Lúc Biết Xuyên Không Thì Đã Muộn!

Chương 12: Sai một li đi một dặm




Long Đĩnh bước vào, Lịch Vũ chắp tay thi lễ:

"Chúa thượng!"

Hai chân tôi không ai đánh nhưng tự động nhũn ra rồi đột ngột sụp xuống, vừa vặn thành tư thế quỳ:

"Chúa thượng tha mạng. Tổ ong này là Đam nhặt được."

Long Đĩnh chẳng buồn đoái hoài đến mấy câu thanh minh vô nghĩa của tôi, một mạch đi thẳng đến ghế chính giữa lều rồi ngồi xuống. Tôi khép nép quỳ sau Lịch Vũ, ra sức nghĩ cách chối tội. Với "thương tích" kia dù cho Long Đĩnh có khép tôi vào tội mưu sát vua thì dù cho có trăm ngàn cái miệng tôi cũng không tài nào minh oan được. Nếu tình hình phát triển theo chiều hướng như vậy thì người bị thả cho giao long cắn trong sử sách có tới tám, chính phần chính là tôi đây.

"Ngươi thử nói xem đã nhặt được tổ ong như thế nào?" - Long Đĩnh tựa hẳn người vào ghế, tay nhịp nhịp lên bàn, điệu bộ có vẻ phóng khoáng nhưng đôi mắt đen thâm trầm như muốn moi sạch tim gan tôi ra phơi dưới nắng, nhìn thấu tường tận. Phản ứng tự nhiên nhất của một kẻ nói dối không chuyên nghiệp: Tránh ánh mắt.

"Dạ bẩm..." - Tôi run run - "Sáng nay Đam đi sang lều Thái y ty học chữ, lúc ngang qua cây nhãn thấy có một bầy khỉ đang ném tổ ong. Quá giờ Tỵ thì người của Thân quân vào hỏi chuyện, sau đó Đam hỏi Lý An Tường liệu rằng có thể mang tổ ong này về không thì y bảo được."

Long Đĩnh nhếch môi, không rõ đấy là cười hay là khinh bỉ:

"Vậy ra Thân quân làm việc không chu toàn, lại sơ suất đến mức để quên vật chứng. Trên đất của trẫm ngươi lại phải hỏi ý Lý An Tường có được mang tổ ong đi hay không há chẳng phải vô lý hay sao?"

Tôi bặm môi không dám trả lời. Từng câu từng chữ của Long Đĩnh câu nào cũng đúng. Tôi đồng ý câu thứ nhất liền thành đổ tội cho Thân quân, đồng ý câu thứ hai thì gây hoạ cho An Tường. Dù nói gì đi chăng nữa cũng là há miệng mắc quai. Thường ngày tôi phá làng phá xóm, đôi lúc hơi vô liêm sỉ nhưng những việc đổ tội cho người khác như vậy thì Đam tôi không làm được. Tôi quỳ trên mặt đất như phỗng, chẳng biết phải làm như nào mới phải.

"Thượng bất chính, hạ tắc loạn(1), là thần dạy dỗ không nghiêm nên để xảy ra cơ sự này. Xin chúa thượng trách phạt." - Lịch Vũ đứng lên đi về phía trước chắn trước mặt tôi, cúi đầu nhận lỗi.

Long Đĩnh phẩy tay:

"Chỗ Tuyên uỷ sứ(2) La Lân thế nào?"

"Bẩm chúa thượng, Tuyên uỷ sứ bị thương khi xuất binh, đến nay vẫn đang điều trị. Trước mắt giặc Man Cử Long vẫn đang bị ngài ấy chế ngự." - Lịch Vũ đáp gọn.

Long Đĩnh trầm ngâm một hồi, nói đoạn bảo:

"Không ép uổng người bất năng, thương xót người đau ốm, đó là để bày tỏ điều nhân(3). Nay La Lân trọng thương khó để tận lực. Việc quân ở Thần Đầu đừng lơ là, nhược bằng có biến chuyển lập tức dẫn binh đến tương trợ Tuyên uỷ sứ."

