Hậu Án Lệ Chi Viên

Chương 6: Đại hội Thiên Cân Sơn




Đoạn, có tiếng tù và kêu lên, dưới chân núi nghe có tiếng động rộn ràng hẳn. Một đoàn người rầm rộ bước lên, tay cầm kiếm. Phái này y phục cũng tựa như phái Thiên Cân, Minh Hướng hỏi sư huynh bên cạnh:

– Đó là phái nào vậy?

Người ấy đáp:

– Đấy là Thanh Long phái, chắc để mới vào nên chưa biết. Thiên Cân phái ngày xưa là chủ của ba ngọn núi, nay tách ra, lập thành Thiên Cân phái, Thanh Long phái, Hoả Phụng phái. Núi Thanh Long và Hoả Phụng cũng cách đây không xa, cách nhau một thung lũng nhỏ…

Minh Hướng gật gù, bỗng nghe thấy tiếng gọi, nghe tiếng Triệu Lan, cậu liền chạy nhanh vào sảnh đường đợi lệnh.

– Ngươi đi thay đồ đi, Thiên Cân Sơ Quyền còn chưa thuộc, đi dọn trà đi!

Minh Hướng căm tức, nhìn quanh không thấy ai, cũng chẳng thấy Khánh Tiến đâu. Cậu cứ trơ trơ ra đấy.

– Thằng nhóc hỗn xược, ta nói mà ngươi dám nghếch mặt thế sao?

Nói rồi một chưởng đánh tới, cốt là muốn dạy cho Minh Hướng một bài học. Khánh Tiến lao vào, dùng chân chặn ngay chưởng của Triệu Lan, vận lực đẩy một cái, Triệu Lan kinh hãi muốn thu chưởng nhưng không kịp, bị đánh bất ngờ liền loạng choạng đổ về phía sau, chân lùi chục bước đụng vào mép tường.

– Nghiệt súc! Ta không ngờ ngươi là thứ cặn bã như vậy!

Triệu Lan luống cuống:

– Sư phụ, Minh Hướng không nghe lời, con chỉ là ra tay dạy bảo!

Khánh Tiến hét lớn:

– Ngươi còn dám nói!

Triệu Lan nghiến răng, không dám nói một lời nào. Khánh Tiến hạ cước, bảo:

– Chuyện của ngươi, ta sẽ giải quyết sau. Minh Hướng! Con theo ta ra đón tiếp các phái!

Minh Hướng vâng mệnh, theo Khánh Tiến ra ngoài. Cậu liếc nhìn Triệu Lan, mắt hắn đỏ hoe, nộ khí bừng bừng, có vẻ muôn phần căm tức.

Thanh Long phái bước vào, đi đầu là Đinh Lãng, trưởng môn phái Thanh Long. Phái Thanh Long không chia tới cấp thái sư phụ như phái Thiên Cân. Một mình Đinh Lãng nhận hết gần trăm đệ tử, nhưng cốt cũng truyền thụ kĩ lưỡng cho năm đệ tử đầu tiên. Võ công phái Thanh Long cũng tựa như Thiên Cân, tuy không có Thiên Cân Cước nhưng lại có Thanh Long Trảo, là một trảo quyền cũng không kém phần lợi hại, chiêu này cũng do Thạch Thuỷ Tổ Sư sáng tạo ra. Đinh Lãng ngày xưa cũng là sư đệ của Khánh Tiến, nay gặp liền cúi chào, cũng có phần thân thiết.

Lại thêm một hồi trống, tiếng Tiểu Tây từ cổng vọng lại:

– Hoả Phụng chi phái đang lên núi!

Phái Hoả Phụng thì y phục hơi khác một chút, thậm chí có phần đối lập. Phái này mặc hồng y, đông hơn phái Thanh Long. Nhạc Lữ là trưởng môn phái Hoả Phụng. Ngày xưa Thạch Thuỷ lão tổ nhận ba đệ tử là Khánh Tiến, Nhạc Lữ và Đinh Lãng. Nhạc Lữ là đại sư huynh, nhưng Thạch Thuỷ lại giao lại quyền trưởng môn cho Khánh Tiến. Lí do là Khánh Tiến tư chất hơn người, cả tài và tâm đều rất tốt. Nhạc Lữ lúc ấy tức giận, sau khi Thạch Thuỷ qua đời liền đòi lại quyền lợi. Thiên Cân vì thế không cân bằng, đành chia ra ba phái.

