“Phập.”
Lưỡi dao cắm vào một cánh tay đen nhẻm bé xíu.
Máu bắn xuống mặt Ngân làm cô sợ hãi. Là một đứa trẻ khoảng tám chín tuổi dùng tay chắn dao cho cô.
Phản xạ của cơ thể nhanh hơn não, Ngân thúc đầu gối lên cơ thể đè bên trên rồi ôm lấy đứa bé lăn một vòng. Cô chống tay bò dậy, cảnh giác nhìn kẻ điên đã đâm mình.
Kẻ điên ngã úp mặt vào vũng nước đổ ra từ thùng nước cắm hoa. Quần áo đối phương bẩn thỉu, tóc tai bù xù, trên cánh tay lộ ra khỏi áo chằng chịt vết lằn đỏ như bị bạo hành. Kẻ điên là phụ nữ.
Người xung quanh la hét ầm ĩ nhưng không ai dám đến gần. Con dao bầu sắc nhọn vẫn bị kẻ điên nắm chặt trong tay.
“Có phải cô ta chết rồi không? Sao không nhúc nhích?”
“Ai vào cướp con dao đi!”
“Này, hai người kia, còn ngồi đấy làm gì hả? Chạy ra đây nhanh lên!”
Ngân ôm đứa bé đứng dậy bỏ chạy nhưng cơn đau buốt nơi cổ chân làm cô khụy xuống đất. Hình như cổ chân cô bị trật khớp khi ngã.
Cô đẩy người đứa bé. “Cháu chạy nhanh đi.”
Đứa bé ôm chặt cánh tay bị thương, bò dậy thật nhanh. Nó vừa cử động thì kẻ điên cũng di chuyển nhanh không kém. Con dao bầu sắc nhọn lần thứ hai hướng về phía Ngân.
Người xung quanh hét lớn sợ hãi.
“Tại sao lại là thím?” Ngân giật mình khi nhận ra Tú. Nỗi sợ biến mất một cách kỳ lạ, Ngân chập hai tay làm một, nghiêng người, đánh thật mạnh vào cổ tay cầm dao của Tú.
Chuôi dao bị buông lỏng, lưỡi dao sượt một đường cắt mỏng qua bắp tay Ngân. Dao văng ra xa.
Tú ngã sấp theo đà lao đến. Ngân đấm vào thái dương Tú rồi hai người lao vào vật lộn.
Thân hình Tú vốn nhỏ con hơn Ngân nên dễ dàng bị Ngân kiềm chế. Mắt Tú long sòng sọc hung ác, tiếng gào thét chói tai nhưng không được mạch lạc.
“Tao phải giết mày… Là mày hại tao. Mày biết điều nhận tiền, buông tha cho tao thì sao tao phải chịu đựng lũ khốn kia… A A A! Con khốn! Mày và mụ Cẩm đều đáng chết. Giết mày xong, tao sẽ xiên chết mụ ta… Ha ha… Tao sắp tìm được nơi ở của mụ già ác độc đấy rồi…”
Ngân đè Tú xuống đất, bẻ tay cô ta ra sau làm tiếng gào chuyển thành tiếng khóc. “Trả con tao đây… Trả con tao đây…”
Mặt và tay Ngân bị cào trầy xước, ngực thở hổn hển không ra hơi. Cô dùng cơ thể kiềm chế Tú nên cảm nhận rõ Tú gầy một cách khác thường.
Những người buôn bán từng quen biết Ngân vội vàng chạy đến giúp cô bắt trói Tú. Dân quân tự vệ nhanh chóng đến hỗ trợ.
Một bác dân quân tự vệ lớn tuổi hỏi chuyện Ngân nhưng cô bận tìm kiếm cậu bé đã chắn dao giúp cô. Chiếc áo màu cháo lòng đang len lỏi lẩn nhanh vào đám đông khiến Ngân bất giác đuổi theo.
“Đứng lại! Cháu đừng chạy.”
Tiếng la hét của Ngân thu hút sự chú ý của Mốc.
