Thề có quỷ thần hai vai chứng tỏ, tất cả chỉ là tai nạn!
Nếu nói sai thì hai chân tôi đi dép.
Nếu tôi nói dối thì hai đầu gối bằng nhau.
Thực ra là nếu có cố ý thì quân tử cũng không ai đi chấp nhặt một kẻ say phải không?
"Dậy rồi thì mở mắt ra đi." - Giọng nói quen thuộc của Lịch Vũ khiến tôi bỗng chốc hồn tan phách lạc.
Tại sao Lịch Vũ biết tôi dậy rồi nhỉ? Tại sao?
Tôi lồm cồm bò dậy, toàn thân nồng nặc mùi rượu, từ trên cái đầu bù xù như tổ quạ còn rớt xuống một bông hoa dại chẳng biết cài lên từ lúc nào. Tôi không dám nhìn thẳng vào vị Đô chỉ huy sứ kia, mắt đảo quanh hòng kiếm một xó nào trốn vào cho đỡ nhục. La Đạc và Trần Chất, nếu tôi thoát khỏi đây hai người nhất định sẽ phải biết tay tôi!
Sau gần năm phút im lặng không ai nói với ai câu nào, hồn tôi đã kịp nhập trở lại vào xác. Tôi bày ra một vẻ mặt xu nịnh hết cỡ, cười nham nhở giả vờ mất trí nhớ:
"Ha ha! Đô chỉ huy sứ đấy ạ? Tại sao Đam lại ở đây?"
Lịch Vũ không thèm nhìn tôi lấy một cái, trỏ ngọn nến đã cháy gần hết, bảo:
"Nến đã cháy hết rồi, mau đi thay đi."
Được lời như cởi tấm lòng, tôi phi đến vồ lấy cây nến cháy hết rồi cúi chào Lịch Vũ, chạy biến ra bên ngoài. Vừa ra đến cửa đã đâm sầm vào một đám người đang dán tai vào lều nghe lỏm. Tôi nhận ra ngay cái đầu bạc của tên Lạc Đạc liền lập tức hung hăng xông đến sút một cái thật mạnh vào giữa hai chân y, gầm lớn.
"Tên khốn nạn nhà ngươi!"
La Đạc thoắt cái lùi về phía sau, lôi Trần Chất ra đỡ đòn. Á à, Trần Chất cũng đáng chịu tội. Tôi lại lao đến, Trần Chất nhanh trí lại kéo Lê Sương đứng lên phía trước. Sương là một tên mặt già khằn, cao lêu nghêu. Y túm cổ áo tôi, nhấc bổng lên, thành ra tay chân tôi đấm đá túi bụi vào không khí. Đợi cho đến khi tôi đã mệt nhoài, những câu chửi từ dài dòng chuyển sang ngắt quãng và cuối cùng chỉ còn thi thoảng gào lên một tiếng thì Sương mới thả tôi xuống đất. La Đạc cười như một con lười, tiến tới thỏ thẻ:
"Anh Đam, tối qua không có chuyện gì chứ?"
Tôi khoanh tay trước ngực, gầm gừ:
"Chuyện gì là chuyện gì?"
- Cả đêm qua lều của Đô Chỉ Huy Sứ sáng đèn. Đến lúc tôi và Chất tỉnh rượu chợt nhớ ra, quay lại đây định mang anh đi thì ngài bảo kệ anh.
Nếu là trong một quyển truyện manga, nhất định ngay bây giờ trên trán tôi sẽ xuất hiện ba gạch sọc đen. Thật sự không sợ kẻ địch giỏi, chỉ sợ đồng đội dốt. Nhẽ ra lúc đấy dù có phải xông vào đánh chém thì cũng nhất định cướp người mang đi chứ? Chắc hẳn sợ cuộc đời tôi chưa đủ điều tiếng, mấy tên này muốn thêm mắm dặm muối chút cho đậm đà.
"Đô chỉ huy sứ không đánh mắng anh chứ?" - Lê Sương huých vai tôi.
"Nghĩ sao vậy?" - Tôi nhướn mày - "Người không nói gì, chỉ bảo nến cạn rồi, mau đi thay."
Ba tên kia đồng loạt rú lên một tiếng. La Đạc nhanh nhảu:
"Anh Đam không hiểu ý câu nói đấy à?"
Tôi tròn mắt:
"Thì nến thắp cả đêm hết sạch rồi, đem đi thay chứ còn gì nữa?"
