Chờ Đào Nở Đỏ, Liễu Rủ Xanh

Chương 4




16

Ba tháng sau, lão thái quân trở về. Thấy ta ngây dại như vậy, lại đột nhiên hay tin Đào Hồng đã chết, bà ấy kinh ngạc đổ bệnh liệt giường.

Nửa năm nữa trôi qua, tướng quân đến thăm, ta cười ngây ngô với hắn.

Hắn nhíu mày, nhìn chằm chằm ta một hồi lâu: "Là ta... có lỗi với ngươi."

Hắn có lỗi với ta, cho nên tống cổ ta đi biệt viện xa xôi.

Ở đó ta vừa lạnh vừa đói, lúc nào gã quản lý công việc của biệt viện cũng gọi ta là ‘bà điên’. Về sau mãi không thấy ai đoái hoài hỏi thăm gì ta, gã càng được đà suốt ngày không đánh thì mắng.

Bỗng một hôm ma ma thân cận của lão thái quân tới đón ta, đưa sang Nhã Viên của lão thái quân ở ngoại ô kinh thành. Nơi đây vốn thuộc trong số của hồi môn của bà ấy. Phong thủy ở Nhã Viên rất đẹp: sau lưng dựa núi, trước mặt nhìn sông, hoa đào trồng đầy khắp núi đồi.

Ma ma chải đầu tắm rửa, mỗi ngày trang điểm cho ta sạch sẽ gọn gàng.

Thầy lang được mời đến chẩn bệnh, bọn họ gật gù nói ta mắc chứng động kinh, bản thân không muốn tỉnh lại.

Ta ra sức trợn tròn mắt.

Ma ma nghe xong chỉ biết rơi nước mắt.

Ta tới Nhã Viên lúc cuối thu, ma ma ở lại cùng ta mãi đến chớm xuân. Ma ma chỉ vào biển hoa đào phủ kín núi: "Cô nương mau nhìn kìa, hoa đào nở đỏ rồi."

Phải ha, hoa đào nở đỏ rồi.

Màu đỏ.

Màu đỏ.

Màu đỏ trải khắp núi đồi.

Cũng là màu đỏ gột mãi không sạch trong kho củi.

Vẫn chưa có ai trả nợ cho màu máu đỏ ấy!!!

17

Hoa đào ở Nhã Viên nở khắp núi, cũng nở trong tim ta.

Bệnh của ta có chuyển biến tốt, thoạt nhìn không khác gì so với lúc trước.

Ta theo ma ma trở lại phủ tướng quân, tinh thần của lão thái quân cũng tốt hơn rất nhiều.

Một năm qua đi, chúng ta lại có thể ngồi cùng nhau yên ổn ăn điểm tâm.

Đến giờ nghỉ, lão thái quân giữ ta lại nghỉ luôn trong viện của bà ấy. Ta lắc đầu, vẫn về Thạch Lựu Viên.

Tiểu Mãn, Bình Nhi và những người khác đều có mặt. Hết thảy không có gì thay đổi.

Ngày thứ ba sau khi ta trở về, tướng quân ghé thăm. Ta cười nhẹ dâng trà cho hắn, tướng quân rất hài lòng.

Buổi tối trên giường, ta lấy hết vốn liếng ra quyến rũ tướng quân đến mức hắn khó lòng tự kiểm soát bản thân. Tướng quân càng đối xử với ta dịu dàng hơn.

Ta hầu hạ tướng quân gần bảy năm, sinh ba trai hai gái cho hắn rồi nhận lấy những gì: làm vũ nương, bị người ta nhục nhã; mang thai, bị hắn đánh tới sảy mất; tuyệt vọng phát điên, bị hắn vứt bỏ.

Bây giờ gặp lại, một chút xíu áy náy hiếm có trong lòng hắn phóng đại thêm vì sự dịu dàng chu đáo của ta.

Ta ở trong cái Thạch Lựu Viện này, bám víu lấy một chút áy náy ấy mà mưu tính cẩn thận như giẫm trên băng mỏng.

Ta đối xử với tướng quân càng ngày càng dịu dàng như nước, để lộ ra cảm giác ngưỡng mộ hèn mọn, không hề bước ra khỏi viện nửa bước, cũng không đi gặp cả lão thái quân luôn. Mỗi ngày ta chỉ đọc sách luyện chữ.

