Hậu Án Lệ Chi Viên

Chương 1: Thạch Thuỷ lão tổ




Giang hồ tồn tại song song với triều đình, chuyện giang hồ, triều đình chưa chắc đã can thiệp được. Sau khi Hưng Đạo Vương qua đời, quân Minh kéo quân đến xâm lược, có ý quật mộ. Các phái trong giang hồ nổi dậy, truy tìm tuyệt pháp ông để lại: Ngũ Công Tâm Kinh.

Thạch Thuỷ là đại đệ tử của phái Thanh Thiên, trưởng môn phái Thanh Thiên là Tạc Tổ, là một người tu đạo, tuy là trưởng môn một phái nhưng không có tham vọng như những người trong giang hồ.

Đêm ấy đi ngang qua vùng Vạn Kiếp, nghe có tiếng ồn ào. Thạch Thuỷ nhún người ,nấp trên một cái cây lớn quan sát sự tình. Y ghé mắt, nghĩ thầm:

– Chỗ nghĩa trang hoang vắng, không biết người ta tập trung ở đây làm gì.

Phía dưới là một đám người chia ra từng nhóm với từng trang phục riêng biệt. Rõ là người của các phái. Y ngó qua, thấy có đám người mặc áo xanh nhạt, tay cầm trường đao, đứng đầu là một người râu trắng, mặc áo ngoài màu trắng, chắc hẳn là trưởng môn.

– Nhóm người này hình như là người của phái Đông Hải, đã từng ghé phái ta mấy ngày trước.

Lại có nhóm người mặc y phục màu đỏ, đầu trùm khăn vàng trông kì dị, hẳn là người của phái Nhất Nam. Còn lại một nhóm người mặc y phục màu tím, tay cầm đao, vẻ mặt hung dữ. Đứng đầu là một người ăn mặc nho nhã, độ tuổi chừng đã qua ngũ tuần. Người ấy dõng dạc:

– Tuyệt kỹ của giang hồ, nào có phải do đến muộn mà có hay được, ít ra cũng phải phân biệt cao thấp bằng võ công!

Người đứng đầu phái Đông Hải cười lớn, bảo:

– Người nào có trước là của người đó, làm gì có chuyện phải nhường nhịn. Trong tay ta đang có bốn bộ: Khí Công Tâm Pháp, Hoả Trảo Công, Hàn Chưởng Băng Tâm, Vô Ảnh Tâm Cước. Kẻ nào có gan cứ đến lấy.

– Đã thế thì…

Người mặc áo trắng cười mỉm, người phái Nhất Nam thì vẫn im lặng không có động tĩnh gì. Bỗng vụt một cái, người áo trắng lao đến, xuất chiêu tấn công trưởng môn phái Đông Hải. Tên trưởng môn nhún người lui sau, giật lấy trường đao, bổ từ trên cao xuống. Tên bạch y nhanh chóng lui về, vận khí tung ra một chưởng. Thạch Thuỷ liền nói thầm:

– Là Tán Tâm Chưởng, hắn là người của Đình Gia Trang!

Tên bạch y ấy là trang chủ của Đình Gia Trang, tên là Đình Trung Tiến. Còn trưởng môn của phái Đông Hải là Trần Hoài An, tham vọng của hai kẻ này cực lớn.

Trần Hoài An nhận ra Tán Tâm Chưởng, liền lấy đao phòng thủ, tay không đấu với trường đao, có vẻ bất lợi nhưng Đình Trung Tiến không tỏ ra lo lắng, y giảm tốc độ, đẩy tay chạm nhẹ vào lưỡi đao. Trần Hoài An run tay, nghĩ bụng:

– Kình lực thật lớn, hắn chỉ truyền qua lưỡi dao mà tay ta đã tên hết cả lên.

Tuy kinh hãi nhưng y vẫn mạnh miệng:

– Ngươi đừng đắc chí! Xem đao pháp của phái Đông Hải ta đây!

Y xoay cán đao tách khỏi tay Đình Trung Tiến, vận sức tung ra một đòn, đất bị rạch theo đường chém, khí lực theo lưỡi đao phóng ra. Trần Hoài An biết đây là Khí Đao Pháp của phái Đông Hải, có phần kinh động, liền tránh né.

