Hạt Giống Tâm Hồn

Quyển 07 - Chương 05: Gắng lên nào, Kelly!




Tố chất của một nhà giáo giỏi là có khả năng đưa học trò đến những chân trời mới mà ngay chính bản thân mình cũng chưa từng đặt chân đến

- Thomas Groome

Đó là buổi lên lớp đầu tiên của tôi, vì thế tôi vô cùng lo lắng, hồi hộp. Lớp học mà tôi được phân công là một lớp mẫu giáo với hơn chục cô cậu bé ở tuổi lên bổn. Với những bé đã từng học qua lớp mầm, lớp lá thì còn tạm ổn, chứ với những chàng “công tử”, những nàng “công chúa” lần đầu tiên đi học thì tôi đến là khổ sở. Vừa phải dỗ dành các bé, vừa an ủi các bà mẹ mắt đỏ hoe vì xót con, tôi phải luôn tay, luôn chân như chiếc chong chóng. Cuối cùng, sau khi đã nỗ lực hết sức, tôi cũng xoay xở được cho bọn trẻ ngồi yên trên tấm thảm trải sàn êm ái. Tất cả đã sẵn sàng cho bài học đầu tiên.

Khi cả lớp đang say sưa với câu chuyện về hai anh em thỏ trắng, tôi bỗng để ý đến một người phụ nữ cứ đứng ngay cạnh cửa sổ nhìn vào lớp học. Ánh mắt bà buồn đến nao lòng. Bài giảng vẫn tiếp tục khá trôi chảy, nhưng hình ảnh về người phụ nữ bên cửa sổ cứ mãi ám ảnh trong lòng, khiến tôi cảm thấy hơi bất an. Bà ta là ai? Bà vào đây để làm gì? Hay bà là phụ huynh của một học sinh nào đó trong lớp của tôi?

Sau khi bọn trẻ ra về hết, tôi thấy mình như kiệt sức. Tôi chỉ ước được về nhà ngay, được ăn chút trái cây, thưởng thức một bản nhạc êm dịu và đầm mình trong bồn tắm để thư giãn. Nhưng theo đúng lịch hẹn, tôi sẽ phải gặp thầy hiệu trưởng ngay sau buổi lên lớp đầu tiên.

Điều đâu tiên thấy nói với tôi, đó là về người phụ nữ tôi đã thấy bên ngoài cửa sổ. Bà là mẹ của một bé gái bị dị tật bẩm sinh, phải mang một tấm nẹp chân dài từ đầu gối xuống tận mắt cá. Em vẫn có thể đi lại được, nhưng bằng những bước chân khó khăn, vụng về và lệch hẳn sang một bên. Mẹ em đã đi khá nhiều trường để xin cho con mình được vào học, nhưng ở nơi đâu, bà cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu.

- Cô có thể nhận Kelly vào lớp của mình không? - Thầy hiệu trưởng hỏi tôi.

Hình ảnh một cô bé gái bốn tuổi loạng choạng bước đi một cách khổ sở khiến tôi thấy thương cảm. Nhưng liệu tôi có thể chăm nom cả một lớp học và một học sinh đặc biệt như thế?

- Vâng... Tôi đông ý, thưa thầy. - Tôi trả lời.

Thầy hiệu trưởng nhìn thẳng vào mắt tôi:

- Cô suy nghĩ cho kỹ nhé. Khả năng di chuyển và giữ thăng bằng của Kelly rất kém. Cô bé rất dễ bị té ngã đấy!

- Vâng, tôi có thể làm được! - Tôi kiên quyết.

Và rồi, Kelly bước vào lớp tôi. Đó là một cô bé khá xinh xắn với đôi mắt to tròn, đôi bàn tay khéo léo và một tâm hồn trong trẻo đáng yêu vô cùng. Ngày đầu tiên, Kelly đến lớp và được mẹ ở lại bên em suốt cả ngày. Hôm đó, Kelly chỉ vấp té hai lần, mẹ em nói đó là một thành tích “đáng nể”.