"Tuân mệnh."

Tôi vẫn duy trì tư thế quỳ trên mặt đất, đầu óc mơ màng vì từ chuyện mình và tổ ong lại nhảy sang quân Man Cử Long và vị Tuyên uỷ sứ nào đó. Nhưng như thế càng tốt, chí ít tôi còn được sống thêm ít lâu nữa.

"Còn Đô chỉ huy sứ thì sao? Bệnh tình đã thuyên giảm rồi chứ?" - Một lần nữa Long Đĩnh lại đổi chủ đề, tôi bị quay như chong chóng. Chẳng thà y cứ một đao xử tử tôi cho xong, chơi trò mèo vờn chuột thế này quả thực không phù hợp với những người có thần kinh yếu như tôi.

"Nhờ ơn đức chúa thượng, chút bệnh vặt của thần không còn gì đáng lo." - Lịch Vũ trả lời, vờ vô ý đứng lên phía trước để che cho tôi. Tôi biết ý nhích xuống một chút, cố gắng giảm sự tồn tại của mình xuống tối đa.

"Thuyên giảm thì tốt rồi. Sửa soạn ngày mai theo trẫm hồi kinh."

Long Đĩnh chỉ hỏi vu vơ vài câu như vậy rồi rời đi, cũng chẳng buồn đả động gì đến tôi. Đợi bóng y vừa khuất cửa lều tôi liền thở phào thành tiếng, đứng phắt dậy chạy về phía Lịch Vũ:

"Bẩm Đô chỉ huy sứ, Đam như vậy là đã thoát tội rồi phải không?"

Lịch Vũ nhướn mày:

"Ngươi đã phạm tội ư?"

Tôi dùng cả hai tay bịt miệng mình, biết vừa lỡ lờ liền ra sức lắc đầu, chối đây đẩy:

"Không có, không có! Đam sợ chúa thượng trách phạt xuống."

Lịch Vũ lắc đầu:

"Bậc minh quân sao phải bức ép một nô bộc?"

Lịch Vũ nói cái gì cơ? Long Đĩnh... là "minh quân" ư? Tôi rùng mình, cả người tự dưng nổi hết da gà. Trông như vậy mà mắt nhìn người của Đô chỉ huy sứ này quá kém. Hôn quân bạo chúa vang danh thiên cổ, tàn ác hơn cả Trụ, Kiệt(4) suốt hơn bốn ngàn năm sử Việt làm gì có ai qua được Lê Long Đĩnh?

Nói là vậy nhưng tôi tự hiểu vì sao mình vẫn còn giữ được cái mạng quèn. Xử tội thư đồng Đô chỉ huy sứ thì khác gì trách phạt Lịch Vũ đâu? Nội chiến chỉ vừa chấm dứt, Long Đĩnh lên ngôi danh không chính ngôn không thuận. Đô chỉ huy sứ xem như cũng có công đánh Đông dẹp Bắc, phò trợ tân quân. Đương lúc cần người tài mà chỉ vì chuyện mập mờ đầu đuôi, xử chết tôi thì dễ nhưng sẽ khó coi với Lịch Vũ. Đánh chó xấu mặt chủ. Nhưng dù vậy tha mạng cho tôi cùng lắm cũng chỉ như một kẻ biết tính toán chu toàn, không thể xem Long Đĩnh là một "minh quân" được.

