Cô Thành Bế

Cô Thành Bế - Quyển 14 Chương 9: Kết: Song hỉ




Kết: Song hỉ



Hi Ninh năm thứ ba, Thôi Bạch một lần nữa bước chân vào Hàn lâm đồ họa viện xa cách bấy lâu, mà lần này, thân phận của gã là nghệ học Đồ họa viện.



Trước đó, hoàng đế Triệu Húc muốn tìm họa sư vẽ một bức “Giáp trúc hải hải đường hạc đồ” làm bình phong Thùy Củng Điện, lại chê phong cách vẽ của người trong Họa viện cứng nhắc, sa vào hình thức, muốn tìm người bút pháp sáng tạo chấp bút, thái hoàng thái hậu Tào thị bèn đề cử Thôi Bạch với ngài, khen phong cách vẽ của gã không tầm thường, Triệu Húc bèn cho vời Thôi Bạch vào cung, cùng họa bức bình phong đồ sộ này với mấy vị họa sư nổi tiếng Ngải Tuyên, Đinh Huống và Cát Thủ Xương.



Sau khi hoàn thành, phần Thôi Bạch làm đứng nhất nhóm người, mặt rồng mừng rỡ, bèn hạ chỉ bổ nhiệm Thôi Bạch làm nghệ học Đồ họa viện. Mà Thôi Bạch xưa nay vẫn hằng cởi mở phóng khoáng, không muốn bị Họa viện ràng buộc nên một mực ra sức từ chối xin đi, cuối cùng, hoàng đế ân chuẩn cho gã không cần phải vào Họa viện nhậm chức mỗi ngày, “Ngự tiền không có chỉ thì chớ phiền nhiễu y”, bấy giờ Thôi Bạch mới miễn cưỡng tiếp nhận, làm quan cao trong Họa viện.



Thiên tử trẻ tuổi ngày nay khác với hai vị tiên đế, bừng bừng tinh thần phấn chấn, từ lúc bắt đầu lên ngôi đã lập chí canh tân, xây dựng nước giàu binh mạnh, sau đó bổ nhiệm Vương An Thạch làm tướng, đao to búa lớn cải cách chế độ pháp lệnh, thay đổi phong tục, lề lối của Họa viện cũng nằm trong kế hoạch canh tân của ngài. Thế nên, Thôi Bạch như cá gặp nước, cải biên tình trạng lấy bút pháp của cha con Hoàng Thuyên làm thước đo chuẩn mực suốt trăm năm qua của Họa viện, dẫn Họa viện Đại Tống bước vào một kỷ nguyên mới tràn trề nhựa sống.



Sau khi tự quay trở lại Họa viện, ta gần như không có cơ hội xuất cung, trước khi Thôi Bạch một lần nữa bước vào Họa viện, chúng ta chưa từng gặp lại nhau bận nào, cửu biệt trùng phùng, cả hai đều vô cùng mừng rỡ, sau một hồi hàn huyên, Thôi Bạch lấy một cuộn tranh ra, bưng hai tay đưa cho ta, nói: “Năm đó lúc rời khỏi Họa viện, tôi từng nhận lời với Hoài Cát sẽ tặng cậu một bức họa, nhiều năm qua, tôi vẽ rất nhiều bức, nhưng không ưng ý được bức nào, không dám làm nhục lời khen ngợi của quân tử. Mấy năm trước cuối cùng cũng vẽ xong một bức tạm coi là được, hôm nay xin được tặng Hoài Cát, mong hiền đệ vui lòng nhận cho.”



Ta cảm ơn gã, nhận lấy xem, thấy tranh vẽ một vùng ngoại ô, trên triền núi lưa thưa khóm trúc thu, cỏ viên mọc thành bụi, một cặp hỉ thước núi chao nghiêng phía trên bức họa, chim mái đã đậu trên cành khô cây tàn, đang kêu hót với một con thỏ rừng ngồi phía dưới bên trái, còn chim trống thì bám theo nó, đang giương cánh bay tới.