Sau bên Nhạc Lữ có một đứa trạc tuổi cậu, nhưng khuôn mặt có phần lạnh lẽo và tàn nhẫn. Khánh Tiến cũng nhìn thấy, bảo bụng:

– Đứa bé này thần thái lạnh nhạt, ánh mắt rất âm hiểm, không biết đại sư huynh làm sao thu nhận được nó…

Nhạc Lữ bước lên Thanh Thiên Sảnh, quan sát một hồi liền về chỗ của phái mình, cũng không thèm chào hỏi Khánh Tiến. Lần lượt các phái khác cũng đến, nào là Đông Hải Phái, nào là Nhất Nam Phái, cả Thiếu Lâm Nam Sơn cũng đến. Đông Hải phái do Hoàng Quân đứng đầu, còn Nhất Nam phái là Lục Lạp. Thiếu Lâm Nam Sơn Phái bấy giờ trụ trì là Huyền Trần. Cuối cùng là Đình Gia Trang, trang chủ là Đình Xiển bước lên.

Đình Xiển là truyền nhân của Đình Trung Tiến ngày xưa. Đình Xiển cũng lắm tham vọng như Đình Trung Tiến ngày xưa. Nhưng y không làm mưa làm gió trên giang hồ như Đình Trung Tiến mà có phần âm hiểm hơn. Y cũng đã tới tuổi ngũ tuần, mặc y phục màu trắng, cầm cây quạt vẫy vẫy. Cả đoàn của Đình Gia Trang cũng mặc y phục màu trắng nốt, nam đi một hàng, nữ đi một hàng, thần thái có phần khoan thai, từ tốn.

Đình Xiển nhếch mép, hắn đưa mắt nhìn quanh, rồi nhẹ nhàng cúi người chào Khánh Tiến.

– Quý trang ghé thăm tệ phái, không đón từ xa được, xin thứ lỗi!

Đình Xiển lắc nhẹ đầu:

– Khánh trưởng môn thật khách sáo quá! Đại hội võ lâm cả năm mới có một lần, đến đây là nhiệm vụ của Đình mỗ.

Nói rồi về rạp của phái mình.

***

Đợi khi ai về chỗ nấy, không khí ổn định, Khánh Tiến mới bước lên, nói lớn:

– Kính chào các vị anh hùng, trưởng môn các phái đã tề tựu về đây! Đại hội võ lâm năm năm mới có một lần, là dịp lớn trong thiên hạ, đối với võ lâm Đại Việt. Như các quý phái đã biết, đây đã là truyền thống của võ lâm, chọn ra phái có năng lực nhất làm lãnh đạo, giải quyết các khúc mắc giang hồ. Kì nay tệ phái được chọn là nơi long sum phượng quầy, trước tiên dâng lên các vị màn Thiên Cân Sơ Quyền, là quyền pháp cơ bản của bản phái!

Từng hồi trống vang lên lúc càng nhanh.

Một đoàn đệ tử của Thiên Cân phái bước ra, trống theo quyền, quyền theo nhịp trống, tiếng trống giòn giã như đường quyền sắc bén, hoà lẫn tiếng hô dõng dạc, vang trời của hàng chục đệ tử. Minh Hướng không được dạy bài Thiên Cân Sơ Quyền, chỉ biết đứng bên Khánh Tiến mà nhìn. Cậu liếc nhìn cậu bé đi theo Nhạc Lữ ở rạp của phái Hoả Phụng. Ánh mắt vô hồn ấy có chút ám ảnh, bỗng chốc cậu nhớ lại quá khứ bị chà đạp, bị ức hiếp, có lúc tính mạng lại rơi vào tình trạng ngàn cân treo sợi tóc.

Hẳn hắn ta cũng gặp chuyện gì đó trong quá khứ…
Minh Hướng tự nhủ rồi tập trung vào chính sảnh. Hoàng Quân nói nhỏ với Lục Lạp:

Thiên Cân phái đúng là đại phái từ lâu đời, cả bài nhập môn cũng biến hoá đến như vậy!
Lục Lạp cũng gật gù, nhưng gã không chú tâm lắm, mắt chỉ để ý nơi rạp của Đình Xiển.