Lê Sương lắc đầu chầm chậm, buồn bã bảo:
- Ý Đô Chỉ Huy Sứ đại nhân là tình nghĩa của người đã cạn như cây nến kia. Giờ là lúc thay thư đồng mới.
Tôi hoang mang tột độ, vốn không tin mấy lời nhảm nhí của ba tên này nhưng có vẻ người ngày xưa cũng ưa nói ẩn dụ bóng gió. Tôi mới đến đây làm sao có thể hiểu ý tứ sâu xa của mấy lời nói đấy? Dường như sợ tôi chưa đủ lo lắng, Trần Chất bồi thêm một câu:
"Đô chỉ huy sứ cả đêm qua bị anh chiếm chỗ nằm, người thức trắng ngồi ở ghế. Anh nghĩ xem vì sao người không đạp anh xuống đất? Không phải vì chút ân huệ cuối cùng của chủ tớ ư?"
Mồ hôi tuôn như mưa, nếu tôi là Lịch Vũ nửa đêm đang yên đang lành bị một tên hầu vào cưỡng hôn rồi còn say rượu chiếm chỗ ngủ thì khó nói tôi sẽ tha mạng cho hắn ta chứ đừng bàn đến chuyện tình nghĩa.
Vậy là coi như xong, kiếp này coi như bỏ.
Tôi lại quay trở về làm một kẻ tứ cố vô thân không nơi nương tựa.
Tôi thất thểu cầm cái đế nến đến kho mới nhận ra đầu óc mình thật chậm chạp, chỉ cần mang cái nến mới đến lều là xong, mất công mang cả cái đế nặng trịch làm gì? Hầu hạ vừa không chu toàn vừa chậm chạp lại còn điên rồ dở thói lưu manh, bảo sao không bị tống khứ đi nơi khác? Đến đây có vẻ như hơi men còn chưa tan hết, tôi lảo đảo ngồi tựa vào một góc khuất, tự vấn bản thân một hồi rồi oà ra khóc hu hu.
"Khóc nhanh lên để ta còn vào lấy đồ" - Giọng nói trong trẻo thánh thót từ phía sau lưng vọng lại. Tôi biết rõ âm vực này chỉ có thể là Bạch Vỹ liền vội lau nước mắt, miệng vẫn nấc "hức" "hức" lên từng hồi.
"Ta đã phải quay lại đây hai lần rồi mà ngươi vẫn còn đang khóc. Lại có chuyện gì?"
"Đô chỉ huy sứ... hức... sắp đuổi tôi đi." - Tôi vừa nín xong nói hết câu lại hoà ra khóc. Giờ biết phải làm sao đây? Nếu thả tôi ra sống giữa thời loạn lạc lại không một xu dính túi chắc chắn không sớm thì muộn, tôi sẽ chết nơi đầu đường xó chợ, hơn nữa còn là cái chết cực kỳ thê thảm.
Bạch Vỹ đi đến hít hà quanh tôi. Chắc đến bảy, tám phần là y ngửi thấy mùi rượu nồng nặc, cũng đại khái đoán ra được tình trạng kích động của tôi hiện tại từ đâu mà ra. Bạch Vỹ thủng thẳng:
- Cho dù ta thấy ngươi đáng bị đuổi từ lâu rồi nhưng phận người hầu kẻ hạ, đừng vì chủ nhân đánh mắng một chút mà nghĩ quẩn. Những việc nên làm tốt nếu còn cơ hội thì hãy làm cho tươm tất vào.
Lời của Bạch Vỹ nghe có vẻ vô tình nhưng trong phút chốc tựa như vầng hào quang soi rõ đầu óc mịt mờ của tôi. Tôi đứng phắt dậy, lòng đầy quyết tâm, tay nắm chặt, hai mắt lấp lánh, ghi một dòng thật đậm vào danh sách việc cần làm trong ngày hôm nay của mình:
KIẾM MỘT CÂY NẾN THẬT TỐT KHIẾN LỊCH VŨ PHẢI THAY ĐỔI CÁCH NHÌN VỀ TÔI!
