Trong phòng bỗng vang lên bài hát cuối của bộ phim nào đó.
Bị cậu nhìn chằm chằm, Dư Thanh ngại ngùng xoay mặt chỗ khác, đúng lúc thấy Lương Vũ đang nằm trên giường ở căn phòng đối diện, mắt đang dán chặt vào ti vi. Sân vườn trống trải, lá cây xào xạc.
“Dì nói lấy mấy thùng lận, cậu xuống dưới chất đầy đi.” Ánh mắt của Dư Thanh lại dừng trên mặt cậu, “Mình lấy phụ cậu.”
Lương Tự cong khóe môi, bỏ cánh tay đang đặt trên đầu gối xuống.
“Ừm.” Cậu đáp lại.
Lương Tự cúi người xuống hầm lần nữa, lên lên xuống xuống bận bịu một lúc. Chuyển tổng cộng được ba thùng, lúc làm xong, Dư Thanh thực sự thấy hơi mệt. Lương Tự thì không ngơi tay đi thẳng đến quầy hàng, Dư Thanh ngồi nghỉ ngơi ở băng ghế dưới mái hiên trong nhà. Lương Vũ mới rời giường, bưng một thau nước nóng trong bếp ra ngoài, nhìn chân cô bé đã đỡ hơn nhiều.
Cô bé túm hết tóc vùi đầu vào thau nước.
“Chị Dư Thanh, chị lấy dầu gội đầu giúp em với.” Lương Vũ kêu, “Trên cửa sổ ấy.”
Dư Thanh đi lấy giúp cô bé.
Trong một lúc không có gì làm, Dư Thanh đi ra khỏi nhà. Ở quầy hàng, Lương Tự đang ngồi xổm kéo theo rổ rau củ, Thẩm Tú và một bà cụ đang cò kè mặc cả, cô đi đến thưa Thẩm Tú một tiếng rồi bỏ đi.
Lương Tự quay đầu lại nhìn, cô đã mất hút trong đám đông.
Tiếng nói cười ồn ào trong trấn không ngớt, Dư Thanh đi qua dòng người tấp nập đến một con phố thưa thớt. Hôm đó là cuối tuần, cô chạy đến tìm Phương Dương chơi, siêu thị nhỏ nhà cô bạn cũng khá đông khách.
Lúc cô đến, Phương Dương đang trong bếp rửa chén.
“Tao đang định tới tìm mày thì mày tới rồi.” Cô bạn đặt chén đũa đã rửa sạch lên thớt.
Dư Thanh ngồi trên chiếc ghế đẩu nhỏ trong bếp, nhặt củi cầm chơi qua chơi lại.
“Hôm nay trên trấn đông người lắm.” Cô nói.
Phương Dương: “Lại chả, ngày mai mười bảy mà.”
Nhờ cô bạn nhắc, Dư Thanh mới nhớ ra. Hội chợ ở thôn Tiểu Lương diễn ra vào hai ngày này trong kỳ thất cửu [1] mỗi tháng, đến lúc đó chắc chắn số người đến chợ sẽ nhiều hơn hẳn, người bán đã phải đến giành chỗ bán trước đó một ngày.
[1] Trong truyền thống dân gian Trung Quốc, mùa đông sau ngày Đông chí kéo dài 9×9 là 81 ngày, theo đó cứ mỗi chín ngày sẽ đại diện cho một giai đoạn khác nhau của mùa này và được gọi là một ‘cửu’. Đông chí là ngày đầu tiên của “nhất cửu” (9 ngày đầu tiên), chín ngày tiếp là “nhị cửu”, rồi lần lượt gọi mỗi ‘cửu’ theo nguyên tắc này.Ngày mai sẽ đông đúc hơn hôm nay rất nhiều.
Mèo nhà Phương Dương đi loanh quanh trước cửa bếp, Dư Thanh “meo meo meo” gọi nó đến. Phương Dương đã dọn dẹp xong, kéo cô từ trên ghế đứng dậy ra ngoài.
Hai người đi lang thang trên đường phố tấp nập.
Mắt Dư Thanh lướt qua từng hàng quán nhỏ nhỏ liền kề nhau, hoa hết cả mắt. Phương Dương kéo cô đến một tiệm trang sức, phía trên treo rất nhiều vòng tay và bông tai. Trong hộp có đủ các loại dây cột tóc to nhỏ, hộp xốp vuông đựng các kiểu nhẫn bạc khác nhau, còn có rất nhiều kiểu kẹp tóc đủ màu sắc.
