Gió Ở Melbourne Đã Ngừng Thổi Chưa?

Chương 52




[Bến tàu Lost at Sea, năm 1944]

Nếu như Nguyễn Ngân Cô của năm 18 tuổi có một cơ hội để trở về quá khứ, liệu cô có theo chồng đi đến bến tàu phía bên kia đại dương không? Chính cô cũng không nói rõ được.

Cũng không phải là quyết định quá đặc biệt gì. Ở nơi họ sống, việc đi biển không phải là hiếm thấy, ở Nam Dương nhà nhà đều đi biển. Từ nhỏ Nguyễn Ngân Cô đã nghe đến tên gọi của những đất nước đó – Việt Nam, Thái Lan, Malaysia… và Úc là nơi xa xôi nhất trong số đó.

Vượt qua những con sóng của Ấn Độ Dương, con người sẽ đến một nơi mang tên Tây Úc. Ở đó có rất nhiều ngọc trai, những người giỏi bơi lặn phiêu lưu theo thủy triều, lúc quay về trên thuyền có thể đổ ra từng thúng từng thúng trai ngọc. Ngọc trai ở Nam Dương sáng như ánh trăng, bán ở chợ có giá rất cao hiếm có. Cho dù bên trong rỗng thịt trai, vẫn có thể mài phần vỏ rồi đem bán ở trong ngoài đại dương để làm khuy áo.

Tổ tiên vượt biển cả mênh mông để đào mỏ vàng mỏ bạc, mỗi người dân di cư sang đó đều cố gửi chút ít về quê hương để xây dựng miếu thờ dòng họ. Đến đời họ, ngọc trai chính là quặng mỏ trong biển.

Chồng từng nói với cô, bến tàu mà họ sẽ đến sống và mưu sinh có tên là Lost at Sea, dịch ra có nghĩa là “Mất tích trên biển”. Nguyễn Ngân Cô bĩu môi, trong lòng cho rằng người nước ngoài đặt cái tên này sẽ mang lại xui xẻo, khác với phong tục ở quê nhà, mọi việc đều cần có điềm lành.

Năm đó Lost at Sea đã đón rất nhiều đoàn tàu, cũng có rất nhiều những gương mặt Á Âu giỏi lặn. Một vài thổ dân Úc sinh ra dọc bờ biển được mua về để tìm kiếm con trai ngọc dưới biển sâu. Chồng của Nguyễn Ngân Cô là một tay lão luyện dưới nước, khi đến Tây Úc chẳng mấy chốc đã có tiếng tăm. Cô đứng ở bến tàu nhìn họ sắp sửa ra khơi, một chiếc thuyền đi khai thác ngọc trai sẽ có bốn người, gồm hai thợ lặn và hai hậu cần. Chồng cô mặc bộ đồ lặn màu đen, trong tay xách mũ bảo hiểm để khi xuống nước sẽ đội vào, bên hông đeo hai chiếc thúng rỗng dùng để đựng những con trai ngọc bắt được từ dưới đáy biển.

Thực ra cô cũng biết lặn, làm gì có đứa trẻ nào lớn lên ven biển mà không biết bơi lặn chứ, dù là nam hay nữ. Nhưng chồng đã an ủi cô rằng chỉ cần một mình anh ra khơi kiếm tiền là đủ rồi, trong nhà phải có một người ở lại, giống như con tàu có dây thừng, con ngựa có dây cương, máy bay trên trời cũng phải có tháp kiểm soát không lưu.

Phụ nữ là dây thừng, là dây cương, là tháp kiểm soát không lưu; nhưng Nguyễn Ngân Cô cảm thấy mình cũng có thể là thuyền, là ngựa, là máy bay.

Chỉ là năm đó chồng còn khỏe mạnh, lời nói chân thành ấm áp, đối xử với cô rất tốt. Những cô gái nhà khác gặp cô đều ghen tỵ ra mặt, Nguyễn Ngân Cô cũng không có gì bất mãn nữa.

Năm đó Nguyễn Ngân Cô mười tám tuổi, việc đầu tiên cô làm sau khi thức dậy mỗi ngày là ra bến tàu bán trứng tráng hàu. Những người từ quê đến thích ăn món quê hương, những người ở các nước khác cũng can đảm đến góp vui. Cô không hề luống cuống, chiếc muôi đảo trong chảo rán, tiếng gõ lạch cạch trên thành chảo, toàn bộ những người trên dưới thuyền đều quay đầu sang, họ đang nhìn cô gái Châu Á dáng người nhỏ nhắn đang liến thoắt đi lại giữa các quầy hàng, từ đó danh tiếng của cô còn lan truyền xa hơn cả chồng.

Sau khi bán bữa sáng xong, cô sẽ về nhà chuẩn bị hành trang cho chồng ra biển. Làm nghề của họ là đang tranh giành với biển cả, con người đứng giữa sóng lớn nếu không cẩn thận sẽ bỏ mạng. Chồng cô làm việc rất cẩu thả, cô thì lại kỹ tính, lần nào cũng phải chuẩn bị đầy đủ mới dám để chồng mang vào người. Sau đó, cô lại bắt tay vào lau dọn tẩy rửa những đồ đạc cho hàng quán ngày mai sạch sẽ, xong xuôi hết việc trong tay thì đã đến lúc nấu cơm chiều.

Có lúc trời sẽ đổ mưa, cũng sẽ nổi gió. Sóng gió trên Ấn Độ Dương hỷ nộ vô thường, mỗi lần như vậy, người trên bến tàu sẽ dừng lại mọi công việc trong tay, cầu nguyện cho tàu thuyền đi xa.

Mỗi dân tộc khác nhau sẽ có tín ngưỡng khác nhau, Nguyễn Ngân Cô nhìn động tác tay phức tạp của họ rồi nhớ lại dáng vẻ của đoàn người thành kính quỳ lạy trong đền thờ Thánh Mẫu trước khi cô lên con tàu vượt biển. Cô cũng muốn cầu nguyện cho chồng mình, nhưng không có ngôi đền Thánh Mẫu nào ở thị trấn bến tàu ở Nam bán cầu này cả, thậm chí ngay cả một pho tượng Thánh Mẫu để cô quỳ lạy cũng không có.

May mà, chiếc thuyền đánh bắt ngọc trai của chồng cô đã trở về bờ bình an, chưa từng mắc sai sót nào. Có lẽ là Hải thần nương nương đã thương xót họ vượt biển cả nghìn trùng, che chở cho họ nhờ vào lần họ thành kính quỳ lạy trước khi xuất phát.

Nguyễn Ngân Cô đã dần quen với cuộc sống nơi bến tàu này. Dần dà có nhiều đồng hương đến đây hơn, gần chỗ bến tàu còn có một địa điểm tập trung đông người Hoa, miễn cưỡng cũng được xem như một con phố người Hoa, họ cũng dần chuyển đến sống ở đó. Trên phố người Hoa có một thầy đồ, thường sẽ thay mặt những người xa quê rời nhà viết thư gửi về quê nhà, đồng thời cũng kẹp phiếu chuyển tiền ở trong đó.

Thủy triều của Ấn Độ Dương đã nghênh đón và đưa đi, thai nghén ra một thị trấn kiếm sống bằng ngọc trai, những thợ lặn dưới nước để vớt ngọc trai, ông chủ kinh doanh đội thuyền vớt ngọc trai, thợ thủ công chế tạo thuyền và lưới, tài xế vận chuyển ngọc trai, thương gia mua ngọc trai… Nếu như người khai thác mỏ vàng được gọi là Kim Sơn Khách, vậy bọn họ nên được gọi là gì đây? Ngọc Trai Khách sao?”

Được rồi, cứ gọi là Ngọc Trai Khách đi, cũng không phải là tên gọi chính thức, chỉ có giá trị ở nơi này.

Năm Nguyễn Ngân Cô 20 tuổi, bến tàu có mấy người mới đến, nghe giọng nói rất khác biệt.

Cô không hiểu, nhưng hình như chồng cô đã được giao cho nhiệm vụ quan trọng. Hôm đó anh ấy được người ta kêu ra ngoài nói chuyện, lúc quay về đã dùng giọng điệu rất nghiêm túc nói với Nguyễn Ngân Cô rằng, những người hôm qua đến đây để làm việc lớn, nhất là vị tiên sinh họ Không kia là nhân vật quan trọng hơn hết. Hiện giờ Không tiên sinh đang bị thương nặng, cho nên những người kia mới đưa anh ta đến thị trấn xa xôi ở Nam bán cầu này để tĩnh dưỡng, ngày mai sẽ tiếp tục đi làm việc lớn.

