Năm Thuận Thiên thứ tư, Lê Thái Tổ bị bệnh nặng, chuyện chính sự giao cho con là Quốc Vương Lê Tư Tề. Thế nhưng, Lê Tư Tề lúc này bị chứng điên loạn, thường nổi điên giết bừa, nhất là các cung nữ. Sau, Lê Khôi, là cháu ruột của vua, cùng bàn và chọn con thứ là Lương quận công Lê Nguyên Long nối nghiệp.
Năm Thuận Thiên thứ năm (tức năm 1433), Lê Nguyên Long lên ngôi Hoàng đế, sử gọi là Lê Thái Tông, đổi niên hiệu thành Thiệu Bình, năm 1434 trở thành năm Thiệu Bình thứ nhất, đến năm 1440 lại đổi thành Đại Bảo.
Lê Thái Tông dùng đức trị dân, cùng bọn Lê Sát, Lê Ngân, Trịnh Khả… làm cho đất nước càng thêm thịnh trị, thái bình ấm no. Có câu rằng:
“Đời vua Thái Tổ, Thái Tông
Lúa thóc đầy đồng, trâu chẳng buồn ăn”
Đấy chính là nói về sự thịnh trị trong thời này vậy.
Nhưng thiên hạ người giàu kẻ nghèo có đủ, có nhà sung túc, có nhà nghèo đói. Ví như làng Ái Tử vùng Nam Sách, số hộ nghèo chiếm đến phân nửa, nhiều nhà phải cho con đi làm thuê đổi gạo để sống qua ngày.
Ái Tử là một thôn nhỏ của huyện Chí Linh, đất khô cằn, mất mùa thường xuyên.
Đêm ấy, con đường kéo dài từ đầu thôn đến cuối thôn im ắng lạ thường. Tại một dinh thự lớn, có một cái bóng nhỏ phóng ra, chạy về phía trước. Cái bóng chạy càng lúc càng nhanh, trông có vẻ sợ hãi. Ánh trăng mờ mờ, hiện lên một khuôn mặt nhỏ bé đầy nhem nhuốc. Lúc sau, cậu bé ấy chạy ra khỏi làng, ngó nghiêng một chút rồi men theo con đường cạnh bở sông mà tiến tới trước.
Tờ mờ sáng, cậu chạy đến được một khu phố nhỏ. Thấy đã bỏ xa thôn Ái Tử, lòng có chút an tâm liền chui vào đống rơm cạnh đó, chén một giấc ngon lành.
***
Lâu sau, chợ đông hẳn.
Cậu bé đinh óc nhức tai bởi sự nhộn nhịp, rộn ràng của dòng người trên phố. Chẳng thể chịu được nữa, cậu liền bật dậy, đưa đôi mắt khó chịu nhìn quanh.
Toàn thân cậu dính lem bùn đất, áo quần rách bương, mặt mày bẩn thỉu, tóc thì rối bù, trông khó gần vô cùng. Cậu gượng dậy, thấy bụng cồn cào, hai chân tê mỏi, cả người rụng rời như chẳng thể đi được nữa.
Này!
Cậu bé nhìn lên, bắt gặp một bé gái cũng trạc tuổi cậu. Cô chìa cho cậu một miếng ngọc bội nhỏ màu xanh trong.
-Ngươi hãy cầm lấy, đi đổi bánh mà ăn.
Cậu lúc này mới dần hiểu. Thì ra thấy cậu lăn lê trên phố thế này, mới tưởng là ăn mày, nên giúp đỡ đây mà. Cậu im lặng, nghĩ thầm:
“Cô bé này bằng tuổi ta… mà lòng dạ thật tốt, thật biết nghĩ cho người khác!”
Nghĩ thế liền lấy lòng cảm kích, cậu không nói, chỉ đưa tay đón lấy miếng ngọc bội, ánh mắt lộ rõ sự tạ ơn.
Bỗng có tiếng gọi từ xa:
– Ngư nhi! Về thôi con!
