Ép Hôn Lấy Chồng Tàn Tật

Chương 28: Tìm kiếm




Cơn mưa phùn cuối đông ngày càng nặng hạt, từng hạt từng hạt hất trên cửa xe, rồi rơi xuống như những rãnh nước trên tấm kính mờ đục. Thành phố bao trùm trong một màu xám xịt trầm buồn. Nguyên ngồi ở hàng ghế sau, một bên giục chú Phước lái xe thật nhanh, tay thì không ngừng ấn điện thoại gọi cho Ngọc. Cô vẫn không bắt máy mặc dù tiếng chuông vẫn đổ dồn dập. Chú Phước đập tay vào vô lăng chửi bậy một câu:

– Chết tiệt. Tắc đường rồi Nguyên.

Đường xá Hà Nội vào giờ tan tầm chật như nêm, những dòng xe nối đuôi nhau bóp còi inh ỏi. suốt mấy phút đồng hồ mà vẫn không nhích thêm được nửa bước.

– Chú tìm đường tắt đi đi, chuyện gấp lắm ạ.

– Hay cháu gọi số máy bàn xem sao?

– Cháu gọi rồi mà họ bảo không biết Ngọc đi đâu, bạn bè cô ấy thì nói sáng nay họ không có tiết. Nhưng cháu chắc chắn người trong nhà biết cái gì đó, ban nãy khi hỏi, bọn họ cố ý lảng tránh cháu. Mẹ cháu chắc mười lăm phút mới về đến nhà.

– Cứ tình trạng như thế này có tìm được đường thông thoáng thì vẫn mất nửa tiếng nữa.

Câu nói của chú Phước làm tâm trạng Nguyên thêm nặng nề, như có ngàn vạn tảng đá đang đè lên ngực. Anh cầm chặt chiếc bùa bình an đang để trong túi áo của mình. Hôm trước, Ngọc đã đích thân lên chùa để xin nó cho anh, thậm chí còn phải vừa quỳ vừa lạy chín mươi chín bước. Khi về, Ngọc bị chuột rút hai cẳng chân ngồi khóc như một đứa trẻ giữa đêm, Nguyên mới biết cô gái của mình vừa mới làm chuyện điên rồ gì. Anh chỉ đành vừa mắng mỏ cô không biết chăm lo cho sức khỏe của mình, vừa bóp chân cho cô. Lúc ấy Ngọc còn mếu máo:

– Anh không được nói thế. Bùa này linh nghiệm lắm, anh nói thế người ta quở thì sao?

– Em cũng có ngày tin mấy thứ này à? Nó chỉ là chỗ dựa tin thần của con người thôi, làm gì có cái bùa nào mang đến bình an được.

– Có thờ có thiêng có kiêng có lành ấy mà.

Giờ tấm bùa bình an này ở trên tay Nguyên bỏng như lửa đốt, thiêu cháy lòng bàn tay anh. Nguyên từng trải qua nhiều bước ngoặt khó khăn đến nghẹt thở trong cuộc sống, lần đầu tiên rơi vào tình cảnh chỉ biết cầu nguyện với một lá bùa.

Chú Phước bèn lên tiếng xoa dịu:

– Cậu đừng nghĩ nhiều quá, có khi cô Ngọc ngủ quên hay để quên điện thoại ở đâu đó thôi. Đừng thần hồn nhát thần tính nữa.

– Cháu cũng hy vọng vậy. – Nguyên đáp, lại tiếp tục nhìn vào màn mưa xám xịt.

Phải đến đúng hai mươi phút sau xe mới dừng lại trước cửa nhà họ Võ, đó là đã sớm hơn rất nhiều so với dự tính của chú Phước rất nhiều. Người làm trong nhà có lẽ sẽ không ngờ đến Nguyên sẽ về nhà vào lúc này, tất cả đều đồng loạt cụp mắt lảng tránh.

– Vợ tôi đâu? – Anh hỏi thím Duyên đang đứng gần nhất.

Thím Duyên đảo mắt vòng quanh, khuôn mặt nhăn cả lại:

– Cậu chủ đừng làm khó chúng tôi. Ông nội cậu đang mắng bà Diệp ở bên trong, cậu vào đi.

Nguyên để ý ở trong góc sân, xe của mẹ mình quả nhiên đã đỗ ở đó từ bao giờ. Vừa rồi quá lo lắng nên anh đã không nhìn thấy nó.

Chú Phước hớt hải đẩy xe của Nguyên vào trong nhà, bà Diệp đang ở trong phòng khách, đứng trước cơn thịnh nộ của ông Nghiêm.

– Ngọc là đứa trẻ ngoan, bao lâu nay con bé sống chung với con, con là người rõ ràng nhất.