Hai bên lần lượt tung ra các tuyệt kỹ của phái mình, Thạch Thuỷ cười thầm:

– Được chứng kiến trận này ta thật may mắn. Bộ Ngũ Công Tâm Kinh ấy hẳn rất lợi hại, nếu có nó thì phái ta càng thêm hưng thịnh.

Hai bên tranh đấu, mãi không phân cao thấp. Trần Hoài An là trưởng môn một phái, Đông Hải phái lại là một môn phái hưng thịnh lúc bấy giờ, cũng do một tay ông dựng nên danh tiếng. Đình Gia Trang là một trang, mà thanh thế còn hơn một số phái khác, cũng là do Đình Trung Tiến gánh vác. Hai người này như cân tài cân sức, giang hồ từ xưa đến nay ít thấy có sự đụng độ giữa các phái, trang, nên nhìn vào thật khó biết được người nào thắng, kẻ nào thua. Hai bên choảng nhau, khác gì kình long chọi với mãnh hổ.

Trần Hoài An người đầm mồ hôi, tay run run lằn vết cán dao. Đình Trung Tiến tóc tai xơ xác, cũng thở dốc dần, dường như trận đánh đã dần đến hồi kết. Lúc này, trưởng môn phái Nhất Nam là Đặng Côn bước lên, bảo:

– Đều là anh em bằng hữu trong giang hồ, sao lại vì một bộ võ công do Trần gia để lại mà tàn sát lẫn nhau như thế!

Đình Trung Tiến nghĩ thầm:

– Tên Đặng Côn khốn kiếp, để ta và tên Hoài An chó má này kiệt sức mới lên tiếng hòng hớt tay trên, quả là thâm độc!

Hắn thì nghĩ thầm, còn Trần Hoài An thì nói toạc ra:

– Ngươi gian quá thể, đợi chúng ta kiệt sức lại đứng ra nói miệng, có giỏi thì vào đây đôi co cao thấp!

Thạch Thuỷ nghĩ thầm:

– Tên trưởng môn phái Đông Hải chỉ biết dùng sức mạnh giải quyết, đọ với tên bạch y đến kiệt sức rồi lại còn muốn thách thức, đúng là to mồm thì dễ chết!

Đặng Côn cười khẩy:

– Trần trưởng môn xem ra hiểu nhầm ý ta rồi, Ngũ Công Tâm Kinh là báu vật Đại Việt, đâu phải của riêng ai mà tranh với giành!

Trần Hoài An nổi nóng:

– Câm mồm!

Nói rồi vác đao lao tới. Đình Trung Tiến bước lùi, hồi phục nguyên khí. Đám đệ tử nhao nhao, trợn mắt nhìn nhau, nhưng cũng lùi ra để sư phụ tỉ thí. Trần Hoài An hùng hổ, đường đao quyết liệt, Đặng Côn rút ra một cây đoản kiếm chống đỡ. Võ công của Đặng Côn cũng vô vàn biến hoá, chiêu này chưa kết đã xuất chiêu khác. Hai bên kình nhau một hồi, lại lui về thủ thế. Đặng Côn đưa tay trước mũi kiếm, xuất chiêu Vô Ảnh Kiếm. Chiêu này cơ bản dựa vào sự khéo léo, biến hoá tài tình, làm cho đối thủ không biết đường nào chống dỡ. Trần Hoài An giờ đã kiệt sức, không thấy Đặng Côn ở đâu nhưng sát khí thì đùng đùng ở bên. Y hoảng loạn, xoay bên này, xoay bên kia đề phòng Đặng Côn lao vào.

Quả nhiên mũi kiếm lao vào Trần Hoài An theo đường chính diện. Y đưa đao lên đỡ, nhưng lại chém vào hư không, y lại càng kinh hãi, hét lớn:

– Vô Ảnh Kiếm của nhà ngươi là cái thá gì, chỉ được tài làm hoa mắt người ta rồi vô tình đánh lén chứ có hay ho gì đâu!

Đáp lại lời y là tiếng gió vút từ phía trên, y hốt hoảng lùi lại một bước, mũi kiếm từ trên sượt xuống chỉ thêm một li là y sẽ mất mạng.