Giọng nói phát ra từ một người phụ nữ cách đó không xa, bà ấy nhìn qua cũng đã qua bốn mươi, mặc gấm sang trọng, tay đeo vòng ngọc, rõ là thuộc nhà quyền quý, hẳn cô bé này cũng thế. Bà ấy chạy đến, kéo cô bé tên Ngư nhi về phía bà ta. Miệng vội vã thốt:
– Sao con lại đến gần thứ dơ bẩn này, cậu ta không phải là loại người để con quen!
Cậu bé tức giận, nhưng cô kìm nén, vì biết nếu mình lên tiếng thì cô bé này sẽ bị trách phạt, liền lẳng lặng đi sang chỗ khác. Ngư nhi nhìn theo cậu, gật nhẹ đầu tỏ ý muốn cậu bảo trọng, rồi đi theo mẹ về nhà, phía sau còn có người hầu đi theo, cùng hai tên lính đi cuối. Cô gái ấy là con của tri phủ ở đây, tiểu thư con nhà quan, thảo nào ăn mặc rực rỡ đến thế!
Cậu bé đợi cho bóng hai mẹ con đi khuất, mới vội vàng tìm chỗ ăn lót dạ. Cậu cầm chiếc ngọc bội ấy, ngắm nghía một hồi, tự nghĩ: “Gặp được cô ấy hẳn có duyên số, đây là tấm lòng mà họ dành cho ta, trước nay chưa có ai tôn trọng ta, mẹ cha thì rủ nhau lên trời để lại cho ông chú bà thím tham lợi bán cháu, phú ông Tài thì xem ta như súc vật, có khi còn không bằng…”
Nghĩ một hồi, cậu mới giắt vào bên hông, đảo mắt nhìn quanh. Mùi hương phảng phất đưa tới, cậu đưa mũi theo, thấy chiếc màn thầu còn nóng hổi trên một chiếc bàn nhỏ. Cậu thấy không có ai để ý, chỉ có ông chủ đang quay lưng làm bánh, liền chạy nhanh không một giây suy nghĩ, chộp ngay miếng màn thầu. Ông chủ quay lại thấy sự tình như thế, liền hốt hoảng la lên:
– Bớ người ta có trộm! Trộm giữa ban ngày ban mặt kìa bà con ơi! Bắt nó! Bắt nó!
Nghe tiếng hô hoán, lập tức mấy người xông xáo ra chặn lại. Biết mình chạy không thoát, cậu liền cắn vội miếng màn thầu, rồi nằm sấp xuống đường, hai tay ôm chặt đầu.Có tiếng vang lên:
– Thằng bé này còn nhỏ mà đã có tính hư như vậy, chắc chắn không phải loại tốt lành gì, nên dạy dỗ nó cho một trận!
Nói rồi xông vào sút cho vài cái, có người còn lấy roi quất, trông thật khó nhìn. Cậu bé thấy người đau đớn vô cùng, bỗng nghe tiếng nói phát ra khiến cả đám dừng lại:
– Có chuyện gì từ từ giải quyết, một bầy già ăn hiếp một bé nhỏ, các vị có phải hơi quá đáng rồi không?
Tiếng nói lưu loát, giọng hào sảng, thanh thảnh, lời nghe không chối lại rất biết khiêm nhường. Ấy là cựu quan Hành khiển Nguyễn Trãi, nay đã về quê ở ẩn. Ông mặc một chiếc lục bào đã ngả màu, vai gánh đồ đựng giấy bút, mắt sáng, trán cao, tư thế hiên ngang, nhìn qua cũng đủ biết là một kỳ nhân hiếm có ở đời.
Có kẻ thưa:
– Ngài không biết đấy thôi, nó là kẻ trộm, vừa cắp chiếc màn thầu của Sơn huynh!
