Đường Đi Không Nổi Nữa Ca Ca

Chương 11




A Na Côi một lòng một dạ đặt sự chú ý lên thái tử, thấy Đàn Đạo Nhất phất tay áo bỏ đi, nàng khẽ nguýt mắt, nhón một quả nho tím bóng đặt vào tay thái tử, “Điện hạ.”

Tuy lấy sắc hầu người, nhưng được cái nàng rất hồn nhiên, khuôn mặt nhỏ nhắn mừng ra mừng dỗi ra dỗi, thú vị hơn nhiều đám thiên kim khuê các lúc nào cũng đoan trang nghiêm chỉnh, thái tử rất thích, lệnh A Na Côi đứng hầu bên cạnh, hai người mắt đi mày lại, trò chuyện như xung quanh chẳng có ai.

Đàn Tế sợ hôm nay bị người ta nhìn ra mình đỏ mặt, cố ý đắp một lớp phấn thật dày, thế là bụng dạ cũng vững vàng hơn. Ông vuốt râu, cười mỗi lúc một roi rói trước ánh mắt hoặc xem thường, hoặc kinh ngạc của khách khứa.

Đàn Tế thận trọng, nửa câu sau không nói ra, Lưu tư không thấu đáo lòng người bèn mở miệng thay ông, “Thái tử phi tĩnh dưỡng trong chùa, công chúa Nhu Nhiên thì không thông ngôn ngữ, chỉ e tính tình cũng trái ngược với nữ tử triều ta, điện hạ nên nạp vài vị phi thiếp dịu dàng săn sóc thì hơn.”

Nhạc phụ Vương Phu đang ngồi ngay đây, thái tử đâu tiện há mồm bảo nạp thiếp, cười ha hả nói: “Không vội, không vội.”

Quả nho trên ngón tay A Na Côi suýt nữa bị bóp bục vỏ, nghĩ đến roi của Xích Đệ Liên, cả người nàng tức thì trở nên gượng gạo, “Điện hạ,” nàng ngập ngừng, “Bao giờ công chúa Nhu Nhiên đến Kiến Khang ạ?”

Thái tử thấy cô nhóc này đến sắc mặt cũng thay đổi, mờ mịt ừm một tiếng, “Xuân tới,” Y ân cần hỏi A Na Côi, “Sao thế, em sợ người Nhu Nhiên à?”

A Na Côi ghé lại bên tai thái tử, nói rất nghiêm túc: “Điện hạ, người Nhu Nhiên mắt như chuông đồng, mồm như chậu máu, há ra một cái là đớp được nửa cái đầu người đấy.”

Thái tử bật cười, cau mày làm như chuyện thật, “Thật à? Em từng gặp người Nhu Nhiên rồi?”

“Ai cũng nói vậy mà?” A Na Côi trợn tròn hai mắt, “Không những thế, họ ăn thịt dê, uống sữa dê, sớm chiều ngủ trong chuồng dê, người ngợm hôi rình,” Nàng làm bộ phẩy tay, “Eo ôi cái mùi ấy.”

Thái tử chẳng để tâm mấy câu ngớ ngẩn của nàng, quay đầu đi nghe người khác bình luận về phong thổ Mạc Bắc, vì đã đính hôn với công chúa Nhu Nhiên nên về thể diện, thái tử vẫn phải bảo vệ nàng ta, “Công chúa là minh châu trong lòng bàn tay khả hãn, cơm ngon áo đẹp, hẳn sẽ không thô bỉ, cơ mà tính tình thì chắc hơi nhõng nhẽo.”

A Na Côi đầy bụng căm phẫn bất bình, suýt nữa để lộ lên mặt. Trong mắt nàng, tay thái tử này cũng chẳng khác nào một kẻ ngu xuẩn – Nàng ôm bát lưu ly đựng đầy nho, ưỡn thẳng lưng, môi dẩu lên một độ cong không dễ phát hiện, bày ra biểu cảm xem thường, “Đồ đáng ghét.” Nàng lặng lẽ lẩm bẩm.

Mọi người nói sang chuyện triều chính, A Na Côi dần cảm thấy bữa tiệc này tẻ nhạt. Nàng đặt bát lưu ly xuống, nhấc váy đi ra khỏi sảnh hoa.

Nàng men theo hành lang, vừa đi vừa ngó đông ngó tây, nhẹ giọng gọi “Bọ Ngựa”.