Phương Dương cúi đầu lựa trong đống đồ.
“Dư Thanh, mày thấy cái nào đẹp?” Cô bạn chỉ vào hai chiếc nhẫn đeo ở ngón út, hỏi cô.
Cô duỗi ngón trỏ: “Cái này đi.”
Hai cô gái đang nói chuyện, vai Dư Thanh bị ai đó vỗ vào một cái. Cô vừa quay đầu lại, thấy Lương Vũ cười tủm tỉm nghiêng đầu gọi cô “chị Dư Thanh”. Bên cạnh cô bé còn một cô bé khác nữa, cũng gọi theo.
Người trong chợ không ngừng qua lại.
Lương Vũ nói vài câu với cô rồi kéo bạn mình đi chơi, Phương Dương cúi đầu tiếp tục chọn bông tai. Tiệm bán dưa hấu bên cạnh có treo loa, phát ra ‘một cân một tệ tám, không ngọt không lấy tiền nha’. Cửa hàng “Đồng giá hai tệ” sau lưng đang mở những bài nhạc thịnh hành thời đó, chốc chốc lại nghe thấy câu “Không lo bị hớ không lo bị thiệt” lẫn vào tiếng nhạc.
Toàn bộ thị trấn nhỏ được bao bọc bởi bầu không khí tốt lành.
Lúc đó đã gần giữa trưa, mấy hàng ăn vặt cạnh chợ cũng đông nghịt người. Quán mì sợi, bánh chiên, mì cọng to, mì thạch lạnh san sát bên nhau, bàn ghế trước nhà lấn sang cả quầy hàng của Thẩm Tú.
Bà bận trông tiệm, không thể lo cơm nước, cả tiền lẻ cũng không rảnh đếm.
Thẩm Tú đang cúi đầu lấy rau củ cho khách, lúc này Lương Vũ đã đi chơi về. Cô bé vào phòng bếp lấy cà chua vừa ăn vừa đi ra ngoài, Thẩm Tú ở quầy hàng quay đầu lại.
“Lát nữa con với anh hai ra ngoài ăn đi.”
“Dạ.” Lương Vũ nhai chóp chép, “Vậy con đi tìm chị Dư Thanh chơi đây, mới nãy thấy chị ấy trên phố.”
Lương Tự bước ra từ mái hiên, cậu lau vệt nước còn dính trên cằm sau khi mới rửa mặt xong, giũ tay. Ánh nắng chiếu vào làn da cậu, cứng rắn và khỏe mạnh, đôi mắt đen sâu thẳm.
“Mẹ ăn chút gì không.” Lương Tự nói, “Con mua về cho mẹ.”
Thẩm Tú khom lưng bận bịu, nói câu “Con mua gì cũng được.” Lương Tự mang dép lê đi vào dòng người, Thẩm Tú chợt hô lên câu “Nhớ mua bột mì”.
Cậu mướt mồ hôi với đám đông trên phố.
Lương Tự mua hai phần mì sợi to, sau đó đến tiệm người quen lấy gói bột mì rồi quay về. Cậu cao ráo, đi trên đường có thể nhìn ra rất xa. Trong chợ có người lớn lẫn trẻ em, đường đi chật như nêm, những người đến hội chợ vào ngày 16 thường là người sống ở những thôn gần thị trấn.
Cậu vừa đi về vừa lơ đãng nhìn hai bên đường.
Hôm đó bận đến tận khi mặt trời xuống núi, Lương Tự vào nhà tắm nước lạnh rồi thay quần áo. Ban đầu cậu định đến trường tập đàn, vừa ra khỏi cửa thì gặp Trần Bì, cậu bạn cầm vợt đánh bóng bàn kéo cậu đi chơi vài trận. Thế là, đi giữa đường thì quẹo sang quảng trường nhỏ.
Không gian không lớn không nhỏ, đâu đâu cũng thấy người đi hóng mát.
Khu đánh bóng bàn có hai cái bàn, Lý Vị đã giữ một bàn trước. Cái nóng oi bức buổi chiều vẫn kéo dài đến tối, lúc đó trời cũng không mấy sáng sủa. Lương Tự đánh một lúc thì thấy chán, cậu dựa sang một bên nhìn hai thằng bạn mình chơi.