Lúc tướng quân đến thì ta líu lo nói cười. Có khi hắn không hài lòng, động một tí là trừng mắt lạnh lùng, ta chỉ ngoan ngoãn quỳ gối bên cạnh hắn giống một con mèo nhỏ. Đợi khi nào tâm trạng của hắn tốt hơn ta lại quấn lấy dụi vào lòng. Tướng quân vừa ý lắm, hắn thường xuyên cảm thán:

"Ở cùng ngươi vẫn là thoải mái nhất. Nếu Thái Lam săn sóc hiểu chuyện bằng nửa ngươi thôi thì cả đời này của ta thật sự viên mãn rồi. Ta và Thái Lam là bạn từ tấm bé. Nàng ấy thanh cao kiêu ngạo, lại nổi danh tài nữ, ngay cả hoàng hậu cũng yêu chiều nàng ấy."

"Từ trước đến nay chủ mẫu luôn là người tuyệt vời nhất."

"Còn nhớ thuở thiếu thời, nàng ấy tinh nghịch đòi hái quả, ta đành đứng dưới tàng cây nâng nàng ấy lên cao. Nàng ấy thích náo nhiệt, ưa dạo chợ búa ồn ào, ta phải ra lệnh gã sai vặt đi theo nàng mỗi ngày để vừa giữ gìn danh dự lại có thể bảo vệ nàng ấy chu toàn. Mỗi lần tan học, ta sẽ chạy ngay đến chợ phía đông mua bánh mật mang đến cho nàng rồi lề mà lề mề ở nhà bên ấy đến tận buổi chiều. Khi đó mẫu thân cứ trêu mãi, bảo ta là bát nước hắt đi không hốt lại nổi."

"Tướng quân và chủ mẫu là thanh mai trúc mã, đương nhiên không thể so với người khác được."

"Thái Lam còn rất to gan nữa. Chúng ta mới thành hôn chưa được bao lâu, bệ hạ đã phái ta xuất chinh, ta bất đắc dĩ phải ra chiến trường. Không ngờ gan nàng ấy to bằng trời, dám phao tin mình sinh bệnh để đóng cửa từ chối tiếp khách rồi lặng lẽ cải trang làm nhà buôn theo ta thẳng đến biên cương. Cả đời này ta nhất định không phụ nàng."

"Tình nghĩa giữa chủ mẫu và tướng quân quả là không ai trong thiên hạ bì kịp."

Tướng quân lải nhải liên miên, ta ngồi trong lòng hắn thỉnh thoảng phụ hoạ một câu.

Đôi khi cãi nhau với chủ mẫu xong, hắn sẽ tới hỏi ta xem có cách nào khiến chủ mẫu vui vẻ không.

"Chủ mẫu đã thích chốn chợ búa phồn hoa, chi bằng tướng quân học kịch Đổi Mặt* đi, nhất định có thể chọc cười chủ mẫu. Tính ra hơn hẳn bất kể loại châu báu gì trên thế gian."

(*hay còn gọi là nghệ thuật Biến Diện, là một kỹ thuật trong kinh kịch Tứ Xuyên, đổi mặt nạ diễn rất nhanh khi phất tay áo hoặc phẩy quạt…)

18

Tình cảm của tướng quân và chủ mẫu càng ngày càng tốt thì thời gian hắn đến chỗ ta cũng càng ngày càng ít. Chỉ khi nào cơm không lành canh chẳng ngọt hắn mới đến viện của ta ngồi một chút.

Số lần hắn đến ít đi nhưng sự áy náy với ta lại nhiều hơn trước.

"Ngươi rảnh thì có thể dạo vườn hoa một chút. Suốt ngày ru rú trong viện thì sức khoẻ có tốt đến mấy cũng héo hon hao gầy mất thôi."

Ta nước mắt lưng tròng, dịu ngoan rúc vào trong lòng hắn: "Thiếp biết rồi."

Bảy năm tuế nguyệt xoay vòng. Gã nam nhân nhiều lần giam ta trong viện, ép ta co quắp cả đời trong Thạch Lựu Viên, rốt cục cũng nới lỏng dây trói sau bảy năm ròng.

Ta chưa từng được tham quan phủ này. Phủ tướng quân rất lớn mà bảy năm qua ta lại chỉ biết có hai lối đi. Một là lối thông ra cửa sau, là đường ta vào phủ cũng là đường ta đi sang phủ khác múa hàng đêm. Lối còn lại là đường sang viện của lão thái quân, con đường nhỏ ta lặng lẽ đi thỉnh an lúc sáng sớm và chạng vạng.