Sau, Đình Xiển đứng dậy, y dáng người cao lớn, mắt xếch, mũi to, cất tiếng oang oang:

– Đình mỗ xin chào anh hùng các phái đang có mặt ở đây! Năm nay được dự đại hội võ lâm của các đại phái, thật là vinh dự quá! Đại hội các phái là hội lớn trong võ lâm, nên Đình Xiển tôi nghĩ là chỉ một màn tỉ thí chắc chắn sẽ không xứng với cái tiếng lớn của võ lâm Đại Việt. Theo ý của mỗ thì như thế này, ít ra cũng nên đặt ra một vật gì đó làm phần thưởng…

Rồi y hơi ngập ngừng, đưa mắt nhìn Khánh Tiến với điệu bộ kì lạ. Khánh Tiến khó hiểu, không biết y đang suy tính điều gì. Liền hỏi:

– Không biết Đình trang chủ có cao kiến gì?

Đình Xiển cười lớn:

– Thôi để Đình mỗ nói thẳng, ngày xưa Thạch Thuỷ cướp bốn trong năm cuốn Ngũ Công Tâm Kinh của Đình Gia Trang và phái Đông Hải. Sau đó dùng nó để nổi danh thiên hạ, dựng nên đại sự ngày hôm nay. Đình mỗ không dám mở miệng đòi lại, chỉ xin Khánh trưởng môn mở lòng cho các huynh đệ chiêm ngưỡng thần công.

Quần chúng xung quanh nghe đến Ngũ Công Tâm Kinh liền xì xầm bàn tán. Có người ngạc nhiên, có người im lặng. Hầu hết đây là đệ tử của các phái, nên phản ứng vẫn tuỳ thuộc vào trưởng môn.

Khánh Tiến nghĩ thầm:

– Ân sư ngày xưa đúng là có cướp lấy Ngũ Công Tâm Kinh, nhưng chỉ có hai bộ, sao tên Đình Xiển lại nói là bốn? Quyển kia sư phụ đã cất giấu, còn Vô Ảnh Cước Pháp thì được biến đổi thành Thiên Cân Cước rồi… Hay cứ hứa với họ vậy!

Liền bảo:

– Sư phụ của tại hạ lúc xưa đúng là có vô tình lấy trộm kinh thư. Nhưng thứ nhất, đó chưa phải là kinh thư của các phái. Ngũ Công Tâm Kinh là di thư của Hưng Đạo Vương, năm ấy võ lâm đại loạn săn lùng, ân sư cũng chỉ là săn kinh từ những kẻ săn kinh. Tại sao phải gọi là cướp? Thứ hai, theo lời của ân sư thì chỉ lấy được hai cuốn kinh là Vô Ảnh Cước và Khí Công Tâm. Khí Công Tâm Pháp thì người huỷ đi để tránh thiên hạ tái loạn, còn Vô Ảnh Cước thì biến hoá thành Thiên Cân Cước, cước pháp trấn môn của bản phái đây. Cũng nhờ Thiên Cân Cước mới dựng lại cơ đồ của Thanh Thiên phái ngày xưa bị các phái khác phá tan.

Khánh Tiến nói đến câu cuối có ý nhấn mạnh, tức là muốn nhắn tới chuyện xưa. Đình Gia Trang, phái Nhất Nam, phái Đông Hải đã triệt diệt Thanh Thiên phái. Nghe chuyện ấy, Đình Xiển, Hoàng Quân, Lục Lạp có chút không vui, bị người ta xiên xỏ mà không làm gì được. Có phần nhục hơn là tức. Hoàng Quân thở dài:

– Không biết Đình Xiển nhắc làm gì cái chuyện ấy…

Minh Hướng nghĩ thầm:

– Thì ra Thiên Cân Cước là được biến đổi từ Vô Ảnh Cước, nhưng tại sao Vô Ảnh Cước lại nằm trong tay của tên ấy, chuyện này thì kì lạ!

Lục Lạp liền đứng dậy phản bác:

– Khánh trưởng môn nói cũng có lí, nhưng trước sau gì cũng là do Thạch Thuỷ ngày xưa đã nhúng tay vào chuyện tranh giành mới gây ra cớ sự.

Khánh Tiến liền trả lời:

– Chẳng phải mỗ đã nói là đấy là việc hết sức bình thường trong võ lâm lúc đó rồi sao!?

Đinh Lãng từ rạp phía đông cũng đứng dậy nói:

– Lục trưởng môn có vẻ vẫn nhớ thù xưa. Ngũ Công lúc ấy như một vật báu, ai giỏi thì lấy, nếu các tiền bối đời trước có đủ khả năng thì đã không bị ân sư cướp lấy Ngũ Công một cách dễ dàng như vậy!

