Gần đây trường của tôi đã bắt đầu phát động phong trào ngày nhà giáo Việt Nam 20/11. Tuy còn hơn một tháng nữa mới đến nhưng đây là khoảng thời gian tốt để các lớp thi đua với nhau. Đến ngày diễn ra văn nghệ sẽ có giải thưởng cho một lớp học hay một cá nhân có thành tích xuất sắc nhất. Các lớp còn phải biểu diễn các tiết mục văn nghệ, viết báo tường. Và vẽ tranh, tuy nhiên vẽ tranh là tự nguyện không bắt buộc.
Lớp tôi tất nhiên không ngoại lệ, nhóm múa của lớp tôi luôn không thay đổi. Luôn là mấy bạn nữ tính tình sôi nổi được chọn đi múa, năm nào các bạn ấy cũng đến nhà nhà nhau để luyện tập rất nhiệt tình. Nhưng lại chưa từng có năm nào được nhận giải. Còn viết báo tường thì không cố định, mỗi năm đổi một nhóm viết. Phần thưởng thì được một lần đạt giải khuyến khích.
Lớp tôi năm nay có thầy Khang làm chủ nhiệm mới nên không chắc sẽ có thay đổi gì hay không. Cả lớp đều phải chờ thầy ra quyết định rồi mới làm. Trong buổi sinh hoạt của lớp, thầy ấy chỉ ra những sai phạm mà lớp mắc phải trong tuần. Sau khi đưa ra hình phạt cho những bạn mắc tội xong thì thầy mới nói đến công việc của ngày 20/11.
"Tôi mới làm chủ nhiệm của các em không lâu nên không rõ năng khiếu của từng em. Cho nên về tiết mục văn nghệ và viết báo tường ngày 20/11 có em nào có đề xuất gì không?" Thầy nhìn quanh lớp rất lâu nhưng không thấy ai nói gì. Sau cùng thầy gọi đích danh lớp trưởng đứng lên "Lớp trưởng, em thể cho tôi biết lớp chúng ta mỗi năm các tiết mục thường diễn ra như thế nào không?".
Lớp trưởng đứng lên nói "Thưa thầy, mọi năm lớp chỉ có một nhóm múa. Là những bạn như Thúy Mai, Huyền Trang, Linh Chi và Yến Thảo ạ. Còn nhóm viết báo tường thì mỗi năm đổi một lần, năm trước lớp có bạn Hữu Minh có năng khiếu vẽ tranh làm nhóm trưởng nên lớp mới được một giải khuyến khích."
"Ừ, cảm ơn em. Em ngồi xuống đi." Thầy nói xong thì ngồi im lặng giống như đang suy tư gì đó.
Không thấy thầy nói gì thì lớp lại quay ra làm việc riêng, còn tôi ngay từ đầu không quan tâm lắm. Lúc bé tôi cũng từng rất háo hức mong được thầy cô chọn đi múa hoặc tham ra viết báo tường nhưng mỗi lần mong chờ là một lần thất vọng. Tính cách của tôi không được nổi trội nên thường xuyên không được chú ý đến, nhiều khi cô giáo còn không nhớ được tên của tôi.
Thế nên mặc kệ các bạn đó đang bàn luận, tôi vẫn đơn độc không để ý đến ai mà ngồi viết linh tinh vào vở nháp.
Trong khi mọi người đang bàn luận thì thầy đột nhiên lại lên tiếng "Nếu nhóm múa đã cố định thì năm nay vẫn giữ nguyên như vậy đi. Còn nhóm viết báo tường sẽ có thay đổi một chút, riêng bạn Hữu Minh vẫn làm nhóm trưởng. Về phần thành viên thì tôi sẽ chọn lớp trưởng và Thanh Linh, hai em viết chữ khá đẹp nên rất hợp để viết nội dung. Còn Lạc Tuyết em phụ trách tìm tòi sáng tạo nội dung để viết lên báo."