Thạch Thuỷ há mồm:

– Không ngờ Vô Ảnh Kiếm của phái Nhất Nam lại lợi hại như vậy!

Trần Hoài An lấm tấm mồ hôi, tựa hồ bước ra từ cõi chết. Đặng Côn lúc này đứng trước Trần Hoài An, tóc phủ, giương mắt nhìn y:

– Ngươi chê Vô Ảnh Kiếm của phái ta là trò tiểu nhân, ngươi lại suýt mất mạng dưới chiêu này, có phải là không bằng tiểu nhân?

Trần Hoài An cứng họng không nói được lời nào, thật xấu mặt phái Đông Hải!

Đặng Côn cười lớn, bỗng tiếng cười lặng, mắt y trợn lên, nhìn xuống tay thấy một chiếc kim nhỏ.

– Ám… ám khí! Trần Hoài An! Làm sao ngươi có thể thâm độc như vậy!

Bọn đệ tử xì xào, chạy đến bên Đặng Côn, tình trạng không nguy cấp nhưng cũng không phải không nghiêm trọng. Bỗng có mùi hương lạ bay tới, Đình Trung Tiến la lớn:

– Mê Hồn Hương! Tất cả bịt mũi lại!

Nhưng đã quá trễ rồi, phút chốc, mắt ai nấy đều xâm xoàng, ngã quỵ. Từ trên cây, Thạch Thuỷ nhảy xuống, mặt bịt khăn đen, cười tinh ranh:

– Mấy người tranh đấu làm gì, chỉ tổ phí sức, hay đem dành hết cho ta có phải khoẻ không!?

Đình Trung Tiến ôm đầu:

– Ngươi… ngươi…

Thạch Thuỷ mò người Trần Hoài An, lấy được hai cuốn là: Khí Công Tâm Pháp và Vô Ảnh Tâm Cước, ngoài ra còn hai tập là giấy trắng. Hàn Chưởng Băng Tâm và Hoả Trảo Công là giả mạo! Y nghĩ thầm:

– Thôi kệ, lấy hai thứ nào cũng đủ rồi.

Xong xuôi, y dùng khinh công vụt đi, để lại nhóm người đang lăn lóc dưới đất.

***

Thạch Thuỷ là một đệ tử thông minh, sáng dạ của Tạc Tổ.

Lần này xuống núi là vâng mệnh sư phụ đến mời Huyền Tổ đại sư ở núi Nam Sơn đến dự đại lễ kính sư các trưởng môn đời trước của phái Thanh Thiên.

Y băng qua một khu rừng, trời tầm tã mưa, liền dừng lại ở một hang động lớn. Y nhóm lửa, mở cuốn Khí Công Tâm Pháp ra xem. Cuốn này ghi chép về việc luyện khí, chủ yến dẫn khí qua các huyệt đạo, rèn luyện nội lực nơi đan điền. Khí pháp này không khó luyện, chỉ cần thời gian. Thạch Thuỷ nghĩ thầm:

– Sư phụ ta không thích tranh giành những thứ này, đem về thế nào cũng bị trách mắng, thôi thì ghi nhớ tâm pháp, để lại đây chờ người có duyên vậy.

Cuốn thứ hai là Vô Ảnh Cước Pháp, được mô tả là biến hoá khôn lường, chiêu thức bất định, mỗi chiêu ẩn chứa những ý nghĩ nhất định, làm cho đối thủ chẳng biết đường nào mà lần. Thạch Thuỷ nghiên cứu sơ qua, để cuốn khí công dưới tảng đá lớn, khắc vài dòng chữ ẩn ý, rồi lại lên đường đến Nam Sơn.

Núi Nam Sơn là một dãy núi ở phía Nam, chùa Nam Sơn nằm trên ấy. Tương truyền phương bắc có một nhà sư thuộc phái Thiếu Lâm, qua đây thấy địa hình tốt đẹp, cây cỏ tươi tốt, quả là nơi lí tưởng để sống, liền dựng chùa, xây nên Thiếu Lâm Nam Sơn phái. Chùa nằm trên núi Nam Sơn, phủ một vùng lớn. Đường lên chùa chỉ có một đường duy nhất, cây cối hai bên xanh tươi, ngàn chim ríu rít trên vạn hoa thơm ngát, đỉnh núi cao, Tam Quan sừng sững, đúng là nơi thanh tịnh của nhà Phật!

