Lẳng Lơ Tao Nhã

Chương 363: Dấu tay và hoạt thiết đầu (2)




Mượn ánh đèn lồng trong hào phòng chật hẹp, Trương Nguyên lau tấm ván gỗ, căng vải dầu phòng dột, nghe được tiếng Nghê Nguyên Lộ kêu "khổ quá, khổ quá", đi qua trước hào phòng chật hẹp, phảng phất mùi thơm bay qua, Nghê Nguyên Lộ mặc áo mới, xức phấn thơm, học phong cách thoa phấn hương trầm của Ngụy Tấn danh sĩ.

Trương Nguyên vội hỏi:

  • Nhữ Ngọc huynh vì sao kêu khổ?

Nghê Nguyên Lộ thấy Trương Nguyên, mặt mày nhăn nhó nói:

  • Ta ở hào số một, khổ quá đi.

Số một chính là thỉ hào, năm trước thi hương Hàng Châu Kỳ Bưu Giai bị phân đến thỉ hào, Kỳ Bưu Giai dùng giấy vo lại đút vào lỗ mũi thi qua tam tràng, nhưng lại là người đứng đầu "thư kinh". Thi hội lần này là Nghê Nguyên Lộ bị phân đến thỉ hào, người khác thì cố nhịn một chút rồi cũng sẽ qua, nhưng Nghê Nguyên Lộ thích sạch sẽ, đây quả thực là ông trời cố ý muốn trêu ngươi y, ngươi không phải thích sạch sẽ ư, cho hơi thối quấn quanh thân ngươi.

Trương Nguyên nín cười khuyên giải an ủi nói:

  • Nhữ Ngọc huynh, nhịn một chút đi, huynh có thể vào nước bùn mà không bị bẩn mà.

  • Đi nhanh thôi, trong tràng không được nói chuyện với nhau.

Hào quân phía sau Nghê Nguyên Lộ thúc giục nói.

Nghê Nguyên Lộ "Hừ" một tiếng, lắc đầu đi tới.

Thu dọn xong, xem chừng sắp đến canh năm, ước chừng hơn nửa canh giờ nữa là hừng đông, trời lạnh, nằm nghiêng nghỉ tạm thì sợ lạnh, Trương Nguyên liền ngồi ở chỗ đó nhắm mắt dưỡng thần chờ đợi bình minh.

Trước lúc sáng sớm bóng đen dày đặc, các loại âm thanh kỳ quái vang lên liên tiếp, trong vòng nửa canh giờ này chờ đợi đề thi truyền đến là gian nan nhất. Trương Nguyên không khỏi nghĩ về mấy ngày trước đây ở bên sông Bào Tử nghe Bảo Sinh thúc kể cho mọi người ở Hàn xã nghe chuyện quỷ ở trường thi. Từ năm Gia Tĩnh trở lại đây, trường thi phủ Thuận Thiên này chuyện quỷ quái càng ngày càng nhiều, có thí sinh thấy oan quỷ, oan quỷ đến nói với mình là tìm lầm gian phòng rồi, quay đầu đi vào trong vách hào xá, trong chốc lát có người thét lên rồi chết. Được lưu truyền nhiều nhất là có một nữ lang quần đỏ, đẹp như tiên trên trời, chuyên mê hoặc quyến rũ người, chỉ có thí sinh tài năng ả muốn dụ dỗ mới có thể thấy ả, người khác chỉ thấy một mình người thí sinh kia làm trò hề cởi áo nới dây lưng cầu hoan, là biết thí sinh đó điên rồi.

Trương Nguyên thầm nghĩ: "Trong trường thi kiểu không khí quỷ thần thi ân báo thù này ảnh hưởng rất lớn tới thí sinh có tố chất tâm lý kém, tinh thần sụp đổ cũng không lạ. Trương Giới Tử ta đâu đâu cũng làm việc thiện tích đức, nào là kho lương nào là dưỡng tể viện, cứu người Thanh Mặc sơn và Đổng Nãi trà, luôn làm việc tốt, thần Phật không bảo vệ ta thì làm gì có công lý nữa." Nghĩ lại: "Chỉ có điều trên đời này chuyện vô lý cũng rất nhiều, sẽ có hồng y mỹ nhân đến dụ dỗ ta sao?"

Trương Nguyên ngồi trong hào xá mờ tối mỉm cười một mình, tên hào quân đứng trông coi hắn trước hào xá nhìn thấy trong lòng hoảng sợ, thầm nghĩ: "Tên thư sinh này hay là trúng tà rồi, muốn nổi điên ư?" Cũng may thư sinh này chỉ cười, vẫn chưa có hành động điên cuồng gì khác.

