Cô Thành Bế

Cô Thành Bế - Quyển 14 Chương 8: Đào tơ




Hoàng thái hậu Tào thị chấp chính mười ba tháng rồi thu rèm hoàn chính, hoàng đế Triệu Thự bắt đầu lên triều.



Trong thời kỳ thái hậu buông rèm, nhập nội đô tri Nhậm Thủ Trung thường nói xấu hoàng đế trước mặt thái hậu, đến lúc hoàng đế tự mình chấp chính, ông ta lại đổi phắt sang nịnh bợ ngài, bịa đặt bôi nhọ thái hậu, ý chỉ thái hậu không muốn hoàn chính, thậm chí còn có lòng phế lập, làm hoàng đế sinh khúc mắc trong lòng, thậm chí còn ngừng vấn an hằng ngày, công khai biểu lộ bất mãn với thái hậu.



Trọng thần trong triều thấy hai cung không hòa thuận, đều liên tiếp dâng tấu, khuyên hai bên hòa giải, mà Tư Mã Quang ngoài khuyên can còn viết sớ dằng dặc hơn ngàn lời hặc Nhậm Thủ Trung, liệt kê cụ thể hơn mười tội trạng của ông ta bao gồm kết đảng kiếm chác, nhận hối lộ, ức hiếp người ngang hàng, tham ô tài vật, bịa đặt tin vịt, ly gián hai cung, yêu cầu hoàng đế xử trảm. Dưới sự dẫn dắt của y, đám ngôn quan Lữ Hối liên tục tiến ngôn, trước sau dâng mười mấy chương sớ, đều là sớ hặc tội, cuối cùng khiến hoàng đế hạ lệnh cách chức Nhậm Thủ Trung trục xuất khỏi kinh, điều đi Tân Châu.



Tuy Nhậm Thủ Trung đã bị trục xuất, song quan hệ của hoàng đế và thái hậu vẫn chưa phục hồi. Triệu Thự lạnh nhạt với thái hậu, lại dời bốn ấu nữ Nhân Tông để lại ra khỏi cung thất ban đầu, cho con gái mình vào ở. Hành động này khiến Tư Mã Quang đau lòng nhức óc, tức sùi bọt mép, dâng sớ chỉ thẳng hoàng đế vong ân phụ nghĩa, nói: “Thần xin lấy nhỏ nói lớn. Giả sử trong gác dân thường, nhà có một vợ và vài đứa con gái, có mười mẫu ruộng, sản nghiệp tấc vàng, về già chẳng có con trai, bèn nuôi con cháu tông tộc làm con nối dõi, người vừa mất, con y lấy được điền sản rồi, lập tức vứt mẹ bỏ em, khiến họ sầu lo căm phẫn, vậy hàng xóm hương thân sẽ nhìn con y bằng con mắt thế nào? Kẻ thất phu làm vậy còn bị làng xóm cười chê, huống hồ là thiên tử chí tôn, là tấm gương ngưỡng vọng của bốn bề! Đây sẽ là bước đầu khiến bệ hạ đánh mất nhân tâm.”



Sau đó, Triệu Thự có vẻ hổ thẹn, có sự giảng hòa của nhóm phụ thần Âu Dương Tu và hoàng hậu Cao thị, mới bắt đầu vấn an thái hậu trở lại.



Trong lúc lạnh nhạt với thái hậu, Triệu Thự cũng đồng thời tỏ ý tôn sùng chiếu cố phụ mẫu thân sinh của mình. Cha ruột Triệu Thự là Nhữ Nam quận vương Triệu Doãn sau khi hoăng đã được truy phong làm Bộc vương, một năm sau khi lên ngôi, Triệu Thự hạ chiếu lệnh quần thần bàn bạc tổ chức lễ cúng tế Bộc vương. Nhóm tể tướng Hàn Kỳ và tham tri chính sự Âu Dương Tu chủ trương kiến nghị hoàng đế xưng Bộc vương làm hoàng khảo (*), bởi “con thừa tự nhận làm thừa tự, cha mẹ ruột cũng xưng cha mẹ”, còn nhóm đài quan Lữ Hối, Phạm Thuần Nhân, Lữ Đại Phòng và gián quan Tư Mã Quang thì chủ trương xưng Nhân Tông làm hoàng khảo, Bộc vương là hoàng bá, nói “nước không hai vua, nhà không hai cụ”, nếu hoàng đế tôn Bộc vương làm cha thì Nhân Tông biết đặt đi đâu?