Lục Lạp sôi máu, gân mạch giật giật, da mặt y theo đó mà nhăn lại, mắt hung hung đỏ nhìn Đinh Lãng:

– Oắt con! Ngươi thì biết cái gì!!!

Thấy tình hình trở nên căng thẳng, Huyền Trần đứng dậy, nói lớn:

– Các vị đừng để chút chuyện vặt này ảnh hưởng đến hoà khí. Theo bần tăng thì chuyện ngày trước khó mà giải thích được, ai đúng ai sai trong này cũng không có ai chứng kiến, thôi thì các vị không nên ép làm gì, nên để chủ trì là Khánh trưởng môn đây phán quyết!

Khánh Tiến tiếp lời:

– Đại hội võ lâm cốt yếu là tôn lên tinh thần thượng võ của Đại Việt, cho tứ xứ biết rằng dân Đại Việt chúng ta không thua kém gì các ngoại bang. Thiết nghĩ quyền lợi của người thắng cùng với Thánh Kì cũng đã xứng đáng rồi!

Ông ra hiệu, bốn người vác một các gác lớn, trên để một lá cờ tam giác màu tím, thêu sáu chữ vàng: Hiệu Lệnh Võ Lâm Thánh Kì. Lục Lạp vẫn chăm chú nhìn Đình Xiển, thấy Thánh Kì liền ra hiệu cho đệ tử lên lấy. Đại đệ tử của Lục Lạp là Minh Kha. Y thấy hiệu lệnh của sư phụ, liền nhún chân, bước bộ trên không lên đại sảnh.

– Tôi là Minh Kha của phái Đông Hải! Thẹn bất tài nhưng cũng muốn ra mặt đoạt Thánh Kì, không biết có ai chỉ giáo?

Lập tức từ phía phái Thanh Long có người phi lên. Người này tên là Chỉ Thiên, đệ tử của Đinh Lãng. Y tuy không phải là đại đệ tử nhưng thông minh lanh lẹ, công phu cũng nổi danh giang hồ. Đặc biệt là chiêu Tam Kiếm Xuyên Tâm, chiêu này ngày xưa Thạch Thuỷ chỉ dựng nên sơ sơ, truyền lại cho Đinh Lãng, sau khi tách khỏi Thiên Cân, Đinh Lãng tìm cách phát triển nó, đến Chỉ Thiên thì chiêu này gần như hoàn thiện.

– Thì ra là Chỉ Thiên Tam Chưởng nổi danh của phái Thanh Long, xin mời!

Minh Kha khua một vòng rồi chĩa lưỡi đao về phía trước, thủ thế chờ đánh. Chỉ Thiên dùng kiếm, chỉ về phía trước, mắt đưa theo mũi kiếm hướng về Minh Kha. Minh Kha hét lớn: “Xin thất lễ!”, đồng thời y nghiêng người lướt về phía trước, múa dao xông tới. Chỉ Thiên cũng nhún người, lưỡi ngang thanh kiếm vùn vụt chẹn dưới cuống của trường đao phát ra tiếng keng keng dữ dội. Minh Kha giật lùi, sử dụng Khí Đao Pháp của phái Đông Hải. Chỉ Thiên lanh lẹ tránh né, cũng tìm cơ hội tấn công đối thủ. Minh Hướng thấy hai người không ai thua ai, liền hỏi nhỏ Khánh Tiến:

– Thái sư phụ, nếu ngang tài ngang sức thế này thì biết bao giờ mới tìm ra kẻ thắng?

Khánh Tiến cười mỉm:

– Đông Hải phái thiên về cương, dùng trường đao ắt sức mạnh rất lớn. Còn Thanh Long phái của Đinh sư đệ thì thiên về nhu, sử dụng lưỡi kiếm dẻo dai nhưng biến hoá khôn lường. Tuy nhìn thì thấy ngang tài ngang sức, nhưng người của Thanh Long phái có phần lợi hơn. Con nghĩ xem, mỗi chiêu mỗi đòn mà Minh Kha xuất ra đều phải dùng nội lực rất lớn, còn Chỉ Thiên chỉ vận ít lực, cốt sử dụng công lực khéo léo, đến lúc nào đó Minh Kha thấm mệt thì Chỉ Thiên sẽ thừa thế xông lên. Đấy người ta gọi là nhu thắng cương!

Minh Hướng gật gù, lại hỏi:

– Thế nhu lúc nào cũng thắng cương sao?