Đây là kiệt tác ta chưa từng trông thấy trước đây, vận dụng nhiều loại kỹ xảo: hỉ thước núi, lá trúc, cỏ thu dùng vẽ phác đắp màu, bút pháp tinh vi cẩn trọng, còn bụi gai và lá cây khô thì dùng bút pháp không xương, loang màu chấm phá, không cần bút mực dựng khung.



Cây khô bút ý phóng khoáng, đường triền núi dùng mực đạm mặc sức tung hoành. Bộ lông con thỏ rừng lại là một tuyệt tác khác, hoàn toàn không có nét viền, cũng rất khó để hình dung bằng một kỹ xảo đặc định nào đó, lông vẽ từng bút từng bút, y như bộ lông thật vậy, tầng lớp rõ ràng, dài ngắn không đồng đều, vừa có lớp lông măng mảnh dẻ mềm mại, vừa có lớp lông dài bao ngoài thô thẳng dày dặn, mỗi sợi lông đều được miêu tả hết sức tỉ mỉ, tựa như chạm tay là có thể cảm nhận được xúc cảm mềm ấm mịn mượt ấy. Cả bức họa có thể nói là tập hợp sở trường mọi phái quốc triều, bút ý bao hàm cả thô nhám lẫn tinh mịn, song lại có thể cân bằng hài hòa, khiến người ta xem mà thán phục.



Song, khiến ta kinh ngạc nhất là cách gã miêu tả vẻ mặt của chim thú trong tranh. Con chim mái dáng điệu lả lướt, nhưng lại cúi thân xuống dưới, há mỏ dang cánh ra oai với con thỏ rừng, mắt trợn tròn, biểu cảm tức giận cực độ, lại để lộ mấy phần thê lương.



Con chim trống sau lưng nó kéo cái đuôi màu trắng thật dài, thân hình phiêu dật, sắc mặt không phẫn nộ như chim mái mà có vẻ hơi sửng sốt, cũng pha lẫn hoang mang, tuy bay theo chim mái song lại không giống như có ý định cùng nó đối đầu với thỏ rừng, tựa hồ còn chưa nghĩ ra bước kế tiếp nên làm thế nào. Mà con thỏ rừng mang bộ lông dày dặn thì đang quay đầu ngửa mặt nhìn lên, ngơ ngác trông về phía con chim mái giận dữ, chân trước bên phải lúng túng nhấc lên, như tiến thoái lưỡng nan, không biết làm sao mới phải.



Ta quan sát cảnh tượng trong tranh, mơ hồ đoán được thâm ý Thôi Bạch gửi gắm trong đó, mà gã cũng chỉ vào con chim mái, giải thích: “Hỉ thước núi tính lanh lợi, ham quần tụ, có tập tính bảo vệ lãnh địa của mình. Nếu có kẻ ngoại lai xông vào, chúng sẽ vấp phải những tràng kêu hót thị uy đối với chúng. Mà con thỏ rừng này thì có khả năng là đi lầm vào lãnh địa của một cặp hỉ thước núi trong lúc vượt ngàn, chim mái bất mãn nên phẫn nộ muốn đuổi nó ra ngoài…”



Ta gật đầu, ngậm một nét cười cạn mỏng, cuối cùng khóa tầm mắt lên thân cây bên phải bức họa, ở đó đề lạc khoản của Thôi Bạch: “Gia Hựu năm Tân Sửu, Thôi Bạch chấp bút.”



Ta treo bức “Song hỉ đồ” trong phòng, thường trầm mặc đăm đăm nhìn ngắm, mỗi lần ngắm đều mất hồi lâu, mà theo đó, những chuyện cũ trước kia cũng hiện lên trong đầu, rõ mồn một như chỉ cách một giấc chiêm bao.