Nghĩ là làm, tôi bắt tay ngay vào việc làm một cây nến thơm. Ở thời kỳ này nến chủ yếu được làm từ mỡ động vật, mùi vừa khó chịu vừa cay mắt. Vậy muốn làm một cây nến tốt khiến Lịch Vũ hài lòng thì phải tìm được sáp đậu nành hoặc sáp ong. Sáp đậu nành thì xem chừng khó kiếm nhưng sáp ong thì tôi biết rất rõ mình phải kiếm ở đâu. Đêm qua trong lúc say rượu bọn La Đạc có rủ tôi đi phá tổ ong, khổ nỗi một đám say rượu với nhau nào có ném trúng được tổ ong lần nào. Tôi sờ lên đầu mình thấy một cục u rõ to, ký ức mơ hồ chiếu lại rất chậm cảnh bị Lê Sương hụt tay mà ném trúng một đoạn xương lợn vào. Dựa người chi bằng nhờ mình, hơn nữa cái hội đông đúc đó không phá đám tôi đã cảm tạ đất trời lắm rồi.
Nghĩ là làm tôi trùm kín mít từ đầu đến chân, mượn thêm "vũ khí" trông từa tựa như cây ná chỗ La Đạc, lần mò đến chỗ tổ ong. Ong làm tổ trên một cây nhãn cách lều của Thái y ty chẳng bao xa. Tôi đã tính toán rất cẩn thận, dù trong trường hợp bị ong đuổi hay xui rủi hơn là bị đốt đi chăng nữa thì lều của Thái y ty cũng vừa vặn ở ngay cạnh, không dễ để xảy ra biến cố được. Đương nhiên mọi chuyện không dễ dàng như tôi tưởng tượng. Cũng phải tới lần thứ bảy, thứ tám thử sức tôi mới có thể khiến tổ ong kia khẽ rung nhẹ. Tôi hít một hơi sâu, cắn chặt hai hàm răng, cố nhắm thật kỹ. Tới lần thứ chín thì hòn đá bay một đường thẳng tắp, vượt qua khoảng cách mấy chục bước chân giữa tôi và cây nhãn nọ, đập "Phụp" một tiếng rất to, rõ ràng. Tổ ong rơi thẳng xuống đất, đàn ong ùa ra bay kín đen trên bầu trời. Tôi còn chưa kịp ăn mừng chiến thắng của mình thì đã nghe một tiếng thét lớn khiến tất cả tóc gáy cùng lúc dựng lên:
"Bay đâu, hộ giá! Chúa thượng! Chúa thượng!"
Tôi giật lùi mấy bước, không hiểu sao trong đầu bỗng dưng tự động bật lên lời hát "Xuân này con không về" theo nhịp vô cùng thê lương ảo não.
Lời bài hát còn chưa kịp hết thì chợt thấy tiếng chân quân lính rầm rập. Tôi biết, tôi biết đây chính là đám thân quân. Tôi khiếp đảm lao bổ vào lều của Thái y ty, rút đại một cuốn sách để lên bàn tỏ vẻ đang ngâm cứu y thuật kỹ lưỡng. Đến lúc này tôi mới phát giác trong lều còn một người nữa là An Tường - một học trò khác của Trần Uy. Tường còn chưa kịp phản tôi kéo cổ áo y ra, thẳng tay ném cây ná vào phía bên trong, không quên bồi thêm:
"Tôi và anh giờ cùng hội cùng thuyền!"
Trong giây lát biểu cảm của Tường ánh lên vài tia kinh ngạc. Kinh ngạc? Còn thời gian cho việc đấy sao? Tôi đe doạ thế thôi nhưng vẫn dùng điệu bộ khẩn thiết để nói chuyện với y. Bị bắt được lần này thì mất đầu là cái chắc. Nhẽ ra tôi không nên kéo An Tường vào nhưng biết sao được, người không vì mình trời tru đất diệt!
Một toán Thân quân người cầm thương người cầm gươm xồng xộc xông tới. Cả người tôi lạnh toát, tim nhảy Tango trong lồng ngực. Dù cố gắng đến mấy cũng không ngăn được hai tay và cả hai chân run lên bần bật.
"Có thấy ai đi ngang qua đây không?" - Người cầm đầu đám Thân quân hỏi.
"Dạ... không ạ. Có chuyện gì vậy các anh?" - Tôi giả vờ ngây thơ nhưng không quên liếc mắt nhìn về phía Tường. Cảm tạ ơn trên, Tường chỉ say sưa đọc sách chẳng buồn đoái hoài gì đến cả tôi lẫn Thân quân.
"Có một bầy ong vừa tấn công chúa thượng, ta nghi ngờ có kẻ tiểu nhân giở trò."
Tôi làm bộ chống tay lên cằm chăm chú lắng nghe, suy suy tư tư một hồi:
"Dạ thưa phải chăng là tổ ong trên cây nhãn đằng Tây lều này?"
