Hôm sau đến lớp, La Duy không chạy loăng quăng như thường, mà ngồi yên tại chỗ cười tủm tỉm, khiến mọi người không thể không chú ý. Hỏi có chuyện gì cậu ấy cũng không nói, chỉ cười tít mắt.
“Thôi rồi, tên này bị đần rồi. Tớ phải đi nói với Tống Kỳ Phong mới được.” Tiết Doanh than thở.
“Hôm qua trời đâu có mưa, sao lại giống như bị sét đánh thế?” Gia Hinh cũng thấy lạ, “Lương Mãn Nguyệt, không liên quan gì đến cậu đấy chứ?”
Mặt tôi lập tức đỏ lên, vội nhìn đi chỗ khác, “Liên quan gì đến tớ. Bệnh thần kinh của cậu ấy có phải mới ngày một ngày hai đâu.”
“Không thể nào, sao tớ lại thấy cứ có gì không đúng.” Gia Hinh xoay mặt tôi lại, để tôi đối diện với cậu ấy, “Lương Mãn Nguyệt, cậu có quyền im lặng, nhưng mỗi lời cậu nói sẽ là bằng chứng chống lại cậu trước tòa.”
Tôi không tránh được, chỉ còn cách gọi La Duy, “La Duy, cậu mau qua đây. Có người bắt nạt tớ!”
La Duy đang cười ngốc nghếch lập tức chạy qua kéo tôi lại, “Có chuyện gì thì từ từ nói. Ngô Gia Hinh, không phải tớ nói cậu, nhưng cậu cao to hơn, sao lại có thể bắt nạt trẻ con chứ?”
Gia Hinh tự chỉ vào mình, “Tớ cao to? Tớ chỉ cao hơn cậu ấy một tí thôi mà. Mà trẻ con cái gì? Cậu ấy chỉ nhỏ hơn tớ một tuổi thôi.”
La Duy xoa đầu tôi, “Nhỏ hơn một tuổi cũng là trẻ con.”
Tôi che đầu mình, “Không biết nói chuyện thì lượn đi. Biết thế không thèm gọi.”
“Á!” Gia Hinh trợn mắt chỉ chúng tôi, “Các người...”
“Đúng thế, đúng thế.” Người khác chưa nói gì, La Duy đã vội gật đầu.
“Người ta còn chưa nói mà cậu đúng rồi cái gì hả? Ngốc.” Tôi lườm cậu ấy.
“Được lắm, hai người hẹn hò rồi mà không nói với tớ. Lương Mãn Nguyệt cậu to gan quá rồi đấy!” Gia Hinh suýt chút nữa thì nhảy dựng lên.
“Tớ to gan chỗ nào? Tớ cũng không lừa cậu, cậu là người đầu tiên biết còn gì.”
“Đúng rồi, Mãn Nguyệt nói cần phải khiêm tốn, thế nên chúng tớ mới kín đáo một chút.” La Duy đỡ lời cho tôi.
“Tớ đã sớm biết cậu có ý với Mãn Nguyệt mà,” Gia Hinh trông còn vui hơn cả người trong cuộc như hai chúng tôi, vỗ mạnh La Duy một cái, “Chúc mừng nhé, cuối cùng cũng được thỏa nguyện rồi.”
“Cảm ơn đã chia vui.” La Duy cười, đôi mắt cũng cong lên.
“Ừ, hẳn là nên chia vui,” Gia Hinh cười tươi hơn, “Tiết Doanh, mau đi nói cho Tống Kỳ Phong nhà cậu biết, tiện thể báo cho mấy đồng chí kia, La Duy muốn mời chúng ta đi ăn.”
“Tuân lệnh!” Tiết Doanh gật đầu cười, chạy ra ngoài đi tìm Tống Kỳ Phong.
Chuyện chúng tôi thế là bắt đầu.
Giữa chúng tôi không có chuyển biến gì quá lớn, vẫn đấu khẩu ồn ào như trước đây, chỉ là sau cùng La Duy luôn nhường tôi. Tôi bảo, “Anh nói tiếp đi. Sao không nói nữa?” Cậu ấy chỉ mỉm cười nhìn tôi, không nói thêm gì. Tôi biết cậu ấy không thèm chấp, chỉ có thể làm bộ tức giận quay đầu, không thèm để ý nữa.