Nghe được tiếng mộc đạc vang lên, đề thi bắt đầu được phát xuống, Trương Nguyên đứng bật dậy, hào quân đứng ở đó vội nói:

  • Ngươi chờ đi, ta đi lĩnh đề thi cho ngươi.

Tên hào quân có đánh số sáu ra hào rào ở cửa nhận đề thi về giao cho Trương Nguyên, một tờ giấy rộng một thước vuông, in bảy hàng chữ, lúc này ánh ban mai đã hơi lộ ra, Trương Nguyên ghé sát vào nhìn, đầu đề là "Duy nhân giả năng hảo nhân năng ác nhân "(chỉ có hai loại người là người tốt và người xấu), không khỏi mỉm cười, nhìn thấy đề mục trong lòng yên tâm hơn, nhìn tiếp xuống phía dưới, đề thi của hắn hẳn là đề bốn đạo tứ thư, đề ba đạo "xuân thu", nhưng nhìn đến đề thứ năm lại là "Hình vu quả thê chí vu huynh đệ dĩ ngự vu gia bang ", đây là câu trong " Đại nhã của Kinh Thi ".

  • Vị đại ca lĩnh sai đề rồi, ta không phải đề này.

Trương Nguyên kêu to lên.

Lúc này thỉ hào bên kia Nghê Nguyên Lộ cũng kêu lên:

  • Đề Xuân thu này không phải của ta, ta là đề Kinh Thi.

Trương Nguyên vội nói:

  • Đề Xuân thu kia là đề của ta.

Đem đề thi trong tay đưa cho hào quân, sai gã đi đổi lại đây, lại nhìn đề thi, bồn đề trước đều giống nhau, đề thứ năm là " Trịnh bá dĩ bích giả hứa điền".

Trương Nguyên thầm nghĩ: "Thế mới đúng chứ, câu này đúng là câu đêm qua tiểu Cảnh Huy ngâm cho ta, câu trong "Lỗ hoàn công kỷ niên".

Bảy đạo đề mục đã ghi nhớ ở trong lòng. Trương Nguyên ngồi xổm dưới mái hiên hào xá đốt bếp lò, mượn cây đuốc, chất than củi, bắt đầu ninh cháo Bát Bảo, món này vừa nhiều dinh dưỡng lại giải khát, thuận tiện, chính là món ăn tốt nhất đấy. Lần này Trương Đại, Kỳ Bưu Giai, Vương Bính Lân bọn họ đều đã học Trương Nguyên nấu cháo Bát Bảo làm thức ăn, về sau trở thành món ăn được Hàn Xã xã viên lựa chọn đầu tiên khi tham gia khoa khảo.

Hạt thông, hạt dẻ, táo tàu, hạt sen...Ninh trong niêu đất, nhẹ nhàng "Ùng ục ùng ục" sôi vang. Hương thơm dần dần lan ra, sắc trời đã sáng rõ, ánh dương ngày mùng chín tháng hai soi sáng khe hẹp trong hào phòng “thùy tự”. Đa số các thí sinh đã tranh thủ thời gian viết văn rồi, Trương Nguyên đứng lên, đón ánh mặt trời, vận động tay chân vài cái, rồi lại dùng sức nhảy nhảy vài cái, hào xá thấp, nhảy lên có thể nhìn thấy mái ngói, trên nóc nhà ánh mặt trời rạng rỡ, có đàn chim bay lượn trên không trung của trường thi.

Hào quân kia khen:

  • Cử nhân lão gia nhảy được cao thật đấy. Hiếm thấy người đọc sách vui vẻ như vậy.

Trương Nguyên lại cười nói:

  • Muốn nhảy lên Long Môn mà, phải luôn luôn luyện tập.

Dứt lời trở lại hào xá, bày bàn, bắt đầu mài mực, đầu nghệ "Duy nhân giả năng hảo nhân năng ác nhân" đã nghĩ sẵn trong đầu, chỉ chờ viết lên thảo quyển. Hiện tại đang nghĩ phần thứ hai, đúng lúc lại thấy trên tường có người viết một bài thơ, thể chữ Âu Dương hình thảo, chữ rất đẹp, viết:

"Bát thiên cử nhân tận nguyên khôi,

Ngã diệc tùy hành ai tiến lai.

Khổ não văn chương trục kiến đáp,

Hốt luân đề mục một đầu sai.

Hào phòng khuyết ngõa thường phòng lậu,

Chá chúc đinh thiêm bất trụ oai.

Ngã bối tam tràng chân tạo hóa,

Tông sư cánh bất thủ di tài."