Trong thời gian bảy năm, đây là lần đầu tiên ta đứng trong vườn hoa của phủ tướng quân giữa ban ngày ban mặt, ung dung đi ngang qua đám kẻ hầu người hạ tất bật.

Tiểu Mãn đi cùng ta. Ta dựa vào lan can quanh ao sen rải chút đồ ăn cho cá chép, lặng yên nhìn chúng nó tranh nhau lấy lòng chủ nhân.

Ta gặp được năm đứa con của ta. Chúng nó đi cùng phụ thân và mẫu thân của mình ngang qua ta. Ta nhìn theo không nỡ chớp mắt, chúng nó y như đám con cháu danh gia vọng tộc mà ta từng thấy.

Ta nhún gối vấn an những đứa con chính mình rứt ruột đẻ ra.

"Chào Đại công tử."

"Chào Nhị tiểu thư."

19

Chiến tranh ngoài biên cương lại bùng lên, Thiên Tử ra lệnh cho tướng quân Lý Quảng Phú lập tức nhận chức thống soái* xuất chinh.

(*Người chỉ huy cao nhất trong một chiến dịch của quân đội)

Lần đầu tiên chủ mẫu gọi ta đến sảnh chính để hỏi chuyện.

Ta nối gót nha hoàn thân cận của chủ mẫu đi vào, sợ hãi quỳ trên mặt đất. Sảnh chính nguy nga tráng lệ, chủ mẫu cũng lộng lẫy loá mắt như châu như ngọc.

Ma ma đứng cạnh chủ mẫu đánh giá ta. Dù ta nhỏ hơn chủ mẫu tám tuổi nhưng phong cách hay nhan sắc đều thua xa. Ánh mắt ma ma nhìn ta dần dần nhuốm đầy trào phúng, khinh bỉ và ngạo mạn.

Chủ mẫu vẫy tay cho người hầu lui ra, lưng ta sụp xuống thấp hơn.

"Ít ngày nữa tướng quân dẫn quân chinh chiến tận biên cương, sống chết khó liệu, không nói trước được ngày về mà chàng ấy lại không biết tự chăm sóc bản thân. Vốn dĩ ta định đi cùng nhưng dưới có con nhỏ cần chăm lo, trên có lão thái quân đang ốm liệt giường. Ngươi đã hầu hạ tướng quân nhiều năm nay, chàng đã quen dùng ngươi rồi. Cho nên lần này ngươi theo chàng đi, hầu hạ cho tử tế rồi khi nào trở lại ta sẽ đồng ý để ngươi quay về quê hương."

"Việc này ta đã bẩm báo Hoàng hậu, dù không hợp phép tắc nhưng cũng không phải trước nay chưa từng có. Ngươi cứ yên tâm đi theo chàng là được."

Ta mở miệng thưa vâng. Chủ mẫu phất tay cho ta lui ra.

Bảy ngày sau ta xuất phát theo quân đội của tướng quân, lặn lội đường xa mất một tháng mới tới thành trì vùng biên cương.

Ai ai trong thành cũng đang kinh hoảng, đường cái lẻ tẻ vài ba người qua lại vội vội vàng vàng. Lác đác có mấy đứa bé đứng ven đường gào khóc không ngừng, trông xanh xao vàng vọt.

Đại tướng quân cầm hổ phù tiếp quản tất cả các việc trong thành. Cấp dưới sắp xếp sẵn chỗ ở cho chúng ta trong một viện nhỏ. Chủ nhân trước đó của viện này là một phú ông trong thành, tên kia đã mang cả nhà về phương nam lánh nạn từ lâu rồi.

Ta và Tiểu Mãn thu dọn quét tước lại cho sạch sẽ, dù viện bỏ hoang đã lâu nhưng đồ nội thất còn rất hoàn chỉnh. Buổi chiều tướng quân trở về, ta và Tiểu Mãn làm một mâm đồ ăn tạm bợ đợi hắn về dùng bữa.

Cơm nước xong xuôi, ta cho Tiểu Mãn đi nghỉ ngơi trước rồi tự mình đun một siêu nước, tỉ mỉ rửa chân cho tướng quân, cẩn thận hầu hạ hắn nằm xuống. Tướng quân mệt mỏi nên một lát là ngủ ngay.