Mốc thấy mọi người ồn ào chen lấn xem gì đó nhưng nó nghe lời mẹ, không dám rời khỏi tiệm tạp hóa. Bây giờ thấy Ngân đuổi theo một thằng bé trạc tuổi mình, Mốc hiểu lầm thằng bé là ăn trộm.
Mốc rút giày và nghiêng người lia giày về phía thằng bé mặc áo cháo lòng. Trò ném lon chơi với bác Đức cuối cùng cũng có nơi thể hiện.
Giày quật mạnh vào chân thằng bé làm nó ngã lăn xuống đất. Mốc chạy vọt tới, túm chặt tay thằng bé, sung sướng la lên. “Bắt được rồi. Con bắt được rồi.”
Thằng bé đấm vào bụng Mốc làm tiếng hét ngưng bặt. Mốc sững sờ hai giây rồi lao vào đấm thằng bé.
“Mốc. Không được đánh bạn. Coi chừng đánh trúng vết thương trên tay.” Ngân chạy tới, chật vật mãi mới tách được hai đứa bé ra.
Mốc che khóe miệng bị đấm rách, trừng mắt ấm ức nhìn mẹ Ngân lo lắng nắm tay kẻ trộm.
Bác dân quân tự vệ lớn tuổi vẫn chạy theo Ngân cũng đuổi kịp tới nơi. “Đây là thằng nhóc đã chắn dao giúp cô phải không? Cảnh sát đã đến rồi. Cô về đồn công an để lấy lời khai trước đi. Thằng nhóc này cứ giao cho tôi. Tôi đưa nó đến trạm y tế gần đây khám vết thương trước đã.”
Đứa bé dù đánh thua Mốc cũng không khóc, bị dao đâm chảy máu cũng không phản ứng, vậy mà nghe đến hai chữ “công an” liền sợ hãi, xoay lưng bỏ chạy.
Ngân vội vàng giữ chặt vai thằng bé, nhỏ nhẹ trấn an. “Cháu đừng sợ. Cháu là ân nhân của cô, chúng ta lên đồn công an để lấy lời khai thôi. Không phải bắt cháu đâu.”
Thằng bé như không nghe thấy lời Ngân, giãy giụa càng mạnh hơn. Cánh tay đau của nó đập vào mặt Ngăn, máu dính vào áo cô.
Bác dân quân tự vệ chộp cổ áo thằng bé, xách lên như xách một con mèo. “Nhãi con! Nghe lời. Nếu không từ ngày mai khỏi làm ăn gì ở chợ này nhé.”
Động tác vùng vẫy đình chỉ. Thằng bé buông thõng tay, cơ thể lủng lẳng trên tay bác dân quân. Mốc che miệng cười thích thú.
“Bác biết cậu bé này ạ?” Ngân ngạc nhiên hỏi.
“Thằng bé này tên Thiện. Dân quân tự vệ và cảnh sát ở đây đều biết thằng bé này. Ban ngày nó ăn xin trong chợ, tối đến đi bốc hàng hóa thuê, ai thuê cũng làm. Hoàn cảnh của nó đáng thương lắm.”
Thằng bé lừ mắt với bác dân quân, tỏ vẻ không hài lòng khi bị thương hại.
Ngân nhất quyết đi cùng bác dân quân đến trạm y tế. Thiện bị thương vì cô, nếu chưa tận mắt thấy cánh tay thằng bé được chữa trị và băng bó, cô không yên tâm.
Bởi vì sự cố bất ngờ, cô gọi điện cho Đức, để hắn và Mốc đến chùa khấn lễ cha nuôi. Cô phải đến đồn công an lấy lời khai và tìm hiểu tình huống của Tú.
Đức vội vàng chạy đến trạm y tế. Hắn thở phào nhẹ nhõm khi xác định Mốc và Ngân không bị thương.
Hắn hỏi.
“Không phải Tú bị giam trong cơ sở chữa bệnh tâm thần do tòa án chỉ định hay sao? Sao cô ta xuất hiện ở đây?”