***

Tinh mơ hôm sau chúng tôi xuất phát, theo long chu(5) từ Phong Châu về Hoa Lư, chấm dứt mấy tháng bôn ba nơi chiến trường. Nếu thời tiết mát mẻ thuận lợi thì chỉ mấy ngày nữa tôi đã có thể đặt chân tới kinh thành. Theo lời của La Đạc thì Hoa Lư là nơi phồn hoa tươi đẹp, khác hẳn với những vùng Phù Lan, Phong Châu thôn dã. Thật khó để một kẻ như tôi có thể tưởng tượng ra khung cảnh chốn kinh kỳ. Trước khi về Hoa Lư xa giá sẽ nghỉ lại Đằng Châu hai ngày, cũng là nơi Long Đĩnh trấn giữ trước khi đăng cơ.

Nhân ngày xuân sáng láng, tiết trời dễ chịu, thuyền êm xuôi mái, yến oanh đầy trời, Long Đĩnh sai bày một bữa tiệc rượu nhỏ trên thuyền. Vì mới từ chiến trận trở về người theo hầu rất ít, chủ yếu là binh lính chân tay thô kệch chỉ biết binh đao nên mấy việc bày biện tỉ mẩn đều một tay Bạch Vỹ lo. Mà Bạch Vỹ dù cho có ba đầu sáu tay cũng không xuể được nên gọi tôi qua phụ giúp. Tôi là kẻ bỉ lậu(6) từ ngày đến đây chỉ quanh quẩn bên chuồng ngựa hay cùng lắm là cỏ cây thảo dược. Lần trước may mắn được đi theo chiến thuyền của Long Đĩnh nhưng so ra chẳng là gì với thuyền rồng lần này. Toàn bộ thuyền đều độc mộc bằng loại gỗ có vân dạng thon dài, nếu ghé sát mũi ngửi còn thấy một mùi thơm rất nhẹ. Mạn thuyền trổ hình sóng nước xen lẫn hoạ tiết hoa sen tám cánh. Ở hai đầu mũi thuyền là hai con rồng cực lớn nét mặt hung tợn, miệng ngậm một khối đá hình tròn trong suốt từa tựa như ngọc. Phía đuôi thuyền có một chèo, mũi thuyền rộng thênh thang là nơi Long Đĩnh cùng bầy tôi thưởng ngoạn. Trên thuyền thường có thêm một số cọc phụ to đến độ một vòng tay người ôm không xuể, bằng gỗ gì chẳng rõ mà chỉ biết có màu cánh gián hung hung, hiện lên những đường vân mảnh màu hồ đào tuyệt đẹp. Ngay chỗ Long Đĩnh ngồi thì Bạch Vỹ luôn chực chờ sẵn, tay cầm một cái lọng lớn màu tía. Nắng xuân chiếu lên lọng tía thêu bằng chỉ bạc, ánh sáng hắt lại trên tầng không có những lúc còn nhìn ra hào quang bảy sắc. Bàn ngự thiện bày đủ thứ đồ, từ ly rượu chén, đĩa, bát, đũa... tất thảy đều làm từ vàng bạc, có những cái khảm đá quý đủ màu, cực kỳ xa hoa.

Lần hồi kinh này hoàn toàn không đơn giản. Đại Cồ Việt vừa trải qua nội chiến không ngừng, tứ bề là kẻ địch ngoại bang. Long Đĩnh phô trương sự giàu có ổn định của hoàng tộc âu cũng là một phần làm dân yên lòng.

Thuyền xuôi dòng nước trong xanh êm đềm. Hai bên bờ hoa đỗ quyên nở hồng rực, cỏ lau ngút ngàn. Trên thuyền thịt thơm, rượu ngon, người người thưởng lãm. Giữa lúc này đột nhiên có đợt cuồng phong dội đến, thuyền lắc lư không ngừng. Chỉ vừa chớm sang mùa xuân nhưng lại xuất hiện mưa giông. Chớp rạch ngang trời, sấm gầm gừ sau những tầng mây cuộn dày, xám ngoét. Trời đang sáng rõ bỗng dưng mây mù giăng kín. Long Đĩnh lệnh tìm chỗ đậu tránh. Thuyền dò dẫm đi thêm một đoạn nữa liền đến chỗ có dân chúng quỳ phục trên bờ lạy thuyền rồng của vua đi qua. Long Đĩnh cho thuyền đi chầm chậm, nhìn lên trên bờ cao có đền thờ, đoạn hỏi:

"Đền này thờ ai vậy?"