– Không hẳn đâu! Cương nhu là hai mảnh đối lập, cương lợi về sức mạnh, nhu lợi về thời gian. Cốt tuỳ vào người biết tính toán mà phát huy.

Minh Hướng hiểu ra, thấy mỗi sự đơn giản của võ học thế thôi mà thật khó để nhìn nhận, lại chú tâm vào cuộc tỉ thí. Đoạn, Minh Kha khua dao phía dưới, dùng chiêu Nhất Đao Chuyển Địa trong Khí Đao Pháp. Chỉ Thiên không dám lơ là, liền nhanh chóng vụt người lên phía trên, đồng thời nói lớn:

– Khí Đao Pháp của quý phái quả là sức mạnh vô song!

Minh Kha thấy Chỉ Thiên phi người lên không, liền xoay cán đao, vụt lên theo. Chỉ Thiên đổ người xuống, mũi dao vút theo, nhắm thẳng Minh Kha. Cùng lúc đao kiếm chạm nhau, khí lực toát ra thật hùng hậu! Chỉ Thiên trên không, Minh Kha dưới đất, cả hai vận khí chống chọi nhau. Một lúc sau, Minh Kha cạn kiệt nội lực, chân phải bước lùi vài bước rồi cũng cố gắng cầm cự. Chỉ Thiên nhếch mép, bỗng nhiên xoay người, lưỡi đao phóng thẳng tới nhưng không trúng. Minh Kha hốt hoảng nghĩ thầm: “Y đâu rồi!?”. Từ phía sau lưng, Chỉ Thiên giáng một cước làm Minh Kha đổ về phía trước. Y chưa hết bàng hoàng, lập tức Chỉ Thiên múa kiếm lao tới, đường kiếm nhắm bên trái, nhắm bên phải làm cho Minh Kha liên tục tránh né. Chỉ Thiên vụt tới, Minh Kha lại đâm mũi dao về phía trước, đột nhiên Chỉ Thiên ngã người về bên, lưỡi kiếm trượt trên lưỡi dao, chưởng của Chỉ Thiên đánh ngang bụng của Minh Kha, chưởng này được Chỉ Thiên dồn hết lực, nên Minh Kha liền cảm thấy đau nhói, loạng qoạng ngã về sau. Y hốt hoảng trụ lại, mũi kiếm đã kề ngang cổ từ lúc nào.

Phía phái Thanh Long vang lên rầm rộ:

– Hay quá! Hay quá!

Chỉ Thiên thu kiếm, Minh Kha liền cúi người:

– Kiếm pháp của quý phái biến hoá khôn lường, tôi xin thua!

Đinh Lãng cười thầm, Lục Lạp thì lắc đầu khôn nguôi, nghĩ:

– Thanh Long phái quả đê hèn, đợi cho Minh Kha hết sức mới xuất chiêu tấn công… Hừ, tên Đình Xiển không biết bao giờ mới chịu hành động!

Minh Kha lặng lẽ bước xuống võ đài, liếc nhìn thấy ánh mắt Lục Lạp sắc như lưỡi đao thì có chút ớn lạnh. Lục Lạp quản giáo đệ tử rất nghiêm, y cũng có tham vọng muốn đứng đầu thiên hạ nên quyết giành Thánh Kì, nhưng chưa năm nào y thành công. Năm năm trước là phái Hoả Phụng làm chủ Thánh Kì, mười năm trước là phái Nhất Nam giành được, từ khi y lên làm trưởng môn chưa một lần làm vẻ vang phái Đông Hải, nên lấy đó làm hổ thẹn, thẹn quá lại hoá cuồng. Lục Lạp không nhìn Minh Kha, ánh mắt y như không để ý xung quạnh, tay nghiến chặt ly trà vang tiếng két két.

Lập tức người của phái Nhất Nam vụt lên, cũng dùng kiếm bất thình lình đánh tới, còn hét lớn:

– Xin mời cao thủ tiếp chiêu!

Chỉ Thiên không nao núng xoay kiếm đỡ chiêu. Người kia tấn công liên tiếp, Chỉ Thiên cũng đưa kiếm đỡ liên tiếp. Người phái Nhất Nam trở người, dùng chân đá tới, Chỉ Thiên để kiếm nằm ngang, đỡ cước làm người kia bật lui về. Bấy giờ y mới thi lễ:

– Đệ tử phái Nhất Nam, Tô Nhật Nguyệt nay xin được lãnh giáo kiếm pháp của phái Thanh Long, không kịp giới thiệu thật thất lễ quá!