“Em cũng không rõ chuyện gì đang xảy ra. Anh nên gọi điện cho chị giúp việc, dặn chị ấy ra vào nhà phải khóa cửa cẩn thận. Cô ta nói đang truy tìm địa chỉ nhà anh, em sợ cô ta có đồng phạm.”
“Được. Tôi biết rồi. Khấn lễ nhanh cũng mất hai tiếng. Xong việc là tôi đến chỗ em ngay. Có chuyện gì cũng phải báo ngay cho tôi.” Đức ôm Ngân thật chặt. Tuy đây là nơi công cộng nhưng hắn không kiềm chế được. Thời điểm biết Ngân bị Tú tấn công, nỗi sợ mất Ngân làm tim hắn như ngừng đập. Hắn không muốn nếm lại cảm giác toàn thân lạnh giá, đầu óc bị búa tạ như vỡ ra lần thứ hai.
Đức và Mốc đi đến chùa. Ngân cùng Thiện theo bác quân dân tự vệ đến đồn công an.
Ngân là nạn nhân, không biết lý do bị tấn công nên cô trả lời thành thật mọi câu hỏi.
Tú bị giam trong phòng khác. Cô ta la hét, cười và khóc lóc, không phối hợp lấy lời khai.
Theo lời khai của Ngân, cảnh sát liên lạc với bà Bích.
Bà Bích đến đồn công an rất nhanh và sự thật về Tú được phơi bày ra ánh sáng. Tại cơ sở chữa bệnh tâm thần bắt buộc, Tú bị cưỡng bức tập thể. Sau nhiều lần bị xâm hại, cô ta trả thù đám người ác độc, cắt đứt cuống họng một người, cắn đứt tai một gã, bản thân Tú cũng bị thương. Chuyện Tú giả điên để trốn án tù bại lộ. Bà Bích dùng tiền đè ép vụ việc, không nghĩ đến Tú nhân cơ hội được đưa đi cấp cứu đã trốn ra ngoài.
Tú quay về nhà cũ, không tìm được Ngân và bà Cẩm nên đi lang thang đến chợ, tình cờ thấy Ngân và Mốc.
Theo lời khai của bà Bích, đầu óc Tú lúc này đã không được tỉnh táo. Cô ta đổ mọi bất hạnh của mình lên đầu bà Cẩm và Ngân. Hành vi đâm Ngân trong chợ diễn ra khi cô ta không kiểm soát được hành vi.
Ngân không tin lời khai của bà Bích.
“Tôi không cần cô tin tưởng tôi.” Bà Bích nhìn Ngân lạnh lùng, giọng nói nặng nề. “Con gái tôi thân tàn ma dại, đầu óc chỉ có hận thù đều là do gia đình nhà chồng gây ra. Cô cũng là thành viên gia đình ác độc đấy. Cô không thoát được tòa án lương tâm đâu.”
Lời nói ngang ngược của bà Bích làm Ngân phản cảm. Có một người mẹ dùng tiền bao che tội ác của con gái, dùng lý lẽ ngạo ngược, trái đạo lý để không thừa nhận cái sai của con cái, bảo sao Tú thâm hiểm, không có trái tim.
Mẹ con Tú là loại người luôn coi bản thân là người bị hại. Không cần thương xót loại người này.
Tú bị bắt giam. Lần này bà Bích không van xin Ngân rút đơn kiện. Chuyện này không chút ảnh hưởng đến Ngân, cô cứ đúng pháp luật mà khởi kiện kẻ giết người.
Ngân và Thiện nhanh chóng được rời khỏi đồn công an. Vừa ra ngoài, Ngân đã nhanh tay giữ chặt lấy thằng bé.
“Nhà cháu ở đâu? Để cô đưa cháu về.”
“Cháu chưa về nhà bây giờ. Không cần đâu ạ.” Thiện cố gắng giật lại tay, cảnh giác nhìn Ngân.