Cả đám Thân quân cùng lúc gật đầu.
- Buổi sáng sớm Đam đi qua thấy có mấy con khỉ đang ném tổ ong, chắc chúng học của lũ say rượu đêm qua.
Mấy người đó nhìn nhau có vẻ xuôi xuôi mà chính tôi bịa ra câu chuyện này cũng thấy hợp tình hợp lý. Đến đây vốn dĩ đám Thân quân toan kéo nhau rời đi thì bỗng dưng một tên quay lại, trỏ quyển sách tôi cầm trên tay:
"Ngươi cầm ngược sách rồi."
Tôi nhe răng cười, lập tức quay ngược quyển sách lại.
"Ngươi nói ngươi tên là gì?"
Tôi biết mình xong đời rồi, lí nhí:
"Tôi là Đam."
"Đam thư đồng của Đô chỉ huy sứ?"
Tôi nín thinh, biết mình vừa phạm phải một sai lầm không thể nào vãn hồi. Cả cái doanh trại này mấy nghìn quân không phải ai cũng biết đọc nhưng cái danh "thư đồng" của Đô Chỉ Huy Sứ lại mù chữ thì không ai không biết. Sai lầm ngu ngốc đến vậy cũng chỉ có Đam tôi có thể mắc phải.
"Người kia nữa là ai, mau trình diện!"
"Là tôi." - Tường quay lại, dáng vẻ vô cùng nho nhã. Y gật đầu chào với mấy Thân quân. Thái độ bình tĩnh như vậy... không phải mấy người này quen biết với nhau đấy chứ? Vậy thì tôi tới số rồi!
"Tứ sương quân phó chỉ huy sứ vẫn khoẻ chứ?"
"Cha ta vẫn khoẻ." - An Tường lễ độ đáp.
Hai bên chào hỏi với nhau thêm mấy câu. Hoá ra là vậy, tôi gật gù, thì ra Tường là con quan, có ô dù che chắn bảo sao Thân quân chẳng buồn động đến. Xem như tôi nợ Tường lần này, có dịp sẽ báo đáp. Mà Tứ sương quân phó chỉ huy sứ là chức nào mà mấy tên Thân quân kia lại tỏ vẻ quen biết thế được? Bình thường trông đám đấy có khi nào tử tế với người khác vậy đâu? Phát giác có điều bất thường tôi liền mau chóng điểm lại trí nhớ của mình. Tôi nhớ mang máng Lịch Vũ từng nói Tứ sương quân phó chỉ huy sứ bây giờ đang là Lý Công Uẩn. Vậy nếu Tường gọi Lý Công Uẩn là cha thì...
"Lý... An Tường?" - Tôi lắp bắp thở không ra hơi
Tường quay lại gật đầu:
- Ngươi gọi ta có chuyện gì?
Tường quay lại gật đầu:
"Anh gọi tôi có chuyện gì?"
Mọi người không tin là thiên đàng có thật, tôi cũng vậy. Nhưng trong giây phút biết mình vừa trắng trợn đổ oan cho hoàng tử trong tương lai, lại còn là chủ mưu hại vị vua hiện tại bị đàn ong vây đốt, tôi đã thấp thoáng thấy một khoảng trắng toả hào quang trước mặt. Mà không, kẻ làm nhiều chuyện xấu kinh thiên động địa như tôi thì rất có thể tôi nhầm. Tôi phải xuống địa ngục, là địa ngục mới đúng! Tôi mải cảm thán trong lòng mà không biết người của Thân quân đã rời đi từ lúc nào.
"Như thế này là được rồi chứ?" - Lý An Tường hỏi.
Tôi mím môi gật đầu, cố giương đôi mắt long lanh to tròn vô tội nhìn Tường.
"Sao anh giúp tôi giấu chuyện này?"
Tường cười mỉm, lắc đầu:
"Tôi không giúp anh giấu gì cả, chỉ là người khác không hỏi đến mà đây cũng không phải chuyện của tôi."
Nói đoạn Lý An Tường thong thả thò tay vào trong áo, rút cái ná ra trả lại cho tôi rồi đứng dậy, đi ra phía bên ngoài. Tôi lẽo đẽo chạy phía sau Tường, y đi tới gần chỗ tổ ong nằm chỏng chơ trên đất, dùng tay không xua xua đi đôi ba con ong còn quanh tổ, cuối cùng nhặt lên đưa cho tôi:
"Dù như thế nào cũng đừng vì bản thân mà làm tổn hại đến sinh mạng kẻ khác. Con người cũng thế mà con vật cũng vậy."