20

Thành trì dễ phòng thủ khó tấn công, tướng quân thay đổi phương pháp tác chiến của người đi trước. Hắn đóng cổng thành không ra ngoài, mặc kệ quân địch bên kia tường vây tức giận ra sức mắng chửi ầm ĩ. Thậm chí hắn còn sai sứ thần gửi xiêm y của nữ nhân sang trêu ngươi.

Lúc này trời đã rét đậm, khu vực thảo nguyên phương bắc vốn là vùng nghèo khó thiếu ăn thiếu mặc, mãi chưa phá được thành nên binh sĩ quân địch đã khá rệu rã.

Tuy nhiên trong thành cũng không tốt đẹp hơn là bao, tiếng kêu than vang vọng khắp đất trời. Chiến tranh kéo dài, bọn lái buôn cấu kết với nhau tranh thủ tăng giá cắt cổ vắt kiệt đến từng đồng cuối cùng của người dân sau đó ào ào chuyển nhà đi, bỏ lại một tòa thành rách nát.

Cánh quân sư mặt ủ mày chau, mưu sĩ Giả Hủ lén mách nước cho tướng quân rằng có một kho lúa thiên nhiên cách thành hơn một trăm dặm về phía tây.

Mấy ngày sau, tiểu đội mà tướng quân âm thầm giao vào tay Giả Hủ mang về mấy xe thịt tươi đầy ắp. Họ nói đây là lương thực trợ cấp từ kinh thành gửi đến và chia cho dân chúng. Già trẻ lớn bé trong thành vui mừng khôn xiết.

Ban đêm ta nơm nớp lo sợ, giật mình tỉnh giấc mấy lần hoảng hốt la to. Tướng quân quăng một bạt tai vào mặt ta, mắng: "Đúng là lòng dạ đàn bà."

Ta run rẩy bất an, cũng không dám quấy rầy tướng quân nghỉ ngơi nữa, chỉ đành co quắp trong góc giường, mở mắt thao láo đến hừng đông.

Gà vừa gáy sáng ta vội vàng vun vén bản thân cho chỉnh tề rồi làm mấy bát đồ ăn chay cho tướng quân sau đó hầu hạ hắn dùng bữa.

Tướng quân hiếm khi tỏ ra trìu mến như này với ta, hắn cho phép ta ngồi cùng ăn. Thấy ta vẫn mất hồn mất vía như cũ, tướng quân phạt ta quỳ suy ngẫm lại bản thân.

"Tóc dài kiến thức ngắn, đừng có làm hỏng đại sự của ta. Nếu việc này lộ ra trong thành thì ta sẽ bắt ngươi hỏi tội."

Sau khi tướng quân đi, một mình ta ngồi lặng trong vườn.

‘Kho lúa thiên nhiên’ chính là chỉ hơn trăm hộ gia đình toàn người già và trẻ em ở huyện Liêu quê ta.

Bởi vì giáp biên cương, mấy năm nay triều đình liên tục chiêu mộ binh lính nên nam nhân trong thôn đã ra sa trường hết cả. Cảnh người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, trông mãi phu quân chẳng về, lại còn thêm con nhỏ gào khóc đòi ăn nhan nhản khắp huyện.

Khi phụ thân dẫn ta và mẫu thân đến nơi đây, chỉ thấy phần lớn nữ nhân làm nghề buôn da bán thịt để nuôi sống con thơ mẹ già. Tiếng xấu lan xa, liên tục có binh sĩ thủ thành hoặc dân lái buôn vãng lai tới đây mua vui.

Cha thương tiếc bọn họ, khổ nỗi bản thân cũng không dư dả gì nên chỉ có thể cố gắng dốc hết sức mọn mở lớp tư thục trong thôn, cho phép bất kể nam nữ đến học miễn phí.

Chật vật như vậy mà bọn họ vẫn ráng sống sót, thế nhưng cuối cùng cũng không chạy thoát được số mệnh ‘người là dao thớt, ta là thịt cá".

Tướng quân chỉ bịa ra một cái cớ thổ phỉ, bọn họ lập tức đã biến thành ‘lương thực’ cho toàn dân của thành trì này.

Từ đó về sau huyện Liêu bị xoá sổ. Con chó vàng nhỏ nhà hàng xóm, người cha mở lớp dạy học nỗ lực tiết kiệm tiền của ta, chàng thanh niên đã hẹn ước đợi ta cập kê sẽ tới nhà cầu hôn,... tất cả đều không còn.

Ta rốt cuộc không còn quê hương để trở về nữa rồi.