hết mứt chưa?"
Tôi lắc đầu. Anh mỉm cười nói: "Chính sự quả thực rất bận rộn, hôm nay tranh thủ trốn ra ngoài một lát."
"Quan gia cần gì phải giải thích với tôi?"
Anh đáp: "Đã nghe Đỗ Quân chuyển lời rồi. Đến thời gian ngủ ta cũng không có, mãi mới tìm cách đến thăm nàng đó."
Tôi trầm ngâm, cái tên Đỗ Quân kia đúng là kẻ không biết giữ mồm giữ miệng.
Trần Thuyên cười cười nhìn tôi, kéo tay đi về hướng ngược lại với đám Đỗ Chi. Tôi ơ ơ a a mấy câu, anh liền nói rằng không có nhu cầu gặp quá nhiều người, chỉ muốn nghỉ ngơi một chút mà thôi.
Chúng tôi đi bộ khá lâu, rẽ vào những ngõ ngách không người qua lại rất nhiều lần. Trước mắt dần hiện ra một hồ nước rộng mênh mang, cách vài bước chân là đình hóng mát nho nhỏ, lá khô rơi đầy trên sàn đá.
"Hồ này tên là Nhật Thịnh. Nàng nhìn xem." (1)
Trần Thuyên rất tự nhiên xoay vai tôi qua một bên.
Thu gọn vào tầm mắt là ánh đỏ rực của mặt trời lúc hoàng hôn, dải xuống mặt hồ những vạt đỏ lấp lánh. Cách bờ khoảng chục mét là một chiếc thuyền không lớn lắm, còn vọng tới tiếng nhạc du dương.
Tôi ngây người nhìn, cảnh tượng quả thực rất đẹp. Vạn vật, từ những ngọn cỏ bé xíu xiu đến cây cổ thụ cao lớn cạnh đình hóng mát bỗng như có hồn, bóng trải dài dưới mặt đất...
Cái tên "Nhật Thịnh" không biết là ai đặt cho, phải nói là quá hợp. Không rõ tới thời hiện đại thì hồ Nhật Thịnh đã được đổi tên thành hồ nào? Hay nó đã biến mất theo thời gian rồi...
Tôi lén liếc mắt sang Trần Thuyên, anh đang chăm chú ngắm nhìn vầng tịch dương đỏ chót, không hề hay biết tôi đang quan sát anh.
Trần Thuyên vui vẻ nói: "Hồ Nhật Thịnh vốn rất nổi tiếng, nhưng dân chúng chỉ thích đến đây những ngày nóng nực để hóng mát mà thôi. Lạnh lẽo như thế này, ngoài hai ta bất chấp thời tiết thì đâu có ai."
Tôi khẽ bĩu môi. Là do anh kéo tôi đến đây đó chứ.
Chúng tôi lại tiếp tục ngồi yên, lặng nhìn hoàng hôn. Tôi vừa nghĩ ra một câu thơ tả cảnh chiều tà, còn chưa kịp há miệng ra đọc cho Trần Thuyên nghe thì anh đã bật dậy, kéo tôi về phía sau che chắn.
Tôi chợt nhớ rất lâu trước đây, bố tôi đã từng dặn dò, rằng: Đất trời tranh tối tranh sáng, cẩn thận chuyện xấu xảy ra...
- --
(1) Nhật Thịnh: Có nghĩa là ánh sáng rực rỡ của mặt trời.