Cậu ấy vẽ vào vở của tôi rất nhiều xe, rất nhiều nhà. Trong mỗi chiếc xe, mỗi ngôi nhà đều có hai người với khuôn mặt giống nhau, trong đó có một người cài trên đầu chiếc nơ con bướm ngốc nghếch. Cậu ấy vẽ nhà vẽ xe đều rất đẹp, trông cứ y như thật, nhưng vẽ người chẳng tiến bộ chút nào. Ban đầu tôi còn trách móc, nhưng nhìn lâu lại thấy hai người đó cũng dễ thương.
Mỗi sáng cậu ấy sẽ đến đón tôi đi học. Tuy tôi nói không cần, nhưng mỗi lần vừa ra khỏi cửa, lập tức có thể thấy bóng dáng cậu ấy, lâu dần cũng thành quen. Về sau có ngày cậu ấy đến muộn một chút, tôi lại thấy không quen, cứ luôn đứng đợi cho đến khi nhìn thấy bóng cậu ấy mới yên tâm được.
Buổi tối khi hết giờ tự học, chúng tôi sẽ đi dạo phố một vòng rồi mới về nhà. Đương nhiên vẫn là cậu ấy đưa tôi về. Lần đầu tiên La Duy nắm tay tôi, tôi bị giật mình, suýt nữa thì hất cậu ấy ra. Biểu hiện bên ngoài của cậu ấy có vẻ như không sao cả, nhưng năm phút sau, tay cả hai đã ướt đầm.
Cuối cùng tôi không chịu được mà phải rút tay về, “Này, anh căng thẳng cái gì chứ!”
“Em thì không căng thẳng đấy chắc? Tay cũng ướt đầm.” Cậu ấy oán giận.
Hai người nhìn nhau một lúc, cuối cùng phá lên cười.
Thế nhưng cười xong vẫn thấy hơi lúng túng. Cậu ấy không nắm tay tôi nữa mà tiếp tục đi về phía trước. Tôi bước nhanh đến bên cạnh, nghĩ một chút rồi chủ động cầm tay cậu ấy.
Cậu ấy dừng lại, nắm tay tôi thật chặt. Hai người nhìn nhau cười, tuy không nói gì, nhưng tự đáy lòng vẫn cảm thấy có niềm vui trào lên, chầm chậm nở bung như đóa hoa rực rỡ.
Chúng tôi cũng có lúc cãi nhau. Không biết vì sao, ở trước mặt người khác tôi đều rất lịch sự, ở nhà lại càng ngoan ngoãn nghe lời, ở trước mặt anh trai còn nhẫn nhục chịu đựng, nhưng khi ở cùng La Duy thì không khách khí gì hết, thậm chí có khi còn tùy tiện vô lý. Thường thì cậu ấy sẽ chiều theo ý tôi, một lát sau là đã chủ động tươi cười mà nhích lại gần, liên tục nói những câu dỗ dành ngọt ngào, khiến tôi muốn tiếp tục giận dỗi cũng không được.
Đương nhiên, cậu ấy cũng có lúc vì giận mà mặc kệ tôi. Tôi không học được kiểu cười đùa vui vẻ của cậu ấy, chỉ còn cách hết giờ chạy đến chỗ cậu ấy, nói chuyện với Bùi Lương Vũ mấy câu. Bùi Lương Vũ luôn rất nhiệt tình phối hợp với tôi. Cuối cùng La Duy không nhịn được, “Bùi Lương Vũ, sao anh lại xấu xa thế chứ? Lương Mãn Nguyệt, em qua đây cho anh.”
Gia Hinh nói, La Duy quá chiều chuộng tôi rồi, “Cứ tiếp tục thế này, thỏ trắng nhỏ sẽ bị cậu chiều thành hồ ly bé mất.”
“Không cần cậu lo. Tớ thích thế đấy,” Cậu ấy vuốt tóc tôi, “Trẻ con là phải được nuông chiều.”
Tôi tỏ vẻ đồng ý, “Đúng thế, đúng thế. Mặc kệ Gia Hinh đi, cậu ấy đang ghen tị đấy mà.”
“Lương Mãn Nguyệt!”
Gia Hinh đưa tay ra muốn cấu tôi nhưng bị La Duy chặn lại, “Bình tĩnh, bình tĩnh nào. Ngô Gia Hinh cậu là thục nữ cơ mà.”