Chẳng thấy bóng dáng Đàn Đạo Nhất đâu, A Na Côi thất vọng, hai vai sụp xuống, mái đầu rối bù tựa lên cột trụ hành lang, bụng bảo dạ: Nàng mặc đẹp như vậy, hát hay như vậy, hoa trà trên tóc mai thơm như vậy, thế mà chẳng một ai ca tụng nàng! Thái tử ấy à, chỉ biết ăn! Còn nói nhảm! Vừa ngu ngốc vừa ồn ào.

Nàng bực bội rầu rĩ, thế mà lại có con đom đóm bị hoa sơn trà trên tóc thu hút, cứ bay quanh nàng lúc cao lúc thấp. A Na Côi không có quạt tròn trên tay, bèn tháo một chiếc giày tơ ra đuổi theo đập đom đóm. Nó đào tẩu, nàng giận dữ ném mạnh giày tơ về hướng ngược lại với đom đóm bay, “Xí, tất cả các người đều là đồ đáng ghét.”

“Ai đáng ghét?” Có người nhảy qua lan can, đi lên hiên vòng, cười hỏi nàng.

A Na Côi sửng sốt ngoái đầu, thấy người này mặc áo đen, bước chân nhẹ tênh, hoàn toàn không gây chú ý. Đi đến gần, hắn đứng lại dưới đèn lồng vải sa, hai mắt lập lòe. Giày tơ của nàng nằm ngay trong tay hắn.

A Na Côi đứng dậy, nàng cảm thấy người này hơi quen mắt, lại chẳng nghĩ ra là đã gặp ở đâu.

“Ai đáng ghét?” Hắn cười với A Na Côi, để lộ hàm răng trắng sáng, “Công chúa Nhu Nhiên đáng ghét à?”

A Na Côi nghe ra ý xấu trong lời hắn, lập tức vặc lại: “Ngươi đáng ghét!” Bị hắn nhìn chòng chọc không chút né tránh, nàng luống cuống, một ý nghĩ vụt lướt trong lòng, nàng chợt nhớ ra từng gặp hắn trên thị lâu, “Hứ, nghèo rớt mồng tơi, mánh khóe gian giảo!” Miệng nàng dẩu lên, sợ dính phải hơi nghèo của hắn, giày tơ cũng bỏ, quay đầu bỏ đi.

Tiết Hoàn rảo hai bước cản nàng lại, vỏ kiếm chặn ngang trước mặt, hắn cười đến là thân mật dịu dàng: “Cô quen công chúa Nhu Nhiên?”

“Không quen.”

Tiết Hoàn “ồ” một tiếng, “Cô nói với thái tử, người Nhu Nhiên ăn thịt dê, ngủ chuồng dê, trên người lúc nào cũng có mùi gây?” Hắn lại gần, khẽ ngửi bên gáy nàng như lơ đãng, “Là cái mùi trên người cô hả?”

Câu này đâm trúng tim đen của A Na Côi, lòng cảnh giác của nàng đối với Tiết Hoàn hãy còn, lại vô thức rụt vai, tay vội vàng khép vạt áo, “Ta không có!”

Tiết Hoàn thấy rõ  vẻ chột dạ trên mặt nàng, trong lòng càng tin chắc hơn. Ánh sáng chớp lóe trong mắt hắn, hắn đứng thẳng dậy, “Thì ra là thế.” Đứa con nuôi bị bắt cóc của khả hãn Nhu Nhiên không phải dưỡng tử, mà là dưỡng nữ. Thấy A Na Côi đề phòng cao độ, Tiết Hoàn sợ nhiều lời thêm một chữ sẽ dọa nàng chạy mất, bèn vờ như không biết, cười hỏi: “Làm gì mà cô phải ghét công chúa Nhu Nhiên đến thế? Dẫu cô nàng có được gả cho thái tử cũng có liên quan gì tới cô đâu.”

A Na Côi khinh miệt hừ lạnh, quay mặt đi.

Tiết Hoàn bật cười, nói: “Không phải cô cho rằng thái tử đã là vật trong túi cô đấy chứ?” Hắn thần bị thì thầm vào tai A Na Côi: “Đừng sợ, công chúa Nhu Nhiên không tới được đâu.”

Mắt A Na Côi sáng lên, “Sao ngươi biết?” Nàng không kìm được nhoẻn cười.