- Con bé rất thích được đi học, cô giáo ạ! Thê nhưng từ trước tới giờ, cháu nó chẳng được toại nguyện. - Bà nói, đôi mắt ngân ngấn nước.

Sau một vài ngày dìu Kelly ra vào sân chơi, tôi tự nhủ: “Sao mình không thử khuyến khích cô bé tự tập đi nhỉ?”. Tôi hỏi Kelly rằng em có muốn thử không, và cô bé tỏ ra rất phấn khích.

Ngay ngày hôm sau, khi cả lớp đã ra ngoài sân chơi với hai cô giáo phụ tá, tôi cùng Kelly bắt đầu cuộc thử thách đầu tiên của hai cô trò chúng tôi trong hành lang lớp học. Khi tập trung hết sức, cô bé có thể tự mình vượt qua đoạn đường dài hơn mười mét. Kết quả đáng khích lệ đó khiến cả hai cô trò mừng đến run người, nhưng các phụ tá của tôi thì tỏ ra lo lắng khi biết chuyện. Họ khuyên tôi chỉ nên cho Kelly ra ngoài sân để cô bé ngồi trên ghế và ngắm nhìn bạn bè chạy nhảy vui đùa.

- Việc đó sẽ dễ dàng hơn nhiều, chị không thấy vậy à? Nhỡ trong lúc tập, cô bé bị ngã hay sao đó, chẳng phải chị sẽ gặp rắc rối đấy sao? – Họ nói nhỏ với tôi.

Dù vậy, Kelly và tôi vẫn kiên trì tiếp tục kế hoạch của mình.

Hàng ngày, vào các giờ nghỉ, Kelly và tôi vẫn bên nhau trong một bài học bên ngoài hành lang. Tôi mím chặt môi vì lo lắng mỗi khi thấy cô bé loạng choạng muốn ngã, nhưng Kelly thì cười khúc khích. Ý chí và sự ham học hỏi của em khiến tôi thật sự ngạc nhiên. Tôi theo dõi sự tiến bộ của Kelly bằng những vạch bút chì trên tường. Cứ ngày hôm sau, vệt bút chì lại tiến xa hơn ngày hôm trước, có hôm chỉ là một bước chân, có hôm lại hơn cả mét. Các bạn trong lớp bắt đầu chú ý đến thành quả đạt được nhờ công sức khó nhọc của Kelly và cổ vũ cho cô bé hết mình. Sau vài tháng trời vất vả tập luyện, cuối cùng, Kelly cũng đã tự đi khắp sân trường. Cô bé đỏ cả mặt vì sung sướng khi bạn bè dành cho em những tràng vỗ tay và những cái ôm siết đầy khích lệ. Hai cô bảo mẫu của lớp cũng ngạc nhiên và thường sửa soạn cho Kelly những bữa ăn nhẹ sau mỗi buổi tập đi như thê để khích lệ tinh thần quả cảm của em.

Đến giữa tháng 2, Kelly vắng mặt trên lớp vài ngày để đến bệnh viện Manhattan thực hiện việc kiểm tra định kỳ hàng năm. Buổi sáng thứ hai tuần sau đó, mẹ Kelly đưa em tới trường và xin được gặp riêng tôi một lúc.

- Thưa cô, có phải cô vẫn thường tập cho Kelly đi không ạ? - Bà hỏi tôi.

Tôi giật mình. Lẽ nào tôi đã làm sai khi khuyến khích Kelly tập đi trong sân mỗi ngày? Liệu việc tập đi có ảnh hưởng gì xấu đến đôi chân của bé?

- Vâng, chính tôi đã tập cho Kelly đi! - Tôi trả lời, tim đập mạnh vì không biết có chuyện gì xảy ra - Vì... vì tôi nghĩ điều đó sẽ giúp ích cho em!

Mẹ Kelly không nói gì. Bà nhẹ nhàng kéo chiếc váy dài của em lên, chỉ cho tôi thấy đôi chân em - những thanh nẹp chằng chịt nơi đầu gối biến mất, thay vào đó chỉ còn là các ống nối tại mắt cá chân.