(*) Người cha đã mất thì gọi là khảo.



Phe đài gián và phe tể chấp không ai nhường ai, dâng sớ tranh luận dài dặc, khiến trận tranh luận này kéo dài gần hai năm, sử gọi là “Bộc nghị”. Trị Bình năm thứ ba, hoàng thái hậu gửi thư tay, cho phép hoàng đế gọi Bộc vương là cha, tôn Bộc vương làm Bộc An Ý hoàng, ba phu nhân của ông cũng được xưng hậu. Triệu Thự tức thì ban chiếu viết tay, nói: “Lễ xưng thân, ấy là cẩn tôn từ huấn.” Đài gián thỉnh bãi chiếu lệnh, Triệu Thự bỏ ngoài tai, cuối cùng cách chức ba người Lữ Hối, Lữ Đại Phòng, Phạm Thuần Nhân điều ra ngoài.



Trong cuộc tranh luận này, thần tử trong triều nghiêng về phe đài gián nhiều hơn, phe tể chấp bị coi là tiểu nhân gian nịnh, nhất là Âu Dương Tu, người đã dựa vào kinh điển, cung cấp lý luận quan trọng cho hoàng đế xưng thân trong cuộc tranh luận này.



Triệu Thự nhiều bệnh, tại vị chưa đầy bốn năm đã băng hà, miếu hiệu “Anh Tông”. Sau đó, người đăng cơ là trưởng tử hai mươi tuổi của ngài, đại hoàng tử Trọng Châm nay đã đổi tên là Triệu Húc.



Không lâu sau khi Triệu Húc lên ngôi, đối thủ chính trị kết oán với Âu Dương Tu vì sự kiện “Bộc nghị” đã triển khai công kích nhằm vào y.



Đầu tiên là Tiết Tông Nhũ, em họ phu nhân Tiết thị của Âu Dương Tu có thù riêng với Âu Dương Tu, tung tin vịt trong triều, nói y tư thông với con gái Ngô Sung, con dâu trưởng nhà y, ngự sử Bành Tư Trung, Tưởng Chi Kỳ liền mượn việc này hặc Âu Dương Tu.



Nhưng chứng cứ họ đưa ra lại rất thiếu sức thuyết phục. Nhũ danh của Ngô thị là “Xuân Yến”, họ bèn tìm vài bài từ của Âu Dương Tu, nói trong đó vừa có “Xuân” lại vừa có “Yến”, là ám chỉ tên của Ngô thị.



Trong chuyện này, hoàng đế Triệu Húc rất kiên định đứng về phía Âu Dương Tu, thậm chí còn mắng thẳng vào mặt Tưởng Chi Kỳ, nói: “Các ngươi đại sự chẳng nghị, lại chỉ chăm chăm bới móc chuyện khuê môn người ta!” Sau đó nhất nhất đuổi tất thảy đài quan hặc Âu Dương Tu khỏi triều đình, nhưng vẫn có đài quan tiếp tục luận việc Âu Dương Tu “tư thông với con dâu”, mà Âu Dương Tu cũng nản chí ngã lòng, tự xin điều ra ngoài, hoàng đế không phê chuẩn, y bèn dâng sớ khẩn cầu thêm lần nữa.



Tháng Ba năm Trị Bình thứ tư, lúc ta mang tranh cuộn ngự dung Anh Tông mà họa sư Họa viện hoàn thành đến Bí các thờ phụng, vô tình gặp được Âu Dương Tu đi từ Bảo văn các ra ngoài. Nhiều năm không gặp, y vẫn liếc mắt nhận ngay ra ta, gọi ta vô cùng thân thiện: “Lương tiên sinh.”