– Thế nào? Thế chị nghĩ tôi nói điêu cho con dâu chị hả? Nhìn xem, đoạn phim đây, ảnh đây. Nó quyến rũ Thế Anh thì đã thôi đi, còn vào khách sạn với người khác. Tôi còn chưa kịp chửi nó thì nó đã cuỗm đồ đạc bỏ nhà theo trai rồi. Cô nhìn xem, giờ tôi cũng muốn nó đang đi đâu đấy.

Nguyên vào muộn chỉ nghe ông nội nói một tràng dài xa xả, câu nào cũng nói vợ mình lăng loàn trắc nết. Sự bình tĩnh và hiếu thuận anh cố gắng tô vẽ bao nhiêu năm nay nháy mắt vỡ vụn. Nguyên trầm giọng lên tiếng ngay khi xe lăn bước qua ngưỡng cửa:

– Vợ cháu không phải là người như thế, cô ấy không bao giờ theo chân người khác bỏ nhà đi.

– Đây con nhìn đi.

Ông Nghiêm vứt điện thoại và mấy bức ảnh cho Nghiêm. Anh ấn phát video, nghe rõ những lời mà Thế Anh nói. Anh nhìn vào những tấm ảnh, thấy được sườn mặt của vợ mình. Nguyên rất lâu vẫn im lặng, ban đầu ông Nghiêm còn đắc chí lắm. Ông cũng từng là đàn ông, thừa hiểu một người đàn ông sẽ cảm thấy như thế nào trong trường hợp này.

Vợ cắm sừng với em họ, rủ nhau vào khách sạn, rủ nhau bỏ trốn. Chẳng có người đàn ông nào có thể tha thứ cho kẻ phản bội mình trong trường hợp này.

Trước suy nghĩ đã thắng trăm phần trăm của ông Nghiêm, Nguyên vứt lại mọi thứ trở về bàn, trầm giọng hỏi:

– Vợ con đâu?

– Cái gì? Làm sao ông biết nó đang ở đâu? Con còn cần tìm người phụ nữ khốn nạn kia để làm gì nữa?

– Con biết ông đã mang cô ấy đi rồi. Con không tin Thế Anh, không tin ảnh, chỉ tin lời cô ấy nói. Ông giao trả cô ấy cho con.

Ông Nghiêm gõ gậy cành cạch:

– Mày điên rồi. Bằng chứng thì mày không tin, một mực muốn tìm nó để nghe lời hoa ngôn giảo ngữ hả?

– Cô ấy không nói dối con. Ông nội, con tôn trọng gọi ông một tiếng ông nội là để mọi chuyện không đi xa đến thế. Phải biết nếu hôm nay người đứng đây là người ngoài, giờ ông sẽ phải tiếp chuyện với cảnh sát chứ không phải con.

– Mày… mày…

– Hay là để con gọi một người ra hỏi nhé.

Nguyên chợt hừ lạnh một tiếng, sau đó từ từ đứng dậy khỏi chiếc xe lăn trong đôi mắt ngỡ ngàng của mọi người. Anh tóm lấy một người đang đứng gần ông Nghiêm, bắt ông ta úp mặt xuống bàn.

– Vợ tôi đang ở đâu! Nói! Chú nên biết rõ tôi là người như thế nào. Chú nói ra còn có cơ hội về nhà với vợ con, nếu không thì chú có thể hỏi thăm một chút những người đã đắc tội với tôi giờ sống dở chết dở ra làm sao.

Ông Nghiêm và mọi người trong nhà còn đang mơ hồ khi thấy Nguyên đứng dậy được thì đã thấy ông quản gia đi theo nhà họ Võ từ lâu bị Nguyên ấn xuống bàn. Tay anh dùng lực rất mạnh, hoàn toàn không nể nang gì việc mình đang đối phó với một người già. Ông Minh la lên oai oái, cứ đưa mắt về phía ông Nghiêm kêu cứu.

– Phản rồi, còn không mau giúp chú Minh đi.

Mọi người trong nhà không ai dám động trước khí thế của Nghiêm cả, cứ như thế này, nếu anh bóp chết một người họ cũng không ngạc nhiên lắm.

Nguyên đang cực kỳ giận dữ, giống như ngọn núi lửa phun trào đốt cháy mọi thứ. Bà Diệp cũng chẳng khuyên can con trai, bà biết anh không phải là người không đúng mực.

Quả nhiên không lâu sau, ông Minh hết chịu nổi cảm giác bị siết cổ đến chết, bèn thở dốc cầu xin:

– Tôi nói tôi nói. Ông cậu bảo mang cô Ngọc ném vào rừng cảnh cáo. Địa chỉ là…

– Không được nói! Không được nói!

Ông Nghiêm cứ đứng ngoài chống gậy la hét mà vẫn không ngăn được tâm phúc của mình nói ra nơi mà Ngọc đang ở. Biết được địa chỉ, Nguyên nhìn mẹ mình gật đầu, rồi ngay lập tức lao nhanh ra cửa.

Từ bên ngoài, Vân Anh cũng hớt hải chạy vào, không để ý mà va phải vai của Nguyên ngã nhoài ra sàn nhà.