- Chỉ trong vài tháng học với cô, đôi chân con bé đã trở nên khỏe mạnh hơn trước rất nhiều. – Bà nhìn tôi, đôi măt lấp lánh nước. - Tôi không biết phải nói cảm ơn cô giáo như thế nào vì những gì cô đã làm cho con gái tôi. Các bác sĩ bảo rằng Kelly có cơ hội đi lại hoàn toàn bình thường!

Quá mừng vui và bất ngờ, tôi ôm chầm lấy bà:

- Có một học sinh như Kelly, đối với tôi đã là một đặc ân rồi, chị ạ.

Mười bảy năm sau, tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh lần đầu tiên Kelly tự mình tập đi trong hành lang lớp học. Mỗi khi gặp phải những khó khăn, thử thách khắc nghiệt của cuộc sống, thì hình ảnh đó lại trở về, sống động trong tôi, tiếp thêm cho tôi sức mạnh. Chính em - cô bé Kelly nhỏ bé, với những bước chân mạnh mẽ và nụ cười tươi tắn - đã dạy cho tôi biết rằng, không khó khăn nào là không thể vượt qua. Tất cả những gì chúng ta cần phải làm là tiến về phía trước, mỗi lần một bước nhỏ...

- Nguyễn Đoàn

Theo Encouraging Kelly

Thiên thần

Thiên thần có mặt khắp mọi nơi quanh bạn, nếu bạn mở lòng mình để ngắm nhìn thế giới và quan tâm tới người khác hơn nữa thiên thần như...

Như người tài xế taxi đưa lại cho bạn ví tiền bạn để quên trên xe hôm qua.

Như anh chàng cùng lớp nói rằng: khi bạn cười, đôi mắt bạn thắp sáng cả thế giới này.

Như đứa trẻ đã chỉ cách cho bạn lắng nghe tiếng sóng tuyệt vời trong chiếc vỏ ốc bé nhỏ.

Như người đàn ông nghèo sẵn sàng chia sẻ bữa ăn ít ỏi của mình với lão ăn mày trên hè phố.

Như người đàn ông thành đạt chỉ cho bạn thấy điều gì cũng có thể xảy ra, tùy vào ta có tin hay không.

Như người lạ mặt đã tận tình giúp đỡ khi bạn lạc đường.

Như người đã khiến trái tim bạn xao động khi bạn nghĩ rằng không ai có thể làm được điều đó một lần nữa.

Thiên thần mang rất nhiều hình hài khác nhau.

Họ có đủ mọi tuổi tác và màu da.

Một số có tàn nhang, một số có má lúm đồng tiền, một số có nếp nhăn, một số lại trắng trẻo, mịn màng.

H hóa trang thành bạn, thành thù, thành thầy cô giáo, thành em bé bán hàng rong nơi công viên, thành lão hành khất ốm yếu, thành những sinh viên, những tình nhân.

Sẽ khó tìm ra họ nếu bạn nhắm mắt lại, nhưng họ sẽ ở khắp mọi nơi quanh bạn nếu bạn mở lòng mình để ngắm nhìn thế giới, và quan tâm tới người khác hơn nữa.

- Dương Thanh Giang

Theo Internet

Ngụ ngôn dành cho những người mẹ

Tình yêu thương của người mẹ dành cho con luôn âm thầm, lặng lẽ như mạch nước ngầm trong lành đi theo suốt cuộc đời con

- Khuyết danh

Đặt bước chân đầu tiên vào ngưỡng cửa của cuộc sống, người mẹ trẻ hỏi người chỉ đường:

- Lối đi này chắc là dài lắm phải không?

Ông ta trả lời:

- Đúng vậy, nó sẽ rất dài và sẽ vất vả lắm đấy, nhưng lúc kết thúc chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn lúc khởi đầu.