Xưa nay, y vẫn luôn dành cho ta và công chúa sự quan ái như một trưởng bối, khi hai ta bị ngôn quan công kích dữ dội, y chưa từng hùa theo đám đông chỉ trích chúng ta lấy một lần. Nay nghe y gọi vậy, trong lòng ta ấm áp, lập tức thi lễ với y, hỏi thăm: “Đã lâu không gặp, tướng công vẫn khỏe chứ ạ?”



Tham tri chính sự là phó tướng, bình thường mọi người cũng tôn xưng y là “tướng công”. Nhưng Âu Dương Tu nghe thế lại lắc đầu, mỉm cười nói: “Kể từ hôm nay, ta đã không còn là tham tri chính sự nữa rồi, tiên sinh đừng gọi ta là ‘tướng công’ nữa.”



Ta kinh ngạc bật thốt: “Nói vậy là sao?”



Âu Dương Tu đáp: “Kim thượng đã chấp nhận đơn từ chức của ta, bãi chức tham tri chính sự của ta, lệnh ta đi tri Hào Châu. Ngày mai là ta rời kinh rồi, thế nên ban nãy mới vào Bảo văn các, bái biệt Nhân Tông hoàng đế.”



Trong Bảo văn các cất giữ ngự thư của Nhân Tông, cũng thờ cúng ngự dung của ngài, thần tử triều Nhân Tông rời kinh thường tới đây bái biệt.



Chuyện của Âu Dương Tu bị đài quan làm ầm làm ĩ, ta cũng đã được cho hay, giờ khắc này nghe y nói vậy, không khỏi tiếc nuối sâu sắc, nói: “Chuyện đài quan nói, kim thượng đã tra rõ là vu khống, biếm truất kẻ mưu hại, sao tướng công vẫn xin đi?”



Âu Dương Tu không nói kỹ nguyên nhân, chỉ đáp bằng một câu vỏn vẹn: “Ta chỉ là thấy mệt rồi thôi.”



Ta nghe mà cảm khái, lại liên tưởng đến chuyện năm xưa ngôn quan nói y “trộm cháu”, thở dài: “Tướng công cả đời chính trực không tránh né oán giận, tiếc là lại bị ngôn giả làm liên lụy.”



Âu Dương Tu nghe vậy nhoẻn cười, nói: “Thuở thiếu thời ta từng mời tăng nhân xem tướng, tăng nhân nói ta, tai trắng hơn mặt, tên khắp thiên hạ; môi không chạm răng, vô cớ chịu báng”, Hôm nay xem ra, câu ấy ứng nghiệm thật rồi.”



Ta nghe xong cẩn thận quan sát y, quả nhiên phát hiện tai y trắng hơn mặt, môi có chạm răng hay không thì nhìn bên ngoài không thấy rõ được, không biết có ý gì, ta cũng chẳng tiện mở miệng hỏi y, bèn chỉ mỉm cười.



Cười với ta chốc lát, y thu lại nét cười, nghiêm mặt nói với ta: “Cả đời này ta quả thật đã bị lời ong tiếng ve làm liên lụy, hai lần bị tổn hại danh dự, cũng khiến tâm thân mệt mỏi, khổ chẳng nên lời, nhưng ta vẫn rất vui mừng, kiếp làm quan của ta được sống trong thời đại ngôn lộ rộng mở.”