Ngân ngồi xổm xuống trước mặt thằng bé, dịu dàng cầm cánh tay quấn băng gạc, chân thành nói. “Vậy cháu nói địa chỉ nhà cho cô đi. Cháu là ân nhân của cô. Nếu không có cháu hét lên cảnh báo rồi lại chặn một dao giúp cô, cô đã bị thương rồi. Tay cháu bị thương, cần uống thuốc bổ để nhanh hồi phục. Tối cô mang thuốc đến nhà cháu, được không?”
Trong đồn công an, Thiện nhất quyết không gọi điện cho bố mẹ theo yêu cầu của cảnh sát. Bác dân quân tự vệ đã đứng ra đảm bảo cho thằng bé. Nhà thằng bé neo đơn, mẹ ốm liệt giường, không thể đến đồn công an. Thằng bé không phạm tội, không cần làm khó thằng bé.
“Cô nói cảm ơn cháu rất nhiều lần rồi. Không cần nữa đâu.” Thiện rối rít xua tay rồi đột nhiên đẩy Ngân thật mạnh. Ngân ngồi không vững nên ngã phịch xuống đất. Thằng bé co cẳng chạy mất. “Cháu bận lắm. Cô đừng đi theo cháu!”
Thiện vội vàng xoay người bỏ chạy nên không kịp nhìn đường, đâm sầm vào một người gánh quang gánh bán hàng rong đi ngang qua.
Hai chiếc rổ đổ kềnh xuống đất, bánh và khoai luộc bên trên mâm rơi vãi khắp nơi.
“Mày đi đứng kiểu gì thế hả? Đổ hết đồ của tao rồi.” Bà bán bánh giò tức giận túm cổ Thiện, đánh vào người nó.
“Đừng đánh! Đừng đánh! Để em đền cho bác.” Ngân hoảng hốt ôm lấy Thiện, lưng cô nhận lấy cái tát đau điếng của bà bán bánh giò.
“Ôi, cô Ngân hả? Sao cô lại ở đây?” Bà bán bánh giò chưng hửng nhìn Ngân ôm Thiện. “Đây là con trai cô à? Sao cô lại để nó chạy nghịch ngoài đường thế này. Đổ hết bánh hết khoai của tôi rồi.”
“Cháu nó đi đứng vội vàng, để em dạy lại cháu. Bác cho em đền tiền bánh và khoai.” Ngân đẩy Thiện ra phía sau, một tay giữ cổ tay thằng bé, một tay móc tiền.
“Được rồi. Chỗ quen biết, cô trả tôi tiền mấy củ khoai dính đất này là được.” Bà bán bánh giò lom khom nhặt bánh bỏ lên trên hai cái mâm, tò mò hỏi. “Cô nghỉ bán bún ốc thật đấy hả? Quán đang đông khách, nghỉ uổng quá.”
“Em chuyển về quê sống nên không buôn bán ở trên này được.”
Ngân trò chuyện đôi ba câu với bà bán bánh giò rồi quay sang nhìn Thiện.
“Cô nghĩ cháu sẽ lén bỏ trốn cơ.”
Đáp lời Ngân là hai câu hỏi liên tiếp của Thiện. “Trước đây cô bán bún ốc trong chợ ạ? Có phải cái quán gần hàng cháo sườn không?”
“Đúng rồi. Sao cháu biết?”
“Cháu từng đến quán bún của cô ạ.”
Ngân quan sát gương mặt thằng bé. Gương mặt xa lạ, không có nét nào quen. Quần áo trên người thằng bé cũ mèm, đôi dép đứt quai được buộc lại bằng sợi thép mỏng. Căn cứ lời bác dân quân lớn tuổi, Ngân đoán hoàn cảnh Thiện khá nghèo khó. Khả năng ăn bún ở quán cô rất thấp.
Thiện bất ngờ nói. “Không phải cô muốn đến nhà cháu à? Cháu đưa cô đi.”
Ngân sửng sốt trước sự thay đổi đột ngột này. Sự im lặng của cô làm Thiện hiểu lầm, bối rối giải thích.