Người mẹ trẻ rất đỗi vui mừng. Thời điểm này đang là những ngày tháng hạnh phúc nhất của cô, vậy mà cuộc sống còn hứa hẹn với cô những điều tốt đẹp hơn nữa ở phía cuối chặng đường. Cô bế đứa con bé bỏng của mình trên tay, nâng niu, âu yếm nó suốt cả ngày mà không hề cảm thấy mệt. Cô vắt trong lòng mình thành những dòng sữa trắng thơm cho đứa bé được no lòng, vậy mà điều đó lại khiến cô ngất ngây vì vui sướng. Đứa bé này chính là tình yêu của cô, là báu vật mà cô quý nhất trên đời. Chỉ cần nhìn nó thiu thiu ngủ trong vòng tay mình, hay nghe tiếng cười nắc nẻ ngây thơ của nó, là cô như được tiếp thêm sức mạnh. Bao nhiêu chông gai trên đường đối với cô cũng chẳng đáng gì.

Rồi ngày nắng đẹp cũng trôi qua nhanh chóng. Khi màn đêm buông xuống, một cơn giông tố bỗng ập đến. Con đường trở nên tối tăm khiến đứa bé khóc oà lên vì sợ hãi. Người mẹ trẻ cố ôm chặt con vào lòng, lấy tấm áo choàng của mình che chắn cho nó. Cảm nhận được sự ấm áp, an toàn trong lòng mẹ, nó không khóc nữa, mà bập bẹ những tiếng nói đầu tiên:

- Mẹ ơi!

Người mẹ bật khóc trong niềm sung sướng. Chị thầm nghĩ: “Thời khắc này còn quý hơn cả lúc an bình thảnh thơi nữa! Tôi đã dạy được cho con lòng dũng cảm”.

Đến sáng hôm sau, con đường bằng phẳng trước mặt không còn nữa, thay vào đó là một quả đồi sừng sững chắn ngang lối đi. Đứa trẻ nắm lấy cánh tay mẹ và cố sức leo lên, nhưng chẳng mấy chốc đã cảm thấy mỏi nhừ. Người mẹ động viên con mình:

- Hãy kiên nhẫn lên con, một chút nữa thôi chúng ta sẽ vượt qua ngọn đồi này mà!

Lời nói nhẹ nhàng của cô khiến thằng bé như được truyền thêm sức mạnh, tiếp tục nỗ lực leo lên. Và rồi, đỉnh đồi với ngàn hoa thơm cỏ lạ, với phong cảnh nên thơ... đã hiện ra trước mắt. Đứa trẻ vui mừng reo vang:

- Mẹ ạ, con không thể làm việc gì mà không có Mẹ.

Đêm đó, họ nghỉ chân trên đỉnh đồi. Người mẹ ngắm nhìn các vì sao lấp lánh trong đêm, thì thầm: “Ngày hôm nay quả thật tốt đẹp hơn ngày hôm qua. Con tôi đã học được cách kiên cường chịu đựng khi đổi mặt với những khắc nghiệt cửa cuộc sống.”

Ngày kế tiếp, có những đám mây kỳ lạ phủ kín cả trái đất. Đó chính là bóng đen của chiến tranh, của sự ganh ghét đố kỵ và của những tai ha khó lường. Đứa trẻ can đảm tự mò mẫm tìm cho mình lối đi, nhưng giữa bóng tối và ánh sáng chập choạng, đứa bé vấp ngã. Vội vàng đỡ con lên, người mẹ dịu dàng:

- Con hãy đứng lên, ngẩng cao đầu và vững bước tiến về phía trước. Con hãy tin vào bản thân mình, vì mọi câu trả lời và mọi lối đi của cuộc sống này đều nằm ở đó, con ạ!

Niềm tin và lời động viên ấy của người mẹ đã dẫn đường đưa con của bà vượt qua đêm đen của cuộc sống. Đêm đó, người mẹ quỳ xuống và cầu nguyện: “Đây là ngày tốt đẹp nhất trong những ngày qua, con tôi đã tìm được điềm tựa cho mình - đó chính là niềm tin vào bản thân”.