Dân chúng cúi đầu, len lén nhìn nhau. Chừng nào chúa thượng chưa chỉ đích danh hẳn chẳng ai dám hó hé câu nào. Long Đĩnh trỏ ông cụ già nhất trong đám người đang quỳ, lệnh:

"Lão, trả lời cho trẫm."

Ông cụ người gầy đét, chao đảo mấy bận vì gió cuốn khúm núm thưa:

"Bẩm chúa thượng, là đền thờ thần Thổ địa của Đằng Châu ạ."

Tôi đảo tròn mắt, chẳng hiểu Lê Long Đĩnh đang nghĩ gì. Giữa lúc mưa to gió lớn thế này nhẽ ra mau mau tìm chỗ trú đi, ở lại đây hỏi này hỏi kia những chuyện không liên quan làm gì cơ chứ?

Nghe được câu trả lời Long Đĩnh tỏ vẻ rất vừa ý, cười nhạt rồi bảo:

"Thần Thổ địa? Vậy nếu thần có linh làm thế nào cho lui được gió mưa khiến bên này tạnh, bên kia mưa ta mới tin linh nghiệm."

Vẫn biết Long Đĩnh ngang ngược nhưng thách thức cả thần linh thế này khiến tôi cũng chỉ biết chép miệng, hơi quá đáng rồi. Nhưng vừa lúc đấy, không chỉ tôi mà tất thảy người trên thuyền, dưới đê đều tận mắt chứng kiến cảnh tượng mà có lẽ cả đời này cũng không thể quên được. Bầu trời tối sầm nhưng dần dần chia ra hai nửa, ánh nắng yếu ớt tràn xuống. Bụi thôi cuốn mù mịt và mây đen dần giãn ra. Nửa bên này sông chỉ có gió thổi hiu hiu, nửa sông bên kia mưa ào ào như trút nước, thậm chí còn nhìn rõ cả một tia sét đánh xuống làm mặt đất nứt toác ra. Tôi thảng thốt giật lùi lại mấy bước, nhìn sang viên lĩnh Long Đĩnh mặc không bị ướt dù chỉ một góc. Người dân ban đầu còn kinh sợ chỉ biết bối rối nhìn nhau nhưng đến khi tận mắt chứng kiến điều kỳ lạ kia thì mọi người trầm trồ rồi liên tục quỳ lạy, hô vang "Vạn tuế".

Nội tâm một kẻ không tin thần không tin quỷ như tôi rất hỗn loạn, đành phải dụi mắt thêm mấy lần. Quả nhiên nhìn đi nhìn lại vẫn cứ là phía bên này sông chúng tôi đang đứng chỉ có gió lớn mà không có mưa, từ nửa sông bên kia trời đen kịt, mưa xối ào ào. Bản thân Long Đĩnh cũng sững sờ mất một chút rồi cả cười:

"Đằng Châu là đất địa linh, nay xa giá trẫm về chốn cũ được che chở bình an, ban tên Thái Bình. Lệnh cho tu sửa lại đền thờ Thổ Địa."(7) (8)

Tới lúc này cuối cùng tôi cũng nhận ra một cái tên quen thuộc với thời hiện đại của mình, là Thái Bình. Nếu vị trí địa lý giáp Hoa Lư - Ninh Bình, lại đổi từ Đằng Châu thành Thái Bình thì không thể nhầm được! Đây chắc chắn là tỉnh Thái Bình mà tôi biết ở hơn một ngàn năm sau. Sau mấy tháng bôn ba nơi xa lạ cuối cùng tôi cũng nghe được một địa danh thân quen. Nói không cảm động tới phát khóc chắc chắn là nói dối. Tôi sụt sịt ngước nhìn lên trời, một là để không cho mình khóc, hai là để gắng nghĩ xem chuyện gì đang xảy ra. Trong một khoảnh khắc tôi đã nghĩ có thần linh, quả thực xấu hổ với chính mình. Có vẻ như tôi đã ở Đại Cồ Việt này lâu quá rồi thì phải!

