Hỏa Ngục (Inferno)

Chương 53




“Ta sẽ trở về như một thi sĩ… ngay bồn nước rửa tội của ta.”

Những lời của Dante liên tục dội lên trong tâm trí Langdon khi anh dẫn Sienna đi về phía bắc, men theo một lối đi hẹp mang tên Via dello Studio. Đích đến của họ nằm ở phía trước, và cứ mỗi bước đi, Langdon lại thêm tự tin rằng họ đang đi đúng đường và bỏ lại những kẻ đeo bám phía sau.

Cổng đã mở cho anh, nhưng anh phải nhanh lên.

Khi họ đến gần cuối ngõ phố sâu như một vực thẳm, Langdon nghe thấy âm thanh nhộn nhạo của hoạt động phía trước. Đột ngột, đầu kia ngõ phố kết thúc, và họ thoát ra một không gian rộng rãi.

Quảng trường Duomo.

Khu quảng trường mênh mông cùng với hệ thống các kiến trúc phức tạp này là trung tâm du lịch, quảng trường nhộn nhịp toàn xe bus chở du khách cùng từng đoàn tham quan nhà thờ lớn danh tiếng của Florence.

Đi đến mé phía nam của quảng trường, lúc này Langdon và Sienna đứng đối diện hông nhà thờ với phần bên ngoài ốp cẩm thạch xanh lục, hồng và trắng lộng lẫy. Với quy mô cũng như kiến trúc nghệ thuật khiến người ta phải nín thở, tất cả các chiều của nhà thờ đều vươn dài đến mức gần như phi thường, tổng chiều dài của nó gần ngang bằng với Đài tưởng niệm Washington nếu nằm cạnh nhau.

Mặc dù đã từ bỏ kiểu chạm khắc đá cầu kỳ đơn sắc truyền thống để tiếp nhận kiểu pha trộn nhiều màu sắc, công trình này vẫn thuần túy theo phong cách Gothic – cổ kính, đồ sộ, và bền vững. Phải thừa nhận, ngay từ lần đầu tiên đến Florence, Langdon đã thấy công trình này vô cùng hoàn mỹ. Tuy nhiên, trong những chuyến tiếp theo, anh đều phải bỏ ra hàng giờ nghiên cứu công trình, bị cuốn hút bởi những hiệu ứng mỹ thuật khác thường, và thán phục vẻ đẹp ngoạn mục của nó.

Nhà thờ II Duomo – hay gọi một cách trịnh trọng hơn là Vương cung Thánh đường Santa Maria del Fiore – ngoài việc cho Ignazio Busoni một biệt danh, thì từ lâu cũng đem lại cho Florence không chỉ một trái tim tinh thần mà còn cả hàng thế kỷ kịch nghệ và tình tiết. Quá khứ không mấy bình yên của tòa nhà này xuất phát từ những cuộc tranh luận kéo dài và căng thẳng về bức bích họa bị phỉ báng Phán quyết cuối cùng của Vasari bên trong mái vòm tới cuộc thi quyết liệt nhằm lựa chọn kiến trúc sư để hoàn tất phần mái vòm.

Cuối cùng Filippo Brunelleschi giành được hợp đồng và hoàn thiện mái vòm – hạng mục lớn nhất thời đó. Hiện nay có thể thấy tượng của chính Brunelleschi ngồi bên ngoài Cung điện Canonici đang mãn nguyện nhìn lên kiệt tác của mình.

Sáng hôm nay, khi ngước mắt nhìn lên trời về phía mái vòm lợp ngói đỏ nổi tiếng, từng là một kỳ công kiến trúc ở thời đại của nó, Langdon nhớ lại thời khắc ngu ngốc khi anh quyết định leo lên mái vòm để rồi phát hiện ra rằng những cầu thang chật hẹp đông nghịt khách du lịch của công trình cũng kinh khủng chẳng kém gì những không gian khép kín mà anh từng gặp phải. Cho dù như vậy, Langdon vẫn rất biết ơn thử thách mà anh đã chịu đựng khi leo lên “Mái vòm Brunelleschi”, vì nó khuyến khích anh đọc một cuốn sách thú vị cùng tên của Ross King.