Thạch Thuỷ đứng trước cổng, cúi chào hai chú tiểu, rồi nói:

– Tôi là đệ tử phái Thanh Thiên, đến đây xin cho gặp trụ trì, để hoàn thành việc sư phụ giao phó! Xin cho tôi được gặp Huyền Tổ đại sư!

Hai chú tiểu nhìn nhau, chắp tay chào Thạch Thuỷ, rồi chạy nhanh vào trong. Thạch Thuỷ lôi ra bức thư của sư phụ, lấy ngọc bội của phái đính kèm.

– Ngọc bội đâu rồi!?

Thạch Thuỷ lục khắp người, không thấy ngọc bội của phái đâu.

– Không lẽ ta để rơi đâu đó…

Ngẫm nghĩ một hồi, sực giật mình:

– Nếu lỡ rơi ở chỗ hôm qua, nhất định phái ta sẽ gặp chuyện!

Huyền Tổ từ trong bước ra, gặp Thạch Thuỷ liền niềm nở, mỉm cười nói:

– Thí chủ là người phái Thanh Thiên, có cớ sự gì lại ghé thăm tệ tự?

Thạch Thuỷ bình tĩnh, cúi người chào, đưa thư rồi bảo:

– Tệ phái có tổ chức lễ kính sư các sư phụ đời trước, nay xin mời đại sư ghé dự! Đáng lí tiểu bối phải ở lại lễ, nhưng ngặt nỗi tệ phái đang gặp chuyện, có lẽ phải về gấp, xin chào đại sư!

– Thí chủ cớ sao vừa đến đã lại đi, xin vào trong dùng chút trà cho ấm bụng!

– Chuyện gấp không thể chờ lâu, tiểu bối thất lễ!

Nói rồi cáo từ, dùng khinh công vút nhanh. Huyền Tổ nhìn theo, nói thầm:

– Tướng mạo phi phàm, khí chất tao nhã, phái Thanh Thiên có người đệ từ này quả là có phúc!

***

Thạch Thuỷ ngày đêm về núi không hề nghỉ, khinh công của phái Thanh Thiên vào bậc nhất trong thiên hạ, còn được xếp thành một môn riêng: Lưu Tinh Bộ Công. Nhún một bước, đã đi được một dặm, thân thủ nhẹ tựa lông chim, khiến người ta nhìn vào cũng hoa mắt.

Sự tồn vong của phái đang ở trước mắt, không thể chậm trễ thêm một phút giây nào!

Mồ hôi đẫm người, tim Thạch Thuỷ càng đập mạnh. Không phải mệt mà chính vì lo lắng cho Thanh Thiên Phái.

Dãy Thiên Cân Sơn gồm ba ngọn, ngọn chính là núi Thiên Cân, hai bên là núi Thanh Long và Hoả Phụng. Dãy núi sừng sững giữa đất trời, đỉnh mờ bởi lớp mây sớm, đường lên phái đượm hơi sương. Thấy yên lặng không động tĩnh, Thạch Thuỷ càng linh tính là có chuyện không hay, liền chạy lên.

Tam quan nghi ngút khói, không phải nhang, mà là lửa!

Lửa đổ khắp nơi, cờ gãy khắp chốn, người người nằm bất động giứa chánh đường. Máu me vung vãi khắp nơi, Thanh Thiên Đường tan tác, phái Thanh Thiên cũng tan tành!

Tất thảy các đệ tử đều bị giết! Thạch Thuỷ run run nhìn quanh, Thanh Thiên đã bị người ta tàn phá không còn gì!

Khẽ có tiếng thều thào, Thạch Thuỷ vội chạy lại gần, rưng rưng nước mắt hỏi:

– Tiểu Hắc! Là đệ sao! Sao lại ra nông nỗi này!?

Người ấy nằm trên sàn, mặt đen, máu hộc cả miệng, khẽ nói:

– Có ba nhóm người của các phái kéo tới… Cho là phái ta đã ăn cắp bí kíp võ công của họ… Sư phụ chỉ im lặng, bọn họ tức giận… Hộc… Ra tay sát hại cả phái ta… Sư phụ không cản nổi… Uất quá mới… tự sát!