Vừa nói, y vừa chỉ vào chiếc màn thầu bị cắn quá nửa hẵng còn trong miệng cậu bé. Nguyễn Trãi đi tới, nhẹ nhàng đỡ cậu bé dậy. Cậu thấy cử chỉ của ông thanh cao, thật là người có hiểu biết, lại rất tốt bụng thì không ra vẻ cưỡng lại, liền vội bật dậy theo ông, lại còn khúm núm nắm vạt áo phía sau. Nguyễn Trãi cười nhẹ, liền nói:
– Các vị thấy đấy! Nó chỉ là một đứa trẻ nghèo đói đáng thương, hẳn là do đói quá nên lỡ làm chuyện không phải. Các vị là tiền bối, lại đi chấp một đứa trẻ con sao?
– Thế giờ ngài muốn xử lí thế nào?
Nguyễn Trãi móc trong túi ra mấy đồng bạc, bảo rằng:
– Đây, lão phu xin mua chiếc màn thầu này, cùng với mấy cái nữa, thế là được rồi chứ?
Mấy người kia nhìn nhau, liền kính cẩn cúi rồi bảo:
– Chúng tôi quả là sai trái, thật xấu hổ! Thôi vậy, chiếc bánh ấy cứ để cho cậu bé ăn, nếu ngài muốn mua bánh, xin đến quán tôi đằng kia!
Lúc sau, Nguyễn Trãi trở về, tay cầm một gói bánh nóng hổi, đưa cho cậu bé rồi bảo:
– Cháu bé! Cháu là con nhà ai? Sao lại trông xơ rơ xác rác thế này?
Cậu bé mắt trong veo nhìn, biết Nguyễn Trãi là người tốt, liền run run nói:
– Thưa, con không có cha, không có mẹ…
Nguyễn Trãi hơi nhíu mày, lại hỏi:
– Thế cũng không có người nuôi dưỡng?
– Thưa có! Song thân con mất, chú và thím, hai người nuôi con, nhưng hai năm trước, họ bán con cho phú ông Tài. Gia gia… ngài không biết đâu…
Nói đến đây giọng cậu có chút uất nghẹn, thấy Nguyễn Trãi có ý muốn nghe liền kìm nén nói tiếp:
– Phú ông Tài coi con không bằng súc vật! Bọn gia nô của lão thay nhau ăn hiếp con… Con… không một ai bảo vệ, trong nhà ấy chẳng một ai đứng về phía con cả!
Nguyễn Trãi vỡ lẽ, liền gặng hỏi thêm:
– Thế bây giờ phú ông Tài ở đâu? Mà tại sao con lại tới được nơi đây?
Cậu bé chùi nước mắt, ngậm ngùi trả lời:
– Con của lão ăn cắp vàng, lão lại đổ cho con… Hôm ấy rõ ràng con nhìn thấy là đứa con của lão lén lút lấy trộm, con giãi bày thế nào cũng bằng thừa, lão ta không chịu tin, còn muốn bắt con đưa lên quan phủ
Nguyễn Trãi thở dài, vuốt nhẹ râu cằm, liền nói:
– Thế này, ta đưa con về nhà ta, cứ siêng năng làm việc, ta sẽ cho con chỗ ăn chỗ ở, quyết không bạc đãi!
Cậu bé nghe thế liền sáng mắt, miệng còn đang ngấu nghiến chiếc màn thầu, lại còn sụp lạy, tiếng nói nhỏ nhưng vẫn nghe rõ:
– Thật gia gia muốn thế sao? Thật thế ư? Thế thì cảm tạ trời đất quá! Hay cho ông trời giúp con gặp được người, phen này con được cứu rồi!
Vừa nói, giọng vừa không kìm được xúc động. Nguyễn Trãi cười khà, dắt tay cậu đi về trước:
– Con tên gì nhỉ?
– Vâng con mất cha mất mẹ từ nhỏ, chú thím gọi con là Nô.
– Hừm… Không hay rồi, thế này nhé! Ta đặt cho con tên là Minh Hướng, lấy họ của ta, là Nguyễn Minh Hướng nhé!
Cậu bé lại càng thêm vui sướng, một tay cầm chặt gói bánh, tay kia siết lấy tay Nguyễn Trãi, cảm thấy vô cùng ấm áp.