“Anh Robert?”, Sienna lên tiếng. “Anh đi tiếp chứ?”

Langdon rời ánh mắt khỏi mái vòm, nhận ra rằng mình đang đứng giữa đường để chiêm ngưỡng công trình. “Anh xin lỗi.”

Họ tiếp tục di chuyển, men theo mép ngoài của quảng trường. Thánh đường lúc này ở bên phải họ, và Langdon nhìn thấy du khách đang túa ra từ các lối thoát bên sườn, gạch bỏ địa điểm này khỏi danh sách những nơi nhất thiết phải tới tham quan.

Phía đằng trước là hình dáng không thể nhầm lẫn của một gác chuông – hạng mục thứ hai trong ba công trình nằm trong quần thể Thánh đường. Vẫn được nhiều người biết đến như là tháp chuông Giotto, gác chuông này hiển nhiên thuộc về Vương cung Thánh đường kề bên. Được trang điểm bằng đá ốp màu hồng, xanh lục và trắng giống hệt Thánh đường, tòa tháp vuông vức vươn lên trời, tới một độ cao chóng mặt, gần một trăm mét. Langdon luôn kinh ngạc là công trình mảnh mai này lại có thể đứng vững suốt nhiều thế kỷ, trải qua những trận động đất và thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt nếu biết được đỉnh của nó nặng như thế nào khi phần tháp nhọn trên đỉnh còn đỡ hơn chín tấn chuông.

Sienna bước nhanh bên cạnh anh, lo lắng lướt mắt nhìn bầu trời phía sau tòa tháp chuông, rõ ràng đang tìm kiếm chiếc máy bay do thám, nhưng không thấy nó ở đâu cả. Có khá đông người, dù bây giờ vẫn còn rất sớm, và Langdon thấy rất nên ẩn mình trong đám đông.

Khi tới gần gác chuông, họ đi qua một dãy họa sĩ biếm họa đứng bên giá vẽ, phác thảo những hình vẽ trào phúng sặc sỡ của các du khách – một cậu nhóc mắm môi mắm lợi trên chiếc ván trượt, một cô gái có hàm răng như ngựa đang cầm cây gậy đánh bóng, một cặp vợ chồng đi hưởng tuần trăng mật đang hôn nhau trên lưng một con kỳ lân. Langdon thấy rất thú vị là hoạt động này được phép diễn ra trên chính những viên sỏi thiêng liêng nơi Michelangelo từng đặt giá vẽ của mình khi còn nhỏ.

Langdon và Sienna tiếp tục đi nhanh quanh chân tháp chuông Giotto, rẽ sang phải, băng qua quảng trường rộng rãi thẳng tới trước Vương cung Thánh đường. Ở đây có rất đông du khách từ khắp thế giới đang chĩa những chiếc điện thoại có máy ảnh và cả những máy quay video về phía mặt tiền chính sặc sỡ.

Langdon không buồn ngước lên vì anh đã chú ý tới một công trình nhỏ hơn nhiều vừa xuất hiện trong tầm mắt. Nằm đối diện lối vào phía trước của Thánh đường là hạng mục thứ ba, cũng là cuối cùng, của quần thể Vương cung Thánh đường.

Đó cũng là địa điểm ưa chuộng của Langdon.

Nhà rửa tội San Giovanni.

Được trang trí bằng đá ốp cùng loại nhưng nhiều màu sắc và các trụ bổ tường giống như Thánh đường, Nhà rửa tội khác biệt với tòa nhà lớn nhờ hình dạng ấn tượng của nó – một hình bát giác hoàn hảo. Giống như một chiếc bánh ngọt nhiều lớp, theo mô tả của một số người, tòa kiến trúc tám cạnh này gồm ba tầng rõ rệt vươn cao dần đến phần mái màu trắng.