Chỉ Thiên cười nhạt, người này ban đầu tưởng thô lỗ nhưng ăn nói rất đàng hoàng, hẳn không phải là người tầm thường.

– Xin kính lễ!

Tô Nhật Nguyệt xuất chiêu, bây giờ thần thái không vội vàng như lúc trước, không chỉ chiêu xuất ra gọn gàng mà cách di chuyển cũng rất khôn khéo. Chỉ Thiên cảm thấy bị động, không tìm thấy kẻ hở nào. Cách đánh của Tô Nhật Nguyệt là không để thời gian cho đối thủ tìm ra sai sót, y liên tiếp xuất chiêu vào chỗ hiểm, làm cho Chỉ Thiên bình tĩnh lắm cũng phải rớt mồ hôi hột.

Đinh Lãng phía dưới lẩm nhẩm:

– Tên Tô Nhật Nguyệt này quả tinh ranh, Chỉ Thiên chắc chắn có phần hao hụt sức lực, hắn tấn công tới tấp như thế đúng là không để cho nó đỡ đòn không kịp thở đây mà!

Chỉ Thiên thấy mình sắp bị dồn vào cuối đại sảnh, liền tìm kế thoát chiêu. Y bỗng buông tay cho lưỡi kiếm của Tô Nhật Nguyệt lao tới. Tất cả mọi người hốt hoảng, nghĩ thầm:

– Tên này biết thua nên tự sát chắc?

Tô Nhật Nguyệt theo đà không ngừng chiêu được, kinh hãi không biết làm thế nào cho phải. Chỉ Thiên bỗng nhiên ngã người xuống phía dưới, đầu ngửa ra sau, bất ngờ xuất cước đá vào tay cầm kiếm. Tô Nhật Nguyệt biết chuyện chẳng hay, cũng thuận tay ném kiếm ra xa, rồi đưa chân tấn công. Chỉ Thiên trở người, đưa chân đỡ cước. Xung quanh trầm trồ, khả năng ứng biến của hai người quả rất lanh lẹ.

Hết đấu kiếm lại sang quyền cước. Nhất Nam và Thanh Long là hai phái thiên về dùng kiếm, bây giờ lại tỷ thí bằng quyền cước trông thật kì lạ. Hai bên giao đấu thêm một hồi đều có vẻ thấm mệt. Bỗng một người trong Đình Gia Trang lao lên, giang quyền nhắm vào cả hai người. Hắn là một trong mười người hàng Quy của Đình Gia Trang, tên là Phan Văn Khải. Đình Gia Trang là một trang lớn, sánh ngang với các đại phái, võ công của những người trong trang đều kì quái, không theo phái nào nên khó hệ thống và nhận biết được.

Chỉ Thiên và Tô Nhật Nguyệt liền ngưng chọi nhau, hai người quay lại cùng đánh Phan Văn Khải. Bấy giờ không ai cầm binh khí, chỉ liên tiếp xuất quyền. Chỉ Thiên dùng Thiên Long quyền của phái Thanh Long, Tô Nhật Nguyệt dùng Kiếm Khí Công của phái Nhất Nam, còn Phan Văn Khải thì chiêu thức loạn xạ, nhưng cách ra quyền và đỡ quyền lại rất hiệu quả.

Chỉ Thiên và Tô Nhật Nguyệt đều cạn kiệt sức lực, ngày càng không nhìn ra lối đánh của Phan Văn Khải, cả hai lúng túng không biết làm thế nào. Phan Văn Khải xuất quyền chặn tay người này thì lại dùng cước đánh vào người kia, thủ công đều rất tinh xảo. Người phía dưới kêu thầm: “Quả là Đình Gia Trang, võ công kì quái không thể nào nhìn ra được!”

Đoạn, Phan Văn Khải dùng khí lực, bấm vào huyệt nội quan rồi kéo về trước. Chỉ Thiên và Tô Nhật Nguyệt thấy cổ tay đau nhói, bàn tay tê cứng, bị kéo cũng chẳng còn sức kháng cự, Phan Văn Khải lại buông tay, giáng vào hai người hai chưởng lực khiến Thiên và Nguyệt hai người đau đến tận xương tuỷ. Cả hai ngã trên võ đài, miệng phun ra một ngụm máu tươi. Khánh Tiến kinh động:

– Đây là Tán Tâm Chưởng nổi tiếng của Đình Gia Trang, chiêu thức âm độc như vậy, không ngờ tên này lại dám dùng ở đây!