Sau vài tháng, ta quyết định cất bức họa này vào Bí các, vừa để thôi chạm phải những vết thương cũ, cũng là vì nó quá mức đẹp đẽ, đẹp đến chẳng giống một món đồ ta có thể lưu giữ.



Đời này ta đã được chiêm ngưỡng rất nhiều dấu ấn mỹ lệ muôn hình vạn trạng: Ta đã thấy hoàng thành huy hoàng, thư họa tao nhã, đồ chơi tinh xảo, và cả mỹ nhân như ngọc hay giang sơn như tranh của thời đại thanh bình này… Nhưng, chúng không thuộc về ta, thân phận đặc thù của ta đã định đoạt ta chỉ có thể là người bàng quan những sự vật tươi đẹp ấy, ta đã quen làm chứng cho sự tồn tại của chúng, lại chẳng có ý định thử mưu cầu sở hữu chúng.





Ngày cất “Song hỉ đồ” là tiết Hoa Triêu năm Hi Ninh thứ tư, phần lớn người trong cung đã theo đế hậu đi Nghi Xuân Uyển thưởng hoa, trong cung điện vắng ngắt, thưa thớt bóng người.



Lúc đi tới ngoài Tập Anh Điện, ta nghiêng đầu nhìn về phía bức tường chắn giữa sân viện và hậu cung. Đó là thói quen hình thành qua nhiều năm, dù cho mỗi lần chỉ vừa quay đầu, ta đã nhớ ra, công chúa không còn nữa, dải hoa trên đầu cành đào đã vắng bóng một năm.



Nhưng kết quả của cái quay đầu lần này lại hoàn toàn nằm ngoài dự liệu của ta – trên cây hoa đầu tường có dải hoa, đã treo đến bốn năm dải, còn có một cành trúc đang run rẩy với lên trên, muốn treo thêm một dải màu hình cánh bướm.



Trong chớp mắt ấy, trong tai ta nổ ầm, hoàn toàn bất động tại chỗ, nhìn trân trân dải màu treo trên đầu cành kia, cơ thể không tự chủ được run lên, trong lồng ngực đau đến hít thở cũng khó khăn.



Cuối cùng, điều cấm kỵ suốt nhiều năm qua bị ta ném bỏ rốt ráo, ta bước vòng qua tường cung, băng qua trùng trùng những cửa điện có hoặc không có người canh giữ bằng tốc độ kinh người, chạy vào hậu cung.




Chỉ cách một bức tường thôi mà vòng qua vòng lại như vượt thiên sơn vạn thủy. Chạy thẳng đến khi sức cùng lực kiệt, phì phò thở gấp, ta mới vào được hậu cung đã xa cách chín năm, trông thấy cảnh tượng dưới cây hoa đào sau bức tường son kia.



Một thiếu niên mười sáu, mười bảy tuổi chắp tay sau lưng đứng trước cây hoa đào, thân bận áo dài cổ tròn ống tay hẹp màu mai đỏ, dáng người cao ráo, tướng mạo anh tuấn, giờ khắc này đang nhìn chằm chằm cô bé trước mặt, đong đầy trong mắt là ý cười ấm áp.



Mà cô bé thì đưa lưng về phía ta, vóc dáng nom rất nhỏ nhắn, tóc vấn hai búi kiểu thiếu nữ, hẳn tuổi chỉ mới mười hai, mười ba.



Cô mặc áo váy màu liễu, đang giơ cành trúc treo dải hoa lên cây đào, dáng vẻ non nớt, động tác cũng như liễu mảnh hứng gió.



Mục tiêu lần này của cô là cành hoa cao nhất, nhưng cô nhỏ người, thử ba phen mấy bận vẫn chẳng cách nào treo được dải hoa lên đầu cành như mong muốn. Cậu thiếu niên xem rồi cười nói: “Để ta tới treo giúp cô đi thôi.”



Cô bé ngoái lại đáp: “Không cần. Miêu nương tử nói, lần nào đại tỷ tỷ cũng tự tay treo.”