“Không tiên sinh? Làm gì có người nào họ Không?” Nguyễn Ngân Cô không hiểu, còn chồng cô thì lộ ra vẻ mặt tỏ tường.

“Thân phận trước đó đã chết, thân phận kế tiếp còn chưa được giao phó, quá khứ và tương lai đều không có, đương nhiên sẽ lấy họ Không rồi.”

Nguyễn Ngân Cô không biết vì sao chồng mình lại đột nhiên đổi giọng điệu sang kiểu lấp lửng và cố làm ra vẻ thần bí như vậy, còn ra vẻ nho nhã nữa là — đây có còn là người chồng cục mịch chỉ biết vớt ngọc trai của cô không? Anh ấy thậm chí còn phải tiêu tiền để nhờ thầy đồ trên phố người Hoa viết thư hộ để gửi về nhà.

Nói tóm lại, vị Không tiên sinh không có quá khứ cũng không có tương lai kia cứ thế ở lại trong nhà họ. Nguyễn Ngân Cô có một ưu điểm, chính là những chuyện không nên biết cô sẽ không lắm lời. Suy cho cùng một người vĩ đại đến mấy khi bước vào trong nhà cũng đều cần một chỗ ngủ và ba bữa ăn một ngày, cô chỉ thêm một bộ bát đũa, Không tiên sinh chỉ việc lê thân mình đến ăn. Một người đàn ông to cao chỉ ăn một ít mà cũng chẳng nói có hợp khẩu vị hay không. Nguyễn Ngân Cô khen người này kiệm lời, chẳng giống lão chồng của cô, cứ luôn miệng phàn nàn không hợp khẩu vị khiến cô tức đầy bụng.

Vào mùa hạ, sức khỏe của Không tiên sinh đã tốt hơn nhưng vẫn chưa có tin tức gửi đến gọi anh ta rời đi. Anh ta không nôn nóng như thể đã quen với việc đợi chờ. Nguyễn Ngân Cô nhìn thấy anh ta bắt đầu theo chồng mình ra khơi, lúc về nhà lại nghe thấy tiếng chồng mình khen ngợi. Không tiên sinh giỏi bơi lặn, giỏi lái xe, gặp phải đám côn đồ ức hiếp bà cụ trên bến tàu, anh ta còn thể hiện ra bản lĩnh của mình.

Anh ta vớt ngọc trai chỉ để giết thời gian, hết thúng này đến thúng khác, toàn bộ số lượng đều được tính vào cho chồng của Nguyễn Ngân Cô. Trai ngọc tính tiền theo con, thuyền trưởng thanh toán càng nhiều tiền lương hơn. Nguyễn Ngân Cô vốn cũng có tính toán với chi phí ăn ở của Không tiên sinh tại nhà mình, thấy được như vậy cô cũng không nói thêm gì nữa.

Không tiên sinh tuy khiêm tốn nhưng tiếc rằng dung mạo tuấn tú như tơ liễu, gió vừa thổi đã bay đi khắp nơi, ai nấy đều biết đến tên. Trên bến tàu có người đến hỏi thăm Nguyễn Ngân Cô, người đàn ông sống trong nhà họ có lai lịch như nào, tên họ là gì, đã… đã có vợ con gì chưa?

Nguyễn Ngân Cô lập tức giả lả cười nói đó là em họ của chồng từ phương xa đến, sau khi nhận được được đồ người Hoa tặng về cũng thấy động lòng trước ngọc trai cho nên đã vượt biển đến đây để vớt, trong nhà đã có vợ hiền và ba đứa con ngoan.

Không tiên sinh tự dưng đã mang tiếng có gia đình, sau khi nghe tin, lần đầu tiên Nguyễn Ngân Cô nhìn thấy anh ta mỉm cười trên bàn cơm, cười đủ rồi lại nói: “Nếu như có thể được như chị Nguyễn nói thì tốt quá. Đáng tiếc, một người như tôi đây sẽ không bao giờ có được gia đình.”

Tại vì sao? Vì sao không thể có được gia đình? Cưới vợ sinh con nối dõi tông đường, chồng cô cũng đi con đường này, vì sao Không tiên sinh lại nói là không được?

Nguyễn Ngân Cô không hiểu, nhưng cô vẫn tuân theo ưu điểm của mình, những chuyện không hiểu sẽ không nhiều lời.

Nguyễn Ngân Cô ở tuổi xế chiều một ngày nhớ lại, mùa hạ có Không tiên sinh dường như dài hơn một cách lạ thường. Có lẽ là vì ở không quá lâu, anh ta cũng bắt đầu tự đi tìm việc để làm. Nguyễn Ngân Cô biết anh ta đã mua một chiếc ô tô đã hư, rồi lại tự mình sửa chữa lại hoàn hảo, rảnh rỗi không có việc gì làm anh ta lại lái xe đi dọc theo con đường quốc lộ đến tận cùng đường ven bờ biển đến dưới vách núi, như muốn lái vào trong con sóng dữ đang cuồn cuộn của Ấn Độ Dương.

Cuối cùng anh ta cũng bắt đầu để lại cho mình một vài hạt ngọc trai, bán hết rồi cũng không nuôi sống mình mà chỉ lo tân trang chiếc xe. Chiếc xe đã quá mức cũ nát, mỗi lần anh ta lái từ nhà đi, Nguyễn Ngân Cô đều lo lắng xe sẽ báo hỏng giữa đường. Không tiên sinh lại thay ống xả, thay lốp xe, thay cửa xe, thay gần hết cả chiếc xe nhưng vẫn không thể ngăn nó phát ra tiếng gầm rú vang dội.

Quả nhiên, ngày đó cuối cùng cũng đã đến.

Đó là một ngày nắng nóng, Nguyễn Ngân Cô đã đến phố người Hoa để mua nước đá, trên đường đi cô nghe thấy phía sau có một chiếc xe bấm kèn inh ỏi, trông có vẻ rất mất kiên nhẫn. Cô quay đầu lại, phát hiện trên ghế lái là một người phụ nữ đang ngồi, người nọ có đôi mắt sáng trong, mái tóc đen, ngũ quan diễm lệ. Bên ghế phụ là một con chó rất to đang nằm gác đầu trên cửa sổ thở hổn hển. Chiếc xe quá to nên di chuyển khó khăn trên đường phố chật hẹp. Những hàng quán nhỏ bên đường đều nháo nhào tránh đường, Nguyễn Ngân Cô cũng vội nép vào để nhường đường cho xe chạy.

Sau đó, từ bên hông xe cô nhìn thấy Không tiên sinh đang ngồi ngoan ngoãn ở hàng ghế sau, và… chiếc xe cũ kỹ của Không tiên sinh được xích bằng dây xích kéo theo ở sau xe.

Băng qua con đường chật hẹp là đến lối ra, cuối đường trong phố người Hoa là tiệm sửa xe. Người phụ nữ trên xe đã không còn kiên nhẫn, cô ấy đạp chân ga rồi phanh gấp, chiếc xe phía sau bị túm tới đột ngột, một tiếng va chạm “đùng” vang lên, hất tung cản xe của người phụ nữ ấy.

Đáng thương! Không tiên sinh bán chừng ấy viên ngọc trai còn chẳng đủ sửa xe mình, bây giờ còn phải sửa xe cho người phụ nữ kia.

Không tiên sinh là đề tài trong miệng nhóm phụ nữ ở đây. Chiều hôm đó, Nguyễn Ngân Cô đã nghe được tên của tài xế Kim Hồng Mai từ trong miệng họ. Họ nói cô ấy cũng là tài xế vận chuyển ngọc trai, từ Sydney đến, ông chủ chi tiền họ Hồ.

Mỗi lần cô ấy lui tới đều vội đến vội đi, nếu như không lấy được ngọc trai còn có thể nghỉ lại thị trấn này một đêm, còn nếu lấy được ngọc trai vào tay thì sẽ trực tiếp về thẳng Sydney. Lần này thì hay rồi, chiếc xe bị va chạm đến mức rớt cản xe lại còn lệch ống xả, phía trước tiệm sửa xe còn có đến mấy tài xế xe khác đang đợi tới lượt, chủ tiệm sửa xe bảo Kim Hồng Mai đợi ba ngày.

Ba ngày!

Mấy ngày đó Nguyễn Ngân Cô đi đến phố người Hoa, ngày nào cô cũng thấy Kim Hồng Mai khoanh tay dắt chó đi dạo, chỉ tay năm ngón sai Không tiên sinh chuẩn bị bữa sáng, bữa trưa, bữa tối, bữa đêm cho cô ấy. Chuyến phà vượt biển đều được lên lịch hẹn và theo lịch trình, ba ngày nữa mới được lấy xe, thời gian đi đường rất eo hẹp, đêm trước khi tàu khởi hành cô ấy mới có thể lên đường trở lại Sydney, chẳng trách cô ấy lại tức giận Không tiên sinh như thế.