Ngày lại ngày trôi qua, người mẹ năm xưa giờ đã già nua và cảm thấy kiệt sức. Con của bà - đứa con bé bỏng ngày nào bà còn ẵm bồng trên tay - giờ đã trở thành một chàng trai cao lớn. Anh đã hoàn toàn có thể tự bước đi bằng cả lòng tin và dũng khí của mình. Những lúc phải băng qua những đoạn đường chông gai, anh lại dìu mẹ bằng đôi tay mạnh mẽ của mình. Khi đến những con suối hay những quãng đường trơn, anh cũng không ngại ngần cõng bà trên lưng. Cuối cùng, hai mẹ con họ đến một quả đồi, và phía bên kia ngọn đồi là một con đường sáng chói với những cánh cổng bằng vàng đang rộng mở.

Người mẹ nói:

- Mẹ đã đi hết cuộc hành trình của mình rồi. Bây giờ mẹ đã hiểu lúc kết thúc tốt đẹp hơn lúc bắt đầu như thế nào. Mẹ hoàn toàn mãn nguyện, vì giờ đây, con đã có thể tự đi tiếp chặng đường còn lại của con và mang theo con cái của mình trên lưng nữa.

Người con hôn lên đôi mắt đã mờ đục của mẹ, miệng mỉm cười mà mắt rưng rưng:

- Mẹ ạ, dẫu nay con đã lớn khôn, nhưng con biết mình vẫn rất cần mẹ dẫn đường soi lối. Mẹ vẫn sẽ luôn đi cùng con, thậm chí khi Mẹ đã đi qua cánh cổng bằng vàng kia.

Người con trai đứng đó, dõi theo từng bước chân của mẹ cho đến khi bóng bà khuất sau cánh cổng. Sự chia lìa khiến trái tim anh đau đớn. Anh nhủ thầm: “Dẫu con không thể nhìn thấy Mẹ nữa, nhưng Mẹ vẫn mãi ở trong tim con. Mẹ đã, đang và sẽ mãi là nguồn động viên cửa con trong suốt cuộc đời này”.

- Ngô Huệ

Theo A Little Parable For Mothers

Châm ngôn cuộc sống

Đừng nói “Tôi không thể”. Đôi khi, có những điều bạn đinh ninh mình chẳng thể nào làm được, nhưng nếu nỗ lực hết mình, bạn sẽ thành công.

Đừng bỏ cuộc. Một khi đã lựa chọn hướng đi cho riêng mình, bạn không nên thoái chí, chùn bước. Lịch sử chứng minh rằng những người dũng cảm đứng dậy và bước tiếp sau những lần vấp ngã trên đường đời sẽ là những người đạt được thành công.

Đừng nản lòng. Trạng thái đó sẽ nhấn chìm bạn trong một tâm trạng bi quan trước cuộc sống. Thay vì cứ giữ mãi sự u uất, chán chường, hãy tự tin và nỗ lực hết mình để tiếp tục vươn lên.

Đừng bao giờ chọn cách bước đi ''một mình'' trong cuộc sống này. Người thành công sẽ sớm nhận ra rằng, sự giúp đỡ của mọi người xung quanh là một phần không thể thiếu trong những thành quả mà họ đạt được.

Đừng chấp nhận một kết quả thấp hơn sự hoàn mỹ. Hoàn tất chỉ là một lẽ thường tình và là một điều tất yếu bạn phải làm mà thôi, còn một kết quả hoàn hảo mới thực sự mang đến cho bạn thành công. Chúng ta không nên chấp nhận một kết quả “tạm được” mà hãy đặt tất cả tâm huyết và nỗ lực tối đa để có thể tự hào với bản thân.

