Lẳng Lơ Tao Nhã

Chương 375: Trạng Nguyên và Bảng Nhãn (1)




Trương Nguyên nói:

  • Không suy xét nhiều như thế, những gì viết trong bài thi cũng là những vấn đề trọng yếu cần giải quyết nếu sau này được làm quan, còn về phần hoàng đế có tiếp thu hay không, thì lại là chuyện khác.

Đám thí sinh của Hàn Xã không biết bài văn mười ngàn chữ của Trương Nguyên rốt cuộc là viết những gì, nhưng dám thẳng thắn phát biểu ý kiến của mình ở kỳ thi điện, châm biếm cái dở đương thời, lòng can đảm đó quả đáng kính phục. Mọi người vừa bước ra khỏi Thiên Bộ Lang, đã thấy đám người hầu của bọn họ đứng chờ bên ngoài Đại Minh Môn, Thương Chu Tộ đợi em rể Trương Nguyên ở trong xe ngựa, đứng bên xe ngựa là Mục Chân Chân và Vũ Lăng.

Buổi thi điện ngày hôm nay tương đối vất vả, mọi người ai về nhà nấy nghỉ ngơi, đám người của Hàn Xã hẹn nhau trưa mai tụ họp ở quán rượu gần chùa Đại Long Phúc. Cuối cùng cũng thi xong rồi, Truyền lư đại điển phải đợi ba ngày nữa, hai ngày này có thể thư giãn thoải mái được một chút.

Trương Nguyên ngồi lên xe ngựa, Thương Chu Tộ hỏi thăm về tình hình thi cử của hắn, nghe nói Trương Nguyên viết bài văn cả mười ngàn chữ, mỉm cười nói:

  • Giới Tử toàn làm những việc kinh người.

Về đến Đông Tứ bài lâu, Thương Chu Tộ thấy Trương Nguyên lấy bánh ra chia cho mấy người Cảnh Lan, Cảnh Huy, Mục Chân Chân và Phương Hoa ăn thì mới biết cả ngày nay Trương Nguyên chưa ăn uống gì, vội dặn dò nhà bếp dọn cơm nước lên, Trương Nguyên cười nói:

  • Trong ngày thi đệ chỉ muốn ăn cháo Bát bảo, để lát nữa đệ tự nấu.

Trương Nguyên nấu một tô cháo Bát bảo lớn, Cảnh Huy cũng tới ăn cháo cùng với Trương Nguyên, ra chiều rất vui thích. Trương Nguyên cũng hết sức thoải mái, bỏ ra thời gian bốn năm, cuối cùng thì hắn cũng hoàn thành con đường thi cử dài đằng đẵng.

Ngày mười lăm tháng ba, trên điện Văn Hoa, đèn đuốc sáng rực suốt đêm, Thụ quyển quan Vương chủ sự giao lại ba trăm bốn mươi tám bài thi cho Di phong quan. Di phong quan đóng dấu niêm phong lên rồi giao lại cho Chưởng quyển quan (quan trông giữ), bài thi viết trong kỳ thi điện không cần chép lại thành chu quyển, mà đem nộp trực tiếp tới chỗ Độc quyển quan ở Đông Các. Để tiện theo dõi, trong vòng hai ngày, mười bốn vị Độc quyển quan do Ngô Đạo Nam dẫn đầu sẽ phải đọc hết một lượt ba trăm bốn mươi tám bài thi này, rồi ghi lời bình ngắn gọn lên, để chia thứ bậc, còn phải đóng lên con dấu của mỗi vị quan chấm thi. Nhiệm vụ chấm bài thi hết sức nặng nề, phải làm ngày làm đêm, Đông Các có giường chiếu để các quan chấm thi có thể nghỉ ngơi, chỉ không được phép về nhà.

Thủ phụ Phương Tòng Triết cố tình tìm cho bằng được bài văn mười ngàn chữ trong đám bài thi ra mới hài lòng, thở dài:

  • Nếu ba trăm thí sinh đều viết những bài văn dài mười ngàn chữ như thế này, thì ta có không ăn không ngủ suốt hai ngày này cũng không đọc hết được.

Lễ bộ Thượng thư Lưu Sở Tiên cười nói:

  • Vẫn may, vẫn may chỉ có một người này thôi, phần lớn thí sinh chỉ có hơn ngàn chữ thôi.

Các quan chấm thi đều biết bài văn dự thi này là của Trương Nguyên, nhìn nhau mỉm cười.