Còn về Không tiên sinh? Chịu mệt chịu oán trách, đòi gì có đó, nếu như không phải Nguyễn Ngân Cô tận mắt nhìn thấy anh ta không có trên xe, cô còn cho rằng anh ta cố ý đâm hỏng xe người ta.

Tuy nói là phố người Hoa nhưng cũng chẳng bì được với Melbourne hay Sydney, đây chẳng qua chỉ một gánh hát lưu động tạm thời dọn ra ở trong bến tàu. Nơi này hoàn toàn không có một quán ăn nào vừa ý, chỉ toàn là hàng quán ven đường. Thời gian lấy xe đã định sẵn là buổi tối ngày thứ ba, Kim Hồng Mai sẽ lái xe xuyên đêm trở về Sydney. Bữa cơm cuối cùng trước khi lên đường, Nguyễn Ngân Cô thực sự không thể chịu nổi nữa, cô nhờ Không tiên sinh mời Kim Hồng Mai về nhà mình, cô đốt lửa nấu ăn chiêu đãi và tạ lỗi với cô ấy thật đàng hoàng.

Chồng đã ra khơi chưa trở về, trong nhà chỉ có cô, Không tiên sinh, Kim tiểu thư đến làm khách và cả con chó sói uy phong lẫm liệt mà cô ấy dắt đến. Kim Hồng Mai cột nó ở cửa, nó ngồi thẳng lưng trên sàn nhà, hai chân duỗi ra trước, đôi mắt nhìn thẳng vào ba người bên trong, làm tốt công việc lính gác và vệ sĩ cho chủ nhân của mình.

Nguyễn Ngân Cô chỉ biết nói tiếng Mân Nam, Không tiên sinh thì ngôn ngữ nào cũng biết. Nhưng Kim Hồng Mai có thể nghe hiểu được lời cô nói quả thật nằm ngoài dự đoán của cô. Đây là nền tảng mà Kim Hồng Mai đã gầy dựng khi còn ở phố người Hoa Melbourne. Ba người ngồi xuống ăn bữa cơm, Nguyễn Ngân Cô hỏi cô ấy con chó kia là giống loài gì mà trông thật uy phong, cô ấy ngẩng đầu mỉm cười, dạy cô nói từng chữ: “Chó lai sói Tiệp Khắc.”

Lúc cô ấy nói ra năm chữ đó thật dễ nghe, giọng điệu rõ ràng nhẹ nhàng hơn nhưng cách nhả chữ vừa trong sáng vừa cháy rực giống như những nụ hoa nở rộ dưới ánh mặt trời. Nguyễn Ngân Cô nhìn Kim Hồng Mai thật kỹ, cô ấy mặc một chiếc váy dài cổ sơ mi có hai hàng khuy chạy dài, dưới chân đi giày đế bệt, mái tóc đen dày xõa trên vai, hàng lông mày đen như mực và đôi môi đỏ mọng. Làn da nõn nà không cần phải khen, tựa như ngọc trai Nam Dương, bề ngoài còn có một tầng sáng bóng loáng.

Kim Hồng Mai cũng nhìn cô, còn khen cô xinh đẹp giống như một người bạn luật sư mà cô ấy quen biết. Nguyễn Ngân Cô đỏ mặt thoái thác, nói mình chỉ là một ngư dân làm gì có thể sánh được với nữ luật sư chứ.

“Tôi không thích bàn về xuất thân, tôi cảm thấy người nào cũng như nhau. Trước khi chạy nạn đến nơi này vì quân Nhật Bản, tôi cũng chỉ là một vũ nữ ở Thượng Hải.”

Lúc nghe đến ba chữ “quân Nhật Bản”, vẻ mặt ôn hòa bình lặng thường ngày của Không tiên sinh thoáng chốc đã trở nên nghiêm túc. Ăn xong bữa cơm đó, Nguyễn Ngân Cô tiễn Kim Hồng Mai rời đi, thấy cô ấy dắt chó rồi cầm theo hộp ngọc trai lên xe. Chiếc Austin phóng ga lao đi, bỏ lại phía sau là bến tàu tấp nập và những con sóng ở Ấn Độ Dương. Nguyễn Ngân Cô quay đầu lại, Không tiên sinh đang nhìn về hướng Kim Hồng Mai lái đi, cô rũ mắt nhìn xuống tựa như đang suy nghĩ điều gì đó.

“Không tiên sinh à, mất hồn rồi sao?” Cô cất lời trêu ghẹo.

Lúc này Không tiên sinh mới chầm chậm ngẩng đầu nhìn Nguyễn Ngân Cô, trong nét mặt tỏ ra vẻ sầu muộn.

Từ sau khi anh ta đến Lost at Sea, sắc mặt vẫn luôn nhàn nhạt như thế, tựa như một người tâm lặng như núi. Nhưng vào giờ phút này, anh ta lại tỏ ra u buồn.

“Ngân Cô.” Anh ta nói: “Chính hành động của chúng tôi đã khiến những người như cô và cô Kim phải chạy nạn ra đến tận nước ngoài để kiếm sống, là do chúng tôi quá chậm chạp.”

Không tiên sinh vẫn luôn mang một chiếc mặt nạ cho mình, câu nói này là tiếng lòng hiếm hoi mà anh ta bày tỏ. Nhưng những ngày anh ta sống tại nhà của cô, chung quy cũng chỉ nói một câu thật lòng như vậy.

Lost at Sea quá nhỏ, không có báo chí người Hoa, cũng không có tin tức từ bên ngoài đến. Nó chỉ là một trong vô số những bến tàu tại Nam bán cầu, nhỏ bé và tầm thường, không có con tàu lớn nào cập bến, chỉ có những chiếc thuyền khai thác ngọc trai đến và đi. Thỉnh thoảng, những tài xế và doanh nhân đi ngang qua sẽ mang báo chí từ bên ngoài vào, thế là cả phố người Hoa lại truyền nhau để đọc, người biết chữ đọc xong còn bình luận vài ba câu, người nào không biết chữ thì tụ tập xung quanh để nghe ngóng tình hình.

Nguyễn Ngân Cô nghe thấy họ đọc tờ báo do người Hoa ở Sydney tự xuất bản — “Đêm dài khó vượt qua, bình minh khi nào mới đến? Tiếng pháo nổ tung vang lên trên đường sắt Nam Mãn, đã mười ba năm trôi qua rồi…”

Mười ba năm, nước nhà hỗn loạn, dân lưu lạc tản đi khắp nơi. Làm khách tha hương nơi xứ người ai mà chẳng mong được trở lại? Đó là mùa hạ năm 1944, người Châu Âu trên bến tàu chạy khắp nơi, nói quân Đức đã bại trận, chiến tranh ở Châu Âu sắp kết thúc. Vậy còn tiếng pháo nổ ở quê hương còn phải đợi bao lâu nữa mới ngừng đây?

Vẫn chưa có ai tìm đến Không tiên sinh, có lẽ lưỡi dao sắc bén nhất sẽ được sử dụng trong giây phút chiến thắng cuối cùng.

Chẳng qua những chuyện này đều quá sức to lớn với Nguyễn Ngân Cô. Hiện giờ chuyện cô phải đối mặt là một vấn đề hết sức quan trọng với chính bản thân mình.

Cô có thai rồi.

Đây là chuyện vui, đặc biệt là đối với thị tộc như họ. Lúc gửi thư và tiền về cho gia đình, cô và chồng cũng báo tin vui cho ba mẹ ở bên kia đại dương. Thầy đồ trên phố người Hoa viết thư giúp cho ho, nghe vậy cũng đặt bút xuống, chắp tay nói một câu chúc mừng.

Chồng không cho cho cô đi bán hàu tráng trứng vào sáng sớm nữa, nhưng làm như vậy trong nhà sẽ mất đi một khoản thu nhập. Thế là cô đổi giờ bày hàng sang buổi chiều, như vậy dù có để lỡ chuyến thuyền buổi sáng thì cũng sẽ có khách không ra biển đến ủng hộ.

Mặt biển buổi chiều không đẹp được như buổi sáng, ánh sáng trên biển không còn dịu dàng óng ả mà mang một màu xanh lam rất đậm. Cũng đẹp đó nhưng không linh động, lại còn không gió không sóng trông rất cứng nhắc. Cô vác bụng bầu đã hơi nhô lên ngồi bên bờ đảo mắt nhìn sang trái, chợt thấy chiếc xe của cô Kim từ xa lái tới, nhìn sang phải lại thấy thuyền khai thác ngọc trai của chồng mình đang về trước dự tính.