Có gió thổi nhưng vẫn thấy nóng.
Lương Tự lần mò tìm thuốc lá, khóe mắt lơ đãng liếc nhìn. Bên dưới xà kép phía bên phải có hai cô gái, Dư Thanh dựa vào một bên thành xà đứng nói chuyện. Cô vắt chiếc áo khoác màu hồng trên cánh tay, trên người là áo hai dây ngắn mát mẻ. Cô gái bên cạnh nhẹ nhàng nhảy lên xà kép, cúi đầu như đang nói gì đó với Dư Thanh.
Đèn quảng trường bỗng sáng lên, Lương Tự rút tay ra khỏi túi.
“Đi đâu đấy?” Trần Bì thấy cậu xoay người đi.
Lương Tự đã đi được vài bước: “Đi mua nước.”
Cậu đi thẳng đến tiệm tạp hóa ở một góc quảng trường, mua vài chai nước, thấy trên quầy có vài món đồ ăn vặt, ánh mắt dừng một lúc, sau đó xách vài chiếc túi ra ngoài. Lương Tự đứng ở cửa tiệm nhìn trong chốc lát, thấy bên phía xà kép, cô đang ngửa đầu cười.
Dư Thanh và Phương Dương đang nói mấy chuyện của con gái.
“Sao tai mày không có lỗ xỏ nào hết vậy?” Cô bạn hỏi.
Dư Thanh sờ lỗ tai: “Có xỏ mà bít rồi.”
Phương Dương ngồi trên xà kép cúi người xuống nhìn kỹ, lúc ngồi thẳng người lên, ánh mắt khựng lại. Dư Thanh thấy ánh mắt của cô bạn là lạ, cũng quay đầu sang nhìn theo, Lương Tự đang đi về phía bên này.
Dư Thanh cũng lập tức sửng sốt.
“Lương Vũ không ở chung với cậu?” Lương Tự đến gần.
Chàng trai như đang hỏi chuyện vặt vãnh thường ngày, giọng điệu quá đỗi tự nhiên. Dưới ánh đèn mờ nhạt, gương mặt cậu hiện góc cạnh rõ ràng.
“Hồi chiều có đến chung.” Dư Thanh nói, “Em ấy đi rồi.”
Lương Tự thản nhiên đáp “Ừm”, giống như không thực sự quan tâm đến câu trả lời của cô. Phương Dương trên xà kép hơi sững sờ, bày ra vẻ mặt hóng chuyện.
Dư Thanh không biết nên nói gì tiếp.
Chàng trai bỗng đưa một chiếc túi, Dư Thanh nhìn thoáng qua. Túi ni lông màu đỏ căng phồng, không thấy rõ có gì bên trong, ngay trong màn đêm lúc này có chút gì đó khó nói.
“Gì á?” Cô hỏi.
Giọng nói đó mềm mại vô cùng, chữ “á” rơi xuống nhẹ bẫng. Cậu từng nghe nhiều cô gái nói chuyện, nhưng không một ai giống cô. Rõ ràng là giọng điệu rất bình thường, nhưng tai người nghe lại tê dại.
“Sẵn tiện mua.” Câu hất hất cằm, nhét vào lòng cô, “Lấy ăn đi.”
Hành động đó có hơi mạnh, Dư Thanh vô thức ôm vào lòng. Lương Tự sờ mũi, ánh mắt nhìn hai bên rồi chuyển về gò má của cô, hắng giọng nói câu “Về sớm chút”, sau đó xoay người đi mất.
Dư Thanh: “…”
Cô nhìn chiếc túi trong tay, rồi nhìn chàng trai đã đi xa. Cậu vừa đi vừa lấy hộp thuốc lá trong túi quần ra, rút một cây nhét vào miệng, cúi đầu mở bật lửa châm thuốc, tiếp đó rít một hơi, phả ra vòng khói trong không khí.
Đêm tối làm bóng dáng cậu trông cao gầy và thẳng thớm hơn.
“Trong đó là gì vậy?” Phương Dương không nhịn được hỏi.
Dư Thanh mở túi ra nhìn, lặng lẽ hít sâu một hơi. Hầu như toàn là đồ ăn vặt của trẻ con, bánh tôm, khoai lát, bánh quy, kẹo cao su, có cả một bịch kẹo thỏ trắng. Cô ngước mắt nhìn qua bên đó, đằng xa, chàng trai đang chơi bóng bàn với điếu thuốc bên môi.