Nhìn nét mực này, hẳn là thí sinh khoa Quý Sửu ba năm trước đây lưu lại, Trương Nguyên nghĩ thầm rằng: "Người này vẫn còn trong tràng ốc, làm sao đã biết mình nhất định sẽ thi rớt?" Lại nhìn sau bài thơ còn có mấy hàng chữ nhỏ, hoá ra vị cử nhân này đầu tràng bảy câu chỉ làm ba câu, hai tràng sau chẳng khác gì là vào chơi, chán không có việc gì nên lưu lại một bài thơ tự giễu.

Trương Nguyên lắc đầu, không chịu ảnh hưởng của người kém cỏi này, mài xong mực, dưới mái hiên cháo Bát Bảo trong niêu cũng ninh chín rồi, múc mấy muôi đường đỏ Kim Hoa, quấy đều, Trương Nguyên bảo hào quân lấy bát đến múc cho gã một bát trước.

Hào quân luôn miệng nói: "Đa tạ đa tạ." Ngửi mùi thật là thơm, nước miếng chảy ra.

Trương Nguyên ăn một chén cháo Bát Bảo, bắt đầu tiến hành đáp đề, thủ nghệ phá đề nói: "Thánh nhân đã định ra tiêu chuẩn cửa người tốt và người xấu, mà chỉ một mình ta là người nhân nghĩa". Phá đề rất tinh vi, thuần chính đại khí, sau đó lưu loát viết: "Cái nhân nhân chi hảo ác nhân dã công nhi đương, cố kỳ sự bất xuất vu hằng tình, nhi độc vị chi viết năng dã, cẩu phi kỳ nhân, khả khinh dư tai..."

Trương Nguyên lần này không cố ý làm văn theo ý thích của chủ khảo quan Ngô Đạo Nam. Ngô Đạo Nam là Bảng Nhãn thi đình khoa Kỷ Sửu năm Vạn Lịch thứ mười bảy, Trạng Nguyên chính là Tiêu Pháp. Nhưng khi Trương Nguyên tìm đọc nghiên cứu chế nghệ của một khoa thi hội lần đó, lại phát hiện bát cổ văn của Ngô Đại Nam lập cục cầu tân, lời nói cầu kỳ, là một loại thiên phong văn tự. Loại chế nghệ này người thích sẽ khen không dứt miệng, người không thích sẽ trực tiếp vứt bỏ luôn, có thể nói kì thi ở Trung Quốc có tính ngẫu nhiên rất lớn, thiên về ý thích của phòng sư, tọa sư. Loại chế nghệ này Trương Nguyên cũng có thể viết, nhưng Trương Nguyên không thể mạo hiểm, bởi vì rất có thể ngay cả cửa ải Duyệt quyển quan Xuân thu phòng cũng không qua được, hơn nữa bây giờ tư tưởng và văn phong của Ngô Các lão so với lúc tuổi còn trẻ nhất định sẽ có bất đồng rất lớn, nếu hắn lại giống Ngô Các lão năm đó, thì sẽ mò trăng đáy nước, ôm cây đợi thỏ, ngu xuẩn quá rồi. Cho nên thủ nghệ ở câu thứ nhất này, thứ Trương Nguyên theo đuổi là khí và âm nhã, lời nói phong nhuận, tự nhiên, đây là kiểu văn tự đang được dùng rộng rãi, không ai có thể chê kém được.

Bài bát cổ về tứ thư này gần năm trăm chữ hành văn liền mạch lưu loát, sau khi viết xong thủ nghệ, Trương Nguyên ngay lập tức liền làm phần thứ hai. Tháng hai ở Bắc Kinh, ngày ngắn đêm dài, mặc dù hắn nổi danh là người có tài, nhưng trước khi trời tối cũng phải viết và sao chép xong thủ tràng bảy bài chế nghệ nên không dám lơi lỏng, phải tận dụng thời gian mới được. Tuy nói sau khi trời tối còn có thể dùng nến, nhưng có thể hoàn thành trước khi mặt trời lặn chẳng phải là rất tốt sao.

Sau giờ Mùi buổi chiều, ăn hết cháo Bát Bảo trong niêu đất rồi, bảy bài thủ nghệ Trương Nguyên cũng làm xong sáu bài rồi. Bài cuối cùng mất gần nửa canh giờ nữa, sau đó bắt đầu cẩn thận kiểm tra, không có bất kỳ lỗi nào, liền mài nghiên mực đậm, bắt đầu sao chép lại cho rõ ràng, dùng dạng chữ Tiểu Khải ngay ngắn viết họ tên, năm giáp, quê quán, tam đại, bản kinh ở đầu quyển. Sau đó dùng một nửa canh giờ sao chép xong bảy bài chế nghệ, lúc này trời chiều mặt trời sắp lặn, hoàng hôn bắt đầu bao phủ xuống.