Cô muốn chào hỏi với Kim Hồng Mai, nhưng hiện tại không phải là thời điểm thuyền nên về bến, trong lòng cô dâng lên một dự cảm không lành.

Trên thuyền có bốn người, hai người đứng, một người quỳ, một người nằm co ro trên boong thuyền vì đau đớn. Nguyễn Ngân Cô đứng ở bến tàu nhìn ra xa, trái tim bất giác chùng xuống nặng nề.

Người nằm đó là chồng cô.

Sáng sớm hôm nay Không tiên sinh ra khơi cùng chồng cô, anh ta đã thay quần áo lặn nhưng chồng cô thì chưa. Anh đau đớn nằm dưới ván thuyền đến mức kêu gào lớn tiếng nếu ai chạm vào cơ thể. Nguyễn Ngân Cô vác bụng bầu đi quấn dây thừng quanh cọc giúp họ rồi kéo thuyền vào bờ, chiếc xe của Kim tiểu thư cũng vừa đúng lúc lái đến.

Nghề lặn bắt ngọc trai mang lại rất nhiều lợi nhuận, nhưng cũng giống như người đào vàng sẽ sợ mỏ vàng sụp đổ vậy. Biển cả cũng có hỷ nộ của riêng nó, đối đầu với sóng gió chẳng qua chỉ là những điều nhỏ nhặt, đối với những người lặn dưới biển sâu tìm kiếm ngọc trai mà nói, bầy cá, dòng chảy ngầm, chứng giảm áp đều sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Ngày hôm nay chồng của Nguyễn Ngân Cô đã chạm phải một loại sứa độc.

Anh ấy không phải thợ lặn đầu tiên bị sứa đốt, Nguyễn Ngân Cô từng nhìn thấy những thi thể cứng ngắc của những người bị sứa đốt được đưa vào bờ. May mà lần này ra khơi không quá xa, Không tiên sinh đã đưa anh ấy trở lại, họ đưa anh về bến tàu Lost at Sea chứ không để anh trở thành một thành viên trong những người mất tích trên biển.

Môi của anh đã thâm đen, cơ thể đang co giật trên tấm ván gỗ ở bến tàu, nọc độc của sứa biển đang chạy tán loạn trong cơ thể anh, Không tiên sinh dùng tay sờ vào bên cổ rồi lại sờ vào mạch đập của anh, sau đó ngẩng đầu hét lớn: “Ai có xe! Mau đi bệnh viện!”

Đây là một thị trấn cách biệt với thế giới, bệnh viện gần nhất cũng cách đó gần 15km, những người tụ tập xung quanh đưa mắt nhìn nhau, người đẩy đám đông ra xa chính là Kim Hồng Mai – mới vừa trong gió bụi dặm trường lái xe đến lấy ngọc trai.

Cô ấy tuy nói ít nhưng lời lẽ mang theo sức mạnh, sự xuất hiện từ trên trời rơi xuống của cô ấy khiến Nguyễn Ngân Cô cảm giác như mình là ngư dân trong bão gió gặp được Hải thần hiện thế.

Chồng cô được khiêng lên ghế sau, cô cũng trèo lên xe theo. Kim Hồng Mai lấy một hộp cứu thương từ trong cốp xe ra, lắc cây kim tiêm trong tay nhưng lại bị Không tiên sinh cầm lấy.

“Morphin sao?” Anh ta hỏi rồi bước vào ghế sau, đặt chồng cô nằm thẳng trên ghế sau: “Để tôi, cô lái xe đi.”

Mùa hạ năm 1944 đó, Nguyễn Ngân Cô lần đầu tiên ngồi xe do Kim Hồng Mai lái. Khi đó cô cũng không ngờ mình sẽ trở thành khách quen của chiếc xe này, cô chỉ ngồi trên ghế phụ ôm lấy con chó của Kim Hồng Mai, cầu nguyện cho lần tế bái của cô trước khi rời khỏi quê hương trước Hải thần nương nương vẫn còn hữu hiệu, phù hộ cho chồng cô tránh khỏi kiếp nạn này, con của cô không thể vừa ra đời đã mất ba.

May mà kỹ thuật lái xe của Kim Hồng Mai rất giỏi, tốc độ cũng rất nhanh. Họ vội vã đến phòng khám phương Tây trước khi chất độc lan rộng. Không tiên sinh đã đỡ chồng cô đi nói rõ tình hình với y tá, lần đầu tiên Nguyễn Ngân Cô nghe anh ta nói tiếng Anh. Thực ra cô không hiểu tiếng Anh, nhưng tiếng Anh của Không tiên sinh khác hẳn với tiếng Anh ở Úc, nhóm y tá tóc vàng sau khi đưa chồng cô vào phòng phẫu thuật còn thì thầm với nhau gì đó.

Sau khi Kim Hồng Mai đã xong nhiệm vụ đưa người đến nơi, cô ấy châm một điếu thuốc, vẻ mặt đăm chiêu nhìn Không tiên sinh.

“Giọng Anh à?” Cô hỏi.

“Cô Kim có thể phân biệt được giọng nói sao?” Không tiên sinh cũng ngạc nhiên.

“Có một người quen cũ từng du học ở nước Anh từng dạy tôi tiếng Anh, khẩu âm giống hệt như anh.” Kim Hồng Mai mỉm cười hờ hững.

Không tiên sinh không nói gì nữa, như thể cảm thấy mình đã để lộ ra quá nhiều. May mà Nguyễn Ngân Cô sẽ không nhiều chuyện, mà Kim Hồng Mai cũng không phải một người tò mò. Bọn họ đã ngồi bên ngoài phòng khám rất lâu, phòng khám cổ kính bên bờ biển rõ ràng chỉ mười năm lịch sử lại bị hơi nước thấm vào mặt tường hằn lên những vân nước. Vách tường màu vàng, trần nhà là những tấm sắt thô sơ. Kim Hồng Mai hoạt động cái cổ đã cứng còng phát ra những tiếng răng rắc đáng sợ.

Cô ấy đã hút hai điếu thuốc nhưng vẫn không thể giảm bớt cơn buồn ngủ, Không tiên sinh quay sang ân cần hỏi thăm: “Cô Kim lái xe từ Sydney đến đây phải mất bao lâu? Có phải chưa nghỉ ngơi hay không?”

“Tôi đã hai đêm không ngủ rồi.” Cô ấy thản nhiên trả lời.

Hôm đó cô ấy đã mặc một chiếc váy sơ mi kẻ caro kiểu Scotland, hàng khuy chạy dài từ xương quai xanh đến gấu váy. Vòng eo của chiếc váy được bóp rất gọn, mũ và giày đều có màu trắng, dáng người mảnh khảnh nhưng tràn đầy sức sống. Cô ấy đứng đó giống như một bông hoa đỏ sắp nở ra từ trong chiếc váy màu xanh lục tràn đầy nhựa sống.

Nhưng cô ấy đã quá mệt, đóa hoa hiếm khi thu mình không nở mà hơi rũ nụ hoa xuống. Nụ hoa đậu vào trên vai Không tiên sinh, khiến anh ta như đang nâng niu một cành hoa trong lòng, một cành hoa mà không ai có thể hái được.

Hải thần nương nương từ bi, cũng cảm ơn quyết định đầy quyết đoán của Không tiên sinh, cảm ơn cô Kim đã đến kịp thời. Chồng của Nguyễn Ngân Cô đã tỉnh dậy sau cơn hôn mê, anh ấy đã quên hết thảy những chuyện xảy ra lúc chiều, chỉ nói mình giống như một bầy cá đang phiêu lưu trong biển. Bốn người một chó trở về Lost at Sea trước khi bóng đêm buông xuống, Nguyễn Ngân Cô mời Kim Hồng Mai ở lại ăn cơm tối, ngủ lại một đêm, cô ấy không từ chối.

Kim Hồng Mai đã quá mệt mỏi, ăn xong bữa cơm đã đi đến phòng của Không tiên sinh để ngủ, còn anh ta thì trải đệm trong phòng khách. Nguyễn Ngân Cô biết mình không cần phải dọn dẹp cho cô Kim, bởi vì phòng ốc của Không tiên sinh sẽ mãi sạch sẽ và chỉnh tề như thế. Lúc anh ta đến chỉ mang rất ít đồ đạc, ở đây đã nửa năm cũng chỉ có thêm vài cuốn sách trên bàn.