Tiết Hoàn thấy lúm đồng tiền nàng như hoa, trong lòng ngứa ngáy, ghé sát rạt, nhẹ nhàng hà hơi vào tai A Na Côi, “Cơ mà, cô cũng đừng mong đợi thái tử. Người Nhu Nhiên có ăn thịt người hay không ta không biết, nhưng thái tử thì có giết người đấy. Hắn thích nhất là giết tiểu mỹ nhân hấp tấp như cô…”

Bị một người xa lạ hà hơi vào tai, nếu là thái tử thì may ra A Na Côi còn mỉm cười nhẫn nhịn, nhưng nghĩ đến Tiết Hoàn chỉ là một kẻ nghèo hèn được mỗi mã ngoài, nàng tức khắc cảm thấy mình bị mạo phạm, đẩy vai Tiết Hoàn ra, mặt lạnh như sương, “Mồm ngươi hôi chết đi được, nói chuyện cách ta gần như vậy làm gì?” Mắt đảo một vòng, nàng túm giày tơ của mình chạy biến.

Tiết Hoàn tuy chỉ là môn khách của thái tử nhưng chưa bao giờ bị ai làm mất mặt, lại còn bị A Na Côi đẩy đúng chỗ trúng tên, lập tức nổi giận. Nhíu mày nhẫn nhịn một hồi, toan nhấc chân thì bị một món đồ mềm mại từ trên trời giáng xuống đập trúng đầu. Cúi đầu xuống nhìn, là chiếc giày tơ của A Na Côi. Đại khái là nàng ghét hắn nên đến độ cái giày này nàng cũng ruồng bỏ vì nó từng bị Tiết Hoàn nắm trong tay.

Tiết Hoàn nghiến răng cười gằn, giẫm lên giày tơ đi về phía sảnh hoa.

Khách đã về hết, trăng lên giữa trời, Đàn Tế cười góp cả một buổi tối, cơ mặt cũng phải nhức mỏi, ông uể oải ngồi xuống sập, phân phó người hầu: “Gọi Đàn Đạo Nhất tới đây, gọi cả A Tùng nữa.”

Đàn Đạo Nhất còn chưa nguôi giận, chẳng buồn nể nang Đàn Tế, chỉ nói mình đã ngủ, bị gia nô mời giục ba bốn hồi mới bưng cái mặt lạnh tanh tới gặp Đàn Tế.

Nửa đêm canh ba không được ngủ, mắt A Na Côi dại ra, hoa sơn trà đã rơi mất, giày tơ dưới chân cũng thiếu một chiếc, đang ngẩn ngơ bên sập Đàn Tế.

Nàng đang ngáp dở thì trông thấy Đàn Đạo Nhất, mắt lập tức cong cong rộ cười.

Đàn Đạo Nhất áo quần chỉnh tề, không hề có vẻ gì là buồn ngủ. Chàng không nhìn A Na Côi, chỉ lãnh đạm chào phụ thân.

Đàn Tế im lặng nhìn kĩ Đàn Đạo Nhất – con trai ông tuổi còn nhỏ mà nặng lòng dạ, chỉ sợ đêm nay lại trằn trọc trăn trở, nghĩ đến là Đàn Tế thấy đau lòng, bèn dứt khoát sớm nói cho rõ ràng. “Đạo Nhất,” ông nhấp một ngụm trà nhuận họng, trỏ vào A Na Côi, “Sao còn chưa gọi muội muội?”

Sắc mặt Đàn Đạo Nhất cứng đờ, hồi lâu không lên tiếng. Đàn Tế cũng chẳng giục chàng, chỉ nhẹ nhàng thổi hơi trà nóng bốc lên. Ngồi khoanh chân một lúc, ông đổi tư thế, xoa hông ho vài tiếng trầm đục.

Bấy giờ Đàn Đạo Nhất mới cất tiếng, cực kì không tình nguyện, chàng gọi: “A Tùng muội muội.”

A Na Côi đã chờ đến sắp không nhịn nổi nữa, nghe thấy câu này, mắt nàng đong đầy nụ cười, lập tức đáp giòn tan: “Đạo Nhất ca ca.”

Đàn Tế hài lòng, còn muốn căn dặn thêm vài câu anh em như thể tay chân, đã bị Đàn Đạo Nhất ngắt ngang, “Muội lui xuống trước đi.” Chàng nói với A Na Côi, miệng thì gọi muội muội nhưng mặt thì lạnh lùng hất hàm sai khiến.