***
Năm năm sau.
Lúc này Minh Hướng đã mười ba tuổi, mặt mày sáng sủa, khôi ngôi, sáng dạ hiền lành, người trong nhà Nguyễn Trãi ai cũng mến yêu. Cậu ngày ngày phụ chẻ củi gánh nước, thư thả lại đi cùng Nguyễn Trãi lên Côn Sơn dạo hưởng.
Minh Hướng cũng hết mực yêu thương họ, cậu thường tự nhủ:
– Từ lúc cha sinh mẹ đẻ đến giờ, họ là những người đầu tiên yêu thương ta, ơn nghĩa này chắc trọn đời ta không trả hết!
Nghĩ thế, cậu hết mình làm việc, chuyện gì cũng cố gắng làm, ít khi làm người trong nhà phật ý.
Đêm, một đêm âm u tĩnh mịch. Mọi người lúc này đã ngủ say, chỉ có tiếng chim lợn vang lên rợn người. Ánh trăng mờ nhạt như ánh đèn chập chờn của người đánh kẻng, mây đen quấn quanh, cuộn thành vòm trên bầu trời u ám, rõ là một đêm không hay. Nguyễn Trãi mắt mở, tự thấy trong người mình hồi hộp không ngừng, lại nghe tiếng quạ tự dưng phát ra, biết là có chuyện chẳng lành. Lúc chiều, vui Thái Tông có ghé chơi, ngỏ ý muốn mời bà Lộ về triều , ông liền để bà theo hầu. Thế mà bây giờ lòng lại vô cùng bất an, chắc phải xảy ra chuyện gì rồi.
Ông lẳng lặng ra trước nhà, nơi có cây liễu phơ phất, cảnh đêm buồn ảm đạm. Từ đâu có một con bồ câu trắng vụt qua, đậu ngay trước nhà ông. Nguyễn Trãi ngạc nhiên, liền bắt lấy, tay móc tờ giấy kẹp dưới chân bồ câu, đây đúng là bồ câu nhà ông, hẳn là thư của bà Lộ. Nguyễn Trãi vào nhà, đốt đèn lên. Ông đưa mắt nhìn, nét chữ viết vội quả là có chuyện cấp bách:
“Có chuyện rồi lão gia! Tôi theo hầu vua từ chiều đến giờ không sao, đêm nay tự dưng tôi bị thiếp đi, tỉnh dậy thì thấy thánh thượng đã băng hà từ lúc nào! Tội của tôi chắc không tránh khỏi số chết, nhân lúc chuyện chưa bị phát giác, tôi gửi lá thư này về, mong ông và người ở nhà biết đường mà lánh nạn”
Nguyễn Trãi sững đi, lá thư rơi xuống đất.
– Chuyện này là sao? Thánh thượng đã băng hà rồi ư? Tại sao lại vậy!?
Nguyễn Trãi lập tức cho gọi học trò của mình là Lê Đạt, mọi người không biết vì cớ gì mà ông phải hối thúc như thế. Lê Đạt là học trò được Nguyễn Trãi yêu mến, chàng ở một mình, đang đêm nghe bảo Nguyễn Trãi gọi đến thì liền vội vàng thay y phục, gấp gáp đến nhà thầy.
Nguyễn Trãi đứng trước nhà đợi Lê Đạt, lại thuê phu người, còn dọn dẹp hành lí cho Nguyễn Thị, Lê Thị. Lê Đạt thấy thế thì liền lấy làm lạ, nên hỏi:
– Sư phụ! Người có chuyện gì? Tại sao lại bảo đệ tử hộ tống hai sư nương đi trong đêm như thế này?
Nguyễn Trãi ghé tai chàng, nói nhỏ:
– Vua băng hà rồi, ngươi hãy đưa hai sư nương đi tránh nạn!
Lê Đạt nghe thế thì giật mình, lắp bắp:
– Là thật sao? Sao… sao người không đi? Cả nhà không đi?