Có lẽ dù cho một ngày nào đó Không tiên sinh muốn rời đi, trong căn phòng đó cũng sẽ không có gì thay đổi. Mọi thứ trong sinh mệnh của anh ta đều trống rỗng, tạm gác lại vì chiến tranh để bù đắp những tiền đề không người biết đến, để rồi một ngày nào đó thắng lợi, cả anh ta và đồng đội vừa không để lại tên tuổi, cũng không lưu lại công lao.

Nhưng Nguyễn Ngân Cô vẫn nhớ rõ, đêm đó cô nghe thấy bên ngoài cửa có tiếng bước chân rất khẽ. Cô không đánh thức chồng, một mình vịn cửa sổ nhìn ra bên ngoài sân, nhìn thấy Không tiên sinh và cô Kim đang ngồi cạnh nhau trong sân trò chuyện.

Kể từ ngày đó, mỗi lần cô Kim đến Lost at Sea vận chuyển ngọc trai, Nguyễn Ngân Cô đều sẽ mời cô ấy đến nhà mình. Mùa hạ bên bờ biển năm ấy thật tuyệt vời làm sao, cô nhìn bụng mình dần nhô lên cao, tận hưởng niềm hạnh phúc khi mang trong mình một sinh mệnh nhỏ, cũng bất giác vui vẻ mỗi khi nhìn thấy Không tiên sinh và cô Kim ngồi trò chuyện với nhau. Khi đó Nguyễn Ngân Cô còn tin rằng, chỉ cần mình chăm chú vào hai người họ nhiều nhất có thể, con của cô khi ra đời cũng sẽ xinh đẹp như vậy.

Lúc cô Kim đến, Không tiên sinh sẽ đưa quyển sách mình đọc xong cho cô ấy. Cô ấy không thích đọc sách, nhưng Không tiên sinh vẫn kiên trì đề cử sách hay, thậm chí còn ngồi một bên đọc thành tiếng khi cô ấy đang ngủ trưa. Nguyễn Ngân Cô đang cầm kim chỉ may quần áo cho đứa trẻ, nghe thấy tiếng đọc thì thầm của Không tiên sinh bên cạnh cô Kim đang ngủ trên ghế tựa: “Chú chim non đấu tranh thoát khỏi quả trứng. Quả trứng là thế giới. Ai muốn được sinh ra, trước hết phải phá hủy một thế giới…” – trích tiểu thuyết Demian của của Hermann Hesse.

Kim Hồng Mai tức giận bật dậy, khuôn mặt xinh đẹp nhăn nhó, hai hàng chân mày cau chặt lại, hét lớn: “Anh mà còn đánh thức tôi, tôi cũng sẽ phá hủy thế giới này!”

Nguyễn Ngân Cô bật cười phá lên.

***

Không tiên sinh có thích cô Kim không? Chắc là có một chút. Nhưng tình yêu của anh ta giống hệt với con người anh ta vậy, trống rỗng, giống như cánh chim không bao giờ đáp đất. Anh ta chưa từng hứa hẹn với cô Kim bất kỳ chuyện gì, chưa bao giờ cho cô ấy bất kỳ một vật gì, thậm chí chưa từng tiết lộ một nửa quá khứ thực sự của mình.

Ngày anh ta đi cũng giống như ngày anh ta đến. Trên bến tàu có mấy người xa lạ đến, anh ta ra ngoài nói chuyện với họ, lúc trở về anh ta đã lấy một chiếc vali đã đựng sẵn hành lý từ dưới gầm giường ra. Nguyễn Ngân Cô vác bụng bầu đã lớn vịn vào khung cửa nhìn vào trong, thấy được một khẩu súng chợt thoáng qua trong vali.

Đây là chiếc vali anh ta mang đến, không đựng thêm được bất kỳ thứ gì mua thêm từ bến tàu. Nguyễn Ngân Cô và chồng chậm rãi bước ra cửa tiễn họ rời đi, Không tiên sinh thì thầm vài câu với cộng sự rồi quay lại chào tạm biệt hai vợ chồng lần cuối.

Con dao giấu kín sắp được rút khỏi vỏ, nhưng Nguyễn Ngân Cô lại cảm thấy rất hụt hẫng. Những người làm việc lớn đều sẽ như thế sao? Rõ ràng đã từng cùng nhau ngắm trăng, nhưng lúc sắp đi, tại sao lại chẳng để lại lời nào cho cô Kim vậy chứ?

Anh ta để lại toàn bộ số tiền còn lại cho vợ chồng Nguyễn Ngân Cô, nói rằng đó là quà tặng đầy tháng cho đứa trẻ và gửi lời cảm ơn họ đã chăm sóc anh ta nửa năm qua. Đoàn người lặng lẽ rời đi trong đêm, Nguyễn Ngân Cô đi vòng trở lại phòng khách, nhìn thấy trong phòng chỉ còn lại vài quyển sách trên bàn. Ngoài ra, căn phòng trống rỗng vắng lặng hệt như chưa từng có ai sống ở đó.

Căn phòng vẫn giữ nguyên dáng vẻ đó cho đến ngày cô Kim đến. Nguyễn Ngân Cô không dám đá động đến những quyển sách đó, đó là thứ duy nhất có thể chứng minh được Không tiên sinh từng xuất hiện ở đây. Cô sợ mình làm xáo trộn chúng, vậy thì chút dấu vết cuối cùng của Không tiên sinh để lại sẽ không còn nữa. Mỗi lần Kim Hồng Mai đến, Không tiên sinh đều sẽ nhường phòng cho cô ấy ngủ, nhưng lần này chẳng cần ai nhường, căn phòng cũng đã trống sẵn.

Nguyễn Ngân Cô cảm thấy trách nhiệm cho lời giải thích này không nên đổ trên đầu cô, cô đã cho ăn cho ở, còn cho anh ta mượn nhà để dưỡng thương, sao còn bắt cô phải giúp anh ta đối phó với phụ nữ thế? Cuối cùng, chồng cô đã đứng ra nói với Kim Hồng Mai rằng cô Kim, Không tiên sinh đi rồi.

Cô Kim, Không tiên sinh đi rồi.

Đây chính là cách của đàn ông, họ sẽ không giải thích mà chỉ tường thuật. Nguyễn Ngân Cô cho rằng Kim Hồng Mai sẽ truy hỏi đến cùng, nhưng cô ấy vẫn không hỏi câu nào. Cô ấy chỉ đi vào căn phòng đó, lật giở những quyển sách mà Không tiên sinh đã bảo cô ấy đọc, lấy ra một tờ giấy kẹp bên trong.

Nguyễn Ngân Cô thở phào một hơi, thảo nào anh ta không nói với vợ chồng họ. Người trí thức quả nhiên có cách riêng của mình, nhưng cô vừa mới thả lỏng thì đã nghe Kim Hồng Mai cười nhạt, sau đó gấp tờ giấy lại đưa qua cho cô.

“Bỏ vào củi lửa đốt cháy giúp tôi. Cái gì mà đợi hay không đợi, tôi cũng không phải người rảnh rỗi không có việc gì làm.”

Cô ấy nói xong thì đi ngay, để lại hai vợ chồng mù chữ ngơ ngác nhìn nhau. Đương nhiên Nguyễn Ngân Cô không đốt tờ giấy, lúc cô đi viết thư gửi về nhà đã cố ý mang tờ giấy nhờ thầy đồ đọc giúp: Chờ ngày trở về, nếu không trở về, đừng đợi.

— Cô Kim, Không tiên sinh đi rồi.

— Chờ ngày trở về, nếu không trở về, đừng đợi.

— Tôi cũng không phải người rảnh rỗi không có việc gì làm.

Nguyễn Ngân Cô thật sự không hiểu nổi những người trí thức này.

***

Năm 1945, trong thế giới của Nguyễn Ngân Cô đã xảy ra ba sự kiện hệ trọng.

Tháng tư, con của cô chào đời, tên đứa bé là do Không tiên sinh đã đặt giúp cho vợ chồng họ lúc anh ta còn ở đây, gọi là Tưởng Minh.

Tháng chín, phố người Hoa ở bến tàu nhộn nhịp tiếng người hò hét ăn mừng ngày quân Nhật Bản đầu hàng, kháng chiến thắng lợi. Có người cầm băng ghế dưới đất lên làm đầu sư tử múa may, tiếng còi tài xế xe tải đến chuyển hàng huýt dài. Thầy đồ cầm một tờ báo được mang tới từ thành phố khác lên, đứng trên bàn đọc to: “Chiến tranh chống phát xít thế giới đã giành thắng lợi hoàn toàn!”