Thường thì những đám mây u ám, sẫm màu là vùng mà hơi nước từ dưới mặt đất, sông, hồ, đại dương bốc lên. Do nhiệt độ trên cao rất thấp nên hơi nước sẽ ngưng tụ thành những hạt nước li ti. Tính chất của nước các hạt nước li ti trên cao này bồi kết lẫn nhau thành những hạt nước lớn hơn, nặng hơn rồi không thể lơ lửng trong không trung được nữa, khi ấy trọng lực sẽ kéo chúng xuống trở lại mặt đất gây ra hiện tượng nước từ trên trời rơi xuống mà thiên hạ gọi là "Mưa". Đây chính là bài học căn bản môn Khoa học Tự nhiên và Xã hội từ hồi tiểu học.

Diện tích đang mưa dễ có thể thấy nặng hạt từ bên trong giảm dần ra ngoài, do mây đậm đặc từ trong ra ngoài. Phần rìa của mây nhẹ hơn nên khi bắt đầu đi vào vùng mưa sẽ thấy từ mưa nhỏ rồi lớn dần, tiếp tục đi ta sẽ thấy mưa giảm dần cho đến hết mưa. Tính ra thì xem như đám mây kia vừa hay đến chỗ chúng tôi là khu vực rìa nên không mưa, bên kia lại là tâm của đám mây nên mưa xối xả lại hoàn toàn hợp lý. Chẳng qua chỉ là tình cờ, làm gì có thế lực nào siêu nhiên ở đây? Tôi tự thấy mình thông minh đột xuất, trong đầu như xuất hiện một vầng hào quang chói loà. Chỉ đáng tiếc là kiến thức này không thể phổ cập đại chúng cho những người đang sống cách tôi một ngàn năm có lẻ.

Từ đền thờ Thổ địa đi chẳng bao lâu nữa đã tới phủ Khai Minh Vương. Nơi này là đất phong của Long Đĩnh khi chưa đăng cơ, phủ đệ vô cùng bề thế. Về cơ bản phủ Ngự Bắc Vương hay Ngự Man Vương chẳng thể so bì. Chỉ dựa trên mức độ xa hoa của nơi này thì những lời đồn không phải không có căn cứ. Nghe đâu sau khi thái tử Long Thâu mất, tiên đế vốn có ý lập Long Đĩnh làm thái tử song bá quan văn võ ngăn cản. Bỏ con trưởng lập con thứ làm thái tử thì không phải lễ(9). Nếu từ lúc đó Long Đĩnh đường đường chính chính trở thành thái thì Đại Cồ Việt có khi đã tránh được một trận mưa máu gió tanh, nội chiến hơn nửa năm trời.

Đã lâu mới có dịp quay trở lại Đằng Châu, Long Đĩnh sai mở một buổi tiệc rượu nhỏ khoản đãi. Chập tối mọi người đã đến đông đủ, tôi háo hức đợi xem hôm nay có rượu hoa cau hay không thì chợt thấy Trần Uy từ đằng xa đi lại. Thường thì trong các dịp hội họp tiệc tùng đừng nói là Giáo thụ, ngay cả các quân y tôi cũng chưa từng thấy tham dự. Nay chỉ là một buổi tiệc nhỏ mà Trần Uy ở đây chẳng phải hơi kỳ lạ hay sao? Tôi nhìn thầy mình, Trần Uy đi một mạch tới chỗ Lịch Vũ, nói gì đó rất nhỏ. Ngay lập tức Lịch Vũ đứng dậy, rời khỏi bàn tiệc đi theo Trần Uy. Thân là thư đồng của y hơn nữa còn là Hội trưởng Hội người tò mò Đại Cồ Việt, tôi nhanh nhảu bám theo. Qua mấy lần cửa cuối cùng cũng đuổi kịp, tôi chắp hai tay phía trước tỏ vẻ ngoan ngoãn, hỏi Lịch Vũ:

"Bẩm Đô chỉ huy sứ, có việc gì mà gấp gáp vậy ạ?"