A Na Côi chỉ ước mỗi câu này, nhún gối chào Đàn Tế rồi xoay người chạy biến. Đàn Tế trừng Đàn Đạo Nhất mấy lượt, nghe thấy cửa được người bên ngoài khép lại, Đàn Tế đặt âu trà xuống, thở dài: “Đạo Nhất, người khác suốt ngày khen con, một là vì gia thế nhà họ Đàn chúng ta, hai là vì nom mặt mũi con bình thường cũng có mấy phần thông minh, con đừng tưởng thật quá – Ta nói thẳng cho con nghe, từ nhỏ con đã được ông trời ưu ái, chưa gặp phải sóng gió gì, dưỡng ra tính tình tự phụ bộc trực như vậy, sau này ắt sẽ chịu thiệt thòi.”

Mỗi câu mỗi chữ Đàn Tế nói đều là lời gan ruột trâu già liếm nghé1, vào tai một thiếu niên mười bảy, mười tám tuổi cực nặng lòng tự ái thì lại rất chói tai. Đàn Đạo Nhất hơi cau mày, nhẫn nhịn không phản bác.

1 Thành ngữ xuất phát từ “Hậu hán thư – Dương Bưu truyện”, chỉ tình thương yêu sâu nặng của cha mẹ đối với con cái.

Đàn Tế “ha” một tiếng, “Làm sao, con còn không phục?”

Đàn Đạo Nhất nghĩ một đằng đáp một nẻo, “Không ạ.”

“Không phải không phục thì bĩu môi cái gì?”

Đàn Đạo Nhất mím môi, sau cùng không nhịn nổi nữa, chàng vụt ngước mắt: “Phụ thân chướng mắt nhị điện hạ cũng là bình thường, nhưng vì sao phải lấy lòng thái tử? Dựa vào gia thế họ Đàn chúng ta mà lại bắt chước phường nịnh nọt bợ đỡ, lợi dụng sắc đẹp ton hót thái tử, động thái của phụ thân tối nay sẽ bị người đời cười đến hết đời!”

Trước mặt khách khứa, Đàn Tế còn dày mặt được, bị con trai khiển trách thẳng mặt, mặt ông không kìm được đỏ lên, ngồi thẳng người dậy, nói: “Cười thì cười đi, bị người ta cười mấy tiếng thì có làm sao? Con ngồi xuống đi,” Ông chỉ vào sập nhỏ cạnh giường, dự định nói chuyện trắng đêm với Đàn Đạo Nhất, “Đạo Nhất, con biết ta không coi trọng Nguyên Dực, nhưng có biết vì sao không? Con người nó có chút trí tuệ, tính tình cũng xem như hiền lành, không kém gì thái tử, nhưng chuyện nó trù tính ắt sẽ không thành.”

Đàn Đạo Nhất nhướng mày, bướng bỉnh nói: “Không thử sao biết?”

“Thằng nhóc con đừng có cãi cố với ta.” Đàn Tế quát chàng một câu, lại dịu giọng nói: “Con thường nói tổ tiên nhà họ Đàn chúng ta phi vương tức hầu, tổ tiên nhà hoàng hậu là thợ mổ lợn, nhưng bệ hạ thì sao lại không phải xuất thân hàn vi? Thế gia thì làm sao? Qua trăm năm sừng sững không đổ đã là cực hạn rồi. Từ khi y quan nam độ đến nay, thế lực của sĩ tộc đã yếu đi, gần đây bệ hạ lại có ý định noi theo Bắc triều, muốn dùng người hàn môn chấp chưởng cơ mật, mẫu tộc của thái tử xuất thân thô tục lại là một lợi thế cho hắn, bệ hạ chọn con gái Vương Phu làm thái tử phi, còn thông gia với Nhu Nhiên, đã là tâm ý kiên quyết, chắc chắn không thay đổi. Nguyên Dực mà muốn giành giật, không quấy triều ta long trời lở đất là không thể, mà lúc này Bắc triều lom lom ở biên cảnh, Nhu Nhiên thì sáng nắng chiều mưa, sao Kiến Khang chịu nổi nội chiến? Bệ hạ không đồng ý, văn võ toàn triều không đồng ý, dù là ta cũng không thể trơ mắt nhìn nó mưu phản làm loạn.”