“Cháu không bắt cóc cô đâu. Cô… đừng sợ.”
Ngân phì cười, xoa đầu thằng bé. Trí tưởng tượng của Thiện rất giống Mốc.
Cô dẫn Thiện quay lại chợ, mua bánh kẹo, hoa quả rồi đi theo thằng bé. Nhà Thiện ở gần chợ nhưng đi vào ngõ ngách ngoằn ngoèo rất sâu. Ngân đi bộ hơn ba mươi phút mà vẫn chưa tới nơi.
Trên đường đi, Đức gọi điện hỏi thăm tình hình bên Ngân. Cô giải thích sơ qua mọi chuyện. Hắn nói sẽ đưa Mốc đến nhà Thiện, dặn cô gửi định vị khi đến nơi.
Nhà Thiện nằm trong một hẻm nhỏ gần cống lộ thiên rộng một mét, dài ba mét. Nước cống đen sì, hôi thối, rác thải nổi lềnh phềnh trên mặt nước. Bên miệng cống là bãi đất hoang chất đầy nguyên phế liệu và rác thải, giống như công nhân vệ sinh không bao giờ đến đây gom rác.
“Nhà cháu là phòng cuối cùng.” Thiện chỉ tay vào một cánh cổng lớn làm bằng gỗ mục ọp ẹp.
Phía sau cánh cổng là hai dãy nhà cấp bốn đã xây dựng lâu năm, tường bằng vôi, lợp mái tôn. Tường ẩm mốc mọc rêu. Sân đất lởm chởm các viên đá nhỏ. Cửa phòng bằng gỗ sơn màu xanh lá, bản lề tróc vữa như sắp rụng đến nơi. Có ba bốn chiếc xe đạp cọc cạch dựng góc sân. Bên cạnh mấy chiếc chum là quang gánh xếp chồng lên nhau.
Trước cửa căn phòng cuối cùng có một lò than, bên trên là ấm đất màu nâu chuyên dùng sắc thuốc. Sát tường là hai bao tải đầy ụ, Ngân nhìn ra bên trong đựng vỏ chai nhựa và vỏ lon rỗng.
Thiện gãi đầu nhìn Ngân, cười hì hì. “Mẹ cháu phải uống thuốc lá nên trong nhà toàn mùi thuốc thôi. Cô đừng vào nhà, đợi cháu xem mẹ tỉnh hay ngủ. Nếu mẹ cháu ngủ rồi thì cô về đi ạ. Cô cho cháu nhiều thứ lắm rồi, không cần cảm ơn nữa đâu.”
Thiện giơ túi bánh kẹo và hoa quả lên, cười tít mắt. Rồi nó không để Ngân kịp nói gì, nhanh chóng biến mất sau cánh cửa ọp ẹp.
Trong nhà không bật đèn, chỉ có ánh sáng mặt trời hắt vào từ cửa sổ. Từ vị trí của Ngân, cô miễn cưỡng thấy được một bóng người nằm im lìm trên tấm phản gỗ. Thiện đặt đồ xuống cạnh phản gỗ, lay lay đối phương vài cái.
Sau đó Thiện chổng mông mò tìm thứ gì đó trong hòm gỗ lớn bên cạnh chiếc phản.
Không có sự cho phép của chủ nhà nên Ngân không dám tự tiện đi vào nhà. Cô đến gần cửa sổ để nhìn rõ tình huống bên trong nhà hơn thì Thiện chạy vụt ra ngoài, lôi cô tránh xa cửa sổ.
“Cô đừng lại gần nhà cháu.”
Bị chủ nhà nói thẳng vào mặt làm Ngân ngại ngùng. Cô bối rối giải thích. “Cô xin lỗi! Không phải cô muốn nhìn trộm gì đâu. Hình như mẹ cháu bị ốm phải không? Nhà cháu còn người lớn nào khác không? Cô có thể giúp được gì cho cháu không?”