Nhóm dân xa xứ hỏi thăm lẫn nhau: “Có phải chúng ta được trở về nhà rồi hay không?”

Đêm tối rồi sẽ sáng, đêm tối cuối cùng cũng sáng.

Hai tin tốt lành nối gót nhau mà tới, tin tức thứ ba lại khiến lòng người bi thương.

Họ đã rời nhà quá lâu, đã cách thời gian cầu nguyện lần trước đó quá lâu, Hải thần nương nương cuối cùng cũng đã quên mất phải phù hộ cho họ. Ngày đó chồng cô vẫn ra khơi như thường lệ, không may gặp phải con sóng lớn. Anh và ba người còn lại trên thuyền đều không trở về nữa.

Ngay từ ngày Nguyễn Ngân Cô đến đã nói rằng, người phương Tây không chú trọng vận hạn, cái tên Lost at Sea của bến tàu này không mang điềm lành.

Người đã biến mất dưới đáy biển sâu, thi thể không tìm về được nên chỉ có thể lập mồ chôn di vật. Đứa bé vẫn chưa biết gì, nó nằm trong lòng cô khóc lớn oe oe không ngừng, là Kim Hồng Mai đã đến bế nó lên.

Đây vốn là lần cuối cùng cô ấy đến Lost at Sea. Chiến tranh đã kết thúc, mô hình vận chuyển đường biển cũng sẽ thiết lập lại, ông chủ Hồ cũng sẽ có kế hoạch mới cho công việc kinh doanh ngọc trai của mình. Kim Hồng Mai cầm một khoản tiền lớn, còn được hời một chiếc xe Austin và một con chó lai sói Tiệp Khắc của ông chủ Hồ. Nguyễn Ngân Cô tưởng rằng cô ấy muốn rời đi nhưng cô ấy lại nói muốn ở lại đây.

Ở lại đây làm gì chứ? Nguyễn Ngân Cô cho rằng với năng lực của Kim Hồng Mai, cô ấy có thể đi rất nhiều nơi – Melbourne, Sydney, cho dù là Perth cũng ở Tây Úc nhưng đều sầm uất và vẻ vang hơn bến tàu ở nơi xa xăm này.

Nhưng Nguyễn Ngân Cô bỗng chốc đã hiểu ra, cô Kim không còn làm vận chuyển nữa, bây giờ cô Kim không có việc gì làm.

Hoặc có lẽ cô ấy muốn đợi chờ Không tiên sinh cũng không chừng.

Chờ ngày trở về, nếu không trở về, đừng đợi.

Nhưng chiến tranh đã kết thúc rồi, sao Không tiên sinh vẫn chưa quay trở về?

Nói tóm lại, Kim Hồng Mai cứ như thế ở lại trong nhà của Nguyễn Ngân Cô. Lúc mới dọn vào cô ấy cũng giống như Không tiên sinh, rảnh rỗi không có việc gì làm thì sẽ lái xe ra ngoài, cô ấy sẽ lại lái xe đi dọc theo con đường quốc lộ đến tận cùng đường ven bờ biển đến dưới vách núi, như muốn lái vào trong con sóng dữ đang cuồn cuộn của Ấn Độ Dương. Những lúc không lái xe cô ấy sẽ đọc sách, đọc những quyển sách mà Không tiên sinh đã để lại. Lúc Nguyễn Ngân Cô may quần áo cho con trai chợt nghe tiếng cô ấy đọc thầm vang lên từ trong phòng ngủ: “Chú chim non đấu tranh thoát khỏi quả trứng. Quả trứng là thế giới. Ai muốn được sinh ra, trước hết phải phá hủy một thế giới…”

Cô ấy có ý gì đây? Nguyễn Ngân Cô không hiểu, có lẽ là cô Kim đã hiểu ra được gì đó rồi.

Sau đó Kim Hồng Mai cũng không chịu ở yên được nữa. Cô ấy đi theo Nguyễn Ngân Cô bán trứng tráng hàu, đeo tạp dề lên, buộc mái tóc dài lên rồi dùng lưới chụp tóc búi lại gọn gàng. Cô ấy đứng trên bến tàu, một khung cảnh tuyệt đẹp hiện ra ở đó. Cô ấy cũng theo cô học bơi bên bờ biển, Nguyễn Ngân Cô là con gái nhà ngư dân, vốn đã giỏi bơi lội nên dạy người khác cũng dễ dàng như trở bàn tay.

Kim Hồng Mai học được cách lặn bằng ống thở rất nhanh, nhưng suy cho cùng cũng không thể sánh được với năng lực học từ thuở nhỏ của cô, cô ấy không thể lặn sâu xuống đáy biển múa cùng bầy cá, chỉ dám đắm mình trong gió biển trên mặt nước.

Trước đây Nguyễn Ngân Cô nhìn thấy trên bến tàu có dân chạy nạn từ Hy Lạp tới cũng là thợ lặn, vừa sinh con ra không bao lâu đã mang đứa bé vào sóng nước, chưa đi vững thì đã biết bơi. Khi đó cô còn cảm thấy họ quá hoang đường, nhưng đến lượt cô cũng buồn cười chẳng khác gì họ. Tưởng Minh hơn một tuổi đã biết lặn, lúc đứng dậy còn chưa cao bằng đầu sóng.

Hai người phụ nữ nuôi dạy một đứa trẻ, cách chăm sóc đứa trẻ “hoang dã” hơn bất kỳ đứa bé trai nào trên bến tàu.

Cô Kim dường như đã quên mất Không tiên sinh, cô ấy không còn nhắc đến, Nguyễn Ngân Cô cũng sẽ không hỏi, giống như chưa bao giờ nhắc lại người chồng đã mất của mình. Hai người bán món hàu tráng trứng, lái xe, đi phố người Hoa mua sắm đồ đạc, xuống biển. Ngày tháng cứ bình lặng trôi qua như thế, cho đến một ngày có một chiếc thuyền khai thác ngọc trai được cho thuê ở bến tàu.

Khi đó quy tắc trong ngành khai thác ngọc trai quy định rằng thuyền là của người chủ, chủ sẽ bỏ tiền ra cung cấp thiết bị, thuê người, thợ lặn ở các quốc gia xuống nước, bắt trai ngọc. Trai ngọc mang về sẽ tính theo sản phẩm để thu phí, ngọc trai và vỏ trai đều tính dưới tên của chủ thuê. Thợ lặn tất nhiên chịu thiệt, nhưng họ cũng không cần gánh chịu những rủi ro khi thị trường ngọc trai lên xuống, cũng như nguy hiểm khi tàu thuyền gặp nạn. Các kênh đối ngoại để bán ngọc trai theo số lượng lớn cũng dựa vào quan hệ, không phải ai cũng có thể làm được.

Việc cho thuê thuyền thế này rất hiếm thấy, có lẽ là chủ thuê đã không còn đủ sức để xử lý nhân công và hàng hóa. Sau khi cho thuê, ngoại trừ quyền sở hữu thuyền vẫn thuộc về người chủ, toàn bộ rủi ro và lợi ích đều được chuyển giao cho bên khách thuê.

Hôm đó khi Kim Hồng Mai về nhà đã nghĩ đến việc thuê thuyền.

Khoản thanh toán cuối cùng mà ông chủ Hồ cho cô ấy quá ít để mua nhà, lại quá nhiều để trang trải cuộc sống hàng ngày, đem đi thuê một chiếc thuyền khai thác ngọc trai là vừa đủ. Những chiếc thuyền khai thác ngọc khác đi xa, bắt được nhiều, ông chủ kiếm được tiền còn phải chi trả cho nhân công. Vậy các cô cũng thuê một chiếc thuyền nhưng không thuê người mà tự mình làm thì có thể đi con đường riêng được không?

Kim Hồng Mai nói ý tưởng này cho Nguyễn Ngân Cô biết, cô đã đồng ý ngay mà không hề do dự.

Chồng đã mất, nhưng cha mẹ già ở nhà vẫn ngóng trông họ gửi tiền về. Con trai còn nhỏ như vậy, chỉ bán hàu tráng trứng thôi thì không đủ hai miệng ăn. Nguyễn Ngân Cô không do dự, cô vẫn luôn nhớ rõ, thuở nhỏ mình cũng đã từng là một “kình ngư” lão luyện.