Tôi giật thót tim nhìn lên bảng, hình như tôi vừa nghe nhầm điều gì đó. Thầy ấy chọn tôi vào nhóm viết báo tường ư? Mấy bạn trong lớp đang nhìn tôi, ánh mắt của họ như muốn nói với tôi đó là sự thật. Tôi không nghe nhầm, thầy ấy đã lựa chọn tôi. Bây giờ tôi không biết nên vui hay nên buồn, được thầy lựa chọn đó là sự tin tưởng là trọng dụng. Nhưng tôi chưa từng viết báo tường tôi không biết mình phải bắt từ đâu.
"Các em đã nghe rõ chưa?"
"Vâng thầy."
Những bạn được giao nhiệm vụ đồng thanh trả lời, còn tôi vẫn đang ngơ ngác trong thế giới riêng của mình. Tôi không nghe thầy đang nói gì cũng không nhìn thấy thầy đang nhìn mình. Đến khi bị thầy chỉ đích danh thì tôi mới nhận ra bản thân lại như trên mây nữa rồi.
"Tuyết, em có nghe tôi nói không? Em sẽ tham ra vào nhóm viết báo tường."
"Dạ vâng." Tôi vội vàng đứng dậy trả lời.
Nếu như đã được chọn thì phải chấp nhận thôi, dù không biết kết quả ra sao nhưng tôi nhất định sẽ cố gắng làm tốt nhất có thể.
Cuối tiết sinh hoạt mọi người đều về hết, chỉ còn mấy bạn có nhiệm vụ ở lại để bàn bạc với nhau.
Hữu Minh làm nhóm trưởng nên chủ động nói trước "Chiều nay có ai bận gì không? Nếu không chiều nay bắt đầu nghĩ ý tưởng viết báo tường luôn có được không?"
"Chiều nay nhà tao có việc không đi được." Người nói là lớp trưởng
"Chiều tao cũng không đi được."
Thanh Linh và cả lớp trưởng đều nói chiều không đi được nên tôi đưa kiến nghị "Hay là để sáng chủ nhật đi, chủ nhật chắc không ai bận gì đâu."
"Ừ cũng được."
"Thế cũng được."
"Quyết định thế đi." Hữu Minh thấy không ai có ý kiến gì nên cũng đồng ý. "À, Lạc Tuyết và Thanh Linh tìm trước nội dung để viết vào báo. Còn tao với Lan Vy thì tìm chủ đề đến chủ nhật thì quyết định lại sau."
Về nhà tôi thử lên mạng tìm kiếm, vừa viết ra hai từ báo tường thì có vô số kết quả hiện ra. Đa số các bài báo đều viết ra những mẩu thơ, những bài văn được sưu tầm hoặc vẽ các bản nhạc để ca ngợi thầy cô. Tuy nhiên những mẩu truyện ngắn hay các tình huống của học sinh với giáo viên lại ít có bài báo viết vào, dù viết vào cũng khá đại trà vừa nhìn là biết lấy ở trên mạng. Tôi nghĩ mình có thể tập trung về phần này, đôi khi làm gì đó khác với mọi người lại là một điều đặc biệt. Có lẽ tôi sẽ tự sáng tác ra một mẩu chuyện nào đó liên quan đến thầy, thầy của tôi từ lúc dạy học bắt đầu làm giáo viên chủ nhiệm đến giờ cũng đã làm rất nhiều việc cho lớp. Tuy đôi khi thầy ấy bị ghét vì những hình phạt mà thầy đưa ra nhưng trước mắt tôi thấy lớp có vẻ đã tốt hơn rồi. Các bạn ấy bây giờ đã bắt đầu học bài cũ, trong lớp ít nói hơn một chút và ít bắt nạt tôi hơn.
Nhưng ngồi nghĩ nửa buổi tôi vẫn không biết mình nên bắt đầu từ đâu, nên viết câu chuyện nào. Rất khó để chọn ra một câu chuyện mà mọi người thích, cũng bởi vì tôi luôn đi ngược với số đông. Những truyện tôi thấy hay thì bị mọi người chê bai dè bỉu, đổi lại là truyện tôi cảm thấy không có gì đặc sắc thì mọi người lại hết lời ca tụng. Vậy nên tôi khó lòng mà quyết định. Nhưng tôi không muốn viết ra cái gì đó trái ngược với suy nghĩ của mình. Dù cho lúc đó có được sự đồng tình khen ngợi từ mọi người thì tôi vẫn không thể nào vui nổi. Bởi nó không được viết ra từ chính suy nghĩ thật của tôi mà là tôi đang sao chép niềm yêu thích của mọi người để tạo thành một câu chuyện không thuộc về tôi.
