Lúc Biết Xuyên Không Thì Đã Muộn!

Chương 26: Bắt đầu một bi (hài) kịch




Tôi lạy tất cả các đấng tối cao, lạy từ đất liền lạy triền miên ra đến tận biển cũng không cứu vớt tôi qua cơn bĩ cực này.

Long Đĩnh bước đến, nhẹ nhàng bế Sạ lên tay, quay lại hỏi tôi thêm lần nữa:

"Ai có cái đầu giống chó cái tai giống mèo?"

Khung cảnh trong phòng bây giờ đại khái là như thế này: Long Đĩnh bế Cao Sạ trên tay, vẻ mặt khó đoán; tôi mới thức dậy đầu tóc bù xù, quần áo xộc xệch đã bị doạ cho tím tái mặt mày, lập tức lao từ giường xuống đất mà quỳ, lắp bắp:

"Bẩm... chúa thượng."

Long Đĩnh không để tôi vào mắt, quay lạy sờ trán Cao Sạ rồi chỉnh trang lại y phục, ân cần hỏi:

"Đã đỡ hơn chưa?"

Sạ mím môi, gật đầu, vòng tay qua cổ ôm chặt lấy Long Đĩnh. Tôi có thể tưởng tượng Long Đĩnh trong tất cả các bộ dạng duy cử chỉ dịu dàng như thế này thì vượt quá tầm hiểu biết của nhân loại. Tôi vô thức chớp mắt, đợi y cho phép liền đứng dậy khúm núm lại gần chẩn mạch cho Sạ. Dù là một kẻ mù thì tôi cũng phải biết Long Đĩnh cưng chiều con trai đến chừng nào, một chút sai lầm thất trách thì chắc chắn tôi và chiếc đầu yêu dấu của mình "đường hai ngả người thương thành người lạ".

Cao Sạ nằm trên giường trông không có vẻ gì là mệt mỏi lắm, tôi đang chẩn mạch lại thì có tiếng người đi đến, đám cung nga quỳ rạp từ ngoài cửa. Một cô gái chừng mười bảy, mười tám tuổi bước vào, phục sức vô cùng lộng lẫy, vừa chạy tới vừa khóc hu hu:

"Điện hạ, điện hạ! Con không sao chứ?"

Tôi còn chưa kịp trấn an tinh thần để hành lễ thì cùng lúc có thêm hai cô nữa đi tới, từ đầu đến chân sáng loá vàng bạc, hết người nọ đến người kia thi nhau chen vào giường của Sạ. Chà, thì ra hậu cung "trong truyền thuyết" trông như vậy. Tôi dụi dụi mấy lần cho hết chói mắt vì kim ngân châu báu, nhanh trí quỳ xuống vái chào ngay. Vốn dĩ mấy phi tần kia còn đang bận khóc lóc không thèm để ý đến một kẻ hèn mọn như tôi thì Sạ đang nằm thửo dài thườn thượt bỗng dưng ngồi dậy, từ trên giường thành thạo lộn một vòng xuống cuối, kéo tay tôi:

"Đứng dậy đi."

Khoé miệng tôi giần giật liên tục. Cái thằng bé này... không biết chị đây đang cố gắng giảm sự tồn tại đến tối đa sao?

Tôi nghi ngờ trong cung này mọi người có hai sở thích, một là quỳ hai là "slow motion". Tỷ dụ như hiện tại bốn người lớn vây quanh một đứa trẻ, đứa trẻ thì lại đi đỡ một người lớn khác đang quỳ, tất thảy nhìn nhau như thể thời gian đóng băng. Thậm chí trong một khoảnh khắc tôi còn nghe rõ nhạc Ấn Độ nổi lên và mọi người bắt đầu diễn bằng ánh mắt: hoảng hốt, băn khoăn và lo lắng. Tôi chịu hết nổi cái cảnh này liền đứng phắt dậy đi về phía Long Đĩnh:

"Bẩm chúa thượng, điện hạ vừa tỉnh, bệnh tình đã thuyên giảm nhưng cần tĩnh dưỡng. Tiểu chức sẽ đi chuẩn bị nước xông, sau khi điện hạ dùng thiện thì có thể dùng thuốc ạ."

Long Đĩnh gật đầu, phẩy tay cho phép tôi đi ra ngoài. Chỉ đợi có thế tôi nhanh nhẹn chuồn đi ngay và luôn.

Nước xông đã được chuẩn bị xong, khi tôi quay trở lại thì khung cảnh lộn xộn vừa nãy cũng đã vơi bớt phần nào. Trong lúc lượn lờ bên ngoài thì tôi cũng dò la được từ đám cung nga một số chuyện, cả ba vị trong kia đều là hoàng hậu của Long Đĩnh! Vốn trong phim ảnh tôi xem bao giờ cũng chỉ có một hoàng hậu, cùng lắm là người này mất mới có người khác lên thay hay cạnh tranh đấu đá tranh ngôi vị với nhau nhưng không! Tại Đại Cồ Việt này tôi tận mắt chứng kiến có tới ba hoàng hậu cùng lúc.