Ta ngẩn người, bắt đầu nghiền ngẫm lời y, còn y thì tiếp tục nói tiếp: “Lời đài gián nói hữu hiệu, trên có thể phòng ngừa quốc vương lạm dụng hoàng quyền, tể chấp độc đoán chuyên quyền, dưới có thể giám sát bách quan, quét sạch tác phong kỷ luật, khiến phường gian nịnh hủ bại không có chỗ ẩn thân, động chút là dâng tấu luận bàn, thực ra cũng là biểu hiện chính trị trong sạch, tuy rằng trong tranh đấu bè đảng không thể kiểm chặt chi tiết, thường bị đối phương dùng để mượn cớ định tội mưu hại. Trong đài gián quốc triều cố nhiên cũng có kẻ tiểu nhân lợi dụng chức quyền trả thù riêng, loại trừ phe đối lập, nhưng đa số là những quân tử không sợ quyền quý, không mưu tư lợi, ngay thẳng dám nói. Có họ, những quyền thần như Hạ Tủng mới không thể một tay che trời, nữ sủng như Ôn Thành mới không có cơ hội họa quốc, ngoại thích như Trương Nghiêu Tá khó mượn thế hậu cung gà chó lên trời, mà nội thần gian nịnh như Nhậm Thủ Trung càng không cách nào lộng quyền tham chính… Lời ong tiếng ve đương nhiên có tai hại của nó, nhưng vẫn tốt hơn là ngôn lộ tắc nghẽn. Nếu có một ngày, đài gián chỉ còn hữu danh vô thực, quốc vương mặc sức muốn gì làm nấy, khiến nữ sủng, cận thị, ngoại thích đều có thể nắm bắt cơ mật, can thiệp triều chính, hoặc giả trọng thần triều đình độc tài quyền bính, không tị hiềm thân thích, để đến nỗi ai cũng làm tới quan cao, kẻ đầy tớ phu xe cũng có thể làm bạn với vua, đạo đức tiêu vong, phong tục suy đồi, mà ngôn giả lại sợ cường quyền, vừa không thể độc lập có lời, vừa không dám chỉ trích sai lầm kẻ ngồi ngôi cao, bách tính dẫu có ý kiến cũng chẳng thể nói rõ, chỉ có thể hóa bất mãn với người mình cung phụng thành đầy bụng chê trách, lén lút truyền lưu… Như vậy thì vận số Đại Tống cũng đến lúc tận rồi.”



Y trang nghiêm quay đầu, nhìn Bảo văn các sau lưng, mắt lộ vẻ cảm hoài lưu luyến, sau đó lại nói: “Cũng may ta gặp được quân chủ ngửa mặt sợ thiên biến, cúi đầu ngại tiếng người, nghiêm khắc với bản thân, lại không mù quáng chẳng biết phân biệt phải trái, biết người thiện lành, lấy lễ đãi sĩ, chịu nghe can gián, mở rộng ngôn lộ quốc gia, tất cả mọi người đều chịu ngôn giả giám sát, không ai có thể tùy ý làm bậy, độc đoán chuyên quyền, thế nên, ta rất mừng được sinh ra trong thời đại có thể xưng là trời yên biển lặng này…”



Nói tới đây, y thoáng dừng lại, dụng tâm nhìn ta rồi mới nói tiếp: “Dẫu cho chúng ta đều từng bị thời đại ngộ thương.”



Bất kể là vào năm cuối cùng Nhân Tông tại thế hay là dưới thời trị vì của Anh Tông, công chúa đều sống cùng mẫu thân, tuy rằng trong phủ công chúa ở ngoài cung hãy còn có một vị phu quân trên danh nghĩa của nàng. Nhưng sau khi Triệu Húc đăng cơ, chuyện này đã xảy ra biến hóa.



Triệu Húc là người cháu công chúa rất yêu quý, từ nhỏ đã hợp tính với nàng. Không lâu sau khi lên ngôi, ngài đã phong công chúa làm Sở quốc đại trưởng công chúa, ban tước ấp cho nàng trở thành hoàng nữ tối cao đương triều. Thái độ của ngài với công chúa thoắt đem lại hi vọng mới cho Miêu nương tử, mấy lần tìm người thay mặt thuyết phục, xin hoàng đế cho phép vị đại cô cô này của ngài ly dị với dượng, tái giá với người khác. Nhưng Triệu Húc không đồng ý, nói thẳng với mẹ con công chúa: “Trước đây Nhân tổ (*) khôi phục danh vị phò mã đô úy cho Lý Vĩ là hi vọng cô có thể tiếp tục làm dâu nhà họ Lý, tuân theo phụ đạo nhân luân, phổ biến đức hiếu thiên hạ, hiển minh tài đức thuyền quyên vương bang, trở thành mẫu mực cho hoàng thất ta. Cô cô hiếu thuận với Nhân tổ thì nên vâng theo lệnh cha, nối lại tiền duyên với Lý Vĩ, toàn tâm toàn ý với nhà chồng, hôm nay há có thể vì Nhân tổ quy tiên mà mặc kệ di huấn, nảy lòng muốn cải giá với người khác? Nếu cô cô khăng khăng, Húc chẳng dám cản, nhưng xin cô cô nghĩ lại, cô và dượng không hòa thuận đã khiến Nhân tổ ôm mối hận suốt đời, nếu đoạn tuyệt với Lý thị, Nhân tổ dưới suối vàng hay biết, sẽ còn đau lòng đến mức nào?”