Cô vừa quay đầu, ta lập tức bắt gặp một gương mặt giống Thu Hòa như đúc. Trong sát na, ta tưởng chừng như thời gian chảy ngược, ta lại quay trở về khoảnh khắc nhiều năm về trước, khi vô tình chạm mặt Thu Hòa trong Nghi Phượng Các. Mắt ngọc mày ngài vẫn y nguyên, ngữ điệu mềm nhẹ vẫn y nguyên, chỉ có điều cô bé này bé hơn đôi chút, so với Thu Hòa năm đó nhiều thêm hai phần ngây thơ.



Lại nghe cô nhắc đến Miêu nương tử và “đại tỷ tỷ”, ta chợt vỡ lẽ, cô chính là con gái Chu Chu của Thu Hòa, thập nhất công chúa của Nhân Tông, phong hiệu hiện giờ là Bân quốc đại trưởng công chúa. Cửu công chúa cùng mẹ với cô đã chết yểu vào năm Trị Bình thứ tư.



Lại đánh giá mặt mày như đã từng quen biết của cậu thiếu niên kia, ta cũng suy đoán ra cậu là Trọng Khác năm đó, tứ hoàng tử của Anh Tông nay đã đổi tên Triệu Quần. Không lâu trước đây, kim thượng vừa phong cậu là Gia vương.



Thấy Chu Chu đáp vậy, Triệu Quần cả cười: “Ai bảo cô lùn! Không chịu để ta ra tay thì ta về đây, tiết Hoa Triêu năm sau lại tới, nhất định là cô hãy còn ở đây, với tới với lui vẫn chẳng với đến.”




Giọng cậu tùy ý, chẳng có dáng vẻ gì là đang nói chuyện với cô cô mình, trái lại, hình thức hai người chung đụng với nhau như anh em vậy.



Chu Chu nghe cậu nói thế cũng không tức giận, ngoẹo đầu suy nghĩ rồi bỗng ngoắc tay với cậu: “Qua đây.”



Triệu Quần hỏi: “Làm gì?”



Chu Chu chỉ xuống mặt đất: “Cậu qua cho ta kê nhờ chân đi.”



Triệu Quần lắc đầu: “Há có cái lý để thân vương làm chuyện như vậy! Ta không qua.”



Chu Chu bĩu môi, giả đò nổi quạu: “Ta là cô cậu đó!”



Triệu Quần cười nói: “Cô cái gì mà cô, rõ ràng là Trư Trư.”



Nói thì nói vậy, song cậu vẫn lại chỗ Chu Chu, cúi người gập eo, quả thực cho Chu Chu giẫm lên lưng mình.



Chu Chu một tay vịn tường, tay còn lại cầm cành trúc bám lên vai Triệu Quần, dè dặt bước lên lưng cậu, sau đó lắc la lắc lư đứng lên, lại với dải hoa lên cành cao nhất, vừa treo vừa nói: “Cậu mà không chịu nghe lời ta, ta sẽ kể chuyện ‘Lông của ta’ cho Vương cô nương và Bàng cô nương nghe…”



Triệu Quần phủ phục trên đất, kêu: “Họ thì liên can gì tới ta?”




Chu Chu nói: “Không liên can à? Thế sao bữa trước thái hậu lại cố ý triệu họ vào cung ngắm hoa?”



Triệu Quần đáp: “Mẹ muốn chọn tân phu nhân cho nhị ca, không liên can đến ta.”



Chu Chu lại hỏi: “Không liên can đến cậu mà hôm đó cậu hớt hơ hớt hải chạy đi tìm họ nói chuyện làm gì?”