Lớn từng này, lần đầu tiên có người mua đồ ăn vặt cho cô.
Khối lượng nặng trong tay cô là minh chứng rõ ràng của cảm giác tồn tại. Phương Dương nhảy xuống khỏi xà kép. Dư Thanh mở túi ra để cô bạn thích gì lấy đó, Phương Dương không nói không rằng, chỉ cười hì hì, xé gói bánh tôm.
Hai người đi ra khỏi quảng trường nhỏ theo hướng ngược lại.
“Sao biết nhau đấy?” Phương Dương hỏi.
Dư Thanh kể ngắn gọn bằng vài ba câu, nhưng hoàn toàn không đề cập đến chuyện ở Tây Ninh, thật ra ngoài chuyện đó thì có vẻ hai người cũng không phải thân quen lắm. Lời này lọt vào tai Phương Dương, đổi lấy một tiếng “À” kéo dài.
“Thì ra Lương Tự là anh của cô bé theo cậu học vẽ.” Cô bạn nói.
Bóng của lùm cây hai bên đường và bóng đêm đen nhánh tương ứng với nhau, ngọn đèn đường đứng thẳng tắp ở góc phố, bóng người qua lại lúc ngắn lúc dài. Người đi bộ trên đường và từ ngã tư đến lướt qua nhau, nếu quen biết sẽ dừng lại chào hỏi.
Dư Thanh và Phương Dương tạm biệt nhau dưới ánh đèn.
Khi cô xách một túi đồ ăn vặt về đến nhà, ông bà ngoại đang xem kênh buổi tối. Bà ngoại vỗ xuống giường đất gọi cô lên ngồi, Dư Thanh leo lên giường, đổ hết đồ ăn vặt trong túi ra. Ông bà ngoại không ăn, vậy là vào bụng cô hết.
Sau đó cô về phòng ngủ, bà ngoại còn dặn “Tối đừng ăn kẹo.”
Dư Thanh nằm trên giường, nhìn tới nhìn lui viên kẹo thỏ trắng trong tay. Lục Nhã không bao giờ cho cô ăn mấy thứ này, nhưng bà ngoại sẽ nói “Ăn một ít không sao, con nít mà.”
Cô thoải mái nhắm mắt lại, môi nở nụ cười.
Mơ mơ màng màng chìm vào giấc ngủ, cũng không nhớ bà ngoại vào phòng tắt đèn lúc nào. Dư Thanh mơ một giấc mơ, trong mơ có con đường yên tĩnh, con ngõ dài, đường ruộng quanh co khúc khuỷu.
Trăng lên từ phía tây lượn lờ.
Ánh trăng mỏng manh đó rọi chút màu sắc lên drap giường, Lương Tự vẫn mở to mắt trong đêm tối. Tiếng lá xào xạc trong gió phát ra từ sân vườn tĩnh mịch, Lương Tự cực kỳ tỉnh táo.
Chỉ mới bốn giờ sáng, cậu đã thức dậy.
Thẩm Tú đã bắt đầu bày hàng ra bán, Lương Tự đến phụ. Sáng sớm thứ hai, không khí trong lành và mát mẻ, hết thảy động tĩnh trên bầu trời đen như mực cũng rõ ràng vô cùng. Một hàng dù đỏ trong chợ được dựng lên, dưới dù gắn đầy bóng đèn, ánh sáng chiếu rọi từng không gian nhỏ, chủ quán ngồi bên dưới, hầu như ai cũng mặc áo khoác phao quân đội.
Hơi nóng bốc lên dần từ những quán ăn nhỏ.
Lương Tự xách rổ rau củ ra ra vào vào, gió tờ mờ sáng ập vào tay áo và cổ. Có lẽ vận động quá nhiều, người cậu đổ đầy mồ hôi. Một lúc sau, sau khi Thẩm Tú bày xong hàng, Lương Tự đi mua hai xửng bánh bao nóng hổi mang về.
“Cũng mấy giờ rồi mà trời vẫn đen thế này.” Mẹ cậu nói.
Lương Tự nhai bánh bao, ngẩng đầu lên nhìn bầu trời trên đỉnh đầu. Bức màn đêm đen chầm chậm mở ra, xa xa đã có dấu hiệu trời sáng.
“Trời sắp sáng rồi.” Cậu nói.