Hai hôm sau, Bách bàn giao công việc cho Triệu Tân xong xuôi, lại cho hắn một bản kế hoạch sản xuất, hướng dẫn hắn cách tính toán tối ưu hoá nguyên liệu để đạt hiệu quả. Lại cùng Trần Thủ Độ khởi công công trình đường ray 30 dặm từ Miêu Trại ra bến sông Như Nguyệt. Hắn mang theo 50 công nhân công bộ được Trần Thủ Độ phân phó cho mình về Kinh, bịn rịn chia tay Miêu Trại, chia tay đám công nhân lên thuyền. Khi đi còn dặn dò bọn Triệu Tân không được bóc lột công nhân, bọn chúng chính là rường cột ngành sắt của nước nhà.
Xuôi dòng đến Lục Đầu thì lại ngược dòng về Kinh, khi hắn đến Đông Bộ Đầu thì xa xa trên bến có đoàn người đến đón. Lại gần thì thấy Thánh Tông, Quang Khải và ra tận nơi đón. Trần Thủ Độ vừa xuống thuyền thì Thánh Tông đã chắp tay:
- Thượng phụ đã gần thất thập còn bôn ba vì xã tắc, làm đám con trẻ thật xấu hổ trong lòng.
- Quan gia đừng nói thế, việc này ta không đi không yên tâm. May mắn không nhục mệnh Thái Thượng Hoàng.
- Mời Thượng Phụ lên điện Phong Thuỷ nghỉ ngơi, rồi chúng ta vào cung Thánh Từ luôn.
- Thôi không cần vào Điện Phong Thuỷ nữa, chúng ta vào cung Thánh Từ luôn, chắc Thái Thượng Hoàng cũng muốn gặp ta rồi.
- Vậy làm Thượng phụ mệt nhọc rồi.
Lại quay sang Bách cười:
- Minh Tự liên tiếp lập công, Trẫm và Thượng Hoàng lấy gì thưởng cho ngươi đây?
- Không dám! Quan gia thưởng thần rất hậu, chính vì thần thấy không xứng đáng với ân nghĩa ngài đối đãi với hạ thần, nên hạ thần phải lập công hãn mã vì Quan Gia.
Quang Khải cười lớn:
- Ta vô tình thưởng phủ nhỏ ở bên của Vũ Thành Vương phủ cho ngươi, không ngờ nay cả Vũ Thành Vương phủ ngươi cũng được. Ta cũng thấy là kỳ duyên, mấy hôm nay ta đã sai người dọn dẹp, Đinh gia cũng cử người vào ở trong đấy để sắp xếp dọn dẹp hộ ngươi rồi.
- Chiêu Minh Vương chu đáo rồi.
Mấy người lại cùng nhau vào cung Thánh Từ. Đến cửa cung đã thấy Thái Tông chờ săn, bước ra lấy hai tay đỡ Trần Thủ Độ:
- Thượng phụ vất vả rồi.
- Thượng Hoàng và Quan Gia nhận được bản tấu của ta rồi chứ?
- Đã nhận được, ta và Hoảng Nhi vui không ngủ được. Ngài từ từ nói, cứ vào nghỉ ngơi đã.
Đoàn người tiến vào chính điện, hai vua và Trần Thủ Độ ngồi ghế, bọn Quang Khải, Trần Cung và Bách đứng chầu. An vị, Thái Tông quay lại hỏi:
- Người nói một chút tình hình hiện giờ đi.
Bách chắp tay:
- Bẩm Thượng Hoàng và Quan gia, thần đến nơi, khẩn trương tìm kiếm vị trí. Được Thái Sư ủng hộ nên bọn quan viên rất hợp tác, thần được thổ dân dẫn đến khu mỏ khi xưa được sư phụ đưa qua thì nhận ra. Núi này gần một Miêu Trại, bèn hạ trại tại đấy bắt đầu tìm kiếm. Nhờ bọn công nhân và binh sĩ gắng công làm việc, đã khai cửa mỏ. Lại dùng quặng luyện thử sắt. Thu được kết quả tốt, quặng này thần đánh giá trung phẩm, từ 100 cân có thể luyện được 50-60 cân sắt. Mạch quặng kéo dài, lại lộ thiên nên dễ khai thác, với tốc độ một năm khai trăm vạn cân sắt thì phải hàng mấy trăm năm mới hết. Cần đẩy nhanh nhân lực vật lực, theo thần tính toán, sản lượng một năm khoảng nghìn vạn cân (1 cân = ½ kg, tương đương 5 nghìn tấn quặng) là hợp lý.