Buổi chiều sang nhà thầy học thêm tôi vẫn không ngừng nghĩ đến nó. Tôi quên mất mình còn đang học thêm, tôi quên thầy đang ngồi bên cạnh. Cho đến khi bị thầy gõ nhẹ vào trán thì tôi mới nhận ra.
"Em đang lơ đãng gì thế? Còn không tập trung vào bài học."
Tôi tủi thân xoa trán của mình, thầy ấy luôn gõ vào trán tôi mỗi khi tôi làm gì đó không đúng. Không biết phải nói thế nào nhưng tôi không phản cảm với điều này, mỗi lần xem một bộ phim tôi để ý thấy nam nữ có hành động này là thể hiện tình cảm của họ giành cho nhau hay một người cha với con gái là sự cưng chiều và bảo bọc. Vì vậy tôi nghĩ đó là cách thầy thể hiện tình cảm của mình với học trò mà không muốn nói thành lời.
"Em đang nghĩ nên viết gì vào báo tường." Tôi trả lời xong thì ỉu xìu nằm bò ra bàn.
"Đây chỉ một cuộc thi nhỏ do nhà trường tổ chức, em không cần quá bận tâm. Trước mắt vẫn phải học hành cho tốt đi."
"Thầy nói cũng đúng." Tôi ngồi bật dậy thể hiện sự vui mừng ra mặt và nói "Nếu đã không quan trọng thì em rút khỏi nhóm để tập trung học nha."
"Tôi không nói nó không quan trọng, tôi chỉ muốn nói với em dù làm gì thì việc học vẫn nên ưu tiên hàng đầu. Dù sao tôi đã chọn em rồi, em không thể nào rút ra khỏi nhóm được. Như vậy không công bằng với những bạn còn lại."
"Em biết mà, em chỉ đùa thôi." Tuy là có chút có khăn trong khi nghĩ ý tưởng nhưng tôi không thực sự muốn rút khỏi nhóm, tôi rất vui khi được cùng các bạn ấy đại diện cho lớp học để tham ra một cuộc thi.
Thầy ấy cầm cây bút, tay chống cằm và quay sang nhìn tôi và hỏi "Vậy em đã nghĩ ra được ý tưởng nào chưa?"
"Có thì có nhưng em chưa biết bắt đầu từ đâu."
"Em muốn viết gì?"
"Em không biết mình có nên nói hay không." Tôi khó xử nhìn sang hướng khác, vô thức dùng tay vuốt vuốt vành tai.
"Định viết về tôi sao?"
Tôi tròn mắt kinh ngạc "Hả? Sao thầy lại biết?"
"Bởi vì em không giỏi giữ bí mật, nghĩ cái gì cũng viết hết lên mặt rồi. Lúc mà em ngồi ngẩn ngơ, em có mấy lần vô thức nhìn tôi."
Tôi bất lực gục đầu xuống bàn, khi nghĩ đến nó tôi còn mong mình hoàn thành thật nhanh để mang cho thầy xem đầu tiên. Nhưng chưa bắt đầu thì thầy đã biết rồi.
"Em không biết mình phải viết như thế nào nữa, em sợ đến lúc viết ra lại không có ai thích." Thầy biết hết rồi nên tôi chỉ đành nói ra sự thật suy nghĩ của mình.
"Vậy tại sao em không thử viết ra nháp trước, sau đó thì từ từ chỉnh sửa. Nếu được thì em cứ viết rồi tôi sẽ giúp em nhận xét về nội dung."
"Thầy không ngại ạ?"
"Ngại chuyện gì?"
"Em thấy các thầy cô khi nghe nói học sinh viết về mình trên báo tường đều sẽ ngại ngùng mà nói viết cũng được mà không viết cũng không sao."