Thiện đứng ngẩn người trước một loạt câu hỏi. Nó thảnh thật trả lời. “Nhà cháu chỉ có mẹ và cháu thôi. Mẹ cháu ốm thì liên quan gì đến cô ạ? Sao cô phải giúp mẹ cháu chứ?”
“Chuyện này…”
“Mọi người chỉ thích đánh chửi mẹ cháu thôi. Làm gì có ai muốn giúp mẹ cháu giống cô chứ.”
Lời nói ngây ngô của Thiện làm Ngân hoang mang. Cô nhìn vào trong nhà rồi nhìn thằng bé.
“Ai đánh mẹ cháu?”
Thiện nhìn Ngân chằm chằm. Mặt nó quặm lại, ánh mắt xa cách và giọng nói không còn thân thiện nữa. “Có phải cô cũng giống họ không? Giả bộ tìm hiểu chuyện của mẹ cháu rồi quay lại mắng chửi mẹ con cháu.”
Lời thằng bé làm Ngân càng thêm bối rối. Cô giơ tay muốn nắm tay Thiện thì bị né tránh. Thằng bé dúi một bọc vải vào tay Ngân.
“Cháu trả cô. Cô cầm lấy rồi nhanh rời khỏi đây đi. Cháu bận nhiều việc lắm, không có thời gian nói chuyện với cô đâu.”
“Đây là…” Ngân mở bọc vải trên tay ra, ngỡ ngàng nhìn đống tiền lẻ bên trong. Từng tờ tiền được vuốt thẳng, xếp gọn gàng, buộc lại bằng dây chun.
“Đây là tiền cháu ăn trộm của cô. Bây giờ cháu trả lại cô. Tiền trả đủ rồi là cô không được báo công an bắt cháu đâu nhé.”
“Cháu nói gì vậy? Cô không hiểu. Cháu ăn trộm tiền của cô lúc nào? Cô đâu có quen cháu.”
“Cháu… cháu chính là đứa bé ăn trộm bánh giò, được cô giúp ngày trước.”
Theo lời kể của Thiện, trí nhớ của Ngân được mở ra. Ngày hôm đó Thiện ăn trộm một chiếc bánh giò của bà bán bánh giò, bị bà ấy đuổi đánh. Ngân đã giúp thằng bé trả tiền bánh. Để trả ơn, Thiện rửa bát giúp cô. Cuối cùng nó lại trộm mất túi tiền của Ngân khi cô không chú ý.
“Đấy là lần đầu cháu ăn trộm. Cháu nhịn đói hai hôm, đói quá nên…” Giọng Thiện ngày càng nhỏ. Mắt nó đỏ hoe mà chính nó không biết. “Cháu lấy tiền trộm được của cô đi mua thuốc cho mẹ. Bác sĩ nói mẹ cháu chỉ sống được hai ba tháng nữa. May có tiền của cô nên mẹ sống đến bây giờ.”
Nó chỉ tay vào bao tải gai đựng đầy vỏ chai, cười vui vẻ. “Sau khi mẹ cháu khỏe hơn, cháu có nhiều thời gian đi nhặt vỏ chai, được người ta cho nhiều thứ vứt đi, bán được cực nhiều tiền. Cháu gom đủ tiền trả lại cô thì không tìm thấy quán bún ốc đâu nữa. Ngày nào cháu cũng đi đến chỗ cô bán hàng để trả lại tiền.”
Hai tay thằng bé vặn xoắn gấu áo, chân vô thức cọ vào nhau. “Cháu xin lỗi vì đã ăn trộm tiền của cô. Cô đừng báo công an bắt cháu. Cháu ngồi tù, sẽ không có ai nấu cháo, nấu thuốc cho mẹ. Cháu… cháu xin lỗi cô…”
Ngân quay đi, lau nước mắt. Mũi cô cay xè theo lời kể của Thiện. Cô vẫn nhớ như in có người cười nhạo cô “làm phúc phải tội”. Bây giờ cô lại thấy may mắn khi mất tiền. Ít ra, chỗ tiền đó cũng giữ được một mạng sống leo lắt thêm vài tháng.