Cười đùa một lát, rồi Đông Các lại dần tĩnh lặng trở lại, cung Thành Xuân buổi đêm vắng vẻ, nơi đầu án hương trà thơm bảng lảng, mười bốn vị quan chấm thi bắt đầu quay vòng từng bàn một đọc bài. Cái gọi là quay vòng từng bàn chính là từng bài thi được bắt đầu đọc từ vị quan chấm thi đầu tiên, đóng lên con dấu đánh giá tương đương với cấp bậc từ một đến năm, sau đó chuyển cho vị quan chấm thi tiếp theo đọc. Mỗi bài thi, mười bốn vị quan chấm thi đều phải đọc và đánh giá qua, và đóng dấu đánh giá lên, cuối cùng tổng hợp lại, những bài thi được nhiều dấu đánh giá hạng bốn hạng năm tất sẽ được liệt vào tam giáp.

Bài thi đình mười ngàn chữ của Trương Nguyên phải xem mất hồi lâu, Phương Tòng Triết ngồi trên ghế chấm thi, hơi ngả đầu ra sau đọc bài. Lúc đầu trên mặt có nét cười, dần dần nét cười biến mất, thần thái trở lên nghiêm túc, chỉ riêng một bài thi này thôi cũng đọc hết nửa canh giờ. Sau khi đọc xong suy ngẫm một lúc, đóng lên dấu đánh giá cấp bậc và con dấu của mình, rồi chuyển cho Ngô Đạo Nam ở bên.

Ngô Đạo Nam thấy Phương Tòng Triết cho Trương Nguyên hạng hai, vẫn giữ thái độ bình thường đọc bài, các quan chấm thi khác đều đã sớm bắt đầu đọc bài, đánh giá những bài thi khác, chả ai ngốc đến mức ngồi đợi. Nửa canh giờ sau, Ngô Đạo Nam đọc xong bài thi của Trương Nguyên, cảm thấy cảm xúc dâng trào, phải hình dung thế nào nhỉ, Tấn chủ phạt Ngô, đoạt được nhị Lục. Khoa thi Bính Thìn có thể có được người tài như Trương Nguyên này, cũng giống như quyền thần nước Tây Tấn là Trương Hoa nói Tấn Võ Đế Tư Mã Viêm thảo phạt nước Ngô, đoạt được chiến lợi phẩm đáng giá nhất chính là hai tài sỹ Lục Cơ, Lục Vân.

Lễ bộ Thượng Thư Lưu Sở Tiên nhận lấy bài thi của Trương Nguyên từ tay Ngô Đạo Nam, thấy hai vị Các lão một người cho hạng hai, một người cho hạng nhất, đều là đánh giá rất cao. Ý kiến đánh giá của hai vị Các lão chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tới các quan chấm thi khác, chỉ là đợi xem bình hạng nhất nhiều hay hạng hai nhiều mà thôi. Nếu hạng nhất nhiều thì có thể lọt tốp ba nhất giáp, nếu hạng hai nhiều thì có thể lọt tốp đầu nhị giáp.

Điện Văn Hòa tĩnh lặng yên bình, hai con hạc chạm vàng nơi góc điện tỏa mùi thơm khác lạ, giữa những tiếng loạt xoạt khi chấm bài, thời gian dần dần trôi qua.

Trong Đông Các, các quan chấm thi đang đóng cửa đọc bài, trong kinh thành, những sỹ tử có tên trong danh sách thi đang bắt đầu uống rượu vui chơi. Không cần biết thứ hạng ở kỳ thi điện thế nào, không cần biết mình còn chưa tham gia Truyền lư đại điển, nhưng danh hiệu tiến sỹ chắc chắn là cầm chắc trong tay rồi, con người ta đắc ý thì tất phải ăn mừng. Đối tửu hát ca, đời người mấy chốc, nhưng cũng có chuyện vui quá hóa buồn, sỹ tử lớn tuổi nhất tham gia khoa thi năm này tên là Trương Thiệu Giản, tính cả tuổi mụ là sáu mươi lăm tuổi, râu tóc bạc phơ, cũng cùng một hội đồng niên đạp thanh du ngoạn. Các lão phu tán gẫu cao hứng, không cẩn thận bị té ngã, dường như bị gãy xương đùi, chuyến này thì phiền rồi đây, làm sao ông ta còn có thể tham gia Truyền lư đại điển vào ngày kia chứ?