Langdon biết hình bát giác chẳng liên quan gì đến thẩm mỹ mà hoàn toàn chỉ mang tính biểu tượng. Trong Thiên Chúa giáo, con số tám tượng trưng cho sự tái sinh và tái tạo. Hình bát giác còn là hình ảnh gợi nhớ sáu ngày Chúa sáng tạo ra bầu trời và trái đất, ngày nghỉ Sabbath – Chủ nhật, và ngày thứ tám khi những người Thiên Chúa giáo được “tái sinh” và “tái tạo” nhờ lễ rửa tội. Bát giác đã trở thành một hình phổ biến của các nhà rửa tội trên khắp thế giới.

Mặc dù Langdon coi Nhà rửa tội này là một trong những tòa nhà ấn tượng nhất Florence nhưng anh vẫn luôn thấy việc lựa chọn địa điểm này có phần không được bình thường. Nhà rửa tội này, gần như không giống nơi nào khác trên trái đất, là trung tâm thu hút sự chú ý nếu nằm đơn lẻ. Tuy nhiên, ở đây, trong cái bóng của hai hạng mục “anh em” kia, Nhà rửa tội tạo ra ấn tượng về một thứ quá ư tầm thường.

Cho tới khi các vị bước vào bên trong, Langdon nhủ thầm, hình dung ra phần nội thất chạm khảm tuyệt mỹ đến mức những người chiêm ngưỡng trước kia đã phải thốt lên rằng trần nhà của Nhà rửa tội chẳng khác gì thiên đường. Nếu em biết nơi nào cần thăm, Langdon đã nói với Sienna, thì Florence chính là thiên đường.

Trong nhiều thế kỷ, điện thờ tám cạnh này là nơi diễn ra lễ rửa tội của vô số nhân vật quyền quý – trong đó có Dante.

Ta sẽ trở về như một thi sĩ… ngay bồn nước rửa tội của ta.

Do bị trục xuất, Dante chẳng bao giờ được phép trở về nơi linh thiêng này – nơi ông chịu lễ rửa tội – mặc dù Langdon càng lúc càng thấy hy vọng rằng chiếc mặt nạ người chết của Dante, trải qua một chuỗi những sự kiện diễn ra đêm qua, cuối cùng cũng đã thay mặt cho thi hào tìm được đường trở về.

Nhà rửa tội, Langdon nghĩ. Đây chắc là nơi Ignazio giấu chiếc mặt nạ trước khi chết. Anh nhớ lại lời nhắn tuyệt vọng của Ignazio trên điện thoại, và trong một khắc rợn mình, Langdon hình dung ra người đàn ông béo tốt ôm chặt lấy ngực, lảo đảo băng qua quảng trường để chui vào một ngõ hẹp, và gọi cuộc điện thoại cuối cùng sau khi cất chiếc mặt nạ an toàn trong Nhà rửa tội này.

Cổng đã mở cho anh.

Mắt Langdon vẫn dán chặt vào Nhà rửa tội lúc anh và Sienna lách qua đám đông. Lúc này Sienna di chuyển với vẻ phấn khích đến mức Langdon gần như phải rảo chân mới theo kịp. Thậm chí còn cách một quãng nhưng anh đã có thể nhìn rõ những cánh cửa chính đồ sộ của Nhà rửa tội lấp loáng trong ánh nắng.

Những cánh cửa cao hơn bốn mét rưỡi chế tác bằng đồng mạ đã khiến Lorenzo Ghiberti mất hơn hai mươi năm mới hoàn thành. Chúng đều được trang trí bằng mười ô dày đặc hình ảnh trong Kinh Thánh trang nhã và tuyệt vời đến mức Giorgio Vasari đã phải tả những cánh cửa này “hoàn hảo không thể chê ở mọi phương diện và… là kiệt tác tuyệt vời nhất từng được tạo ra”.

Tuy nhiên, chính Michelangelo mới là người đưa ra lời chứng thực khiến cho những cánh cửa này có biệt danh còn mãi đến tận hôm nay. Michelangelo đã nhận xét chúng đẹp đến mức rất phù hợp để sử dụng làm… Cổng Thiên đường.