- Hồng Nhưng

Theo Just Don't Do It

Khúc biến tấu

Những thất bại không thể đẩy con người chúng ta đến bước đường cùng, mà chính con người chúng ta mới tự đẩy mình đến đó khi từ bỏ mọi cố gắng

- Khuyết danh

Ngày 18 tháng 11 năm 1995, nghệ sĩ violon Itzhak Perlman có buổi biểu diễn tại thính phòng Avery Fisher thuộc trung tâm Lincoln, thành phố New York. Do bị bại liệt từ nhỏ, Perlman phải chống nạng khập khiễng tiến tới chiếc ghế dành cho mình kê sẵn giữa sân khấu. Anh cẩn thận đặt nạng xuống sàn, tháo móc gài thanh chằng, từ từ để một chân về trước và co chân còn lại vào dưới ghế - nhanh gọn như đã thành thói quen. Rồi bằng một động tác nhẹ nhàng, anh nâng cây đàn lên, khẽ ra hiệu cho nhạc trưởng bắt đầu. Nhưng khi Perlman chỉ mới dạo vài nốt nhạc thì sự cố xảy ra.

Một sợi dây đàn bị đứt, tạo nên âm thanh khô khốc dội khắp khán phòng mênh mông, tĩnh lặng. Lập tức mọi người hiểu ngay sự việc và nghĩ hẳn buổi diễn sẽ chậm lại chút ít để thay dây đàn.

Nhưng Perlman đã khiến mọi người rất đỗi kinh ngạc. Anh vẫn giữ bình tĩnh, mắt khép lại và ra hiệu cho nhạc trưởng bắt đầu lại lần nữa. Dàn nhạc giao hưởng tiếp tục bản nhạc bỏ dở, và Perlman đáp lại bằng tiếng đàn say sưa, êm ái đến tuyệt vời - chỉ với cây đàn ba dây trong tay. Anh biểu diễn bằng tất cả tâm hồn mình, bằng lòng đam mê và ý chí mạnh mẽ. Trong suốt thời gian chơi bản nhạc ấy, anh đã phải liên tục tưởng tượng, rồi sáng tạo để bù lại sợi dây đàn bị đứt. Thật ra, rất ít nghệ sĩ có thể chơi tốt nhạc phẩm ấy với cây đàn bốn dây bình thường, nhưng Perlman đã xuất sắc biểu diễn chỉ với ba dây bằng sự tài hoa tuyệt vời của mình.

Tiếng nhạc đã kết thúc từ lâu nhưng khán giả vẫn chưa hết sững sờ. Khoảnh khắc lặng im tưởng như bất tận. Bỗng một người nào đó đứng lên, khiến cả khán phòng như bừng tỉnh. Tất cả mọi người đều đứng dậy, nhiệt liệt hoan nghênh. Tiếng vỗ tay vang lên khắp các hàng ghế đã ghi nhận tài năng và ý chí kiên cường của người nghệ sĩ tài hoa. Perlman mỉm cười, khẽ đưa tay gạt những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán. Rồi anh ra hiệu xin mọi người lặng im và nói bằng một giọng trầm ấm:

- Kính thưa quý vị, đôi khi người nghệ sĩ phải tự mình tạo nên khúc biến tấu chỉ với những gì còn lại trong tay.

Hẳn với Perlman, câu nói ấy còn mang một ý nghĩa khác nữa. Chứng bại liệt đã cướp đi phần nào khả năng đi lại của anh, hơn thế nó đã có lúc khiến đôi tay anh tưởng chừng không thể cử động bình thường được. Nhưng anh vẫn tiếp tục. Sự cố hôm nay đã nói lên rất rõ niềm tin và nguyên tắc sống của anh: luôn tiến lên với những gì mình có được, dù không trọn vẹn.

Nguyên tắc ấy liệu có thể áp dụng trong cuộc sống mỗi người chúng ta không? Mỗi khi gặp khó khăn hay bất lợi, chúng ta sẽ ứng biến thế nào? Hay là ngại ngần lùi bước?

Tôi tin rằng cuộc sống luôn cần đến bản nhạc của mỗi cá nhân. Mọi người sẽ hoan nghênh và trân trọng sự nỗ lực của ta nhiều hơn nếu bản nhạc ấy được tấu lên bằng một ý chí dũng cảm, không đầu hàng số phận. Hãy tự hỏi xem, với những gì có trong tay, bạn có thể tạo nên khúc nhạc của riêng mình hay không?

- Bích Thủy

Theo How Much Music Can You Make?