– Chuyện này là chuyện lớn, chuyện mỗi ta và bà Lộ gánh là đủ. Nếu ta bỏ đi, cả nhà ta sẽ bị truy đuổi đến cùng, nay bà Nguyễn đang mang cốt nhục dòng họ nhà ta, ta để ngươi hộ tống, cùng với bà Lê, đi về vùng Đông Bắc, chính là nhà mẹ của bà Nguyễn để lánh nạn. Ngoài ra, còn có đứa con thứ hai của ta là Nguyễn Phù, hãy chăm sóc họ cẩn thận…
Lê Đạt chần chừ, nói thêm:
– Xin người đi cùng con, dẫn theo gia quyến mà trốn. Không vô Nam thì ra Bắc, không lên Tây thì xuống Đông, không ở Đại Việt, ta có thể sang Đại Minh…
– Hỗn xược! Con dân Đại Việt, lại mượn đất Minh mà trốn, chẳng phải là nhục nhã lắm sao?
Lê Đạt thấy thầy tức giận thì không dám nói gì thêm, chỉ biết gạt nước mắt nghe lời căn dặn. Bỗng Nguyễn Trãi như nhớ ra điều gì đó, liền đi gấp vào trong, gọi Minh Hướng dậy. Minh Hướng bị đánh thức, còn đang mơ màng chưa hiểu chuyện gì đã bị kéo ra phía bên ngoài, loáng thoáng nghe tiếng Nguyễn Trãi:
– Con hay đi với Lê thúc, chăm sóc hai bà về vùng Đông Bắc!
Minh Hướng chợt tỉnh hẳn:
– Sao… Tại sao ạ?
– Không cần hỏi nhiều, cứ biết như thế là được!
Vừa nói dứt câu, ông đã bế Minh Hướng đặt lên xe ngựa, gật đầu với Lê Đạt, như là lời dặn dò cuối cùng. Chuẩn bị xong đâu đấy, Lê Đạt đứng lên, đánh ngựa ra khỏi thôn, chàng ngập ngừng, đôi lúc còn ngoái lại xem thầy mình đã vào nhà chưa. Nguyễn Trãi vẫn đứng đó, trông theo chiếc xe ngựa dần khuất, mắt đượm chút sương đêm…
Rạng sáng hôm sau, một toán binh đến nhà Nguyễn Trãi.
Ông đã biết chuyện, chẳng tỏ ra ngạc nhiên, vẫn ung dung bước ra nghênh đón. Người nhà thì có phần khó hiểu. Quan ngồi trên ngựa, nhìn Nguyễn Trãi hầm hầm. Hắn ta là quan thượng thư bộ hình, tên là Lê Soán. Bụng hắn bự như cái thúng, mặt to như cái mâm, cái râu thì vểnh ra khênh khểnh.
– Nguyễn Trãi! Ông biết tội của mình chưa?
Nguyễn Trãi giả vờ chưa biết, bảo rằng:
– Tôi có tội gì?
Lê Soán nhếch mép “hừ” một tiếng, rồi quát lớn:
– Vợ ngươi âm mưu hại vua, nay ta nhận lệnh triều đình tới cầm chân, không cho các ngươi thừa cơ trốn thoát. Sau khi thái tử Bang cơ lên ngôi, sẽ định tội các ngươi!
Người trong nhà nghe thế thì sửng sốt. Nguyễn Khuê, con đầu của Nguyễn Trãi đứng lên hỏi:
– Bẩm, chuyện này có thật chăng? Đã điều tra kĩ rồi chăng?
– Hừm… mi dám không vâng mệnh?
– Tôi chỉ là muốn bên trên xem xét, kẻo không làm mà phải tội thì oan lắm ạ!
Lê Soán gầm thét:
– Láo toét! Bà mẹ mi hầu vua cả đêm, sáng ra thấy người băng hà, ngoài bà ta tuyệt không một ai được vào chỗ vua nghĩ. Không phải bà ta làm thì ai làm?