Đàn Đạo Nhất không phản bác được gì, mãi sau mới ngập ngừng: “Thái tử tàn bạo…”

“Chưởng quản quyền hành một nước, có mấy ai lòng dạ bồ tát? Hắn có tàn bạo cũng chỉ bất quá giết vài tì nữ hạ nhân, chẳng lẽ còn dám tàn bạo lên đầu con?”

Đàn Đạo Nhất nhíu chặt mày, không chờ chàng mở miệng, Đàn Tế đã khoát tay, “Đúng là ta muốn gả A Tùng cho hắn – cô bé này vừa không có căn cơ, vừa không có chỗ nương tựa, lại có mấy phần lanh lợi, không thể thích hợp hơn. Làm con gái Đàn gia chúng ta, thái tử cũng không dám tùy tiện làm gì nó.” Ông vỗ tay vịn, nghiêm mặt nói: “Nói tới nói lui vẫn phải trách con! Không nghe lời ta, suốt ngày lêu lổng với Nguyên Dực! Con tưởng vì sao bách tính Dự Châu lại xin lệnh thay nó? Còn không phải nó cấu kết với thằng chú không nên thân của con, nhờ Đàn Quyên chạy vạy bố trí giúp nó sao? Thái tử đã nhìn ra hết mấy trò mưu ma chước quỷ này rồi, đợi hắn ngự cực, Đàn Quyên ắt sẽ gặp họa, còn con,” Ông căm tức trỏ Đàn Đạo Nhất, “Con cũng chẳng được quả ngọt mà ăn đâu!”

Đàn Đạo Nhất lạnh lùng nói: “Hắn làm gì được con?”

“Hắn là hoàng đế mà không làm gì được con?” Đàn Tế tức đến nực cười, đối mặt với đứa con trai không biết trời cao đất dày, quả thực buồn lo rối trí, không cười nổi nữa, ông ngoắc tay nói, “Con lại đây.” Đợi Đàn Đạo Nhất bước lên, ông hiền từ nắm vai chàng, “Tổ phụ con tuổi tác đã cao, nhà họ Đàn bây giờ bấp bênh, lòng người dễ đổi, dưới gối ta chỉ có mình con, nhà chúng ta sau này đều trông vào con cả – Con hãy nghe lời ta, kiềm chế lại đi.” Đàn Tế vẫn thường treo những lời này cửa miệng, song chưa từng thấm thía thành khẩn như vậy, “Không thể đắc tội thái tử, dù ta tự xưng là thanh lưu cũng không thể không mặt dày lấy lòng hắn…”

Đàn Đạo Nhất bật thốt, “Cha lấy lòng hắn, tại sao phải gả A Tùng cho hắn? Nó không phải con gái cũng chẳng phải nô tì của cha. Là con mang nó vào nhà!”

Đàn Tế cúi đầu uống trà, mí mắt vểnh lên, ông cười khà khà, “Ta đâu có bức bách A Tùng, tự nó bằng lòng trèo cái cành cao thái tử này đấy chứ… Người đều đi lên chỗ cao, một cô nhóc còn có chí khí như thế, con thì sao?”

Ông khuyên bảo hết nước hết cái mà đầu mày Đàn Đạo Nhất lạnh cứng, sắc mặt càng khó coi hơn, Đàn Tế cạn kiệt kiên nhẫn, cũng sầm mặt xuống, “Chuyện tối nay chỉ là một bài học nho nhỏ cho con, về sau còn làm càn nữa, ta sẽ đánh con đấy! Ta thấy con là sống thuận buồm xuôi gió quá nên ngứa đòn!” Rống rít uy hiếp Đàn Đạo Nhất mấy câu, ông không nhịn được xua tay, “Con đi đi, nói thêm câu nữa, ta bị con chọc tức chết mất thôi.”

Đàn Đạo Nhất nhấc chân đi thẳng. Đàn Tế lại đuổi theo, thiết tha dặn dò, “Về đi ngủ đi, không được suy nghĩ bậy bạ nữa! Trẻ con suy nghĩ nhiều quá không cao lên được đâu!”

Đàn Đạo Nhất ngước cằm, bỏ lại cho ông một bóng lưng cao ráo thẳng tắp, tựa như trúc xanh ngạo nghễ tuyết sương, rời đi đầu không ngoảnh lại.