Tôi ở bên cạnh cười đắc ý vô cùng.
Về sau khi nghĩ lại, tôi hiểu, sở dĩ khi đó tôi tùy hứng vô lý với La Duy như vậy, tôi không sợ cãi nhau, tôi xem chuyện được cậu ấy chiều chuộng là đương nhiên, đều là bởi vì tôi tin chắc rằng, cậu ấy rất thích tôi.
Cậu ấy cho tôi một mối tình đầu đẹp như thế, đủ để tôi của mấy chục năm sau khi tóc đã bạc đầu, nhớ lại những ký ức xưa, vẫn cảm thấy ngọt ngào.
Hồi đó chúng tôi cũng hiểu ý nhau, không hề nói gì đến chuyện chia lìa trong tương lai, chỉ hết sức tận hưởng hiện tại tốt đẹp. Có lẽ chúng tôi đều hiểu, vấn đề này quá nghiêm trọng, cũng quá khó khăn. Tương lai luôn có những chuyện ta không cách nào kháng cự, chỉ có thể vào lúc còn ở bên nhau, toàn tâm toàn ý yêu thương người ấy.
Trong ký ức của rất nhiều người, lớp Mười hai là một năm học rất nặng nề, rất mệt mỏi. Thế nhưng, nếu như cho tôi lựa chọn, tôi chỉ mong sao thời gian vĩnh viễn ngừng lại vào năm ấy. Có thể khi đó vận mệnh của tôi không tốt đẹp, bố mẹ đều lựa chọn cuộc sống mới mà từ bỏ tôi. Thế nhưng, chú thím yêu thương tôi, cho tôi cuộc sống tốt nhất. Anh cũng tiếp nhận tôi, đối xử với tôi không tệ. Bạn bè bên cạnh luôn bảo vệ tôi. Và La Duy, cậu ấy vô cùng nâng niu tôi, thương yêu tôi, che chở cho tôi. Tôi thực sự rất hạnh phúc.
-
Năm ấy anh tốt nghiệp đại học trở về nhà. Anh không đi du học, cũng không đến làm việc ở công ty của chú.
Thời gian đó, việc kinh doanh của chú càng ngày càng phát triển, cũng bắt đầu khôi phục lại mảng vận tải hậu cần*1, ở tỉnh cũng coi như là người có máu mặt. Thường có người ở quê tìm đến nhà, muốn chú có thể sắp xếp cho họ một công việc tốt ở tỉnh. Chú cũng ít khi từ chối, đối với mọi người đều nhiệt tình, hết lòng đối đãi với họ. Lúc ở nhà chú thường xuyên cảm thán, khi còn trẻ chỉ muốn liều mạng kiếm tiền, giờ già rồi thì lại để ý đến cách người khác nghĩ về mình, cũng muốn làm chuyện gì đó cho quê hương.
Thế nhưng những người từ quê lên đó, dường như không chịu nỗ lực, ỷ mình là họ hàng, là đồng hương của chú, không làm được nhiều việc lại chỉ thích sai khiến người khác, khiến nhân viên không thoải mái. Chú không tiện ra mặt, chỉ hy vọng anh có thể đến giúp, vì có những chuyện để anh giải quyết thì sẽ tốt hơn.
Tuy nhiên anh lại quyết định tự thành lập công ty mạng máy tính. Anh từ chối nguồn vốn mà chú tài trợ, nhưng vẫn cần dựa vào một vài mối quan hệ của chú. Mặc dù chú không tình nguyện lắm, nhưng là con nhà mình, chú vẫn phải giúp. Tuy nhiên anh đã hứa với chú, chỉ cần công ty đi vào quỹ đạo và phát triển tốt, anh sẽ tới công ty chú, giúp chú quản lý.
Chú than với thím, “Xem ra em phải đợi thêm mấy năm nữa. Kế hoạch đi du lịch của chúng ta phải lùi lại thôi.”
Thím nói, “Đã nhiều năm như thế cũng quen rồi, có vài năm nữa thì đáng gì?”
“Chú Lương, chú còn khỏe mạnh lắm, còn có thể làm thêm hai mươi năm nữa ấy chứ. Tính vội chuyện về hưu làm gì ạ.” Anh khen chú.