Nguyễn Khuê chỉ biết nín giọng. Mấy người đàn bà thì ôm nhau khúm núm, mặt rõ là sợ hãi lắm.
Nguyễn Trãi có tất thảy năm người con trai, năm người vợ. Lúc này, tính thêm cả ông, trong nhà chỉ còn mười một người. Tên quan hỏi:
– Nhà ngươi có chừng này?
Nguyễn Trãi dõng dạc trả lời:
– Đúng! Chỉ có chừng ấy!
Hắn ta đắn đo một hồi, rồi cho lính vào canh. Không khí lập tức căng thẳng, Nguyễn Trãi lặng lẽ vào phòng, mặt lộ rõ vẻ buồn rầu.
Lần lượt những ngày sau, tình cảm ảm đảm, thê lương bao trùm lên nhà Nguyễn Trãi. Cơm chẳng ngon, thú vui chẳng hứng, tất cả chỉ chờ đến ngày xét xử.
Đến mười một ngày sau.
Quan truyền mệnh đến, binh lính theo sau rần rần. Lê Soán thấy thánh chỉ đến, lật đật ra nghênh đón. Hắn thấy quan ngỗi chễm chệ trên ngựa, liền vái, kính cẩn nói:
– Bẩm quan, đã có chiếu chỉ rồi ạ?
Quan truyền mệnh, tên là Lý Tín, dõng dạc hô:
– Thánh chỉ đến!
Cả nhà Nguyễn Trãi nghe tiếng, vội vàng kéo nhau ra ngoài lĩnh chỉ.
– Nguyễn Ức Trai nghe chiếu!
Tất thảy quỳ xuống, cúi đầu nghe đọc:
– Phụng thiên thừa vận, hoàng đế chiếu viết: Thiệu Bình hoàng đế là vị thánh thượng anh minh, đức độ của Đại Việt ta. Đại Việt có ngài, chẳng sợ gì ngày hưng thịnh về lâu. Thế nhưng, kẻ tội đồ phản nghịch lại rắp tâm hãm hại, khiến Đại Việt bất hạnh mất đi một vị hoàng đế anh minh. Ấy chính là Nguyễn Thị Lộ, thiếp của cựu quan Hành khiển Nguyễn Ức Trai. Xét, Ức Trai là người có nhiều công trạng, nhưng chẳng thể cứu mạng, bởi, dối vua là khi quân, giết vua là hành động tày đình. Nay, ta, Thái Hoà hoàng đế, căn theo luật định, ghép cho nhà ngươi tội tru di, đến đời thứ ba. Khâm thử!”
Nguyễn Trãi nghe đến tru di tam tộc, không tránh khỏi choáng váng. Giọng ông nghẹn ngào:
– Nguyễn Trãi lĩnh… chỉ!
Người trong nhà ôm nhau khóc hu hu, Nguyễn Trãi ngửa mặt lên trời mà rằng:
– Nguyễn gia ta có tội gì, tại sao phải chịu oan ức thế này!?
Lý Tín sai người đeo gông, khoá xích. Một bà thiếp thở than:
– Đúng là trời không có mắt! Hại chúng ta đến nông nỗi này!
Từ xa bỗng có tiếng trẻ con vang lên:
– Chuyện này là thế nào? Tại sao gia gia lại gặp chuyện này!
Tất cả nhìn ra, thấy một cậu nhóc mặt mũi khôi ngô, chính là Minh Hướng. Chuyện là trên đường cậu đi cùng Lê Đạt, thấy Lê Đạt căng thẳng, liền cố hỏi chuyện. Lê Đạt đã tìm cách giấu đi nhưng chẳng thể qua mặt được con mắt tinh tường của cậu, đành kể lại mọi chuyện. Minh Hướng nghe thế liền tìm cách chạy về. Cả nhà Nguyễn Trãi ngạc nhiên, ông nói nhỏ:
– Minh Hướng, con chạy về đây làm gì?
