Năm Tân Sửu Gia Hựu đời Tống Nhân Tông, họa sĩ Thôi Bạch đã hoàn thành kiệt tác để đời “Song hỉ đồ” của mình, vài năm sau, bức tranh được cất vào Bí các, kế đó là những biến đổi thời đại, tang thương thịnh suy, vật đổi sao dời của cả ngàn năm. Ngày nay, nó tĩnh lặng nằm trong kho cất giữ của Viện Bảo tàng Cố cung Đài Bắc, là một trong những vật báu trấn viện, đồng thời luôn xuất hiện trong hầu hết mọi cuốn sách lịch sử mỹ thuật nói về tranh hoa điểu của Trung Hoa thời Tống. Chương cuối của cuốn tiểu thuyết “Cô thành bế” chính là thời khắc “Song hỉ đồ” được cất vào kho trữ lần đầu tiên.
Ngày ấy, nội thị của Hàn lâm họa viện Lương Hoài Cát đã cất “Song hỉ đồ” vào kho, dường như đó chỉ là một nội thị hoàng môn bình thường hơn cả bình thường đang thực hiện công việc thu cất tranh họa bình thường đến không thể bình thường hơn, bên trong tường viện là hoa đào thắm sắc, ấy là một mùa xuân yên lặng năm Hi Ninh thứ tư đời vua Thần Tông. Lương Hoài Cát lặng lẽ rời đi, cánh cửa sau lưng chàng đóng lại, khóa kín hương hoa viện sâu cùng nỗi lưu luyến hồng trần, bóng lưng trầm lặng chìm vào hồ nước không đáy của lịch sử, từ đó về sau chẳng còn ai nhắc nhỏm tới nữa.
Tiểu thuyết “Cô thành bế” đã liên hệ bức danh họa tiếng tăm truyền đời ở xứ người Hoa ngày nay với câu chuyện cố quốc xưa cũ không có trong lịch sử, tựa như một hành lang xâu chuỗi thời gian, dẫn thẳng tới cánh cửa sân viện của ngàn năm trước ấy, gõ vang khuyên cửa, mang theo những đêm ngày xuân thu của thời đó mà chúng ta ôn lại, dõi xem cuộc sống hằng ngày của những người trong ngoài tòa viện, trên dưới triều đình, cùng những uất ức và hoài niệm của họ.
Nửa đầu “Cô thành bế” bắt đầu khi Duyện quốc công chúa nửa đêm gõ bẩm cửa cung, đặt nút thắt gây hồi hộp cho cả câu chuyện, mà nút thắt này được cởi bỏ thế nào thì chủ yếu nằm ở nửa dưới: Công chúa và vị hôn phu “trước nay không hòa thuận” ra sao, “Song hỉ đồ” đã miêu tả bi kịch của công chúa ra sao, mà câu chuyện tưởng chừng như chỉ là chuyện nam nữ vặt vãnh này thì lại phản ánh cục diện chính trị của Bắc Tống dưới thời Nhân Tông như thế nào.
Công chúa từ chối ngồi cùng bàn với vị hôn phu, lại lưu luyến không rời một nội thị, đứng ở bờ bên kia của lịch sử nhìn lại, với biết bao nhiêu tai ương thăng trầm suốt một ngàn năm lịch sử Trung Hoa làm nền, có thể nói thời Tống Nhân Tông ngự trị, bốn bề thái bình, hôn nhân của con gái ông quả thực chỉ là một chuyện nhỏ chẳng can hệ gì tới toàn cục, cho đến giờ vẫn luôn nằm ngoài tầm mắt của các sử gia, chỉ đáng quy về thể loại chuyện tán gẫu lúc trà dư tửu hậu, vả lại, tình tiết này nếu đặt vào ngày nay cũng sẽ được coi là một vụ tai tiếng thú vị lưu truyền trên phố không thể nghi ngờ, muốn dùng đề tài này để phát triển thành tiểu thuyết bán chạy, có thể sinh động như thật mà viết nó thành một mối tình dị thường, có thể triền miên sầu muộn mà viết nó như một cuộc tình đắng cay, có thể trào phúng châm chọc, có thể tìm vui kiếm lạ, có thể quạt gió thổi tình, song, “Cô thành bế” lại không đi theo những phương thức dễ dàng đó.
