Có Anh Đây Rồi!

Chương 24: Đại Học






Sau khi nói lời tạm biệt với Tuệ Lâm, tôi quyết định nghỉ việc ở quán trà sữa. Cảm giác cô đơn, trống trải khiến tôi cảm thấy muộn phiền khi ở lại đây. Tôi xin ba lên thành phố, sắp xếp chỗ ở, cũng tiện thể kiếm công việc làm thêm nào đó phù hợp. Tôi muốn bản thân mình sau này có thể lo cho ai đó, để người đó có thể hạnh phúc khi ở cùng tôi.

Ngày tôi lên thành phố, ba vẫn theo thói quen dặn dò tôi đủ điều. Mặc dù ba biết tôi tự lập từ nhỏ, nhưng Sài Gòn là một nơi hoa lệ và phức tạp, ông không khỏi lo lắng cho tôi. Những lúc thế này, tôi cũng chỉ biết an ủi ba, bảo với ông ấy biết bao nhiêu bạn cũng đi học xa giống tôi. Họ có thể, tôi cũng có thể, rằng ông ấy cứ yên tâm không cần quá lo lắng cho tôi.

Nghĩ sao nói vậy, nhưng tôi cũng cảm thấy có chút lo lắng. Tôi sợ mình sẽ khó hòa nhập với môi trường ồn ào náo nhiệt ở thành thị, sợ mình sẽ không đủ bản lĩnh để vượt qua những cám dỗ. Tôi sợ…. rất nhiều thứ mà tôi chưa thể lường trước được. Nhưng đối với tôi bây giờ, ngoài việc phải chấp nhận nó tôi còn biết phải làm gì khác chứ, “mạnh mẽ lên nào”, tôi tự trấn an mình.

Nhìn qua khung cửa sổ xe buýt, nơi những căn nhà cao tầng mọc lên san sát, che khuất đi tầm nhìn của tôi. Sài Gòn nhìn toàn cảnh thật nguy nga tráng lệ, nó khác hẳn với cuộc sống ở dưới quê nơi chúng tôi đang ở, nơi mà những cánh đồng thẳng cánh cò bay, hàng cây phủ lối.

Xung quanh tôi lúc này, xe cộ nối đuôi nhau hàng dài chờ đèn đỏ. Tôi chợt hiểu ra tại sao người ta lại nói, Sài Gòn là một nơi nhộn nhịp xô bồ, ai cũng vội vàng, hối hả với cuộc sống tất bật hằng ngày. Bất giác tôi cũng bị cuốn theo nhịp sống này tự lúc nào không hay.

Tôi nhìn về phía xa xăm, nơi những con thuyền đang êm ả xuôi dòng trên sông, nghĩ ngợi vu vơ về một tương lai tươi sáng, nơi đó có tôi và còn có cả Tuệ Lâm nữa. Trong lòng tôi lúc này đang trào dâng sự quyết tâm ấy, chắc chắn tôi sẽ thành công.

Lần đầu đến thành phố tôi có chút bỡ ngỡ, đường xá đông đúc, náo nhiệt khiến tôi không xác định được mình đang đứng ở đâu, cần đi về hướng nào. Đây đích thị là hoàn cảnh của câu nói “Tôi là ai và đây là đâu”.

Ngay đến việc băng qua đường cũng là một điều khó khăn đối với tôi lúc này. Tôi cứ đứng chờ từng dòng xe nối đuôi nhau đi qua, với hy vọng đường xá sẽ thông thoáng. Nhưng đời không như là mơ, xe cộ mỗi lúc một nhiều khiến tôi cảm thấy không tự tin để băng qua đường. Sau một hồi giằng co nội tâm, tôi mạnh dạn đến bên cạnh chú lái xe ôm và nhờ sự giúp đỡ.

Chú liền nở một nụ cười thân thiện, rồi dùng tay ra hiệu cho tôi: “Con cứ đi qua từ từ, giơ tay lên xin đường, người ta tự né mình thôi. Đi đi không cần gì phải sợ”.