Hoá ra trong lịch sử Việt Nam ngôi hậu này cũng chẳng phải hiếm hoi gì. Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn có tới năm hậu, sau khi đăng cơ Lý Thái Tổ còn có tận chín hậu! Xem ra số lượng bốn hoàng hậu của Long Đĩnh cũng chưa thấm tháp vào đâu. Nhưng rõ ràng là bốn hoàng hậu sao bên trong chỉ có ba người thế kia, người còn lại đâu rồi nhỉ?

Tôi mang nỗi băn khoăn của mình giấu sau vẻ ngoài điềm tĩnh đi vào trong, cung nga nối gót bưng theo nồi nước xông thơm mùi thảo dược. Tôi kính cẩn:

"Bẩm chúa thượng, nước xông đã tới đã có thể cho điện hạ dùng ngay."

Long Đĩnh nhàn nhã cầm ly trà lên thưởng thức, còn chưa kịp nói gì mà chỉ quét mắt nhìn một lượt thì ngay lập tức cả ba hoàng hậu biết ý đứng dậy, lễ phép xin lui rồi lỉnh ra ngoài điện Long Bộc còn nhanh hơn cả khi đến. Người vừa đi tất cả cửa trong cung được đóng lại, buông rèm. Tôi tiến tới lay nhẹ Sạ đang nằm vắt tay lên trán như ông cụ non, thì thầm:

"Điện hạ, người muốn tự xông hay muốn Đam bế người?"

Sạ hé mắt nhìn tôi, uể oải ngồi dậy cởi quần áo ngoài rồi nhảy tót vào lòng tôi ngồi. Tôi vẫy tay cho mấy cung nga đặt nồi nước xông lên giường rồi trùm kín chăn lại.

"Điện hạ gắng một chút, ban đầu sẽ hơi nóng"

Sạ gật đầu nhẹ.

"Như thế này có nóng quá không?"

Sạ không trả lời, hỏi lại bằng một câu rất không liên quan:

"Nghe nói anh sống ở nhà Đô chỉ huy sứ?"

"Bẩm điện hạ, đúng vậy."

Chẳng rõ có phải không hài lòng với câu trả lời của tôi không mà Sạ cựa người. Tôi hụt tay sợ làm thằng bé bị ngã vào nồi nước xông liền mau chóng ôm chặt lại, tay quệt vào thành nồi nóng một cái vừa rát vừa đau mà phải nén lại vờ chưa có chuyện gì.

Sạ xông xong thì ngự thiện được dâng lên, lúc này Trần Uy cũng vừa vặn mang một bát thuốc nóng hôi hổi tới. Tôi bế Sạ ra đến ngoài bàn, đặt xuống ngồi cạnh Long Đĩnh. Trần Uy chẩn mạch lại một lượt, dặn vú nuôi thuốc có thể chờ nguội bớt rồi mới hầu Khai Phong Vương uống.

Quá giờ Tỵ tôi với Trần Uy mới ra về.

Giữa trưa dù đã vào độ cuối thu nhưng nắng chang chang, tôi đi bộ trên đường phố Hoa Lư mà cũng cảm thấy như ai nấy đều cố tránh xa mình vài bước. Tôi cúi xuống hít hà cơ thể, từ tối qua đến giờ giúp Sạ xông thuốc tận hai lần, toàn thân mồ hôi nhớp nháp, tóc tai bết chặt lại. Nếu giờ có chuột chạy qua chắc nó cũng chỉ chạy bằng ba chân, một chân bận bịt mũi vì thứ mùi chua lè này mất. Tôi thất thểu đi về phủ Đô chỉ huy sứ. Giờ về tắm một cái rồi ngả lưng, chiều qua nhà Giáo thụ học bài cũng không muộn. Tính toán là vậy nhưng đời không như là mơ. Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, chuyện lớn cũng thế, chuyện nhỏ cũng vậy. Tôi vừa về đến nhà thì gặp Lịch Vũ đang vội vàng từ cổng đi ra. Thấy tôi vật vờ như xác sống Lịch Vũ ân cần:

"Trong cung có chuyện gì à?"

Tôi huơ huơ tay:

"Khai Phong Vương bị ốm ạ."

Lúc này một gia đinh trong nhà đã dắt ngựa tới, Lịch Vũ toan rời đi nhưng lại quay lại, đoạn bảo:

"Hôm nay không cần qua mài mực, mau trị lành vết thương đi."

Đến lúc này tôi mới giật mình nhìn xuống thấy mu bàn tay bên phải có một vết đỏ ửng. Hoá ra là bị bỏng từ lúc xông thuốc cho Sạ, vậy mà tôi quên béng mất. Lịch Vũ vừa nói xong tôi liền vô thức giấu tay ra sau, cười nhăn nhăn nhở nhở.

"Không tự băng bó được thì chờ ta về."

Tôi mím môi gật đầu, đợi chủ nhân đi khuất bóng mới lững thững đẩy cửa toan đi vào, còn chưa bước qua bậc thềm thì bị một người chặn lại, kéo vai:

"Anh có phải anh Đam, học trò của Thừa Trần Uy không?"

Tôi ngơ ngác gật đầu. Người kia thở không ra hơi, kéo tay tôi:

"Mau! Anh mau đi cứu cô nhà tôi với!"