Tâm điểm chân chính của cuốn tiểu thuyết cũng không nằm ở cuộc hôn nhân và tình yêu của công chúa, không nằm trong những cuộc bàn tán xôn xao trên dưới triều đình, nó như một giọt nước đặt dưới ánh mặt trời, khúc xạ ra bảy màu trong tia nắng, mà chỉ khi có bảy sắc rực rỡ này tôn lên, giọt nước mới có thể trong suốt vô ngần.
Vương An Thạch từng nói, Tống Nhân Tông làm vua, “ngửa lên sợ trời, cúi xuống sợ người”, chính phong cách cẩn thận bảo thủ này đã khiến ông suy trái tính phải, sắp đặt nên một mối nhân duyên nhìn thì có vẻ rất an toàn cho cô con gái duy nhất của mình – Làm vua, ông không muốn hôn nhân của công chúa phá hỏng thế cân bằng giữa các thế lực chính trị mà ông mất bao tâm sức mới gây dựng được; làm cha, ông hi vọng con gái mình có thể sở hữu một tấm chồng trung thành, tuyệt không hai lòng. Hai mục đích này ông đều đạt được, song, con gái ông thì lại ra sức vùng vẫy trong cuộc hôn nhân ấy, triều đình và dân gian đều biết, cơ hồ là một vụ bê bối.
Song vụ bê bối này không hề chỉ là bê bối, nó còn trở thành áp lực đối với hoàng thất, đó cũng là một điểm đặc sắc của thời Tống Nhân Tông: chế độ đài gián ưu việt, khiến quân chủ không thể nào yêu thương con gái như một người cha bình thường, càng không thể cứu con gái ra khỏi cuộc hôn nhân buồn khổ như một người cha có quyền có thế. Ông bị vây khốn vô kế khả thi trong ván cờ do chính mình bày cuộc để duy trì gốc đáy đạo đức và uy nghi hoàng gia của thái bình thịnh thế mà thần tử kỳ vọng.
Song cục diện bế tắc này cũng chẳng hề chỉ là bế tắc, nó còn biến thành khúc ai ca của cuộc đời công chúa Phúc Khang. Thân là cốt nhục duy nhất của đế vương, nàng may mắn được hưởng tình cha con như một người con gái đến từ gia đình bình dân, nàng lớn lên một cách thật tự nhiên, để rồi bỗng chợt phát hiện ra danh hiệu công chúa này như một bức tường sừng sững, vây nàng trong tòa thành cô độc vinh hiển, không cách nào chạy thoát. Cơm ngon áo đẹp chẳng qua cũng chỉ là cái xác không hồn, trong cô thành cao quý ấy chỉ có Lương Hoài Cát là xoa dịu được nỗi quạnh quẽ của nàng, song danh dự của hàm tước công chúa đến cùng cũng chẳng dung chứa được nỗi quyến luyến nàng dành cho chàng, nàng không trở thành một cô công chúa hiền lương thục đức, lòng tựa nước lặng như dân chúng mong đợi, tất thảy bi kịch sau cùng đều là bi kịch của tính nết, nàng quyết liệt chống trả, kêu cứu, vậy nhưng chẳng thể nào giãy thoát, thậm chí còn điêu tàn quá sớm.
Chính như Vương An Thạch có không muốn thừa nhận cũng không được, rằng triều đại thời Nhân Tông, hay có thể gọi là thời đại của tài sĩ thiên hạ, hãn hữu lắm cũng chẳng có lấy người nào là được tiến cử bổ nhiệm, mà cục diện chu toàn như thế thì khó tránh khỏi phải hi sinh vài cá nhân để đánh đổi. Cũng như ở cuối truyện, Âu Dương Tu đã nói với Lương Hoài Cát rằng “Chúng ta đều từng bị thời đại ngộ thương”, thế nhưng Âu Dương Tu vẫn vui vẻ gặp gỡ kiếp thế ấy.