Chú trừng mắt nhìn anh, “Con xem chú là trâu bò đấy à? Sắp bảy mươi tuổi rồi còn không cho chú nghỉ ngơi.”
-
Tháng sáu năm đó, tôi thi tốt nghiệp.
Đúng là mỗi người mỗi khác. Lúc thi tốt nghiệp anh vô cùng nhởn nhơ, chẳng có gì khác so với ngày thường, chú thím cũng không quá lo lắng. Đến lượt tôi, tuy rằng chú thím vẫn động viên tôi không cần căng thẳng, chú thậm chí còn bảo tôi có thi không tốt cũng không sao, nhất định vẫn có cách cho tôi học lên. Tôi tuy rằng gật đầu đồng ý, nhưng lúc về phòng vẫn cảm thấy hơi lo.
Đến bố mẹ cũng thường xuyên gọi điện hơn. Dường như đến lúc này họ mới nhớ ra họ còn có một đứa con gái. Nội dung cuộc điện thoại thường là những lời cổ vũ tôi. Mẹ kể cho tôi rất nhiều chuyện, nói rằng mẹ sống không tốt lắm, mẹ giờ chẳng mong gì hơn, chỉ hy vọng sau này tôi có thể giúp em gái. Bố dặn tôi đừng phụ kỳ vọng của bố, đừng phụ sự chăm sóc của chú bao năm nay. Tôi thực sự rất muốn hỏi, những năm gần đây rốt cuộc bố đã cho tôi được cái gì, có kỳ vọng gì với tôi mà nói đến chuyện phụ hay không phụ. Thế nhưng lời đã ra đến miệng, tôi lại nuốt vào, chỉ nhỏ giọng nói “Vâng”.
Tôi thấy tôi đúng thực là vô dụng, vừa gặp chuyện là đã nản chí rồi.
La Duy nhìn ra sự căng thẳng của tôi. Tuy cậu ấy không trực tiếp động viên, nhưng mỗi tối sẽ gọi điện thoại cho tôi kể truyện cười. Tuy truyện cười của cậu ấy thực sự chẳng buồn cười chút nào, ví dụ như cậu ấy kể, bạn học của Tiểu Minh đều chế giễu tóc cậu ấy tua rua như đuôi con diều, Tiểu Minh rất đau lòng, khóc một mình trong sân tập thể thao, cứ khóc mãi khóc mãi rồi tự nhiên bay lên trời. Sau đó cậu ấy ở đầu dây bên kia tự cười phá lên, “Haha, buồn cười quá nhỉ!”
Tôi đáp cho có lệ, “Ừ, buồn cười thật.”
“Truyện hay như thế mà em cũng không thấy buồn cười hả? Đời này của anh phải dựa vào truyện cười mà sống đấy...”
Tôi lớn tiếng cười, “Haha. Ai bảo em không buồn cười chứ?”
“Để anh kể tiếp. Khi còn nhỏ, đám bạn luôn nói Tống Kỳ Phong là một thằng ngốc. Cậu ta đau lòng muốn chết, chạy về nhà hỏi mẹ, mẹ, con có phải thằng ngốc không? Mẹ cậu ta an ủi, ngốc ạ, sao con lại là thằng ngốc được chứ... Haha...”
Rốt cuộc tôi không nhịn nổi mà bật cười. Không phải vì câu chuyện cậu ấy kể, đây rõ ràng là truyện cười nhạt nhẽo trong báo. Tôi buồn cười là vì người kể chuyện, “Sao anh lại ngốc như thế chứ? Tự mình kể rồi tự mình cười.”
“Em vui là được, anh đây chẳng nề hà gì mấy chuyện vặt vãnh. Vợ ơi, em đừng suy nghĩ quá nhiều, ngủ sớm chút đi!”
“Biến đi. Ai là vợ anh chứ?” Tôi mắng anh.
“Ai đang nói chuyện với anh thì người đó là vợ anh. Nếu em không thích, anh gọi bà xã, phu nhân, hay nương tử, được không?” Cậu ấy trêu, “Thực ra anh thấy mấy từ đó đều quá tầm thường. Tống Kỳ Phong cũng gọi Tiết Doanh như vậy.”
“Thôi được rồi, anh đi ngủ đi. Ngủ ngon.”