Minh Hướng từ ngoài chạy vào, thấy ai nấy đều mang gông xích, liền cúi người hướng về Lý Tín, nói:
– Xin quan gia gia xem xét, một cựu mệnh quan triều đình đức cao vọng trọng, há lại làm chuyện như vậy?
Tín quát:
– Ranh con! Mi dám dạy dỗ bổn quan sao? Mi là người trong nhà? Người đâu! Gông cổ nó lại!
Minh Hướng muốn giải bày, nhưng lại nghĩ: “Nguyễn gia gia có ơn với ta, thấy người chết mà không thể cứu, thì còn sống để làm gì?”, liền chịu mang gông.
Lê Soán lại mang cái bụng phệ đi tới, bảo:
– Thưa, bây giờ đã giải chúng đi được chưa?
Lý Tín gật đầu, liền quay ngựa, ra hiệu cho đi.
***
Đường phố đầy người qua lại, ánh mắt ngạc nhiên nhìn về Nguyễn gia. Có tiếng thì thầm:
– Ông Trãi có tội gì, sao lại bắt cả nhà thế kia?
Tất thảy xếp thành một hàng dài, mỗi hàng một người. Đi đầu là Nguyễn Trãi, sau đó là Minh Hướng, rồi cứ thế mà sắp. Mọi người đứng ngoài, có người tiếc thương, có người còn rơm rớm nước mắt. Thầm bảo:
– Thương cho một đời công danh, giờ lại tiêu tàn trong nháy mắt!
Mấy canh giờ sau, đã đến được huyện lao. Nhà lao bốc lên mùi hôi thối nực nội, bọn lính quát tháo, xô đẩy tất cả vào trong.
Lúc này, Nguyễn Trãi mới có cơ hội hỏi rõ Minh Hướng về chuyện quay về. Cậu liền nói thật:
– Con nghe Lê thúc kể hết mọi chuyện, liền lập tức quay về.
– Tại sao? Con phải sống!
– Con mang ơn gia gia nhiều lắm, để gia gia một mình chịu nạn, con nào can tâm!
Mấy bà vợ ở bên, nói mà nước mắt không ngừng rơi:
– Con của chúng ta đây, ông không lo, lại đi lo cho người ngoài!
Nguyễn Trãi nói lớn:
– Ai là người ngoài! Sống chết có số, các người có gan làm người họ Nguyễn, chẳng lẽ lại không có gan làm ma họ Nguyễn? Minh Hướng là đứa trẻ vô tội, vốn dĩ nó không phải người nhà ta… Vốn dĩ nó không phải chịu tội nghiệp này…
Mấy đứa con cũng đồng tâm bảo:
– Là người nhà họ Nguyễn, chúng con quyết không sợ chết. Chỉ mong nhà ta có thể được rửa oan, chỉ e…
Tiếng im lặng lập tức bao trùm tất cả.
Đêm sương phủ mờ, đêm nay là đêm cuối cùng của Nguyễn gia.
Minh Hướng ôm bụng thấy đói, từ sáng đến bây giờ cậu vẫn chưa có một chút gì vào bụng. Nhà lao dơ bẩn, tiếng chuột kêu chi chít. Minh Hướng mò tay, định bụng bắt vài con. Bỗng tay chạm vật gì tựa tựa như viên thuốc. Cậu lập tức bỏ vào miệng, nghĩ thầm: “Cuối cùng gì cũng chết, miễn không làm ma đói!”.
Nguyễn Trãi đương dựa người vào tường, bỗng dưng bật ngay dậy, vỗ Minh Hướng dậy. Cậu tình, ngồi dậy, tiếng gông xích đập nhau nghe loảng xoảng. Ông ghé nhỏ tai cậu, thì thầm một lúc lâu…
– Quan nhân! Có ai không? Nhà tôi có người chết!
Có tiếng bước chân chạy vào, ánh đèn soi đến. Tên quản ngục mặt to như mặt lợn, ngó đôi mắt vào trong. Y thấy Nguyễn Trãi tay bế đứa nhỏ đang bất động, hắn lườm một cái rồi mở cửa ngục, vào trong xem.