Tôi coi “Cô thành bế” như một nụ cười ngậm nước mắt, hoặc giả là hàng lệ chảy ròng trong vắt nơi đáy lòng, mà nhân vật có thể thể hiện được ý cảnh này thì hẳn phải là người tự thuật xuyên suốt cả câu chuyện, Lương Hoài Cát. Thân phận hoạn quan đặc biệt của chàng, tính cách chính trực không màng danh lợi của chàng đã định trước rằng đời này chàng sẽ mãi mãi cách biệt với hạnh phúc và sắc màu nơi trần thế, chàng khiêm nhường lẳng lặng dõi xem mưa gió ngoài tiền triều và trong cung đình, một lòng thâm tình bầu bạn với công chúa. Khi công chúa mệt nhoài trong những năm tháng phí hoài nơi cô thành, với nỗi lòng hụt hẫng mềm mại ngây thơ của một thiếu nữ, kiếm tìm người thương vô số lần giữa biển người mờ mịt, chợt ngoảnh đầu lại, người ở ngay đó, dưới ánh lửa đèn tàn. Vận mệnh thúc đẩy ái tình, vì thân phận đặc thù của hai người mà mối tình này nặng nề đến chẳng thể tiếp tục, cuối cùng hóa thành tòa tháp canh cô độc mà trường tồn, buồng gần người xa, người đi lầu trống.
Đây là một thời kỳ thanh bình, nhưng mãi mãi kém lý tưởng một bước ngắn, mà sự không thể chạm tới ấy thì tựa hồ đã sớm được vận mệnh định sẵn. Trong “Cô thành bế” không có vai phản diện rốt ráo, không có tội ác không thể tha thứ, dù là mẹ của Lý Vĩ cũng chẳng hề chỉ có một mặt là mụ mẹ chồng thô bỉ độc địa, ai ai cũng đều có nguyên do của mình, rồi lại không ai nhường ai, họ dường như đều thấu tình đạt lý, rồi lại chất chứa đầy ắp những băn khoăn, ước nguyện của họ vốn tốt đẹp, song tự mình nỗ lực lại thường thành ra lúng túng khó xử đi ngược lại với mong muốn ban đầu. Lý Vĩ trước sau vẫn chẳng thể lọt được vào mắt xanh của công chúa, Dương thị từ đầu đến cuối vẫn không có được một cô con dâu chân chính, bất kể là việc nhỏ trong nhà hay chuyện lớn trên triều cũng đều như vậy. Một cục diện cân bằng tinh vi quá đỗi thường sẽ khiến người trong cuộc mỗi bước đều khó khăn.
“Trách chi gió đông, tự ta than”, “Cô thành bế” chính là viết về một thời đại như thế, nhân văn hưng thịnh, ngôn luận rộng mở, gió xuân phả vào mặt thì lại khó tiêu tan. Tác giả viết ra câu chuyện của ngàn năm trước này không phải để mưu lợi, không phải để kiếm lạ, trầm lắng lại đồng cảm đúng độ, tựa như nước trà xanh, dư vị khôn cùng.
Tựa đề là câu thơ của nhân vật Lâm Đại Ngọc trong tác phẩm Hồng lâu mộng, lấy ý từ bài thơ Minh phi khúc, hoạ Vương Giới Phủ tác của Âu Dương Tu, nói về sự kiện nhà Hán gả Vương Chiêu Quân tới tộc Hung Nô phương Bắc, với ý chỉ trích khi mà địa vị của Vương Chiêu Quân thì cao quý mà nhà Hán lại lấy bà ra để cầu hòa với dân Hung Nô mà người Hán vẫn luôn xem thường. Câu thơ này diễn giải ra là: “Đừng oán trách hành vi chỉ có thể lấy một cung nữ ra để ứng phó với thiền vu đáng thẹn của triều đình Đông Hán khi đó, tự ta mới là người nên phải than thở.” (ý phản phúng, tự trào)