Giọng cậu ấy chợt trở nên vô cùng dịu dàng, “Ừ, em ngủ ngon.”
Tôi vừa cúp máy thì có người gõ cửa. Tôi liền ra mở cửa.
Là anh.
Nhìn dáng vẻ anh, chắc chắn là mới về. Quần áo còn chưa thay, thoạt nhìn có chút mệt mỏi. Công ty vừa thành lập, chuyện gì cũng cần đến anh, quả thực rất vất vả.
Anh vào phòng, nhìn một lượt rồi đi đến bàn học của tôi, tùy tiện lật vở bài tập.
Tôi không hiểu anh qua đây làm gì, “Anh ơi, anh có việc gì ạ?”
Anh lườm tôi, “Không có việc thì không thể tới thăm em à?”
Người đã đẹp thì có lườm người khác vẫn cứ đẹp. Tuy anh đen hơn trước rất nhiều, nhưng lại tuấn tú phong độ hơn, đôi mày kiếm cao cao trông đầy hiên ngang khí phách.
Tôi im lặng, chỉ có thể để mặc anh ngồi đó.
Bỗng nhiên anh nhăn mặt, “Em viết cái gì thế này? Sai rồi.”
Tôi nhìn qua, thấy anh đang chỉ vào vở bài tập Toán thì đỏ mặt, “Em vừa làm xong, còn chưa kịp so đáp án.”
“Em vừa mới nói chuyện điện thoại phải không?” Anh chợt hỏi.
“À... Vâng.”
“Là ai thế?” Anh lơ đãng hỏi.
“Bạn học ạ.”
Mặt anh lộ rõ vẻ không tin, nhìn tôi cười cười, “Lương Mãn Nguyệt, em tự thấy mình trưởng thành rồi phải không?”
“Sao? Đâu có ạ.”
“Em đừng giả ngốc với anh. Đưa điện thoại đây, anh tịch thu.”
-
*Chú thích:
*1. Vận tải hậu cần: Hoạt động chuyên chở, lưu giữ và cung cấp hàng hóa trong giao thông vận tải. Thuật ngữ "hậu cần" (logistics) còn xuất hiện ở các ngành khác như kinh doanh và sản xuất, được giải thích rất phức tạp, ở đây mình không nói hết được, ai muốn tìm hiểu thêm có thể google là ra nhé ^^
* Xưng hô giữa La Duy và Mãn Nguyệt chuyển thành anh - em vì họ hẹn hò rồi, hai nữa là nếu mọi người còn nhớ thì Mãn Nguyệt đi học sớm một năm, thực sự nhỏ hơn La Duy một tuổi, anh - em cũng hợp lẽ
“Em đừng giả ngốc với anh. Đưa điện thoại đây, anh tịch thu.”
Tôi phản kháng, “Sao lại tịch thu chứ?”
“Hai ngày nữa là thi rồi, anh sợ ảnh hưởng đến việc học của em.” Anh nghiêm túc nói, “Thi xong anh sẽ trả lại em.”
“Anh...” Tôi không biết làm sao để phản đối. Dù sao điện thoại cũng là đồ anh cho.
Anh cau mày, “Đừng có làm nũng với anh. Có phải anh không trả em đâu.”
“Cái này không ảnh hưởng gì tới em được đâu. Hơn nữa đã sắp thi rồi, có muốn ảnh hưởng cũng chẳng kịp nữa.”
Anh không nói gì thêm, chỉ lạnh lùng nhìn tôi. Hai người đấu mắt một hồi, cuối cùng tôi vẫn ngoan ngoãn giao điện thoại ra.
Anh không kiểm tra nội dung bên trong, lấy được điện thoại là tắt máy, đứng lên xoa đầu tôi, “Ngủ đi, anh về phòng.” Giọng nói dịu đi không ít.
Nhìn đi, anh tôi không chỉ thích xen vào chuyện người khác, lại còn vui giận thất thường.
Anh đi rồi tôi mới hối hận. Đáng lẽ phải rút SIM ra mới đúng, tôi còn có một cái điện thoại cũ cơ mà. Xem ra không còn cách nào khác, đành bảo La Duy mấy ngày tới đừng gọi điện cho tôi nữa vậy.