Thạch Thuỷ đớ người, không ngờ lại gây ra hoạ lớn như vậy, liền hỏi:

– Sư phụ ở đâu!?

Tiểu Hắc đưa tay chỉ vào chánh đường. Thạch Thuỷ liền chạy vào trong, thấy Tạc Tổ ngồi thiền, mắt nhắm nghiền, miệng khẽ rỉ máu, chân mày trắng phau, thần thái uy nghiêm. Thạch Thuỷ vội bật khóc, quỳ tại chỗ, lạy ba lạy:

– Đệ tử hư đốn! Gây ra đại hoạ cho phái ta! Làm sư phụ phải chết thảm thế này!

Rồi nghĩ thầm:

– Chuyện này là do ta, nào trách ai được! Thạch Thuỷ ơi là Thạch Thuỷ! Ngươi còn sống trên đời để làm gì!

Nói xong phi thân lao đầu vào cột chống, định một phát tự kết liễu đời mình!

– Thí chủ xin suy nghĩ lại!

Tiếng nói phát ra kèm lực hút kéo bản thân Thạch Thuỷ. Chàng ngoái đầu, thì ra là Huyền Tổ đại sư của chùa Nam Sơn!

Chàng giàn dụa nước mắt, khuỵu xuống như không còn sức lực.

– Hầy! Bần tăng thấy thần thái thí chủ khôn ổn, tựa hồ có điều kinh hãi, mới theo bước đến đây, ai ngờ lại xảy ra sự cố này!

Thạch Thuỷ im lặng. Huyền Tổ nói tiếp:

– Mạng sống con người đâu phải dễ có, nghiệp do mình tạo, phải là mình giải quyết, nào phải chết là hết nghiệp!

– Ôi! Nhưng tôi biết làm gì bây giờ!

– Thí chủ tự hỏi mình xem nên làm gì?

Thạch Thuỷ lặng người, phải làm gì? Làm gì thì sư phụ cũng đã chết, phái cũng đã tàn…

– Thanh Thiên Phái, thí chủ muốn để tâm huyết cả đời của Tạc Tổ tan tành hay sao?

Cả đời Tạc Tổ chỉ muốn cho Thanh Thiên phái hưng thịnh, đệ tử được sống trọn kiếp đạo, nay mất đi quả rất đáng thương!

Hai tay y run run, siết chặt, đè mạnh xuống mặt sàn. Huyền Tổ nói tiếp:

– Đấng anh hùng không phải gặp ngõ cụt là đâm vào, xin thí chủ nghĩ lại cho thông suốt!

Thạch Thuỷ sững đi, liền đem Vô Ảnh Cước Pháp ra, quẳng một góc, từ từ gượng đứng lên, bảo rằng:

– Đệ tử đã thông, đa tạ đại sư đã giáo huấn!

Huyền Tổ cầm lấy cuốn pháp, nói:

– Cái này là duyên, cũng là nghiệp! Đến với thí chủ, lại làm cho Thanh Thiên Phái tan nát, thôi hãy giữ lại cái duyên mà trừ cái nghiệp!

Thạch Thuỷ nghĩ đi nghĩ lại, mấy phái kia cũng đã giết sư phụ cậu, chính là vì cái này, giờ cũng nên dùng cái này mà tái lập Thanh Thiên Phái.

Thạch Thuỷ chôn cất sư phụ cùng các sư đệ, sau đó về cùng Huyền Tổ, tu luyện tại Thiếu Lâm Nam Sơn Phái.

Một thời gian sau, y xuống núi tung hoàng giang hồ, từ bộ Vô Ảnh Cước Pháp, võ công chàng tăng gấp bội, hành hiệp trượng nghĩa, không ai là không phục. Về ngũ tuần lại bắt đầu thu thập đệ tử, nhưng Thạch Thuỷ là người khắt khe, chỉ chọn duy nhất ba đệ tử để truyền thụ võ công, ba đệ tử ấy lại nhận thêm các đệ tử khác, dần dần cũng lớn mạnh. Thạch Thuỷ đổi tên phái thành Thiên Cân Phái, dựng lại trên Thiên Cân Sơn, tu bổ, sửa chữa. Chàng cũng biến đổi bộ Vô Ảnh Cước Pháp thành Thiên Cân Cước, làm môn võ trấn môn cho phái Thiên Cân.