Hắn nói điều này đã lượng trước việc công cụ lao động thời nay không thể cơ giới như xưa, nhưng vẫn làm mọi ngươi húp một hụm khí lạnh, nghìn vạn cân ở thời điểm này có ý nghĩa gì, tính bỏ đi thì từ nghìn vạn cân này cũng luyện được năm trăm vạn cân sắt, đây sẽ là bao nhiêu nông cụ, bao nhiêu vũ khí, bao nhiều tiền tài đây.
Thánh Tông quay sang Trần Cung, hắn hiểu ý chắp tay:
- Đúng như Minh Tự nói, thần ở đó quan sát từ khi khai cửa mỏ, tốc độ ngày càng lớn. Đặc biệt, càng ngày càng có thêm nhiều sắt thép, công cụ lao động trong mỏ càng ngày càng nhiều lại càng tăng năng suất lao động. Khi mới đào, mới có mấy chục người vào mỏ cùng lúc, giờ đến mấy trăm người vào mỏ. Một ngày một người họ đào được 100 cân là chuyện thường. Nhưng Minh Tự không cho đào lung tung, đào đến đâu lại phải lấy gỗ tốt chằng chống, lại không cho bọn công nhân ở lâu trong đó, đều chia ca để làm, nếu để bọn này tự do đào thì một ngày chúng đào được mấy trăm cân không phải là không thể.
- Không đơn giản như vậy, khai mỏ chú ý nhất là an toàn, ta kiến nghị công nhân khai mỏ nên có chuyên môn hoá, người khai mỏ, người đốt than cốc, người luyện sắt cần phân chia rõ ràng. Quặng đào ra nhiều mà thiếu lò luyện thành sắt thì ngồi chơi à?
Trần Thủ Độ lại nói:
- Đúng vậy, còn có đường ray và toa xe kéo kia nữa, cần nhân rộng ra khắp các khu mỏ, chớ để trễ nải việc này.
- Đúng vậy.
Đoạn sai bọn quân hầu khiêng vào một hòm vũ khí, công cụ vào. Hai vua và Quang Khải tò mò xem xét hồi lâu. Thấy những công cụ này được rèn hoành chỉnh, chất lượng rất tốt, xem sang hòm vũ khí thì hàn quang bóng loáng. Hắn lại lấy một hộp nhỏ, mở hộp lấy ra hai con dao bấm. Hai con dao này là nghệ nhân công bộ theo ý hắn lấy sắt rèn thành thép, lại tôi bằng dầu trẩu làm ra. Mẫu mã thì do hắn vẽ. Đẹp đẽ vô ngần, hắn tay bấm tách tách, lưỡi dao thò lại thụt ra. Hai tay dâng lên cho Thái Tông và Thánh Tông.
- Anh em công nhân và quân sĩ trong mỏ làm ra đồ vật nhỏ, kính dâng lên Thái Thượng Hoàng, Quan Gia. Chúc Thái Thượng Hoàng, Quan Gia sống lâu trăm tuổi, chúc Đại Việt rèn một năm nghìn vạn cân sắt.
Thái Thượng Hoàng cười lớn:
- Tên nhóc này đi vài tháng đã học được thuật tâng công, lại biết nghĩ đến người dưới, như vậy cũng đã trau dồi thuật ngự hạ. Được lắm, trầm không phụ tâm ý của người: Thưởng tiền cho công nhân làm việc trong mỏ, lại chế định cứ làm công nhân mỏ 2 năm khi về địa phương được nhận một bộ công cụ tuỳ chọn. Quân sĩ trong mỏ cũng được thưởng tiền, thăng lên 1 cấp, lại được tuỳ chọn một binh khí. Như vậy đủ chưa.
- Thần thay mặt đám công nhân, binh sĩ tạ ơn Thái Thượng Hoàng.
- Những việc kế hoạch của mỏ sắt ngươi là hành gia. Trẫm theo ý ngươi mà làm. Ta đợi ngươi về là công bố chuyện này. Trẫm quyết định phong ngươi là Thiết Sử, trật tòng tử phẩm. Chưởng quản việc sắt khắp thiên hạ, nhưng ngươi yên tâm, ta còn có việc dùng ngươi, việc Thiết Sử này chỉ cần ra kế hoạch cho Phó Thiết Sử Triệu Tân làm.
Bách nghe thế thì cũng chẳng hiểu chức quan kia là gì, chỉ biết là quan cũng thấy vui. Bèn quỳ xuống:
- Thần tạ ơn Quan gia.