-
Trước khi thi tốt nghiệp rất căng thẳng, nhưng tới hôm thi tôi lại chẳng có cảm giác lo lắng gì. Thành tích của tôi luôn khá ổn định, thi thử vài lần điểm không chênh lệch là mấy. Có căng thẳng cũng vô dụng, cứ như vậy đi.
Hiếm khi anh có lòng tốt lái xe đưa tôi đến trường. Tôi đang chuẩn bị xuống xe thì anh gọi giật lại, đưa cho một cái hộp. Tôi mở ra xem, bên trong là một chuỗi thạch anh tím nằm ngay ngắn, tỏa ra ánh sáng dịu dàng.
“Cho em đấy. Đeo đi.”
Thỉnh thoảng anh lại cho tôi quà, tôi cũng quen rồi. Tôi biết anh mà đã muốn cho cái gì thì không thể từ chối được, nên vui vẻ đeo lên, “Cảm ơn anh.”
“Không có gì. Đi đi.”
Tôi xuống xe. Bầu trời trong xanh, thời tiết rất đẹp. Từ xa tôi đã thấy La Duy đứng trước cửa phòng thi, Tống Kỳ Phong cũng ở bên cạnh, nói cười gì đó. Nụ cười của La Duy sáng bừng dưới ánh mặt rời, rực rỡ lạ thường. Tôi thở nhẹ ra một hơi, tươi cười bước đến.
Chưa bao giờ tôi cảm thấy thoải mái như lúc thi xong môn cuối cùng. Không phải tiếp tục lo lắng bài làm tốt hay không, có thể không cần bận tâm đến những thứ liên quan đến kỳ thi, để đầu óc nghỉ ngơi một chút.
Sân trường rất huyên náo ồn ào. Có người reo hò, có người ném sách. Có rất nhiều người đi qua tôi mà toàn là người lạ. Tôi cố gắng tìm kiếm trong đám người thì bỗng nhìn thấy Dương Vân Khai.
Từ sau khi chia lớp, tôi rất ít khi gặp cậu ấy, nhưng thỉnh thoảng vẫn có thể nghe tên. Kỳ thi Toán học, thi Vật lý cậu ấy đều đứng nhất khối. Người con trai trầm mặc từng ngồi cạnh tôi khi ấy giờ thực sự có rất nhiều vinh quang.
Thoạt nhìn cậu ấy có vẻ tách biệt với thế giới xung quanh. Trên khuôn mặt vẫn là vẻ bình tĩnh, bước đi một mình.
Chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào, tôi lại gọi cậu ấy.
Cậu ấy nhìn thấy tôi. Có lẽ vẫn nhớ tôi là người bạn ngồi cùng bàn khi trước nên dừng bước.
Thực ra hồi cấp Hai mặc dù chúng tôi ngồi cùng nhau một thời gian dài, nhưng rất ít khi nói chuyện. Tôi gọi cậu ấy xong lại không biết nên nói gì, chỉ có thể hỏi một câu vô cùng tầm thường, “Cậu thi thế nào?”
“Cũng tạm được.” Cậu ấy trả lời.
“Chắc cũng thừa sức vào đại học lớn nhỉ?”
“Ừ.” Cậu ấy suy nghĩ một chút rồi đáp rất tự tin.
Có lẽ là do thi tốt nên cậu ấy gần gũi hơn ngày thường rất nhiều. Tôi còn tưởng cậu ấy sẽ chỉ nói hai ba câu lạnh nhạt rồi đi ngay.
“Cậu... thi thế nào?” Cậu ấy hỏi.
“Vẫn thế thôi. Lực học của tớ vẫn luôn tầm tầm, thi đỗ là tốt rồi.”
Sau mấy câu đối thoại đơn giản, cả hai đều trở nên trầm mặc. Chúng tôi vốn không phải người nói nhiều, nhất là cậu ấy, quả thực vô cùng kiệm lời. Hôm nay nói được nhiều câu như thế đã là hiếm thấy lắm rồi.
Tôi đang bối rối thì La Duy chạy tới, nhân tiện cầm lấy túi xách trong tay tôi, “Ở đây à? Anh tìm em mãi. Mau đi thôi, mọi người đang chờ.”
Cậu ấy không hề nhìn đến Dương Vân Khai, kéo tôi đi.
Tôi dừng lại, mỉm cười với Dương Vân Khai, “Ngại quá, tớ phải đi rồi. Chúc mừng cậu trước nhé. Tạm biệt.”