Chuyện nhà rùa

Một hôm, gia đình nhà Rùa và những người bạn quyết định đi picnic. Với bản tính chậm chạp của mình, chúng mất bảy năm để chuẩn bị mọi thứ và lên đường. Nhưng như vậy nào đã xong, chúng mất thêm hai năm nữa để tìm ra một chỗ cắm trại như ý, rồi thêm sáu tháng mới dọn dẹp và bày biện xong đồ đạc.

Nhưng rồi, nhóm Rùa phát hiện ra rằng chúng đã quên mang theo muối.

- Một chuyến picnic mà không có muối thì chẳng còn gì là thú vị. Làm sao để ăn trái cây hay ăn bánh mì đây chứ? - Chúng ngán ngẩm bảo nhau như vậy.

Sau hơn một tháng tranh cãi, cuối cùng Rùa Nhí – một chú rùa trẻ nhất, nhanh nhẹn nhất được giao nhiệm vụ quay về nhà lấy muối.

Vừa nghe vậy, Rùa Nhí đã giãy nảy từ chối.

Chú run rẩy thân hình trong chiếc vỏ, lắc đầu nguầy nguậy tỏ ý không đồng tình.

Nhưng rốt cuộc, trước sự thuyết phục của tất cả mọi người, Rùa Nhí cũng đồng ý đi về nhà lấy muối với một điều kiện: Cả nhóm rùa ở lại không được phép ăn bất cứ thứ gì trước khi chú quay trở lại.

Họ nhà rùa đành phải đồng ý và Rùa Nhí bắt đầu lên đường.

Nhưng rồi đã ba năm trôi qua mà Rùa Nhí vẫn chưa quay lại. Rồi năm năm... chín năm, rồi mười bảy năm...

Cuối cùng rùa bô lão không thể nhịn đói được nữa, bèn cắn một một miếng bánh sandwich cho đỡ đói.

Đúng lúc đó, Rùa Nhí - giờ đã già và gầy đi nhiều sau hơn mười bảy năm vắng mặt - đột ngột thò đầu ra từ một lùm cây, hét lên thé thé:

- Đó... đó... tôi biết mà! Tôi biết là mọi người sẽ không đợi mà sẽ ăn trước khi tôi quay lại mà. Thôi thôi, tôi không đi lây muối nữa đâu...

Rất nhiều người trong chúng ta lãng phí thời gian đề chờ đợi người khác thực hiện những điều mình mong muốn thay vì bắt tay vào làm. Và cũng có những người quá lo lắng về những gì người khác đang làm khi vắng mặt mình đến nỗi không bao giờ làm được gì cho bản thân mình cả

- Lê Lai

Theo Internet

Cứu hộ trên biển

Chẳng ai từng cố gắng hết sức mình lại một lần hối tiếc về điều đó.

- George Halas

Câu chuyện kỳ diệu này diễn ra vào một đêm mưa gió tại một làng chài nhỏ ở quận Holland. Đêm đó, gió thổi dữ dội, bầu trời đen kịt dày đặc những đám mây và một cơn bão với sức gió rất mạnh đã lật úp một chiếc tàu đánh cá ngoài khơi. Nhưng may mắn thay, trước khi tàu bị chìm, các thủy thủ đã kịp phát tín hiệu cấp cứu S.O.S. Vì cả làng chỉ chuyên về nghề đánh bắt cá nên đội cứu hộ của làng lúc nào cũng ở trong tình trạng sẵn sàng ứng cứu. Nhận được tin khẩn, đội trưởng của đội tàu cứu hộ đã nhanh chóng rung chuông báo động, tất cả người dân vội tập trung tại bãi cát. Họ đứng ngồi không yên, tay cầm đèn hồi hộp chờ tin của những người thân đang chống chịu với cơn gió bão.

Một giờ sau, tàu cứu hộ lờ mờ xuất hiện trong màn sương mù. Người dân trong làng vui mừng chạy ra chào đón. Kiệt sức và mệt lử, những người tình nguyện cho biết là tàu cứu hộ đã cứu được gần như tất cả mọi người gặp nạn nhưng có một vài người đã tình nguyện ở lại trên biển vì con tàu đã quá tải. Nếu chở thêm họ, có thể con tàu sẽ bị chìm.