Kim Hồng Mai viết thư cho ông chủ Hồ, cô ấy không nhờ thầy đồ trên phố mà tự mình viết, chữ không đẹp mấy nhưng lời lẽ rất ngông cuồng. Cô ấy viết rằng: lúc anh khó khăn tôi đã giúp anh, bây giờ tôi cần làm việc, anh cũng phải giúp lại tôi. Những chủ thuyền khác trên bến tàu đều có kênh vận chuyển hàng riêng của họ nên không dễ cướp mối được, ngày mai tôi sẽ vớt một mớ ngọc trai lên, anh gom một lô bên tôi trước. Nửa tháng sau, lá thư dở khóc dở cười của ông chủ Hồ đã gửi về nói muốn xem chất lượng ngọc, bảo cô ấy vớt lên rồi lái xe đi một chuyến đến Sydney đi.

Thế là một cuộc sống mới đã bắt đầu.

Hai người thuê được thuyền, sau đó cải tạo lại chiếc thuyền từ đầu đến cuối, quét sơn chồng lên để xóa bỏ cái tên ban đầu. Tên mới sẽ là gì đây? Nguyễn Ngân Cô cho rằng mình chỉ là thợ lặn làm công nên giao quyền quyết định cho Kim Hồng Mai. Cô ấy cắn cán chổi sơn suy xét một hồi, sau đó “phụt” một tiếng phun vụn gỗ trong miệng ra, cầm lấy chổi sơn viết những chữ xiêu vẹo lên trên mặt, vẫn là kiểu chữ không được đẹp đó mà còn là tiếng Anh.

Nguyễn Ngân Cô không biết chữ, hỏi cô ấy: “Nghĩa là gì?”

“Hoa Hồng.” Kim Hồng Mai nói: “ROSE”

Kim Hồng Mai học lái xe ở Sydney, học bắn súng ở Alice Springs và Lost at Sea đã dạy cô ấy cách lặn xuống nước vài lái thuyền. Cô ấy mua bộ trang phục lặn ở phố người Hoa, áo có cổ cài cúc và quần yếm. Nhưng quần áo của cô ấy cũng khác biệt với những người đàn ông ra khơi khác, cô ấy mua một chiếc khăn lụa màu đỏ hồng buộc quanh cổ. Từ đó trở đi trên bến tàu đã truyền nhau lời đồn rằng, nếu như nhìn thấy con thuyền phấp phới một mảng màu đỏ hồng từ đằng xa, vậy thì họ sắp đối mặt với chiếc thuyền số hiệu Hoa Hồng do hai người phụ nữ cầm lái.

Nguyễn Ngân Cô là người chịu trách nhiệm lặn xuống nước, cô học theo dáng vẻ của chồng mình khi còn sống, treo hai cái thúng ở bên hông và dẫn một đường ống đi sâu xuống đáy biển, tìm kiếm những con trai sinh ra ngọc. Sự to lớn của loài động vật có vỏ ở Ấn Độ Dương vượt xa sức tưởng tượng của cô, có lẽ chính vì loài động vật có vỏ to lớn như vậy nên mới có thể thai nghén ra những viên ngọc trai trắng Nam Dương nổi tiếng khắp thế giới.

Cũng không phải là chưa từng gặp nguy hiểm. Vùng biển rộng lớn cũng sẽ sản sinh ra những loài cá to lớn. Cho dù chúng không chủ động tấn công, nhưng chỉ cần thân cá chạm lướt qua sợi dây thừng nối giữa người lặn và thuyền cũng sẽ tạo thành những chấn động rất lớn. Nguyễn Ngân Cô từng bị một con cá mang theo sợi dây kéo đi hơn trăm mét, cô đã cắt đứt sợi dây, liều mình vùng vẫy trong nước bởi trở về thuyền Hoa Hồng.

Kỳ lạ là, cô chưa từng có ý nghĩa sẽ từ bỏ việc đánh bắt ngọc trai.

Suy nghĩ đó chưa từng xuất hiện trong đầu cô, dù chỉ là một lần.

Nguyễn Ngân Cô là một người phụ nữ thất học, nhưng sau này cô đã đúc kết ra một đạo lý, cô cảm thấy mỗi một người đều sẽ nghe theo một tiếng gọi nào đó, giống như có những người điên cuồng đi leo núi đi nhảy dù, họ không sợ chết sao? Không hẳn, chỉ là núi đang vẫy gọi họ, là bầu trời đang triệu hoán họ, và họ sẽ lựa chọn nghe theo tiếng gọi từ trong lòng mình. Còn cô? Từ khi sinh ra có thể đã nghe tiếng vẫy gọi của biển cả, cả đời cô đều đi về hướng biển, cô không sợ chết trong biển lớn, cũng giống như người leo núi sẽ không sợ chết trên đường lên núi. Cái chết chẳng hề đáng sợ, điều đáng sợ là đến khi chết đi vẫn đang đi ngược lại tiếng gọi của trái tim mình.

Một điều khiến Nguyễn Ngân Cô vui sướng hết thảy nữa là khi Kim Hồng Mai đi Sydney về đã thỉnh về một bức tượng của Thánh Mẫu ở trong thương hội Mân Nam bên đó. Hải thần nương nương ngồi nghiêm trang trên ghế phụ được cô ấy mời về Lost at Sea, mời về trong nhà của cô. Cô dâng lên những lễ vật tốt nhất cho Hải thần nương nương, trước mỗi lần ra khơi đều quỳ xuống đất cầu nguyện.

Cô đã nói mà, chồng cô gặp chuyện không may chính là vì lần cầu nguyện trước đó đã quá cũ nên hết hiệu lực, Hải thần nương nương mới quên mất họ. Hiện giờ Hải thần đã giáng lâm, thuyền của cô và Kim Hồng Mai chưa từng gặp phải sự cố gì, mỗi một lần ra biển đều trời trong nắng ấm, một một thúng trai biển đều có sản lượng cho ngọc cao ngất ngưởng. Thuyền là của hai người họ, ngọc trai cũng vậy. Ông chủ Hồ là người đầu tiên thu mua, về sau hai cô lại có nhiều mối buôn bán hơn. Thế là chiếc thuyền và con chó lai sói Tiệp Khắc đều là thứ nổi tiếng hiếm thấy trên bến tàu.

Ngọc trai hiệu Hoa Hồng – Mọi người đã đặt cái tên riêng biệt cho hàng hóa của các cô như thế.

Thỉnh thoảng Nguyễn Ngân Cô sẽ nhớ tới chồng mình, nhớ đến chiếc thuyền khi họ đến Lost at Sea. Hai vợ chồng chen chúc trong đáy khoang thuyền nhỏ, cô rúc người vào lòng anh. Chồng cô đối xử với cô rất tốt, cô rất nhớ anh ấy, chỉ là cô cảm thấy cuộc sống hiện tại cũng không quá khổ sở.

Còn Kim Hồng Mai, liệu cô ấy có nhớ đến Không tiên sinh không?

Anh ta đã nói, nếu không trở về – đừng đợi. Vậy những năm cô ấy ở lại trên bến tàu này là để làm gì đây?

Năm 1950, con trai của Nguyễn Ngân Cô – Tưởng Minh đã tròn 5 tuổi.

Sự trưởng thành của đứa bé thật bí ẩn đến nỗi cô không cảm thấy mình đã có lòng dạy con được gì, nhưng cậu bé học nói, học đi cũng đã học lặn, ở dưới nước cũng linh hoạt như ở trên bờ, thậm chí ở dưới nước còn hiếu động hơn. Cô đã già hơn một chút, con chó lai sói cũng đang dần già đi, chỉ có Kim Hồng Mai là chẳng khác gì nhiều so với năm cô ấy đến. Những năm đó các cô đã bán rất nhiều ngọc trai, tích lũy đủ tài sản để sống đến già, nhưng Nguyễn Ngân Cô cũng giống như rất nhiều thợ lặn khác, cô mắc phải chứng giảm áp do hoạt động lâu dài ở dưới biển sâu gây nên.

Có một ngày, Kim Hồng Mai từ Sydney về đã tìm Nguyễn Ngân Cô và nói cho cô nghe một tin tức. Cô ấy nói có một nhà khai thác ngọc trai người Hy Lạp đã bắt tay vào kỹ thuật nuôi dưỡng trai ngọc, ngọc trai tự nhiên có hiệu suất bắt được quá chậm, tỷ lệ cho ngọc cũng thấp, nếu như một trang trại ngọc trai được thành lập, việc làm ăn của họ sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

“Ngân Cô, thực ra tôi đã chán ngấy cuộc sống như thế này rồi. Tôi chưa từng ở yên một chỗ lâu đến như vậy, tôi muốn trả thuyền lại.”