Lịch Vũ lúc này đã vừa tới phòng phía Đông của Long Đĩnh, y dừng lại nhìn vào cánh cửa, ánh mắt cương nghị nhưng có đến mấy phần lo lắng:

"Chúa thượng nhiễm ma chẩn rồi!"

Lý nào lại vậy? Tôi đi theo Trần Uy và Lịch Vũ tiến vào trong nhưng lòng như có lửa đốt. Ma chẩn? Phải chăng là nguồn bệnh từ trại Phù Lan? Tôi nhẩm tính: cả thôn Nam Ninh khi ấy đều bị phong toả thì lấy đâu ra việc người bệnh tiếp xúc gần được. Đồ vật? Đồ vật thì sao? Có khi nào đồ vật trong khu nhiễm bệnh đã bị truyền ra bên ngoài, rơi vào tay Long Đĩnh và đồng thời truyền virus gây bệnh không? Trong phút chốc tôi thấy chân tay mình bủn rủn, tim như chệch đi vài nhịp. Không phải là... do bức "mật hàm" của tôi đấy chứ?

*Chú thích:

(1) Thượng bất chính, hạ tắc loạn: Người trên mà không chính trực, nghiêm chỉnh, tử tế thì người dưới tất sẽ làm loạn, cướp bóc, càn quấy.

(2) Tuyên uỷ sứ: Thời Đường là tướng lâm thời phái đi làm việc (Từ điển chức quan Việt Nam). (3) Sách Võ kinh (Binh thư yếu lược).

(4) "Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Vua Kiệt nhà Hạ thích giết người, đến nỗi có hình phạt leo cột đồng nung nóng, vua Trụ nhà Thương thích giết người đến nỗi có việc chặt đùi người lội nước buổi sáng, tuy có Long Bàng, Tỷ Can là người hiền hết lòng trung có sức can ngăn mà đều bị giết, vì thế mất nước một cách đột nhiên. Đời sau những vua thích giết người như Tôn Hạo nước Ngô cũng nhiều, cuối cùng đều diệt vong cả. Ngọa Triều không những chỉ thích giết người, lại còn oán vua cha không lập mình làm thái tử, đánh đau người Man, cho họ kêu gào, nhiều lần phạm húy cha mà lấy làm thích, thật quá tệ. Mất nước mau chóng, há phải không do đâu mà ra?" (Đại Việt sử ký toàn thư)

(5) long chu: Thuyền làm theo hình con rồng. Thuyền rồng. Thuyền vua đi.

(6) bỉ lậu: thô tục quê mùa.

(7) "Quân về đến Đằng Châu, đổi tên châu ấy làm phủ Thái Bình." (Đại Việt sử ký toàn thư)

(8) Các chi tiết về sự tích khai sinh là tên gọi Thái Bình được dựa trên thần tích đền Mây, Hưng Yên (Nơi thờ sứ quân Phạm Bạch Hổ - Thổ địa của Đằng Châu)

(9) Trước đó Long Đĩnh xin làm thái tử, vua có ý muốn cho. Đình thần nghị bàn cho rằng không lập con trưởng mà lập con thứ là không phải lễ. Vua bèn thôi. Đến đây lập Long Việt làm hoàng thái tử mà gia phong Long Đĩnh và Long Tích làm Đại Vương." (Đại Việt sử ký toàn thư)