(*) Tổ ở đây là gọi ông nội, diễn giải đầy đủ ra thì là “ông nội Nhân Tông”.



Công chúa im lặng, không phản bác, Triệu Húc lại đưa ra thêm một yêu cầu: “Cô cô mang danh phu thê với Lý Vĩ, không tiện ở lâu trong cung, người ngoài biết được cũng có lời chê trách. Không bằng quay trở về phủ công chúa, cầm sắt hòa hợp, mới là điều nên.”



Dưới sự ra sức khuyên giải của ngài, công chúa rốt cuộc cũng bằng lòng, trở lại phủ công chúa theo ý ngài. Sau đó, Triệu Húc cũng tuyên bố xóa bỏ quy định “Nhà thượng chúa, hàng một bậc chiêu mục”, đồng thời chính thức hạ chiếu yêu cầu về sau công chúa hạ giáng đều phải hành lễ với cha mẹ chồng, phụng dưỡng nhà chồng như con dâu nhà dân thường.



Nghe nói, lúc công chúa chuẩn bị lên xe quay lại phủ cũ, Triệu Húc đã khom người tạ lỗi với nàng, nói: “Xin lỗi, cô cô. Nhưng tất cả người trong hoàng thất đều như nhau, chẳng thể phóng túng dục vọng của mình, cũng không thể trốn tránh trách nhiệm của mình.”



Có người hay ngồi lê đôi mách kể lại cho ta từ đầu chí cuối sự việc, vừa kể vừa quan sát vẻ mặt ta. Ta chỉ trầm mặc nghe, mặt không gợn sóng, trong lòng cũng chẳng xao động cảm xúc như họ mong đợi. Bởi ta biết, đối với công chúa, kết cục đã sớm định sẵn, tuổi hoa của công chúa đã kết thúc vào năm nàng hai lăm, cánh hoa tàn lụi nương thân chốn nào thực chất đã chẳng còn quan trọng.



Có thể tưởng tượng được, ở phủ công chúa, cuộc sống của nàng và Lý Vĩ tuyệt đối là “kính nhau như khách”, cả hai người họ đều bị thương quá nặng, họ cũng sẽ không thử tu bổ lại quan hệ đổ vỡ, có thể giữ trạng thái yên lặng cho mình đã là tốt lắm rồi. Có lần, ta nghe một họa sư nói y nhìn thấy Lý Vĩ cõng tiểu công tử họ Lý trong vườn, hỏi kĩ lại, ta được biết, đó là con Vận Quả Nhi sinh hạ, công chúa không có đứa con của riêng mình, đương nhiên, rất có thể sẽ mãi mãi chẳng bao giờ có.



Mỗi dịp lễ tết, ta đều đến chân tường Tập Anh Điện, xem dải hoa công chúa cắt cho ta. Nàng cũng chưa từng nhỡ hẹn, ngày ấy vừa hửng sáng đã lập tức treo dải hoa lên ngọn cây đào, đợi đến lúc Tập Anh Điện mở cửa, ta đi vào trong sân, dải hoa ấy đã sớm vượt qua đầu tường, đón gió tung bay trên đầu cành, như một đàn bướm truy tìm hương thơm.




Năm này qua năm khác đều là như vậy. Nàng trở về phủ công chúa rồi cũng không bỏ thói quen này, bận nào cũng vào cung trước lễ tết một ngày, treo dải hoa lúc rạng sáng như lệ cũ.



Thất tịch một năm nọ, chẳng biết tại sao nàng tới chậm, đến gần trưa ta mới thấy đầu cành đào có dải hoa treo lên, là mắc vào một cành trúc, với lên cây đào treo sang.



Là công chúa tự mình treo ư? Ta rảo bước lại gần tường cung, loáng thoáng nghe thấy bên trong vọng ra tiếng ngọc bội lanh canh.