Trong khoảnh khắc ngắn ngủi tôi như vừa thấy một vầng hào quang chói loá sau lưng Tường, ánh sáng lấp lánh tựa một vị thần tiên giáng thế, phổ độ chúng sinh. Sinh linh vừa mắc cảnh lầm than là tôi đang vểnh tai nghe thuyết pháp, cuối cùng tôi dụi mắt hai lần lấy lại bình tĩnh, hỏi Tường:
"Nếu có người hỏi tôi có thể nói anh cho tôi cái tổ ong này không? Tôi... sợ bị bắt lắm."
"Có thể."
Tôi chạy biến đi, thực lòng còn không biết là do y quá hiền lành hay là do quá ngốc nghếch nữa.
***
Có được sáp ong chỉ là bước đầu, kế đến còn cần phải tìm thêm những nguyên liệu khác. Tôi ưa nến có mùi thơm, như vậy lúc đốt lên vừa sáng rõ lại giúp người suốt ngày căng thẳng chiến sự như Lịch Vũ thư giãn hơn rất nhiều. Trời đương vào độ giữa xuân, chỉ cần đi bộ quanh doanh trại cũng có thể dễ dàng tìm được những khóm cúc dại nở hoa trắng muốt, thơm nức. Đợi đầy đủ nguyên liệu có thể bắt đầu đun chảy sáp, làm tim nến, đổ vào khuôn... đại để là bảy bảy bốn chín bước nữa. Cuối cùng sau bao gian truân thử thách thì cây nến handmade đã chính thức ra lò, dù có hơi chút méo mó xấu xí. Quan trọng gì, tốt gỗ hơn tốt nước sơn. Tôi đã đốt thử rồi, rất là thơm, bản thiết kế vĩ đại, tinh hoa hội tụ, ai ngửi cũng mê!
"Đô chỉ huy sứ, Đam về rồi đây." - Tôi khệ nệ mang cái chân nến bằng đồng nặng trịch, bên trên cắm mấy ngọn nến hoa cúc vào. Lịch Vũ đang chống cằm thiu thiu ngủ nghe động y hé mắt ra nhìn tôi, bảo:
"Chỉ đi đổi một cây nến thôi ngươi đã ở đâu cả ngày vậy?"
Tôi tưởng Lịch Vũ đang tức giận, hai mắt ầng ậng nước:
"Người đuổi Đam cũng được nhưng xin hãy nhận lấy cây nến Đam tự làm này coi như quà tiễn biệt."
Hai hàng lông mày của Lịch Vũ nhíu chặt lại. Y hỏi tôi:
"Tại sao ta phải đuổi ngươi?"
Tôi ngồi xuống vừa khóc vừa kể đầu đuôi tường tận câu chuyện của đám La Đạc cho Lịch Vũ nghe. Lịch Vũ trỏ cây nến:
"Tối rồi, ta muốn đọc sách."
Tôi biết như thế chắc chắn là Lịch Vũ đã tha tội liền hí hửng vừa lao đến thắp nến vừa xun xoe nhận tội:
"Chuyện tối qua..."
"Sau này không cho phép ngươi uống rượu, cũng không được nhắc đến nữa."
Tôi gật đầu răm rắp, vẻ mặt ngoài bình thản nhưng trong lòng rối hơn tơ vò.
Có phải tên Đô chỉ huy sứ này thực sự có "gì đó" không? Ở thời phong kiến bị một tên "đàn ông" khác hôn trộm mà lại xem như gió thoảng mây bay, còn để tiếp tục làm người hầu kẻ hạ thì không lẽ... Lịch Vũ là gay?
"Nến làm không tồi. Ngươi làm như thế nào vậy?"
Đấy! Có thế chứ! Vất cả cả một ngày cuối cùng cũng được công nhận, vừa nghe Lịch Vũ hỏi tôi hớn hở:
"Dạ bẩm, Đam hái hoa cúc cùng dùng sáp ong nấu chảy làm nến."
"Sáp ong à?" - Một giọng nói đầy cay nghiệt vọng đến. Long Đĩnh bước vào, trên mặt ba bốn vết đốt sưng vù.
"Hoá ra trong nhà Đô Chỉ Huy Sứ lại nuôi khỉ biết ném tổ ong!"