Triệu Quần nhếch khóe miệng, nhoẻn một nụ cười gian giảo: “Ta nói với họ, sau này đừng ngại đi Ngọc Tân Viên xem bắn cung với Bân quốc đại trưởng công chúa, ở đó ngoài chim quý thú lạ, sứ thần ngoại bang ra, còn có rất nhiều người đáng xem khác, ví dụ như Tào…”



Cậu còn chưa dứt lời, Chu Chu đã hét lên một tiếng kinh hãi, trượt chân, ngã từ trên lưng Triệu Quần xuống, cả người cả cành trúc nhất tề lăn quay ra đất.




Triệu Quần vội xoay người đứng dậy vươn tay đỡ cô, ta im lặng đứng sau một cây hòe xem hồi lâu, lúc này cũng rảo bước qua, cùng Triệu Quần đỡ Chu Chu lên.



Triệu Quần và Chu Chu quan sát ta, đều có phần ngạc nhiên.



Ta cũng cảm thấy mình xuất hiện quá bất ngờ, bèn hành lễ tạ lỗi, xin đại trưởng công chúa thứ cho mình đường đột, rồi cúi đầu cáo lui, chậm rãi lui tới cửa cung viện.



Lúc ta xoay người, Chu Chu bỗng mở miệng gọi ta: “Ông ơi, xin hãy đợi đã.”



Xưng hô của cô đối với ta làm ta thất thần một chớp mắt – Ông ơi?



Năm nay ta bốn mươi mà đã biến thành cụ ông trong mắt cô rồi ư?



Như để trả lời câu hỏi này, ta cụp mắt, nhìn thấy bóng mình trên mặt đất, eo cong lưng gù, quả thật là diện mạo lão giả.



Chu Chu đi tới trước mặt ta, đưa cho ta một cuộn tranh: “Cái này rơi từ trong tay áo ông ra lúc ông đỡ cháu mới nãy ạ.”



Ta hai tay nhận lấy, khom người cảm ơn cô. Cô bé nhìn ta đầy thương xót, chợt tháo chiếc vòng ngọc trên cổ tay ra, lại gọi Triệu Quần tới, kéo ngọc bội đeo trên hông cậu xuống, buộc lại rồi dúi cả vào tay ta.



Ta kinh ngạc trố mắt, không biết nên phản ứng thế nào. Triệu Quần đại khái cho rằng ta băn khoăn, bèn mỉm cười khích lệ ta: “Nhận lấy đi, đây là đại trưởng công chúa thưởng cho ông đó.”



Ta không nhiều lời, chỉ gật đầu, kính cẩn cảm tạ rồi cất vòng ngọc và ngọc bội vào ngực áo, lại lần nữa cáo lui.



Lúc sắp ra cửa, ta quay đầu nhìn lại hai đứa bé trẻ trung xinh đẹp kia, họ lại tiếp tục cười nói rôm rả treo dải hoa, trên đầu sóng sánh ánh dương, chung quanh vấn vít tơ nắng, dải màu và hoa đào nhảy múa trong gió xuân, hoa rơi tung bay như tuyết.



Ta im lặng cúi đầu, bưng “Song hỉ đồ” bước từng bước ra khỏi nơi sân sâu đương độ xuân nồng, chốn đào nguyên ngạt ngào hương sắc. Có nội thị chạy tới, đóng lại cánh cửa sau lưng ta, khóa nỗi lưu luyến hồng trần lại không gian ta đánh rơi phía sau, mà ta cũng chẳng ngoái đầu, chỉ tiếp tục đi về phía trước, hờ hững bước lên con đường chẳng định đích đến.



Càng đi càng xa, tiếng thiếu niên nói cười mới rồi đã ẩn khỏi lỗ tai, mà xa xa lại loáng thoáng có tiếng tấu nhạc từ giáo phường vọng tới, là giọng dăm ba nữ tử lựa theo cung thương, đang hát một khúc ca u uẩn:



“Gặp gỡ, chốn đào tơ, vạn dặm mênh mang khói nước mờ. Giữ người khôn đặng người cất bước, xuân thu gió nguyệt chơ vơ. Hoa đào tựa mưa rơi cứ ngỡ, mặt người nào hay cõi chờ.”