Ta ngẩn ngơ đứng đực tại chỗ, nhìn cành trúc kia lên xuống cao thấp, treo đóa hoa cắt từ từng miếng lụa màu lên ngọn cây đào đã qua kỳ đơm bông, khó mà dời bước hồi lâu.



“Lương tiên sinh!” Bỗng, có người từ Bí các đối diện chạy tới, cất giọng gọi ta.



Giọng cậu ta rất lớn, ta vẫn chưa thu lại tầm mắt, trông thấy cành trúc phía trên cây hoa rung rung, tiếp đó dải hoa mắc đầu cành rơi xuống.



Người nọ đã chạy tới bên cạnh ta, ta vội xoay người đối mặt với cậu ta, nhận ra cậu ta là Bạch Mậu Tiên đã lâu không gặp.



Năm đó, cậu ta cũng bị xử phạt sau sự kiện công chúa gõ cửa cung giữa đêm, bị giáng chức điều ra Tiền tỉnh làm tiểu hoàng môn Thư viện. Sau đó, Anh Tông đăng cơ, mấy công chúa trẻ tuổi vào cung ở, thiếu nội thần hầu hạ, Tiểu Bạch lại được điều vào Hậu tỉnh làm việc.



Tiểu Bạch hiện giờ đã trưởng thành thành một thanh niên tuấn tú, mặc công phục nội thị cấp cao, trong tay bưng vài quyển trục, thần thái phấn chấn.



“Khá lắm, tấn cấp rồi.” Ta ngậm cười khen cậu ta.



Cậu khiêm tốn khom người với ta, mỉm cười đáp: “Đều nhờ công tiên sinh dạy dỗ.”



Ta hàn huyên với cậu mấy câu, nhìn quyển trục trong tay cậu, thuận miệng hỏi: “Cái gì đây?”



“Công chúa đang học phi bạch, bảo tôi tới Bảo văn các lấy ngự thư của Nhân Tông hoàng đế về cho người làm mẫu.” Tiểu Bạch trả lời.




Công chúa? Ta hơi sửng sốt, nhưng lập tức hiểu ra, ý cậu chỉ một vị trưởng công chúa nào đó cậu hầu hạ hiện giờ, bởi cậu vào hầu vị trưởng công chúa ấy triều Anh Tông nên đến giờ vẫn giữ thói quen nguyên bản, gọi người là công chúa – giống như ta vậy, công chúa trong miệng cậu ta chính là vị công chúa trong mắt trong lòng cậu.



“Công chúa luyện phi bạch khá lắm đấy ạ, thái hoàng thái hậu cũng thường xuyên dạy người, khen người có thiên phú…” Tiểu Bạch tiếp tục tự thuật tình hình công chúa của mình, trong mắt lóe rạng niềm hân hoan từ tận đáy lòng.



Ta bần thần nhìn cậu, hơi có cảm giác bất an.



Cậu không nhận ra, tiếp tục tự mình nói với ta hồi lâu, vẫn chẳng nhớ ra cần nói rõ cho ta hay vị công chúa ấy là ai, tựa như cho rằng đó là điều người trong thiên hạ đều tỏ tường.



Mãi sau, cậu rốt cuộc cũng ý thức được vấn đề thời gian: “Ôi, công chúa còn đang chờ tôi, tôi phải đi rồi. Tiên sinh bảo trọng!”



Không đợi ta trả lời, cậu đã hớn hở bưng ngự thư của Nhân Tông chạy đi. Ta bước lên vài bước, vốn định gọi cậu ta lại, kín đáo nhắc nhở phương thức chung đụng của cậu ta và công chúa, song cậu đã nhanh chóng biến mất ngoài cửa viện. Ta im lặng dừng bước, cũng nghĩ có lẽ mình khuyên nhủ sẽ chẳng được tác dụng gì. Năm ấy hoàng hậu và Trương tiên sinh chẳng phải cũng nhắc nhở ta đấy sao, nhưng mọi chuyện vẫn cứ xảy ra, vòng xoáy vận mệnh là cái chẳng thể trốn thoát.