Buổi trưa ngày mười sáu, Trương Nguyên cùng với chín người bạn khác của Hàn Xã tụ hội tại tửu lầu Tường Phúc ở gần chùa Đại Long Phúc. Mười người bọn họ, nếu xếp theo tuổi tác thì sẽ lần lượt là Văn Chấn Mạnh, Tôn Tế Khả, Hoàng Tôn Tố, Hạ Khởi Xương, Hứa Quan Cát, Nguyễn Đại Thành, Nghê Nguyên Lộ, Hồng Thừa Trù, Trương Đại, Trương Nguyên, mọi người cùng nâng ly chúc tụng lẫn nhau, cùng hẹn là sẽ không quên tôn chỉ của Hàn Xã, giúp đỡ xã hội, thỏa chí bình sinh, lưu danh thơm trong sử sách.

Sau giờ Ngọ ngày mười bảy tháng ba, mười bốn vị quan chấm thi của Đông Các đọc và đánh giá hết lượt ba trăm bốn mươi tám bài thi, cuổi cùng là hai vị Các lão tổng hợp kết quả đánh giá thứ hạng. Đầu giờ Thân, thứ hạng của tam giáp, nhị giáp đã được sắp xếp xong, còn thứ hạng của ba người trong nhất giáp sẽ do hoàng đế khâm định. Bài văn mười ngàn chữ của Trương Nguyên là một trong ba bài văn nằm trong nhất giáp, Nội các thủ phụ Phương Tòng Triết đánh giá bài của Trương Nguyên hạng hai chính là không muốn để hắn lọt vào nhất giáp. Phương Tòng Triết cảm thấy rất lo ngại về “băng hà thuyết” ba trăm năm một lần mà Trương Nguyên nói tới, cho rằng điều này cũng tương tự như Vương An Thạch thời bắc Tống biến pháp mà rằng: “Ý trời không đủ sợ, tổ tông không đủ pháp, lời người không đủ lo”, coi nhẹ tác dụng cảnh báo của thiên tai đối với loài người, dễ khuyến khích bậc quân chủ xa vào con đường xa hoa dâm dật. Nhưng sau khi tổng hợp con dấu đánh giá của mười bốn vị quan chấm thi, thì Trương Nguyên được tám dấu hạng nhất, sáu dấu hạng hai, vừa hay xếp hạng thứ ba, với kết quả như vậy Phương Tòng Triết cũng chẳng thể làm gì được, ông ta cũng thừa nhận là bài thi đình của Trương Nguyên quả rất xuất sắc.

Theo quy chế của tổ tiên, sau khi các quan chấm thi đọc xong bài thi, phải đến khấu đầu quỳ lạy trước mặt hoàng đế, Nội các Đại học sỹ sẽ đọc bài thi của ba người đứng đầu nhất giáp cho hoàng đế nghe, sau đó hoàng đế nhấc bút khâm định Trạng nguyên, Bảng nhã và Thám hoa. Nhưng vừa rồi, thái giám trưởng ấn của Ty Lễ Giám là Lư Thụ đã truyền lời của hoàng đế, không gặp các quan chấm thi, chỉ đưa trình bài thi của ba người trong nhất giáp cho hoàng đế ngự lãm là được. Mười năm trở lại đây, đừng nói là ngoại thần, ngay cả các Các thần cũng rất khó được gặp mặt hoàng đế, Thứ Phụ Ngô Đạo Nam đến nhậm chức hồi tháng tám năm ngoái, theo thông lệ thì hoàng đế phải triệu kiến khích lệ vài lời, nhưng đến nay vẫn chưa được triệu kiến.

Lư Thụ và hai thái giám khác của Ty Lễ Giám đứng đợi bên ngoài Đông Các, sau khi nhận lấy ba bài thi của nhất giáp lập tức đi ngay tới điện Hoằng Đức của cung Càn Thanh. Hoàng đế Vạn Lịch Chu Dực Quân thân thể mập mạp, đầu đội mũ ô sa gắn hồng ngọc, mình mặc áo long bào màu đen thêu kim tuyến xanh, ngồi tựa mình trên ghế Long Giao, chân trái gác lên một cái đôn gỗ hình vuông, một cung nhân đang quỳ gối bên chiếc đôn bóp chân cho hoàng đế.

  • Vạn Tuế gia, bài thi của ba người được các quan chấm thi lựa chọn vào nhất giáp đã được đưa đến, lúc nào nô tỳ có thể đọc cho Vạn Tuế gia nghe?

Thái giám Lư Thụ, trưởng ấn của Ty Lễ Giám quỳ bẩm.