Nguyễn Ngân Cô không có ý muốn ngăn cản cô ấy, cô là thợ lặn giỏi nhưng lại không có nhiều phán đoán về chuyện thế sự. Kim Hồng Mai nói việc đánh bắt ngọc trai đã sắp kết thúc vậy thì sẽ không làm được nữa. Cô cũng đã kiếm đủ số tiền để nuôi con và cấp dưỡng cho gia đình ở quê hương. Trong lòng cô cũng rất rõ mình đang đi nhờ trên chuyến xe của Kim Hồng Mai.

Giống như những lần cô ấy lái chiếc Austin đưa cô đi đến bến tàu vậy.

“Vậy tiếp theo đây cô Kim định làm gì?” Nguyễn Ngân Cô dè dặt hỏi thăm.

“Trong tay ông chủ của một khách sạn trên phố người Hoa ở Melbourne có một ngôi nhà hai tầng màu đỏ rất hợp ý, tôi đã thích nó từ lâu, tôi muốn mua lại nó, tầng dưới sẽ mở một cửa hàng, tầng trên để sống, như thế sẽ rất thoải mái.” Kim Hồng Mai kể cho cô nghe như vậy.

Cỏ dại phiêu bạc khắp nơi cũng đã đến lúc muốn có một nơi an thân, Nguyễn Ngân Cô cũng thấy mừng thay cô ấy. Ngày cô ấy đi thời tiết rất đẹp, giống như ngày cô ấy quyết định ở lại nơi hẻo lánh này vậy. Cô ấy lái xe đưa Nguyễn Ngân Cô đến bến tàu, dúi sợi dây dắt chó vào tay cô.

“Nó đã quen với khí hậu và miền biển Tây Úc. Hơn nữa nếu mang nó đi cùng, Tưởng Minh biết được sẽ khóc thương.” Kim Hồng Mai nhàn nhạt nói.

Thực vậy, giữa trẻ con và chó luôn có tình cảm sâu sắc hơn.

Vậy giữa người với người thì sao?

Ngày đó Nguyễn Ngân Cô ngơ ngác ngắm nhìn Kim Hồng Mai, mái tóc tung bay trong làn gió biển và khuôn mặt tựa như ngọc. Lúc mới đến cô ấy đã đủ xinh đẹp, nhưng giờ đây làn da đã hơi sạm đi do gió biển trông càng thêm quyến rũ hơn. Cuối cùng cô cũng không dằn lòng được nữa: “Cô Kim, tôi nghĩ Không tiên sinh không phải người bình thường, ngày anh ta đi tôi đã nhìn thấy khẩu súng trong vali đồ của anh ta. Cô đừng đau lòng, anh ta không về nhất định là có lý do riêng…”

Đây là lần đầu tiên Nguyễn Ngân Cô nhiều lời xen vào chuyện người khác.

Kim Hồng Mai hiếm khi sửng sốt, ngay sau đó cô ấy vén mái tóc ra sau tai, tựa lưng vào cửa xe, ngẩng đầu cười lớn trước sóng biển cuồn cuộn.

Cười đến trào nước mắt.

“Ngân Cô, cô hiểu lầm rồi.” Kim Hồng Mai lắc đầu nói: “Tôi không yêu anh ta, cũng sẽ không yêu anh ta, đó không phải là lý do tôi ở lại bến tàu. Chỉ có kẻ ngốc mới đứng yên một chỗ đợi chờ một người. Huống hồ tôi còn chẳng biết tên của anh ta… Sao tôi có thể chờ đợi một người mà mình còn không biết họ là ai chứ?”

Nguyễn Ngân Cô bừng tỉnh.

Đúng vậy, Không tiên sinh, Không tiên sinh, ba chữ này cô đã gọi đến quen rồi nên chẳng ý thức được, từ đầu đến cuối ngay cả tên của Không tiên sinh là gì họ cũng chẳng biết.

Anh ta thật sự chẳng để lại gì cả.

Bến tàu đúng thật là bến tàu, người đến đây đều là khách qua đường. Không tiên sinh đến rồi đi, cô Kim cũng đến rồi đi, ngay cả chồng cô cũng đã đi mất.

Người đến người đi, đến sau cùng chỉ còn một mình Nguyễn Ngân Cô ở lại bến tàu sống quãng đời còn lại đến cuối đời.

Mới đầu còn có con chó, chính là con chó lai sói mà Kim Hồng Mai để lại. Lúc cô Kim chuẩn bị rời đi nó rất không nỡ, cắn lấy góc áo cô ấy không buông. Tưởng Minh cũng quyến luyến, cậu bé rất thích người dì đã nuôi lớn mình, dù rằng tính cách dì ấy hay nổi nóng hay khó chịu, cơm do dì ấy nấu cũng khó nuốt, còn có mấy lần bỏ quên cậu bên bờ biển. Một đứa bé và một con chó cứ kéo lấy góc áo và ôm chân cô ấy không rời, cuối cùng còn làm đứt chuỗi vòng trên cổ tay cổ ấy, ba hạt ngọc còn lại rơi vãi trên sàn nhà.

Tưởng Minh biết Kim Hồng Mai rất trân trọng chuỗi vòng này, những lúc rảnh rỗi dì ấy thường sẽ ngắm nghía chuỗi vòng trong lòng bàn tay, thế là cậu bé đã chộp lấy một hạt ngọc có khắc chữ “Bất” trong số đó, cậu chỉ nghĩ đơn giản rằng nếu cậu không trả lại, Kim Hồng Mai sẽ không rời đi.

(*) 不:chữ Bất, nghĩ là “Không”.

“Tưởng Minh, trả đồ lại cho dì Kim!” Nguyễn Ngân Cô quở trách con trai.

Nhưng Kim Hồng Mai lại nói: “Cứ cho cậu nhóc giữ lại đi.”

Nói rồi, cô ấy cúi người nhặt lấy hai hạt ngọc còn lại lên, xoa đầu cậu bé rồi vuốt ve con chó bên cạnh: “Giữ lại làm kỷ niệm, chờ đến khi trưởng thành rồi thì đến Melbourne tìm dì.”

Người đến rồi đi, Không tiên sinh để lại vài quyển sách, cô Kim để lại một hạt ngọc và một con chó. Nguyễn Ngân Cô đã xâu hạt ngọc này vào cùng với ngọc trai để làm thành vòng cổ cho Tưởng Minh. Năm Tưởng Minh 16 tuổi đã đi đến Perth để học trung học, lúc trở về nhà còn dắt theo một con chó lai sói Tiệp Khắc xinh đẹp.

Sau đó, sau đó nữa…

Khi Tưởng Minh trưởng thành đã tự kiếm được tiền rồi, con trai muốn đưa mẹ vào thành phố sống nhưng cô đã từ chối. Trong thành phố nơi xứ người liệu có tượng thần của quê hương không? Nguyễn Ngân Cô không biết, nhưng ở bến tàu thì chắc chắn có, đó là Hải thần nương nương mà cô Kim đã thỉnh về. Nguyễn Ngân Cô tìm một ngọn núi cao gần đó, thuê nhân công xây từng viên gạch từng miếng ngói thành một ngôi đền rồi chuyển bức tượng vào đó. Cô không còn làm phiền đến Kim Hồng Mai nữa, trên hành trình của mỗi người đều sẽ có bạn đồng hình của từng giai đoạn, duyên phận của cô và Kim Hồng Mai đã dùng hết rồi, cũng giống như duyên phận giữa cô và chồng không còn nữa, và duyên phận giữa cô Kim và Không tiên sinh cũng đã hết tự bao giờ.

Hoặc có lẽ giữa hai người họ vốn dĩ chưa từng có duyên phận. Một người ngay cả tên mình còn chẳng muốn để lại thì liệu có bao nhiêu duyên phận đây?

Nguyễn Ngân Cô đã sống rất lâu, lâu hơn bất kỳ người già nào trong gia tộc, lâu đến mức không cần phải gửi tiền về nuôi gia đình nữa. Trong một đêm mưa kéo dài rả rích, Nguyễn Ngân Cô đã mơ thấy Hải thần nương nương mà cô tôn thờ trên đỉnh núi đã mở miệng nói chuyện với cô. Hải thần nương nương nói ngày mai trên bến tàu sẽ có một cô gái trẻ tuổi đến, cô ấy có dung mạo hệt với cố nhân của cô. Ngài bảo cô hãy trao lại hạt ngọc cho cô ấy, cô ấy sẽ đi hoàn thành mối duyên phận còn đang dang dở.

Nguyễn Ngân Cô bừng tỉnh dậy, cô nghĩ cả đời này của cô chỉ có một cố nhân, chỉ có Kim Hồng Mai mới được xem là cố nhân của cô.

Thế là Nguyễn Ngân Cô phiên bản người cao tuổi đã quyết định ngày mai đi đến bến tàu xem thử.