"Tôi không quá bận tâm, em cần hỗ trợ thì tôi sẽ giúp em. Bây giờ em bắt đầu viết đi"
Tôi ngây ngô hỏi lại "Viết luôn ạ? Không học nữa ạ?"
"Tôi dạy thì em cũng có tập trung đâu."
Tôi không trả lời, mà chỉ ngồi tủm tỉm cười.
Sau đó thầy ấy lấy cho tôi một quyển vở mới trắng tinh, sang nhà thầy học tôi chỉ mang vở học thêm, sách giáo khoa và vở viết chữ cho nên không có vở khác để viết. Tôi hì hục ngồi viết, hết gạch rồi lại xóa. Thầy ấy đang soạn giáo án, đôi khi quay qua bắt gặp tôi gạch xóa thì nhẹ nhàng gõ lên trán tôi để nhắc nhở. Thầy ấy luôn nói đừng làm hỏng quyển vở, tôi không hiểu nhưng đến khi nhìn lại mới nhận ra tôi đã biến một quyển vở mới thành vở nháp chính hiệu.
Tôi e dè lén nhìn thầy, thầy ấy đang tập trung cho giáo án nên không để ý đến tôi. Thế nên tôi có thời gian chép lại số chữ gà bới này sang trang khác. Không biết làm thế nào mà cứ ba chữ thì tôi lại sai một chữ, có chỗ viết thiếu phải chèn lên trên, khi còn viết sai nguyên dòng. Tôi không có can đảm để mang bản gốc cho thầy xem đâu nên khi viết xong tôi xé luôn trang đầu gấp gọn lại rồi nhét vào trong túi quần.
Tôi chép lại một cách nắn nót nhìn đi nhìn lại cảm thấy không sai lệch gì mới đưa cho thầy xem.
"Thầy ơi, em viết xong rồi." Tôi đẩy quyển vở đến bên chỗ của thầy.
Thầy vẫn nhìn vào giáo án của mình, thầy chú tâm nhìn mấy phút rồi mới rời mắt ra nơi khác. Thầy cầm quyển vở lên cẩn thận ngồi đọc, thầy ấy có vẻ vừa đọc vừa suy nghĩ gì đó vô cùng tập trung.
Tôi không dám hỏi nhiều sợ bị thầy nói phiền nên ngồi đợi thầy đọc xong. Mà mẩu chuyện ngắn tôi viết là kể về mấy ngày đầu thầy đến làm chủ nhiệm lớp tôi, từ cảm xúc hân hoan vui mừng khi cả lớp biết thầy là chủ nhiệm. Cho đến sự hụt hẫng lo lắng sợ hãi khi mà người thầy với vẻ ngoài điển trai lại đưa ra những hình phạt vô cùng khắc nghiệt. Nhưng mọi người không ghét thầy, bởi vì thầy ấy dạy học không bao giờ chê học sinh của mình học hành không giỏi. Cũng không phân biệt học sinh giỏi hay học sinh yếu, thầy luôn đối xử công bằng như nhau.
Thầy đọc xong thì đặt quyển vở xuống "Nội dung viết khá tốt nhưng còn lủng củng và lặp nhiều từ. Có một số câu văn không có sự liên kết với nhau. Và em còn viết quá dài không thích hợp để viết hết vào báo, em nên lược bỏ những chi tiết không quan trọng. Như khi tôi trả lời các câu hỏi của lớp, nó không quan trọng em không cần viết quá cụ thể. Em chỉ nên viết đơn giản là tôi đã giải đáp tất cả thắc mắc của lớp học."
"Dạ, để em sửa lại." Tôi đón lấy quyển vở từ tay thầy.
"Vở em cầm luôn đi, không cần trả lại." Thầy không nói tôi còn dự tính viết xong sẽ xé trang ra rồi trả vở cho thầy.
Sau đó tôi ngồi sửa lại những lỗi mà thầy vừa nói đến. Nhưng tôi không nghĩ sẽ có ai đọc nó, đa số những tờ báo tường giành giải nhất đều do thiết kế trông đẹp mắt hay có sáng tạo mới mẻ. Còn nội dung thì ít có ai đọc.