Quay đầu lại nhìn lên đầu cành hoa đào, đã không còn thấy bóng dáng cành trúc đâu. Ta vốn tưởng công chúa đã rời đi, nhưng đứng lặng một hồi, lại nghe thấy gió nhẹ vượt tường chở sang một tiếng than thở như có như không.



Ta chậm rãi tiến lên, hai tay đặt lên bức tường đỏ son, quay mặt về phía có khả năng có sự tồn tại của nàng.



Có lẽ nàng đang ở ngay sau mặt tường này.



Có lẽ nàng cũng đang đặt tay lên tường, thăm dò phương hướng vị trí ta.



Có lẽ vào thời khắc này, lòng bàn tay đôi ta đang đối nhau, ánh mắt cũng đang xuyên qua lớp tường đỏ ngăn trở này lồng vào nhau… Gió nổi lên rồi, nàng có lạnh chăng? Ta đưa tay ra thế này, nàng có còn cảm nhận được chút hơi ấm nào chăng?



Ta rầu rầu ngửa mặt, nhìn về phía chân trời xa thẳm.



Vắt ngang trời thu vời vợi có ráng hồng ẩn hiện, đêm nay hẳn có thể thấy trăng ló sau mây, tinh tú ngời ngời. Nhưng thiếu đi gió vàng sương ngọc, nhiều thêm Ngân Hà xa xôi, lại có ai có thể bầu bạn bên nàng, cùng thưởng nến bạc trăng thu, cùng vượt giá lạnh cung khuyết?



Kể từ ngày đó, thời gian treo dải hoa càng ngày càng muộn, ta có dự cảm không lành, lưu ý hỏi thăm, mới biết công chúa đã thân mang bệnh nặng, thường đau buốt trong ngực, hư nhược yếu ớt, thi thoảng còn có hiện tượng ngất xỉu.



Mỗi dịp lễ tết, nàng vẫn kiên trì về cung treo dải hoa. Ta vẫn đến chờ từ sớm, tuy có thể phải đợi đến rất khuya, nhưng bất kể thế nào cũng đợi được.



Song, tiết Hoa Triêu năm Hi Ninh thứ ba này, ta chờ từ tảng sáng đến gần hoàng hôn mà vẫn chưa thấy dải hoa xuất hiện trên đầu cành, chỉ có hoa đào rợp tán, nghênh hướng gió xuân nở rộ tưng bừng.



Nàng nhất định là đã hồi cung, ta còn nghe người ta nói, hôm qua vào cung thành cuối cùng chính là xe liễn của nàng.



Mà sao dải hoa mãi vẫn chưa thấy?



Ánh mắt ta chăm chú cố định trên đầu cành đào, mỗi một lần cành hoa chập chờn, tim ta đều nổi trống ngực, mà sự thật thì lại chứng minh, ấy chẳng qua chỉ là gió xuân bỡn cợt hết trận này đến trận khác mà thôi.



Lúc màn đêm buông xuống, ta rốt cuộc cũng chờ được kết quả, giương trên đầu tường không phải dải hoa sắc màu mà là lá cờ trắng xóa, tầng tầng lớp lớp, như một con sóng cả bạc đầu ập xuống trước mặt.



Từ hậu cung vọng ra tiếng khóc bi thương, không lâu sau, cửa điện trong cung bật mở, rất nhiều nội thần chạy đi báo tin lẫn nhau: Sở quốc đại trưởng công chúa hoăng… Nàng mất vào mùa xuân năm Hi Ninh thứ ba, ấy là năm thứ tám sau khi đôi ta chia lìa.



Hoàng đế Triệu Húc sai người đưa linh cữu của nàng về phủ công chúa, sau đó đích thân giá lâm phủ đệ nàng, khóc thương truy điệu nàng.



Ngài truy phong công chúa làm Tần quốc đại trưởng công chúa, đồng thời mệnh phụ thần nghị thụy hiệu cho nàng, cuối cùng, ngài tự chọn hai chữ “Trang Hiếu”, bởi “công chúa có hiếu với Nhân tổ”.



Ngoài ra, ngài còn biếm Lý Vĩ đến Trần Châu, công bố với mọi người tội danh là “thờ chủ không công”.