Thuyền trưởng cuống cuồng kêugọi một đội tình nguyện khác để đến ứng cứu những người bị bỏ lại ngoài biển. Cậu bé Hans mười sáu tuổi có anh trai còn đang trên biển bước tới tình nguyện tham gia. Mẹ cậu vội níu tay cậu van xin:

- Đừng đi con ơi. Cha của con đã chết trong vụ đắm tàu cách đây mười năm và anh trai của con cũng chưa biết sống chết thế nào. Hans, con là tất cả những gì còn lại của mẹ.

Hans nhìn mẹ, nhẹ nhàng an ủi:

- Con phải đi mẹ ạ. Con không thể làm ngơ khi anh con đang phải đối diện với nguy hiểm, chỉ chờ đợi người ứng cứu. Đây chính là lúc để con thực hiện nghĩa vụ của mình.

Hans hôn tạm biệt mẹ rồi cùng đội cứu hộ biến mất trong màn đêm.

Đối với mẹ Hans, thời gian như không hề trôi, một giờ đồng hồ mà bà có cảm tưởng như một thế kỷ. Cuối cùng thì con tàu cứu hộ cũng lao ra khỏi màn sương mù dày đặc và bắt đầu lộ dạng. Hans đứng oai phong ngay trên mũi tàu. Đội trưởng đứng trên bờ khum hai tay lại và gọi lớn:

- Các anh có tìm được họ không?

Không thể kìm lòng được nữa, Hans sung sướng hét thật to để đáp lại:

- Dạ có, chúng cháu đã tìm thấy. Chú hãy báo cho mẹ cháu biết trong đó có cả Paul, anh trai của

cháu!

- Lê Nguyên Thảo

Theo Rescue At Sea

Điều kỳ diệu của đôi bàn tay

Vòng tay mẹ chính là chiếc nôi tuyệt vời nhất vỗ về tâm hồn con. \

Khi mới sinh ra, tôi đã có thể cảm nhận được hơi ấm của đôi bàn tay mẹ: Đôi bàn tay luôn nâng niu, lo lắng từng giấc ngủ, từng bữa ăn cho tôi. Đôi bàn tay đã dìu tôi những bước đi chập chững đầu tiên, nâng đỡ mỗi khi tôi té ngã và nhẹ nhàng chăm sóc những vết thương do tôi nghịch ngợm gây ra.

Suốt những năm tháng tôi đi học, bàn tay mẹ vẫn âm thầm lo lắng cho tôi. Bàn tay mẹ kiên nhẫn dạy tôi viết những nét chữ đầu tiên; giặt sạch chiếc áo tôi mặc; đánh bóng đôi giày tôi mang; thắp sáng ngọn đèn trên bàn học, dọn dẹp gọn gàng bàn ghế, tủ sách cho tôi. Bàn tay mẹ còn chuẩn bị cả chiếc giường tươm tất chăn màn cho tôi nằm ngủ mỗi tối...

Khi tôi trưởng thành, mỗi chặng đường tôi trải qua đều có dấu ấn bàn tay của mẹ. Chính bàn tay ấy đã lau khô những giọt nước mắt khi tôi buồn đau, thất bai; cẩn thận chọn chiếc áo cưới cho ngày vui trọng đại của tôi. Rồi bàn tay ấy đã run run hạnh phúc khi được bế trên tay đứa cháu đầu tiên của mình.

Trên thế gian này, còn điều gì kỳ diệu và quý giá hơn đôi bàn tay mẹ? Đôi tay chai sần, vất vả nhưng êm ái, dịu dàng và bất cứ khi nào cũng đầy ắp tình thương yêu dành cho bạn. Dù đi bất cứ nơi nào, ta cũng luôn khao khát được quay trở về bên vòng tay yêu thương của mẹ.

- Lại Thê Luyện

Theo The storyteller