Minh Hướng nằm yên, tay chân duỗi thẳng, thần thái chẳng khác gì người đã chết. Tên quan mở mắt, thấy đồng từ có phần giãn, mắt đục, môi mít, toàn thân lạnh ngắt thì chắc rằng đứa trẻ này đã chết. Y liền cho người đem cáng vào, bảo:
– Đem xác nó bỏ ngoài chuồng ngựa, đến sáng hẵng tính.
Thực chất chỉ là kế của Nguyễn Trãi nhằm cứu sống Minh Hướng. Niên thời, Nguyễn Trãi có học được cách làm người ta rơi vào cái chết lâm sàng một lúc. Cả đời không dùng, ai ngờ đến khi về đất là có thể hữu dụng. Ông nhìn theo Minh Hướng, bảo bụng: “Minh Hướng! Con nhất định phải sống tốt, rửa oan cho chúng ta!”
Nguyễn Trãi có một sự cảm mến lạ lùng với Minh Hướng, từ lúc ông nhận Minh Hướng, giao việc gì cũng làm, đi đâu cũng mang nó theo. Minh Hướng nhanh nhạy, sáng dạ, được ông dạy chữ, dạy văn, cậu học rất nhanh, rất hợp ý ông. Có lẽ vì thế mà ông có phần thiên vị, dù bề ngoài không tỏ ra như vậy.
Minh Hướng nằm ngoài chuồng ngựa, mùi phân bốc lên nồng nặc. Sương điểm lá, trời đã bắt đầu sáng. Cậu chợt mở mắt, thấy khoé mi nặng trĩu, tay chân nhức mỏi.
– Công nhận, gia gia quả là người có tài!
Nhưng có một điều khá kì lạ, sau lúc đó, người cậu nóng ran, khắp huyệt mạch dường như có một dòng chảy lạ. Minh Hướng bật dậy, lấy chiếc nón rách treo bên trên đội vào, rồi chuồn lẹ khỏi huyện lao.
Sắp giờ ngọ.
Chỗ pháp trường nơi Nguyễn Trãi sắp bị xử chém, người đông vô kể, có kể ngậm ngùi nuốt nước mắt, có kẻ tiếc cho một đời là công thần, còn có kẻ chẳng quan tâm mấy, chỉ là đi xem cho vui. Quan xử ngồi chễm chệ trên một cái ghế nhung, mắt hắn hướng thẳng chờ người dẫn kẻ tử tù đến.
Trống bắt đầu đánh, từ dưới, một toán lính áp giải một đoàn người đeo gông tới. Chính là nhà Nguyễn Trãi. Qua một đêm, ai nấy đều đã rũ rượi nhiều, tóc xơ xác, một đêm mà tựa hồ như đã qua một thời gian dài.
Quan nhìn lên, thấy mặt trời đã lên giữa, liền hối thúc. Mười mấy cái đầu đặt dưới đao chém, không ai có một chút run sợ. Nguyễn Trãi, chỉ là có một chút tiếc nuối, một chút lo lắng cho hậu duệ của Nguyễn gia.
Minh Hướng cũng đến, cậu che chiếc nón rách, áo quần tới tả, đứng lẫn trong đám đông đang đưa mắt hướng về phía tử đài. Tên quan viên ném bài, hành động dứt khoát của hắn làm cho Minh Hướng càng sầu ruột. Tiếng trống dồn dập, mười mấy cái đao đưa lên, rồi lại cùng chém xuống, kèm theo tiếng khóc oán thán của người người ở phía dưới.
Minh Hướng ròng rã, cậu mím môi, tay nắm chặt, ghiến từng chữ một, như là để khắc sâu hơn vào tim:
– Con nhất định sẽ báo thù!
Năm Đại Bảo thứ ba (1442), cả nhà Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc, Lệ Chi Viên trở thành tên của một bản án lịch sử được lưu truyền đến những đời sau.