Tôi cũng theo bản năng mà bước xuống đường hòa cùng dòng xe tấp nập, chậm rãi bước từng bước một qua đường. Tôi đã làm được, nhìn về phía bên kia đường, tôi cúi người như gửi đến chú một lời cảm ơn. Chú gật đầu mỉm cười tỏ vẻ hài lòng.

Trường tôi học nằm ngay khu vực trung tâm nên khá sầm uất, xung quanh có rất nhiều căn tin và hàng quán với đa dạng các mặt hàng đồ ăn thức uống. Ngoài ra còn có siêu thị, nhà hàng, khách sạn,... Với đủ các loại tiện ích đi kèm. Có thể nói ở Sài Gòn đúng là nơi giúp tôi mở rộng tầm mắt.

Sau khi đăng ký thủ tục nhập học và ký túc xá, tôi được sắp vào một phòng lớn với khá nhiều giường dành cho sinh viên. Tôi đến sơ qua cũng khoảng mười giường đôi. Như vậy xem ra sẽ khá đông đúc đây mà.

Hiện tại cũng chưa vào năm học mới nên chỉ có mấy anh khóa trên đang tham gia hoạt động tình nguyện còn ở lại, còn những sinh viên khác có thể vẫn còn đang ở dưới quê, chưa vào lại thành phố.

Tôi tìm vị trí giường được ghi trên tờ hóa đơn đóng học phí. Lần này tôi được ở giường dưới, thật là thoải mái vô cùng. Ký túc xá của nam nhìn chung không quá sạch sẽ, vật dụng ngổn ngang. Trên chiếc giường mà tôi đang ở, lâu lâu lại tìm ra những thứ không biết là của ai để nhờ. Đúng là tìm được một bạn nam gọn gàng sạch sẽ như tôi, thật không dễ dàng gì.

Sau gần một tuần ở thành phố, cuối cùng tôi đã tìm được một công việc phù hợp. Đó là làm gia sư cho một cậu nhóc đang học Cấp 1. May mắn chỗ cậu bé ở gần khu vực trường tôi, nên tôi chỉ cần đi bộ khoảng tầm một cây số để đến chỗ dạy thêm.

Tôi đăng ký dạy vào buổi tối để tránh ảnh hưởng đến lịch học. Cuối tuần, tôi đăng ký làm phục vụ nhà hàng, kiếm thêm ít thu nhập trang trải cuộc sống. Hàng tháng, ba gửi lên cho tôi ít tiền tiêu vặt, tôi cũng không xài đến, chỉ giữ lại trong thẻ ATM phòng khi nào cần đến thì dùng.

Tôi cứ thế sống trong vòng xoáy của công việc và học hành. Ở thành phố, mọi người không hòa đồng, thân thiện như ở dưới quê, thân ai người đó lo nên tôi cũng không giao tiếp nhiều. Thậm chí, tôi còn không có một người bạn để tâm sự, mặc dù chung sống trong một căn phòng gần hai mươi con người.

Hằng ngày, chúng tôi cứ sinh hoạt theo cách riêng của mình. Đôi lúc cũng xảy ra những mâu thuẫn vụn vặt giữa những người sống trong khu nhà, nhưng tôi cũng đã quen dần với việc đó, cũng không còn bận tâm quá nhiều về họ,...

Không biết Tuệ Lâm bây giờ ra sao, đã quen với môi trường mới chưa nữa. Cô ấy là người hướng ngoại, nên sẽ sớm tìm được nhiều mối quan hệ bạn bè thôi, sẽ ổn, sẽ tốt thôi mà. Tôi tự nói với mình như thế.

Đôi lúc, tôi muốn gọi điện hỏi thăm về tình hình hiện tại của Tuệ Lâm, nhưng mỗi lần cầm điện thoại lên, tôi lại không đủ can đảm để bấm gọi đi. Cô ấy cũng đâu nhắn tin hay gọi điện cho tôi. Tôi lại sợ làm phiền Tuệ Lâm, biết đâu cô ấy… đang bận.