Sau khi biết hoàn cảnh của Thiện, Ngân không có ý định rời đi. Cô muốn giúp đỡ ân nhân nhỏ tuổi này.
Cô ngồi xổm xuống trước mặt Thiện, dò hỏi. “Cô sẽ không báo công an nhưng cháu phải trả lời cô một số câu hỏi.”
Thiện nhìn Ngân đầy đề phòng, lùi về sau một bước.
Ngân giữ chặt vai thằng bé, giọng cô nghiêm túc. “Mẹ cháu bị bệnh gì?”
“Bụng mẹ cháu to như cái trống. Bác sĩ nói mẹ cháu bị ung thư gan giai đoạn cuối.”
“Bố cháu đâu?”
“Mẹ cháu và mọi người gọi cháu là thằng con hoang nên cháu không có bố.”
“Mẹ cháu còn người thân nào không? Ví dụ ông bà ngoại của cháu.”
“Mẹ cháu nói bà ngoại ở dưới suối vàng từ khi cháu còn nhỏ, đang đợi ông ngoại. Năm trước, ông ngoại bị bệnh giống mẹ nên bà ngoại đón ông đi rồi.”
Ngân không thể kìm được nước mắt trước lời kể của Thiện.
Thằng bé nhíu mày nhìn nước mắt của cô, sốt ruột thúc giục. “Cháu trả lời hết các câu hỏi của cô rồi. Cô đi về đi. Đến giờ cháu nấu cháo cho mẹ ăn.”
“Cháu biết nấu cháo à? Cháu thật giỏi.”
“Nấu cháo tốn ít gạo. Một cân gạo nấu được rất nhiều bữa. Mẹ khen cháo của cháu rất ngon vì có nhiều nước, dễ nuốt.”
Sự ngây thơ của trẻ con làm Ngân đau lòng. Không đủ tiền mua gạo nấu cơm, nên thằng bé nấu cháo ăn để tiết kiệm.
“Cháu cho cô vào nhà gặp mẹ nhé. Cô biết nấu cháo, cô có thể giúp cháu.”
“Không được! Ai gặp mẹ cũng đánh cũng chửi mẹ. Cô không được vào nhà!” Thiện đẩy ngã Ngân, chạy vụt vào nhà, đóng cửa thật nhanh.
Ngân kịp thời giữ được cửa trước khi thằng bé cài chốt. Cô vừa cố gắng kéo cánh cửa gỗ đã bạc màu vừa dỗ dành Thiện.
“Cô không làm gì mẹ cháu đâu. Cho cô gặp mẹ đi.”
“Không được. Không được.”
“Tay cháu đang bị đau, đừng đẩy cửa nữa. Mở cửa cho cô. Cô nói vài câu với mẹ cháu thôi.”
“Không được. Không được.”
Hai người ồn ào một góc sân làm cửa các căn phòng khác hé mở ra. Bốn người ăn mặc quần áo cũ kỹ như Thiện thò đầu ra nhìn. Họ thấy Ngân ăn mặc sạch đẹp, lại muốn phá cửa nhà Thiện nên đi ra đuổi cô.
Ngân gấp gáp giải thích bản thân không có ác ý nhưng vẫn bị người dân nơi đây đuổi đi. Cô bị hai người đàn ông lôi ra cổng. Một bác gái lớn tuổi đẩy mạnh vào người Ngân cùng lời mắng khó hiểu.
“Mấy năm nay con Hồng đã nhận báo ứng rồi. Các người tha cho mẹ con nó đi. Dăm bữa nửa tháng lại đến hành hạ mẹ con nó, bộ muốn nó chết mới vừa lòng à? Cô còn đứng đây làm ồn, coi chừng tôi báo công an đấy.”
Ngân chới với ngã ra sau. Một cánh tay rắn chắc kịp thời ôm lấy cô. Tiếng hét lanh lảnh của Mốc vang lên cùng lúc.
“Không được đánh mẹ cháu!”