Sau khi Thạch Thuỷ mất, chúng đệ tử đều gọi là Thạch Thuỷ lão tổ, thờ giữa chánh đường, Thiên Cân Phái tôn trọng di huấn, lấy chữ “nghĩa” làm trọng, hành hiệp trượng nghĩa, là một trong những phái mạnh trong giang hồ.

Không lâu sau, Thiên Cân xảy ra xích mích.

Ba người đệ tử bàn nhau, chia thành ba phái, phái Thiên Cân giữ nguyên, hai núi hai bên là hai phái Thanh Long và Hoả Phụng , người ta gọi chung là Tam Sơn Phái.

***

Năm Đại Bảo thứ ba, đêm ấy sấm lớn. Sét rạch ngang loá cả bầu trời.

Tại chùa Huy Văn có một tia sét rạch ngang, gốc bồ đề trước chùa bật rễ. Sáng sớm, người ta thấy thân cây hằn lên mấy chữ:

“Ngũ Công Tâm Kinh

Thống lĩnh thiên hạ”

Từ đó giang hồ nổi loạn, truy lùng bộ Ngũ Công Tâm Kinh, nghe đồn chính là bộ Vạn Kiếp tông bí truyền thư của Hưng Đạo Vương đã thất lạc.

Ngũ Công Tâm Kinh gồm năm quyển chính nói về năm môn pháp trong thiên hạ: Khí, Trảo, Cước, Chưởng, Y. Mỗi phần là một tuyệt kỹ hiếm thấy trong thiên hạ, uy lực vô cùng.

Giang hồ bây giờ chia thành sáu phái chính: Tam Sơn Phái gồm Thiên Cân Phái, Hoả Trảo Phái, Thanh Long Phái nằm ở ba ngọn núi trên đỉnh Thiên Cân, Đông Hải phái nằm ở vùng biển phía Đông, phía Nam lại có Nhất Nam phái, cuối cùng là Thiếu Lâm Nam Sơn phái tại chùa Nam Sơn. Ngoài ra còn có một trang lớn cùng sánh ngang với sáu phía kia, chính là Đình Gia Trang.

Tam Sơn Phái đã có Thiên Cân Cước phổ từ Vô Ảnh Cước Pháp, trưởng môn là Khánh Tiến cũng không có ham muốn gì. Thiếu Lâm Nam Sơn phái tu theo Phật, cũng không muốn tham gia tranh chấp. Chỉ có hai phái Đông Hải, Nhất Nam và Đình Gia Trang là ráo riết săn lùng.

Sóng gió giang hồ lại lần nữa nổi lên!

***

Đêm ấy Thiên Cân Phái lặng như tờ, càng về đêm càng hiu hắt.

Khánh Tiến chập chờn mắt, bỗng nhiên có tiếng hô hoán!

– Sư phụ! Tiểu Nam, Tiểu Bắc chết rồi!

Khánh Tiến lật đật chạy ra xem, ông mặc lục bào, râu tóc đã điểm trắng, thân hình cứng cáp, về tài và đức đều nổi trội, cũng nhờ ông mà Thiên Cân Phái lớn mạnh thêm phần nào, vững chỗ đứng trong giang hồ.

– Chuyện gì!? Sao lại chết?

– Dạ con không biết, nhưng hình như là bị sát…

Khánh Tiến thấy hai người ngực bị tổn thương nặng, vạch áo ra thì thấy hình bàn chân ẩn sâu giữa ức, thật là tàn ác!

Ông kinh hãi, nghĩ thầm:

– Là Thiên Cân Cước! Là ai trong phái ta luyện Thiên Cân Cước…

Chợt như nhận ra điều gì, ông chạy vào thư phòng, mở mạch thất, liền thất kinh:

– Vô Ảnh Cước Pháp… đã mất rồi!

Cũng lúc này, phía bên ngoài có tiếng truyền tới:

– Sư phụ, Vũ Lôi đã trốn rồi!