“Tạm biệt.” Cậu ấy gật nhẹ đầu, xoay người nhanh chóng bước đi. Bóng lưng của cậu ấy thẳng tắp và vững chãi, nhưng chẳng hiểu sao tôi vẫn thấy có vẻ cô đơn.
La Duy càu nhàu, “Sao em lại đứng đây nói chuyện với kẻ cù lần đó chứ?”
“Dù sao cũng là bạn học, anh tôn trọng người khác chút được không hả?”
“Được rồi được rồi. Không phải kẻ cù lần mà là bạn học Dương. Còn nhìn cái gì? Mau đi thôi. Bên cạnh em có người đẹp trai mê hồn thế này mà em còn nhìn người khác.”
Tôi cấu nhẹ cậu ấy, “Da mặt dày quá nhỉ? Anh vứt Bùi Lương Vũ đi đâu rồi?”
La Duy nắm tay tôi bước đi, “Còn vứt ở đâu được? Vứt ở bồn cầu nhà anh chứ đâu. Biết ngay là em vẫn còn tơ tưởng đến Bùi Lương Vũ mà. Ngay từ đầu anh đã biết anh ấy nguy hiểm rồi.”
Bùi Lương Vũ đang nói gì đó với Vương Khải ở phía trước. Tôi liền hô, “Bùi Lương Vũ, có người nói xấu anh này...”
La Duy vội bịt miệng tôi, “Người nhà em không thương lại còn tiếp tay cho người ngoài, định mưu sát chồng phải không?”
Nhưng không kịp, Bùi Lương Vũ đã lao đến, “Tôi biết thừa, cậu không chiếm được tôi nên muốn hủy diệt chứ gì?”
La Duy ghét nhất là bị người khác nhắc đến chuyện này, nhảy dựng lên vứt túi sang cho tôi, “Vợ, em cầm tạm đã. Anh phải giết tên này trước!”
Hai người náo loạn cả một góc. Tôi cười trốn sang một bên, khoác tay Gia Hinh.
Chẳng biết họ đã đùa nhau như vậy bao nhiêu lần rồi. Tương lai nếu không có gì bất ngờ, chắc sẽ vẫn còn tiếp tục. Chỉ là tôi nghĩ, có lẽ đây sẽ là lần cuối cùng ở sân trường.
Tôi nhìn xung quanh. Cây cỏ, những tòa nhà, sân thể thao, hòn non bộ, hồ nước đều vô cùng thân thuộc. Ngày thường nhìn chẳng thấy có gì đặc biệt, vậy mà giờ đây lại khiến tôi cảm thấy khó rời xa đến thế.
Tôi đã đi qua mọi ngóc ngách ở nơi này. Con đường này tôi cũng đã đi vô số lần. Cũng ở nơi đây, thầy cô đã truyền đạt cho tôi bao nhiêu kiến thức. Tôi quen thật nhiều người bạn, có được niềm vui, cũng trải qua những nỗi buồn. Đây là nơi tôi đã học tập và gắn bó suốt sáu năm trời. Cảnh vật và thầy cô ở đây có lẽ rất lâu sau cũng không thay đổi, thế nhưng những đứa trẻ từng trưởng thành ở nơi này như chúng tôi, cuối cùng cũng phải chia tay. Tuy rằng hơn mười ngày sau chúng tôi còn phải trở về trường làm nguyện vọng đại học, nhưng tôi biết, ngày hôm nay khi chúng tôi bước ra khỏi cổng trường, là thực sự đã rời xa mất rồi.
Có lẽ mọi người đều có cảm giác giống tôi, thế nên cho dù đang cười đùa, trong đôi mắt vẫn ẩn hiện nhiều điều phức tạp.
Về sau tôi đi ngang qua đây rất nhiều lần, cũng có những khi muốn quay về chốn cũ, nhưng cuối cùng vẫn không trở lại. Tôi không có can đảm bước vào để cảm nhận cảnh vật còn người mất, cảnh hoa đào vẫn cười với gió xuân, mà người xưa không biết đã nơi nào. Thế nên, chỉ có thể để những năm trung học và những ngày tháng thanh xuân đẹp đẽ này của tôi vĩnh viễn ngủ yên trong ký ức.
Hết chương 10